Thả rong chữ nghĩa
CAO VỊ KHANH
Rồi đến lúc chẳng có chuyện gì để làm ngoài cái chuyện... ở không.
Nghĩ tới nghĩ lui rồi bật cười khan. Sao có lúc lại bận tíu tít, chuyện ở đâu mà đổ dồn tới như sóng mùa nước lũ. Chuyện này chưa xong chuyện khác đã dồn tới. Liền liền. Có khi cùng lúc hai ba thứ chuyện. Đầu tắt mặt tối. Chuyện nhà. Chuyện nước. Khi thì như kèn thúc bên tai. Lúc lại như gươm kề tận cổ. Cả một tuổi hườm hườm bỗng muốn chín háp vì ba cái sức nặng trì trì của cái kiểu trăm-dâu-đổ-đầu-tằm. Có lúc cứ tưởng chừng đâu như Hạng Võ bị vây ở Cai Hạ, tả xung hữu đột, càng cố phá vòng vây càng dính chùm với Ngu Cơ, chỉ chực há miệng kêu Ngu hề Ngu hề rồi... bỏ mạng. Nhưng vận đen chưa tới, chắc chỉ mới tái tái nên y như huyền thoại, không dưng rồi mọi chuyện tự gỡ rối hay sao mà thấy mình thoát vòng dây dẫu chẳng còn manh giáp.
Vậy đó. Đời lưu vong vậy đó. Có lãng mạn cách mấy rồi cũng hết còn rung động nổi với ba chữ gót-giang-hồ mà một thời đọc thơ mấy ông thi sĩ thời tiền chiến cho đã rồi hè nhau mơ mộng. Bỏ xứ đi vì chẳng đặng đừng, đến khi nhận đại chỗ nào đó làm quê hương rồi biết. Khi tay bưng, đầu đội, vai vác, lưng cõng bao nhiêu là hẹn thề, ước vọng... cộng thêm mớ tiền nhà tiền xe tiền điện nước tiền cơm gạo nhập cảng cộng thêm mớ tiền đổi ra đô-la gởi về bên bển tiếp thêm chút mắm muối cho cha mẹ già em dại còn đang được “vinh quang” chung với đảng và nhà nước... rồi biết thế nào là... lưu lạc. Hai chữ vốn xúi bẫy đám choi choi hình dung ra cả một thế giới lãng mạn với những từ ngữ đẹp như mơ và kêu như thơ: gió sương, bụi đường, gác trọ, lữ thứ, dặm trường, thiên lý... Toàn là mớ mỹ từ, đọc lên cứ nghe như có ai đó đang ngoắc gọi... lên đường. Mà hỏi lên đường để tới đâu thì thiệt tình là... bí. Vậy đó mà cả một thời mới lớn, giữa cao ngất thái-sơn-cha và mênh mông đại-dương-mẹ, hễ tết đến là lại lải nhải mấy câu thơ của Thế Lữ thời tiền chiến. Rủ áo phong sương trên gác trọ. Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang. Đúng là cà-chớn.
