THƯ, GỞI.
THƠ, KHÔNG GỞI.
Từ tiền chiến, Nguyễn Xuân Sanh, người làm thơ tượng trưng đã viết một câu tượng trưng hết sẩy. Thư, gởi. Thơ, không gởi.
Thư, gởi. Thơ, không gởi.
Năm chữ ngắn ngủi, cộc lốc, rạch ròi đủ tỏ ra cái vẻ dứt khoát, thẳng thừng, không có gì để bàn cãi nữa. Thư, viết thì gởi - dẫu đã có biết bao nhiêu lá thư đã được viết ra mà không được gởi kiểu ông Lôi Tam từ những năm sáu mươi. Nếu em trách tôi sao hờ hững, tôi chỉ mỉm cười mà chẳng dám thanh minh. Em đâu biết tôi, đã thức suốt năm canh viết lên bóng tối muôn vạn bức thư tình chẳng bao giờ chấm dứt... (ờ nhưng mà đó lại là chuyện khác, thứ chuyện nhủn nhẳn nhùng nhằn, loại có có không không ma mị của địa hạt... ái tình!). Còn thơ, dù viết, làm hay mần gì cũng đều dứt khoát là không gởi. Đã có lần Dương Khuê nói về cái chuyện thơ-không-gởi này nghe mà thương hết sức. Câu thơ nghĩ đắn đo không viết. Viết đưa ai ai biết mà đưa.
Gởi hay Không gởi. That is the question.
Từ đó đặt ra mối tương quan giữa thơ và người làm thơ với người đọc thơ. Và như vậy không khéo lại lần xần đụng chạm tới cái chuyện nhức đầu kinh niên của nhân loại. Nghệ thuật vị cái gì, vị nghệ thuật hay vị nhân sinh? Ôi cái chữ “vị” tội nghiệt, đầu mối của bao nhiêu oan trái! Cái vấn đề bất kham, to lớn, nặng nề, nhức đầu, mệt óc, làm bộ làm tịch, kiến trắng gọng vàng... mà chẳng đem lại được chút gì “thư giản” cho cái cõi thế nhân đã quá đỗi bôn ba. Nhất là chẳng thêm thắt được chút gì mặn ngọt cho nghệ thuật mà hương vị vốn đã đủ mùi. Trong khi văn-chương-hạ-giới thì cũng vẫn cứ rẽ-như-bèo y như thời ông Tản Đà đã có lần cảm thán.
Vả lại, này... quân bất kiến hoàng hà chi thủy thiên thượng lai bôn lưu đáo hải bất phục hồi...! (*)
Vậy thì còn bày đặt làm chi mà gởi hay không gởi.
Thì cũng bởi cái thói thày lay, thấy đâu nói đó, mà nói rồi thì bỏ. Cho vui.
Vấn đề không phải là gởi hay không gởi. Vấn đề là có gì để gởi hay không. That is the question.
Cái chuyện thư thì chắc khỏi nói khỏi bàn. Còn lại cái chuyện thơ, thì có nói có bàn tới mơi cũng không hết. Đã không hết mà cũng không thông. Và chắc chắn là chuyện đâu còn nguyên đó, kiểu như... cạn ly đầy rồi rót đầy ly cạn. Chỉ tội cho mấy cái vỏ chai không rồi bỏ lăn lóc giữa đàng.
Như vậy, thư thì bảo đảm gởi dẫu không phải lúc nào cũng cần gởi bảo đảm thư. Hổng gởi sao viết. Thăm hỏi. Tỏ tình. Kể lể. Xin xỏ. Hăm dọa. Đòi tiền đòi nợ. Vân vân và vân vân... Có một ngàn lẻ một lý do để viết một lá thư. Đầu thư thì đề ngày đề tháng đề năm. Cuối thư thì ký tên (thiệt giả thì lại là chuyện khác). Luận văn thị phạm đã rành rành như vậy.
Thơ, làm thì làm, mần thì mần. Vậy thôi. Có khi có chuyện gì đó thì làm mà có khi không có chuyện gì hết cũng mần. Lu bu là ở chỗ đó. Rồi có khi có chuyện thì hay mà không có chuyện gì hết cũng hay. Lại lắm lúc có chuyện mà lại dở òm. Cho nên gởi hay không gởi cũng là ở đó.
Nguyễn Xuân Sanh. Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi. Hồn xanh ngát trở dấu xiêm y.
Gởi cái gì trong hai câu thơ này. Mà gởi để làm gì. Trong bao nhiêu người đọc có bao nhiêu người hiểu. Mà hiểu, chắc gì đã hiểu đúng. Mà thế nào là đúng thế nào là sai. Hơn bốn mươi năm trước đọc tới câu Kiều biết thân đến bước lạc loài nhụy đào thà bẻ cho người tình chung đã tấm tắc khen hay. Bốn mươi năm sau đọc lại cũng thấy hay. Cái hay trước là cái hay của cô Kiều tiếc nuối cái chuyện để lỡ của cổ. Cái hay sau là cái hay của chính mình tiếc nuối cái chuyện bỏ lỡ của mình. Cái tiếc sau nó đau hơn cái tiếc trước. Vậy thì cái tiếc nào đúng ý Nguyễn Du hơn. Hiểu hơn (khác) cái ý của tác giả có phụ lòng tác giả không?
