NƯƠNG TÌNH THỤ PHẤN MEN SAY
(Võ Thị Như Mai đọc tập thơ “Tiếc khoảng trời riêng, NXB HNV, 2024” của nữ sĩ Băng Phương Lâm)
Tôi gặp chị vào một buổi họp mặt thân tình ấm cúng. Ở chị toát lên sự dịu dàng, ấm áp. Về sau tôi cũng được gặp chị và anh thêm một vài lần nữa và lần nào cũng vậy, vô cùng ấn tượng. Anh chị lặng lẽ, hiền từ và thấu hiểu. Tôi ngưỡng mộ sự tinh tế và sâu sắc trong tâm hồn của tác giả thơ. Nàng thơ thiện lành, khiêm tốn và điều này đã thể hiện qua vẻ đẹp tinh tế trong từng dòng thơ. Tôi cảm nhận được sự trải nghiệm sâu rộng và khả năng quan sát tinh tế của chị từ những hình ảnh tự nhiên trong tập thơ, từ đồng quê thanh bình đến đường phố sôi động, từ những hoài niệm, ký ức, tình yêu và các mối quan hệ, mùa màng thiên nhiên môi trường, đến quan điểm và triết lý sống. Tình yêu thương, tình người, sự quý trọng thiên nhiên, phong cách sống đều là những giá trị đem đến những cảm nghĩ tích cực và yêu mến cho người đọc dành cho “Tiếc khoảng trời riêng” của nàng thơ Băng Phương Lâm. Trái tim người thơ như một chiếc lồng đèn lung linh, mở ra với những ánh sáng khác nhau của hoài niệm, nỗi nhớ, tình yêu, tình bạn và tình gia đình. Trong từng câu thơ, Băng Phương Lâm không chỉ khám phá mùa màng thời vụ và sắc màu thiên nhiên, mà còn đưa ra những phản ánh sâu sắc về cuộc sống và triết lý nhân sinh. Nhìn vào tập thơ , chúng ta bắt gặp những tâm tư trăn trở xoay quanh hoài niệm một thời, những nỗi nhớ thao thức giữa dòng đời vội vã. Tình yêu và tình bạn được tái hiện trong từng khung cảnh nhẹ nhàng, như những cánh hoa nở rộ trên đồng cỏ xanh.
Tựa đề “Tiếc khoảng trời riêng” là hoài niệm, là cảm giác nhớ nhung, tiếc nuối về những điều đã qua, về những kỷ niệm đẹp đẽ và những khoảnh khắc khó quên. Vì thế mà những bài thơ trong chủ đề này cũng gợi lên hình ảnh của quá khứ, tạo nên một bức tranh tâm hồn đầy màu sắc và cảm xúc. Đó là những ký ức về tuổi thơ, về gia đình, bạn bè, những mối tình đầu hoặc những khoảng thời gian đẹp đẽ mà người thơ đã trải qua, là tiếng lòng thăm thẳm với những cảm xúc chân thật, sâu kín. Hoài niệm không chỉ là việc nhớ về những điều tốt đẹp, mà còn là cách để chúng ta trân trọng và giữ gìn những giá trị của quá khứ. Những bài thơ trong chủ đề này thường gợi lên một cảm giác ấm áp, đôi khi là sự lắng đọng, suy tư. Chúng giúp người đọc nhận ra rằng quá khứ luôn có một phần quan trọng trong cuộc sống hiện tại, rằng mỗi kỷ niệm đều góp phần làm nên con người của chúng ta hôm nay.
