Tết Xưa
TRẦN THỊ NGUYỆT MAI
Thời gian trôi đều đặn theo một chu kỳ. Hết Xuân, đến Hạ. Rồi Thu, tới Đông. Với khí trời mát mẻ mùa Xuân, chuyển sang oi bức mùa Hè, rồi dần mát lạnh vào mùa Thu. Đến khi Đông tới mang cái buốt cóng thấu xương cùng tuyết rơi khắp lối, vương vít đậu lại trên những bãi cỏ xanh thắm ngày Hè và trên những nhánh cành trơ trụi cuối Thu. Trời xám xịt buồn bã như những ngày mưa dầm xứ Huế. Có hôm trời nắng, những tia thủy tinh trong veo nhảy múa, khiến người háo hức ra ngoài, để rồi nhận biết nắng nơi này không như nắng Sài Gòn, chẳng ấm áp chút nào. Vậy mà, diệu kỳ thay, khi Xuân tới, tuyết tan, bầu trời xanh lơ hiền dịu, cây cỏ đâm chồi nẩy lộc và các loài hoa thi nhau khoe đủ sắc màu rực rỡ của thiên nhiên. Tạo hóa xoay vần với bốn mùa nơi tôi đang ở, hết đêm tới ngày, thấm thoát mà hiện giờ số năm tôi sinh sống nơi đây đã vượt khỏi thời gian nấn ná tại quê nhà.
Quê nhà. Có ai rời xa mà không thương nhớ? Nhạc sĩ Phạm Duy đã nói giùm chúng ta. “Tình hoài hương. Khói lam vương tâm hồn chìm xuống... Người phiêu lãng. Nước mắt xuôi về miền quê lai láng. Xa quê hương. Yêu quê hương...” [1] Những lúc nhìn tuyết rơi trắng xóa ngoài trời, tâm hồn chùng xuống, lại nhớ về những kỷ niệm của một thời. Mà đã là kỷ niệm thì có gì lại không đẹp, không nên thơ. “Cho tôi lại ngày nào. Trăng lên bằng ngọn cau. Me tôi ngồi khâu áo. Bên cây đèn dầu hao. Cha tôi ngồi xem báo...” [2] Còn với tôi, đó là khung cảnh hạnh phúc của những buổi tối gia đình đàn hát bên nhau.
Ba đàn cho me hát
Bầy con nhỏ hòa theo
Một khoảng đời tươi mát
Mở ra trong xóm nghèo
Ba chẳng là nhạc sĩ
(Ngày ngày đến sở làm)
Me chẳng là ca sĩ
(Việc nhà phải lo toan)
Nhưng em yêu buổi tối
Nhìn ba nắn phím đàn
Nhìn me lên tiếng hát
Chúng em cùng ca vang
Đi đâu em cũng nhớ
Cảnh sum họp gia đình
Bóng ba me, em nhỏ
Mái ấm đậm thân tình
(Mái ấm – TTNM)
Nhớ lại những ngày tháng thanh bình của miền Nam. Cứ vào mỗi dịp gần tết, để chuẩn bị gói bánh chưng, bà tôi đi chợ chọn mua nếp ngon, đậu xanh, lá dong và ống nứa xanh mướt, dài độ 75 – 80 cm. Khâu chuẩn bị cũng là cả một kỳ công: rửa lá, lau lá cho khô và chẻ nứa làm lạt. Bà ngâm ống nứa vào nước trước khi chẻ để có độ mềm. Đầu tiên là cạo sạch vỏ xanh bên ngoài. Sau đó dùng dao nhỏ sắc pha ra thành những thanh nhỏ và đều, rồi khía từng rãnh nhỏ, ngậm vào miệng, hai tay kéo xuống phía dưới, tách ra những chiếc lạt mỏng, đều. Lạt này được phơi khô để chống ẩm mốc và khi gói bánh sẽ chắc tay, mềm và dễ cột. Đậu xanh được ngâm vào đêm trước ngày gói để sáng thức dậy, bác gái tôi sẽ đãi vỏ sạch sẽ (ngày xưa không có bán loại đậu đã làm sạch vỏ như hiện nay). Bà cũng dặn hàng thịt, đến ngày gói bánh sẽ ra lấy thịt tươi, mang về rửa thật sạch, để ráo, thái và ướp với nước mắm ngon, muối và tiêu trong vài giờ. Bà gói bánh to rất khéo, chặt, đều tăm tắp, được tiếng là ngon, ai cũng khen. Gói xong những chiếc bánh lớn, còn thừa nếp và nhân, bà lại gói một ít bánh con con làm quà cho bọn trẻ nhỏ. Tôi vẫn nhớ những buổi tối đó, tôi hay sang nhà bác Hai xem nấu bánh trong một cái thùng phuy ở ngay gần cột đèn ngoài đường. Các anh lớn con bác lo việc thêm củi vào lò và nấu thêm nước sôi đổ vào thùng phuy để khỏi cạn nước sẽ cháy bánh... Trong khi canh lửa, các anh thường mang đàn ra hát, còn bọn trẻ chúng tôi thì chơi u mọi, nhảy dây... Nhưng chỉ được một hồi, tôi đã buồn ngủ và quay về nhà. Đến sáng thức dậy sang nhà bác thì bà đã vớt và dằn bánh cho ráo nước tự lúc nào...
