Đọc vài truyện ngắn của Lữ Quỳnh
TRẦN THỊ NGUYỆT MAI
Theo trang vanchuongviet.org, Lữ Quỳnh là bút hiệu của Phan Ngô, sinh năm 1942 tại Thừa Thiên - Huế. Thân phụ ông mất sớm, lúc một tuổi. Lúc nhỏ phần lớn ông sống tự lập. Là học sinh Quốc Học-Huế năm 1959-1962. Dạy học, trường Bán công Vinh Lộc 1962-1963. Cựu Sĩ Quan VNCH (Khóa 19 Trường Bộ Binh Thủ Đức, ngành HC Quân Y). Sau 1975, ông “học tập cải tạo” ở trại Cồn Tiên, Ái Tử (Quảng Trị). Cùng gia đình định cư tại Hoa Kỳ từ năm 2000.
Ông viết rất sớm, là một trong ba sáng lập viên (gồm Ngy Hữu, Lữ Kiều) đầu tiên của tạp chí Ý Thức, hậu thân tờ Gió Mai ở Huế 1958. Ngoài ra, ông còn cộng tác với Nhật báo Công Dân-Huế (1960-61), Tạp chí Phổ Thông (1960), Mai (1961), Bách Khoa (1962), Khởi Hành, Thời Tập (1972) [trong nước]. Và Văn Học, Hợp Lưu, Khởi Hành, Tân Văn… [Ở hải ngoại, từ 2001].
Giở lại tạp chí Ngôn Ngữ từ những ngày đầu, tôi chọn đọc vài truyện của ông để giới thiệu cùng độc giả.
1) Có Một Ngày Không Đi Đâu Không Về Đâu (Ngôn Ngữ số 3 – tháng 9/2019)
Buổi sáng Thuận đi ngang nhà in, nhưng không thấy lão Mùi ở đó. Lão vội vã đi vào Nam từ sáng sớm vì đứa con trai của lão đã chết trận. Bởi vậy lão không thể thực hiện được ý định mà lão mãi ôm ấp, “một mai khi hòa bình, mấy đứa con của tao có sống sót trở về, tao bắt chúng á khẩu mười năm... Để suy nghĩ. Để tưởng niệm. Và hành hạ chính bản thân mình, chính cuộc sống của mình. Sống sót giữa thời buổi này đối với tao là có tội, đã là không phải rồi. Đúng thế, phải khổ hạnh, phải á khẩu mười năm. Nhất là mấy đứa con tao đã tham dự vào cuộc chém giết này.”
Có một ý tưởng rất nhân bản trong truyện, “Cuộc chiến nào rồi cũng phải đến ngày tàn lụi, mà dù cho bên thắng hay thua, cũng đều là thất bại cả; vì nỗi đau của những bà mẹ mấtcon, người vợ mất chồng của phía nào cũng như nhau, cũng là nỗi đau chung, cùng một dòng nước mắt.”
2) Một Ngày Ở Một Thành Phố (Ngôn Ngữ số 7 – tháng 5/2020)
Cả mấy năm nay Thảo chưa về thành phố. Nay được phép trở về thăm anh là thiếu úy Đức bị thương để tận mắt chứng kiến bộ mặt đổi thay theo thời cuộc nơi thành phố cũ. Chàng đứng thật lâu nơi ngã tư phi trường nhưng không đón được xe. Cuối cùng một anh “xe thồ” trờ tới mời chàng. Đó là ngạc nhiên đầu tiên khi chàng trở lại.
Ngồi sau lưng, chàng hỏi chuyện và được biết người tài xế này là một công chức, chạy xe thồ ngoài giờ làm việc để kiếm thêm tiền nuôi sống gia đình vì vật giá tăng cao thấy rõ. Mười năm trước lương dư xài, nhưng bây giờ thì không đủ cho nửa gia đình ăn mà sống, không ai biết cho điều đó hết. Không ai nghĩ tới lũ chó chết này đã sống bằng cách nào, nên có đứa đã đi ăn cướp, ăn trộm. Tôi có lương tâm, mới làm phụ nghề này…
Chàng vào Quân y viện thăm anh Đức. Anh “may mắn” thoát chết chỉ bị mảnh đạn B40 găm vào mạn sườn bên phải, bay mất miếng thịt nơi cánh tay và luôn cả cùi chỏ nữa. Đức hằn học, “Ở thành phố này bẩn quá, ban đêm mình dẫn lính đi phục kích vất vả, thỉnh thoảng nhìn máu anh em, nhìn nước mắt vợ con anh em, ngày này tiếp ngày khác cứ sống như vậy để bọn người trong thành phố làm giàu, bọn trí thức tham nhũng, bọn trai gái đua nhau làm sở Mỹ và sống cuồng loạn. Tởm lắm cậu ạ. Trong sự hy sinh cho tổ quốc, sá gì một đời sống cá nhân bé nhỏ, nhưng cái gì cũng vừa phải. Đừng để cho những kẻ như bọn mình phải chán nản, thất vọng quá, có phải thế không?” Thảo nói với anh, “Như vậy là may rồi. Còn sống để chờ hòa bình đến.”
Rồi Thảo ghé thăm người bạn tên Dân, người thư ký xã năm xưa phất lên nhờ đi làm sở Mỹ, nên chẳng hề muốn người Mỹ sớm rút và chiến tranh chấm dứt. Chàng chán nản khi thấy, “Hình ảnh của những người lính chết ngoài mặt trận, của dân chúng quằn quại trong các cuộc pháo kích chắc chắn không làm một số người lưu tâm bằng những ngày 15, 30 mỗi tháng cầm trên tay những đồng đô la đỏ”. Để rồi sáng sớm hôm sau, chàng rời nhà Dân và đổi ý định lúc đầu: ghé thăm anh Đức thêm một lần nữa và xin phương tiện trở về đơn vị ngay. Chàng không muốn ở lại thành phố này thêm phút giây nào nữa.
