Qua miền Hà Khê
Họ gặp nhau từ một tình cờ. Hay chăng cơ trời đã khiến họ gặp lại nhau? Nhiều năm qua trong mỗi đời riêng, họ đã cùng tìm kiếm một người. Lần gặp gỡ đầy bất ngờ thật là cơ may hiếm hoi trong cuộc sống thất lạc kiếp người.
Buổi chiều hạnh ngộ bắt đầu với nỗi mệt mỏi quen thuộc. Phải chăm chú hàng giờ học cách xử dụng một hệ thống nhu liệu phức tạp dùng để theo dõi, chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện trường Đại học Minnesota là cực hình cho nhóm bác sĩ nội trú phờ phạc thiếu ngủ. Người giảng viên già gốc Châu Á lơ đãng nhìn những tròng mắt lạc thần đang chống chọi trong vô vọng cơn buồn ngủ mà họ đã thiếu nhiều ngày. Ông vẩn vơ nhớ lại thời trai trẻ mấy chục năm trước ở quê nhà. Trong quân trường, ông và bạn bè đã tập ngủ ngồi, ngủ đứng, ngủ lúc di hành. Họ cũng đã từng ngủ mà mắt vẫn mở trừng giữa những buổi học tập, thời gian bị cải tạo lao động trong trại tù Cọng Sản.
Ông nhìn về phía người nữ duy nhất của lớp học ngồi ở cuối phòng. Mái tóc tơ vàng óng ả mà mắt ngời một màu nâu quyến luyến Đông Phương. Đôi mắt tinh anh mở lớn trên khuôn mặt thon thả làm nguôi ngoai phần nào sự tương phản khó dung chấp Á Âu. Suốt thời gian còn lại của lớp học, ông yên tâm lướt mắt qua những khuôn mặt mất ngủ, biết được ở cuối tia nhìn mình là ánh mắt sinh động vẫn chăm chú theo dõi.
Buổi học chấm dứt. Mọi người hấp tấp kéo nhau ra khỏi phòng giảng. Cô bác sĩ nội trú rời ghế ngồi, chào cám ơn người giảng viên. Giọng nói đượm âm hưởng tiếng Pháp trả lời phần nào dáng dấp nhỏ nhắn duyên dáng của cô gái.
- Có lẽ cô là sinh viên từ Pháp?
-
Vâng. Từ một nơi thiếu ánh sáng của kinh thành Paris. Tôi hy vọng ông là người Việt Nam.
Người đàn ông gật đầu, cười nhẹ.
- Sao lại hi vọng?
-
Đã từ nhiều năm nay, gặp người Việt Nam hầu như bất cứ nơi nào tôi cũng tìm hỏi về tin tức cha mình với hi vọng một người nào đó biết được tông tích của ông, sống chết ra sao.
-
Cha cô là người Việt Nam?
-
Tôi được sinh ra ở Việt Nam. Mẹ ẳm về Pháp lúc tôi mới lên hai.
Người đàn ông đứng chăm chú nghe câu chuyện kể. Ông không tin đôi tai mình đang nghe những điều trong nhiều năm qua ông vẫn hằng nghĩ về mỗi lần nhớ tới người bạn thất lạc. Có bao nhiêu nữ y tá phục vụ trên tàu bệnh viện Hope ở Đà Nẵng là người yêu của một thanh niên Việt Nam? Hình ảnh cô bé gái tóc tơ vàng óng bước chập chửng trên bãi tắm Mỹ Khê đông người những ngày hè năm sáu chín hiện ra trước mắt rõ ràng như thật. Khuôn mặt búp bế lớn dần rồi trong chớp mắt vụt biến vào đôi mắt nâu thẳm Đông Phương đang rưng rưng kể chuyện đời mình.
- Đây là hình ảnh duy nhất của cha. Tấm hình nhỏ, quá cũ, tôi phải ép plastic để khỏi bị rách.
Người đàn ông nhìn tấm hình, mắt hoa lên, lòng ngập tràn xúc động. Ông chỉ vào người thanh niên đứng cạnh cha mẹ cô gái, run giọng nói:
- Tôi là bạn rất thân của ba mẹ cháu, Suzanne và Lộc.
Người đàn bà ôm chầm người bạn cũ của cha mình, mắt nhoà lệ hân hoan.
