SỐ 105 - XUÂN ẤT TỴ - THÁNG 1 NĂM 2025

 

 NHỮNG NGƯỜI BẠN CÓ TÊN MANG VẦN “HÁT”

Từ hồi còn nhỏ sống trong xóm chơi với mấy đứa nhà lân cận tôi lại không thân thiết với đứa nào. Đến tuổi đi học, tan trường về là phải phụ giúp má làm công việc nhà. Là chị lớn của mấy đứa em, tôi biết cực khi nhà đông em út nên không có thì giờ kết bạn với ai khác dù rằng để vui chơi ngoài giờ đi học. Tuổi học sinh tôi cũng giống như mấy đứa học cùng lớp chơi đùa trong giờ ra chơi, nghịch phá nói chuyện khi đứng chờ sắp hàng vô lớp học, tóm lại tôi không phải là đứa ‘tự kỷ’ khó gần mọi người. Cũng do thi rớt đệ thất trường GL, tôi phải học lại chương trình lớp Nhất gọi là lớp Tiếp liên. Lớp này mở trong trường tiểu học dành riêng cho con em trong ngành Cảnh sát Quốc gia nên tôi được vào học miễn phí dù năm lớp nhất tôi không phải là học trò của trường. Có hai lớp một dành cho con trai và một cho con gái. Trong lớp có một con nhỏ tên Hảo ngồi bàn phía trên cứ ngoái đầu xuống chỗ tôi ngồi. Con nhỏ “điệu” chảy nước vì vào giờ thể thao ông thầy bắt tất cả học sinh sắp hàng thi chạy, nhỏ này vừa chạy vừa ‘đánh đòng xa’ vẫy hai cánh tay giống như chim bay. Hai anh em cùng đi học nhưng nó không bao giờ cầm tập sách bởi người anh có bổn phận phải mang theo như tiểu đồng hầu cô chủ, nó kể với tôi ‘thánh’ phán với ba má nó phải xin một người con nuôi mới có thể sinh được nó, vậy là tôi biết ngay nó là con cầu tự. Không hiểu nhỏ tại sao lại đặc biệt thích tôi, có dịp là cứ đến bên cạnh tìm chuyện để nói với tôi, rủ tôi đến nhà nó chơi. Khi tôi từ chối Hảo nằn nì hỏi tiếp:

– Đi học về Oanh ở nhà làm gì?

Tôi trả lời:

– Thì giữ em, phụ với má nấu cơm, quét nhà, ăn cơm xong thì rửa chén hoặc dọn dẹp với má. Có khi thì giúp má giặt đồ, mình có mấy đứa em nên không rảnh. Thì giờ còn lại là để học bài, năm nay quyết chí phải thi đậu mới được.
– Chẳng bù với mình về nhà không làm gì hết, mọi công chuyện quét nhà, nấu cơm gánh nước đều có anh Ngọc làm.

Ngọc là tên anh nó. Bữa kia tôi thấy anh nó đi học mặc áo rách lưng, hỏi nó nói rằng tại anh ấy đánh nhau với mấy thằng chọc ghẹo anh, về nhà bị má phạt không cho thay áo khác. Không cho hay không có nhiều áo? lòng trắc ẩn khiến tôi tự hỏi, lúc ấy tôi mới hiểu thêm sự khác biệt về tình thương giữa con nuôi với con ruột là vậy. Dù tôi hơi cực do em út đông nhưng có ba má ruột vẫn sướng hơn.

Bởi ở không nên nhỏ này khoe với tôi chuyện nó làm đèn trang trí bằng vỏ trứng vịt rồi chỉ cho tôi cách làm. Đầu tiên xin má trứng rồi cẩn thận tỉ mỉ lấy kim chọc thủng hai đầu và công việc này rất khó, làm sao cho nó đừng bể mới luồn chỉ vô cột lại. Tôi châm chọc:

– Vậy thì bữa đó nhà ăn cơm với trứng mệt nghỉ ha. Gặp tôi chắc là đập bể cả chục trứng chưa làm được một cái.
– Sau đó thì sơn màu lên, vẽ hình gì đó nếu mình thích hoặc viết tên người mình muốn tặng.