Điểm đặc biệt của thi phẩm là khả năng kết nối mang tính phổ quát giữa tác giả với người đọc qua cảm xúc chung và trải nghiệm mà nhiều người đều trải qua dẫu mỗi người có một phần đời và quá khứ khác nhau. Những bài thơ như "CÓ PHẢI TÔI NGÀY XƯA?", "HƯƠNG ĐÃ BAY", "TIẾC KHOẢNG TRỜI RIÊNG", "NỘI", "DẤU HÀI", "NGUYỆT KHUYẾT", "KHÚC TRẦM TƯ", "VỀ ĐI MAI", "MỘT THỜI ĐỂ NHỚ", "AI CÒN NHỚ NHƯ TÔI", "ĐIỆP KHÚC THÁNG NĂM", "CÓ MỘT NỖI BUỒN", "CÓ PHẢI EM...", "DẤU XƯA", và "LỐI CŨ CHƯA QUÊN" đều mang đậm dấu ấn của quá khứ, tạo nên một bức tranh đầy cảm xúc về những khoảnh khắc đã qua.
Trên bờ biển của cuộc đời, những tấm vé kỷ niệm từng là những con thuyền nhỏ, mang theo những đóa hoa khô trong tay giữa những chiều chiều mưa đêm. Những tia nắng nhỏ, rơi vào những góc khuất, giọt nắng chảy bao năm làm cho con người tự đặt ra câu hỏi về bản thân trong quá khứ, làm sao để nhận diện được con người xưa cũ giữa dòng chảy của thời gian, làm sao để tìm lại chính mình và những ký ức dường như đã phôi phai, để rồi một chiều buồn chợt hiện lên trong tia nắng nhạt nhòa. “Đường nhân thế/ Chẳng thảnh thơi/ Bảy mươi hai tuổi/ Cõng đời oằn vai; Nhìn vào gương/ Đúng là tôi/ Nhớ xưa cổ tích/ Chợt cười...vu vơ.” Hương thơm tan theo gió, kỷ niệm đẹp mà ngắn ngủi, biết bao điều quý giá nhưng làm sao để giữ mãi bên đời “Tìm đâu bóng cũ trái tim ngoan/ Một chút xuân qua đã lụi tàn/ Cứ ngỡ tình thơ còn lãng đãng/ Ai ngờ theo gió cuốn thênh thang.”
Đến một thời điểm nào đó, một giai đoạn nào đó, một phút giây nào đó, khi người phụ nữ đã vẹn toàn với vai trò làm mẹ, khi những đứa con đã lớn lên, trong vài phút rảnh rỗi, nàng ngồi bên cửa sổ dõi mắt xa xăm “Tiếc khoảng trời riêng”, cái không gian riêng tư từng là của mình, cái mơ mộng lãng đãng của một thời con gái, tà áo dài ấy, ánh mắt ấy. Này là “Dấu hài”, này là “Nguyệt khuyết”, kia là “Khúc trầm tư” và đó đây “Một thời để nhớ”. Ôi quá khứ, ôi kỷ niệm hằn sâu, thời gian đã bước dài, áng mây vẫn trôi mà giai điệu cuộc sống cứ như một bản nhạc buồn, trân trọng làm sao, quý giá làm sao, thời gian ơi xin bước chậm, để ký ức chẳng mờ phai, để “Dấu xưa” hiện hữu. Hãy đọc chậm những câu thơ này “Tiếng chim lẻ bạn kêu vang/ Giọt sương đêm đọng có dành bình minh?/ Thoảng nghe gió hát ru mình/ Hòa trong ngọn cỏ tự tình làm quen.” Và đây nữa “Có một nỗi buồn... không bến đỗ lang thang/ Chân khập khiễng bước miên man miền nhớ/ Ngày ra đi...chẳng đành lòng rời bỏ/ Sẽ quay về...để vườn cũ thêm xanh.” Hay quá và đầy nỗi niềm phải không các bạn. Nàng thơ ngồi đó, đối diện với chính mình, tự vấn mình “Có phải em...cho tôi phút ban đầu/ Được ngây ngất trong cõi tình yêu dấu/ Tình đẹp như mơ...mỏng màu sương khói/ Vẽ lên trời dấu hỏi có trăm năm?” Có trăm năm hay mãi mãi vẫn chưa bao giờ trọn vẹn, mãi mãi vẫn là những mảnh ghép còn thiếu trong ký ức, liệu có tìm lại được chăng.