- Cha tôi bây giờ ở đâu? Xin ông cho tôi biết ngay đi!
-
Tôi cũng không may mắn gì hơn. Sau năm bảy lăm, chúng tôi bị tập trung cải tạo ở những trại khác nhau nên thất lạc từ đó. Sau khi vuợt biên qua đây, tôi dọ hỏi kiếm tìm mãi mà vẫn chưa ra tông tích. Gần đây lại nghe có người gặp đâu đó trên một vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên.
Họ bước về phía sân thượng cuối dãy hành lang. Hàng hoa bao quanh khoảng sân rực rỡ từng chùm hải đường, linh lan lung lay cơn gió mùa hè. Buổi chiều đang về trên khúc sông Mississipi êm đềm lượn quanh khuôn viên trường Đại học. Mây trôi lặng lờ trong bóng nước thẳm xanh. Hai người đứng im lìm cúi nhìn dòng nước trôi xa rồi lẫn khuất đâu đó sau hàng cây dọc bờ sông.
Mẹ mất vào mùa hè cháu tốt nghiệp trung học. Những năm cuối đời, mẹ sống một mình trong viện tâm thần. Giữa những cơn say, người cha ghẻ thỉnh thoảng chở cháu vào thăm mẹ. Gặp khi tỉnh táo mẹ con ngồi nói chuyện xưa, những ngày cháu còn bé bỏng. Mắt mẹ đẹp lạ thường những giây phút đó. Còn thường thì mẹ ngồi trên chiếc xe lăn. Dáng mẹ gầy còm trong trang phục nhà thương, đôi mắt ngu ngơ buồn như khóc. Cháu càng xúc động hơn khi nhìn những bệnh nhân khác đang ngây dại cười đùa quanh mẹ. Có lẽ ngay cả trong thế giới mê lú riêng xa của mình, mẹ cũng chẳng có gì vui.
Thu xếp hình ảnh mẹ trong tim cháu từ bỏ khu ngoại ô tăm tối không một ngoái nhìn. Tiếc rẻ chi xóm nhà ổ chuột. Từng đêm, ánh đèn đường vàng úa lay lắt bước chân người đàn ông xiêu đổ cơn say trở về nhà từ mấy quán rượu tồi. Cháu muốn sống trọn vẹn cho giấc mơ của mình và xin được chết với màu hi vọng còn tươi trong từng hơi thở. Nhớ mẹ, cháu muốn tìm đến cõi mơ của bà, gặp gỡ con người ở đó. Cháu muốn tìm gặp người đã với mẹ sống hết một thời yêu thương. Cháu muốn hiểu hơn về mẹ mình. Người đàn bà đã có lần ra đi cho giấc mơ mình, đã làm những điều nhân bản. Mẹ đã yêu thương và đã sợ sệt nghi nan. Cháu muốn tìm biết huyền diệu nào ở cõi vời vợi Đông Dương đó đã khiến mẹ ngoái trông để rồi điêu linh thất vọng trên chính quê hương mình.
- Cháu biết tên Việt của mình không?
Người đàn bà gật đầu.
- Hà Khê. Cháu thương âm thanh tên mình trong từng cơn mơ có mẹ ân cần.
-
Bố mẹ cháu đã nhường cho tôi hân hạnh lớn nhất của họ. Nếu phận người là chuỗi dài tiếp nối của từng nỗi tình cờ thì Hà Khê, tên cháu, đã đến thật tình cờ...
Vào một buổi trưa cuối mùa hè, Suzanne và Lộc đến thăm bạn lúc đó ở trọ gần một bến đò ngoại ô. Căn gác mái tôn nóng hâm hấp. Người bạn nhìn Lộc vừa quạt vừa vuốt ve cái bụng tròn thai đã nói với Suzanne.
- Không gì đẹp huyền diệu bằng nét mệt mỏi của người sắp làm mẹ.
Cô nữ y tá trẻ đẹp người Pháp đã âu yếm cầm tay người yêu nói đùa với bạn.
- Anh đừng vì nét đẹp huyền diệu đó mà bắt chước gã Zorba hoang đàng này biến đổi các cô gái thành mẹ thì... mệt... lắm. Bởi tôi có nợ nần với anh chàng nên đành chịu.
