SỐ 105 - XUÂN ẤT TỴ - THÁNG 1 NĂM 2025

 

A Thousand Splendid SunsNgàn ánh dương rực rỡ

Khaled Hosseini
Trúc Hà dịch

Phần 4

Chương 48

Lúc này Tariq hay bị nhức đầu.
Có những đêm Laila tỉnh giấc, thấy Tariq ngồi ở mép giường, áo thun lót kéo trùm đầu. Anh nói bắt đầu bị nhức đầu hồi ở Nasir Bag, sau đó càng ngày càng nặng lúc ở tù. Có lúc làm cho anh ói mửa, mù một mắt. Anh nói, như thể có con dao của ông bán thịt chém vô một bên thái dương, quậy tới óc rồi trổ ra bên kia.

“Lúc bắt đầu nhức, trong miệng như ngậm sắt.”

Đôi khi Laila nhúng cái khăn đắp lên trán cho Tariq và anh đỡ đau một chút. Mấy viên thuốc nhỏ tròn tròn màu trắng mà bác sĩ của ông Sayeed cho anh uống cũng giúp được. Tuy nhiên nhiều đêm, Tariq chỉ có thể ôm đầu mà rên, hai mắt đỏ ngầu, nước mũi chảy ròng. Những lúc đó, Laila ngồi bên Tariq, xoa xoa phía sau cổ anh, nắm lấy bàn tay anh, thấy chiếc nhẫn cưới lạnh ngắt trong lòng bàn tay của mình.

Hai đứa kết hôn vào ngày đến Murree. Ông Sayeed có vẻ an tâm khi nghe Tariq nói hai đứa sẽ kết hôn. Ông sẽ không phải nói chuyện với Tariq về vấn đề tế nhị của một cặp vợ chồng chưa thành hôn mà sống chung với nhau trong khách sạn của ông. Sayeed thật khác với tưởng tượng của Laila, mặt ông đỏ hồng và mắt tròn như hạt đậu. Ông có bộ râu mép muối tiêu, hai đầu ve nhọn và mái tóc bạc rối dài chải hất ra sau. Ông ăn nói dịu dàng, lịch sự, cân nhắc, cử chỉ duyên dáng.

Chính ông Sayeed đã mời một người bạn cũng là giáo sĩ Hồi chứng minh cho lễ cưới hôm đó, cũng như ông đã kéo Tariq ra và đưa tiền tặng anh. Tariq không nhận nhưng ông Sayeed khăng khăng ép. Tariq đã đi đến khu thương mại và trở về với hai chiếc nhẫn cưới mỏng và đơn giản. Tối đó, sau khi hai đứa nhỏ đi ngủ, Tariq và Laila đã thành hôn với nhau.

Nhìn trong gương, dưới tấm khăn voan mà vị giáo sĩ Hồi đã phủ lên đầu hai đứa, mắt Laila bắt gặp mắt củaTariq. Không có giọt nước mắt, không có nụ cười ngày cưới, không có lời thì thầm hứa yêu thương dài lâu. Laila im lặng nhìn bóng hình hai đứa phản chiếu trong gương, hai gương mặt già trước tuổi với những nếp nhăn và những nét xệ hằn trên hai khuôn mặt một thời nhẵn nhụi và non choẹt. Tariq mở miệng định nói điều gì thì có người kéo khăn voan lên, và thế là Laila mất dịp được nghe những lời Tariq định nói.

Đêm đó, hai người nằm trên giường như vợ chồng, trong khi hai đứa nhỏ nằm ngáy trên hai giường trẻ con phía dưới. Laila nhớ lại hồi xưa lúc còn nhỏ hai người nói chuyện với nhau dễ dàng lắm, luống cuống, huyên thuyên, luôn ngắt lời nhau, kéo cổ áo nhau để nhấn mạnh điểm gì đó, mau cười, luôn muốn làm vui lòng người kia. Có bao nhiêu điều đã xảy ra từ những ngày thơ ấu đó, bao nhiêu điều cần phải nói. Nhưng đêm đầu tiên đó, sự nghiêm trọng của đêm đó đã cướp đi lời nói của Laila. Đêm đó, được nằm bên cạnh Tariq, biết anh đang hiện diện, cảm nhận được thân thể ấm áp của anh bên cạnh, được nằm bên anh, hai mái đầu chạm nhau, bàn tay phải của anh và bàn tay trái của nàng đan nhau, đã là một đại phước rồi.

Giữa đêm Laila khát nước thức giấc, thấy bàn tay hai người vẫn nắm chặt nhau như bàn tay  con nít giữ chặt sợi dây bong bóng sợ nó bay mất.

