SỐ 104 - THÁNG 10 NĂM 2024

 

ĐỌC "BẢY MƯƠI NĂM THI CA" CỦA THI SĨ HOA VĂN

Vinh Hồ

 

I. THI TẬP "BẢY MƯƠI NĂM THI CA":

Sách in đẹp, tác-giả xuất bản tại Virginia, Hoa Kỳ, 2024, dày 290 trang.
Ảnh bìa: Bùi Mỹ Hoa

Phần đầu sách:

-Tri ân Hương linh Tứ thân Phụ mẫu
-Thương nhớ: Hương linh Hiền thê + 2 con
-Thương tặng: các con cháu
-Lời cảm tạ Nữ sĩ Thảo Chi
-Tâm tình Hoa Văn
-Cảm nghĩ về thơ Hoa Văn: Nhà văn Duy Xuyên

1. Nội Dung:

Trong BẢY MƯƠI NĂM THI CA, tác giả Hoa Văn đã sáng tác tổng cộng 19 thi tập, chia làm 4 giai đoạn sáng tác:

-Giai đoạn 1954-1975: bút hiệu Anh Hoa với 4 thi tập:
1964: Đường Em Hoa Nở
1965: Thơ Anh Hoa
1966: Thơ Lục Bát
1966: Mưa Cao Nguyên
Trích đăng 18 bài thơ

-Giai đoạn 1993-2016: bút hiệu Hoa Văn với 8 thi tập:
2002: Thơ Và Thời Gian
2005: Tạ Ơn Đời
2008: Che Đời Mưa Bay
2010: Như Áng Mây Hồng
2012: Vạt Nắng Bên Đời
2014: Cõi Thơ Ta Ở Một Đời
2015: Gió Cuốn Mây Bay
2016: Mấy Nốt Phù Hoa
Trích đăng 66 bài thơ

-Giai đoạn 2016-2021: bút hiệu Hoa Văn với 5 thi tập viết cho 1 bạn văn nữ chưa hề gặp ngoài đời:
2017: Dòng Thơ Cho Em
2018: Hương Tình Hoài Điệp
2018: Hương Hoa Tình Thơ
2019: Dòng Tình Yêu Em
2020: Hương Thắm Tình Hoa
Trích đăng 1 bài thơ và nhiều trích đoạn (trang 12-15).

-Giai đoạn 2021-2024: bút hiệu Hoa Văn với 2 thi tập, sáng tác với nhà thơ nữ Thảo Chi Bùi Mỹ Hoa:
2022: Hoa Nở Đường Về
2023: Đồi Lá
Trích đăng 67 bài thơ, và sẽ xuất bản 1 thi tập mới nữa.

2. Cảm nhận của các văn thi hữu:

Nhà phê bình văn học Nguyễn Vy Khanh, nhà văn tiến sĩ Nguyễn Ðình Tuyến, nhà thơ Hồ Công Tâm, nhà văn Lâm Chương, nhà thơ Trần Thu Miên, nhà thơ Ðức Phổ, nhà thơ Diên Nghị, nhà thơ Hà Thượng Nhân, nhà thơ Sương Mai, nhà thơ Trần Quốc Bảo, nhà thơ Nguyễn Phú Long, nhà thơ Mai Ðại Khải, nhà thơ Hưng Trần, nhà thơ Lê Ngọc Kha, nhà văn Võ Kỳ Ðiền, nhà thơ Vinh Hồ, nhà thơ Vương Thanh, nhà thơ Y Thy Võ Phú, nhà văn Lê Những, và nhà văn Lương Thư Trung.
-Cuối sách: Tiểu sử Hoa Văn