Lộc đằm thắm nhìn người yêu, cười không nói. Lần đầu tiên trong đời mình, người bạn trẻ biết được đôi mắt hạnh phúc đẹp đến dường bao. Những đôi mắt màu hi vọng.
Nàng ngồi lắng nghe tiếng hò ru con từ dưới bến đò vọng lên. Kim Liên ơi hỡi Kim Liên. Đẩy xe cho chị qua miền hà khê...
Nàng thích thú lắng nghe Lộc giải thích ý nghĩa bài hát ru con. Vần thơ cũ mộc mạc mà sâu đậm nghĩa tình đã đi vào lòng nhân gian từ nhiều thế hệ và nuôi lớn hồn người. Người đàn bà đã tìm đến tận đầu nhành sông ngọn suối của giấc mơ riêng mình bằng đôi cánh tình yêu diệu kỳ. Hà Khê. Âm thanh xao xuyến tiếng ru hời trên giòng sông trưa đã thành lời gọi nâng niu đứa con yêu sắp sửa chào đời.
- Chỉ lúc mẹ con với nhau mẹ mới gọi cháu Hà Khê, ngoài ra thì theo tên chính thức Lily.
-
Kim Liên. Lily. Mẹ vẫn luôn nhớ tới Hà Khê. Bà chỉ mong muốn con mình sống đời ấm êm hơn mẹ. Kim Liên chỉ thoáng bước qua vùng trắc trở để rồi trở thành hoàng hậu của một vương quốc.
Ánh mắt xuôi dài theo dòng sông trôi trong bóng chiều, người đàn ông chậm rãi kể cho con gái bạn mình nghe phần đời đầy tai ương mà ông đã trải qua. Hạnh phúc, khổ đau, đày đọa, chia xa, mong ngóng. Từng đêm tù, giọt ngắn giọt dài cơn mưa nguồn, hốt hoảng bàn tay vuốt mặt tưởng đã dột nát cơn mơ cuối đời mình. Tranh sống trên vùng đất tạm dung, giữa ngày dài làm việc hay đêm trắng học hành bỗng có khi bàng hoàng thấy hồn mình khô cằn nứt nẻ như dòng suối khô mùa hạn. Tình nghĩa vợ chồng, gia đình, bằng hữu, sắc màu kỷ niệm đã là giọt nước chắt chiu khơi lại suối nguồn hi vọng. Kỷ niệm, tình yêu, tình bạn, là ly trà cúc ấm buổi chiều đông, là dấu chân nồng nàn cát trắng bên dòng sông trưa ầu ơi tiếng mẹ. Kỷ niệm đã giúp hồn mình nguôi ngoai nỗi sầu xa xứ.
- Đã có khi nào cháu cảm thấy thất vọng muốn bỏ cuộc kiếm tìm?
-
Ba năm trước... cháu đã tìm về.
Trên bến đò Hà Thân. Hình ảnh chiếc tàu bệnh viện Hope neo giữa dòng sông hiện ra trước mắt tưởng như thật. Bong tàu vắng không một bóng người. Mẹ đã mất. Cha vẫn biệt tăm. Bờ sông trưa vắng ngắt. Từng cánh hoa sắc đỏ rụng rời tan tác trôi theo dòng nước. Cháu chợt thấy mình thực sự bơ vơ và bất hạnh. Cháu đã òa lên khóc nức nở như một đứa trẻ.
- Nhưng rồi...
-
Hình ảnh mẹ u uẩn ăn năn ngày còn sống. Ngón tay mẹ vô hồn vẫn giữ chặt tấm hình buổi chiều cuối đời.
Người đàn bà trao cho bạn cha mình tấm hình cũ. Cháu đã bỏ khu xóm tồi tàn mà đi nhưng quá khứ vẫn quằn quại đâu đó. Gần đến độ cháu vẫn thấy được những sợi gân máu đỏ đục trong mắt của người cha ghẻ say rượu, vô luân. Cháu muốn hiểu mẹ mình hơn để được yên lòng và tha thứ. Là bạn cũ của họ, hi vọng ông có thể giúp cháu hiểu thêm mẹ phần nào.
