Đọc Thi Tập "MỘT THOÁNG" của VŨ HOÀNG THƯ
Vinh Hồ
1. GIỚI THIỆU SÁCH:
Thi tập " MỘT THOÁNG" của thi sĩ VŨ HOÀNG THƯ.
NXB Quê Mẹ, Paris: phát hành vào đầu tháng 8, 2019.
Vũ Hoàng Thư: trình bày bìa và trang bài.
Tranh bìa "Trừu Tượng Xưa" của Nguyễn Đình Thuần.
Hình tác giả bìa sau qua ống kính Kim Phượng.
In tại Gaden Grove, CA.
Sách dày 235 trang in trên giấy quý màu vàng mỡ gà.
Trình bày rất thẩm mỹ, trang nhã, nghệ thuật.
Bìa sử dụng gam màu blue hài hoà.
Ấn phí: $20.00 USD.
Liên lạc:
Vũ Hoàng Thư
16379 Shadbush St.
Fountain Valley, CA 92708
Email : vuhthu@gmail.com
2. GIỚI THIỆU TIỂU SỬ TÁC GIẢ:
Thi sĩ VŨ HOÀNG THƯ.
Tên thật: VÕ ANH TUẤN
Sinh năm 1949 tại Huế, lớn lên ở Nha Trang.
Sáng tác: góp mặt trên tạp chí Quê Mẹ - Paris, trang mạng văn học Gió O (www.gio-o.com) và một số báo chí hải ngoại ở Hoa Kỳ.
Sáng lập và Chủ biên "Văn Nghệ Biển Khơi" (www.bienkhoi.com) từ năm 1999.
Tác phẩm đã xuất bản:
-Bắt Nắng, tản mạn, NXB Quê Mẹ, Paris 2009.
-Một Thoáng, thơ, NXB Quê Mẹ, Paris 2019.
3. GIỚI THIỆU TÁC PHẨM:
Nỗ Lực Sáng Tạo Trong Thi Tập "Một Thoáng" Của Thi Sĩ Vũ Hoàng Thư.
Sách đẹp, dày 235 trang, gồm 184 bài thơ đủ thể loại: gồm khoảng 44 bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt, thất ngôn, bát ngôn, tự do, và khoảng 140 bài lục bát. Có bài chỉ 2 câu lục bát cũng chiếm nguyên 1 trang như bài Rằm (tr. 19).
Hầu hết trong tất cả các bài thơ trình bày mới mẻ, lạ mắt như: không chấm câu, đầu hàng không viết hoa, cắt đôi cắt ba một câu ra cho xuống hàng, xuống hàng cũng nằm so le nhau.
Bài Tựa lại là một bài thơ, có 8 khổ, mỗi khổ 2 câu lục bát, xin trích 2 câu:
đến đi trăm bận ước thề
đường bao nhiêu lối ngõ về một thôi (tr. 5)
Hầu hết thơ lục bát trong thi tập đều được cách tân: không còn giữ đúng luật bằng trắc như trong Kiều là:
Câu 6: - B - T - B
Câu 8: - B - T - B - B
Mà thường xuyên phá luật, B thành T hay ngược lại, xin dẫn chứng:
có một hôm
ta gặp nhau
em là hoa hay sương màu tuyết pha
(Chu Kỳ, tr. 9)
Một câu thơ thường bị cắt đôi cắt ba ra như đã nói, việc làm này trông đẹp mắt nhưng sẽ làm khó cho người đọc khi trích dẫn thơ, xin trích 2 câu lục bát:
thơ,
vụt cánh
không cất lời,
một bóng nhạn
vẫy tiếng mời
vô thanh
(Thơ, tr. 7)
Trong câu trên, có vài ngôn từ rất mới như: "vụt cánh, vẫy tiếng mời".
Thường chuyên chở tư tưởng uyên thâm, hay triết lý tâm linh siêu hình, như:
em về ta chẳng bước
nhưng
đứng yên
không hẳn đã dừng nơi đây (tr. 12)
Bài "Đạt Ma hồi tây" (tr. 13) sử dụng nhiều ngôn ngữ Phật học như: "mạn đà la, thiên trúc, chiếc dép, trú xứ, ngõ không, đạo tràng tuỳ duyên, vô cầu, tự tâm".
Tôi thích thú với những nỗ lực sáng tạo về hình thức ở: chữ nghĩa, câu từ, cách trình bày, cắt hai cắt ba, xuống hàng, phá luật bằng trắc lục bát. Và nhất là thơ thường mở ra những chân trời mới lạ, phong phú về tư tưởng, triết lý; khi đọc, ta cũng có sự tự thay đổi là phải đọc chậm rãi, khoan thai để thưởng thức, hay dừng lại để suy nghĩ về những gì thơ muốn nói, muốn bày tỏ, kể cả những ý tại ngôn ngoại, trước thế giới thơ được trưng bày bằng những con chữ thơ đầy sự chắt lọc, tinh tế, công phu, mới lạ; mới tinh như nhựa nguyên, lấp lánh như sao trời, đầy sức sống.
