SỐ 104 - THÁNG 10 NĂM 2024

 

Làng trong tuổi thơ tôi

Làng tôi xanh bóng dừa, loại cây rất hợp với thổ nhưỡng ở vùng đất quê tôi. So với vùng miền khác thì vùng đất Tam Quan, Hoài Nhơn, Bình Định hẳn đã có tiếng tăm, có thứ hạng, đẳng cấp trù phú trên mọi miền đất nước, đi vào ca dao ngàn đời đậm đà bản sắc dân tộc. Người ở xa quê, nghe câu ca này lại nhớ về quê hương, xứ sở.

 “Công đâu công uổng công thừa
Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan”

Làng tôi xanh xanh bóng dừa. Tiếng chuông chiều, tiếng chuông nhà thờ rung… Tiếng chuông nhà thờ rung vào mỗi buổi chiều, rung trong lòng tôi nhiều nỗi buồn da diết. Tiếng chuông nhà thờ Gia Hựu, Hoài Châu ở bên kia sông luôn văng vẳng vào mỗi buổi chiều, lan tỏa trên dòng nước một màu xanh ngắt.

Nhà tôi sát mé sông, thường là buổi chiều, tôi ngồi bên song cửa sổ ngắm nhìn những cơn mưa phùn trải ra rất rộng, một màu sương khói lững lờ trôi về phía chân trời, đến tận dãy núi Hoài Châu, Hoài Sơn ở phía dãy Trường Sơn mà nhiều lúc tôi cứ mường tượng nó vừa xa lại vừa gần, thả hồn ngân nga theo tiếng chuông nhà thờ kêu kính koong... kính koong. Tiếng chuông nhà thờ xưa vẫn còn ngân nga mãi trong tuổi thơ tôi.

Làng tôi bên bờ sóng, nhìn về biển Đông xanh thẳm. Bên này sông, phía tây là dãy Trường Sơn ngút ngát. Làng như con thuyền bập bềnh bên triền sóng, như là lá chắn cho là dãy phố sầm uất phố thị tại thôn Tân Thành, Tam Quan xưa. Phố Tam Quan là chỗ đó chứ không phải dãy nhà chạy dọc theo quốc lộ IA ngày nay. Phố thị xưa, những cây cầu cong cong, những ngôi nhà cổ kính chạy dọc theo con sông nước xanh trong như lọc, có Bến Đình là nơi giao thương với mọi miền đất nước. Có ngôi chùa uy nghiêm, trầm mặc đứng thi gan với thời gian hàng trăm năm tuổi. Những người cao tuổi ở làng tôi, họ sẽ không quên một công viên A Sầu, nơi mà người Minh Hương thiên di về đây, nơi đất lành chim đậu, tạo nên quê kiểng mới. Nó chiếm trọn một không gian rộng lớn, có sân chim, vườn cây, hòn non bộ giả sơn, nơi thú vui tao nhã của người xưa. Bên cạnh có rừng quýt nếu không bị chiến tranh phá hủy, rừng mà đến thời tôi sống thì không còn nó nữa, nhưng cái tên thì vẫn còn nghe những người ở nơi đây nhắc đến. Có con đường rải đá dọc theo ven sông, những ngôi nhà cổ kính nghiêng soi bóng nước, có tiếng chuông nhà thờ kêu kính koong vào mỗi buổi chiều đã đi vào quá vãng, xa lắc lơ theo tuổi thơ tôi. Phố thị quê tôi xưa có thua kém gì phố cổ Hội An. Nếu biết gìn giữ, tôn tạo.

Làng tôi giàu có là gió cát, mùa nào gió ấy. Mùa nắng có gió nồm thổi lồng lộng, hai lá phổi đầy ắp hương vị biển, làn da luôn phớt nhẹ lớp sương muối, rin rít. Mùa mưa, gió và cát đùn đẩy xô bờ.