- Cha cháu là người quạt cho mẹ mát buổi trưa hè, vỗ về bụng mẹ tròn căng cháu thai nhi mà kể chuyện hà khê. Là chứng nhân của mối tình đẹp tuyệt vời, tôi sẽ kể cháu nghe những điều trông thấy, không phải để đau đớn lòng mà để vỗ về chính mình tang thương băng hoại.
-
Ông đã trở về?
Người đàn ông lắc đầu.
- Vẫn chỉ là một dự tính. Không gì buồn hơn nỗi nhớ nhà nhưng tôi vẫn mãi chần chờ một chuyến trở về.
Có đêm nằm mơ về nhà. Giật mình thức giấc, mắt vẫn mở trừng vì tiếng sóng vỗ mạn đò nghe thật thà như sự run rẩy của thân xác. Trong hoang mang tôi thèm được trở về để thấy dấu chân mình trẻ thơ bước đùa theo triền cát sau buổi triều dâng trắng mịn chiêm bao.
- Hay là chúng ta cùng trở về. Cháu tin là ông sẽ giúp tìm được cha cháu. Ít ra cháu sẽ không cảm thấy mình bơ vơ.
Khu phố bên kia sông vừa lên đèn. Vùng ánh sáng trên nóc thành phố pha ráng chiều đỏ hồng lên như đang giữa hừng đông. Người đàn ông gật đầu, mắt ngời vui.
- Ừ, chúng ta hãy cùng trở về...
Tuổi thơ của Suzanne chẳng có gì vui. Mẹ Suzanne từ chối gia thế, bỏ nhà sống chung với một người lính viễn chinh ở Đông Dương về. Nét phong trần của gã cựu tù binh chiến trường Điện Biên Phủ và câu chuyện chiến tranh thương tâm đã làm xiêu lòng cô gái làm việc tại cơ quan xã hội nơi hắn vẫn đến nhận lãnh trợ cấp. Suzanne lớn lên với hình ảnh anh-hùng-nạn-nhân ở cha và sự ân hận im lìm nào đó nơi mẹ. Anh hùng hay nạn nhân, gã lính lê dương cũ vẫn phải làm việc nặng nhọc ở bến tàu để kiếm sống. Mỗi cuối ngày hắn vẫn ba hoa ở mấy quán rượu rẻ tiền trước khi chập choạng bước về nhà.
Cảnh gia đình sống chật vật trong khu xóm ngoại ô tồi tàn phản ánh phần nào một nước Pháp, kiệt quệ sau chiến tranh, đang loay hoay với sự tranh chấp ý thức về giá trị nhân bản cũ mới. Giữa những cơn say, người cha nếu không dài dòng kể lể câu chuyện khai hóa Đông Dương sáo mòn thì cũng làm phiền người nghe về những oán trách cũ kỹ. Nước Pháp đã bỏ cuộc nên ông phải bị thua trận, chịu cảnh tù đày. Suzanne nở dạ mỗi lần thấy mẹ không giữ được im lặng phải tranh cãi với cha. Mẹ nói về một nước Pháp mâu thuẫn với chính mình. Một nước Pháp đi chiếm đóng và bị chiếm đóng, thực-dân phát-xít đồng-minh, cọng-sản tự-do, và sự tranh chấp về ý thức nhân bản mà người Pháp phải đối đầu. Nhìn người cha đuối lý xô cửa bỏ đi tìm quán rượu, mẹ giận dữ nói với theo.
- Ừ, tìm rượu mà uống cho say đi! Say sưa ông chỉ là tên lính viễn chinh ba hoa. Lúc tỉnh táo ông là một tên thực dân hủ lậu đáng nguyền rủa.
Lần cuối cùng người cha bỏ đi hẳn không về lúc Suzanne vừa lên trung học. Mẹ cũng chẳng buồn tìm kiếm. Nhiều năm trôi qua, thỉnh thoảng chỉ là những tờ thư hứa hẹn viễn vông người cha viết từ nhiều nơi khác nhau đâu đó tận Bắc Phi. Ngày nhận được tin chồng làm lính đánh thuê bị giết chết ở Algérie, mẹ đứng lặng nhìn khung trời tuyết giăng trắng xóa rồi xô cửa tìm ra quán rượu đầu xóm. Trong cơn say, bà ngồi im lìm nhỏ lệ thương xót người đã thô bạo bước qua dẫm nát khu vườn thanh xuân đời mình . Dìu bà về nhà, Suzanne cảm thấy thương mẹ vô cùng. Nàng tự trách sao lòng chẳng mấy buồn phiền khi hay tin người cha phóng đãng đã qua đời.