Thật vô cùng hấp dẫn, quyến rũ đối với những độc giả đam mê khám phá.
Riêng tôi rất thích thú, thú vị, trước sự khai phá sáng tạo này.
Tôi nghĩ tác giả phải có một kinh nghiệm sống, một kiến thức uyên bác về thơ ca, triết học, và một đời sống nội tâm suy tư mãnh liệt lắm mới có thể viết được những câu thơ đầy sáng tạo mới mẻ như vậy.
Một khi thơ là hoa, là nghệ thuật của ngôn ngữ, thì ngôn ngữ thơ là yếu tố chính quyết định giá trị, sẽ trở nên kỳ diệu, mê hoặc lòng người, đầy ắp cảm xúc/ soi sáng, khác xa với ngôn ngữ văn xuôi/ đời thường.
Chính vì thế mà từ xưa đến nay, hình thức và ngôn ngữ thi ca VN không ngừng phát triển. Từ thơ cổ điển được phát triển thành thơ mới thời Tiền chiến, rồi sau 1954 tại Miền Nam, Thanh Tâm Tuyền cùng nhóm Sáng Tạo khai phá ra thơ tự do, và sau 1975 đến nay, có nhiều nhà thơ hăm hở cách tân, trong đó có nhà thơ Vũ Hoàng Thư.
Tuy nhiên trong thi tập "Một Thoáng" cũng gặp lác đác các từ ngữ dân gian được sử dụng rất dễ thương như 2 chữ "đã nư" trong bài Chút này (tr. 15).
Có nhiều bài thơ 7 chữ rất hay rất mới, nhưng hoàn toàn không bị cắt như bài Tháng Giêng 4 khổ (tr.16).
Bài Vô ngôn (tr. 26) 4 câu lục bát giữ nguyên không hề bị những lát cắt xé ra cho xuống hàng. Tôi rất thích bài này, rất hay, rất mới lạ, đầy trí tuệ, bắt phải suy tư.
Bài Nghe Kinh dài 3 trang (tr. 60 đến tr. 62) giống như bài kinh Bát Nhã ý tưởng cao siêu dành cho các vị cao tăng hay các học giả uyên thâm, chớ bản thân tôi chỉ biết đứng ngó.
Tôi rất thích tác giả làm mới câu lục bát bằng tiếng Anh như trong bài Bóng nụ cười, trang 69):
The Shadow of Your Smile (tên bài hát từ phim)
âm ỉ sóng lộng biến dài cuồng lưu
Bài Rosas del Amor (tr. 84) cũng rất tuyệt vời xin trích 2 câu:
một nụ hồng
nhạc tình khơi
một nụ em
rộn rã tôi huyền cầm
Bài Vọng (tr. 94) quá hay, xin trích 2 câu:
vọng
là thấy mảnh trăng ngà
tưởng người trở lại từ xa lâu về
Bài Đêm uống rượu với bạn (tr. 163) thật sáng giá, xin trích trọn bài:
dăm ly nhắm vội đêm tàn,
giọng Evora, tiếng khàn giữa khuya.
Bésame... mắt dầm đìa,
em hoang xa gọi vọng về từng âm.
Và bài Lục bát trang 184 đầy khám phá mới lạ, xin trích 2 câu đầu:
tôi - em
6 - 8
về chơi
nỗi vui lục đạo
nỗi khơi bát đầy
Đọc thơ Vũ Hoàng Thư tôi say mê thích thú như trước 1975 từng say mê thích thú thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền vậy - năm 1956, mới 20 tuổi, Thanh Tâm Tuyền đã in thi tập đầu tay "Tôi không còn cô độc" đánh dấu sự thay đổi diên mạo thơ ca miền Nam đang chịu ảnh hưởng thơ lãng mạn Tiền chiến.
Một vùng trời thơ đầy sự khám phá, cách tân. Có thể đây là một thử nghiệm, nhưng cũng đủ để cảm phục tài năng Vũ Hoàng Thư một nhà thơ có nỗ lực sáng tạo, luôn muốn làm mới thơ ca, nhất là thơ lục bát.
Thơ lục bát qua bàn tay phù thuỷ của Vũ Hoàng Thư đã được lột xác, hoàn toàn khác lạ, mới mẻ, so với lục bát truyền thống từ thời Nguyễn Du cho tới nay. Và được đón nhận hay không sẽ phải chờ thời gian trả lời. Nhưng đối với tôi thì sự cách tân thay đổi này rất hay, rất cần thiết để làm mới khẩu vị thưởng thức, làm mới óc thẩm mỹ, và nhất là để dễ thích nghi, dễ diễn đạt những âu lo, sầu khổ, rắc rối, bí ẩn, bí mật... của trái tim trước mọi sự vô cùng khốc liệt, chụp giựt, hụt hơi, chết sống... của thời đại mà vật chất phô trương cùng sự vô tâm, vô tình, vô cảm... đang lên ngôi thống trị khắc nghiệt con người.
