THẾ NÀO LÀ BÀI THƠ HAY
Những cuộc tranh luận bất tận từ xưa đến nay và có lẽ sẽ không bao giờ chấm dứt. Những quan điểm khác biệt thậm chí đối nghịch đã, đang và sẽ tiếp diễn. Đó là việc bình thường và tự nhiên vì mỗi người có cái nhìn khác nhau, trình độ văn hóa, nhận thức thẩm mỹ khác nhau, sâu xa hơn nữa là tâm tính vốn thiên sai vạn biệt.
Ngày trước đã từng xảy ra cuộc tranh luận vang dội một thời giữa hai trường phái “Nghệ thuật vị nghệ thuật” và “Nghệ thuật vị nhân sinh”. Nghệ thuật vị nghệ thuật là duy mỹ nhưng bản thân nghệ thuật lại nhân sinh vì thực vật, động vật, khoáng vật… vốn vô tri giác. Chỉ có con người mới có tri giác để cảm nhận, sáng tạo nghệ thuật và hưởng thụ nghệ thuật. Nghệ thuật vị nhân sinh là duy lý, nghệ thuật để phục vụ con người chứ không thể phục vụ thực vật, khoáng vật hay động vật bất tri giác. Rốt cuộc nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuât vị nhân sinh cũng đều đúng, trường phái nào cũng có lý cả. Cả hai trường phái vốn không một mà thật cũng chẳng là hai, cái này bao hàm cái kia. Vấn đề này giống như lưỡng cực âm dương, hễ chiều này cực đại thì chiều kia cực tiểu và ngược lại. Cả hai mâu thuẫn trong sự thống nhất.
Thế nào là thơ hay? quả là câu hỏi khó trả lời. Nhân tâm bất đồng, mỗi người đứng ở một góc độ khác nhau, trình độ văn hóa khác nhau, nhận thức thẩm mỹ khác khác nên có cách định nghĩa và thưởng thức khác nhau. Dù có khác nhau thế nào đi nữa nhưng nhìn chung để đánh giá một bài thơ hay thì bài thơ đó khi đọc lên có gây được cảm xúc gì không, đọc xong có lưu lại chút gì trong tâm trí hay không. Cái thẩm mỹ của đời sống và nghệ thuật muôn hình vạn trạng thế thì cái đẹp, cái hay của bài thơ cũng thế. Thơ được viết ra bởi cảm xúc thật của trái tim. Thơ phản ảnh sự rung động của tâm hồn đọc lên ắt sẽ có cảm nhận được! Nếu văn có thể viết tràng giang đại hải thì thơ lại cô đọng, ít chữ nhiều ý, làm thơ như sắc thuốc bắc, phải sắc từ một ấm đầy còn lại lưng chén nhưng mà là đậm đà đầy đủ chất. Thơ như là tinh tuý của chữ nghĩa.
Nói về “ý tại ngôn ngoại” thì thơ cổ điển như: Thơ Đường, thơ Haiku, waka, thơ yết hậu… ăn đứt thơ ngày nay. Thơ ngày nay tự do, phóng khoáng nhưng thiếu sự cô đọng, thiếu sâu sắc, không có ẩn ý sâu xa. Thơ xưa nhiều khi chỉ một câu hay một chữ cũng đủ để diễn tả cả một trạng thái tâm ý hay một cảnh huống nào đó. Tỷ như chỉ để tả cảnh giới một nhà sư mở cửa chùa dưới ánh trăng đêm, Giả Đảo phải lao tâm khổ tứ suy nghĩ nên dùng chữ “Thôi” hay chữ “Xao” đến độ nhập tâm không còn biết đến thực tại, ông đâm đầu phải xe của quan phủ Doãn. Thơ xưa có nặng tính quy cách, ước lệ, dùng nhiều điển tích, điển cố… gò bó trong khuôn khổ cứng nhắc, đó là sự hạn chế của thơ xưa, tuy nhiên đó là dấu ấn của thời đại, không thể nào khác được!