Tại sao con người mải thù hận chém giết nhau? Suzanne suy nghĩ nhiều về cuộc chiến tranh khốc liệt vẫn tiếp diễn ở Đông Dương. Trong cánh rừng nhiệt đới xa vời đó, con người đang nhân danh chủ nghĩa, ý thức hệ, tự do, cơm áo, để dấy động cuộc điêu linh. Mối thương tâm về sự chết chóc thảm khốc của nạn nhân chiến tranh vô tội khiến nàng băn khoăn muốn làm một điều gì để thoa dịu phần nào nỗi đau con người.
Cô gái chưa tròn mười tám đã từ giã mẹ đi về phía giấc mơ đời đang vẫy gọi. Nàng đến với Đông Dương.
Khu bệnh xá từ thiện cất bên bờ giòng sông ôm quanh thị trấn miền núi Tây Nguyên đón chào Suzanne đến như một tia nắng rực rỡ. Cô gái người Pháp, tóc như tơ vàng óng ánh, nói cười làm việc giữa nhóm dì phước đầu vấn khăn nghiêm trang trong chiếc áo dòng tu luộm thuộm màu xanh nước biển đã làm khu bệnh xá vui tươi hẳn lên.
Đám học trò Kinh Thượng lao xao quấn quít theo nàng như bầy chim non trên đường đến lớp. Trường trung học, nơi nàng tình nguyện dạy sinh ngữ, cùng với ngôi chủng viện tọa lạc một vùng đất lớn ở đầu con dốc cao nhất thị xã. Dọc theo hai bên con lộ rải đá, từng bụi hoa hoàng anh khoe sắc bên những giàn bông pháo đỏ rực như lửa. Cuối con dốc khiêm nhường khu bệnh xá ẩn mình trong rẩy cà phê xanh lá bạt ngàn. Xa xa khúc sông Dakla cạn lòng lô nhô đá. Khu buôn làng bên kia sông se sắt từng vệt khói lam vương vấn sớm chiều. Rải rác quanh thị trấn những ngôi giáo đường được xây dựng từ đầu thế kỷ bề thế vươn cao. Màu trắng tháp chuông hằn rõ lên nền xám xanh của lớp lớp núi rừng bao quanh vùng thung lũng trù phú.
Ở đây hầu hết những công trình kiến trúc đều do người Pháp xây dựng từ những ngày thuộc địa cũ. Tất cả tuy cũ kỹ vẫn còn nét tinh tế cầu kỳ. Lính viễn chinh mới thì bận rộn xây lập cầu đường cho nhu cầu chiến tranh, vội vã mà chắc chắn. Ngày Suzanne đến thị trấn, cây cầu sắt mới bắc qua sông nối liền con tỉnh lộ huyết mạch với vùng duyên hải vừa hoàn thành. Toán lính Mỹ nhường lối cho nàng, vẫy tay chào rối rít. Nàng nghĩ đến hàng trăm ngàn người lính Pháp, trong đó có cha cô, mấy chục năm trước và những người lính trẻ trung ồn ào quanh nàng bây giờ. Trong hoàn cảnh nào cha cô đã trở thành tàn nhẫn thô bạo? Lúc nào thì bàn tay những thanh niên trạc tuổi nàng sẽ phải nhúng chàm chiến tranh chai đá vô luân? Ý nghĩ đến thật buồn.
Tiếng cười đùa của bầy học trò nhỏ sau buổi học, ánh mắt hi vọng của bà mẹ chờ con ở bệnh xá đã giúp Suzanne bình thản hơn trong sự nghĩ suy. Có lẽ sự gần gũi với thiên nhiên đã giúp con người ở đây tìm thấy được hy vọng trong cuộc sống bất ổn thường trực. Niềm hạnh phúc đơn giản như tiếng cười dòn tan của bầy sơn nữ tắm khỏa thân trên sông. Họ để lại nhọc nhằn cho nước cuốn trôi trước khi trở về buôn làng bập bùng bếp lửa chiều. Nàng nhắm mắt lắng nghe thân xác mình phơi mở theo giòng nước lao xao sóng. Chuỗi cười nhấp nhô theo bước chân bầy con gái Rhadé trên đường về thôn bản mơn man ý nghĩ nàng thanh xuân khuôn ngực trần căng dáng núi và mắt ai là lạ đáy hồ mơ.