Tôi lơ đãng nghe Hảo nói hứa sẽ làm tặng tôi một món quà. Thầm nghĩ chắc là mấy cái trứng tô màu treo tòng teng, mang về các em tôi chúng bóp bẹp ba mươi giây ngay. Không ngờ ngày chia tay nghỉ hè chuẩn bị đi thi, bên cạnh mấy cái trứng rỗng ruột Hảo còn tặng tôi một gói giấy hoa dẹp dẹp dặn rằng về nhà mới xem. Mở ra tôi thấy cái khăn tay màu trắng có thêu ngay góc hình một chiếc lá và chữ H bên cạnh kèm theo lá thư, trong thư Hảo viết: ‘Để kỷ niệm ngày chia tay Hảo tặng Oanh chiếc khăn này dù cho khăn có phai màu xin đừng vứt bỏ mà lòng Hảo đau’. Tôi suýt ngất xỉu, may mắn là thời đó còn nhỏ nên tôi chưa biết chuyện tình cảm xảy ra giữa hai người đồng giới như xã hội bây giờ.

Năm ấy tôi giã từ thời học trò tiểu học, thi đậu vào Đệ thất trung học, đầu tiên khi mặc chiếc áo dài thơm mùi vải mới trắng tinh cảm thấy mình lớn hơn và nghiêm trang đạo mạo trong mắt mấy đứa em. Có lần tôi nghe trên radio thi văn tao đàn ngâm mấy câu thơ: ‘Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong. Hôm xưa em đến mắt như lòng. Nở bừng ánh sáng em đi đến. Gót ngọc dồn hương bước tỏa hồng.’ Nhà thơ Huy Cận làm tôi bắt đầu mơ mộng mỗi khi mặc áo dài đi học.

Vào lớp tôi ngồi bàn nhì cạnh một con nhỏ tên Hiền đeo cái kính cận gọng đen giống bà cô già, nhỏ này huyên thiên kể chuyện gia đình vanh vách cho tôi nghe, chắc mình hơi ít nói chỉ biết lắng nghe nên người ta thích đem gan ruột ra kể với mình. Nào là gia đình có mấy chị em, ba làm quản lý rạp hát tận Xóm Củi, Chợ Lớn. Vì nhà xa nên đi học bằng xe hiệu đoàn của trường đưa rước tận địa chỉ vì nhà Hiền ở bên trong rạp hát luôn.

Bến xe đò đi về quê nội có tên Cần Giuộc đặt ở Xóm Củi. Từ bên Chợ Lớn phải đi qua cây cầu Chà Và mới đến Xóm Củi, nhỏ Hiền hào hứng kể thêm ‘Nhà có cái mùng thật lớn đêm nào mấy chị em vào ngủ chung cũng đều cầm đèn bắt muỗi trong mùng.’ Dân gian có câu ví von: “Đầu óc ngu si, tứ chi phát triển”. Có lẽ thế nên tôi mới bắt chước cầm cây đèn cầy đốt hôm nhà bị cúp điện đem vô mùng bắt muỗi, mang cây đèn dí vào cái mùng tuyn ni lông má mới mua, muỗi không chết nhưng cái mùng quéo lại thủng một lỗ may mà không bắt cháy. Má phát giác mắng tôi một trận tơi bời, hên là không bị đòn vì tôi đang bắt đầu giai đoạn trổ mã dậy thì để trở thành một người con gái yểu điệu nhu mì. Cho dù thân xác có to nhưng đầu óc lại như trái nho, má cũng phải giữ thể diện, uy tín của tôi trước mắt đám em lóc chóc.

Tính tôi hay quên không nhớ gì đến hai người bạn học gây ấn tượng cho tôi mấy năm qua. Suốt bốn năm học cùng một lớp vô tư cho đến ngày mỗi học sinh trong lớp phải chọn ban tôi mới có chút xíu buồn ngơ ngác khi thắc mắc. ‘Tại sao một lớp gần năm mươi em chỉ có tôi và nhỏ khác tên Hồng chọn ban C?’ Các lớp khác cũng vậy, tôi hỏi thì tất cả đều trả lời vì đi ban A, B có cơ hội học bất cứ phân khoa nào nếu muốn lên đại học. Ra trường có việc làm tốt kể cả học bổng được ưu tiên du học. Riêng ban C chỉ gói gọn Luật khoa, Văn Khoa hay Sư phạm. Ngày nhập học tôi cảm thấy cái lớp của mình sao ít ỏi đến tội nghiệp, hơn năm trăm học sinh mà chỉ có hơn hai mươi đứa học cùng lớp với mình!! Bọn tôi giống như bị xếp bên lề đứng nhìn cơ hội nổi bật của những bác sĩ, kỹ sư vĩ nhân tương lai trong ngành khoa học.