Đến khi bỏ xứ ra đi rồi mới thấy người xưa hết sức tài tình khi hình tượng hóa cảnh giang hồ lưu lạc bằng mấy chữ nôm na mà như vẽ truyền thần : “lê gót, lê bước” hay đúng bộ nhất là “lê chân” ! Mà vậy cũng đã quá là lịch sự. Chớ lắm khi còn “lếch” nữa là khác. Lẽ ra là... lếch-bước-giang-hồ mới là phải phải. Chẳng qua vì cái chyện đi lộn rồi đi lại, đi tới rồi đi lui, đi xuôi rồi quay đầu đi ngược lại thường như là ăn cơm bữa. Tới lui riết rồi cũng có lúc lệt bệt vậy thôi. Thử nghĩ coi, xứ người thì mênh mông, sông mà hổng trường giang thì cũng lớp lớp sóng thiên cổ, núi không cao ngút mắt thì cũng trắng xóa lớp lớp phù vân, phố xá thì lớp lớp tầng tầng lớp nầy chồng lên lớp khác, hè phố thì lớp lớp người qua lại mà mặt mày hổng phởn phơ thì cũng tròn trịa như chưa từng biết sao là đói khổ, còn đường xá thì thôi khỏi nói, chia năm xẻ bảy như mạng nhện, đèn xanh đỏ lia chia chớp tắt, xe cộ lớn nhỏ chạy qua chạy lại như chạy giặc... Vậy đó, tình cảnh rồi y như bắt cóc bỏ vô dĩa mà hổng nhảy loi choi sao được, giữa một cõi sống mới trăm phần dị biệt với cái chỗ vừa phải bỏ đi. Thử nghĩ coi làm sao mà không có lúc lê thê lếch thếch, lệch bệch tới tới lui lui... Vậy chớ có biết con-đường-sự- nghiệp trước mặt dài ngắn bằng phẳng hay lồi lõm thế nào đâu mà hổng... lê gót. Trở bước tới tới lui lui hoài thì cũng có lúc dở chân không muốn nổi. Nay mới được hãng điện tử ở đầu đông kêu vô làm thợ hàn xì mấy cái mother card, mốt đã lái xe đi giao “pizza” tới khuya lơ khuya lắc, bữa kia rồi nằm nhà chờ đâu đó lên tiếng gọi đi sai vặt ở một cửa hàng nào đó...
Hổng lê, lết... chớ còn gì nữa ! Nhất là gặp ngay lúc kinh tế đang hồi khủng hoảng, mấy cái “job” cứ như con gái nhà giàu thi nhau mà đỏng đảnh...
Nhớ lại rồi mới thấy thương mình. Người xưa thương con gái mười hai bến nước có biết đâu rằng có lúc đàn ông-con trai còn đáng thương hơn vậy nữa. Đâu phải chỉ có hai cái bến đục-trong thôi đâu. Vừa mới đặt chân xuống phi trường sau một chuyến bay dài cả chục ngàn cây số, đầu óc còn lơ lơ lửng lửng chưa kịp phân biệt đâu là thực đâu là chiêm bao, chưa cảm được hết cái phiêu bồng của hai chữ tự do là thế nào thì ôi thôi đã phải... tự lo tới mệt nghỉ. Mà rồi cũng ngộ. Lo hết biết vậy mà sao làm như thấy đỡ lo hơn cái ngày còn ở chỗ có đám cầm-quyền-cầm-súng lo cho hết mọi thứ. Từ hột gạo mốc tới mấy viên thuốc xuyên-tâm-liên-trị-bá-bệnh, từ thước vải sô dành để quấn khăn tang đến mớ suy nghĩ vẩn vơ cũng được nhà nước lo luôn, nhất là bên trong mấy cổng trại cải tạo. Đi đứng - kể cả những nhu cầu sinh lý tối thiểu... cũng được chăm sóc tới sát nút. Phải nói là thiên-đàng-xã-hội-chủ-nghĩa cũng chẳng có gì sai. Nhờ vậy, mà cả nước cứ xô nhau tìm đường ra biển. Rồi thì kẻ tới bến kẻ bỏ mạng dọc đường. Phận cá kèo rồi cũng nhờ con nước lớn... đưa đẩy riết cũng tới được bến bờ tự... lo.
Như đã nói, tới lúc được tự... lo rồi đâm ra lo hết biết. Chỉ khác ở chỗ, có lo nhưng rồi thấy cái lo này khác cái lo kia. Khác ở chỗ hồi đó thì bị được-lo. Còn bây giờ thì được- bị-lo. Dẫu sao, được tự mình lo vẫn hơn để nhà nước... “no”. Phút chốc bỗng thấy chằng chịt trách nhiệm và bổn phận. Mới tháo được mớ lòi tói của chủ nghĩa cộng sản thì đã thắt vô mình thứ dây xích của chủ nghĩa tư bản. Dĩ nhiên lần này là do tự mình chọn lựa, chẳng có gì phải thở than. Tuy nhiên... Dẫu sao cũng thương cảm chút chút cho thân trượng phu cao chưa đầy thước bảy.