Trong những hoài niệm luyến thương ấy, chắc chắn không thể không đề cập đến tình yêu và mối quan hệ với những người xung quanh với những khoảnh khắc ngọt ngào cùng nỗi buồn sâu lắng qua những bài thơ dẫn dắt ta qua nhiều cung bậc và khía cạnh khác nhau về tình người, tình bạn và tình yêu đôi lứa như "HƯƠNG ĐÃ BAY", "EM MUỐN LÀ MAI", "CHỜ EM HẠ ĐỎ", "ĐỪNG NÊN", "SAO ĐÀNH TAY LẠNH TÌNH BUÔNG?", "SÀI GÒN MÙA HOA DẦU BAY", "PHƯỢNG ĐÃ VỀ TRỜI", "CÓ MỘT MÙA TRĂNG NGHIÊNG", "CHÚT TÌNH ĐẦU XUÂN", "ĐÀ LẠT MÙA HOA DÃ QUỲ", "NHỚ MÙA HOA Ô MÔI", "HÃY LÀ TRI KỶ CỦA NHAU", và "RỒI EM SẼ VỀ ĐÂU?". Dường như tình yêu hiện diện trên cõi đời ngoài sự êm ả ngọt ngào dấu ái còn có nỗi đau và tiếc nuối, có như thế chúng ta mới biết quý và trân trọng những gì mình đang có để biết vượt qua những trở ngại nếu có và gìn giữ hạnh phúc với người mình thương.
Tình yêu luôn đem đến những trải nghiệm đa dạng với biết bao ngọt ngào lãng mạn và nỗi đau nếu có cũng rất sâu lắng đi kèm với tiếc nuối vô bờ. “Yêu một người luôn giấu kỹ trong tim/ Nơi sâu thẳm lắng chìm bờ ký ức/ Khi có ai khơi nguồn lòng rạo rực/ Mới biết rằng góc khuất chẳng ngủ yên.”Nàng thơ của chúng ta viết không chỉ cho bản thân mình mà còn cảm thông cho hoàn cảnh của người xung quanh, của ai đó trên thế gian này, những ai đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc phức tạp và sâu lắng của con tim. “Chợt nhớ ngày yêu cuối mùa trăng/ Trăng rụng hương yêu dậy nồng nàn/ Mười ngón tay đan tìm hơi ấm/ Vai nghiêng môi chạm khẽ mơn man.”Tình yêu không chỉ là sự kết nối giữa hai người, mà còn là hành trình khám phá bản thân, nơi ta tìm thấy sự đồng điệu và chia sẻ. Những mối quan hệ trong tình yêu giúp chúng ta trưởng thành hơn, hiểu hơn về chính mình và người khác.
.
Tình yêu đem lại niềm vui, sự hạnh phúc, nhưng cũng có lúc mang đến nỗi buồn và sự đau khổ. Chính những cảm xúc đó làm cho tình yêu trở nên đẹp đẽ và đáng trân trọng. “Nắng thắp lên từng phiến me/ Lá xanh tràn trề nhựa sống/ Nhớ em tôi nhớ thắt lòng/ Nỗi niềm vỡ tận đáy sông.”Trong mối quan hệ tình cảm, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau là yếu tố quan trọng nhất. Đôi khi, những mâu thuẫn nhỏ nhặt có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến sự rạn nứt nếu chúng ta không biết cách giải quyết. Học cách thấu hiểu, nhường nhịn và đồng cảm với đối phương là cách để giữ gìn và phát triển tình yêu bền vững. Tình yêu cũng là sự hy sinh và lòng kiên nhẫn. “Đừng nên lặng lẽ chờ mong/ Tương lai là cả màu hồng đấy thôi/ Nỗi buồn ngày tháng phai phôi/ Hãy vui buông bỏ tiếp đời mai sau.” Chúng ta cần học cách chấp nhận những khiếm khuyết của nhau, cùng nhau vượt qua những thử thách và khó khăn. Sự hy sinh trong tình yêu không phải là mất mát, mà là sự cống hiến, mang lại hạnh phúc cho người mình yêu.