Mang nỗi buồn mặc cảm tâm sự với nhỏ ngồi bên cạnh tên Hồi mới làm quen với tôi, nhỏ này nhà nằm trong căn hẻm đường Phan Thanh Giản, nhỏ khoe có bà chị lớn làm sở Mỹ, ba làm nghề thợ đóng giày cho phụ nữ theo mẫu trong mấy tờ báo ngoại quốc. Đang trong tâm trạng hí hửng mấy hôm rày nó rất thích được cộng tác với tôi trong nhóm thi văn đoàn Cò trắng do tôi mới thành lập tuần vừa rồi. Chuông reo đổi môn học, giáo sư hướng dẫn lớp mới vào cho phép mọi người ngồi xuống, nhỏ Hồi được cô giáo gọi lên đưa tấm giấy cô viết chấp thuận cho nó đổi lớp theo nguyện vọng. Cô còn nói những em nào thấy không thích hợp học ban C có thể xin đổi ngay trong lúc này vì mới học có một tuần vẫn còn kịp. Nhỏ Hồi nói với tôi:

– Tớ xin đổi qua ban A học vì văn chương tớ rất dốt, đề tài cô mới cho vừa qua tớ không biết làm, khó quá. Đổi lớp nhưng tớ vẫn thích cộng tác với bạn trong văn đoàn.

Trong mắt tôi bây giờ Hồi trở thành một kẻ ngoại đạo làm tôi thất vọng lại còn đòi cộng tác với tôi. Miệng cười cười nhưng lòng thầm nghĩ còn khuya nhỏ ơi. Tôi còn chưa đủ tầm huống hồ là bạn, muốn học văn phải cần có đầu óc nhiều tưởng tượng chuyện gió trăng mây nước. Bạn không thấy mấy ông nhà thơ nổi tiếng đều có vẻ hơi “lập dị” sao? Nhỏ Bạch Vân mới tặng ta quyển thơ của ông chú tựa đề ‘Ngụ ngôn của người đãng trí’ ổng ăn mặc lếch thếch tóc tai râu ria mất trật tự chắc đã có thời gian tập làm thơ ở Biên Hòa. Thi hào Bùi Giáng cũng vậy mà. Không nghe cô giáo nói câu ‘Văn là người’ sao! Dù thích văn chương nhưng tôi không có khuynh hướng giống như các vị ấy.

Nhỏ Hồng là đứa học cùng lớp trong bốn năm qua, bây giờ ngồi cạnh khiến vẫn còn chút an ủi nên tôi quên ngay nhỏ Hồi xé rào quay đầu kia. Nếu nghĩ đến những người bạn đã quen đi qua trên con đường học trò của tôi, có phải là “ngẫu nhiên” khi đều có tên cùng mẫu tự bắt đầu bằng chữ H. “Hảo. Hiền, Hồi và giờ là Hồng “. Học cùng lớp nhưng tôi chưa tiếp xúc thân thiết với Hồng. Tôi nghe mấy đứa trong lớp cho rằng nhỏ này “điệu” lắm! Tôi có tính hay “cả nể” và nhường nhịn nên chơi với bất cứ ai cũng không làm người ta phật lòng. Con gái nào cũng có lòng ganh tị với người cùng phái không nhiều thì ít. Hồng bắt đầu thân với tôi nhiều hơn các bạn khác chung lớp bởi tôi dị ứng với lời khen của các chàng trai mặt mụn trổ mã làm người lớn. Nhỏ hay khoe với tôi anh chàng nào nhìn thấy nó cũng đều thích và mở lời khen rằng: ‘Bé xinh quá’. Ừ, lần nào hai đứa đi cạnh nhau nghe lời khen đó tôi mặc nhiên cho rằng đó là khen nó không phải khen tôi nên tôi không hề quan tâm và đùn đẩy hết những lời khen vào cho Hồng. Vì chơi với tôi Hồng rất an toàn không sợ tôi lấn sân giành cảm tình của các chàng trai quen biết. Tôi nói với nhỏ ý tưởng của tôi chắc là nó rất thích:

– Người đơn giản không biết làm duyên như mình, phỗng phao đàng trước cũng như đàng sau đâu có chàng nào thèm thích.

Tôi lại xưng tụng về tạng người Hồng, mảnh dẻ gầy gò tương xứng với câu thơ kiêu sa của nhà thơ nào đó tôi quên mất tên, nhưng vẫn nhớ câu này đọc cho Hồng nghe:

– “Em gầy như liễu rũ trong thơ cổ “.