II. ĐÔI DÒNG CẢM NHẬN VỀ THI TẬP "BẢY MƯƠI NĂM THI CA":

1. NỔI TIẾNG RỰC RỠ:

70 năm làm thơ với với 19 thi tập phong phú đa dạng, thi sĩ Hoa Văn đã nổi tiếng rực rỡ từ trước 1975 và sau này tại hải ngoại. Tôi vô cùng ngưỡng mộ, thích thú đã bỏ ra nhiều thì giờ để đọc và tìm hiểu thêm trên thi đàn, được biết thơ Anh Hoa - Hoa Văn đã được đưa vào 6 bộ sách phê bình văn học VN.
Đặc biệt, thể thơ Lục bát Hoa Văn rất sáng giá, năm 1965, 1966 đã được 2 thi sĩ nổi tiếng đương thời là Diên Nghị và Kim Tuấn hết lời ca ngợi.

Năm 2016, nhà phê bình văn học Nguyễn Vy Khanh đã khám phá Hoa Văn là một nhà thơ đã "làm mới câu lục bát, với nhạc tính tự nhiên.” (Trích sách Văn Học Miền Nam 1954-1975 (nhận định, biên khảo và thư- tịch, Nguyễn Vy Khanh, 2016)

Ngoài ra, thể thơ Thất ngôn Hoa Văn, theo tôi cũng rất sáng giá, mới mẽ, có nhiều bài thơ tuyệt bút xúc động tâm hồn như: Đêm buồn uống rượu một mình, Gió sẽ vô tình thổi chút đau, Tôi ngủ ổ rơm...

Tôi sẽ có 1 bài viết chi tiết về 2 thể thơ trên.

2. CÓ NHIỀU NHẬN ĐỊNH:

Thơ Hoa Văn nói chung có nhiều nhận định mà tôi tâm đắc xin được ghi lại như sau:

-Nhà phê bình văn học Nguyễn Vy Khanh:

"Thơ Anh Hoa đưa tâm tình người con đất nước thời chiến đến với người đọc ở hậu phương, ở những nơi xa xôi, địa đầu của người lính. Thơ ông còn là những bức tranh núi rừng sơ khai, những miền đất nước tươi đẹp, với những nét truyền thần - có khi chỉ là phác thảo vì đang theo bước quân hành tiến về phía trước hoặc nếu tiếng súng không vọng đến từ sa trường. Người lính miền Nam yêu đất nước, đã lên đường giữ gìn bờ cõi, nhưng tâm hồn lãng mạn, đầy tính nhân bản, và nhất là không hề sắt máu, hận thù trong thơ."
(Trích sách Văn Học Miền Nam 1954-1975: nhận-định, biên-khảo và thư-tịch. TGXB, 2016)

-Nhà phê bình văn học Nguyễn Đình Tuyến:

"Qua tập "Đường Em Hoa Nở" ta có thể nhận chân được thái độ của nhà thơ Anh Hoa, thái độ đó là thái độ dấn thân, thái độ một người không trốn tránh trách nhiệm, không làm lơ trước tiếng gọi của chiến tranh và của tình yêu như một lối thoát trong chiến tranh." (Trích sách "Những Nhà Văn Hôm Nay" của GS Nguyễn Đình Tuyến xuất bản tại Sài Gòn 1969)

-Thi sĩ Nhà phê bình văn học Diên Nghị và Song Nhị:

"Tâm cảnh thơ Hoa Văn biểu hiện rõ nét. Thơ thật đẹp mà cũng thật buồn. Tiếng vọng từ những đoạn thơ, âm ba lời tự sự, tự thán, là tiếng thở dài não nuột, sắt se. Tác giả mang nặng nhân sinh quan bi quan về cuộc đời, mà bao đời, bao nhiêu người đã cùng bộc bạch (...)

