SỐ 104 - THÁNG 10 NĂM 2024

 

Danh nhân Vũ Trinh

Vũ Văn Tú

Dòng họ Vũ ở thôn Ngọc Quan, huyện Lương Tài xưa nay được biết đến là: “Khoa bảng nối đời, Văn chương Hoa quốc”. Sách Bắc Ninh dư địa chí có ghi rõ đây là dòng họ nhiều người làm quan, giỏi văn chương trong thời phong kiến, được mệnh danh là Vọng tộc đất Lương Tài. Trong số những người làm rạng danh truyền thống dòng họ, phải kể đến Danh nhân Vũ Trinh, một nhà văn, nhà thơ, nhà soạn luật có tài.

Vũ Trinh là người xã Xuân Lan, tổng Lâm Thao, huyện Lương Tài, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc xưa, nay là thôn Ngọc Quan, xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.

Xuất thân trong một dòng dõi khoa bảng, ông nội là Hội nguyên Tiến sĩ Vũ Miên, làm quan đến chức Nhập thị hành Tham tụng (quyền Tể tướng), khi mất được truy tặng chức Binh bộ Thượng thư; và cha của Vũ Trinh là Vũ Chiêu thi đậu Hương giải, được Tiến triều làm quan đến chức Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Hàn lâm viện Thị chế, Tham đồng, Đề lĩnh Tứ thành quân vụ, Sơn Nam đạo Thừa chính sứ.

1
Hình ảnh Nho sĩ thời Nho học

Vũ Trinh lúc nhỏ nổi tiếng thông minh, sách nhìn qua một lượt là đọc được, làm thơ hay; sách cũ cho biết: "Vũ Trinh thuở nhỏ đã thiên tư dĩnh ngộ, sớm nổi tiếng văn chương". Năm 17 tuổi, Vũ Trinh đỗ Thủ khoa khoa thi Hương tiến (tức Giải nguyên), được bổ nhiệm làm Quốc Oai Tri phủ. Ông thi Hội đậu Tam trường, và do bạo loạn xã hội cuối thời Lê, những Cống sĩ không còn được thi thố ở những khoa thi Tiến sĩ Nho học, tuy nhiên Sử sách cho biết có một vài người chưa đậu đại khoa nhưng danh tiếng còn nổi tiếng hơn cả những Tiến sĩ Nho học là: Vũ Trinh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Du.

Năm 1787, sau khi Lê Chiêu Thống lên ngôi vua, ông được triệu về triều. Cũng trong năm này, tướng Tây Sơn là Vũ Văn Nhậm kéo quân ra Bắc Hà đánh dẹp Nguyễn Hữu Chỉnh, khi ấy, Vũ Trinh và cha đã lấy gia sản để chu cấp việc quân, vua Lê dùng nhà của cha Vũ Trinh làm nơi hành tại.

2
Hình ảnh quan văn thời xưa

Năm 1788, nhờ quân Thanh, vua Lê Chiêu Thống về lại Thăng Long; Vũ Trinh được vời giữ chức Tham tri Chính sự (Phó Tể tướng), kiêm Lại bộ hữu Thị lang, kiêm Hình bộ hữu Thị lang.

Đầu năm 1789, vua nhà Tây Sơn là Quang Trung đem đại binh ra Bắc đánh tan quân Thanh. Vua Lê Chiêu Thống lại phải chạy sang nhà Thanh cầu viện. Khi đó, Vũ Trinh trở về Hồ Sơn dạy học và viết nên tập truyện “Lan Trì kiến văn lục” dùng văn chương truyền bá đạo lý. Trong thời gian này, Vũ Trinh được người bạn là Ngô Thì Nhậm (quan lớn triều Tây Sơn) đề cử ra làm quan, song ông từ chối cộng tác với triều đại này để bảo toàn khí tiết của bậc danh sĩ.

Năm 1796, Vũ Trinh cùng với Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Đăng Sở, lập ra Thiền viện Trúc Lâm ở phố Bích Câu, soạn “Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh” là một tác phẩm sâu sắc về Phật giáo.

Năm 1802, sau khi triều Tây Sơn bị đánh đổ, Vũ Trinh được vua Gia Long vời ra giữ chức Thị trung học sĩ tại triều đình Huế.

Năm 1804, ông được cử đi khám xét việc đê điều ở Bắc Thành.

Năm 1807, Vũ Trinh được cử làm Phó chủ khảo trường thi Sơn Tây. Cũng năm này, ông làm Chánh sứ sang Bắc Kinh để tuế cống.

Năm 1809, ông được cử làm Chánh sứ đi Bắc Kinh mừng thọ vua Thanh là Gia Khánh. Trên đường đi, ông viết Sứ Yên thi tập.

Mùa xuân năm 1811, vua Gia Long sai nhóm quan chức có tài năng là Nguyễn Văn Thành, Vũ Trinh và Trần Hựu biên soạn bộ luật Gia Long (là bộ Luật dùng cho cả nước suốt triều Nguyễn).

Tháng 12 năm 1811, Vũ Trinh biên soạn Phàm lệ soạn sử nói về các thể lệ làm sử, đây chính là cơ sở thành lập Quốc sử quán triều Nguyễn.

Đại tướng Nguyễn Văn Thành kính trọng tài năng của Vũ Trinh, cho con là Nguyễn Văn Thuyên tôn làm thầy.

Năm 1813, ông được cử đi làm Phó chủ khảo trường thi Quảng Đức: khoa này 8 tỉnh miền Trung đến hết miền Nam thi chung tại 1 trường Quảng Đức, chấm lấy đỗ 9 Cống sĩ. Sau đó, Vũ Trinh được thăng chức Hình bộ hữu Tham tri (tòng Nhị phẩm).

Năm 1816, Đại tướng Nguyễn Văn Thành và học trò ông là Nguyễn Văn Thuyên bị ghen ghét, vu oan. Khi ấy, người thầy Vũ Trinh bị đoạt hết phẩm hàm, đưa đến phố Hội An (Quảng Nam). Tại đây Vũ Trinh dạy học, học trò theo học rất đông, có hơn 10 người thi đậu. Sau được ân xá, Vũ Trinh xin về; các học trò xin lưu lại và lập đền thờ ngay khi ông còn sống. Đến năm 1828, ông trở về quê nhà được vài hôm thì mất.

Các tư liệu lịch sử đều đánh giá rất cao tài năng của quan lớn Vũ Trinh, là người học vấn sâu rộng, văn chương điển lệ.

Thủ khoa hiện đại Vũ Tú nhận xét: "Dưới góc độ triết lý hành động của Nho giáo là quan niệm chính thống của thời đại ấy, danh nhân Vũ Trinh đã hoàn thành xuất sắc vai trò của một Nho sĩ: về mặt tư tưởng ông là người trung với nước, về trước tác rất đa dạng và đặc sắc, và ở cả 2 triều đại Lê-Trịnh và Nguyễn sơ đều là quan chức lớn có công lao, có những dấu ấn tốt đẹp để lại trong lịch sử nước ta."

Ngoài danh nhân Vũ Trinh, dòng họ Vũ ở Ngọc Quan còn nhiều người có tài năng phụng sự đất nước như Vũ Quyền, Vũ Đĩnh, Vũ Vĩnh, Vũ Chu…Dòng họ Vũ ở đây thực sự đã làm rạng danh đất quê Ngọc Quan với quê hương, đất nước.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2024