Hai chúng tôi rời trường sau khi học xong ít khi gặp nhau nên không còn chuyện tâm sự vụn nữa. Hồng vào Sư phạm còn tôi giúp việc văn phòng cho ông Dượng chồng của Dì đang cần một thư ký thân tín. Đường đời không phải mộng mơ nào cũng đạt thành ước nguyện, từ nhỏ tôi rất mê làm cô giáo nhưng đến lúc này bị ba tôi cản trở ngay, sợ thân con gái đi xa một mình ông nói:

– Làm cô giáo con sẽ bị đổi đi tận Côn nôn, Bà rá biết chưa?

‘Côn nôn’ là địa danh chỉ Côn đảo ở vùng biển phía Nam gần mũi Cà Mau. Còn Bà Rá tôi mới nghe đến chắc chỗ này là thâm sơn cùng cốc nơi chó ăn đá gà ăn muối rồi! Vậy là không dám cãi lời ông khi áo mặc sao qua khỏi đầu. Hồi này tôi chưa biết có loại áo thun dệt kiểu pull kéo qua khỏi đầu nên đành đóng cửa ước mơ!

oOo

Giống như đã từng mơ mộng, ngày ấy lại đến với tôi:

– Vậy đó bổng nhiên mà họ lớn, tuổi ngây thơ đâu có ai ngờ.

Một hôm cơn gió tình yêu lại, đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư.

Ông Huy Cận tôi cho là thi bá của thơ tình này chắc đã từng có cơn gió lạ len vào lòng nên mới tả lại cảm xúc ngẩn ngơ của mình đối với tà áo dài của những cô con gái thật dễ thương.

Ai đó tôi chưa biết mặt nhưng giấu riêng trong lòng không tâm sự với nhỏ Hồng. Có thể là tôi không công bằng với nó, nhưng Hồng có rất nhiều vệ tinh mang tên tình yêu quay chung quanh mình. Còn tôi chỉ có một và mới bắt đầu hụt hơi xúc động, cõi lòng đang giá băng bổng ngập tràn muôn tia nắng ấm, y hệt lời một bài hát tôi hay nghe. Mỗi tuần tôi viết một lá thư gửi về đơn vị của người lính biển. Hơn sáu tháng viết hơn hai mươi bốn lá thư tôi mới biết mặt “chàng”. Buổi đầu gặp gỡ tôi thấy mặt mày chàng đen thui vì chàng nói ngày nào cũng hứng nắng gió biển khơi. Tỏ vẻ thông cảm không chê bai, tôi góp một câu nói ra mới biết mình vô duyên:

– Chắc anh tắm biển hàng ngày nên nắng ăn đen thui.

Lần đầu anh mời tôi đi uống ly nước, đáng lẽ uống ly chanh đường trước khi anh ra đi về miền cát nóng như trong bài hát của ông nhạc sĩ Phạm Duy. Tôi đòi chàng chở tôi đi ăn sâm bổ lượng vì tôi rất thích ăn táo tàu khô bởi nó ngọt hơn chanh đường. Đáng lẽ phải ra vẻ thẹn thùng ngây thơ của người con gái yểu điệu thục nữ tôi lại bạch hóa con người thực dụng, đơn giản đến không ngờ hóa ra khờ khạo không giống như người ta nói về con gái:

"Con gái nói có là không, nói không là có đó. Con gái thích làm duyên... Con gái nói một là hai, đừng nghe những gì con gái nói! Hãy nhìn vào đôi mắt của em đi". Nếu đúng như thế là tôi bị rớt đài trong mắt chàng rồi!!

Vậy mà sau lần gặp mặt trở về đơn vị anh viết thơ tỏ tình nói yêu tôi. Hú hồn thật nhưng vẫn im lặng phân vân tôi không biết trả lời thế nào, mới gặp mặt một lần mà đồng ý chấp nhận có quá vội vàng không? Tôi viết tiếp những lá thư theo thói quen thường lệ không nói yêu cũng không từ chối xem như đang duy trì tình bạn vì tôi nói với anh: ‘Không thể chỉ là yêu suông’. Một năm sau anh được đổi về gần Saigon, chưa đầy năm nữa anh lại nói muốn cưới vợ, tôi ngây thơ hỏi:

– Cưới để làm gì? Mình chỉ là bạn thôi mà.

Anh tỉnh bơ:

– Thì anh với em vẫn làm bạn ở chung nhà vui hơn, có sao đâu!

Tôi lại thắc mắc:

– Bạn ở cùng vẫn có được ăn cơm chung hàng ngày không?