Khi những bài thơ hình thành, kết hợp hài hoà ngôn ngữ và thanh âm, tạo được một khúc ngâm buồn, cũng là lúc người thơ đã giải toả tâm trạng ẩn ức, rời rã... thơ chắp cánh vút lên cõi trời ảo diệu." (Diên Nghị và Song Nhị, Lưu Dân Thi Thoại, Cội Nguồn, 2002)

-Thi sĩ Hà Bỉnh Trung:

"Riêng tôi, tôi lại chú ý nhiều đến tư tưởng Phật đạo và triết lý nhân sinh trong thơ Hoa Văn." (2002)

-Văn sĩ Lâm Chương:

"Chính vì quan niệm mọi vinh nhục đều là phù hư, nên anh chẳng để tâm giận ai bao giờ." (2002)

-Văn sĩ Trần Đoãn Nho:

"Thơ như người. Khiêm tốn, gói ghém, nhẹ nhàng, chân thật, không có gì lớn lối. Mỗi bài thơ như tiếng thở dài. Nhè nhẹ. Buồn." (Đầu tháng 3/2002)

-Linh mục Văn sĩ Trần Cao Tường:

"Thi tập Tạ Ơn Đời với nhiều bài lục bát mượt mà, thơ Hoa Văn bơm chất sống vào trong những tàn lụn, chuyển chất tình thành thứ keo màu nhiệm, gắn lại mọi mảnh rời xung khắc thành hoà khúc dịu êm trào dâng lẽ sống." (2005)

-Thi sĩ Trần Minh Hiền:

"Nói chung thơ của thi sĩ Anh Hoa- Hoa Văn đẹp như những bức tranh vẽ bằng thơ lục bát, thắm đượm tình người..." (Orlando, 2012)

-Nhà văn Lương Thư Trung:

"Dường như trong suốt nhiều tập thơ của nhà thơ Hoa Văn mà tôi được đọc lúc sau này thì cái ý tưởng chính của ông chính là cuộc đời và ông chấp nhận nó như một đặc ân mà Trời đất đã ban tặng cho mình và ý hướng ấy làm đời ông lại lạc quan hơn." (Houston, 2013)

-Thi sĩ Hồ Công Tâm:

"Hoa Văn là thi sĩ của tình yêu.Tình yêu bao la không bờ bến. Phải thành thật mà nói rằng trái tim thi sĩ trẻ mãi không già. Thi sĩ Hoa Văn đứng trước những bông hoa, trong đó có những đóa hoa biết nói, trái tim ấy vẫn rung lên những cung điệu réo rắt làm ngây ngất lòng người, qua những vần thơ óng ả dịu dàng đầy hương sắc." (2017)

-Văn thi sĩ Hoàng Ngọc Liên:

"Thiết tha, chung thủy là những đặc điểm của thơ Anh Hoa. Thơ và bạn, Anh Hoa đều một lòng, một dạ." (Cali tháng 2/2019)

-Thi sĩ Đỗ Bình:

"Hoa Văn ôm ấp nàng thơ một hình tượng trong mơ rồi dệt mộng, cái thực trong đời và cái mộng trong ảo giác sẽ hoà nhau chắp cánh." (Paris, 2019)

3. CẢM NHẬN CỦA VINH HỒ:

Riêng cá nhân, tôi xin mạnh dạn ghi lại những cảm nhận về thơ Hoa Văn sau khi đọc như sau:

Thơ Hoa Văn đầy sự chân thật, tình yêu thương và lòng chung thuỷ, luôn êm ái nhẹ nhàng hoà nhã, người và thơ là một, trọn tình vẹn nghĩa, hiền hoà vị tha ở ngoài đời và văn vẻ hoa mỹ, mượt mà tha thiết ở trong thơ.

BẢY MƯƠI NĂM THI CA! Dài thăm thẳm bằng cả một đời người, thăng trầm nếm trải bao thảm kịch thời thế đầy đau thương khổ lụy... do chiến tranh, tù đày, dâu bể đổ ập lên thân phận con người lẻ loi cô đơn từ năm 1954 đến bây giờ, nhưng thi sĩ Hoa Văn vẫn giữ một tấm lòng an nhiên, sắt son chung thuỷ, ông không bỏ thơ, sống với thơ, gắn bó vượt qua bao khó khăn, sáng tác cho ra đời 19 thi tập với trên 2 ngàn bài thơ đủ thể loại, và hiện tại vẫn sáng tác xuất bản, sáng tác từng ngày không biết mệt mỏi để đóng góp vào nền thi ca VN.

