ĐỌC THƠ MỘT NGÀY XUÂN LẠNH
VÕ ĐÌNH
Mùa xuân năm nay khác thường. Cuối tháng tư, đầu tháng năm dương lịch mà vẫn có những buổi sáng lạnh đến nỗi giá đêm còn phủ trắng cỏ cây. Rồi luôn ba, bốn hôm, gió mưa sấm sét liên miên. Từ xa, thật xa, hai tập thơ đến tay tôi thật đúng lúc.
Thơ Viết Giữa Đường , mới phát hành, của Hà Thúc Sinh, Nam Cali. Viễn Phố, đang còn là bản thảo, của Hoàng Xuân Sơn (HXS), Gia Nã Đại. Hai nguồn thơ, mỗi nguồn một vẻ. Hà có cái hào khí đặc dị. Cao ngạo, sắc bén và thu hút. Có những điểm gần với Cao Tần, tuy phảng phất đôi nét cổ điển. Hoàng cũng nhớ nước nhớ người, cũng đau sầu viễn xứ. Trong thơ Hoàng cũng có rượu, có say. Cũng có khi vỗ tay mà hát “ngửa mặt nhìn trời đất hề”... Nhưng thơ Hoàng bộc lộ nhiều nhất ở chỗ, nói theo kiểu Huế: “da diết dễ sợ”. Thơ Hoàng trĩu nặng u uất, ràn rụa hư hao.
Tôi mới chỉ gặp HXS có một lần cách đây đã năm năm, nhớ mấy câu thơ mộc mạc hiền lành. Mới đọc chỉ thấy vậy. Nhâm nhi mãi, da diết tận xương tuỷ:
Huế buồn chi Huế không vui
Huế o ở lại Huế tui đoạn đành
O đau sương khói một mình
Tui đi ray rứt nội thành tái tê
... [ Huế Buồn Chi ]
Sách của Hà Thúc Sinh đã ra đời, là đã thuộc về mọi người, lúc này hãy để dành cho bạn yêu thơ bốn phương. Chỉ xin có ngay đôi lời về những trang rời của HXS, sắp in thành sách.
* * *
Nhà thơ viết : “... tôi làm thơ như tiếng nói của kẻ biếng lười... thơ chỉ là tâm sự... tôi chỉ là người ghi chép nỗi niềm... Huế o ở lại Huế tui đoạn đành...”
Tui đoạn đành với Huế, mà đã hết mô, tui cũng đành đoạn về cả miền đất hình chữ S bên kia Thái Bình Dương... Như Cao Tần 10 năm về trước (mười năm rồi ư?), như Hà Thúc Sinh gần đây hơn, và như một số bạn thơ khác, HXS tiếp nối những dòng thơ phiêu bạt gập ghềnh.
Đầu xuân lạnh tôi ngồi đọc thơ Hoàng, từng trang từng trang, “thấy niềm đau đớn xót xa: niềm đau của mình, thấy nỗi đắng cay, đắng cay của mình, thấy chán nản mênh mông: của mình... và trên chừng ấy nét tâm trạng của chính mình là một khí phách hào hùng, dù là cái hào hùng của người lâm vào mạt lộ” (*)
Tập Viễn Phố mang bốn phần lớn, trải dài định mệnh và hoài vọng :
Phải rồi tôi đang nghe tiếng gào la dậy đường âm thanh man rợ thời khuyết sử
(...)
Chúng ta như bầy thú dưới chân tường máu
dấu nổi đóng ngay trán hằng ngày
cháy khét mùi chủ nghĩa
đàn bò hàm thiếc đeo gong
lầm lũi đi đêm trường vô định
(Vọng Từ Cõi Âm)
Nhà thơ cắt da xé thịt ra đi - như ngàn ngàn chúng ta, cách này hay cách khác, đã ra đi. Hành trình xa hút tạm chấm dứt, để chỉ thấy :
Tội bỏ quê hương tội làm mất nước
Nên vẫn đêm dài mắt trắng buồn lo
(Điều Ghi Nhận Ở Một Nơi Đến)
và:
Ngồi đây lạnh buổi phân kỳ
Vẫn hồn thiếp mộng hồi quy bến nào
Nghe buồn vỡ ngọc trầm châu
(...) (Định Lực)
Xa cách, lẻ loi, thương tiếc, uất hận, không phải là những hoàn cảnh và tâm trạng hiếm có. Cổ Kim Đông Tây hễ có thơ là có những nỗi niềm ấy. Nhưng nếu tôi phải gán cho thơ Hoàng một chữ thì tôi sẽ nói đó là tiếng thơ cùng cực “cô đơn”. Hoàng không nhớ thương nước mà ngông nghênh như Cao Tần. Không nuối tiếc mà kiêu kỳ như Hà Thúc Sinh.
Hoàng rã rời, tái tê, cô độc:
Tháng tám dầm mưa con đường úng thuỷ
người hỏi thăm người cây cỏ xác xơ
nơi ấy trui sâu công trường nắng đỏ
những đám dây leo mọc kín cơ đồ
sức người bốc hơi bụi bờ sông rạch
cùng tháng năm dài bến bãi buồn xo
Và :
buổi chiều em qua gió đồng than thở
xiêu vẹo cầu ao
đám cỏ rêu nằm ngoi ngóp nhớ
đêm điện tắt xóm não lời kinh
bóng tối đầm đìa thời em tuổi nhỏ
(Nơi Ấy Bây Giờ)
Tôi được cái hân hạnh cùng quê ở Thừa Thiên, Huế với thi sĩ họ Hoàng. Tôi không thể không mềm lòng khi đọc những câu thơ Hoàng viết trong đó có một xứ Huế mà thuở còn niên thiếu tôi đã tưởng như chỉ có Huy Cận mới vẽ lên được hình ảnh và màu sắc: “Trên thành son nhạt chiều tê cúi đầu...” Huế của Hoàng có thể không “đẹp xưa” đến như thế, nhưng Huế của Hoàng vẫn đẹp tàn tạ, não nùng!
