MA XÓM ĐÌNH
Từ đường nhà bá hộ Thơ sáng nay rộn ràng rôm rả quá, họ hàng con cháu các nơi tụ họp về đông đảo, tiếng cười nói xôn xao. Ai cũng góp một tay vào việc chuẩn bị mân cỗ để cúng giỗ thầy Hương Cả.
Thầy Hương Cả là một điền chủ giàu có nhất vùng An Long, ruộng đất bao la, đã vậy lại còn giỏi chữ Nho và mát tay bốc thuốc. Thầy Hương Cả mở lớp dạy chữ và bốc thuốc cho dân trong vùng. Dưới thời Pháp thuộc, Nam triều có ban cho thầy Hương Cả hàm bá hộ, khi thầy qua đời, dân khắp nơi vì yêu quý thầy nên gọi con trai thầy bằng cái phẩm hàm ấy chứ thực ra ông Thơ chẳng phải là bá hộ. Từ đường này vốn đã dựng từ hồi thầy Hương Cả còn sống, nó to lớn bề thế nhất quận, toàn gỗ quý, chạm khắc cầu kỳ, kỹ thuật nhà rường pha lẫn kỹ thuật nhà lá mái, bởi vậy mùa đông thì ấm mà mùa hè thì mát. Lẫm lúa của từ đường có thể chứa cả mấy ngàn giạ lúa, vườn tược bao quanh đủ loại trái cây: dừa, xoài, chanh, thơm, mít, ổi, hoành tinh….
Bá hộ Thơ mặc áo dài xanh đậm in chữ thọ, đầu đội khăn đóng, kính cẩn quỳ trước bàn thờ gia tiên, nén hương cao quá đầu, rì rầm khấn:” Thưa tía, hôm nay con cháu tụ họp về đây làm mâm cơm, kính lễ tía, tưởng nhớ tía, trước báo đáp công ơn tía, sau nữa tưởng đến ông bà tổ tiên. Nhờ có ông bà tổ tiên, nhờ có tía mà con cháu mới có ngày hôm nay. Đây chỉ là chút lòng thơm thảo của con cháu dâng lên, kính mong tía thương tưởng. Con cầu xin trời Phật gia hộ cho tía ở cõi Phật, con cũng xin tía sống khôn chết thiêng phù hộ cho con cháu và giòng họ được thạnh vượng dài lâu...”. Khấn xong bá hộ Thơ lạy ba lạy, tiếp đó con cháu trong nhà lần lượt lạy trước bàn thờ gia tiên cũng như bàn thờ thầy Hương Cả
Nén hương tàn, cỗ bàn được hạ xuống, bàn quan trọng nhất ở giữa nhà dành cho bá hộ Thơ và mấy cụ già cũng như mấy cụ chức sắc hàng tổng. Mân thứ hai dọn trên bộ phản gỗ bên hông sân cát, mân này dành cho bà bá hộ Thơ và mấy bà khác trong họ tộc. Mâm thứ ba trải chiếu dọc theo chái hiên một bên của sân cát, mân này dành cho tụi con nít cháu chắt. Mọi người ăn uống vui vẻ, nhắc chuyện thầy Hương Cả, kể chuyện vui. Những bữa nấu cỗ cho buổi tiệc hay cúng đám không bao giờ thiếu Tư Cần, y giỏi nấu lại có máu hài, bởi thế đám nào cũng mời y cả. Tư Cần mà mở miệng ra thì người ta cười ngặt nghẽo, đôi khi y kể cả chuyện tục nhưng chẳng ai thấy mắc cỡ, bởi vì ai cũng bận cười có để ý chi tiểu tiết. Tư Cần vừa nấu cỗ, vừa là hàng xóm láng giềng, tuy cũng có họ hàng với nhà bá hộ Thơ nhưng xa. Y nâng cái ly rượu Bầu Đá mời các cụ xong làm cái ót, nghe rất đã tai. Bá hộ Thơ khen:
- Chú em uống rượu sanh điệu ghê, người hổng biết uống mà thấy cách uống của chú em cũng phát thèm!