Trong số trên 2 ngàn bài thơ đủ thể loại của Hoa Văn, có nhiều bài thơ tuyệt bút sống mãi với thời gian đã làm tôi say mê càng đọc càng thấy hay, bởi sự chân thành, cô đọng, lời ngắn ý dài, có chiều sâu, nói về nhiều đề tài mà tôi đã từng trải qua như: chiến tranh, người lính, hình bóng người tình trong trắc trở, tiếng súng sa trường vọng về thành phố, tình quê hương vời vợi lẫn vận nước trôi nổi điêu linh, nỗi đau thương của thân phận con người, sự chung thuỷ trong tình nghĩa vợ chồng trong tình chiến hữu bằng hữu, những ưu tư về cuộc đời bể dâu, thời thế, nhân sinh... Và cao hơn hết là tư tưởng triết lý Đông phương như tiếng thở dài man mác ẩn hiện trong suốt 19 thi tập. Dù trong cảnh ngộ đớn đau bi đát nào, tinh thần tác giả vẫn bình thản, cảm xúc vẫn tràn đầy, lời thơ vẫn hiền hoà từ bi hỉ xả, vượt lên trên mọi thường tình của dâu bể cuộc đời.

Và kỳ lạ thay, mầu nhiệm thay những vần thơ sau đây của thi sĩ Hoa Văn, bản thân tôi là một người lính "thua cuộc" bị đoạ đày trong các trại tù "cải tạo", sống lưu vong tị nạn nơi xứ người, sau khi đọc, tôi cảm thấy mình như được chia sẻ, vỗ về, an ủi... bao thất bại chua cay, bao khổ đau chán chường phiền muộn... đã vơi đi... tôi cảm thấy lạc quan, mạnh mẽ vươn lên trong cuộc sống, và nghĩ rằng Hoa Văn không chỉ là một Thi sĩ mà còn là một Thi sĩ Bồ tát, đầy lòng từ bi vị tha nhân ái, sẵn sàng xoa dịu mọi tâm hồn khổ đau trần thế:

Đã biết chuyện đời cơm với áo
Thì vinh với nhục có ra gì
Bao nhiêu rồi cũng phù hư cả
Sau trước rồi ra cũng biệt ly.

(Đêm buồn uống rượu một mình)

Hay:

Ta xin hớp đắng ly tiền kiếp
Và cả phù du của kiếp này
Đời chỉ ví như canh bạc lận
Vui buồn không quá một cơn say

(Gió sẽ vô tình thổi chút đau)

Có thể nói, cõi thơ Hoa Văn là một vườn thơ mượt mà óng ả đầy mai vàng trúc tím, hay như một dòng sông thơ đầy hư ảo khói sương chảy về khơi xa bằng những cảm xúc chân thật nhưng thanh cao, bay bổng phiêu bồng lãng mạn, phảng phất tư tưởng Triết lý nhân sinh, man mác hương Thiền Đạo vị, lơ lửng giữa thực và mộng, thấy đời là cát bụi phù hư.

Thấm nhuần tư tưởng triết lý Đông phương nên ngoài đời thường và trong thơ, Hoa Văn luôn an bần tự tại, hoà nhã đôn hậu, như LM Trần Cao Tường đã viết:

"Được dịp gặp Hoa Văn một vài lần ở Boston, tôi tự nhiên thấy cảm mến nhà thơ đôn hậu này, với nụ cười luôn diễn tả một tâm hồn an nhiên thanh thản trước mọi nghịch cảnh và bao dung cuộc đời, mặc dù đã trải qua những ngày tù đầy thảm khốc!" (Linh mục Trần Cao Tường - Louisiana, 2010)