Cùng dạy với Suzanne là một chủng sinh. Anh nói lưu loát hai sinh ngữ Anh Pháp nên được chủng viện phái đến để giúp nàng trong việc giảng dạy. Anh đến lớp trầm lặng, nhỏ nhẹ, rồi nhẹ nhàng đi như bóng.
Không hiểu vì chiếc áo dòng đen cách biệt đạo đời hay vì dáng vẻ nghiêm trang của người thanh niên, Suzanne chưa hề dám nhìn chàng lâu hơn một chớp mắt mà không khỏi bối rối. Có lần, sau lớp học, nàng đánh bạo hỏi người chủng sinh về một hương thơm lạ thoang thoảng đâu đó rất gần. Lộc, tên người chủng sinh, mỉm cười giải thích. Trước sân chủng viện có một cây ngọc lan lâu năm. Đang mùa hoa, chàng có thói quen ngắt vài cánh bỏ vào túi trên đường đến lớp.
- Cho bớt nhớ nhà. Cây ngọc lan trước sân nhà có lẽ cũng đang nở. Mẹ tôi thường hái hoa thả vào nước để giữ hương.
Từ đó trên bàn cô giáo luôn luôn có vài cánh ngọc lan phơn phớt mùi hương. Đôi mắt người thanh niên như dịu dàng hơn. Ánh mắt đầm ấm như từng viên cuội trắng rơi lắng vào giấc mơ nàng làm bừng lên nỗi đam mê diệu kỳ. Đôi khi trong mơ chiếc áo dòng tu đã trở thành chiếc bị phù thủy khổng lồ đen ám phủ chụp lấy nàng, khó thở và buồn bã.
Ngày trước tuần lễ tĩnh tâm, người chủng sinh mang đến lớp nhiều hoa ngọc lan thả trong ly nước. Chàng nhìn những cánh hoa trong nước lạnh tần ngần.
- Đã cuối mùa hoa rồi. Không biết mấy nụ bông cuối này giữ thơm được bao lâu.
Nhìn theo người thanh niên trong chiếc áo dòng đen cúi đầu bước đi dưới bóng cây ngọc lan, Suzanne chợt biết mình vừa yêu, trong tim nàng vừa nở nụ hoa màu tinh khiết lưu hương.
Tuần lễ cấm phòng dài như một hình phạt. Khoảng sân trước chủng viện thênh thang nỗi buồn, kéo dài hoang vắng vào trong lớp học. Ở bệnh xá, nàng im lìm làm việc, chờ đợi. Ngày qua. Tuần qua. Buổi sáng khi một nữ tu người Rhadé đến lớp tự giới thiệu sẽ thay thế Lộc, nàng phải cố gắng trấn tĩnh để khỏi bật ra tiếng kêu thương. Cội ngọc lan giữa sân nắng chủng viện đứng bơ vơ như một ốc đảo xa vời. Suzanne xin nghỉ dạy. Nàng tìm cách bận rộn với công việc bệnh xá để tìm quên. Nỗi sầu vẫn đến trong từng giấc mơ, cay nghiệt chiếc áo dòng tu đen màu khổ hạnh dang rộng như cánh dơi phủ chụp. Buồn lẽo đẽo theo từng bước chân hoang vu trên bãi sông chiều khô ròng con nước. Buồn vương trên xao xác tiếng cười sơn nữ. Buồn lả ngọn khói chiều.
Người dì phước trẻ tuổi ân cần nhìn Suzanne-tươi-như-nắng đang qùy khóc trong nhà nguyện bệnh xá. Giữa những giòng lệ, nàng trải lòng mình với người bạn nữ tu đang xúc động lắng nghe.
Suzanne từ giã thị trấn cao nguyên xin về phục vụ dưới tàu bệnh viện Hope ở Đà nẵng. Nàng đành đi xa để giúp người chủng sinh sống trọn với lời khấn nguyện như Mẹ Bề Trên đã khuyên bảo.