Nghĩ lại coi. Mớ chữ nghĩa đã bỏ công dùi mài từ mười mấy năm trường ốc cộng thêm mươi năm hành nghề bỗng chốc rồi trở nên... hết thời. Ba cái mớ thơ văn từ đời xưa đời xửa đến thời nay chắt chiu như vàng như ngọc trong đầu rồi chẳng khác gì đồ phế thải, cứ ấm a ấm ức, lúc tha lúc thúc trong lòng như những tình nhân bị phụ rẫy. Lại nữa cái xứ gì kỳ cục. Thói thường hễ ở bên Tây thì xài tiếng Tây, tới Anh thì xài tiếng Anh, qua Ấn độ thì xài tiếng Hindi, Tàu thì xài tiếng Tàu dẫu có lơ lớ kiểu Tiều kiểu Hẹ gì đó chắc cũng không đến nỗi ú ớ... Đằng này, nơi đây chào bà trước mặt thì phải Bonjour mà chào ông sau lưng thì phài Good Morning. Cám ơn ông hàng xóm cạnh nhà bên phải thì Thank you mà cám ơn bà bên trái thì phải Merci... Thôi thì moi móc lục lọi trong cái kho chữ nghĩa cũ mèm tích tụ từ thời thực-dân-Pháp với lại đế-quốc-Mỹ ra hết mà cứ lộn-xà-ngầu. Thiệt ra phải chi biểu làm bài phân tích giống cái-giống đực, số ít-số nhiều thì chắc cũng không đến nỗi. Ngặt cái đi kiếm ăn chớ có phải đi học chữ đâu mà bày đặt văn phạm với lại ngữ vựng. Oái ăm ở chỗ lắm khi trong đầu thì chữ nghĩa lấp la lấp ló mà khi mở miệng nói năng thì cứ ấp a ấp úng như con trai mới lần đầu tỏ tình với con gái. Bởi vậy, moi móc cho lắm trong bộ óc vốn đã bị quân-giải-phóng tẩy não tận tình cũng không bằng quơ tay múa chân ra bộ kiểu như robot thời nay. Nhất là khi đi làm công với lương ba cọc ba đồng, tiền giờ tính chăn chẳn. Mà rồi nghĩ ra cũng ngộ. Sự đời coi vậy mà ảo diệu vô cùng. Chớ hổng thấy sao trong mấy gánh xiếc, nhiều khi mấy ông hề làm người ta cười nghiêng cười ngửa mà có mở miệng nói câu nào đâu. Chỉ cần một cái nháy mắt, một cái hỉnh mũi hay méo cái miệng, đôi khi nhúc nhích cái tay cái chân... là đủ tạo nên những tràng vỗ tay không dứt. Làm người lưu vong lắm lúc cũng vậy thôi. Ở cái xứ thì giờ là tiền bạc, sáng vô bấm thẻ, ra chơi bấm thẻ, chơi xong bấm thẻ, ra về bấm thẻ... mà cứ ú a ú ớ hoài có ai mà chịu. Thôi thì cứ múa tay múa chân nháy mắt méo miệng vậy mà rồi mọi chuyện cũng trót lọt, khỏi lo bị ngộ-nhận như có thời ông Albert Camus đã báo động trong vở kịch Le Malentendu.