Nói về thơ ca thì thật là phong phú, đa dạng, vô biên giới.
Các nhà thơ khi cầm bút vẫn luôn tự hỏi "viết cái gì?", "viết thế nào?"
Chúng ta thường nghe nói thơ là tiếng lòng, là tiếng nói của trái tim, thơ đong đầy cảm xúc/ soi sáng và ngược lại...
Chúng ta cũng thường nghe nói thơ là con đường ngắn nhất từ trái tim đến trái tim, từ tâm hồn đến tâm hồn...
Chúng ta cũng thường nghe nói thơ là đạo, thơ là giải thoát, thơ là trí tuệ, tư tưởng...
Dòng thơ tự do phóng khoáng để mặc cho cảm xúc dâng tràn, không gò bó khắt khe, vượt ra khỏi các khuôn khổ cũ mòn, nói lên được những điều sâu thẳm nhất, những ngõ ngách tối nhất (góc tối/ mặt tối) trong tâm hồn/ trái tim, cho nên ngoài thơ ra, không ai có thể (dám) nói lên được tất cả các sự thật khó tin đầy bí ẩn đó.
Sứ mệnh của thơ là chia sẻ, an ủi kẻ khổ đau, bênh vực người bất hạnh, nhờ thế mà thơ tồn tại, bất hủ, được đọc lên, ngâm lên... trong các hẻm hóc, các bóng đêm của sa mạc cuộc đời.
Kẻ làm thơ thường được những người khổ đau bất hạnh tri ân, trọng vọng, dù lúc sinh thời có nhiều thi sĩ bị khinh rẻ bởi sự đói khổ bần cùng. Để có Kiều, Nguyễn Du đã từng có 10 năm lưu lạc, đói không có cơm ăn, bệnh không có thuốc uống.
Các nhà thơ cách tân đã có nỗ lực làm mới thơ ca bằng cách kết hợp giữa cái "tôi" trong thơ mới với tâm thức đa chiều của đời sống văn minh hiện đại. Còn tiến xa hơn bằng những vô thức, trực giác, ý thức hố thẳm, bi đát..., bằng những lát cắt, những biểu tượng... để sáng tạo ra cõi thơ mới lạ.
Các nhà thơ theo khuynh hướng này thường kết hợp các tinh hoa của thơ ca Tây phương với quan niệm triết học tâm linh Ðông phương nhằm tạo nên những diện mạo thơ độc đáo.
Tôi tin rằng nhà thơ Vũ Hoàng Thư đang mạnh mẽ bước đi trên con đường sáng tạo như vừa nói.
Và "Một Thoáng" ra đời là một thi tập sáng giá, phác hoạ rõ nét phong cách và thế đứng của nhà thơ Vũ Hoàng Thư trong nền thơ ca VN/HN.
Đẹp nhất hay nhất là đã có nỗ lực sáng tạo làm mới thể thơ Lục bát.
Xin cám ơn và cầu chúc nhà thơ cho ra nhiều thi phẩm mới khác.
VINH HỒ.
Orlando, May, 25, 2020
-Thơ trích dẫn: xin trích 3 bài trong tập thơ Một Thoáng:
Mây
em về ta chẳng bước
nhưng
đứng yên
không hẳn đã dừng lại đây
đôi khi như
đợi chốn này
thật ra
nhìn gió
và mây
vẫn thường
(trang 12)
Stolen Moments (*)
một thoáng em trong tôi
lục huyền âm reo vội
lung linh xa đảo nắng
tinh mơ dáng em ngồi
hừng nhiệt đới một làn hơi
em thái hoạt lọn tóc phơi má hồng
tôi xuất hạn hấp hơi chồng
ngầy ngật gió chất điệu bồng ủ men
một trận mưa trí nhớ thèm
rào hạt đổ gói êm đềm chia chung
giọt mồ hôi thấm khô chùng
trầm điện tích sấm động bùng vây tôi
giữa chớm thu hạ bỗng chồi
tưởng mây xám vụt về ngời nắng han
vẽ trong tôi những nồng nàn
một khắc lạ một khoảnh ngang sinh bình
một thoáng thôi thật thình lình
gợn dư âm mộng bình minh ân cần
có lẽ em tựa như gần
hay ở tôi bật vô ngần âm quen?
_______________
Guitar Armik
(Trang 83)
Rosas Del Amor (*)
một nụ hồng
nhạc tình khơi
một nụ em
rộn rã tôi huyền cầm
rào rạt ngân tiếng thanh tân
giữa cung xa vắng
đọng thâm trầm hồn
ồ, hồng chúm
má môi hôn
ở đêm, quán,
bật bồn chồn chân khuya
ở em
khuê các xa chia
một góc vắng
nỗi hồ nghi tôi ngờ
ừ,
Rosas Del Amor
đậm hương đêm
đóa hồng chờ rất hư
________________
(*) Guitar Armik
(Trang 84)
|