Ngày tết bà cũng thường kho cá thu trong một nồi đất lớn bên dưới lót lớp trà xanh để át mùi tanh của cá và không bị dính nồi hay cháy khét. Bà nêm nếm tiêu, mắm, muối, đường, nước màu rất vừa, cộng thêm vị chát của trà làm cho cá có vị đặc trưng mà em tôi có lần chia sẻ chưa thấy ai kho cá giống và rất ngon như bà. Cũng nhờ nồi cá thu kho này mà sau tết Mậu Thân 1968 gia đình chúng tôi không chật vật với miếng ăn khi toàn thể chợ búa sinh hoạt thường nhật đều đóng cửa.
Nhớ Bác Hai với món chè kho đặc biệt, chỉ là đậu xanh nấu với đường nhưng phải quấy đều tay trên bếp đã được hạ bớt lửa, rất cực. Khi chè đã sánh đặc như ý, bác nhanh tay múc ra đĩa rồi rắc chút mè rang lên trên mặt. Bác làm rất khéo, thơm ngon. Năm nào Bác cũng dành riêng cho nhà tôi hai đĩa để bày bàn thờ.
Nhớ chợ hoa Nguyễn Huệ người mua kẻ bán tấp nập. Đây cũng là dịp để mọi người tha hồ chụp hình với đủ loại hoa nhiều màu sắc: mai, cúc, thược dược rực rỡ bên những chậu quất sai trái. Gần đó là chợ Bến Thành với những gian hàng bán tết nhộn nhịp đông vui. Nhớ nhất là hãng kem đánh răng Hynos với hình ảnh “anh Bảy Chà da đen” khoe hàm răng trắng tươi. Thêm những gian hàng trái cây, bánh mứt thật bắt mắt và ngon lành như mứt hạt sen, mứt dừa, mứt bí, mứt me, mứt khoai, hồng khô... bên cạnh hạt dưa đỏ thẫm tạo không khí ngày tết thêm rộn ràng. Năm nào mẹ tôi cũng chọn mua một cành mai để chưng bàn thờ và hai chậu cúc vàng để trước cửa nhà. Thẩu mứt thì đầy đủ các thứ mứt và hồng khô cùng các loại kẹo bánh cho trẻ nhỏ.
Sau khi cúng Trời Đất đêm giao thừa, gia đình tôi hay đi sang đền Đức Thánh Trần để lễ Ngài và hái lộc. Sáng mùng Một dậy sớm, chúng tôi xúng xính trong quần áo mới để chúc tết ông bà, cha mẹ, rồi sang các gia đình bà con cô bác... Bác Hai gái được bọn chúng tôi rất yêu quý vì bác nổi tiếng là “sộp”, không phân biệt con hay cháu, nội hay ngoại, luôn cho chúng tôi tiền lì xì nhiều nhất. Những trò chơi được tổ chức trong gia đình như bầu cua cá cọp, ô ăn quan, cát-tê... tạo dịp cho những người thân cùng vui bên nhau và gắn kết hơn.
Những ngày tết đầm ấm ngày xưa ấy còn ở hoài trong tâm trí chẳng thể nào quên. Ước gì mỗi ngày trong cuộc sống của mỗi người chúng ta đều là ngày tết an lành no đủ trong tình thương yêu gia đình. Ước gì những người lãnh đạo ở tất cả các quốc gia trên thế giới đều có tâm lành, chấm dứt mọi cuộc chiến tranh, dành thời gian xây dựng đất nước, lo lắng cho dân chúng luôn được ấm no, hạnh phúc và được quyền sống với đủ phẩm cách con người thật sự thì cuộc sống này sẽ tốt đẹp biết bao!
Trần Thị Nguyệt Mai
16.11.2024
[1] Tình Hoài Hương – Phạm Duy
[2] Kỷ niệm – Phạm Duy |