GIÓ XUÂN
Vợ chồng Châu cưới nhau đúng hai mươi năm, họ chỉ có hai cô con gái khiến bên chồng hơi thất vọng vì thiếu thằng đích tôn của dòng họ Phạm, thành kiến hủ lậu của các cụ khiến vợ chồng Châu khó thở.
Rồi chồng Châu ly dị dọn ra ngoài cưới vợ mới trẻ hơn vợ cũ, nàng sống với hai con gái ngại bước thêm bước nữa, bạn bè thương tình giới thiệu vài bạn mới để nàng bớt ảm đạm.
Ui chà kẻ không vợ, người hổng chồng làm bạn khơi khơi không dễ chút nếu ai đó tỏ tình với nàng, gật đầu ok Châu không dám liều, lắc đầu là mất đứt một người bạn độc thân vui tính.
Ông bạn mới chèo kéo một lúc chả ra ngô khoai gì, hắn quay ra trách ông tơ bà nguyệt, từ đó Châu tự hứa, em xin chừa không tiếp nhận mấy vụ mai mối của bạn bè.
Sau khi hai con gái lập gia đình Châu bán căn nhà cũ rồi tậu một Mobil Home hai phòng ngủ trong Park gần biển.
Anh Lễ hàng xóm mới của Châu, cũng không khá hơn nàng, sau khi về hưu anh chia tay với vợ, an vui cuộc sống độc thân vui tính, vung bón vườn hoa, rau cải… sân sau mobil home.
Anh giúp Châu tạo một vườn nhỏ trồng cây phía sau mobil home, thỉnh thoảng họ trao đổi rau thơm, rau muồn, cải bẹ xanh với nhau.
Một hôm con gái của Châu đi dạo một vòng trong xóm, thấy bản bán nhà ba phòng ngủ, nó xúi mẹ mua để cho thuê, tiền gửi ngân hàng không an toàn, ý kiến hay nhưng nàng biết gì về nhà cửa mà dám nhảy vô.
Con bé nói :
- Sao mẹ không nhờ bác Lễ, dân xây dựng về hưu rảnh chán, con tin bác sẽ giúp mẹ.
Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh, anh Lễ đang buồn chân buồn tay, nghe đề nghị của Châu anh đồng ý ngay.
Sau khi xem nhà anh Lễ lên bảng giá tu sửa lại hệ thống điện cũ không còn thích hợp, bỏ bồn tắm đời xưa không tiện cho người lớn tuổi thay bằng phòng tắm đứng, phá tường ngăn chia salon với gian bếp …
Anh nói sẽ giúp Châu miễn phí từ A đến Z, đổi lại anh xin phần ăn cơm tháng nhà nàng mỗi buổi trưa cho đến ngày giao nhà cho nàng.
Châu lắc đầu :
- Cơm trưa em xin mời nhưng anh phải nhận thù lao, rẻ hơn bên ngoài một chút em cảm ơn, miễn phí thì em không dám, sòng phẳng may ra tình bạn mới bền anh ạ.
- Cô khéo khiếp, thôi được anh tính tiền công vậy, giá láng giềng gần, được chứ.
Sau ba tháng quay cuồng với căn nhà xiêu vẹo anh Lễ đã hô biến thành căn nhà nhỏ đã hoàn chỉnh, hôm nay Châu hoàn tất phần trang trí phòng ốc trước khi cho thuê với tên gọi « Phố Nhỏ ».
Châu bày mấy chiếc gối trên ghế của bộ salon màu xám lợt đối diện bàn ăn tám chỗ ngồi màu xanh biển, bên trái gian bếp màu xanh lá dứa được phân ranh bằng quầy rượu nhỏ.
Cửa của ba phòng ngủ đều sơn trắng có bảng tên nhỏ, phòng Sàigòn viền màu sim tím, phòng Nha Trang viền xanh da trời và Hạ Long màu cam, rèm cửa sổ cũng cùng màu với màu viền cửa.
Mấy chậu Sen Đá treo lủng lẳng quanh mái hiên trước nhà, hai bên bậc tam cấp có đủ loại hoa, như bông giấy hồng đậm nổi bật trong đám hoa vây quanh cổng nhà.
Châu chụp hình mọi góc cạnh từ trong ra ngoài chuyển vào phone của anh Lễ để anh đưa lên mạng tìm người thuê phòng.
Để tránh rắc rối sau này, anh Lễ chọn khách từ bạn bè giới thiệu gồm giới trung niên hoặc dân về hưu thu nhập ổn định không phân biệt nam nữ, sau một tháng tuyển chọn căn nhà gỗ của Châu đã có người thuê phòng.
Ngọc nhân viên văn phòng Bảo Hiểm ở phòng Sàigòn, chị Liên vừa về hưu ở phòng Nha Trang cạnh Ngọc, anh Chính công chức hưu trí ở căn cuối Hạ Long, salon, bàn ăn, bếp dùng chung nhưng đời ai nấy lo.
