“Còn bao lâu cho mây đen tan trên hồn người?”
Tống Mai
Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây?
Còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân này?
Còn bao lâu cho mây đen tan trên hồn người?
Còn bao lâu tôi xa em, xa anh, xa tôi?
Ôi, không một dấu hiệu cảnh báo hay một chút ngại ngùng, tiếng hát đột ngột cất lên, ném ngay tôi vào thảng thốt và nước mắt. Khổ đau của muôn ngàn kiếp sống rơi vào chỉ trong một khoảnh khắc nhỏ nhoi khi hai giọng soprano bước lên sân khấu mở ra bi kịch con người trong một Phúc Âm rất buồn, không như một dòng sông trôi dần từ êm ả đến thác đổ mà lại bắt đầu ngay từ thác đổ.
Khuôn mặt thiên thần gãy cánh – làm sao tôi diễn tả được nét đau biến chuyển theo từng lời nhạc trong hai giọng hát cao vút quyện vào nhau, len vào cả trong tà áo trắng mong manh lay lắt gió đêm. Thống khổ nào đã thôi thúc những dòng thơ réo gọi hồn oan, từng giọt rơi xuống, âm hưởng nức nở rất rõ nét ở những nốt cao được kéo dài rồi chậm lại đầy kịch tính vang vọng rất lâu như tiếng dội trong thung lũng.
Người nằm co như loài thú khi mùa đông về
Người nằm yên không kêu than buốt xương da mình
Từng tiếng người, nhiều tiếng người gọi hoài giữa đêm
Người nằm co như loài thú trong rừng sương mù
Người nằm yên không kêu than chết trên căn phần
Một góc trời, người vẫn ngồi, một đời nhỏ nhen
Tha thứ cho tôi khi tôi bắt đầu cảm tưởng của mình về đêm nhạc Chiếc Lá Thu Phai diễn ra trên Studio Hill Austin của anh Trịnh Hoàng Hải và Sangeeta Kaur Teresa Mai đêm thứ Bảy vừa qua bằng một bài hát đẫm lệ. Tôi có thể thấy được những giọt nước mắt vô hình lăn trên khuôn mặt xinh đẹp của Hila Plitmann và Teresa Mai như đang khơi động trong đơn côi những linh hồn vất vưởng, chết tức tưởi vì bom đạn bơ vơ gọi nhau trong đêm. Từng tiếng người, nhiều tiếng người gọi hoài giữa đêm.
Người còn đứng như tượng đá trong rừng cây già
Người còn đứng như trăm năm vết thương chưa mờ
Từng đêm về, từng đêm về mang đời ngẩn ngơ
Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây?
Còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân này?
Còn bao lâu cho mây đen tan trên hồn người?
Còn bao lâu tôi xa em, xa anh, xa tôi?
Đến đây thì tôi vỡ òa, rời hai người ca sĩ, tôi đảo mắt nhìn qua bức hình nghiêm buồn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bên phải của sân khấu đang lay động dưới những cành lá trong gió…. Người xa người, tôi xa tôi thì còn ai với ai nữa đâu, chỉ còn lại hư không. Khuôn mặt trầm ngâm, gần nhưng xa như mênh mông sao trời vận hành đơn chiếc giữa thinh không. Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây? là tiếng kêu của một con chim gãy cánh, tựa tiếng hót của chim Đa Đa tôi nghe một buổi sáng trong rừng Chitwan ở Kathmandu, tiếng hót rất thảm thiết như tiếng con gọi mẹ nát lòng sao cho con mang nặng kiếp người.
Trong cái chết, cơ thể chúng ta cúi đầu nằm yên. Sẽ chẳng còn bao lâu nữa chúng ta sẽ đi vào thung lũng đầy bóng tối để đến một nơi gọi là miền giải thoát khi tất cả u sầu của kiếp người im bặt.
Người nhìn mãi theo từng chuyến xe ngựa qua rồi
Người nhìn dấu xe lăn đi dấu lăn trên đời
Ngựa xa rồi, người vẫn ngồi, bụi về với mây
Người còn đó gieo hạt lúa trên ruộng đất này
Người còn đó nhưng bơ vơ mắt chong đêm dài
Ngựa xa rồi, ngựa xa rồi, trên ngày tháng vơi
Người còn đó, những lời nói rơi về chân đồi
Người còn đó nhưng trong tim máu tuôn ra ngoài
Nhuộm đất này, nhuộm cho hồng hạt mầm trót vay
Tiếng hát lướt qua màn đêm. Thanh âm hấp hối chồng lên thanh âm hấp hối trên hai khuôn mặt biết cảm và biết thương yêu. Họ đẹp quá, thanh thoát quá. Kịch tính trong âm hưởng opera đưa bi kịch của “Phúc Âm Buồn” vút cao nhìn xuống bi kịch của nhân gian, như những thiên thần trên cao khóc cho loài người bên dưới, đánh thức lòng từ tâm hãy xóa đi chia cách giữa người và người, hạt giống từ tâm gieo vào đời sẽ có một ngày nở ra đóa linh lan.