Trắc trở, trúc trắc, trục trặc, trễ tràng... vậy đó mà cứ cắm đầu cắm cổ phóng tới như con bò rừng bị bịt mắt đụng đâu cụng đó. Việc nặng việc nhẹ, chuyện khó chuyện dễ kêu đâu làm đó. Bất kể. Miễn cuối tuần rồi cuối tháng có mớ tiền để thanh toán ba cái nợ đời. Tại vậy mà thuở ấy, dẫu có u đầu sứt trán hay mỏi gối chồn chân cách mấy rồi cũng phải ngóc dậy mà đi tiếp. Vì kiếp lưu vong chẳng qua như một kiếp tái sinh, hổng lo đắp đổi thêm thắt rồi chẳng lẽ để trần truồng mà lỗi với tổ tông. Hơn nữa, người ta đã động lòng cho ăn nhờ ở đậu mà còn chảnh chẹ thì lấy gì mà ngẩng-mặt-lên-với-đời. Bởi vậy mà cái đầu thì lúc nào cũng nặng trịch, hết niềm-đau-thân-phận tới nỗi-sầu- vong-quốc mà cái chân thì cứ theo nhịp trường chinh mà lặn lội. Những sớm lạnh sương dầm áo mỏng. Nghĩ mình nợ trĩu nặng hai vai. Những tối về khuya đường lẻ bóng. Thấy đời xa tít khỏi tầm tay. Cũng xiêm cũng áo sao mà nhẹ. Nặng chỉ bờ mi khoé mắt cay...
Vậy rồi...
Vài ba năm... Rồi vài mươi năm... Thoáng cái một. Hổng chừng bằng cái rùng mình của thiên địa mang mang. Mọi sự rồi như đứng khựng. Đời riêng thành hay bại cũng chẳng biết nhưng chắc là đại bại khi so với chuyện để nước mất nhà tan. Quê hương bỏ xó mà đường về thì càng lúc càng mờ mịt. Ngó quanh quất rồi càng lúc càng thấy trống trải. Nay tin ông kia đã phủi chút danh hờ mà đi cái một. Mốt nghe tin bà nọ rũ cánh hoa tàn mà rụng cái rụp. Cõi thân sơ rồi mỗi lúc mỗi đìu hiu. Nhìn quanh quất trong cõi riêng mình thấy chẳng khác gì cảnh sân khấu về khuya, mỗi lúc mỗi vắng vẻ khi màn nhung đang từ từ khép lại. Đào kép từ vai chánh đến vai phụ một khi đã xếp cất mấy hộp son phấn thì sân khấu chỉ còn là khoảng trống với mấy tấm cánh gà, dẫu có màu mè cách mấy cũng đâm ra trơ trọi đến vô duyên.
Dẫu biết đó là sắp xếp của tuồng đời vốn không có bài bản nhưng nhìn đi ngoảnh lại rồi lòng cũng... nao nao.
Trong khi đó, ngoảnh nhìn xa ra chút, đâu đâu cũng như cái nồi hầm xào bần. Kẻ thì chễm chệ mở rộng nhà tù. Người thì lặng lẽ đường tu. Chỗ này mới bớt lửa riu riu thì chỗ kia lại sôi sùng sục. Làm như người ta không lu bu tù đày, đâm chém, bắn giết nhau thì ăn không ngon ngủ không yên và nhất là chết không được hay sao á. Hết biết. Vậy đó mà làm sao không thấy bứt rứt khi nhìn lại mình rồi thấy giữa cái cõi đời náo nhiệt không thôi đó bỗng dưng mình thành kẻ... vô tích sự. Trong khi cuộc đời quanh quẩn thì nhiễu sự tới không thôi. Khi không rồi giữa dòng đời bụi bặm bỗng dưng thấy mình như kẻ... thoát trần, phiêu