Châu hơi ngại một ông hai bà, anh Lễ cười khà khà :
- Cô khéo lo, Chính bạn anh hiền như bụt, kiệm lời, mọt sách, nếu « có biến » hắn sẽ ăn cơm tháng bên anh, yên tâm đi.
- Anh tự tin sợ luôn, chỉ sợ anh ấy bị giành giựt giữa hai mâm cơm khiến phố nhỏ của em tanh bành.
- Hãy đợi đấy, chưa chi cô đã bi quan, nếu có biến anh sẽ dập lửa ngay.
- Trăm sự nhờ anh vậy.
Cư dân Phố Nhỏ của Châu đều đứng tuổi nên không ồn ào, Ngọc còn đi làm, cuối tuần ngồi uống trà cà phê với nhau cô có khối chuyện trong sở kể cho chị Liên và anh Chính giải khuây.
Bộ ba trở nên thân quen sau vài tháng chung sống, Ngọc bao giờ cũng là người dẫn chuyện nhộn nhịp, anh Chính ngồi nghe gật gù tán đồng, chị Liên bớt khép kín có ý kiến ý cò tùm lum.
Buổi trà cà phê bánh ngọt cuối tuần của họ sau này có thêm anh Lễ và Châu tham gia, đông vui nhộn lên như chợ vỡ.
Một hôm anh Lễ làm tiệc mời mọi người sang nhà anh vui chơi, hai ông cung cấp rượu ba bà lo thức ăn, rượu vào lời ra, chị Liên không còn nhút nhát tự thuật về đời mình.
Ngọc đã nghe tâm sự đời chị nhưng không ngờ hôm nay chị lại kể cho mọi người nghe, hình như ma men xúi chị bật mí chuyện tình éo le của mình.
Châu cũng góp lời về thân phận của người đứt gánh giữa đường, cay đắng và cũng là cơ hội nhìn lại mình, vì trong bất cứ cuộc chia ly nào hai bên đều có lỗi, vết thương sẽ chóng lành nếu mình can đảm quay lưng với dĩ vãng, làm lại từ đầu, chuyện không dễ chút nào.
Sau đó mọi người trở nên gần gũi nhau hơn, tuy nhiên không phải ai cũng sẵn lòng bộc lộ như chị Liên, hai ông kẹ rất kiệm lời, Châu và Ngọc không dám hé môi về «dĩ vãng đời em».
Từ mấy buổi ngồi bên nhau tâm tình, ba bà hai ông không còn xa lạ nhau, ranh giới bạn bè còn nguyên xi chưa bốc tem, liệu vùng cấm địa đó còn hiệu lực bao lâu, hãy đợi đấy.
Chị Liên lớn tuổi hơn Châu và Ngọc, khá xinh, trẻ trung cởi mở, ruột để ngoài da vui buồn đều chia sẻ với hai cô em, Ngọc nhỏ tuổi nhất và rất kín tiếng, cả ba từng ly dị chồng.
Hôm qua đi phố chị Liên gặp chồng cũ đi với người mới, chị vui vẻ đến chào hỏi hai người, anh lịch sự đáp lễ, cô kia để anh nói vài câu xã giao rồi lôi anh đi mất.
Chị tự ái, tủi thân khóc một trận, chiều Ngọc đi làm về chị ra bàn ăn vừa kể vừa khóc làm Ngọc nuốt cơm không trôi, thương chị mong manh yếu đuối, đàn bà thiệt thòi hơn đàn ông.
Hôm trước khóc như mưa, hôm sau cười như con nít, tính chị hời hợt lại hay, không để bụng, không buồn dai, lanh chanh và lành như bụt.
Sau khi ăn cơm trưa chị thường đi dạo trong xóm, ta bà đó đây, hôm đi ngang nhà thấy anh Lễ chơi guitare, thế là chị xà vào ngồi nghe một lúc, rồi pha cà phê nhâm nhi một lúc với anh mới về nhà.
Giờ cơm chiều chị báo cáo đầy đủ với Ngọc, không tiếc lời khen anh Lễ thế này thế nọ.
Chị hỏi Ngọc :
- Em thấy sao ?
- Sao là sao chị ?
- Chẳng hạn, thỉnh thoảng chị tạc vào nhà anh ấy được chứ ?
- Chịu thôi, em không thể trả lời thay anh ấy.
- Ừ nhỉ, thế mà chị nghĩ không ra.
Chuyện tưởng dậm chân tại chỗ vì sau này Ngọc không nghe chị Liên nhắc đến anh Lễ, nếu không có duyên với nhau thì chớ có bước qua con sông Bến Hải khó nhìn nhau sau này.
Buổi Goûter hôm qua anh Lễ bò ra khỏi vỏ ốc, cầm đàn mời ai thích hát anh sẽ đệm, Ngọc mở đầu rồi đến Châu, anh Chính và chị Liên gõ thìa vào cóc cà phê đánh nhịp, đám già bỗng trẻ ra cả chục tuổi.