Anh trả lời:

– Đương nhiên là như vậy rồi, ăn cùng mâm. Còn được miễn phí ngủ chung giường mỗi đêm nữa đó.

Anh chàng khôn ngoan đáo để lừa tôi vào tròng. Tôi chưa được ai tán tỉnh lần nào nên rất dễ bị dụ dỗ rơi vào bẫy tình ngay. Bây giờ nghĩ lại hồi ấy tôi hai mươi nhưng dại khờ hơn các cô gái bây giờ. Ai muốn lấy họ phải ít nhất có nghề nghiệp kiếm đủ tiền nuôi họ và ít nhất là có một gian nhà riêng làm tổ ấm bảo đảm đời sống cho con cái về sau. Còn anh là một người lính rày đây mai đó trong thời buổi chiến tranh loạn lạc không có gì hết vậy mà tôi cũng chịu gật đầu làm đám cưới. Hạnh phúc thật đơn giản cho đến gần một năm về làm dâu, một tuần trước ngày mất nước anh về nói các bạn cùng đơn vị dẫn gia đình tập trung có khuynh hướng sẽ ra đi di tản. Má anh thì giận dỗi làm nư, nói mát mẻ:

– Mày đi đi, vợ chồng dẫn nhau đi còn tui ở lại.

Ba anh nằm trên võng bỏ chân xuống mang đôi dép đi vào buồng:

– Đi để mà chết đói hả?

Anh không dám cãi lời chỉ chống chế bằng câu:

– Con nói bạn trong đơn vị thôi chứ con đâu có muốn đi.

Tôi vào phòng đóng cửa, bất mãn nói với anh:

– Làm sao mà chết đói theo lời ba nói được. Năm Mậu Thân 1968 nhà em bị cháy hết tài sản phải vào ở trong trại tị nạn. Người Mỹ còn mang lương thực từ đất nước bên đó sang Việt Nam tiếp tế, cấp phát cho dân chiến nạn làm gì bị đói được. Bài học năm Mậu Thân ở Huế Cộng sản đối với binh lính và người dân ra sao khi họ chiếm đóng ai cũng biết rõ mà!

Năm ấy anh hai mươi sáu tuổi đã là sĩ quan nhưng lại không hề có ý chí tự chủ cũng như biết suy luận thức thời, cái gì cũng xuôi theo nghe lời cha mẹ dạy bảo. Nếu vợ chồng tôi ở riêng sẽ tự quyết định cho mình chuyện đi hay ở! Tôi là người cứng rắn không hốt hoảng khóc lóc vang nhà, giống như những người trong gia đình nhà chồng tôi trước quyết định đầu hàng của ông Minh. Chồng tôi thấy tôi bình tĩnh khiến anh cũng yên tâm bớt rối rắm. Tôi thu vén tư trang tài sản để dễ mang theo mình, tôi và chồng mang đốt hết những gì có liên quan trước mắt phòng khi không có chính quyền cai trị, bọn bất lương vào nhà nhân danh cách mạng khống chế, cướp bóc.

Những ngày sau khi chánh quyền quân quản của Cộng sản tiến vào, ông ba chồng của tôi khoác tay nói:

– Mấy đứa đừng sợ, chú Bảy, chú Út em của ba là cán bộ tập kết miền Bắc. Bạn của ba hồi đó cùng kháng chiến chống Pháp có mấy người làm lớn, trước khi đi tập kết còn ghé nhắn nhủ ba ở lại chờ ngày thống nhất.

Đến giờ phút này tôi mới hiểu ông vẫn rất tin tưởng vào người Cộng Sản khiến chúng tôi không chủ động được đời mình.

Được gần một năm khi chưa được tin tức của chồng tôi kể từ ngày anh bị đi tập trung cải tạo, sau khi gặp mặt hai người em, họ không nói được câu gì khác hơn mỗi khi ba chồng hỏi về số phận của chồng tôi, chỉ duy nhất một câu: ‘Cứ chấp hành chủ trương chính sách của nhà nước.’ Tôi cay đắng nghĩ: ‘Vậy họ mang chồng tôi đi giết hoặc chôn sống giống như năm Mậu Thân bọn cộng sản đã làm cũng phải chấp thuận hành động của họ hay sao?’ Những con tim và đầu óc đầy máu lạnh? Đâu rồi tình cảm họ hàng thân thuộc của người đã theo đảng?