Tư Cần cảm ơn ông bá hộ Thơ xong, y tằng hắng lấy giọng chuẩn bị kể chuyện, lạ là hôm nay y có vẻ đàng hoàng lắm, không nói tục hay kể chuyện tiếu lâm mà lại đi kể chuyện ma. Y bảo:’ Tối qua tui đi soi ếch ở mấy cái đìa gần đình Ngọc Thạnh, tui bắt cũng khẳm lắm, chợt có một người từ xa đi lại, trông cũng quen quen nhưng không biết rõ, cứ ngỡ ông ấy cũng là người hàng tổng đi soi ếch như mình. Người ấy ngỏ ý muốn coi ếch trong giỏ, tui nói y cứ coi thoải mái. Một lát sau tui thấy hai con ếch đang làm cái trò xà nẹo, tui mừng quá nói to: A, ếch bà, to chà bá luôn, vậy là nay trúng mánh! Tui bắt cả cặp và với lấy cái giỏ để bỏ vô, nào ngờ cái giỏ nhẹ tưng, Tui sanh nghi, hỏi;” ủa ếch của tui đâu hết rồi?” thằng chả đó cũng im lặng, tui nhìn vô giỏ thì thấy bầy nhầy da và xương ếch. Quay lại nhìn thằng cha đó thì thấy lưỡi của chả dài tới rốn và đỏ hỏn, máu còn dính quanh miệng, mùi tanh muốn ói luôn, hai mắt chả chợt lập lòe như đóm lửa. Tui thất kinh hồn vía quăng giỏ và bộ đồ nghề, vắt chân lên cổ chạy thục mạng về nhà. Từ bữa đó đến nay, cả tháng rồi tui hổng dám đi soi ếch nữa”
Tư Cần dứt lời thì Tám Tường, em bá hộ Thơ khẳng định chắc nụi:
- Chú em gặp ma Le rồi, lưỡi nó dài tới rốn là ít đó, có đứa lưỡi dài tới gối luôn. Đình Ngọc Thạnh này linh lắm, hồi nẳm nhiều người chết trận mà hổng siêu thoát nên quanh quẩn bên đình. Chú em cũng còn may đó, nếu ma Le nó liếm phải chú thì nguy hiểm lắm, nhẹ thì bệnh hoạn, nặng thì mất mạng như chơi.
Bác Ba Mạnh trệu trạo gặm cái đùi gà, miệng móm sọm, hàm râu lưa thưa giật giật theo, sau khi gỡ được miếng nạc ông góp lời:
- Hổng biết mấy anh còn nhớ ông Bốn Bình không? Chuyện của ổng có người biết người không, do xảy ra đã lâu nên có người quên người nhớ. Riêng qua thì qua nhớ kỹ lắm.
Bá hộ Thơ dường như cũng bị tò mò kích thích nên giục:
- Anh Ba kể lại cho mọi người nghe chơi.
Bác Ba Mạnh cứ rề rà khề khà một lát sau mới nói:
- Bốn Bình là một sâu rượu có hạng của xóm đình, y mở mắt ra sức miệng bằng rượu, tối trước khi lên giường cũng súc miệng bằng rượu, quanh năm suốt tháng lè nhè, đến đỗi người trong xóm đặt câu nói;” Lè nhè như ghè Bốn Bình”. Bữa kia y nhậu ở nhà Ba Đệ từ giấc trưa cho đến tối mịt mới tan, ai về nhà nấy. Riêng Bốn Bình vợ con ngóng hoài hổng thấy về, đến mười giờ tối, vợ Bốn Bình sai thằng Lợt xuống nhà Ba Đệ xem ba mầy ở đâu, Thằng Lợt đi một đỗi về bảo: “Chú Ba Đệ nói ba về từ hồi chập tối” thế là cả nhà nhốn nháo đốt đuốc đi tìm, Ba Đệ nghe vậy cũng hú mấy anh em bạn nhậu cầm đèn đi tìm Bốn Bình, mọi người lo sợ y trúng gió ngã bờ ngã bụi thì nguy, tuy không nói ra nhưng ai cũng có cùng ý nghĩ:” nếu lỡ Bốn Bình ngã xuống rạch trước đình Ngọc Thạnh thì chắc chết”. Ba Đệ trấn an mọi người:” Có lẽ ảnh xỉn nên ngủ vùi bờ bụi nào đó”. Những ngọn đuốc của người nhà đi tìm Bốn Bình cứ như cái