Thi sĩ Hoa Văn vốn là một nhà thơ quân đội từng đóng quân tại Pleiku khói lửa mịt mù, nhưng trong thơ ông lại đầy tính nhân bản hiền hoà không chút sắt máu hận thù, như Nhà phê bình văn học Nguyễn Vy Khanh đã viết:

"Người lính miền Nam yêu đất nước, đã lên đường giữ gìn bờ cõi, nhưng tâm hồn lãng mạn, đầy tính nhân bản, và nhất là không hề sắt máu, hận thù trong thơ."
(Trích Văn Học Miền Nam 1954-1975: nhận-định, biên-khảo và thư-tịch. Nguyễn Vy Khanh, TGXB, 2016)

Tóm lại, Thơ Hoa Văn rất Hoa Văn, mềm như lụa, êm như nhung, mượt mà như mạ non, đầy hoa mỹ, văn vẻ, trữ tình lãng mạn, mênh mang, nhẹ nhàng kín đáo, chuyên chở triết lý nhân sinh hư hư thực thực, mở ra một chân trời tự do khoáng đạt thăng hoa đầy nhân văn cao thượng, nửa hiện thực nửa trừu tượng.

Suốt 70 năm làm thơ, dù bất cứ ở đâu nơi nào, tấm lòng chân thật vị tha nhân hậu, chung thuỷ cao thượng, vẫn là một xâu chuỗi ngọc sáng lóng lánh xuyên suốt tác phẩm và đời thường.

4. MỘT SỰ LẠ LÙNG:

Có một sự lạ lùng là từ năm 2016 đến nay (năm 2024), chỉ trong vòng 8 năm mà nhà thơ Hoa Văn đã cho ra đời đến 7 tập thơ tình viết cho 2 người tình tri âm tri kỷ, xuất hiện như một hiện tượng có một không hai trên thi đàn VN hải ngoại.

Trong 8 năm này, tình thơ Hoa Văn lấp lánh như ánh sao Mai trên bầu trời thi ca tình ái lãng mạn tựa hồ như trong cõi mộng, trẻ trung lạc quan, xoay quanh 2 chủ đề khắn khít với nhau, đó là Thơ và Người Tình, Người Tình trong Thơ và Thơ trong Người Tình:

Tình đầy lửa ấm bao giờ tắt
Thơ viết ngàn trang vẫn chửa tàn
Nhờ có tình em cho ý gọi
Nên dòng thơ cứ chảy miên man.

(Bài TÌNH EM MUÔN THUỞ gồm 160 câu trong thi tập HƯƠNG TÌNH HOÀI ĐIỆP)

Không có em, anh đâu có thơ
Tình thơ khép mở khúc duyên tơ

(Tr 91 -Đời Hắt Hiu Hoa)

Tình thơ duyên bút viết chung đôi
Hoa bút hoa tơ đẹp lẽ đời
Hai trái tim reo cùng một nhịp
Bên này bên ấy một niềm vui

(Hoa Bút, Bảy Mươi Năm Thi Ca, 2024, trang 150)

- THƠ:

Dường như chưa bao giờ tác giả Hoa Văn yêu Thơ như bây giờ? Chữ Thơ, chữ Mơ, xuất hiện liên tục, vô số trong 7 thi tập. Thơ là lẽ sống của trái tim cô đơn khao khát tình yêu mãnh liệt:

Đời cho được mấy Thu vàng nữa
Thơ có còn chờ trang giấy thơm
Ý vẫn lung linh tình vẫn đẹp
Giữ câu son sắt để vuông tròn

(Lung Linh, Bảy Mươi Năm Thi Ca, trang 180, 2024)

Còn thơ còn thở thơ còn viết
Vẫn đẹp tình nhau đẹp chẳng ngờ
(Tình Yêu Hoa Cúc - dài 200 câu)
Ngồi viết thơ tình không biết mỏi
Đời cho còn được chút niềm vui

(Trang 103, Viết Thơ Tình)

