SỐ 104 - THÁNG 10 NĂM 2024

 

A Thousand Splendid SunsNgàn ánh dương rực rỡ

Khaled Hosseini
Trúc Hà dịch

Chương 47

Mariam
Bao nhiêu năm, giờ như trở lại sống trong một căn chòi.

Nhà tù nữ Walagat là một tòa nhà hình vuông tối tăm buồn tẻ ở khu Shar-e-Nau gần đường Con Gà. Nó nằm ngay giữa một khu rộng lớn giam tù nam. Một cánh cửa khóa ngăn cách Mariam và các phụ nữ khác với bọn đàn ông chung quanh. Mariam đếm được năm phòng giam. Tất cả đều không có bàn ghế, vách tróc sơn bẩn thỉu, cửa sổ nhỏ nhìn ra sân. Cửa sổ nào cũng có song chắn mặc dù cửa phòng giam không khóa và các bà được tự do đi ra ngoài sân tùy thích. Cửa sổ không có kiếng. Cũng không có màn, có nghĩa là bọn lính gác lang thang ngoài sân có thể nhìn thấy hết bên trong phòng giam. Một số phụ nữ than phiền là bọn lính gác hút thuốc bên ngoài cửa sổ và nhìn trộm bằng cặp mắt hiếu sắc với giọng cười đểu, là chúng rù rì với nhau những lời khiếm nhã về các tù nữ. Vì lẽ đó, đa số phụ nữ mặc áo dài trùm kín người suốt ngày và chỉ cởi ra sau khi mặt trời lặn, sau khi cánh cổng chính đã khóa lại và bọn lính gác đã trở về vị trí của chúng. 

Ban đêm, phòng giam Mariam và năm người phụ nữ với bốn đứa nhỏ tối đen. Những đêm có điện, bọn họ nâng nhỏ Naghma, một nhỏ gái thấp lùn, ngực lép, tóc quăn đen, lên trần nhà, chỗ có sợi dây điện bị tước vỏ. Nhỏ Naghma sẽ dùng tay không quấn sợi dây điện không vỏ quanh cái bóng đèn để nối mạch.

Mấy nhà vệ sinh nhỏ xíu vừa đủ chỗ ngồi, sàn xi-măng nứt nẻ. Dưới đất có đào một lỗ nhỏ hình chữ nhật, dưới đáy là một đống phân. Ruồi nhặng bay ra vô cái lỗ đó.

Ngay giữa nhà tù là một cái sân rộng hình chữ nhật, ở giữa đó là cái giếng. Cái giếng không thoát nước có nghĩa là khoảng sân thường biến thành đầm lầy và nước có mùi thúi. Những sợi dây phơi đồ, nặng đầy vớ và tã giặt tay, chằng chịt trên sân. Đây là nơi tù nhân gặp gỡ khách thăm nuôi, nơi họ nấu cơm với gạo gia đình mang vô – nhà tù không cung cấp thức ăn.

Sân cũng là nơi con nít chơi đùa – Mariam được biết rất nhiều đứa trẻ được sinh ra trong tù Walayat này và chúng chưa bao giờ nhìn thấy thế giới bên ngoài. Mariam nhìn chúng rượt đuổi nhau, chân trần bết đầy bùn.

Cả ngày, chúng chạy vòng vòng, chế ra những trò chơi sinh động, chẳng kể gì đến mùi thúi của phân và nước tiểu đã thấm vào cả nhà tù và cả thân thể chúng, chẳng quan tâm đến bọn lính gác cho tới khi bị lãnh cái tát tay.

Mariam không có khách thăm. Đó là điều đầu tiên và duy nhất Mariam đã xin các viên chức Taliban ở đây. Không thăm viếng.