Cũng may bên nhà chồng còn liên lạc được với người con gái bên Canada. Mỗi tháng chị này chuyển gửi tiền về cho ông bà sống đắp đổi qua ngày bởi không còn lương hưu trí hàng tháng, giờ này mới biết đi hay ở? ai mới là bị chết đói. Có lần ông than van với tôi, hối hận cũng muộn màng:

– Ba cùng người Cộng sản kháng chiến chống Pháp vào tù ra khám biết bao. Bây giờ có thằng con mà họ cũng bắt đi... không tha về! Biết vậy đã không cản hai vợ chồng con đi di tản.

Tôi thấy ông rươm rướm nước mắt khi “tuổi già hạt lệ như sương”, cố ép cũng không còn giọt nào để khóc. Nhìn ông trong cảnh này tôi không còn thầm trách cứ ông nữa, không phải một mình ông bị lừa mà có cả hàng triệu thanh niên miền Bắc đã rải xương trắng trên con đường Trường Sơn giải phóng miền Nam.

Thời gian đó tôi khủng hoảng đến độ muốn ôm đứa con mới sinh ra mà nghĩ quẫn! Không tiền bạc, tài sản nhà cửa tay trắng, thất nghiệp; không có chồng là người bạn đời nương tựa. Người ta ít nhất cũng còn đồ đạc trong nhà bán cầm hơi, sống qua ngày. Còn tôi! một cái chén đôi đũa cũng không có riêng, không quyết định được điều gì, chỉ tội nghiệp con tôi sinh ra đời quá bất hạnh. Nếu ngày ấy tôi cương quyết ra đi con tôi đã không chịu cảnh thiếu thốn nao lòng! Đêm nào nằm ôm con nước mắt tôi rơi đến khô không còn nước mắt để khóc. Chỉ biết trách bản thân đã quá nể nang, khi nêu ý kiến trái với suy nghĩ của anh và bị phản bác, nhiều tự ái chỉ một lần yêu cầu anh không nghe, tôi không đề cập nữa để bây giờ thất bại, chồng tôi mới biết mình cạn nghĩ suy. Thói gia trưởng khiến người đàn ông sống trong thời phong kiến không bao giờ chấp nhận nghe lời khuyên của bất cứ ai!. Vậy mà lề lối ấy giờ vẫn còn tồn tại trong gia đình chồng tôi.

Sau này nếu có ai hỏi tại sao tôi thương gia đình trong đó có cha, mẹ và các em tôi một cách tuyệt đối và không hề so đo thiệt hơn với họ. Bởi vì trong lúc đời sống tôi nguy nan khốn khổ nhất chỉ có những người thân máu mủ, ruột rà với tôi giơ tay nâng đỡ và quan tâm đến sự sống còn của chúng tôi. Vì kể từ tháng tư năm bảy mươi lăm tôi thấy con người đối với nhau không còn chữ nhân tính như trước, vì tiền người ta nói láo, lừa gạt, trộm cắp, đạp lên đầu nhau để giành giựt những điều lợi mình muốn, vô cùng ích kỷ chỉ biết bản thân trên hết không cần biết nỗi đau khổ của người khác, ngay cả người thân trong gia đình. Khi tôi quyết định ôm con trở về nương náu với gia đình mình, tôi lầm lỳ im lặng gạt bỏ những lời bêu rếu dè bỉu của người khác, cho rằng rời đi là không làm tròn bổn phận dâu con! Tôi không thể cứ hàng ngày làm hết công việc nhà để được khen và cho ăn ngày hai bữa cơm! Còn tương lai con tôi nữa, tôi phải đi tìm việc làm kiếm tiền cho riêng mình, không còn chồng bên cạnh tôi không cần được khen ngợi hai chữ “vợ hiền dâu thảo”. Nhà chồng từ chối giúp giữ con tôi lấy cớ ông bà đã già, em chồng bảo tôi thuê người giúp việc giữ con, tôi nghe vậy bỗng thấy con người suy nghĩ thật ấu trĩ, chẳng lẽ xé giấy làm thành tiền đi thuê người ở? Thôi thì phải tự mình xoay xở, miệng đói đầu gối phải bò... Người ta vinh danh câu “xuất giá tòng phu” làm khuôn khổ, canh giữ người sợ con trai mình mất vợ khi nó không có mặt ở nhà.