lưỡi đỏ hỏn liếm vào màn đêm. Tư Sang lia cây đèn bão khắp nơi, vạch từng cụm cây bụi cỏ, xem từng dấu vết trên mặt đất mà tuyệt nhiên chẳng thấy vết tích gì. Đêm càng khuya, hơi sương lạnh thấm vào người nhưng lòng thì lại nóng như lửa đốt. Ai cũng hiểu rằng càng để lâu thì mức độ nguy hiểm cho Bốn Bình càng tăng thêm. Chợt có ai đó góp ý:” Bọn mình thử tìm ở những bụi tre và vườn thao lao bên đình Ngọc Thạnh thử xem, chỗ ấy tuy vắng vẻ, ngược đường về nhà của Bốn Bình nhưng biết đâu chả say rượu đi lạc?”. Thật cũng chẳng biết làm gì hơn, mọi người dồn về hướng đình. Ngôi đình im lìm trong bóng đêm, mái đình cong vểnh lên như mũi đao, hàng cây thao lao, cây dầu, cây đa… cao lừng lững quanh đình. Đình cổ kính và thâm nghiêm lắm, ban ngày người ta đi qua cũng phải bỏ mũ nón xuống, chẳng ai dám đùa nghịch chứ đừng nói chi bẻ lá chặt cây. Những lúc chạng vạng, trưa tròn bóng nắng chẳng ai dám lai vãng. Giờ đã nửa đêm nhưng mọi người ỷ số đông và có đèn đuốc nên cũng vững dạ, tuy đi thành từng nhóm nhưng Ba Đệ cũng lầm rầm niệm thần chú. Chợt thằng Lợt hét to:”Có người trong bụi tre”. Mọi người giật mình, cái sợ lan tỏa thấm vào từng người, tất cả tập trung hết đèn đuốc soi vào bụi tre. Bụi tre dày đặc, con mèo chui không lọt, không hiểu sao con người ta như thế lại lọt được vào trong? Tuy không thấy được mặt mày nhưng qua nhân dáng và quần, vợ con Bốn Bình biết ngay là chồng là cha. Chị vợ khóc tức tưởi:” Ông uống cho cho cố mạng để say xỉn đến nỗi chui vào bụi tre, thật khổ thân tui quá! “. Tre ken dày đặc, gai góc tua tủa không làm sao kéo được Bốn Bình ra. Ba Đệ cử hai người bạn chạy về nhà mang rựa ra chặt bớt tre, trảy bớt cành và gai góc, hì hục đến một giờ sáng mới lội được thằng chả ra. Mặt mày Bốn Bình xám xịt, miệng đầy cức bò, mắt nhắm nghiền, thần hồn dường như phiêu diêu nên y không còn hay biết gì cả. Mọi người khiêng y về nhà, sau khi móc hết cức bò ra khỏi miệng y, Ba Đệ lấy rượu rửa ráy cho y xong, đoạn Ba Đệ ra sân đốt nén hương khấn vái rì rầm và hú gọi ba hồn chín vía cho Bốn Bình. Đến mấy ngày sau y mới hoàn hồn lại và nhớ mài mại những chuyện đã xảy ra với y. Y kể:” Sau khi ra khỏi nhà Ba Đệ một quãng đường, y gặp một người tự xưng là Ba Đệ, người ấy nói sợ anh Bốn say té dọc đường nên theo dìu anh Bốn về nhà. Người ấy dắt tui đi, tui thấy khúc đường này sao hổng giống đường về nhà, sợ bị lạc nên hỏi. Người ấy bảo đừng lo, cứ thế người ấy dắt đi...và sau đó thì không biết gì nữa hết”
Kể đến đây Ba Mạnh chiêu một ngụm rượu lấy hưng phấn để nói tiếp:
- Thằng chả bị ma Xó nó dắt đi nhét vào bụi tre, nó còn lấy cứt bò nhét đầy miệng y. Bụi tre ken kín như thế mà thân thể Bốn Bình không bị gai cào xước, ấy là bởi ma Xó nó nhét, nếu người bình thường thì không thể nào vào bụi tre đó được, nếu có cố vào thì cũng bị gai cào rách mặt nát mình.