Ngọc nghĩ có thể hôm chị Liên ghé nhà anh Lễ khiến anh có hứng cầm đàn trở lại nên hôm nay xóm nhỏ mới nhộn nhịp như ri, sao lại không nhỉ, người già chứ nhạc làm gì có tuổi.
Tối hôm đó anh Chính ôm chai Whisky sang nhà anh Lễ, tâm tình đến rạng đông, sáng nay Châu đi ngang nhà anh Lễ gõ cửa như thông lệ.
Anh chân xiêu chân vẹo mở cửa, Châu nhìn anh trân trân :
- Anh làm sao thế, bệnh à ?
- Không, hồi tối nhâm nhi whisky với Chính đến hừng đông.
- Xin lỗi phá giấc ngủ của anh, em đi chợ anh cần mua những gì ?
- Tùy cô, cho gì ăn đó.
Ngày đầu tuần Châu đi chợ cho mình và mua giúp anh Lễ những thứ anh viết ra tờ giấy nhỏ, lần này Châu cứ sao y bổn cũ là xong, không biết hai ông nói gì đến sáng mới hết chuyện.
Trưa Châu mang giỏ chợ sang cho anh Lễ, kèm theo dĩa mì xào chay ăn trưa.
Anh mời Châu vào nhà :
- Cảm ơn giỏ chợ và dĩa cơm trưa, hôm qua ông Chính rượu vào lời ra, thiệt tình…
- Thiệt tình giả tình với ai ?
- Thì mấy cô chứ ai vào đây.
- À, ra thế, mà cô nào làm anh Chính « trúng gió » ?
- Hắn có khai đâu mà biết.
- Anh ấy không khai hay anh không muốn nói, mà thôi, không nên tò mò tổ phiền hà.
- Cô yên tâm khi nào hắn khai thì anh sẽ báo cho cô ngay thôi.
Vụ anh Chính Châu nghe từ lỗ tai trái bay vèo qua bên phải rồi mất hút, nàng không quan tâm, đang yên đang lành rinh Chàng hay Nàng dìa Dinh, ba bẩy hai mươi mốt ngày chắc gì tình mình như mơ.
Năm hết, tết sắp đến, nhà nhà nhộn nhịp cây kiểng, mâm ngũ quả, nhan đèn, bao lì xì, bánh mứt…, Châu, chị Liên và Ngọc sẽ về với gia đình đón xuân.
Anh Lễ và anh Chính ở nhà chờ con cháu đến chơi, hai anh nhờ Châu đi chợ giúp, hôm Châu mang thức ăn cho anh Lễ và anh Chính dùng trong ba ngày tết, tiễn Châu ra cửa anh Lễ cười tươi rói :
- Cảm ơn cô giúp anh suốt năm qua, cho anh gửi lời chúc các cô ăn tết với gia đình Vui Vẻ, Năm Mới AN LÀNH – HẠNH PHÚC.
- Thay mặt chị Liên và Ngọc em cũng xin chúc hai anh Năm Mới Vạn Sự Như Ý.
- Hẹn gặp các cô ngày Mồng Ba, chúng ta cùng nhau mừng xuân cho ấm cúng.
- Ấm cúng là sao anh, đón xuân vui vẻ nữa chứ.
- Đúng vậy, chúng ta cùng ăn tết chắc chắn sẽ vui, ấm cúng vì biết đâu có ai đó vừa tìm được Mùa Xuân miên viễn.
- Ai đó là ai, anh bật mí xem.
- Nói trước buớc không qua, cái gì đến sẽ đến mà.
Châu ra về đoán già đoán non, chắc chuyến này chị Liên lên xe bông, với một trong hai anh, khó đoán thật vì anh Chính lẫn anh Lễ vẫn bình chân như vại.
Buổi cơm tối trước tết Châu mời chị Liên và Ngọc ăn bữa cơm cuối năm, gom hết thức ăn hôm qua cho bằng hết tống tiễn năm cũ.
Ba bà họp chợ chiều cuối năm, chuyện trò râm rang như pháo nổ, Châu định kể chuyện anh Lễ nhưng sợ anh trách nên chỉ nói về gỏi chợ tết vừa giao tận nhà anh thôi.
Nghe nhắc đến anh, chị Liên nói xa nói gần, rằng thì là, hình như có người vừa tìm ra mảnh ghép đời mình và hy vọng gió xuân năm nay sẽ mang đến niềm vui cho mọi người.
Tình yêu mầu nhiệm thật, bữa ni chị Liên cho ra lò chữ nghĩa mới toanh, « mảnh ghép » của chị phải hiểu ngắn gọn là « một nửa của mình » đấy.
Thợ viết tôi đây cũng mong Gió Xuân như chị Liên nói sẽ mang Yêu Thương, An Lành Và Hạnh Phúc đến với mọi người trước thềm năm ẤT TỴ 2025.
Jan. 2025 /Đoàn Thị |