SỐ 104 - THÁNG 10 NĂM 2024

 

Giả thử cụ Nguyễn Du...

1.

Trong cuốn tiểu luận Bức màn xuất bản năm 2005, phần viết về văn học thế giới, nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera thuật lại chuyện quê hương ông bị các cường quốc châu Âu thời trước thế chiến II bán đứng như thế nào. Một biến cố lịch sử mà từ đó mở đường cho Đức Quốc Xã gây chiến, châm ngòi cuộc chiến tranh tàn khốc gây thảm họa chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Ông kể như sau:

... Từ ngữ Munich trở thành biểu tượng cho sự đầu hàng Hitler. Nhưng cụ thể hơn: tại Munich, mùa thu năm 1938, bốn quốc gia lớn, Đức, Ý, Pháp, Anh, mở hội nghị để thương thảo về số mệnh một quốc gia bé nhỏ mà quyền lợi chính đáng nhất, quyền được lên tiếng, cũng bị chối từ. Bên trong căn phòng cách xa phòng họp, hai nhà ngoại giao Tiệp ngồi chờ suốt đêm, và sáng hôm sau, họ được hướng dẫn đi xuyên qua một hành lang dài, bước vào căn phòng nơi Chamberlain và Daladier, mệt mỏi, uể oải, ngáp ngắn ngáp dài, loan báo bản án tử hình...

Ông cảm thấy chua xót cho thân phận quê hương ông, một quốc gia nhược tiểu, được dùng như con tốt thí trên bàn cờ chính trị thế giới, nhưng ông nhìn nhận thực tế đó, tuy phũ phàng, như một sự kiện mặc nhiên, không thể tránh:

Một quốc gia xa xôi mà chúng ta biết rất ít về nó.
Câu tuyên bố nổi tiếng của Chamberlain, với chủ đích đưa ra lý do chính đáng cho việc hy sinh Tiệp Khắc, thật ra là chính xác. Ở châu Âu, có những quốc gia lớn mạnh bên cạnh những quốc gia nhỏ yếu; có những quốc gia ngồi trong phòng họp thương thảo với nhau và có những quốc gia ngồi chờ suốt đêm trong phòng đợi.

Nhắc lại quá khứ đau buồn, Kundera không có chủ ý tìm kiếm bài học lịch sử, ông chỉ dùng nó như tiền đề cho biện chứng liên quan đến vấn đề khác trên bình diện văn học, mà tôi muốn mượn ý ông cho bài viết ngắn này. Ông viết tiếp - giọng văn đầy quả quyết như một xác ngôn:

... Tôi thường nghe người ta gán Kafka là một nhà văn Tiệp (đúng, từ năm 1918 ông là công dân nước Tiệp Khắc vừa mới thành lập). Lẽ cố nhiên, đó là điều vô lý: Kafka viết bằng tiếng Đức, và chúng ta có cần nhắc lại không? Ông luôn luôn tự xem mình là một nhà văn Đức. Nhưng hãy giả thử, trong phút chốc, ông sáng tác bằng tiếng Tiệp thì ngày nay liệu ai là người biết đến ông? Chính Max Brod là người, bằng những nỗ lực cực kỳ to tát, tìm cách đẩy mạnh tên tuổi ông ra thế giới bên ngoài. Nhưng phải mất đến hai mươi năm, chưa kể đến sự hỗ trợ hết lòng của các nhà văn lớn khác của Đức, việc đó mới thành tựu! Ngay cả nếu sách của nhà văn Tiệp Kafka giả tưởng này được xuất bản ở Praha thì không người đồng hương nào (có nghĩa là người Tiệp) của ông có thẩm quyền cần thiết để giới thiệu với thế giới những văn bản kỳ quặc viết bằng thứ ngôn ngữ của “một quốc gia xa xôi mà chúng ta biết rất ít về nó.” Không, hãy tin tôi đi, ngày nay sẽ không ai biết Kafka là ai - không một ai - nếu ông là người Tiệp.

2.

Sinh ra cũng tại một quốc gia nhược tiểu, tôi không ngạc nhiên chút nào với suy nghĩ của Kundera. Thế kỷ XIX, quê hương tôi là một quốc gia phong kiến, một mảnh đất đói nghèo, và bởi thế những người như ông thủ tướng Pháp Jules Ferry lúc đó mới hùng hổ tuyên bố những câu như, “Sứ mệnh của nước Pháp là đi khai hóa những dân tộc kém văn minh” để biện minh cho việc xâm lăng chiếm nước. Đối với ông, nghèo đói đồng nghĩa với kém văn minh, nó làm tan biến mọi giá trị văn hóa khác. Hiển nhiên, ông nào biết Việt Nam trước đó đã có những thi sĩ kiệt xuất như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm; ông nào biết thơ văn Lý-Trần là gì; ông nào biết Hồ Xuân Hương đã nói về nữ quyền khi đàn bà châu Âu của ông vẫn còn gục mặt, nhiếu nháo sống dưới những điều kiện xã hội bất bình đẳng đến độ phi lý. Điều đáng buồn là nhãn quan này cho đến ngày nay vẫn chưa hoàn toàn tẩy xóa ở thế giới phương Tây.