Những người ăn giỗ nghe thế đều lắc đầu le lưỡi tỏ vẻ sợ. Có người còn bảo:” Tui cũng từng nghe thiên hạ đồn đại ma Xó, nào ngờ thằng chả bị ma Xó nó nhét vào bụi tre, ghê quá!”. Bá hộ Thơ thấy bà con họ hàng vui vẻ nên cũng sanh hứng:
- Hồi tui còn nhỏ, tía tui thường đạp xe đi lòng vòng khắp mấy tổng An Sơn, Dương Sơn, Thanh Huy, Quy Hội… Thuở ấy xe đạp hiếm lắm, cả vùng này chỉ mỗi tía tui có thôi. Xe được làm bên Tây nên giá mắc kinh khủng, tía tui bỏ cả mấy tháng tiền huê lợi mới mua được. Vùng này cũng có bá hộ Liên, bá hộ Hân, bá hộ Khiết… nhưng chỉ mỗi tía tui dám sắm xe đạp thôi! Bữa nọ tía tui đi chơi về, đạp xe ngang qua đình Ngọc Thạnh thì trời cũng vừa nhá nhem tối. Tía thấy thằng nhỏ kháu khỉnh đứng bên đường. Tía ngạc nhiên:” Con nhà ai mà giờ này còn đứng ở đây?”, vừa nghĩ thế thôi, thằng bé kêu to:” Ông ơi cho con quá giang về ấp An Phước”. Tía thấy thằng nhỏ dễ thương, vả lại giờ cũng chạng vạng mà đứng ở đây hổng tốt nên tía bảo nó lên yên xe ông chở về. Thằng bé ngồi phía sau huyên thuyên đủ thứ nhưng tía chẳng nghe hay nhớ được gì. Tía tui kể, không hiểu sao xe thì càng lúc càng nặng. Tía cố sức đạp nhổm cả người lên nhưng một lát thì đuối. Tía cứ ngỡ như chở cả trăm giạ lúa hổng bằng. Tía bèn hỏi:” Con bao nhiêu ký lô mà sao ông thấy nặng quá trời vậy?”, không nghe trả lời, tía bèn dừng xe ngoái cổ lại thì thấy một hình nhân vô cùng gớm ghiếc, mặt trắng xát, mắt như hai hòn than hồng, miệng nhe nanh trắng nhởn, lưỡi đỏ lòm...Tía tui hoảng hồn quăng xe đạp chạy bán sống bán chết, về đến nhà tía còn run lập cập, miệng mấp máy nói trong làn hơi ngút ngút:”… Đình, ngoài đình…con ma...”. Má tui thấy tía như vậy nên cũng sợ lắm, sai người nhà đốt đuốc đi tìm cái xe đạp của tía. Sau khi hoàn hồn tía mới bảo:” Gặp phải ma Trành, ma Trành là những đứa con nít hay đồng nam đồng nữ vì lý do nào đó mà chết khi chưa kịp trưởng thành. Ma trành hổng làm chết ai nhưng nó phá phách và chọc ghẹo dữ lắm!”
Nghe các cụ mân trên kể chuyện ma hấp dẫn và hồi hộp quá, nhiều người sợ ma nhưng lại cứ thích hóng chuyện ma. Bà Năm Chà, em bạn dì với bá hộ Thơ giọng rổn rảng:
- Hổng biết mấy anh, mấy chị còn nhớ chuyện bà Sáu Bé không? Bả cũng bị ma Trành ghẹo làm hoảng cả hồn vía.
Bà Tư ngồi bên mé trái phản gỗ tay ngoáy trầu miệng chót chét:
- Chị Năm kể nghe chơi, tui cũng có nghe loáng thoáng nhưng không rõ đầu đuôi câu chuyện, ở đây chắc cũng có nhiều người không rõ lắm đâu!