diêu cả tấm thân vốn trần tục, ngay giữa cõi lụy trần ai. Thân xác và đầu óc cứ như cái bong bóng được bơm đầy hơi, bay vật vờ, vất vơ vất vưởng. Chẳng biết đậu vào đâu. Hay tấp chỗ nào cho phải. Mà nhất là lại không thấy đâu còn chỗ cho mình. Làm như rồi bị-được tách ra khỏi cái đám đông lúc nhúc quanh quanh mà chẳng có một thông báo gì cho rõ ràng như khi bị hãng cho “lay ốp”. Bỗng dưng rồi trở thành hạng ăn không ngồi rồi, sáng trưa chiều tối ra vô cùng một chỗ, tối chiều trưa sáng vô ra cùng một nơi. Xuân rồi hạ. Chớm thu rồi tàn đông. Mây trên trời vắt ngang qua cửa sổ hết đám này tới đám khác, loáng thoáng hay vần vũ rồi cũng bay đi mất. Chỉ còn mình, đứng khựng với mình. Nhìn quanh quẩn rồi đâm ra ngán ngẩm. Ngán ngẩm cho đã rồi đâm ra ngẫm nghĩ. Bỗng đâu như mấy ông thầy tu đáo-bỉ-ngạn. Hóa ra cũng tự mình mà sanh chuyện chớ có phải tại ai đâu. Sao hồi nhỏ đeo đuổi người khác phái, dẫu người ta có ngoảnh mặt làm ngơ sao cứ lì lợm anh-theo-Ngọ-về hoài vậy. Còn bây giờ đời có dạt xa ta sao ta không nấn níu theo đời. Sá chi chút phận cỏn con mà tự ái dỏm. Dẫu sao, với một tấm lòng-cho-đi vẫn là điều thiết yếu của cõi nhân sinh. Thuở trẻ còn dám bắt chước kiểu yêu rất-nhiều-nhận-lại-chẳng-bao-nhiêu. Còn nay sao lại ngại ngùng không dấn thân lần nữa. Thử lì lợm thêm lần chót coi sao. Không nhiều thì ít. Miễn có góp phần mình ít nhiều gì chẳng được. Sao lại có thể thờ ơ tới vậy khi quanh quanh ngày vẫn lên rồi chiều xuống. Ngay cả một đóa hoa dại đôi khi cũng làm đẹp được một góc đường. Thệ giả như tư phù bất xả trú dạ. Ngoảnh mặt phủi tay coi được hông khi nợ đời còn nguyên đó. Nghĩ vậy rồi lòng riêng sao cứ băng hăng bó hó chẳng khác cái nồi đóng kín nắp mà nước trong nồi thì cứ sôi thì thụt. Không phải sôi ùng ục. Mà là thứ sôi rúc rích khi lửa đã riu riu. Cứ băng hăng bó hó làm như có gì lục đục trong lòng mà không thể nói ra. Tại vậy mà cứ ấm a ấm ức. Đúng là... vô duyên thứ thiệt.
Nghĩ vậy tưởng đã căn phần rồi ai dè rồi cũng chưa chịu yên phận. Ờ mà sao lại cứ chuốc phiền vào thân. Sao không làm như thiên hạ tự tại an nhiên. Sao không bắt chước người ta mà hưởng lạc thú kiểu... hết thời.
Coi nè, mấy ông già xưa vậy mà sướng quá mạng. Cỡ ông Nguyễn Công Trứ, công danh sự nghiệp ái tình hẳn là mọi thứ đều đâu vào đó hay sao á mà cuối cùng rồi ông kết luận ngon ơ.
Nợ tang bồng trang trắng vổ tay reo
Thảnh thơi thơ túi rượu bầu
Đôi khi còn hai ba đứa tiểu đồng cắp tráp theo hầu ...
Còn ta sao... chỉ thấy ngậm ngùi !!!