Laila thích những buổi sáng mù sương mát mẻ, những hoàng hôn rực rỡ ở Murree và bầu trời đêm sáng lấp lánh; thích màu xanh của những cây thông và màu nâu nhạt của những con sóc chạy nhảy lên xuống những thân cây cứng chắc; thích những cơn mưa bất chợt khiến người đi mua sắm trong khu thương mại tranh nhau tìm mái trú. Nàng thích các cửa hàng lưu niệm, các khách sạn dành cho khách du lịch, ngay cả khi người dân địa phương than phiền về việc thị xã không ngừng xây cất, việc mở rộng hạ tầng cơ sở khiến vẻ đẹp thiên nhiên của Murree dần mất đi. Laila lấy làm lạ thấy người ta than thở về việc xây cất nhà cửa. Ở Kabul, hẳn người ta sẽ ăn mừng.

Laila thích vì có cái nhà tắm, nhà tắm hẳn hoi chứ không phải nhà cầu ở ngoài, một cái nhà tắm với cầu tiêu xả nước, vòi sen, và bồn rửa mặt với hai vòi khóa nước mà nàng chỉ cần xoay cổ tay là có nước nóng hay nước lạnh chảy ra. Nàng thích thức dậy trong tiếng kêu be be của Alyona và tiếng gắt gỏng vô hại của Adiba, bà đầu bếp thần kỳ.

Có đôi khi, nhìn Tariq ngủ, nghe con ú ớ cựa mình trong giấc ngủ, Laila nghe lòng dâng tràn  niềm biết ơn vô lượng khiến mắt nàng rướm lệ.

Sáng sáng, Laila theo Tariq đi từ phòng này sang phòng khác. Xâu chìa khóa giắt ở thắt lưng Tariq kêu lẻng kẻng, chai nước xịt lau kiếng cửa sổ lủng lẳng nơi khoen dây nịt quần của anh. Laila thì mang theo một thùng nùi giẻ, thuốc tẩy trùng, cái bàn chải chùi cầu tiêu, và chai nước xịt sáp để chùi bóng tủ quần áo. Aziza lọt tọt đi theo, tay cầm chổi, tay kia cầm con búp bê nhồi hạt đậu của Mariam làm cho. Thằng Zalmai miễn cưỡng đi theo, mặt chù ụ, luôn luôn cách sau vài bước.

Laila hút bụi, làm giường và lau bụi. Tariq chùi rửa bồn rửa mặt và bồn tắm, chà cầu tiêu và lau sàn nhà trải nhựa. Anh đặt thêm lên kệ khăn tắm sạch, vài chai xà bông gội đầu tí hon, vài cục xà bông mùi hạnh nhân. Aziza dành phần xịt và lau cửa sổ. Con búp bê không bao giờ cách xa nó.

Vài ngày sau lễ cưới, Laila nói cho Aziza biết về Tariq. Trước đó, Laila đã thấy một điều thật lạ kỳ không giải thích được giữa Aziza và Tariq. Aziza thường nói tiếp câu cho Tariq, và Tariq cho Aziza. Nó đưa đồ cho anh cả trước khi anh biểu. Trên bàn ăn, hai người cười riêng với nhau như thể họ không phải là hai kẻ xa lạ mà là hai người bạn đồng hành gặp lại nhau sau thời gian dài xa cách.

Aziza nhìn xuống bàn tay của nó một cách suy tư lúc Laila nói cho nó biết.

“Con thích bác ấy,” nó bảo, sau một lúc lâu.
“Bác thương con lắm.”
“Bác nói hả?”
“Bác không cần nói đâu, Aziza.”
“Mẹ nói hết đi. Nói để con biết.”

Và Laila đã kể.

“Cha con là một người tốt. Anh ấy là người tốt nhất mẹ quen từ trước tới giờ.”
“Rồi nếu cha bỏ đi thì sao?” Aziza nói.
“Cha con sẽ không bao giờ bỏ đi. Nhìn mẹ này, Aziza. Cha con sẽ không bao giờ làm con buồn, và sẽ không bao giờ bỏ đi.”

Nét mặt Aziza nhẹ nhõm đi khiến tim Laila se thắt.

Tariq mua cho thằng Zalmai một con ngựa gỗ đu đưa và làm cho nó một toa xe không mui. Anh học của người bạn tù làm những con thú bằng giấy, và như thế Tariq đã xếp, đã cắt, đã gắp không biết bao nhiêu tờ giấy thành những con sư tử và những con đại thử cho Zalmai, thành những con ngựa và những con chim màu sặc sỡ. Tuy nhiên những cố gắng làm quen này bị Zalmai từ chối một cách thẳng thừng, đôi khi còn tàn nhẫn.

“Mày là con lừa!” nó hét. “Tao không muốn đồ chơi của mày.”
“Zalmai!” Laila hoảng hốt kêu lên.
“Không sao,” Tariq nói. “Không sao đâu Laila. Cứ để nó nói.”
“Mày không phải là ba tao! Ba thật của tao đi rồi, khi ba tao về sẽ đánh mày một trận! Mày sẽ không chạy thoát đâu, bởi vì ba tao có hai chân còn mày chỉ có một!”