Bà Năm Chà bỏ đũa xuống, bẻ miếng bánh tráng lốp rốp, miệng oang oang:
- Bữa kia, trời vừa mờ mờ sáng. Bà sáu Bé vẫn thường lệ gánh đôi nừng ra chợ bà Bâu, xưa giờ bả thường đi vòng qua lộ, tuy có xa hơn nhưng tránh phải đi qua đình. Trời xui đất khiến thế nào mà buổi rạng đông hôm đó bà lại đi qua đình. Vừa đi vừa niệm thầm thần chú, dù không dám nhìn vào đình nhưng hình bóng ngôi đình vẫn rõ mồn một trong tâm thức. Đi một quãng đường thì bà cảm nhận cái nừng phía sau cứ nhẹ dần, rõ ràng bà chất hàng trong hai cái nừng rất cân phân, đi thêm một đỗi nữa thì mất thăng bằng hẳn đi, cái nừng phía trước rơi xuống, đòn gánh bật. Tự dưng bà Sáu bé thấy nổi cả da gà khi nhìn về phía sau, đồ đạc trong nừng bị ai đó lấy rải dọc theo con đường. Bà nhìn thêm lần nữa thì thấy một nhóm con nít đang cười khúc khích đi về hướng sân đình. Bà Sáu đái ra quần, vừa chạy vừa ú ớ la không ra tiếng. Chạy về đến nhà đắp mềm nằm rên hừ hự. Ai hỏi gì cũng hổng nói nên lời, chỉ ngắt quãng từng tiếng:”… ma… ma Trành… đình… ngoài đình...” mấy đứa con bà ra đình gom nhặt đồ đạc gánh về.
Ông Hai Chương vốn là ấp trưởng hồi đàng cựu và cũng có họ hàng với bá hộ Thơ. Hai Chương tuy lớn tuổi hơn nhưng thuộc chi nhỏ nên vẫn phải kêu bá hộ Thơ bằng anh. Hai Chương mời bá hộ Thơ một chung rượu rồi kể:
- Hồi tui còn làm ấp trưởng, mỗi tối tui thường dẫn anh em dân vệ đi tuần để giữ trị an cho ấp, có một lần cả toán đi qua đình Ngọc Thạnh, tụi tui giữ lễ, không dám bất cẩn với mấy vị khuất mày khuất mặt ấy vậy mà vẫn gặp. Hôm ấy chính mắt tui thấy ba cô gái mặc áo dài trắng xát, ngồi vắt vẻo trên cành cây gừa, tóc đen che mặt và dài đến chấm đất. Cả bọn ù té bỏ chạy như ma đuổi, càng chạy thì ba cái bóng ấy càng theo sau, chạy đến xóm giữa đông đúc nhà cửa thì bọn chúng mới tan. Lần đó tui và tụi dân vệ tè cả ra quần, đó cũng là lần sợ để đời, còn những lần đi tuần gặp ma Trơi lập lòe thì nhiều nhưng không có sợ như thế. Gặp ma Trơi mà càng chạy thì nó sẽ rượt theo, hễ đứng lại thì nó cũng chững lại. Nếu bà con có gặp ma Trơi thì nhớ giữ bình tĩnh đứng lại, nếu có đèn đuốc thì giơ lên thì tự khắc nó sẽ tan biến đi, còn như hoảng sợ bỏ chạy thì nó sẽ đuổi theo sát sạt sau lưng. Khổ một nỗi là người ta ở đời dễ bị nát thần hồn, gặp ma có mấy ai dám đứng lại bao giờ.
Bá hộ Thơ tiếp lời:
- Chú Chương, tui nghe người ta nói, hễ ai yếu bóng vía thì không thấy ma, ai dạn dĩ mới bị ma hù, vậy mà khi gặp ma ai cũng sảng thần cả! Té ra ở đời khi đụng chuyện mới biết thật giả, cũng như khi gặp ma thì mới biết ai nhát gan, ai dạn dĩ.
Hai Chương gật gù, định nói gì đó nhưng Chín Sanh đã tằng hắng bảo:
- Ông bá hộ Thơ nói có lý lắm! Đụng việc mới biết thật giả, ở đời nhiều khi ma ma Phật Phật khó nhận ra.
Nói xong, Chín Sanh bưng chén đi lại đằng chiếu con nít:
- Các cháu ăn có no không? Ngon không?
Bọn con nít nhao nhao tranh nói ngon. Chín Sanh lên lớp:
- Nay là ngày giỗ thầy Hương Cả, tía của ông bá hộ Thơ. Các cháu ăn cỗ nhớ người, hưởng lộc nhớ ơn. Thầy Hương Cả sống rất tình nghĩa, tốt bụng, cả đời dạy chữ, bốc thuốc cứu người. Các cháu cố gắng ăn học để sau này cũng làm được như thầy Hương Cả.