Ờ mà nếu cứ lấn cấn vậy sao không theo con đường tu đạo mà thiên hạ đang đuổi theo nườm nượp. Nhưng rồi nghĩ lại phận mình sao chỉ thấy đường-xưa-mây-trắng nó xa mịt mịt. Thiệt ra, con đường đó chưa bao giờ dám hó hé tới gần. Kể cả mé mé cũng không. Dẫu nghe gần xa nhắc nhở biểu phải... buông bỏ. Có điều buông cái gì và bỏ cái gì thì... mù tịt. Bởi vô duyên nên chưa bao giờ chịu ngồi nghe quí thầy giảng pháp nên cứ nhắm mắt mà phóng đại tới. Tới bây giờ nghe kêu bỏ lại thấy băn khoăn. Khổ nỗi, nghĩ tới nghĩ lui rồi lại thấy bỏ chi mà uổng vậy. Thiệt ra có cái gì là của mình đâu mà kêu... bỏ. Nghĩ coi. Cả một dãy đất trời trăng mây nước gọi là non-sông-gấm-vóc mà tổ tiên ông bà đã cắc củm từng giọt máu từng mảnh xương để gầy dựng rồi mất cái một. Cả một ngôn ngữ gấm hoa mà bao nhiêu thế hệ đã chắt chiu, lựa lọc, thăng hoa rồi bỗng nhiên biến dạng đến câu cú cũng như lời ăn tiếng nói đâm ra mài mại như thịt ba rọi, nửa nạc nửa mỡ. Cả một nền đạo đức kính trên nhường dưới thương-người- như-thể-thương-thân rồi biến dạng thành lối sống đội trên đạp dưới miễn sao tiền bạc đầy túi, vinh thân phì da bất kể... Những thứ chưa bao giờ muốn bỏ mà rồi mất hết thì nghĩ coi có cái gì là còn đâu mà phải bỏ chi cho rối việc. Cái có là có. Cái còn là còn. Cái mất là mất. Tính chuyện bỏ buông chi cho thêm phần đại sự. Sao không thả trôi như chiếc lá giữa dòng. Tới đâu hay tới đó, chẳng phải là triết lý sống dễ chịu nhất sao ! Mà thôi, ba cái chuyện đại sự đó kể ra cũng quá xa xôi. Chuyện riêng tư nè, ngó lại cũng thấy chẳng sao ra sao. Nội cái tuổi trẻ, rõ là của riêng mình mà ngó đi ngó lại rồi cũng biệt mù, có muốn níu kéo cầm giữ cũng bằng không. Còn ba cái mớ trái ngang ngang trái rối beng như tơ nhện mà càng vùng vẫy lại càng siết riết tới hết cựa quậy. Vậy thì tính chuyện buông bỏ chi cho thêm... chuyện. Cái còn là có. Cái có là còn. Mà tính ra cái-có-cái-còn sót lại có bao nhiêu đâu mà đòi bỏ. Bỏ riết rồi còn cái gì nữa mà lảng vảng cõi này. Thôi vậy. Tới đâu hay đó. Y như ba cái mớ chữ nghĩa mà ông bà cha mẹ thầy cô đã cho không, hơn mấy mươi năm rồi được giấu kín giữ kỹ trong đầu vốn là cái nhà kho chẳng có gì bảo đảm. Hơn bốn mươi năm xa nguồn xa cội, hẳn nhiên có hao hớt thì cũng là chuyện... đã đành. Bao nhiêu tục ngữ ca dao, những áng kỳ văn thiên cổ, từ những bài thơ bảy chữ tám câu đến những trường thi Chinh Phụ, Cung Oán, Đoạn Trường... , những bài thơ thời tiền chiến gọi là Thơ Mới đến thơ mới hơn nữa của Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng, Tô Thùy Yên, Du Tử Lê, Thế Viên, Trần Tuấn Kiệt..., những tập truyện ngắn truyện dài của cả mấy thế hệ nối dài từ thời ông Hồ Biểu Chánh trong Nam đến nhóm Tự Lực Văn Đoàn ngoài Bắc, đến những đột phá của nhóm Sáng Tạo, Hiện Đại, Thế Kỷ Hai Mươi, Văn Nghệ... ở Sài Gòn... đến Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Bình Nguyên Lộc, Mai Thảo, Hoàng Hải Thủy, Duy Lam, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Đình Toàn, Dương Nghiễm Mậu, Phạm Công Thiện, Hoàng Ngọc biên, Phạm Kiều Tùng, Phạm Thiên Thư, Huỳnh Phan Anh, Thế Uyên, Nguyễn Thụy Long, Duyên Anh, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng, Y Uyên, Thế Viên, Phạm Ngọc Lư... v.v... và v.v... mà mỗi câu mỗi chữ là hoa trái được mùa của bao thế hệ đã khổ công trồng trọt.