Ở xóm Gò Nhãn, nơi dừa trồng nhiều nhất ở Hoài Nhơn, Bình Định. Nơi chịu nhiều nắng, gió của đất Tam Quan. Ngày trước người làng tôi chưa nghe dự báo thời tiết là như thế nào, những kết quả khoa học chưa kịp tới quê tôi, người ta chỉ dựa vào thiên nhiên, kinh nghiệm của lão nông tri điền, của ngư phủ dày dạn sương gió, theo ngọn gió đông phong tín nguyệt, tháng bảy dòm ra tháng ba dòm vào, tháng của chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng bay vừa thì râm. Buổi sáng trời hanh hao, buổi chiều lại trận mưa rào đổ xuống, nếu không thì phải là một trận gió cát. Tôi sao ghét cay đắng những trận gió cát, một cơn thịnh nộ của thiên nhiên, lốc xoáy cuốn cát vào nhà cửa, nồi niêu xoong chảo, vào môi, vào mắt, đùn đẩy vào những cây nhãn ven bãi, đùn vào những rặng phi lao thành những ngôi mộ gió.

Xóm Gò Nhãn trong tôi là động cát chảy dài ngút mắt. Những hạt cát bé tí màu vàng nhạt, kết tụ từ năm này sang năm khác, ôm ấp, xô đẩy, va chạm lấy nhau qua nhiều thế hệ, nhiều ngàn năm. Đi trên cát tôi có niềm thích thú, khi đi chân trần nó gây nhồn nhột dưới lòng bàn chân, khi bước đi đều đều nó phát âm thanh chin chít rất vui tai, nhưng bước nhanh thì âm thanh đó biến mất. Tôi rất sợ mùa gió chướng, mùa bão. Lúc ấy hàng tỉ tỉ hạt bấy lâu nằm im dưới chân bỗng chợt hôm nào đó rùng mình trỗi dậy, xô đẩy, cuồn cuộn không theo một trật tự nào. Và cứ thế, cát trào dâng thành đụn, thành gò, thành gợn sóng chạy dài đến ngút mắt, trông như nếp nhăn trên khuôn mặt cụ già ngàn năm tuổi.

Nơi đây đã từng xảy ra cuộc chiến ác liệt trong những năm 1968, 1972. Biết bao con người ở hai đầu chiến tuyến đã nằm lại dưới gò đất này, những nấm mồ vô danh. Có một thời quân đội Mỹ lập khu đồn trú ở nơi đây. Họ đã xây dựng cây cầu nối liền đôi bờ sông Thiện Chánh, Tân Thành để phục vụ cuộc chiến, đến nay người dân còn thụ hưởng. Nơi có bãi tắm tuyệt vời, nước luôn trong xanh, cát mịn màng mút mát không thua bất cứ nơi nào trên mọi miền đất nước. Ngày nay chính quyền địa phương sẽ xây dựng khu nghỉ mát, du lịch đầy tiềm năng.

Thời trước giao thông trên bộ còn khó khăn, giao lưu chủ yếu bằng đường thủy thì những chiếc ghe bầu làng tôi đã một thời vang bóng. Những chiếc ghe bầu, phần trên be vài lớp ván mỏng, phần dưới mê được đan bằng cật tre già, lần đầu được trét một lớp phân bò khô, sau trét lên lớp dầu rái, mê ghe rất cứng và dẻo.

Những chuyến biển theo mùa, sức kéo là cánh buồm no căng sức gió, xuôi nam ngược bắc theo mùa gió. Từ tháng giêng xuôi nam mang theo phẩm vật xứ dừa Tam Quan: ”Dừa xanh trên bến Tam Quan/ Dừa bao nhiêu trái dạ em thương chàng bấy nhiêu.” Đến mùng năm tháng năm về mang theo phẩm vật xứ lạ vùng xa phương nam. Hết tháng năm thì ngược lại. Đến thời tôi biết, đến Quảng Trị là tận cùng của chuyến biển. Làng dựa vào thu nhập chính là sản phẩm dừa, chế biến hải sản, nước mắm. Bến Đình (bến Tam Quan) là khu cảng ngày xưa. Bây giờ là cảng cá Tam Quan Bắc, nơi hội tụ hàng ngàn chiếc tàu có công suất lớn, đủ sức vươn ra biển cả, chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương xuất khẩu. Nguồn thu nhập bền vững, giàu có riêng cho con người ở đây và cả nước nói chung.