Về nhà tôi nhờ mấy đứa em nhỏ nhất chỉ hơn con tôi bảy tám tuổi, lê la bồng bế, tha con tôi mới bảy tám tháng đi chơi, trong khi đứa lớn hơn thì đến bữa đút cho con ăn uống, chúng giữ con giúp cho tôi đi làm từ sáng đến chiều hàng ngày, dù lương chỉ đủ mua hai hộp sữa ngoại nhập. Ở nhà mình không cần góp lương hàng tháng hậu hĩnh như ngày xưa ở nhà chồng, tôi vẫn có cơm cha mẹ nuôi như khi còn con gái. Tiền lương lĩnh ra chỉ dành để nuôi con.

Câu “Ông trời không đóng cửa mãi ai bao giờ”. Giống như khi trước, lần này tôi được em gái Phó giám đốc ưu ái “để mắt” sau này nhỏ mới kể lại:

– Những ngày đầu mới chuyển về đây theo anh Hai, biết mình là em gái ai cũng theo bắt chuyện nịnh nọt, chỉ duy nhất có mình bà là không thèm nhìn tôi, im lặng làm việc với khuôn mặt buồn buồn, không bao giờ thấy bà cười. Khi hỏi bà trả lời một câu nhát gừng ‘Đời có gì vui để đáng cười mà cười’.

Dần dần nhỏ này tỏ ý bênh vực khi thấy tôi hiền quá, nhường nhịn mọi người. Nhỏ tên Hòa đâu có biết tôi thu mình giấu hết lý lịch thật sự về chồng mình. Cố gắng giữ công việc làm để nuôi con, tiện tặn từng món nhu yếu phẩm mua giá cung cấp để dành đi thăm nuôi chồng. Một hôm bên trạm sửa máy có một anh công nhân mới được tuyển vào, anh mang kính trắng dáng vẻ trí thức rất đẹp trai lại chưa vợ. Nhỏ Hòa được phòng tổ chức cho biết lý lịch anh này là sĩ quan cải tạo mới được thả, vì tin nó là em của phó giám đốc nên giao nhiệm vụ theo dõi anh ta. Rốt cuộc kết quả ngược lại, nhỏ và đám con gái “mê” anh này như điếu đổ, mấy cô gái cứ lượn qua trạm mặc dù không có công tác gì cần liên hệ. Nhỏ Hòa quýnh quá than với tôi:

– Bà ơi, sao nhiều đứa thích ảnh quá, chắc tui không địch lại, bà có kế sách gì giúp tui với.
– Trời ơi! Tui đâu phải bà mai mà giúp. Nói gì bây giờ không lẽ tôi trắng trợn nói Hòa thích anh ấy.
– Thì bà có gia đình rồi dễ bắt chuyện với ảnh hơn. Anh này cũng rất ít nói về mình giống như bà.

Buổi chiều nhân dịp anh ta ghé qua chỗ tôi và Hòa ngồi gửi biên bản nghiệm thu máy. Tôi bạo dạn hỏi:

– Nghe nói anh học cải tạo mới về, trước kia anh học ở trại nào?

Trả lời nhát gừng, anh ta nói:

– Trại nào à! Nhiều trại lắm.

Không cạy miệng anh này được tôi đánh bạo kể lể:

– Tôi có ông anh rể cũng đi học cải tạo tên Trấn ở trại Bù gia mập.

Tự nhiên anh nói:

– Phải ông Trấn có anh em cột chèo là lính Hải quân, hai người cùng chung trại với tôi mà.

Vậy là tôi không bị đánh mà khai ra. Hòa chỉ mặt tôi nói:

– Bà này kín miệng thật giấu tôi bấy lâu nay.
– Anh họ của Hòa làm phó giám đốc tôi sợ gần chết không giấu sao được.

Anh bạn nói với Hòa không ngờ chồng tôi là bạn tù với anh ta. Rốt cuộc Hòa rủ anh về quê mình cùng nhau vượt biên. Trước khi đi anh nói với Hòa nên giúp đỡ cho tôi, tìm cách “móc ngoặc” (*) để có thêm tài chánh đi thăm nuôi, vì người như tôi chung thủy với chồng là rất quý. Từ lúc ấy cho đến khi sang được bến bờ tự do, năm nào Hòa cũng luôn gửi tiền giúp chúng tôi ăn cái Tết hậu hỉ.