Ý là chưa kể đến, trước tháng 4 năm 1975, trải khắp 44 tỉnh thành ở phía Nam con sông Bến Hải, đã có không biết bao nhiêu người trẻ tuổi, ngay khi còn cặp sách đến trường cũng đã thả hồn mình lên tới cõi trăng sao để viết văn làm thơ. Dẫu chưa thành danh, vẫn chứng tỏ được một hồn nhân văn phát sinh từ một cõi đời nhân bản, dẫu ngày đêm còn bị nướng thiêu trong lửa đỏ.
Ôi kể sao cho hết. Mà kể hết rồi sẽ ra sao những công trình tâm huyết đó... vốn đã có lúc bị đem đốt bỏ hay cân ký bán giấy gói thịt heo ngoài chợ đời. Tàn tệ hơn nữa, sách vở còn bị giải thích theo lối ngụy tín cho hợp với thứ chủ nghĩa chính trị phi nhân. Chẳng thua gì lối phần-thư-khanh-nho của đám vua quan nhà Tần, ở bên Tàu từ mấy ngàn năm trước. Hết nói.
Ờ, vậy đó mà rồi có tuyệt chủng đâu, y như linh vật trong huyền sử, chặt đầu này mọc đầu khác. Chữ nghĩa bị đọa lạc. Người viết bị đọa đày. Nhưng ai thoát được rồi là chữ nghĩa sống lại, tinh khôi. Từ đó, những dấn thân tận tình dù đã xa lắm một cố hương. Mấy chục năm nay, gần như ở khắp mọi nơi trên mặt đất này, với mọi tình huống, có bè có bạn hay rất đơn thân độc chiếc... vẫn miệt mài viết văn làm thơ với mớ vốn liếng chữ nghĩa mang theo dù hẳn biết rằng sẽ có ngày trở thành tử ngữ, khi ngay từ chính ở quê mẹ, người ta đã cố tình bóp méo vo tròn thứ chữ nghĩa đáng thương đó. Cũng chẳng biết rồi ra sẽ sống sót ra sao, những vần thơ những câu văn đáng yêu đó vẫn tiếp tục bay lượn, bất kể được đón tiếp hay quên lãng trong sự thờ ơ của thiên hạ. Những Hải Phương, Phan Nhật Nam, Kiệt Tấn, Hồ Trường An, Trần Hoài Thư, Nguyễn Xuân Thiệp, Hoàng Xuân Sơn, Phạm Ngũ Yên, Trang Châu, Võ Kỳ Điền, Luân Hoán, Hồ Đình Nghiêm, Phạm Cao Hoàng, Vũ Hoàng Thư, Nguyễn thị Khánh Minh, Trần thị Nguyệt Mai, Duyên, Đặng Mai Lan, Trần Phù Thế, Trần Bang Thạch, Nguyễn Vĩnh Long, Nguyễn Nam An... Và... Và... Những Đinh... Những Lê... Những Lý... Những Trần... Những Nguyễn... v.v... và v.v... Kể sao cho hết. Những tên tuổi... và còn biết bao nhiêu những-chưa-tên-tuổi, từ khi sống cảnh chim-xa-bầy vẫn ngày đêm thương-nhớ- cội, bất kể trên bàn viết hay trong một góc xưởng thợ, dưới hầm nhà hay nơi bến đợi chuyến buýt qua đường... đã và vẫn sáng tác bằng mớ vốn liếng chữ nghĩa mang theo, từ một ngày bỏ xứ.
Ờ mà nhiều quá, làm sao mà kể xiết...
Nghĩ mà thương, mà phục, mà lòng thấy nao nao...
Rồi tự dưng thấy làm sao mà bỏ cho đành. Những vui buồn, hờn giận trong đời thực hóa thân thành cỏi ảo. Những mê say đắm đuối trong sáng tạo kéo mộng mơ ra cõi đời thường. Những vần thơ mướt rượt như tóc mây. Những câu văn chữ nghĩa như tạc tượng. Hổng giữ lại được hết thì cũng cố kéo níu sao cho còn lại chút dấu vết. Bây giờ còn bắt chước được chữ nào xài chữ nấy, kiểu như dân chơi hào phóng thuở xưa, có đồng nào xài đồng nấy. Xả láng sáng về sớm, có phải đã đời hơn không. Nguyễn Bính đã có lần phán một câu ngon ơ. Vẫn dám tiêu hoang cho đến hết. Ngày mai ra sao rồi hẳn hay. Hết xẩy !