Trong phòng giam của Mariam, không có người phụ nữ nào bị tù vì tội ác bạo lực - tất cả chỉ vì tội thông thường là “bỏ nhà trốn đi”. Vì thế Mariam trở thành nổi tiếng. Bọn phụ nữ nhìn nàng với vẻ kính trọng, gần như kinh sợ. Họ tặng nàng chăn mền của họ. Họ tranh nhau chia sẻ đồ ăn cho nàng.

Người sốt sắng nhất là Naghma, người luôn luôn khoanh tay đi theo Mariam khắp nơi. Naghma là loại người tìm thấy niềm vui trong việc rao tin về những bất hạnh của người khác hay của chính mình. Cô ta nói bị cha cô hứa gả cô cho một người thợ may lớn hơn cô cả 30 tuổi.

“Ông ta hôi như cú, mà răng thì còn ít hơn số ngón tay,” Naghma nói về người thợ may.

Cô tìm cách trốn đi Gardez với một thanh niên trẻ, con của ông thầy dạy giáo lý chỗ cô ở mà cô đã đem lòng yêu. Hai người đi chưa khỏi Kabul. Lúc họ bị bắt và đuổi trở về, người con trai của ông thầy giáo lý đã bị đánh roi trước khi anh ta kịp ăn năn và nói đã bị Naghma cám dỗ. Anh hứa sẽ tu tỉnh bản thân và dốc lòng rèn luyện kinh Koran. Anh được thả ra. Naghma bị kết án năm năm tù. Naghma nói ở tù cũng tốt thôi, cha cô đã thề, ngày cô được thả, ông sẽ kề dao vô cổ cô.

Lắng nghe Naghma kể, Mariam nhớ lại ánh sáng của những vì sao lạnh lẽo và những đám mây hồng nối nhau trên những ngọn núi ở Safid-koh vào buổi sáng cách đây đã lâu khi má nàng đã nói với nàng: Như kim la bàn luôn chỉ về hướng Bắc, ngón tay của người đàn ông luôn luôn tìm một người đàn bà để buộc tội. Luôn luôn. Mariam, con hãy nhớ lấy.

Tuần trước đó là phiên tòa xử Mariam. Không có luật sư, không có nhân chứng, không có xét bằng chứng, không có kháng cáo. Mariam từ chối quyền có nhân chứng của mình. Cả buổi xử kéo dài không quá 15 phút.      

Vị quan tòa ngồi ở giữa, Hồi giáo gộc, ốm yếu, là người chủ tọa. Ông ta hốc hác thấy sợ, da vàng và dày như da thuộc, râu đỏ quăn. Cặp mắt kính phóng to đôi mắt của ông và làm lộ hai tròng trắng vàng khè. Cái cổ ốm quá làm sao chịu nổi cái khăn quấn vòng vo trên đầu.

“Bà nhận tội, phải không?” ông hỏi lần nữa với giọng mệt mỏi.
“Dạ nhận,” Mariam nói.

Quan tòa gật đầu. Hoặc không gật. Thật khó nói vì rõ rệt ông có tật lúc lắc tay và đầu khiến Mariam nhớ đến tật lúc lắc của Thầy giáo lý Faizullah. Lúc muốn nhấp miếng nước trà, ông không đưa tay lấy cái tách. Ông ra dấu cho người đàn ông vạm vỡ đứng bên trái để người này đưa tách trà lên môi ông một cách kính trọng. Xong, ông nhẹ nhàng nhắm mắt lại, một cử chỉ biết ơn lịch sự và thầm lặng.

Mariam nhận thấy vị quan tòa này có một ưu điểm khó cưỡng. Đó là khi ông nói, giọng ông nghe thông minh và dịu dàng vô cùng. Nụ cười của ông đầy kiên nhẫn. Ông không hề nhìn Mariam một cách khinh khỉnh. Ông nói với nàng không bằng giọng ác cảm mà bằng giọng êm dịu như xin lỗi.