Vay mượn biện chứng có tính giả định của Kundera về Kafka, tôi giả thử Nguyễn Du lúc đó sinh ra không phải người Việt Nam mà là người Nhật Bản hay người Trung quốc thì số mệnh của Truyện Kiều ngày nay sẽ ra sao? Tôi cam đoan nó sẽ được cả thế giới biết đến, có hàng triệu người hâm mộ, hết thế hệ này sang thế hệ kia tìm đọc; sẽ có hàng chục bản dịch sang nhiều ngôn ngữ khác; sẽ có thật nhiều nghiên cứu sinh Anh, Mỹ, Pháp, Đức, v.v... viết luận văn về nó, với nhan đề đại loại như “Ý thức đạo đức của thuyết tài mệnh tương đố trong Truyện Kiều của Nguyễn Du;” sẽ có hàng tỉ tỉ con chữ chui ra từ các học viện lớn trên thế giới như Harvard, Sorbonne nói về nó, vân vân và vân vân.

Những thế lực chính trị, quân sự, kinh tế, tôn giáo nắm quyền định đoạt đời sống và lịch sử văn học đến thế sao? Lẽ cố nhiên rồi, chỉ trong mơ tôi mới không nghĩ như thế. Thậm chí, ngay trong một quốc gia, điều này cũng tồn tại. Gustave Flaubert xuýt bị bỏ tù sau khi cho xuất bản cuốn Madame Bovary, nếu không có thi sĩ Baudelaire và những bạn văn khác của ông hết lòng chống đối. Và từ trước đến nay, nào ai biết có bao nhiêu văn thi sĩ của những quốc gia sống dưới chế độ toàn trị, bị đàn áp, đày ải, tác phẩm không được in, chỉ vì ngòi bút của mình không đi theo đánh bóng, minh họa chủ thuyết của các thế lực kia.

3.

Đoạn tôi nghĩ đến nhà văn Võ Phiến. Ông là một trong những nhà văn lớn của Việt Nam ở thời đoạn vừa qua, nhưng ngày nay ở đất nước đó có mấy ai biết đến tác phẩm của ông, ngoại trừ một số ít thuộc thế hệ trên sáu bẩy mươi tuổi sống từ vĩ tuyến mười bẩy trở vào Nam.

Điều này quả là một thiệt thòi lớn cho dân tộc Việt Nam. Tôi bảo anh bạn tôi như thế trong lúc hai đứa ngồi cà phê nói chuyện vãn. Nghe tôi nói, anh trề môi:

“Cậu chỉ giỏi lo bò trắng răng, lo ông trời đổ, lo thằng trên cây! Dân tộc Việt Nam bị thiệt thòi thiếu gì chuyện, đâu riêng gì không được đọc Võ Phiến!”

Tôi không cãi lại anh, bởi chuyện cơm áo, chuyện quyền làm người, thiếu tự do, bị Bắc phương dòm ngó... đều là những việc quan thiết trong đời sống, bắt buộc phải đưa lên hàng ưu tiên số một, nhưng trong đầu tôi lại nảy ra một giả thử khác.
Giả thử - giả thử thôi nhé, như lịch sử giả định trong cuốn tiểu thuyết Kế hoạch phá nước Mỹ của nhà văn Philip Roth - lúc đó Nguyễn Du theo phò nhà Nguyễn Tây Sơn thay vì bỏ về Hồng Lĩnh, nơi có 99 ngọn núi, để rong chơi cho qua ngày đoạn tháng, và sau khi Nguyễn Ánh diệt triều đại này lên ngôi vua thì Nguyễn Du, cùng với vua quan Tây Sơn khác, bị tru di tam tộc. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long còn hạ chiếu chỉ cấm đọc và lưu truyền tất cả thơ văn của Nguyễn Du!

Tôi xin nhắc lại, đây chỉ là giả thử. Tại một ngôi làng xa xôi nọ, có hai ông đồ nho thất chí ngồi uống nước chè tươi tại quán nước đầu làng, nghe tin này bèn than thở với nhau. Ông này, đôi mắt đăm chiêu nhìn về phía cánh đồng xa xa, hình như trong dạ hoang mang lắm, miệng bảo ông kia:

“Thế này thì chết thật! Bác thử nghĩ xem, thơ văn cụ Nguyễn trác tuyệt như thế mà con cháu mình sau này không được đọc.”

Ông đồ kia, tay mân mê chòm râu thưa dưới cằm, trả lời, giọng gần như mắng mỏ:

“Bác liệu mà giữ mồm giữ miệng, có ngày mất đầu như chơi đấy! Con cháu mình, chúng nó lo ăn lo mặc đến mờ cả người thì còn tâm trí đâu nữa mà thơ với chả văn.”

Rất may, mẩu chuyện trên chỉ là chuyện bông phèng do tôi bịa ra, nếu nó có thật thì ngày nay chúng ta thiệt thòi biết mấy.

Dù sao chăng nữa, chúng ta đang sống ở thế kỷ thứ hai mươi mốt và tôi tin tưởng không sớm thì muộn các tác phẩm của nhà văn Võ Phiến - và của nhiều văn thi sĩ khác, trong cũng như ngoài nước - sẽ có ngày trở về kho tàng văn hóa dân tộc. Lúc đó, nếu có người nhớ đến câu thơ “Nước đi ra bể lại mưa về nguồn” của cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu sẽ phải tấm tắc khen cụ sao có đầu óc tiên tri tài đến thế.

Trịnh Y Thư

Bài này tôi đem cụ Nguyễn Du ra giả thử hơi nhiều. Mong vong linh cụ thứ lỗi cho kẻ hậu sinh.

(trích Chỉ là đồ chơi, Tạp bút, Trịnh Y Thư, Định dạng eBook, Văn Học Press, 2023)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2024