Đã bao năm nghe bản nhạc này nhưng bao giờ cũng nước mắt. Đêm đó, khung cảnh quê hương hiện ra theo từng giọt soprano cao vút. Tiếng nguyện cầu hoảng hốt của đứa trẻ ngày nào trong tôi van xin đấng từ bi Quan Thế Âm khi phải dẫm lên xác người trên con đường di tản những ngày loạn lạc. Không, bản nhạc không mang mùi tử khí của chiến tranh mà chỉ mang nỗi buồn âm thầm xót xa cho những linh hồn đã ra đi và những linh hồn còn vất vưởng ở lại. Nhưng khi nhìn bi thương trên khuôn mặt của Hila và Teresa thì tôi lại bị ném vào khung cảnh của buổi sáng hôm đó khi cha tôi cầm cờ trắng dẫn chị em tôi thoát chạy khỏi vùng bom lửa. Cái đau đớn trong bài hát khơi lại cái đau đớn trong tôi một quảng đời thơ ngây triền miên trong chiến tranh. Còn bao lâu cho mây đen tan trên hồn người….Thôi đợi chờ mà chi, không, sẽ không có ngày đó, nó chỉ đến khi thiên thu đến trên thân này mà thôi. Rõ ràng là “Phúc Âm Buồn” nói đến cái chết như một sự giải thoát có phải không.
Ký ức chiến tranh vẫn còn thoi thóp trong tim, không bao giờ nguôi nhịp, có khi ngủ yên nhưng chỉ cần một chút lửa khơi là bùng dậy bất cứ lúc nào. Làm sao ai biết đâu bầy chim bỏ xứ trong lòng vẫn bao điều hỗn độn, khi bay về miền tuyết phủ buồn tênh thi thổ máu tươi, một đêm chim chết, chết khi đêm về, xác chưa tan, thì… tái sinh thành Đỗ Quyên… Hoàng khuyên không còn ai nghe hót, và chim khổ đau cấu cổ chết không hay!
De Profundis clamavi ad te Domine.
Out of the depths I cry to you Lord.
Từ vực sâu sầu thẳm con đang khóc với Người.
Sớm ra đi sớm hoa không biết
Đêm trở về đêm cành không hay
Vầng trăng đôi lúc tìm ra dấu
Nơi góc tường in cái bóng gầy.
(Mai Thảo)
Tôi bỗng ngậm ngùi một lời tự thú rằng tôi luôn nhớ những gì làm đau lòng mình. Dù không lấy gì của cuộc đời, không xâm phạm bất cứ điều gì, không chờ không đợi, nhưng bao giờ tôi cũng chỉ thấy một nỗi buồn ngàn dặm. Có biết bao điều tuyệt vời khác về đêm nhạc này mà người nghệ sĩ của Studio Hill đã cất công tạo dựng mà sao tôi chỉ triền miên màn trình diễn của Teresa Mai và Hila Plitmann trong bản Phúc Âm Buồn này.
I didn’t know the cost
of entering a song – was to lose
your way back.
Câu thơ của Ocean Vương vẫn vang lên một nốt bất biến rằng ta phải trả một giá rất đắt khi bước vào một bản nhạc và đánh mất đường ra. Với tôi, nó tựa như Alice trong Alice in Wonderland rơi vào hồ nước mắt của chính mình, bơi mãi trong đó không tìm được lối ra.
Nước mắt chồng lên nước mắt.
Đêm nay tôi không tài nào dỗ được giấc ngủ, trăng mười bảy vằng vặc, đêm Virginia đã bắt đầu có màu xanh đậm của mùa thu. Indigo Night! Trong lòng một nỗi buồn tựa như bóng tối trên ngọn cây im lìm ngoài kia, còn bao lâu cho mây đen tan trên hồn người vẫn còn văng vẳng, tôi quay lại bảo hãy đi đi nhưng nó chỉ im lặng nhìn tôi ứa nước mắt.
