SỐ 105 - XUÂN ẤT TỴ - THÁNG 1 NĂM 2025

 

THẾ DŨNG LÀM THI SĨ

(Đọc “Thủa kinh dịch lưu vân tay Lạc Việt” của Thế Dũng)

Đặng Huy Giang

Hơn 40 năm trước, Thế Dũng đã để lại một vết khắc không thể nào quên, trong lòng độc gỉả đương thời với bài thơ “Viết trong ngày Indira Gandhi từ trần”. Bài thơ làm bao người như được tỉnh thức ngay từ khổ đầu tiên. Với những cảm xúc nghẹn ngào, thương tiếc...Thế Dũng đã thốt lên: “Chúng bắn lén! Trời ơi, hèn hại quá/ Ngực tôi òa tiếng khóc con trai/ Người - biểu tượng mà tôi hằng ngưỡng mộ/ Đã bất ngớ bị bắn giữa ban mai”. Trong cái cảm giác “tôi run lên như điện giật ngang trời”, Thế Dũng nhận ra một hiện thực xa xót: “Cái ác” thì “điên cuồng, man rợ”, “Cái thiện giữa trời xanh” thì “phẫn nộ”. Trong bài thơ này, ông đã chọn và gửi một thông điệp: “Là yêu thương vĩnh viễn con người”.

Đối với mỗi bài thơ, quan trọng là thông điệp. Không có thông điệp, thơ không có chỗ để nương tựa và bấu víu, không có lý do để tồn tại. Cao hơn thông điệp, đương nhiên là tư tưởng.

Sau đó, trong một bài thơ khác: “Nói làm sao để tro than nảy mầm”, về cơ bản, Thế Dũng vẫn hướng tới yêu thương, nói cụ thể hơn là lời yêu thương. Thế Dũng coi lời yêu thương có sức mạnh rất lớn, có  tác dụng chữa lành cho thế gian này. Và một lời của ông mới đáng trân trọng, đáng khắc cốt ghi xương làm sao!

Một lời: Cỏ hóa thành hoa
Một lời: Hoa hóa thành Tro bàng hoàng
Lời yêu ghét giữa nhân gian
Nói làm sao để tro than nảy mầm?

Cái tâm thế này luôn đeo đẳng Thế Dũng đến suốt cuộc đời, dù ở bất cứ đâu và bất cứ hoàn cảnh nào. Ở “giữa cuộc đời đen trắng mãi không thôi”, Thế Dũng vẫn “thương nhớ thời lính trận” - cái thời ông gắn bó với Trường Sơn, sống chết cùng Trường Sơn. “Vẫn buồn như ngựa hát trời xanh”, là tên một câu thơ và cũng là tên một bài thơ khác lạ của Thế Dũng. Trong bài thơ này, có một câu, đọc lên là nhớ: “Quân phục mênh mang tuổi dại khờ” và tôi chưa từng thấy ai thấy như vậy, cảm như vậy và viết như vậy về một thời Trường Sơn thăm thẳm và không thể nói là không đáng nhớ.

Thế Dũng luôn mang cái hàm chứa, cái phổ quát, cái tận cùng  vào thơ mình và như thoát thai vào đó để bộc lộ mình với một chiều kích lớn, ngỡ như không có chúng thì không có ông. Hoặc ngược lại. Ông luôn đặt ông vào tình thế dữ dội. “Sấm rền im ắng/ Câm nín chẳng xong/ Chân mây thảng thốt/ Mặt người thật không?/ Âm - dương vần vũ/ Gió đi dưới trời...” trong “Gió đi dưới trời” là ví dụ thứ nhất. “Từng đêm tự mở phiên tòa/ Từng ngày tự héo để mà tự tươi” trong “Có ai sống được một mình” là ví dụ thứ hai. “Cùng tắc biến. Biến tắc thông. Biết vậy.../ Nhân - quả đời đều tự mình thôi/ Không thể cứ phàn nàn số phận/ Khi ta đã tự tung tự tác ta rồi” trong “Không thể cứ phàn nàn số phận” là ví dụ thứ ba. “Đã ly hương là chấp nhận lưu đầy” trong “Con người sinh ra không phải để lang bạt” là ví dụ thứ tư. “Tự lật đổ mình liên tục/ Phiêu lưu vàng đá đã đời” trong “Tôi bay vì nghiện chân trời” là ví dụ thứ năm.
     Nhiều lúc thơ ông rất thân phận và cảm giác “từ chân trời một người” đến “chân trời tất cả” là rất rõ: “Vui huyên náo cả trởi sầu/ Nghe người nặng nỗi cơ cầu muôn nơi/ Buồn vì đã cuối ga đời/ Vui vì mình vẫn khóc cười bên nhau(“Vô đề”). Có lúc, thơ ông mang lời cảnh tỉnh và tính dự báo rất đáng kể: “Ta uống Vientiane ngược dòng nước lớn/ Đêm Chăm Pa bao huyền sử oán hơn/ Phải nói hết những lời chưa thể nói/ Đã đến lúc rồi, không thể muộn hơn” (“Đã đến lúc rồi không thể muộn hơn”).