Huế chừ cách mấy triệu o
Mưa qua cửa Thượng, chiều co bến Thừa (Huế Buồn Chi)
Về thăm phố của sông đồi
Chiều vô trong Nội khép rồi cửa Ngăn (Mộng Hương Khê)
Và :
Mùa đông xứ Huế chao ơi nhớ
Những đứa con đau thắt nỗi nhà
Hỡi ơi cố lý là quê cũ
Áo trắng qua cầu em có qua?
(Huế, Từ Phong Vũ)
Ấy vậy mà những câu thơ tương tợ, “dễ thương dễ sợ” không vỗ về, xoá bỏ cái cảm giác cóng lạnh trong tôi khi đọc thơ Hoàng. Nỗi đau ấy tôi đã tìm thấy ở 12 thế kỷ trước, khi Đỗ Phủ, nhà cũng không còn để mà ly biệt (Vô Gia Biệt)
Người sống biệt tăm - kẻ chết thành bụi thành bùn
còn kẻ hèn này thua trận tìm về chốn cũ
đi lâu thấy ngõ trống
mặt trời gầy guộc khí trời thê thảm
chì thấy chồn cái xù lông dựng đứng
hú lên tiếng kêu giận dữ **
(tạm dịch nghĩa)
Thế giới đã mất của Đỗ Phủ tàn khốc và ghê rợn, có tính biểu tượng một cách quái đản. Kẻ hậu sinh tượng trưng hơn, lặng lẽ co rút hơn, Việt hơn : “Đám cỏ rêu nằm ngoi ngóp nhớ ” như một bầy cá lăn tăn mắc nạn. Thế mới biết có hận thù tàn ác, có tử biệt sinh ly: người làm thơ ngàn năm vẫn đau chung cùng với cái đau riêng. Nhìn mặt trời lớn lao mà thấy mặt trời gầy guộc, thấy cỏ rêu hèn mọn mà tưởng bị chà đạp đến mức không hít thở nổi khí trời!
Tuy nhiên, một nơi chốn thân thương mà phũ phàng như vậy, yêu dấu mà tuyệt vọng, chúng ta vẫn nhớ tiếc, vẫn gắn bó, vẫn ấp ủ trong lòng. HXS nói giùm tôi :
Cũng may ta còn giấc ngủ
Còn mơ được thấy quê nhà
...
Cũng may ta còn nặng nợ
Không quên đời gửi quê người
Một chút hoài mong còn đó
Để còn ấp ủ đày vơi
(Cũng May)
Thói đời cái “mất” to lớn bao nhiêu thì cái “còn” trân quý chừng đó:
Ừ thì mộng con mộng cả
Cố nhen bằng được chút tình
Ví như đời hành tơi tả
Vẫn còn nguyên vẹn trái tim
(Trái Tim)
* * *
Tôi nghĩ mà cười buồn. Dưới tận San Diego nắng ấm bốn mùa, Hà Thúc Sinh than :
Nắng ấm phương Nam cũng chán dần
Biển xanh càng giục nỗi buồn lên
(Tâm Cảnh)
thì tuốt bên Montreal tuyết phủ 6 tháng 1 năm, HXS oán :
Cái lạnh thổi từ âm phong trắng
Khô khốc đêm dài cánh cửa tôi
(Phong Thổ)
Tôi ở lưng chừng núi đồi Tây Bắc Maryland, bốn mùa ít khi thất thường, ngoại trừ xuân năm nay. Tôi lại không làm thơ, ngoại trừ lai rai dăm bài thơ thẩn. Tôi chỉ nghiệm thấy trong lòng le lói một niềm vui ngậm ngùi: Tôi biết ơn những người hay làm thơ và làm thơ hay. Ấm cũng làm thơ, lạnh cũng làm thơ. Ngán biển xanh cũng làm thơ, mà ghê tuyết trắng cũng thành thơ. Nghĩa là bất cứ ở đâu, làm gì, quay quắt thế nào, loay hoay làm sao; họ vẫn cứ làm thơ. Nghĩa là họ vẫn cứ hoài hoài cười, hoài hoài khóc cho mình, cho người, cho đồng bào, cho đất nước. Bởi vì họ là những người Việt Nam, những người thơ Việt Nam. Những đứa con THƠ của quê hương.
VÕ ĐÌNH,
Mùa hoa cẩu mộc 1988
* Võ Phiến, giới thiệu thơ Cao Tần - Văn Nghệ 1987
** Đỗ Phủ ( ... )
Tồn giả vô tiêu tức
Từ giã vi trần mê
Tiện tử nhân trận bại
Quy lai tầm cựu hề
Cửu hành kiến không hạn
Nhật sầu khí thảm thê
Đản đối hồ dữ li
Thụ mao nộ ngã đề
(...)
Vô Gia Biệt
(nguồn: Văn Học Mới, Vinh danh nhà thơ Hoàng Xuân Sơn, số 33, tháng 10, 2024, California, USA)
|