Tàu bệnh viện đông nghẹt nạn nhân chiến tranh, hầu hết là đàn bà trẻ em, từ những quận lỵ xa thuộc tỉnh Quảng Nam. Suzanne quá bận rộn với việc săn sóc bệnh nhân không còn thì giờ nhiều cho nỗi buồn riêng. Sau giờ làm việc nàng chẳng thiết chuyện đi thăm thành phố. Nàng đứng trên bong tàu nhìn ngóng mông lung. Bờ sông mát rượi hàng cây tỏa bóng lá, cành như cánh tay vươn dài sa xuống tận mặt nước, lác đác nụ hoa đỏ đầu mùa. Từng cơn gió đượm mùi biển nồng nàn lướt trên mặt sông lao xao sóng. Ngược phía thượng giòng, chiếc cầu sắt mang tên của một bại tướng người Pháp đen đúa bắc qua sông, thấp thoáng đoàn xe nhà binh chạy về phía bán đảo. Mỗi chiều tàu nhổ neo chạy ra cửa biển, ở lại qua đêm để phòng khi cọng-sản pháo kích vào thành phố. Chuyến hải hành ngắn từ cửa biển về lại phố vào mỗi buổi sáng đã mang đến cho Suzanne chút bâng khuâng náo nức trở về. Thành phố tan giới nghiêm thức dậy cùng chuyến phà sớm nôn nóng qua sông. Trên bến xa lạ người lên kẻ xuống, tấp nập đến trường đi chợ. Ước mơ về một dáng người quen thuộc bên bờ đứng đợi đã không xảy ra. Nàng thở dài tự nhủ lòng.
Thế rồi bức thư Lộc viết do một người bạn tìm trao khiến cơn mơ không tưởng của nàng đã thành sự thật. Người sinh viên trẻ cho biết Lộc đã bỏ chủng viện về nhà ở thành phố này. Ngày nào Lộc cũng ra bờ sông muốn tìm gặp nhưng ngại ngần Suzanne không chịu tiếp. Nàng tươi cười bắt tay người bạn mới, lòng vui rộn rã như tiếng máy chiếc xuồng đang nhảy sóng đưa họ vào bờ.
Người thanh niên đứng đó cao vời. Đôi mắt sâu trìu mến nhìn mắt người yêu long lanh giọt lệ hân hoan. Họ chẳng có gì để phải hối tiếc, phân bua hoặc giải thích cho nhau. Chiếc áo dòng tu màu đen ám đã được xếp ngay ngắn trên đầu giường trong căn phòng chủng viện khép kín. Thôi hãy quên đi tất cả, chỉ còn lại hai người. Giữa cõi Đông Dương máu lửa vừa mọc lên khoảnh rừng địa đàng, lá cỏ êm đềm đủ chỗ nằm cho hai kẻ yêu nhau. Đôi tình nhân đi vào mùa hè của đất trời của tình yêu bằng tay ôm bịn rịn, môi háo hức hôn và những rung cảm tuyệt vời thiệt thà da thịt.
Đứa con tình yêu được cưu mang và ra đời trong yêu thương chắt chiu của cha mẹ và bạn bè. Điệu hò Lục Vân Tiên trên bến sông trưa là gợi ý tình cờ cho người bạn của cha mẹ đặt tên bé Hà Khê. Tên đẹp mà buồn như vọng âm lời tiên tri trắc trở quan san của một mối tình từ buổi suối khe.
Không lâu sau mùa hè cha mẹ, bạn bè, hạnh phúc nhìn bé Hà Khê chập chững nô đùa trên bãi Mỹ Khê, Lộc phải vào lính. Chàng từ chối lời nài nỉ của người yêu theo nàng đưa con về Pháp để tránh chuyện gươm đao. Nàng nghĩ đến người cha chết trong chiến tranh và những điều đến với ông trước đó. Sự biến đổi của con người từ những thói quen học được trên chiến trường tồi tệ, giết hay bị giết, đã làm họ trở nên tàn ác vô tâm. Nàng rùng mình nghĩ đến hình ảnh khổ sở đau đớn của nạn nhân chiến tranh mà nàng săn sóc cứu giúp hằng ngày. Suzanne lo sợ một ngày nào đó chính mình và con sẽ trở thành nạn nhân của cuộc chiến tranh. Nàng đã đến với Đông Dương với niềm suy tưởng của người đi lau nước mắt. Vì yêu Lộc nàng sẽ hy sinh để được gần gũi chia xẻ vui buồn gian khổ với người yêu nhưng tương lai bé Hà Khê phải là biên giới cuối cùng cho bất cứ sự hy sinh nào khác.