Lại nhớ thêm có lần ông tú Trần Tế Xương tự kiểm rằng thì là... một trà một rượu, một đàn bà. Ba cái lăng nhăng nó quấy ta. Chừa được cái nào hay cái nấy. Rồi ông nhứt quyết bỏ hai giữ lại một. Có điều nói thì nói vậy mà làm được hay không thì là chuyện khác. Vã lại thói thường gom vô thì dễ mà bỏ ra không dễ chút nào. Lại nữa, ngẫm lại ba cái món mà ông nêu tên rõ ràng mới chỉ là một phần chút xíu của lạc thú ở đời. Ngoài ra còn biết bao nhiêu tặng phẩm của trần gian như núi cao-sông dài-biển rộng hay gió mát-trăng thanh hay văn-thơ-nhạc-họa thì làm sao mà bỏ cho đành, một khi đã lặn lội đến mòn gót phong sương. Thôi kệ, trước sau gì cái triết lý muôn đời tới-đâu- hay-tới-đó nghĩ ra mà coi bộ dễ chịu hơn. Khỏi phải tính toán so đo chi rồi mang tiếng bên trọng bên khinh. Có đáng gì phận đời của hàng tục tử mà phải so đo chắt lọc tới vậy. Còn nhớ ông Cao Bá Quát, người trải đời rất mực có lần đã nói chắc như đinh đóng cột Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy. Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười. Y chang. Vậy còn chụp giựt hay buông bỏ chi cho thêm việc. Trước sau gì cũng tới cái nơi sẽ tới. Quyết chắc. Vậy thì thả mình như chiếc lá vất vơ theo gió cuốn, chớ cưỡng cầu rồi cũng vậy. Cũng sẽ tới cái chỗ phải tới ! Tính toán, chuẩn bị, sắp xếp, sửa soạn, lên kế hoạch hay hạ quyết tâm... cho đã rồi... cũng như không !
Thôi kệ đi. Mặc đời đưa đẩy. Tới đâu hay tới đó. Trời kêu sao dạ vậy. Giờ còn chút gì thì xài chút nấy. Kể cả mớ chữ nghĩa cứ lúc thúc trong đầu. Hẳn nhiên cũng chẳng phải cầu vinh rửa nhục gì hết. Chẳng qua muốn tung hê cho hết mớ vốn đời cặn cáo mà khổ nỗi khi xét lại tài sản thì trương mục trống trơn, sức khỏe thì cũng đã tới hồi xập xệ. Còn sót mớ chữ nghĩa của thời chưa bị được-giải-phóng là coi bộ còn chút hơi tàn, cứ nhấp nha nhấp nhỏm trong đầu với lại trong lòng mà không chịu yên phận. Thôi thì, muốn vậy cho vậy, mở ngỏ cho chữ nghĩa thả rong, long nhong như những bước thả rong đã có lúc trên vỉa hè Lê Lợi những chiều cuối tuần của Sài Gòn, một thuở. Không mục đích. Cũng chẳng có mảy may ước hẹn. Lỡ có vấp váp hay lạc lối thì cũng là... ngoài ý muốn.
Ít ra, coi như cũng đã có lúc lang bang trên mấy cái vỉa hè đã có thời đầy ấp dấu chân. Biết đâu cũng góp phần cho phố xá đỡ phần hoang vắng, khi nắng chiều hôm đã héo tới vàng hoe...
Thả rong là... thả rong.
Cao Vị Khanh
* CÁO LỖI
Những tên tuổi được liệt kê trong bài chỉ nhằm để tượng trưng, với trí nhớ lập lờ của người viết. Muốn kể hết mà cũng không làm sao kể hết ! Muôn vàn tạ lỗi. cvk |