Vậy đó, thi sĩ Băng Phương Lâm, với trái tim nhân hậu và cái nhìn thấu suốt, nàng không chỉ làm thơ để giải trí cho bản thân mình mà còn đem đến cho người đọc những trải nghiệm tuyệt vời, những lời khuyên thấu đáo chân tình của một cá nhân từng trải, yêu đời, tích cực. Trước cảnh tình và người thân, trái tim nàng rung lên đồng cảm, trước một bông mai, trước sự tươi mới và thanh khiết, nàng gửi lời nguyện cầu cho một tình yêu trong sáng, vĩnh cửu, nàng mong ngóng mùa hè đỏ rực trở về như một sự kiên nhẫn đáng có, như một sự tin tưởng cho ngày đoàn tụ. Thế rồi “Sài Gòn mùa hoa dầu bay” với kỷ niệm ngọt ngào trong thành phố nhộn nhịp hay trong một mùa trăng nghiêng.
Đọc tập thơ của chị Băng Phương Lâm, tôi nghĩ đến hai chữ tròn đầy. Tròn đầy về ý nghĩa, cách dùng từ, các biện pháp nghệ thuật và tu từ, tròn đầy như vầng trăng, như khuôn mặt tròn đầy của người đàn bà phúc hậu. Tập thơ không chỉ là ký ức kỷ niệm tình yêu tình người mà còn vẽ nên một bức tranh thiên nhiên, vẻ đẹp của từng mùa và các vấn đề về môi trường, xã hội cũng như sự gắn kết của tâm trạng con người với cảnh quan xung quanh: "CHẠM ĐÔNG", "MÙA HOA ĐẬU BIẾC", "NẮNG KHUYA", "CÓ MỘT MÙA TRĂNG NGHIÊNG", "ĐÀ LẠT ƠI...", "SÀI GÒN VÀO THU", "ĐÀ LẠT MÙA HOA DÃ QUỲ", "MÙA PHƯỢNG VĨ", "THU CẠN", "NHỚ MÙA HOA Ô MÔI", "ĐÂU RỒI MÙA HẠ CŨ", và "NỤ HÔN SÀI GÒN". Thời gian trôi qua, mỗi mùa trong năm đều mang đến những thay đổi rõ rệt, làm cho cuộc sống trở nên phong phú và đa dạng hơn. Mỗi mùa đều có vẻ đẹp riêng, từ mùa xuân tươi mới với những chồi non lộc biếc, mùa hạ rực rỡ với ánh nắng chói chang và hoa phượng đỏ, mùa thu êm đềm với những chiếc lá vàng rơi, đến mùa đông lạnh lẽo nhưng cũng đầy yên bình.