Lần cuối cùng Suzanne đưa con đi thăm Lộc trong một vùng giao tranh. Chàng không nói nhiều, đôi mắt sâu trong sáng tuy đăm chiêu đã ngời lên một cả quyết nào đó nàng không thể nào hiểu được. Chỉ cảm nhận được nó để cảm thấy điếng lòng. Lộc bồng bé Hà Khê, vuốt ve mái tóc con vàng óng như tơ.
- Đôi mắt con giống anh, chắc lớn lên cứng đầu lắm.
Chàng lau khô đôi mắt nhoà lệ của người yêu. Họ ôm nhau thật lâu. Thời gian ngừng trôi rồi chìm sâu trong chới với chia ly.
- Em gắng đưa bé Hà Khê đến thăm Mẹ trước khi đi. Đang mùa hoa, cây ngọc lan trước nhà có lẽ đang nở rộ.
Lộc cúi đầu quay bước. Suzanne bồng con, tan nát cõi lòng, nhìn theo bóng dáng người yêu lầm lũi bước đi trên con đường trở ra mặt trận.
Không lâu sau buổi hạnh ngộ tình cờ, Hà Khê và người bạn của cha mình cùng trở về Việt Nam và tìm gặp được người thân.
Sau mấy năm cải tạo, Lộc rời Đà Nẵng đưa mẹ lên sống ở thị trấn cao nguyên nơi ông gặp Suzanne lần đầu tiên.
Sau một cơn bệnh nặng đôi mắt Lộc đã mất thị lực. Tuy mù lòa, ông đã chú tâm học hỏi và đạt được trình độ cao trong lãnh vực dùng nhân điện để chữa bệnh từ thiện cho đồng bào trong vùng.
Ba mươi năm trước, Lộc đã cởi bỏ chiếc áo dòng tu và chối bỏ lời khấn nguyện với Thiên Chúa để chỉ yêu một người. Lộc đã quay về. Với trái tim nhân bản thiết tha, ông mang lại niềm tin và hy vọng cho rất nhiều người.
Hà Khê và người bạn của Lộc tìm đến ngôi nhà nhỏ bên dòng sông Dakla giữa lúc ông đang bận chữa bệnh cho dân.
Nghe lời Bà Nội, Hà Khê và người bạn đã dằn cơn xúc động ngồi chờ ông trước sân nhà.
Người bạn của Lộc đã hỏi Hà Khê nghĩ thế nào về phương cách chữa bệnh bằng nhân điện với cái nhìn của một bác sĩ Tây Y.
Đôi mắt Hà Khê ngời lên, quyến luyến một màu nâu thăm thẳm Đông Phương.
- Có lẽ chú đã thấy những đôi mắt tràn đầy tin tưởng của đám đông bệnh nhân đang chờ? Cháu còn phải học hỏi nhiều. Có điều gì giá trị hơn là mang hy vọng đến cho con người?
Người đàn ông mắt nhòa lệ. Trong lắng đọng thời gian, căn nhà rêu phong kỷ niệm vẫn còn đó, ấp ủ giữ gìn. Bước chân trẻ thơ trên triền cát nằm xuôi đợi buổi triều dâng, ngờ ngợ dáng hình cơn gió. Bến sông trưa ầu ơ tiếng ru hời có giấc ngủ về trước lời thơ nhắn gọi.
Kim Liên ơi hỡi Kim Liên
Đẩy xe cho chị qua miền hà khê...
Nhìn đôi mắt màu nâu diệu vợi của cô gái đang mở lớn ngắm nhìn khuôn mặt trong giấc mơ ân cần một đời, người đàn ông biết ông đã đến miền hà khê đời mình với tấm lòng hoài niệm và nỗi hi vọng không nguôi.
Ông nghĩ đến đôi mắt của những người mẹ, đứa con, những người tìm kiếm đợi chờ.
Những đôi mắt đẹp màu hi vọng.
Phan thái Yên |