Nhìn về phía xa xôi,
với trái tim mỏi mệt,
có phải chỉ vì tôi
mà gió kia gào thét
trên đỉnh tùng đơn côi?
(Kamo no Chōmei – Pháp Hoan dịch) – Bỗng nhiên không vì lý do gì, tôi lại nhớ đến bài Waka này mà em tôi dịch đã lâu.
Đêm đã khuya, với trái tim cảm kích, tôi muốn nói một chút về khung cảnh huyền ảo đầy kịch tính của rừng cây bao quanh sân khấu đêm nhạc Chiếc Lá Thu Phai. Dù “Phúc Âm Buồn” và bóng dáng thống thiết của Teresa và Hila như những thiên thần khóc cho phận người làm tôi cũng khóc theo, nhưng bên cạnh đó, tia nắng của những tiếng hát sau đó đã làm nên hơi ấm khi Tấn Sơn kết thúc chương trình bằng tiếng kinh cầu của nơi đây tôi chờ, nơi đây em chờ, trong căn nhà nhỏ mẹ cũng ngồi chờ khô nước mắt, chờ đá reo ca….
Hỡi những nghệ sĩ của Chiếc Lá Thu Phai: Trịnh Hoàng Hải, Teresa Mai, Hila Piltmann, Uyển Diễm, Đại Dương, Nam Khánh, Đồng Lan, Tấn Sơn, Bảo Châu, Phong Lưu, Hoàng Lý, Hoài Phương, Hoàng Lan, Tạ Hùng Cường, Thanh Huy, Bill Young, và bạn tôi Trịnh Hoàng Diệu với những chiếc áo dài quế hương của nàng, hôm đó trời Austin lộng lẫy ánh tà dương, khung cánh của Bình Quới với đèn lồng về đêm được dựng lại nơi đây và những nốt hương ngọt ngào của những giọng hát của tất cả đã làm nên những cánh chim trời cùng bay về đậu dưới bóng hình của người nhạc sĩ bất tử.
Một loài chim mới đến
Vui như nắng ban mai
Hãy về đây, hãy về đây.
Tôi cần nhìn lại nắng trong nụ cười
Một lần em đã đến hân hoan ôi cuộc đời
Nụ tầm xuân hãy ấm
Ðông sang khoác vai tôi
Những ngày vui, những ngày vui…
Bạn yêu dấu,
Đêm đã khuya bên này bờ đại dương.
Bonne nuit!
Dodo l’enfant do!
Tống Mai
Virginia, Oct 19, 2024
(Viết cho đêm nhạc Trịnh Công Sơn, chủ đề Chiếc Lá Thu Phai, Oct 12, 2024 trên đồi Studio Hill Austin, Texas của anh Trịnh Hoàng Hải và Sangeeta Kaur Teresa Mai)
CHIẾC LÁ THU PHAI
Studio Hill Austin, Texas
Oct 12, 2024
PHÚC ÂM BUỒN
Sopranos: Teresa Mai, Hila Plitmann
youtube.com/watch?v=6x0BmJhTXvw
Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây?
Còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân này?
Còn bao lâu cho mây đen tan trên hồn người?
– Hila Plitmann: Israeli-American, two-time Grammy Award-winning operatic soprano, 2009, 2022.
– Sangeeta Kaur (Teresa Mai): Vietnamese-American, Grammy Award-winning operatic soprano in 2022
for Best Classical Solo Vocal Album “Mythologies”.
Còn bao lâu tôi xa em, xa anh, xa tôi?
– Sangeeta Kaur Teresa Mai
Người nằm co như loài thú khi mùa đông về
Người nằm yên không kêu than buốt xương da mình
Từng tiếng người, nhiều tiếng người gọi hoài giữa đêm
– Hila Plitmann
MC Uyển Diễm
Mùi hương phấn người
Một hôm nhớ lại
Hẹn ngày sau sẽ mua vui
Chiều đã đi vào vườn mắt em
Mùa thu qua tay đã bao lần
Hàng cây thắp nến lên hai hàng
Để nắng đi vào trong mắt em
– Đồng Lan
Suối đón từng bàn chân em qua
Lá hát từ bàn tay thơm tho
Lá khô vì đợi chờ
Cũng như đời người mãi âm u
– Bảo Châu
Trịnh Hoàng Diệu – Teresa Mai – Tống Mai
Teresa – Mai
Diệu – Mai
Mai – Diệu
Mai – Diệu
NHỮNG CHIẾC ÁO QUẾ HƯƠNG DIỆU MANG ĐẾN AUSTIN
(https://khungcuahep.com) |