2) Một Người Tù Lãng Mạn (Ngôn Ngữ số 10 – tháng 11/2020)
Truyện có bối cảnh tại một vùng biển thời Việt Nam Cộng Hòa với ba nhân vật: người tù nguyên là cán binh cộng sản, người quân cảnh và cô gái điếm từng có một đứa con trai với người lính viễn chinh Hoa Kỳ.
Một người tù chính trị đã ở tù trên bốn năm, cảm thấy chán ngấy với việc hàng ngày được lặp đi lặp lại là ăn, ngủ, làm tạp dịch. Vào một ngày “hắncảm thấy tuyệt vọng vô cùng, ... nhìn mảnh trời xanh bị cắt xén bởi mái tôn nhà ngục và hàng cây chi chít dây kẽm gai mà mơ tưởng tới hình ảnh thân yêu đã có trong quá khứ, vìtương lai với hắn thì mù thẳm.” Hắn đã hỏi chuyện sinh hoạt bên ngoài với người quân cảnh và bày tỏ ước muốn “được rời khỏi những vòng rào dày kẽm gai này trong chốc látđể đi một vòng trên bãi cát, đi bằng chân không, bước rất chậm rãi... rồi sau đó chắc chắn sẽ trở về lại đây…”
Người tù đã được toại ý. Đêm đang xuống. Từng bước chậm rãi trên biển đêm, hạnh phúc òa vỡ, hắn hít đầy lồng ngực gió biển và nhận thấy phía xa là một quán nhỏ. Hắn đến đó và gọi một tách cà phê. Rồi hắn bắt gặp một người đàn bà ngồi một mình ở bàn bên cạnh. Hắn ngỏ ý được ngồi cùng nàng. Qua câu chuyện trao đổi, hắn được biết thiếu phụ là một gái điếm có một đứa con trai hiện sống với người bố là lính viễn chinh tại Mỹ. Sau cùng người đàn bà trả tiền cà phê cho hắn và tiễn chân hắn một quãng đường trở lại nhà tù.
Khác với kịch bản “Con Sâu Trong Mắt” của Lữ Kiều, người bạn rất thân của Lữ Quỳnh, các tù binh cộng sản họp hành, đấu tranh, đả đảo giám thị, tìm cách đào hầm vượt thoát... Trong truyện ngắn này, Lữ Quỳnh đã xây dựng một người tù thật hiền và thật lãng mạn. Chỉ xin ít phút làm người tự do được đi trên cát mềm, hít thở gió biển, hứa sẽ trở lại nhà tù và chờ đợi ngày trao đổi tù binh để được tự do. Có thật có một người tù như thế? Và có thật có một người quân cảnh dám thả lỏng một cán binh cộng sản trong vài giờ mà không sợ người ấy sẽ trốn thoát?
Lữ Quỳnh đã để cho tiếng nói nhân bản cất lên “... hạnh phúc ngợp ngàng như hắn đã có trong đêm nay, khi với hai bàn chân trần dằm lên mặt cát ướt, khi với buồng phổi khô hít đã không khí tự do không hận thù của đại dương. Hắn không biết ngày đó giữa con người và con người có còn nhìn nhau bằng tâm hồn phẳng phiu, không nghi ngại, không đề phòng, như của một con điếm và tên tù binh đối nghịch đang có đêm nay trên bờ biển này?”
Nơi đây xin đa tạ nhà văn Lữ Quỳnh đã cho tôi đi ngược về quá khứ thấy lại những cảnh quan và tâm tình người miền Nam trong thời chiến. Để càng biết ơn bao Người Lính thế hệ Cha Anh đã hy sinh cả tuổi thanh xuân lẫn xương máu cho người dân được sống yên bình. Làm sao không xúc động trước lòng nhân ái của người quân cảnh VNCH đối xử với tù binh bằng tình người, khác hẳn với tình trạng “học tập cải tạo” thời sau 1975. Bị buộc lao động nặng nhọc, luôn trong tình trạng ăn không đủ no, đói không đủ chết và bị hạ nhục. Tôi cũng đã từng đọc trong văn và cả nghe lời anh Trần Hoài Thư thuật những chuyện có thật như anh đã từng mời người tù thương binh phía bên kia điếu thuốc, hoặc thả trái khói thay vì lựu đạn xuống hầm trú ẩn ở vùng xôi đậu nơi chỉ có người già, đàn bà và trẻ nhỏ, không một bóng dáng đàn ông. Tôi cũng nhớ tới những lời thơ đầy tính nhân bản rất tuyệt vời của Cao Tần:
Nếu mai mốt bỗng đổi đời phen nữa
Ông anh hùng ông cứu được quê hương
Ông sẽ mở ra nghìn lò cải tạo
Lùa cả nước vào học tập yêu thương
Cuộc chiến cũ sẽ coi là tiền kiếp
Phản động gì cũng chỉ sống trăm năm
Bồ bịch hết không đứa nào là ngụy
Thắng vinh quang mà bại cũng anh hùng
(Cao Tần – Mai mốt anh trở về)
Mãi mãi trái tim nhân bản của người miền Nam là kim chỉ nam trong mọi tình huống. Có gì đẹp hơn tình người đối với người chỉ bằng tình yêu thương chân thật?
Trần Thị Nguyệt Mai
31.07.2024
|