Những ký ức rời
Nguyễn Việt Hồ
Tác giả 2014
1.
Con đường đi vào làng rau Trà Quế
Tôi đang nghĩ gì? Không nghĩ gì cả! Chỉ thấy trống trơn trong từng ý nghĩ, trong cái đầu luôn đầy ắp từng con chữ mà nhiều lúc muốn thoát ra sao khó vô biên.
Những buổi chiều nơi đây có khi vắng lặng đến không ngờ. Tôi thèm được ra đường đi loanh quanh đâu đó như thuở tóc còn xanh, lòng còn ngổn ngang những hoài vọng sân si, song cái đầu vẫn còn tỉnh táo lại cười khẩy một cách nhạo báng "..xưa rồi Diễm ơi.." Chết tiệt thật!.
Khi bạn sống trong một khung cảnh mà nó làm gợi nhớ đến ít nhiều xưa cũ, thật sự bạn dễ lạc lòng lắm đó, không thì bạn cũng ưa lẩn tha lẩn thẩn với mấy điều trời ơi đất hỡi, những hoa hèn cỏ mọn... Vậy mà có khi chúng làm bạn se thắt cả lòng chứ chẳng chơi.
Để giữ cho tâm tưởng đằm thắm ở một nơi vẫn còn mới mẻ là chuyện không khó song cũng không dễ.
Bạn biết không? Tôi vẫn sẽ yêu và nhớ một cây như Phượng Vỹ chẳng hạn, vì nó nở hoa đỏ rực gợi nhớ những mùa hè xưa cũ. Rồi cái quán ven đường, nơi đó người ta bán đủ món ăn chơi cho cái bọn học trò thuở ấy, sau nữa là cánh đồng lúa trải dài từ con đường đi lên thành cổ Diên Khánh. Hồi ấy, những chuyến xe lam hay xe thổ mộ luôn là niềm thích thú được ngồi lên và thấy con đường sao mà xa thăm thẳm, cứ như là Con Đường Cái Quan vậy.
Thời tuổi trẻ thấy cái gì cũng xa, cũng lớn, song lại hăm hở luôn muốn lên đường khám phá.
Giờ tuổi già thấy chỗ lớn đã không còn lớn, chỗ xa lại gần hoặc không còn xa mấy nữa, song cuộc đời lại bó rọ, quẩn quanh tới lui một chỗ. (Thiệt là bi kịch... hic...)
Bởi vậy nên tôi cứ phải xa lạ với mấy bức tường, mấy cái lan can có những tấm lưới bao quanh, nơi những căn hộ cao tầng, cho dù tôi đã sống ở đó cũng khá lâu, vì tôi chắc rằng những bức tường, cái lan can hay cái bãi đậu xe ấy chẳng có gì để nhớ, để kể. Còn cái cây, cái quán ven đường hay cánh đồng lúa thì có. Có chắc luôn nếu bạn sinh ra trong thành phố ấy, cái thành phố cho dù đã xa lạ trong trí tưởng những người ở xa song những câu chuyện thì vẫn còn đọng lại trong ký ức không xóa được. Có chăng, chỉ nhạt nhòa đi thôi.
Tôi sống hơn nửa đời ở Sài Gòn, và rồi chuyển qua vùng vẫn còn "nửa thành thị, nửa thôn quê, nửa đường lên núi, nửa đường xuống sông.." Tôi hẳn, hay nghĩ vậy cho đời bớt nhạt.
Nhớ những ngày mới sang, tôi hay đạp xe đi vòng vòng trên những con đường, mà tôi thấy sao nó giống y bon mấy con đường nơi xóm cũ. Có hôm, trong lúc đạp xe, tôi gần như ngẩn người khi bắt gặp hình ảnh một bà cụ ngồi vén áo phơi tấm lưng già lốm đốm vết đồi mồi, cạnh bà là con mèo đang lim dim ngái ngủ.
Con đường tôi đạp xe qua hay có những chị bán rau hoặc trái cây từ trong đất và nhà của họ. Có hôm tôi mua một ký chanh mới hái còn cả lá lẫn cành. Cầm nhánh chanh, tôi hít lấy mùi thơm của lá và tôi biết nó được trồng từ đâu? Từ một cái nhà hay cái chòi thì đúng hơn. Đó... đó... Chị bán chanh đưa tay chỉ khu vườn xa xa, nơi có đám cây cối lẫn trong đám cỏ... và rồi chúng tôi nói về mấy cây chanh, miếng đất và căn nhà chòi của chị.