Ngoài đặc sản về cây dừa, làng tôi còn có đến nghề chế biến nước mắm.

Theo sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Nước mắm tới Việt Nam từ người Chàm khi đó ở vùng phía nam Trung Việt. Vương quốc Champa hồi đó có nhiều thuyền buôn vượt biển đi buôn bán với các nước Ả Rập và các nước Địa Trung Hải nên đã nhập cảng nước mắm từ các nước này. Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản khắc in vào năm 1697 có viết về nước mắm khi đề cập tới việc vua Tống Chân Tông của nhà Tống ở Trung Hoa ban chiếu phong vương cho vua Lê Đại Hành vào năm 997 và bãi bỏ lệnh đòi Đại Việt cống nước mắm do triều đình Trung Hoa đặt ra trước đó. Việc này chứng tỏ người Việt đã làm và dùng nước mắm muộn nhất là vào thế kỷ thứ X.

Nước mắm biểu trưng cho sự đoàn kết và chia sẻ trong bữa cơm của người Việt. Ở đó, chén nước mắm đặt chính giữa mâm cơm. Liệu có món ăn nào tải được giá trị nhân văn lớn lao như vậy hay không? Chỉ có tại Việt Nam mới được trọng vọng nhất, được tận dụng nhất. Món ngon quốc hồn quốc túy của người Việt ta.

Mẹ ta những rạ cùng rơm
Thơ là vắt giọt cá cơm mà thành ( Đỗ Trung Quân)

Hậu duệ của nghề nước mắm trong đó có bà tôi. Bà ra người thiên cổ nhưng mỗi khi nhớ đến, tôi lại mường tượng như người xưa còn hiển hiện đâu đây. Bà thích ăn trầu, thói quen ăn trầu tạo nên bà cái tiếng, bà Hương Trầu, góa chồng lúc bốn mươi tuổi, giàu có, bản lĩnh, năng nổ.

Các chủ vựa nước mắm, ở Thiện Chánh có bà Tựu, tên tộc (tên cúng cơm) của bà, người hàng xóm có bà Lựa, bên kia sông là chòm di (vi cước cá) Tân Thành có bà Lượng mà hiện nay vẫn còn theo nghề. Ngoài ra còn nhiều “chuyên gia” thầm lặng khác, chuyên sản xuất nước mắm của những năm ấy. Họ có vựa nước mắm mà ngày xưa gọi nhà thùng. Lớn thì có thùng tô nô cao khoảng hai mét, đường kính ba đến bốn mét, được đóng bằng gỗ cây mít để tăng thêm chất cho nước mắm. Nhỏ thì có lu, ảng tỉn chát phơi đầy ở góc sân, và còn có ngôi nhà riêng để chế biến. Gọi là những chuyên gia thầm lặng bởi vì họ không phô trương bảng hiệu, không tiếp thị thị trường hoành tráng như ngày nay. Dù vậy, danh tiếng về nghề làm nước mắm đến nay vẫn còn nhiều kỉ niệm với những người cao tuổi.

Rồi những năm 60 thế kỷ trước, má tôi theo nghề nước mắm, nghề như là gia truyền, kế tục sự nghiệp. Bán sỉ thì từ miệt An Lão, Hoài ân, bán lẻ thì hủ tỉn, chai lọ trên quang gánh, kĩu kịt trên vai, tong tỏng từng lít nước mắm đi bán dạo từ sáng tinh mơ đến tối mịt, chuyến đi và về bao giờ cũng trĩu nặng. Dân quê tôi có câu: ”Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên” hẳn là đúng với lề lối làm ăn của gia đình tôi lúc bấy giờ.