Bọn trẻ dạ rân, rộn ràng cả nhà từ đường. Chín Sanh hài lòng, quay trở lại bàn các cụ:
- Ma cũng có nhiều loại, có thứ dữ dằn ghê gớm nhưng cũng có loại rất hiền và biết điều. Hồi tía tôi còn sống, ổng có đám đất thổ mộ trồng cây ăn trái, trên ấy có cái mả vô chủ lâu đời. Những mảnh đất xung quanh cũng có mả vô chủ nhưng chủ đất ủi hết để lấy đất trồng cây. Tía tui thì ngược lại, chẳng những không ủi phá mà còn chăm sóc tu bổ và đắp điếm cho đàng hoàng, ngày chạp mả cũng viếng như mả của người trong họ. Thế rồi một hôm tía tui làm vườn, khi nghỉ trưa tía chợp mắt dưới gốc xoài thì thấy bóng người phảng phất khói sương đến vái chào và cảm ơn tía. Cái bóng hình nhân đó còn hứa sẽ hộ vệ cho tất cả người và vật trên mảnh đất của tía. Kể từ đó vườn cây trái của tía tôi luôn luôn tươi tốt sum xuê mà không bị sâu bọ chi cả, trong khi những vườn chung quanh thì bị sâu bọ rầy bệnh liên miên, mặc dù họ phun thuốc sâu liên tục. Sau đó thì những món đồ tía quên hay làm mất bỗng dưng thấy xuất hiện ở chái hiên nhà. Bởi vậy tía dạy tụi tui:” Tuy ma nhưng có tình, có nghĩa, có ơn, có hậu… Còn có nhiều người tuy mặt mày rõ ràng nhưng ăn ở chẳng bằng ma, thậm chí còn đáng sợ hơn cả ma”
Mọi người trong bàn cỗ gật gù tán thưởng lời Chín Sanh. Bà Mười Thập ở bên mân đàn bà nói vọng lên:
- Anh Chín nói phải lắm, nhiều người coi vậy chứ hổng bằng ma, hoặc tệ hơn cả ma, đáng sợ hơn ma! Hổng biết mấy anh sao chứ đàn bà tụi tui cũng từng gặp không ít những con người dễ sợ hơn ma, hình dong tuy đẹp đẽ, mặt mày sáng sủa mà cái tâm tối hù, đen kịt.
Bá hộ Thơ cười:
- Đàn ông, đàn bà gì cũng thế thôi, đã tệ hơn ma, đáng sợ hơn ma thì có mang dáng đàn ông hay đàn bà cũng đều khiến người ta sợ cả!
Ông Tám Tường nối lời:
- Ma cũng có loại chọc phá người, nhưng cơ bản là do người nát thần tánh trước! Sợ ma cũng do mình là phần lớn chứ chẳng phải do ma, người và ma cũng có ranh giới rõ ràng, ít khi nào nhần lẫn. Còn con người mới đáng để sợ, khó ai biết được bộ mặt thật, chỉ khi nào đụng chuyện thì mới vỡ lẽ ra. Người đáng sợ hơn ma, chỉ có người mới sân hận thù ghét, chỉ có người mới đâm bị thóc thọc bị gạo, dèm pha phỉ báng; cũng chỉ có người mới tham lam tranh đoạt bằng mọi giá và cũng chỉ có người mới chơi đểu, chơi dơ, chơi xấu...Người hại người mới ghê gớm và tàn bạo. Xưa nay bọn mình nghe chuyện ma đã nhiều nhưng chẳng mấy khi thấy ma hại người, cũng chưa từng thấy ai bị thiệt vì ma, chỉ có người mới bị thiệt vì người mà thôi!
Tám Tường dứt lời thì cả bàn trên các cụ vỗ tay rào rào, mâm dưới các bà cũng rần rần hưởng ứng cho là anh Tám nói chí phải. Anh Tám cứ như là người thuyết pháp!
Bà Bảy Thất cất giọng chả chớt hướng về phía con nít:
- Mấy đứa nhỏ đừng có ra sông tắm à nhen! Kẻo không có ngày ma Da kéo cẳng nhận nước đó! Năm rồi thằng cu Văn con bà Sáu Lùn bị ma Da nhận nước chết ngay khúc sông trước nhà đèn. Khúc sông sông bọc lấy làng An Phước, nước sâu sông rộng. Tui từ nhỏ đến giờ nghe đồn đại ma Da ở khúc sông này nhiều lắm. Ma Da cứ lởn vởn chờ người chết thay để được đi đầu thai.