Buổi sáng, khi cắt chanh uống mật ong thì trái chanh của tôi nó đã có một câu chuyện. Nó không như những trái chanh tôi mua trong siêu thị, bóng loáng sạch sẽ tinh tươm chứ không bụi cỏ dính vào, cũng không cành cọ lua tua, nhưng đằng sau nó vẫn là một câu chuyện, một mối quan hệ mà tôi thấy mình được cho hơn là được nhận.
Tất cả chúng ta rồi dần dà sẽ trở thành xa lạ. Hay chỉ còn là một người tiêu thụ đúng nghĩa trong một xã hội thực dụng. Nơi ấy, có thể Bạn và Tôi đều trở nên nghèo dần đi những cảm xúc và buồn bã vì ở trên một quê hương xa lạ, nơi mọi thứ đã đánh mất đi câu chuyện của mình.
(2016)
2.
Sài Gòn ký ức của một thời
Tôi không biết lứa tuổi nào đẹp nhất? Nhưng tôi biết tôi đã thương nhớ tuổi hai mươi của mình. Không phải vì nó đẹp mà là nó bị tan vỡ và đứt đoạn nửa chừng.
Không có vết thương nào được xem là đẹp, dẫu ta nhìn nó với lòng rưng rưng trìu mến thì sự thật vẫn không khá lên được.
Đó vẫn là những năm tháng nhiều lạc lõng lẫn đau xót, đầy những vết cứa nông hoặc sâu mà cho dù đã thành sẹo song vẫn còn hở miệng mỗi khi bất chợt nghe lại một khúc nhạc xưa hay đọc lại vài trang sách cũ… như nhắc nhở đã từng có một thời như thế.
Vì đó là thời của những khốn khó lầm than, những năm tháng điên rồ hụt hẫng, bao gồm những mộng mơ rồi tan vỡ và nó mãi in trong tim mỗi người những lát cắt bén ngọt.
Sài Gòn ngày ấy đón tôi bằng những bức tường loang lổ vết vôi rữa, bằng màu tím biếc bằng lăng như màu năm cũ. Giàn phượng đỏ nơi góc làng báo chí Thủ Đức vẫn cháy như màu tuổi trẻ đã đi qua song vẫn không nguôi thương nhớ thời học trò hoa mộng. Và cả những con hẻm chằng chịt thân thương kiểu đặc trưng của Sài Gòn. Ở đó có những quán cóc, bàn ghế luôn xếp dọc theo bờ tường, khách uống cà phê có khi phải đứng dậy nhường chỗ cho những chiếc xe xẹt ngang, những câu chuyện rôm rả trên trời dưới bể quả không đâu bằng ở đó. Tôi vẫn nhớ từng khuôn mặt, từng nụ cười chan hòa song lắm khi cũng đầy nghi ngại. Từng hàng cây, góc phố… nơi những lo âu vội vã ẩn sâu trong từng ánh mắt không giấu được. Làm sao quên khi tôi còn chưa kịp cúi xuống để ăn năn cho một đoạn đời đã mất đi những gì trong trẻo nhất của tuổi trẻ.
Tôi, những người trẻ thuở ấy chí ít cũng không quen luồn lách, thích sống cuộc đời mình chọn, có lúc không tránh khỏi những ngã nghiêng theo thời cuộc, song dù như thế nào, câu chữ ”nếp nhà” đã giữ cho tôi thăng bằng giữa hai lằn ranh sáng tối. Nhiều đêm lần trở về chốn tạm, tôi thấy mình cứ như là Chiến Binh giữa cái thời mà nhiều lúc giữ được sự trung thực, sự cân bằng giữa cái xấu, cái ác… có khi còn khó hơn giữ mạng sống.
Ở lưng chừng con dốc của tuổi già, từng viên đá nặng nề không ngừng lăn xuống đè nát thân thể lẫn tâm hồn cho những cuộc lột xác không tự nguyện và sau đó buồn bã tái sinh. Nếu không quên thì cũng nên xóa đi cho lòng nhẹ nhõm.
Đọc ”Sài Gòn, Một Góc Ký Ức và Bây Giờ ” của tác giả Vũ Thế Thành. Tôi tìm thấy mình rải rác đâu đó trong ”Chuyện Của Một Thời hay Sài Gòn Muộn Màng Của Em Cũng Không Còn“ v..v… và còn nhiều những câu chuyện, những tùy bút khác nữa. Tất cả hòa quyện vào nhau như những mảng đậm nhạt của nhiều bức tranh, như hai mặt sáng tối của con người đầy những vết đứt gãy, cho dù có khâu vá lại cũng không còn lành lặn như xưa.
Ký ức quả luôn có những vùng tối nguy hiểm. Song nếu ta không mạnh dạn bước vào thì làm sao nhớ lại ? dù nhớ chỉ để thêm đau đời.
(28.9.2020)
Nguyễn Việt Hồ |