Trước sân nhà tôi ngày xưa. Lu chát hủ tỉn chất đầy, nơi nào cũng vại cũng chum. Có những thứ được bảo quản kỹ, cá cơm muối đến độ chín có rút lù ở dưới đáy. Loại mắm này phải đựng trong thùng tô nô bằng gỗ mít mới đúng điệu. Nước mắm nhỉ từng giọt như rút mật đường, nước có màu vàng rơm đến vàng nhạt, thơm cháy mũi. Cứ mỗi buổi sáng, má tôi dạo quanh nhà thùng, kiểm tra từng chén được hứng dưới đáy như người ta thu hoạch mủ cao su, nhìn độ trong, mùi và chất của nó, bà dùng ngón tay quẹt quẹt nơi đầu lưỡi, chép chép mút mút một hồi lâu. Nhìn điệu bộ của má tôi lúc đó trông ngồ ngộ, dễ thương, chừng như bà đo độ nồng nàn nước mắm bằng cảm giác, bằng thái độ trân trọng và gửi vào đó cả hồn lẫn vía… Nước mắm nhỉ để lâu ngày không đổi màu, mùi, để được lâu càng có giá, giống như rượu ủ càng già càng đậm.

Còn có thứ nước cá trụng, loại nước dùng để hấp cá, chứa đầy ngoài sân, không che đậy, dang nắng phơi sương nên lâu ngày bốc lên mùi thum thủm, má tôi bảo đó là chất phụ gia, từ loại này sẽ tạo ra nước mắm loại một, loại hai đến loại… thứ một trăm. Những ngày cúng kiếng cô bác gần xa, bà tôi thường khấn khứa: “Lạy các cô các cậu, kẻ khuất mặt người khuất mày phù hộ độ trì trì cho gia đình tôi buôn may bán đắt một vốn chín mười lời!”

Nghề làm nước mắm có thời, có buổi, nghề rất dễ phụ lòng người, nếu làm chắc ăn thiệt thì trời sẽ giúp cho. Mỗi con người chỉ nổi lên trong từng giai đoạn. Trời đãi trời phụ thì cũng do ông trời! Nói như thế có người cho rằng duy tâm, phản khoa học. Nhưng thực tế nhìn qua ở làng tôi có lắm người sống được là nhờ nghề nước mắm, lại có nhiều hộ chìm nghỉm, đổ nợ cũng vì nghề nước mắm. Một thời gian sau này má tôi vẫn theo nghề nước mắm nhưng nghề càng ngày lụn dần khó cạnh tranh với thị trường năng động như hiện nay. Dù hiện nay nhiều hộ vẫn còn theo nghề, bán mua theo hình thức cũ, bán lẻ, chạy chợ; cứ theo công thức ba cá vào một muối là có mắm để bán.

Hiện ở Tam Quan có nhiều cơ sở sản xuất nước mắm đã đi xa hơn cái thời làm nước mắm của má tôi hay những người cao tuổi. Họ sản xuất có quy mô và biết quảng bá tên tuổi của mình. Tạo nên tên tuổi cho một thương hiệu là cả một quá trình, họ luôn cải tiến cách chế biến và cách tiếp thị để nước mắm thương hiệu của mình luôn được có mặt trong mỗi bữa cơm gia đình, gây khoái khẩu, đậm đà chất ngon. Nước mắm ngày nay được gia công một ít hương liệu, nên có độ trong vừa phải, có vị mặn đậm đà, khi ăn chỉ rót ra chén, vài trái ớt hiểm, gây cay nơi đầu lưỡi, thế là đủ. Nó khác với nước mắm truyền thống, có vị mặn đậm, độ trong hơi sậm hơn, khó bắt mắt và hơi nặng mùi. Nước mắm truyền thống khi ăn cần nhiều gia vị như tỏi - tiêu - đường - ớt quết nhuyễn, vắt chút chanh làm phụ gia, nên ít cảm nhận được hương vị nước mắm.