“Bà có hoàn toàn hiểu những điều bà nói không?” người đàn ông mặt xương ngồi bên phải của vị quan tòa, không phải người đưa trà, nói. Người này trẻ nhất trong ba người. Y nói nhanh và một cách tự tin quá lố, xấc xược. Y đã khó chịu vì Mariam không nói được tiếng Pashto (Pashto và Farsi là hai ngôn ngữ chính của A Phú Hãn; Mariam nói tiếng Farsi tức tiếng Ba Tư - dịch giả).     

Mariam thấy rõ y là hạng thanh niên trẻ thích kiếm chuyện để có dịp tỏ quyền hành, là hạng người đâu đâu cũng nhìn thấy tội phạm, nghĩ mình sinh ra với quyền phê phán kẻ khác.

“Tôi có hiểu,” Mariam nói.
“Tôi tự hỏi,” tên tòa trẻ nói. ”Thiên Chúa tạo ra chúng ta, đàn bà các người và đàn ông chúng tôi, khác nhau. Bộ óc của chúng ta khác nhau. Các bà không có khả năng suy nghĩ như chúng tôi. Các bác sĩ Tây phương và khoa học đã chứng minh điều đó. Đó là lý do tại sao chúng tôi chỉ đòi hỏi một nhân chứng nam nhưng hai nhân chứng nữ.”
“Tôi nhìn nhận những điều tôi đã làm, thưa ông,” Mariam nói. ”Nhưng nếu tôi không làm thì ông ta sẽ giết cô ấy. Ông ta đang bóp cổ cô ấy.”
“Bà nói vậy. Đàn bà thì lúc nào cũng thề thốt đủ mọi chuyện.’’
“Đó là sự thật.”
“Bà có người làm chứng không? Một người khác chứ không phải là người vợ kia, đồng lõa của bà; có không?”
“Không có,” Mariam nói.
“Vậy thì hết chuyện để nói.” Y đưa hai tay lên trời và cười khảy.

Vị quan tòa ốm yếu ngồi giữa tiếp lời.

“Tôi có người bác sĩ ở Peshawar,” ông ta nói. “Một thanh niên người Pakistan trẻ, đàng hoàng. Tôi gặp anh ta hồi tháng trước, rồi mới tuần trước đây nữa. Tôi bảo, nói thật cho tôi biết đi anh bạn, và anh ta bảo tôi, ba tháng thưa ông, có thể sáu tháng tối đa - tất cả đều do Thiên Chúa định.”

Ông kín đáo gật đầu với người đàn ông vạm vỡ ngồi bên trái, rồi nhấp một ngụm nước trà y đưa. Ông chùi miệng bằng lưng bàn tay bị run. “Tôi không sợ phải từ giã cuộc đời này, cuộc đời mà thằng con trai duy nhất của tôi đã giã từ cách đây 5 năm, cái cuộc đời cứ khăng khăng bắt mình phải chịu đựng hết nỗi khổ này đến nỗi khổ khác, cả khi mình không còn chịu đựng được nữa. Không, tôi tin rằng tôi sẽ sẵn sàng ra đi khi đã đến lúc.

Điều làm tôi sợ hãi, thưa bà, là ngày Thiên Chúa gọi tôi đến trước mặt Ngài và hỏi, Tại sao ngươi không làm như ta đã nói? Tại sao ngươi không tuân theo luật pháp của ta? Làm sao tôi giải thích được với Ngài, thưa bà?  Làm sao tôi tự bào chữa được vì sao đã không theo lệnh của Ngài? Tất cả những gì tôi có thể làm, tất cả những gì mỗi chúng ta có thể làm, trong khoảng thời gian chúng ta được ban cho, là tuân theo luật lệ Ngài đã đặt cho chúng ta. Càng thấy rõ ngày cuối của mình, càng đến gần ngày phán xét của mình, tôi càng quyết tâm thực hiện lời của Ngài. Dù có khó khăn đau đớn đến đâu.”

Ông ta sửa thế ngồi trên gối và nhăn mặt.