Tuy khẳng định “Cuộc sống đương nhiên là vô giá”, nhưng Thế Dũng vẫn khẳng định thêm: “Cũng chưa bằng đích thực một tình yêu”. Với Thế Dũng, tình yêu chính là “Bao cầu đã vượt qua sông lớn/ Vầng trăng tan vỡ tuổi ba mươi/ Mê đắm sông trăng say khướt cầu dải yếm/ Dải yếm đứt tung chết đuối chân trời” (“Thủa kinh dịch lưu vân tay lạc Việt”). Có lúc, ông còn xác quyết đầy trải nghiệm và cũng thật khác người: “Hạnh phúc chính là đớn đau” (“Câu thơ vẽ mặt chữ điền”). Không phải ai cũng tự ví mình “như cánh diều phiêu lưu cơ cực/ Không đứt day chao đảo chân trời” như Thế Dũng, nhưng cũng không phải ai yêu đến tận cùng đất nước mình hoặc yêu đất nước mình đến tận cùng như Thế Dũng. Ông yêu đất nước mình đến nỗi: “Đêm qua bão ngoài Tư Chính/ Chiều nay giông tố bốn bề/ Không kịp về hồ Lục Thủy/ Đành ngồi gấp khúc sơn khê” (“Đành ngồi gấp khúc sơn khê”) và “Đau thương nào cũng cần Tổ quốc/ Bước đường cùng thảng thốt: Mẹ ơi!”. Hiếm có người nào say mê mình, yêu mình như Thế Dũng. Ông suốt đời theo đuổi một hành trình:  “Tôi đi tìm tôi ngây ngất/ Sống như trẻ lạc bao ngày”, đến nỗi: “Chân thân tả tơi tất bật/ Trầm luân như bị giời đầy”, cũng cốt để “Giây lát chân nhân hiển lộ”. “Giây lát chân nhân hiển lộ” cũng là lúc ông ngộ ra mình, ngộ cái cốt lõi của chữ người đích thực và trở về mình mạnh mẽ nhất. Với ông, ngộ ra điều ấy không phải dễ khi: “Chưa từng hóa thân trong lửa/ Làm sao xuyên tuyết âm thầm/ Nếu không tha hương biền biệt/ Dễ gì thấu hiểu chân nhân”. Và còn gì đau đớn hơn và bi kịch khi: ‘Bom đạn tương tàn ly tán/ Tới khi một dải nối liền/ Tha hương muôn phương phiêu bạt/ Giấc mơ cơm áo gạo tiền” (“Lẽ nào đất lại mồ côi’).

Tôi không biết Thế Dũng có là người hay rượu không, nhưng ông lại có những câu thơ viết thật hay về rượu và sự uống rượu, về việc đời và việc người quanh rượu: “Ngày ấy thiếu nhau không thành rượu” (“Rượu đã đầy ly thì cứ cạn”), “Cứ ngỡ quăng thân vào đáy cốc/ Chạy trốn đắng cay được dăm lần/ Càng uống…khốn nạn…lại càng tỉnh/ Thiên la - địa võng hành miên man” (“Đau thương nào cũng có Tổ quốc”). Còn trong nghiệp viết của mình, trước sau như một, Thế Dũng là một con người ngạo nghễ với ý nghĩ lớn, tâm sự lớn về thơ và tuyệt đối hóa vai trò của thơ.

Đọc hai bài  “Vẫy bút làm mưa gió” và “Cội rễ ngàn năm bỗng bật chồi” của Thái Hoàng Duy ở “Thay lời cuối sách”, bạn đọc sẽ thấy người  đồng nghiệp của Thế Dũng đã ngậm ngùi chia xẻ với ông khi rời nước ra đi vẫn  “Vẫy bút làm mưa gió” và hoan hỷ hội ngộ cùng ông:

Về đây đất Rồng thiêng tụ hội
Cội rễ ngàn năm bỗng bật chồi

Thơ Thế Dũng giàu trải nghiệm, có nhiều nét vạm vỡ và hào sảng. Đi nhiều, sống nhiều...tất nhiên sẽ có nhiều trải nghiệm. Vạm vỡ, hào sảng...thường phụ thuộc vào khí chất và tạng người. Trên cái căn cốt ấy mà thơ ra đời. Trong làng thơ nói chung, có một người làm thơ như Thế Dũng là rất hiếm, đáng trân trọng.

Thêm nữa, “Thủa kinh dịch lưu vân tay lạc Việt” là một tập thơ được viết rất kỳ khu. Trước khi cho ra đời tập thơ này, tác giả của nó đã đọc kỹ và tham khảo những 37 cuốn sách có liên quan tới Kinh Dịch và Lý số. Cho nên cái chất Kinh Dịch và Lý số mới ngấm vào thơ một cách tự nhiên. Tiếc rằng tôi không có kiến thức về hai lĩnh vực này nên không thể khám phá thêm được về cái khác thường, cái khác biệt của tập thơ. Vả lại, nhà phê bình Đỗ Trường trong bài giới thiệu “Tinh hoa Việt ẩn thân nhiều Quốc tịch” (thay cho lời vào sách? ) cũng đã phát hiện ra nhiều thông điệp quan trọng mà Thế Dũng muốn gửi tới bạn đọc qua tập thơ “Thủa Kinh Dịch lưu Vân ta Lạc Việt”. Đồng thuận với Đỗ Trường cho nên tôi cũng thấy mình nên kiệm lời.

Viết đến đây, tự dưng tôi lại liên hệ đến bài thơ “Làm thi sĩ” của Seifert - nhà thơ người Tiệp Khắc  đoạt giải Nobel văn chương 1984. Đây là khổ thứ ba và thứ tư của “Làm thi sĩ”:

Thả bông hoa vào chén rượu
rồi tôi thắp nến
và bắt đầu sáng tác những câu thơ đầu tiên

Hỡi ngọn lửa của ngôn từ, ngươi hãy bùng lên
và bốc lửa...

Tôi chưa từng thấy ai nói về sự sinh thành của thơ nói riêng và thi ca nói chung mà thiêng liêng, cao quý đến như vậy! Thế Dũng cũng thế! Ông luôn coi thi ca là cõi thiêng. Cả đời mình, không phải ông làm thơ mà ông làm Thi sĩ.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2025