Nước mắm gì cũng được
Miễn có mùi để nhớ mà thôi
Mai này em hát đưa nôi
Anh kho cá bống cùng nuôi mẹ già. (ca dao )

Ngoài nghề mắm, bà tôi còn có vườn dừa lớn, trẻ thơ tôi đầy ắp những kỷ niệm về mùa giũ dừa. Mỗi năm hai lần, đầu tháng năm và nửa tháng chạp. Dừa nhiều lắm, người ta tính bằng thiên, mỗi thiên hơn nghìn trái. Bà tôi tuy ít chữ nhưng tính rợ thì rất tài. Tôi còn nhớ bà tính dừa bằng cọng dừa, bẻ ngoặc từng đoạn gọi là bẻ cò. Cứ mỗi lần giũ dừa thì có năm mười cò như vậy.

Quên sao được tiếng đập vỏ dừa lách chách của những bà nội trợ làng tôi, tiếng đập đó dội vào cơn mơ tôi còn ngái ngủ mỗi buổi sáng tinh mơ. Vỏ dừa được ngâm trong lu ba bốn ngày trước cho mềm dễ đập thành sợi. Thằng bé rong chơi dưới rặng dừa xanh ngát, ngắm nhìn những bà nối những sợi xơ đựng trên cái rế treo ở cổ, đi lòng vòng quanh hai thân cây dừa để tiếp xơ. Nghề thủ công của một thời trông đến khổ sở. Những sợi xơ này bện thành dây neo buộc tàu thuyền, làm sợi dây tơ tình ái cho đôi tình nhân với gàu sòng tát nước đêm trăng, rồi dệt thảm lót chân. Ngày nay, công nghệ sợi bằng vật liệu nylon đã lấn át dây neo xơ dừa. Những thảm xơ dừa vẫn còn đó, nghề truyền thống quê hương kiêu hãnh với thời gian, làm nên sản phẩm thảm xơ dừa đi vạn dặm.

Đất Tam Quan có độ phì thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp cho dừa phát triển. Nhưng hiện nay, nhiều cây dừa đào trốc gốc để lấy mặt bằng xây nhà thu hẹp diện tích dừa lại. Đại nạn tàn phá của bọ cánh cứng làm vườn dừa xơ xác

Làng trong tuổi thơ tôi là những mùa đi giũ dừa. Đến mùa, mỗi mùa giũ dừa, tôi thường theo bà. Nhà bà tôi xa vườn, ở bên kia sông, nên cho một vài người ở xóm đó vài ba cây dừa, cho đất làm nhà để họ ở trông nom. Thời gian đất đổi sao dời, vườn xưa giờ đã thay ngôi đổi chủ. Chủ mới muốn làm giàu nhanh nên chặt dừa đào ao nuôi tôm. Mỗi lần đi qua đây, nhìn vườn dừa còm cõi, già nua, ít được chăm sóc, trồng mới, lòng tôi nao nao quá đỗi. Vườn xưa, người xưa đâu!.

Hàng ngàn mét vuông đất, ao hồ di sản có được từ thời bà tôi chắt chiu dành dụm được, Chú tôi, thoát ly gia đình thời tiền khởi nghĩa, đi Nam ra Bắc cũng nhiều. Khi hòa bình lập lại, ông về quê, hiến tặng cho Hợp Tác Xã, mong muốn một mô hình mới trên quê hương. Nhưng sự đời chưa đến độ chín nên không suôn sẻ, HTX từng bước đi lên sự phá sản, đất đai được chuyền từ tay người này sang kẻ khác.

Thời gian như bóng câu lướt trôi qua khung cửa. Như bóng nắng tràn ngập không gian, trong xanh như mây trời những buổi sớm mai, như hạt sương đọng long lanh trên chòm lá biếc. Những con người mới hôm nay thay dần lớp người “xưa nay hiếm”, có tâm, tầm nhìn hướng về phía trước, tươi sáng ở một vùng quê./.

Nguyễn Thanh Sơn

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2024