“Tôi tin lời bà khi bà nói chồng của bà là người tính khí khó khăn,” ông ta nói tiếp, cặp mắt đeo kính nhìn Mariam không chớp, ánh mắt vừa nghiêm khắc vừa thương hại. “Nhưng tôi không thể không phiền lòng vì hành động tàn nhẫn của bà, thưa bà. Tôi đau lòng vì điều bà đã làm; tôi đau lòng bởi vì thằng bé khóc đòi cha nó trên lầu trong khi bà làm chuyện đó.
“Tôi mệt mỏi, tôi sắp chết, tôi muốn rộng lượng. Tôi muốn tha thứ cho bà. Nhưng khi Thiên Chúa gọi tôi đến và nói, Nhưng ngươi lấy quyền gì mà tha thứ, thì tôi phải nói sao đây?”

Hai người đồng nghiệp của ông gật đầu và thán phục nhìn ông.

“Tôi có cảm tưởng bà không phải là một người đàn bà độc ác. Nhưng bà đã làm một việc ác. Và bà phải trả giá cho điều bà đã làm. Luật Hồi giáo không hề mơ hồ về vấn đề này. Luật đó nói tôi phải cho bà đi đến nơi mà chẳng bao lâu nữa chính bản thân tôi sẽ gặp bà ở đó. Bà có hiểu không?”

Mariam nhìn xuống hai bàn tay. Nàng nói hiểu.

“Xin Allah tha thứ cho bà.”

Trước khi nàng bị dẫn đi, Mariam được đưa cho một văn bản, được bảo ký tên dưới lời khai của nàng và bản án của quan tòa. Dưới ánh mắt theo dõi của ba tên tòa Taliban, Mariam viết từng chữ tên nàng - chữ m, chữ r, chữ a và chữ m - nhớ lại cái lần cuối cùng nàng ký tên trên một văn bản cách đây 27 năm, tại bàn của ông Jalil, dưới ánh mắt chăm chú theo dõi của một ông thầy giáo lý Hồi khác.

Mariam ở trong tù 10 ngày. Nàng ngồi bên cửa sổ phòng giam, theo dõi cuộc sống ngoài sân. Khi những cơn gió hè thổi mạnh, nàng nhìn theo những mảnh giấy vụn quay cuồng cởi gió bay ra khỏi các bức tường nhà tù. Nàng theo dõi những cơn gió khuấy bụi lên cuốn thành những xoắn ốc quất ngang sân. Tất cả mọi người - bọn lính canh, tù nhân, bọn trẻ, Mariam - dấu mặt vô khuỷu tay, nhưng bụi cũng không tha. Bụi chui vô lỗ tai và lỗ mũi, lông mi và các nếp da, giữa kẽ răng. Tới chiều tối, gió mới lặng. Và rồi nếu gió đêm có thổi thì cũng chỉ thật nhẹ, như thể muốn đền bù cho sự quá lố của gió ngày.

Vào ngày cuối của Mariam ở nhà tù Walayat, Naghma đưa tặng nàng một trái quýt. Cô ta đặt trái quýt lên lòng bàn tay Mariam và khép những ngón tay của nàng lại. Rồi cô ta bật khóc.

“Chị là người bạn tốt nhất của em,” cô ta nói.

Phần thời gian còn lại, Mariam đứng bên cửa sổ có song sắt để nhìn xem các tù nhân bên dưới. Có ai đó đang nấu cơm, một làn khói thơm mùi thì là và hơi nóng xuyên qua cửa sổ. Mariam nhìn thấy bọn trẻ đang chơi trò bịt mắt. Có hai cô bé đang hát một bài vè khiến Mariam nhớ lại thời thơ ấu, cha nàng cũng hát bài đó cho nàng nghe lúc họ ngồi câu cá trên tảng đá ngoài suối:

Cái hồ nước nhỏ,
Con cá lòng tong,
Mé hồ uống nước thong dong,
Trượt chân cá té
Xuống hồ đi đong.