Tối đến, Laila ôm Zalmai vào lòng và đọc kinh với nó. Mỗi lần nó hỏi, Laila lập lại lời nói dối, nói ba nó đi xa không biết bao giờ sẽ trở về. Laila rất ghét phải làm việc này, ghê tởm chính mình vì phải nói dối như thế với một đứa con nít.

Lailla biết mình sẽ phải lập lại lời nói dối đáng hổ thẹn này dài dài. Sẽ phải thôi, vì Zalmai sẽ hỏi luôn, như khi nó nhảy từ ghế xích đu xuống, khi nó thức dậy sau giấc ngủ trưa, cũng như sau này, khi nó đủ lớn để tự cột dây giầy của nó, tự đi đến trường, lời nói dối sẽ phải được tiếp tục thốt lên.

Sẽ có một lúc nào đó, Laila biết, những câu hỏi sẽ cạn dần. Zalmai sẽ thôi không tự hỏi tại sao cha nó lại bỏ nó. Nó sẽ không còn nhìn tìm cha nó ở những chỗ đèn giao thông, ở những người đàn ông già khom lưng đi lại trên đường hay ngồi nhâm nhi trà trong những quán nước bên lề đường. Rồi một ngày nào đó, đột nhiên trong một lúc đi dọc bên bờ sông uốn khúc hay trong một lúc mắt đăm nhìn bãi tuyết mênh mông, nó sẽ chợt nhận ra rằng việc cha nó biến mất không còn là một vết thương mới chưa lành. Việc đó đã trở thành một điều chung chung, mơ hồ,  một điều không còn làm đau lòng nữa. Như một truyền thuyết. Một điều để tôn sùng và bí ẩn hóa.

Laila sống hạnh phúc ở Murree. Nhưng hạnh phúc đó không đến dễ dàng. Hạnh phúc đã phải trả giá mới có được.

Vào ngày nghỉ, Tariq thường đưa Laila và các con đến khu thương mại, nơi có những tiệm  nữ trang rẻ tiền và một nhà thờ Anh giáo xây giữa thế kỷ thứ 19 bên cạnh. Tariq mua thịt nướng ướp cay của những người bán hàng rong cho họ ăn. Họ đi dạo giữa đám đông dân địa phương, những người Âu với điện thoại di động và máy ảnh kỹ thuật số, những người dân Bắc Ấn đến đây để trốn cái nóng của vùng đồng bằng.

Thỉnh thoảng, họ đón xe bus đi lên Ɖỉnh Kashmir. Từ chỗ đó, Tariq chỉ cho mọi người xem thung lũng sông Jhelum, những sườn dốc trải thông và những ngọn đồi đầy cây xanh tươi tốt ở đó anh nói còn thấy các chú khỉ chuyển từ cành này sang cành khác. Họ cũng đi thăm phố núi Nathia Gali đầy những cây phong, cách thị xã Murree chừng ba mươi cây số, nơi đây Tariq nắm tay Laila sánh bước trên con đường rợp bóng cây dẫn đến dinh Thống đốc. Họ dừng lại nơi nghĩa trang Anh cũ, hoặc đón xe taxi đi lên đỉnh núi để xem khung cảnh thung lũng xanh tươi mù sương bên dưới.

Đôi khi trong những chuyến đi chơi này, khi họ đi ngang qua cửa kính của một tiệm, Laila bắt gặp hình ảnh họ phản chiếu trên đó. Chồng, vợ, con gái, con trai. Đối với người lạ, Laila biết, họ có vẻ như một gia đình rất bình thường, chẳng có điều gì bí mật, dối trá hay hối tiếc.

Aziza có những cơn ác mộng khiến nó thét lên giựt mình thức dậy. Laila phải đến nằm bên nó, lấy tay áo lau khô đôi má nó, xoa lưng cho nó ngủ lại.

Laila cũng có những giấc mơ. Trong mơ, lúc nào Laila cũng thấy mình trong căn nhà ờ Kabul, đi trong hành lang, đi lên cầu thang. Chỉ có mình nàng, nhưng phía sau cánh cửa nàng nghe tiếng xèo xèo nhịp nhàng của bàn ủi, tiếng giũ tấm ra trải giường rồi gấp lại. Đôi khi nàng nghe cả tiếng một người đàn bà ngâm nga nho nhỏ một bài hát xưa. Tuy nhiên khi nàng bước vô, căn phòng trống rỗng. Không có ai trong đó.

Sau những giấc mơ đó, toàn thân Laila run rảy. Nàng tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa, nước mắt cay xè đôi mắt. Mỗi lần như thế, người nàng rũ liệt.                                 

(còn tiếp)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2025