Mùa Xuân hoa Cúc
Đơn Phương Thạch Thảo
Mỗi năm khi cuốn lịch vơi đi, thì tết tiến tới bằng đôi hia bảy dặm. Người nào cũng hấp tấp, bận rộn hơn. Những nhà có kinh tế khá thì cứ thản nhiên mua sắm, thích thứ gì mua thứ đó không cần tính toán, những thứ xa xỉ như hoa thì họ cứ ra chợ khiêng về đủ loại chưng bày từ trong nhà ra ngoài ngõ.
Người thu nhập thấp thì “Tết này tiết kiệm được thứ nào hay thứ ấy…”, người vừa mất việc vì công ty giải thể thì “…tiền còn không có để về quê, lấy đâu mà ăn tết…”. Ăn tết ở đây có nghĩa là sắm quần áo mới, trong nhà đầy đủ thực phẩm, đến những địa điểm vui chơi trong mấy ngày Xuân.
Tôi thuộc diện không giàu, không nghèo. Nếu không vì tiết kiệm thì cũng có thể sắm được nhiều thứ tôi thích, nhưng tôi quan niệm cái gì cần thì mới mua, cái gì thích phải hạn chế, vì biết bao nhiêu thứ trên đời khiến mình thích! Giữa thời buổi đa số người khó khăn chạy ăn từng bữa, mình may mắn hơn không chật vật thì dù không giúp được ai cũng đừng nên hoang phí, vì như vậy là… phụ ơn trời! Nghĩ như vậy nên tôi rất thận trọng trong việc chi tiêu. Trước những biến động của thị trường không ai đoán được ngày mai sẽ ra sao, tôi vẫn ra chợ nhưng để ngắm hơn là mua. Mà không phải riêng tôi khi thấy nhiều người cũng vậy, hàng hóa bày đầy các sạp hàng mà người mua rất ít. Vậy mà ngày nào cũng xe ở trên xuống, xe ở dưới lên chở theo hằm bà lằng các thứ, nhiều xe chở đặc sản các vùng miền vào các chợ phân phối. Mà đặc biệt là hoa! Hoa được bày bán bất cứ chỗ nào có thể, người bán mong tết để kiếm chút tiền lời nhưng xem ra không dễ như vậy, vì người mua có quá nhiều lựa chọn giữa các hàng hoa, họ trả giá kỳ kèo bớt một thêm hai, tôi chưa mua chậu hoa nào vì còn đang do dự có nên thay những bình hoa giả trong nhà bằng hoa tươi không thì chị hàng xóm hấp tấp xông vào nhà tôi với hớt hải hỏi:
- Nghe tin gì chưa?
- Tin gì? (Tôi hỏi lại)
- Xe chở… Tết đang vô tới xa lộ rồi kìa, nếu không bị cản trở lưu thông hay trục trặc phương tiện thì tết đang phon phon trên đường tráng nhựa và không mấy chốc là vào thành phố… mau ra coi có gì mua liền kẻo hết?
Nói xong chị cười vang khi thấy tôi ngớ ra nghe chị, chị hàng xóm này thuộc loại khá giả, còn cả tuần nữa mới giao thừa mà nhìn nhà chị đã thấy “Xuân… Xuân ơi Xuân đã về…”. Xóm của tôi như một xã hội thu nhỏ, đủ thành phần giàu nghèo, bậc lỡ cỡ là tôi! Cho nên mỗi nhà có một cách sống riêng, tuy nhiên tết là thời điểm mà người người không tiếc tiền chi tiêu, trừ khi quá khó khăn do “Tiền lương cháy túi mấy ai hiểu cho…” vì thế có nhà chưa thấy động tĩnh gì khi Xuân đang tới.