Người ta cứ hay than phiền cái chuyện vẽ rắn thêm chân. Rồi người ta cũng đã bỏ ra không biết bao nhiêu công sức để tra cứu, hiệu đính, bổ túc, đính chánh... cốt để phục hồi cho bằng được nguyên bản của các tác giả cổ điển. Làm như lộn một chữ, sai một nghĩa là phản bội tổ tông. Vậy chớ chừng cắt nghĩa, bình giải... đã chắc gì đúng phóc cái ý của ông bà, đã sống và làm thơ từ vài ba mươi năm, một hai trăm năm trước. Đời xa người cũng xa. Hổng chừng hồi nẳm khi làm thơ ổng bả đâu có nghĩ như trong mấy cái cái cuốn giảng luận giảng văn sau này mà bao nhiêu thế hệ học trò trung học đã dùi-mài-kinh-sử. Mình có phải là bà huyện của huyện Thanh Quan đâu mà dám biểu bả không có tình ý gì khác hết ngoài cái tình non non nước với phu phu phụ phụ cùng ông huyện Thanh Quan trong hai câu kẻ chốn chương đài người lữ thứ lấy ai mà kể nỗi hàn ôn. Trang Tử đâu có phải là cá mà nói đúng chuyện cá.
Hồi còn dạy học, khi giảng Chinh Phụ Ngâm tới câu nhủ rồi nhủ lại cầm tay, bước đi một bước giây giây lại dừng, trước mấy chục cặp mắt nai tơ (hay gấu con) đang hau háu nhìn lên thán phục, tôi hay nổi hứng bất tử bỏ bài bản sửa lại theo cái câu đã đọc được đâu đó một lần nhủ rồi nhủ lại cầm tay, bước đi một bước lại vin áo chàng. Chắc bà Đoàn thị Điểm điềm đạm đoan trang hơn tôi (cái đó là cái chắc) nên chỉ dám đứng ở xa xa mà dùng dằng nửa đi nửa ở. Chớ còn tôi thì tôi khoái cái kiểu tình-tứ-sát-mà-không-sát của cái động từ “vin” hơn nhiều. Đọc lên nghe đã đã mà nghĩ ra lại còn đã hơn nữa. Nấn níu. Muốn kềm mà không dám. Muốn buông mà không đành. Sao mà tình tứ, dịu dàng, e ấp, vịn mà không vịn, rờ mà không rờ, níu mà không níu. Chỉ “vin” thôi!
Ôi cái cảnh biệt ly sao mà lê thê đến vậy! Mà giảng như vậy có quá ý bà Đoàn thị Điểm hay là có bị gán cho cái tội phạm thuần phong mỹ tục hay không (chắc là có!) Tôi không biết. Có điều tôi cóc cần. Hai ba trăm năm qua rồi. Người làm thơ làm theo ý mình. Tôi đọc thơ theo ý tôi. Mấy ông khoa bảng học giả nghiên cứu gia... làm chuyện của mấy ổng. Tôi đọc thơ (làm lại thơ) theo tâm hồn tôi, theo “sáng tạo” tôi... nghĩa là thơ có chủ ý gởi hay không, tôi cứ nhận theo cách của tôi vậy.
Thư, gởi. Thơ, không gởi.
Vì thơ không gởi nên cái chuyện lu bu ở trên càng dễ tính hơn nữa.