Đúng là may mắn lại đến với tôi lần nữa, sau hơn năm năm chồng tôi được trở về trong khi có biết bao người đã gửi xác ở vùng rừng thiêng nước độc. Tám năm chờ đợi, qua được xứ người hai vợ chồng trong hoàn cảnh không người thân thích. Số vợ chồng tôi chắc có quới nhân phù trợ, vừa có địa chỉ hãng may đang cần người, lại gặp được vợ chồng anh bạn tên Diệp học cùng trường OCS với chồng tôi bên Mỹ ngày xưa. Chị vợ đã sốt sắng chở tôi đi xin việc khi mới chân ướt chân ráo qua chưa đầy nửa tháng. Nhờ làm ca đêm ban ngày được nghỉ có thì giờ rảnh, anh Diệp hàng ngày đến chở giúp chồng tôi đi nơi này nơi nọ khi chúng tôi cần. Chuyện tìm việc làm như cần hơi thở trong lúc này. Đầu tiên tôi chỉ biết tên chồng của chị, sau này mới biết tên riêng của chị là Hoàng, sự trùng hợp ngẫu nhiên. Cũng là người có tên mang vần ‘Hát’ đi suốt đời tôi qua nhiều giai đoạn. Bây giờ đã ba mươi hai năm vợ chồng tôi vẫn còn nhớ mãi không quên ơn nghĩa, tình thân của vợ chồng người bạn này từ những ngày đầu mới qua đến bây giờ.

oOo

Bạn đời ơi! Mùa xuân thêm một tuổi. Tình yêu tưởng như mới vừa hôm qua, mà nay đã năm mươi ba năm chúng tôi sống chung nhà, chung mâm, chung giường. Đôi mái đầu xanh giờ điểm bạc còn kề nhau dù nhiều lần giận dỗi cãi nhau mỗi khi ‘ông nói gà, bà nghe vịt’. Hôm qua người bạn điện thoại, đang nói chuyện chợt bên kia im lìm, ông chồng tôi kêu thì bên kia lên tiếng than:

– Trời ơi! tôi đang nói chuyện với ông tự nhiên tôi quên mất mình đang nói gì? Sao dạo này hay quên quá ông ơi
– Thì đến tuổi này là vậy đó không ai tránh khỏi. Tui cũng vậy thôi.

Tôi than với ông xã: ‘Sao giờ hay quên quá, đứng ở bếp định mở cửa tủ lạnh mà quên mất muốn làm gì, lấy gì!’

Tưởng thế nào ông nhà tôi lại nói anh cũng vậy. Rốt cuộc đến thời khắc này ai cũng giống nhau, quên mất tên người mình sắp đề cập, nghĩ mãi không ra. Xem phim trên “net” thấy mặt cô diễn viên quen quá mà nhớ không được tên. Đã vậy nói chuyện về người này không gọi tên họ lại gọi bằng tên khác. Tôi với ông chồng hai người trái ngược. Chuyện cũ tôi nhớ rành rẽ anh lại quên! Chuyện mới xảy ra tôi quên anh lại nhớ. Thỉnh thoảng ông chồng tôi thở dài ngậm ngùi khi nghe tin một người bạn trên danh sách các OCS lần lượt lên tàu ra khơi mãi mãi không về bến cũ. Ai nấy cũng đều trên thất thập cộng thêm ngũ, lục niên là trẻ nhất. Đường đua đời người lại trái ngược, người chạy chậm nhất khi về mức đến lại là người thắng cuộc.

Bây giờ trong túi xách tôi lúc nào cũng có cây viết và miếng giấy, ai nói gì cần làm gì tôi phải viết ngay xuống bởi không đầy năm phút tôi quên mất. Chuyện đáng nhớ lại quên, chuyện phải quên lại nhớ. Không biết đến lúc nào sẽ quên hết tất cả, ngay cả tên tuổi mình, cũng không nhận ra những khuôn mặt của người thân thương trong gia đình. Lúc ấy không còn vui, còn buồn hay đớn đau khổ sở vì cô đơn. Ban nãy xem chương trình sức khỏe thấy bác sĩ bên Mỹ nói: ‘Uống cà phê sẽ giúp tăng cường trí nhớ 30%’ Tôi nói với ông xã:

– Ngày mai em sẽ bắt đầu uống cà phê để tăng trí nhớ.
– Khỏi cần bác sĩ nhắc vì anh đã uống cà phê từ lâu hơn bảy chục năm rồi.

Hy vọng tôi sẽ bớt quên khi uống cà phê, vậy là có thêm một khách hàng nữa cho công ty sản xuất cà phê.

Cỏ Biển
Xuân Ất Tỵ 2025.


(*) Móc ngoặc là hành động thông đồng để được mua hàng với giá xuất xưởng rất rẻ của xí nghiệp, mang ra bán chợ đen gấp mười để ăn phần chênh lệch.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2025