oOo
Chiều 30 sự tất bật giảm dần, nhớ câu “…mẹ ơi hoa cúc hoa mai nở rồi…”, lúc này tôi mới tính lại chi tiêu xem còn dư bao nhiêu trong số được phép sắm tết. Thấy cũng có thể mua một chậu hoa, thế là tôi trực chỉ ra tụ điểm bày bán hoa. Tại đây tôi chứng kiến cảnh một “chiến trường hoa” do bị đập phá quăng bừa bãi, một người bán hoa đang thẳng tay dao chặt túi bụi vào những cành hoa Mai vô tội, chặt xong như chưa hả giận thẳng chân đá vào cái chậu, còn miệng thì “Rẻ lày… không cần bán lày… ba triệu mà trả hai triệu lày…”, cạnh đó là một phụ nữ xinh đẹp, sang trọng trố mắt nhìn, rồi trả lời “… Tôi không có bổn phận phải bỏ tiền mua theo giá của ông. Khổ cực kiếm tiền thì ai cũng vậy, nên thuận mua vừa bán, không thì thôi…” . Người đàn ông bán hoa chặt hoa xong quay lại nói trống không, “Bọn lắm tiền nhưng cứ đợi chiều 30 tết hoa ế để ra mua rẻ, ông không cần bán…”. Bên cạnh những chậu ngã đổ do bàn tay con người đập phá, tôi thấy một bé gái đang cầm một bó hoa thập cẩm, à lộn… cầm một bó hoa đủ loại, nó vẫn còn đang lom khom lượm trong đống hoa nát dập những cành chưa gãy, người đàn ông bán hoa chưa hết bực tức, cầm cây que tay bẻ cong cong như định quất vào ai đó, hét lớn:
- Con ranh kia! Ông đã phá bỏ vì không muốn cho ai nấy. Có tiền thì mua, không thì cút chỗ khác… ông cho răng môi nẫn nộn bây giờ…
Đứa trẻ lấm lét lùi lại. Tôi thấy sợ quá nên cũng đi nhanh qua, trong đầu nghĩ “Không phải đợi hoa ế để mua rẻ đâu, với người thu nhập thấp thì hoa là xa xí phẩm, như tôi đây chỉ mua sau tất cả những thứ cần thiết khác nên ra trễ thôi…”
Một thanh niên bán hoa ngồi gần đó vẫy tay gọi đứa bé:
- Tới đây anh cho một chậu nè.
Tôi quay nhìn chàng trai hiền lành, không có vẻ sành sỏi của người buôn bán, trái với vẻ hung hăng của người đàn ông chặt hoa bên kia, chàng trai ngồi bó gối bên những chậu hoa…ế! Đứa bé nghe gọi thì đi về phía đó, tay vẫn cầm bó hoa lượm được. Tôi đi bên cạnh hỏi nó:
- Hoa dập hết rồi, cháu lượm làm gì?
- Dạ. Má con không bao giờ mua bông, mà con thích lắm nên lượm về cắm ở bàn học…
- Cháu học lớp mấy rồi?
- Dạ, con học lớp 8!
Tôi chợt thấy…lòng từ bi bất ngờ! Con người sống không chỉ cần ăn ngon, mà cần cả món ăn tinh thần, hoa cũng là một trong những thứ đó, nhưng người thì dư thừa, kẻ mơ không có! Không cần nghe giải thích thêm, tôi cũng hiểu lý do má nó không bao giờ mua hoa. Tới nơi tôi hỏi người bán hoa vừa gọi đứa bé:
- Sao không bán mà gọi cho?
- Dạ giờ ni chắc không ưa mua nữa, thấy bé gứa lượm bông bị chú kia đuổi tội nghiệp quá…
- Nhà cháu ở đâu mà ra đây bán?
- Cháu ở Quảng Nôm vô ở trọ để hạc đựa hạc.
Nghe giọng nói là tôi cảm tình liền. Ôi! Quê hương xứ sở của ngoại tôi ở trong giọng nói này. Tôi vui vẻ nói:
- Nguyên quán của mẹ cô cũng ở Quảng Nam đó. Lâu lâu mới gặp đồng hương thích thiệt. Tết sao cháu chưa về Quảng Nam?
Chàng trai cười:
- Nôm nào cháu cũng bón bông để qua tết có tiền troang trửa, nên không về quê được. Sô cô đi mua trễ rứa?
- Cô mới có ý định mua một chậu cúc về chưng cho có vẻ tết với người ta, nhưng giờ thì cô đổi ý định rồi…
- Cô không mua nữa à?
- Vẫn mua, nhưng để tặng cho bé gái này!
- Ồ! Để cháu tẹng, vì giờ cũng ế rồi, thay vì đập cho hết như mấy người kia rồi về thì chỉ tội cho những công nhân dọn vệ sinh, nên cháu sẽ chờ ưa cần thì tẹng họ thôi. Cô mua cho cô đi, cháu bón vốn.
- Không! Cô sẽ mua đúng giá để ủng hộ đồng hương…
- Cháu cũng đã có lời trong mấy ngày trước, giờ còn mấy chậu bán vốn hay tặng cháu cũng không lỗ đâu.
- Cô thích nghe cháu nói giọng Quảng như lúc nãy, đừng đổi giọng. Cháu tên gì?
- Dạ! Tên Trung…
- Giờ thì đừng cãi lời cô, Trung gọi cho cô một chiếc Grab chở chậu hoa về nhà cho cháu gái này.
Cô bé đứng nãy giờ im lặng, nghe tôi nói thì vội khoanh tay:
- Con cám ơn cô, em cám ơn anh!