Bà Tám Tường ỏn ẻn bồi thêm:
- Mấy cây gừa bên sông là nơi tụ tập của ma Da, người ta nói những chiều mưa ma Da ngồi đánh đu trên mấy cành gừa xìa ra mặt nước. Tụi con nít trong xóm muốn đi tắm sông phải có người lớn đi theo, mấy anh chị nhớ canh giữ con cháu mình.
Ông Mười Thập biện luận:
- Tui cũng nghe ma Da nhận nước người ta, nhưng có lẽ cũng do mình, có thể người tắm sông bị chuột rút, ra chỗ nước sâu hụt chân, gặp xoáy nước… Tắm sông tuy có nguy hiểm nhưng đó là một cái thú, người quê bao đời nay tắm sông, giờ cấm tụi nhỏ sao được? Tui có ý kiến là người lớn trong làng nên cắm cọc hay giăng phao báo hiệu chỗ nước sâu, chỗ nguy hiểm để người tắm biết. Con nít có tắm sông thì cũng nên có người lớn đi kèm để trông chừng, nếu chỉ vì sợ chết nước mà bỏ tắm sông thì vô lý quá, khác gì có chân mà không dám đi vì sợ gãy! Sông nước trời cho mà hổng hưởng thì uổng!
Nhiều cụ gật gù, bên mân đàn bà cũng hổng thấy ai phản đối ý kiến ông Mười Thập. Thiệt tình mà nói mấy bà ở đây cũng từng một thời tắm sông khi còn con nít, nhờ vậy mà các bà cũng là tay bơi cự phách cả. Mấy tay công tử thành đô bơi hồ mà gặp các bà thì chỉ có nước bái làm sư tỷ
Chú Tư Cần nãy giờ ngồi bô lô ba la đủ thứ chuyện trên đời nhưng ít ai lắng nghe vì mọi người đang hứng thú nghe và kể chuyện ma. Chú Tư Cần lái đề tài sang hướng khác, đây cũng là biệt tài của chú:
- Tư tui nghe nói trên thành đô đất chật người đông nên dương thạnh âm suy, ma cỏ cũng ít có như dưới quê, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có hồn ma bóng quế trong nhà chú Hỏa mà thôi! Thành đô giờ có một loại ma người, đó là ma cô, tụi nó có nhân dạng rõ ràng nhưng ác lắm, chuyên dắt mối mãi dâm, đâm thuê chém mướn, cho vay nặng lãi, đòi nợ xiếc đồ… Với loại ma cô này thì dù là nhát gan hay dạn dĩ cũng đều đau mình với chúng! Ai cũng có thể gặp, bất kể là nam, phụ, lão, ấu; bất kể là ngày hay đêm; bần hèn hay khá giả…
Tiếng cười rần rật trong ngôi từ đường. Ông Hai Chương khen:
- Thằng Tư Cần xưa nay làm quản trò hay tấu hài đều giỏi, nào ngờ nay lại miệng lưỡi lý luận dữ đa, nói có ý nghĩa và rất thực tế! Tuy nhiên ma cô cũng chỉ là bọn tép riu. Thứ ma đáng sợ nhất chính là lũ ma vương đang đè đầu cỡi cổ người dân đấy!
Bá hộ Thơ nháy mắt ra hiệu cho Hai Chương, Hai Chương hiểu ý không nói gì thêm, vì trong bữa giỗ còn có mấy tay chức sắc trong ấp, tuy cũng chỗ họ hàng nhưng ai thờ chủ nấy, đụng đến chủ của họ thì phiền phức lắm. Bá hộ Thơ bước lại gần Tư Cần và vỗ vai:
- Qua nhớ chú em lên thành đô có một lần từ hồi nẳm, sao biết rõ vậy?
Tư Cần cười cười:
- Chuyện ma thì con có cả một bụng đây nè! Còn ma cô thì mới biết gần đây thôi, con đâu có ngán ma nào, chỉ ngán có mỗi ma cô.
TIỂU LỤC THẦN PHONG
Ất Lăng thành, 07/2021 |