Đêm cuối cùng của Mariam đầy mộng mị. Nàng mơ thấy những viên sỏi, mười một viên, xếp đồng đều hàng dọc. Ông Jalil trẻ lại, nụ cười rạng rỡ, cằm lún đồng tiền, vết mồ hôi trên áo, áo khoác vắt vai, cuối cùng đến đón con gái chở đi một vòng trên chiếc xe hơi Buick Roadmaster màu đen bóng lộng của ông. Thầy Faizullah tay lần chuỗi, cùng nàng đi dạo dọc bờ suối, bóng song đôi lướt theo dưới nước và trên bãi cỏ điểm hoa diên vĩ dại màu xanh oải hương mà trong giấc mơ này lại có mùi đinh hương. Mariam mơ thấy má nàng đứng nơi ngưỡng cửa căn chòi, tiếng bà văng vẳng từ xa gọi nàng về ăn cơm chiều, trong lúc nàng đang chơi ngoài bãi cỏ mát mẻ nơi bọn kiến, bọ cánh cứng và cào cào bò nhảy lung tung. Tiếng rít của xe cút-kít nặng nề đẩy trên con đường bụi bặm. Tiếng chuông bò leng keng. Tiếng trừu kêu trên đồi.

Trên đường đến sân vận động Ghazi, mỗi lần chiếc xe vận tải qua ổ gà, bánh xe làm tung tóe đá sỏi và bên trong xe Mariam bị hất tưng lên khiến xương cùng của nàng đau điếng.Tên lính Taliban trẻ cầm súng ngồi đối diện nhìn nàng.

Mariam tự hỏi không biết đây có phải là người làm việc đó hay không, anh chàng mặt mũi dễ thương này với đôi mắt sâu, sáng và gương mặt hơi nhọn, ngón tay trỏ móng thâm đen gõ gõ vô thùng xe.

“Má đói không?” anh ta hỏi.

Mariam lắc đầu.

“Con có cái bánh. Ngon lắm. Nếu má đói con đưa má ăn. Không sao.”

“Không, cám ơn anh.”

Anh ta gật đầu rồi hiền từ nhìn Mariam. “Má có sợ không?”

Cổ Mariam bỗng nghẹn. Bằng một giọng run rảy, Mariam nói thật. “Có, tôi sợ lắm.”

“Con có tấm hình của ba con,” anh ta nói. “Con không còn nhớ ba con ra sao. Chỉ nhớ hồi trước ông sửa xe đạp. Nhưng không nhớ tướng ông đi đứng ra sao, ông cười như thế nào, hay giọng nói của ông ra sao.” Anh nhìn chỗ khác, rồi quay lại nhìn Mariam.

“Má con từng nói ông là người dũng cảm nhất. Giống như sư tử. Nhưng má con nói buổi sáng bọn cộng sản bắt ông đi, ông khóc nức nở như một đứa con nít. Con nói để má biết, sợ là chuyện bình thường. Không có gì phải xấu hổ, má à.”

Lần đầu tiên ngày hôm đó, Mariam đã khóc một chút.

Cả ngàn cặp mắt đổ dồn nhìn nàng. Băng ghế sân vận động đầy người ngồi, người ta rướn cổ để nhìn cho rõ. Người ta chắc lưỡi. Tiếng xì xào nổi lên khắp sân vận động lúc Mariam được dẫn từ xe vận tải xuống. Mariam tưởng tượng những cái đầu lúc lắc khi loa tuyên đọc tội trạng của nàng. Tuy nhiên nàng không nhìn lên để thấy người ta lắc đầu phản đối hay bác ái, trách móc hay thương hại. Mariam nhắm mắt, không nhìn một ai.