Thơ ngày nay tự do, phóng khoáng đến độ phóng túng. Nhiều bài thơ chữ nghĩa ngô nghê, câu cú lộn xộn, ngắt câu, ngắt dòng tùy hứng. Nhiều tác giả cố tình làm màu, chủ ý dùng những từ ngữ ngô nghê khó hiểu, cố tình tạo sự mới lạ hay khác biệt bằng những từ ngữ và hình ảnh quái đản…khổ nỗi nội dung thì quá nhạt hay thiếu hẳn ý nghĩa nội thân. Nhiều, rất nhiều thơ mới, thơ cách tân… đọc xong chẳng biết tác giả muốn nói gì, nội dung mù mờ cố tình đánh đố trí tưởng tượng hay suy diễn…. Thơ mới, thơ cách tân, tân hình thức... vì quá chú trọng kỹ thuật mà trở nên vô hồn, vô cảm. Những người làm thơ hiện đại bị ám ảnh bởi chủ nghĩa này nọ, trường phái nọ kia nên cố tình làm cho hình thức dị biệt, khác thường quá độ nên sanh ra dị hợm và dị dạng.
Thơ ngày nay có rất nhiều trường phái với những thuật ngữ tiếng Anh, những thuật ngữ triết học Tây phương… rất là “Kêu”, rất dễ “Hù” người yếu bóng vía hay thiếu lập trường. Những tên gọi nào là: Hiện đại, hậu hiện đại, cách tân, trừu tượng, siêu thực, siêu hình, tân cổ điển, khả ly…và sẽ còn nhiều trường phái, nhiều thuật ngữ mới nữa sẽ phát sanh. Nhìn chung hầu hết đều chạy theo phương Tây, lấy phương Tây làm chuẩn, cho vậy mới là sang, là hiện đại theo kịp trào lưu mới nhất, tân tiến nhất của nhân loại.
Những trường phái, chủ nghĩa và hình thức… chỉ là hình thức, nó giống như quần áo thời trang. Một người mẫu xinh đẹp, dáng chuẩn như hoa hậu hay hoa vương thì họ mặc gì cũng đẹp, không cứ là hàng hiệu hay thời trang mới nhất. Một người xinh đẹp thì mặc đồ cổ trang vẫn đẹp như thường, tuy nhiên vì tính thời gian nên không thể diện cổ trang mà sinh hoạt trong môi trường hiện đại. Những bộ đồ thời trang hiện đại hay cổ điển vẫn chỉ là cái lớp bề ngoài, khi lột trần ra thì cái đẹp của thân thể người mặc mới là quan trọng. Tuy nhiên cũng có câu “người đẹp nhờ lụa”, một người đẹp mà ăn mặc đúng thời hợp mốt (mode) thì càng xinh đẹp hơn. Cái đẹp cũng như tất cả mọi hiện tượng và sự vật trên đời luôn biến đổi theo thời gian, theo hoàn cảnh xã hội. Tuy nhiên cũng có những cái đẹp bất biến, tỷ như một cô gái với đôi mắt to, sáng, má đào, làn da mịn màng, dáng vóc cân đối, ngực nở, eo thon… thì ở bất cứ thời nào cũng đẹp cả! Cái đẹp đó vốn từ xa xưa ai cũng thích và hiện nay vẫn thế thôi. Bởi thế một bài thơ đẹp, một bài thơ hay nhất định là ở nội dung, hình thức chỉ là phụ. Nhân gian có những chuẩn mực tối thiểu, nghệ thuật cũng có những chuẩn mực cơ bản, vì vậy một bài thơ hay cũng có một chuẩn mực nào đó tỷ như: lay động tình cảm con người, ca tụng cái đẹp nhân văn, cổ xúy tình người, tình đời, đất nước, nhân loại… Ở đây không có nghĩa là “Văn dĩ tải đạo”, chỉ đơn thuần là một tụng ca cái hay, cái đẹp mà thôi!
Có những cái đẹp vượt thời gian và không gian, không thể bảo rằng vầng trăng xứ này đẹp hơn vầng trằng xứ khác (kiểu như thơ của người ngây ngô cuồng Cộng “Trăng Liên Xô đẹp hơn trăng nước Mỹ”), dĩ nhiên cũng không thể nói vầng trăng trên những đô thành hiện đại hay những công xưởng đẹp hơn vầng trăng trên cổ thành hay trên mái chùa rêu phong cổ kính. Cũng như thế, ta có thể nhận biết là tình yêu thời văn minh công nghệ cao với tình yêu của văn minh nông nghiệp ngàn năm trước đều đẹp, cái đẹp ấy chẳng có gì khác nhau, cái đẹp bất biến. Cái đẹp trong thơ là khi đọc lên tâm hồn rung động, nội dung của bài thơ lưu đọng trong tim, ý tứ và hình ảnh trong thơ lưu lại trong hồn. Cái đẹp, cái hay của thơ nhất định là ở nội dung chứ không phải ở cái hình thức bài thơ thuộc thể loại gì hay trường phái nào. Hình thức không quyết định được nội dung, hình thức chỉ như là bộ áo quần thời trang, tuy nhiên thời trang đẹp, trang sức hợp thời thì càng tôn thêm vẻ đẹp của nội dung.