Đúng là ở tuổi nào khi bước vào đường yêu cũng đầy hoa thơm mật ngọt, nhưng cũng lắm sầu đau mong nhớ đợi chờ, không ít những gập ghềnh gian nan trắc trở:

Thơ đã ngàn trang tình chẳng đặng
Còn mong còn đợi trắng sương đời
...
Ba năm một chén sầu chưa cạn
Tình chỉ hư không còn ước ao

(Thu Nhớ)

Thu đến Thu đi cho ý thơ
Bên này bên ấy mơ và mơ
Đành đem chữ nghĩa vào trong mộng
Để dệt tin yêu để đợi chờ.

(MÙA THU KHÔNG EM - trong tập thơ HƯƠNG TÌNH HOÀI ĐIỆP)

Tôi cảm động trước 4 câu thơ chân thật, chân thật tới não lòng, tôi nghĩ ở độ tuổi này trên đời không biết có ai còn yêu thơ, cần thơ như thi sĩ Hoa Văn không?

Các con nuôi Bố, Bố làm thơ
Từ độ Mẹ đi biệt đến giờ
Những lúc đêm về lòng khắc khoải
Tình sầu nên Bố lại làm thơ

(Gửi các con tôi, Bảy Mươi Năm Thi Ca, 2024, trang 78)

- NGƯỜI TÌNH:

Với 7 tập thơ tình, tác giả Hoa Văn tha hồ trút niềm tâm sự, có bài dài tới 140 câu, 160 câu, 200 câu, nhưng vẫn còn nguyên một trái tim sầu:

Anh ở đây mà hồn ở đâu
Tình ai buộc chặt trái tim sầu
(Trang 61, Anh Ở Đây Mà Hồn Ở Đâu)

Tình yêu đẹp quá để nhớ thương trong thơ, những câu thơ trở thành tuyệt bút:

Em đã cho ta tình lụa là
Nửa đời khuê các nửa kiêu sa
Mắt em sao nở chiều xuân muộn
Để nhớ trong thơ nhớ chẳng nhoà
...
Nếu vác vai này cây thánh giá
Vai kia chất nặng một ân tình
Nếu mai chết dưới bàn chân chúa
Thì chắc linh hồn được hiển linh
...
Làm sao níu được thời gian lại
Xin tạ ơn tình em đã cho

(Tạ Tình- in lại trong tập Thơ và Thời gian)

Chính Thơ và Người Tình đã làm cho nhà thơ trẻ lại, trẻ mãi không già, hai tâm hồn thơ hòa cùng một nhịp để dệt nên "khúc trường ca xanh":

Mai này nhặt nắng đồi hoa
Tình thơ Đồi Lá quyện hoà thơm hương
Tay em nở đoá Vô Thường
Tình thơ mình một khúc trường ca xanh

(Nhặt Nắng Đồi Hoa, 70 Năm Thi Ca, 2024, trang 196)

Tôi xin mạn phép mượn hai lời nhận định sau đây để thay lời kết cho bài viết này:

-Thi sĩ Song Nhị:

"Dòng Tình Yêu Em", dòng thơ vẫn thắm thiết, mượt mà, toát ra từ một tâm hồn tươi trẻ đầy chất lãng mạn qua một "mối tình" cũng thật lãng mạn khi tác giả ở vào tuổi ngoài bát tuần. Đây quả thật là một hiện tượng để minh chứng tình yêu không kỳ hạn tuổi tác, không phân biệt lứa đôi." (Ngày 1/4/2019)

-Cố Thi sĩ Du Tử Lê:

"Nếu được quyền bầu chọn một nhà thơ đã bước qua tuổi 80, có sức sáng tác chẳng những vẫn dồi dào, mạnh mẽ mà, lại có phần sung mãn hơn thời trai trẻ thì, đó là nhà thơ Hoa Văn." (Ngày 23-3-2017)

VINH HỒ
Orlando, Aug., 20, 2024

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2024