Sáng sớm hôm đó, nàng đã sợ mình sẽ làm trò cười cho thiên hạ, nàng sẽ khóc lóc van xin. Nàng đã sợ mình sẽ la hét hay ói mửa hoặc sẽ đái ra quần, sợ bản năng động vật sẽ nổi lên làm nhục nàng ở những giây phút cuối đời. Nhưng khi bị buộc phải xuống xe, chân nàng đã không qụy xuống, tay nàng đã không vùng vẫy. Nàng xuống xe mà không phải khiêng. Có cảm thấy yếu, nàng nghĩ ngay đến thằng bé Zalmai, kẻ đã bị nàng cướp đi người yêu thương nó nhất đời, kẻ từ nay sẽ chịu nỗi buồn mất cha. Thì bước chân nàng vững lại và nàng có thể tự nhiên bước tới.

Một người đàn ông cầm súng tiến đến bên cạnh nàng và bảo nàng đi về phía cột gôn phía Nam. Mariam cảm giác đám đông đang nôn nóng xiết lại. Nàng không nhìn lên. Nàng tiếp tục nhìn xuống đất, nhìn bóng của mình và bóng của người đao phủ đang sát theo.

Mặc dù cũng có vài khoảnh khắc đẹp, Mariam biết cuộc đời của nàng phần lớn đã bất hạnh. Tuy thế, chân bước hai mươi bước cuối cùng, nàng cũng không khỏi ước ao được sống thêm ít nữa. Mariam ước gì được nhìn thấy Laila lần nữa, đưọc nghe tiếng cười rộn rã của Laila, được ngồi cùng Laila uống trà, ăn chè bột báng còn thừa hôm trước dưới bầu trời đầy sao sáng. Nàng buồn tiếc không được nhìn thấy Aziza lớn lên thành một thiếu nữ xinh đẹp, không được vẽ bàn tay cho Aziza và vẩy kẹo hạnh nhân trong ngày cưới của Aziza. Nàng sẽ không bao giờ được chơi đùa với những đứa con của Aziza, là điều Mariam rất muốn, về già được chơi với con của Aziza.

Gần đến cột gôn, người đàn ông đi phía sau bảo nàng dừng lại. Mariam tuân lời. Qua tấm khăn che mặt, nàng nhìn thấy bóng của cánh tay hắn nâng bóng của cây súng AK lên.

Trong những giây phút cuối cùng đó, Mariam ao ước biết bao điều. Tuy nhiên, nhắm mắt lại, Mariam không hề cảm thấy tiếc nuối, ngược lại một cảm giác bình yên vô hạn tràn ngập lòng nàng. Nàng nghĩ mình đã bước chân vô thế giới này là đứa con hoang của một kẻ quê mùa hạ cấp, một thứ không ai mong muốn, một tai nạn đáng tiếc. Một thứ cỏ dại. Thế mà giờ đây nàng sẽ rời khỏi thế giới đó như một người đàn bà đã biết yêu thương và được thương yêu đáp lại. Nàng sẽ ra đi như một người bạn, một người đồng hành, một người che chở kẻ khác. Một người mẹ. Rốt cuộc, nàng đã trở thành một người quan trọng. Ɖược chết như vầy, không tệ lắm đâu, Mariam thầm nghĩ. Không tệ lắm đâu. Một kết cuộc hợp pháp cho một cuộc đời khởi đầu bất hợp pháp.

Ý nghĩ cuối cùng của Mariam là vài chữ trong kinh Hồi giáo mà nàng nhẩm đọc trong hơi thở.

Ngài đã tạo thiên đàng và trái đất bằng sự thật. Ngài khiến đêm che phủ ngày và khiến ngày tiếp nối đêm, và Ngài đã khiến mặt trời và mặt trăng tuân phục làm tròn nhiệm vụ; giờ đây hẳn Ngài là Đấng Toàn Năng, Đấng Vị Tha.

“Qùy xuống,” tên lính Taliban bảo.

Chúa ơi. Xin tha thứ và thương xót con, vì Ngài là kẻ vị tha nhất.

“Qùy xuống đây. Cúi đầu xuống.”

Một lần chót, Mariam vâng lời làm theo.                                          

(còn tiếp)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2024