Rồi nó hấp tập quay lại chiếc xe đạp cũ dựng bên lề đường, nét mặt hớn hở. Tôi và Trung giành qua giành lại quyền tặng hoa, cuối cùng thì tôi thắng. Trung gọi điện thoại cho bạn cũng là một sinh viên đang chạy Grab đến chở hoa theo sự hướng dẫn về nơi ở của cô gái nhỏ. Người ta hay nói nếu thượng đế lấy đi thứ gì của bạn, thì thế nào cũng bù lại cho bạn thứ khác, đó là cách an ủi thôi. Đừng tin vào điều đó nếu bạn đang đứng dưới đáy vực mà cuộc đời không quăng cho bạn sợi dây, nên phải tự leo lên bằng tất cả sự cố gắng. Những người nghèo nếu không có khát vọng vươn lên, chấp nhận số phận thì cứ đứng mãi ở điểm xuất phát của đời mình mà nhìn cơ hội của người khác. Tự nhiên tôi cảm mến người sinh viên chịu khó này.
Không bận nên không vội về, tôi ngồi lại cho có bạn để chàng sinh viên bán nốt mấy chậu hoa còn lại, trong lúc vừa nghe Trung nói về vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương của không ít danh nhân. Tôi thấy Trung là một tấm gương điển hình về người nghèo vượt khó, lương thiện, có đạo đức, biết nói “Con người tầm thường chứ không có việc tầm thường” Dù trong hoàn cảnh nào cũng biết nuôi hy vọng. Trung nói “Nghĩ thương ba má ở quê lam lũ, cháu chưa làm được gì để giúp đỡ nên chỉ còn cách làm thêm kiếm tiền để học, giảm gánh nặng cho gia đình, mấy năm rồi không có tết nào cháu về nhà vì tết là dịp kiếm tiền…”. Tôi chợt thấy quý người bạn nhỏ mới gặp, nên ngõ lời:
- Nếu không ngại thì cháu ghé nhà cô ăn tết, hoặc có gì cần giúp đỡ mà trong khả năng cô sẽ không từ chối. Cô biết đặt lòng tử tế của cô đúng chỗ, cháu xứng đáng để nhận.
Trung tỏ vẻ cảm động lấy giấy ghi địa chỉ của tôi. Cậu hỏi “Cô cho cháu biết cô tên gì nữa chứ?”. Tôi đáp “Khi nào tới nhà cô sẽ cho biết, còn bây giờ chưa cần. Giờ ở nhà chắc ba má cháu đang buồn vì con không về! Biết bài “Xuân này con không về” thì hát cho cô nghe đi, hát giọng Quảng nhé".
“Con biết bây chừ mẹ chờ tin con, khi thái mưa đồ nở voàng bên song… Nôm trước con hẹn đầu xuân sẽ về…”. Trung cất tiếng hát, tôi nghe xong vỗ tay rồi chúng tôi cười vui vẻ. Buổi chiều sắp tàn, nắng nhạt phủ xuống làm những đóa cúc vàng hơn. Cuối cùng thì Trung cũng “giải quyết” xong những chậu hoa còn lại, một số bán rẻ cho khách, một số tặng cho các chị công nhân quét rác và sau cùng giữ lại một chậu, cậu nói “Cháu vừa nhớ ra cần tặng cho một người rất đặc biệt”.
Phố xá đã thưa người, giờ này mọi ngôi nhà chắc chỉ chờ giờ chuyển giao năm cũ để đón về năm mới!
oOo
Buổi sáng của ngày đầu tiên trong 364 ngày còn lại thật ấm áp vì nắng đã lên cao, tiếng chim bồ câu bên hiên của nhà bên cạnh rúc lên từng hồi nghe vui tai. Mở cửa ra balcon nhìn xuống sân nhà, tôi ngạc nhiên vì thấy một chậu Cúc như một chiếc mâm tròn to đựng hoa màu vàng ánh lên dưới ánh nắng đặt ngay cổng. Vội đi xuống, tôi thấy một chiếc bì thư gắn trong chậu hoa:
“Thưa cô! Cháu mang đến tặng cô chậu Cúc này, món quà nhỏ nhưng chứa rất nhiều sự quý trọng mà cháu muốn tỏ lộ với cô. Tuy mới biết cô nhưng cháu thấy cô và cháu có nhiều điểm giống nhau khi suy nghĩ về cuộc sống. Cháu nghĩ cô không bất ngờ đâu khi thấy chậu hoa này đặt trước nhà. Ngày mai và vài ngày sắp tới cháu chưa đến thăm cô được vì bận đi làm thêm ở một quán cà phê, đây là dịp cho tụi cháu có việc làm thay cho các nhân viên nghỉ tết. Cháu sẽ thăm cô vào một dịp nào đó thuận tiện. Kính chúc cô năm mới khỏe mạnh, bình an.
Cháu Trung”
Tôi mỉm cười. Chặng đường tuy dài nhưng tôi tin những người như Trung sẽ đến đích, vì biết chọn cho mình một điểm đến rồi mới khởi hành bằng khả năng và sự cần mẫn.
Chào mùa Xuân! Hãy mang đến cho mọi người niềm tin và hy vọng nhé…
Đơn Phương Thạch Thảo |