Thiên nhiên không chỉ là bức tranh tuyệt đẹp mà còn là nguồn cảm hứng vô tận cho nghệ thuật và văn chương. Những cảnh quan thiên nhiên tuyệt mỹ luôn khơi gợi những cảm xúc sâu lắng trong lòng mỗi người. “Mùa Thu Sài Gòn của tôi/ Khẽ khàng trong từng hơi thở/ Trong tim muôn đời vẫn nhớ/ Sài Gòn diễm lệ tuyệt vời.”Cảnh sắc thiên nhiên thay đổi qua từng mùa tạo nên những bức tranh sống động, gợi lên nhiều suy tư và cảm xúc khác nhau. Chúng ta không chỉ thấy được sự kỳ diệu của thiên nhiên mà còn nhận ra sự nhỏ bé của con người trước vũ trụ bao la. “Soi mình thật kỹ vào gương/ Hình như má thắm phai hường điểm nâu/ Bánh xe đời cũng nghiến mau/ Cuốn theo ngày cũ để đau quạnh đời.” Môi trường sống của chúng ta cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ thiên nhiên và mùa vụ. Sự thay đổi của thời tiết và khí hậu không chỉ ảnh hưởng đến cảnh quan mà còn đến cuộc sống hàng ngày và sức khỏe của con người. Điều này nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và duy trì cân bằng sinh thái. Chúng ta cần ý thức hơn về tác động của mình đến môi trường, từ việc giảm thiểu rác thải, sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm, đến việc bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Những khoảnh khắc đẹp của thiên nhiên thường mang đến cho chúng ta sự thư thái và bình yên trong tâm hồn. “Thu cạn ngoài đầu ngõ/ Heo may thoảng qua thềm/ Lá khẽ theo mùa đổ/ Vẽ khúc chiều thiên nhiên.” Khoảnh khắc đẹp giúp chúng ta thoát khỏi nhịp sống hối hả, tìm lại sự cân bằng và tĩnh lặng. Thiên nhiên cũng là nơi chúng ta tìm thấy sự kết nối mạnh mẽ với cội nguồn và sự vĩnh cửu. Qua việc trân trọng và bảo vệ thiên nhiên, chúng ta cũng đang gìn giữ và bảo vệ những giá trị quý báu của cuộc sống.
Tập thơ “Tiếc khoảng trời riêng” của nữ sĩ Băng Phương Lâm với lời thơ thật mượt mà, thật dễ thương và đáng trân quý khiến cảm xúc trong tôi trải dài, khiến tôi liên tưởng đến rất nhiều chủ đề trong thời điểm bận rộn này. Nếu đọc thật kỹ, bạn sẽ tìm thấy những triết lý, những lời khuyên và những thông điệp của một người mẹ, người vợ, của một nàng thơ, để rồi bạn sẽ có những suy ngẫm sâu sắc về bản chất con người, ý nghĩa của sự tồn tại và các giá trị đích thực, để rồi bạn sẽ nhìn nhận lại bản thân và thế giới xung quanh qua lăng kính mới, góp phần nào đó cho nguồn tri thức và cảm nhận chân thật của thế gian, nơi có nhiều thăng trầm, vui buồn, hạnh phúc và khổ đau. Thông qua thơ ca, chúng ta có thể tìm thấy sự đồng cảm, chia sẻ và động viên lẫn nhau, giúp chúng ta vượt qua những thử thách và khó khăn.
Triết lý trong tập thơ này là những suy ngẫm về tình yêu, tình bạn, gia đình, lòng nhân ái, sự hi sinh, đặt ra những câu hỏi về ý nghĩa của sự tồn tại, về những mục tiêu và hoài bão của con người. Chúng ta nhận ra rằng cõi đời không chỉ đơn thuần là sự tồn tại vật chất mà còn là hành trình tìm kiếm ý nghĩa và mục tiêu cao cả hơn. Một trong những triết lý sâu sắc trong thơ ca là sự chấp nhận và buông bỏ. Cuộc sống không phải lúc nào cũng theo ý muốn của chúng ta, và đôi khi, việc chấp nhận thực tế và buông bỏ những điều không thể thay đổi là cách tốt nhất để đạt được sự bình yên trong tâm hồn. Sự chấp nhận giúp chúng ta học cách đối mặt với những khó khăn, đồng thời tạo điều kiện cho chúng ta trưởng thành và phát triển.
Đọc thơ chị giúp tôi cân bằng, đồng cảm và kết nối. “Tiếc khoảng trời riêng” là một đóa kiều nhung. Tôi xin tặng chị và tác phẩm bốn câu thơ của mình như một lời tri ân: “Ngăn kéo trái tim ta giữ/ Một đoá kiều nhung làm đầy/ Chúng mình không duyên chẳng nợ/ Nương tình thụ phấn men say”
Võ Thị Như Mai
Thạc sĩ giáo dục, giáo viên tại Tây Úc
|