Hình thức thơ có thể ví như cái bình còn nội dung là rượu. Cái bình dù có vẽ vời đẹp cỡ nào đi nữa mà rượu bên trong chua hoặc nhạt thì xem ra chẳng ai muốn thưởng thức, còn giả như rượu bên trong cực ngon mà cái bình có cũ hay xấu thì giới sành rượu cũng vẫn yêu thích như thường. Giả sử cả bình đẹp và rượu ngon thì quá tuyệt! Bởi vậy cho nên quý là ở rượu chứ không phải cái bình hay cái vò từ đây cũng có thể nói thơ hay là ở nội dung chứ không phải ở hình thức.
Có nhiều người làm thơ vì quá đặt nặng ở hình thức, chạy theo trào lưu này nọ nên cố tình phế bỏ những chuẩn mực tối thiểu, cố tình làm mới, làm ra sự khác biệt mà thành ra quái đản nhưng lại ngỡ là sáng tạo, cách tân nhưng thực sự là phá hoại cái đẹp, làm tầm thường hóa thơ. Đơn cử như một đoạn thơ tân hình thức này (xin không dẫn tên tác giả):
“ con Chim. Đen, Trùi. Trũi
đậu tRên h àng rào kẼm g ai
Chiếc xì.líp đỏ thủng lỖ...”
Hoặc bài thơ theo trường phái mới này:
Nữ
n ữ
nỮ
nử
nữ NỮ n ữ…
Quả thật đọc những bài thơ này “hiểu được chết liền”, đành rằng thơ nhiều khi chỉ cần cảm chứ không cần hiểu. Có điều ở đây thơ như thế này thì không hiểu cũng chẳng cảm nổi, hình thức thì rất lạ nhưng chưa chắc đẹp, nội dung thì chắc chắn chẳng có gì hay, ngữ pháp căn bản phế bỏ… Tác giả cố tìm cách sáng tạo hay làm mới nhưng xem ra không ổn, hoặc giả là bị ám thị nặng bởi những khái niệm về trường phái, hình thức, mới… nên kết quả như thế!
Ở trong nước cũng có cái gọi là trường phái Bút Tre:
“Anh đi công tác bờ lây/ cu dài dằng dặc biết ngày nào vê” hoặc là: “Chị em phụ nữ đánh cầu/lông bay phơ phất qua đầu các anh”. Những thứ này mà gọi là thơ thì tội cho thơ quá, làm hạ cấp thơ, làm dung tục thô thiển thơ. Những thứ như này nên gọi là vè là hợp lẽ!
Tổ chức thi thơ là một việc làm buồn cười, một việc phá hoại nghệ thuật. Thơ không phải là món hàng hay sản phẩm sản xuất theo đơn đặt hàng, bởi vậy không thể có việc tranh đấu thi đua. Thơ chỉ có thể được tuyển chọn, đề cử… bởi những người yêu thơ, những người có trình độ nhất định trong sáng tạo nghệ thuật. Thi thơ là một việc tào lao, là giết thơ, giết chết nghệ thuật, tầm thường hóa thơ. Thơ, ngay cả khi được giải này nọ cũng chỉ là tương đối vì những bài thơ được giải chưa hẳn là hay hơn những bài thơ không được chọn mà vì là nó phù hợp với quan điểm và thẩm mỹ của người hay ban tuyển chọn.
Thế nào là một bài thơ hay? điều này thật sự khó khẳng định. Thơ cần có một thời gian nhất định để người đọc thẩm định, cần có sự nhìn nhận của đông đảo người yêu thơ, cần trải qua một thời gian để xem bài thơ ấy có bị quên lãng đi hay không. Một bài thơ khi được giải này nọ chưa hẳn là bài thơ hay, điều này cũng không ngoại lệ với cả những bài thơ được giải Nobel, có thể hay với ban giám khảo, hay với một nhóm độc giả có cái quan điểm tương đồng nhưng còn với đại đa số người đọc, người yêu thơ thì chưa chắc “Cảm” được cái hay, cái đẹp của bài thơ ấy. Những bài thơ được giải Nobel có thể hay với cái gu thẩm mỹ của viện hàn lâm Thụy Điển nhưng với đại chúng Việt hay phần còn lại của thế giới chưa chắc cho là hay. Có những bài thơ lục bát ngọt ngào, thấm đẫm tình tự dân tộc, mang nhiều ý nghĩa nhân văn, rất hay, rất đẹp nhưng chưa chắc là hay đối với các viện sĩ viện hàn lâm Thụy Điển hay độc giả phương Tây. Thơ hay còn tùy thuộc vào văn hóa và hệ tư tưởng của người đọc, có thể ví dụ như câu: “Ngô đồng nhất diệp lạc/Thiên hạ cộng tri thu”, đây là hai câu thơ xưa quá hay, quá đẹp, hình ảnh và ý nghĩa đều đẹp… Tuy nhiên hay và đẹp đối với những người yêu thơ thuộc nhóm người chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, còn với những nhóm người chịu ảnh hưởng văn minh phương Tây thì chưa chắc họ cho là hay, vì vậy rất khó để kết luận thế nào là một bài thơ hay. Thơ hay hay dở tùy thuộc vào văn hóa, quan điểm, thẩm mỹ… của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền khác nhau. Tuy nhiên với những nhà phê bình, những nhà nghiên cứu… thì họ có những chuẩn mực cơ bản nào đó để đánh giá.
Dòng đời liên lỉ biến thiên, sự vận động của tự nhiên và xã hội thay đổi không ngừng nghỉ. Xã hội hiện đại của chúng ta hôm nay diễn biến với tốc độ nahnh không thể tưởng, mọi thứ đều phải thay đổi để hợp thời, thích nghi. Nghệ thuật cũng thế, thơ cũng thế, bởi vậy mà những trường phái hay trào lưu mới xuất hiện nhan nhản tuy nhiên cần có thời gian để khảo nghiệm, những gì thích hợp sẽ tồn tại còn những thứ không thích hợp sẽ bị đào thải. Có những thứ mới, hay đẹp nhưng cũng cần có thời gian để thích nghi, ví như khi phong trào thơ mới xuất hiện, nó cũng bị chống đối rất nhiều và phải mất vài thập niên mới khẳng định được vai trò và vị thế của thơ mới.
Cuộc sống luôn thay đổi, năng lực sáng tạo của con người cũng rất phong phú, ý tưởng vô tận. Tuy nhiên có những sáng tạo hay, đẹp nhưng cũng có những sáng tạo nửa vời, tạp nham. Những trường phái thơ hiện đại từ phương Tây với những lý thuyết, lý luận và kỹ thuật rất “Kêu”, rất “ Hoành tráng”, rất “Triết học”… đang được đề cao, tuy nhiên với đa số độc giả thơ chưa thể “Tiêu” nổi. Hình thức thì rất mới lạ, khác biệt nhưng chưa hẳn là thơ hay, nhìn có vẻ lạ mắt, có vẻ mới tân kỳ… nhưng nội dung chưa chắc đã lay động lòng hay có để lại chút cảm xúc nào trong lòng độc giả. Thật sự có nhiều bài thơ thuộc trường phái tân hình thức đọc lên cứ cọc cạch như xe xì lốp chạy trên đường sỏi đá. Nhiều bài thơ tân hình thức từ ngữ rất “Lạ”, ngữ pháp căn bản cũng xóa bỏ (chẳng hạn như danh từ riêng không thèm viết hoa)… khi đọc lên đành buộc miệng thốt theo kiểu dân gian thường nói: “Hiểu được chết liền”!
Một bài thơ đẹp, một bài thơ hay là khi đọc lên phải gây được xúc cảm, gây được sự rung động, đọc xong còn lưu lại hình ảnh hay ấn tượng chi đó trong tâm ý. Hình thức bài thơ có thể hấp dụ đôi mắt nhưng chưa quyết định được gì cả, chỉ sau khi đọc nội dung thì mới cảm nhận rằng thơ hay hay dở.
Steven N.
Ất Lăng thành, 0924 |