Người làm thơ, trước hết, làm thơ là làm cho chính mình. Kể cả mấy bài thơ tán tỉnh tỏ tình... có kêu tên khai tuổi hẳn hoi. Đầu tiên và sau cùng, hồn thơ vẫn là của riêng tây, nỗi xúc động, cơn hứng tình vẫn mãi là cái hoạt động bí ẩn và cá nhân nhất của mỗi người, cho nên thơ, đầu tiên và sau cùng, vẫn mãi riêng là của người đó. Cô tình nhân, bà hàng xóm, nàng láng giềng... hay gì gì đi nữa vẫn là ngôi thứ hai, vẫn là cái vật ngoại thân - cùng lắm là đối tượng mà hễ là đối tượng tức là có ta và người (cái lối mơ mơ màng màng mình-với-ta-tuy-hai-mà-một-ta-với-mình-tuy-một-mà-hai chẳng qua là lời dỗ ngọt khi người ta tìm cách trộn lộn vào nhau máu huyết xương thịt, chớ còn chuyện thơ văn thì... thiệt tình là... hồn ai nấy giữ ). Mọi thứ, kể cả trời trăng mây nước, mùa màng thời tiết, hoa lá với bướm ong, mỹ nữ với giai nhân, v.v... và v.v... mọi thứ mọi vật mọi người mọi chuyện trên cái cõi đời chằng chịt giây mơ rễ má này đều có thể trở thành chất xúc tác, tạo cảm hứng để làm thơ nhưng rồi ra cũng chẳng ăn nhằm gì hết với cái hoạt động bí ẩn, mù mù mờ mờ không có gì là luận lý ráo trọi của cái-việc-gọi-là-làm-thơ. Dẫu có nói là hứng tới đâu mà làm không ra thơ là... không ra thơ. Làm thơ! Đó là một hoạt động trí năng ở mức độ sơ đẳng nhất, nghĩa là hồn nhiên nhất. Dẫu có học thiên kinh vạn quyển, có vài ba cái bằng bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ... ( ý là chưa kể đến mấy ông phó-tiến-sĩ ở quê tôi vốn đã mất dạng đằng sau không biết bao nhiêu là tầng khói-sóng ), nghĩa là chữ nghĩa dù có đào luyện trau dồi nhuần nhuyễn cách mấy đi nữa, ngôn ngữ có uyên bác tới đâu đi nữa mà không làm được thơ là không làm được thơ! (dĩ nhiên ở đây nói thơ là thơ chớ không phải là mấy bài vè quảng cáo, mấy câu gọi là thơ-chúc-tết của ông-bác-đã-chết-mãi-trong-lòng-chúng-ta, hay chúc thọ chúc phúc lẫn nhau mỗi năm tết đến...)
Như vậy nếu có gởi cũng chỉ là một tác động phụ thuộc, thứ yếu. Bài thơ trước sau vẫn là của riêng người làm thơ. Không gởi.
Vậy, nếu đã không có chủ ý gởi thì cái việc nhận là chủ ý của người đọc. Chính người đọc tìm đến với thơ, chính người đọc thơ làm cái việc mà người làm thơkhông màng tới mà dẫu có màng tới cũng chẳng thể sơ múi được gì. Thơ không ra thơ thì dẫu có tiền vàng bạc biển người ta cũng không mê. Thơ mà hay thì dẫu có đào mồ chôn kín cũng có ngày người ta đào lên mà mằn mò mê mẩn. Cái đẹp tự nhiên của thơ hay nói chung của nghệ thuật là ở đó. Người làm thơ lơ lửng như trăng và người đọc thơ cũng lửng lơ như gió. Gió đưa trăng thì trăng đưa gió. Nó lả lướt, lãng đãng, nhẹ nhàng và phiêu hốt vậy đó. Ở đây không ai trách nhiệm với ai, không ai dụ dỗ ai, không ai đổ thừa cho ai hết. Ở đây là một cuộc đối thoại thầm lặng, bi tráng và tự chủ. Gió đưa trăng thì trăng đưa gió.
Xuân Diệu. Ai đem phân chất một mùi hương.
Hay bản cầm ca, tôi chỉ thương
Chỉ lặng truồi theo dòng cảm xúc
Như thuyền ngư phủ lạc trong sương
Vâng, đọc thơ là vậy đó. Đọc thơ là trực giác. Đọc thơ, khoái thì nói khoái. Không khoái là không khoái. Có một sát na gì đó không ăn khớp. Có một mảy may nào đó bị trật chìa. Khỏi bỏ công tìm hiểu, khỏi thắc mắc lôi thôi. Không ai mượn.
Toại Khanh. Ba ngàn thế giới vo tròn
Nhỏ lên giọt mực chi còn trang thơ.
Đủ quá rồi. Nói gì nữa. Hãy im lặng cho bằng cái im lặng trầm thống của thơ. Người làm thơ đã không có ý gởi thì người đọc thơ cứ sảng khoái mà đọc thơ. Đừng khiên cưỡng làm chi mà tủi hồn thơ. Người làm thơ đã làm thơ trong tình cảnh cô độc cùng cực của mình. Khi đó chỉ có hắn trực diện với đoạn trường mình, chỉ có hắn đánh đu với định mạng mình, chỉ có hắn xoay trở với tài hoa mình... Làm được thơ hay không cũng chỉ có hắn và hắn mà thôi, không vợ con bồ bịch nào mó vô được cũng như không có chính ủy với đảng ủy nào xía vô được...
Thì người đọc thơ, một cách công bằng, hãy tôn trọng cái tâm cảnh nghiệt ngã mà vô cùng ngạo nghễ đó. Nghĩa là hãy đọc vì mình chớ không vì người. Nghĩa là hãy đọc rồi chờ cho tiếng thơ đó lắng dội vào lòng mình... những dư ba!
Và từ đó, mỗi một người thụ cảm một cách riêng, bằng kinh nghiệm của chính riêng mình. Không ai giống ai.
Và điều đó cũng có nghĩa là, bạn ơi, hãy ngạo nghễ làm thơ. Làm thơ cho mình và không gởi. Mà có gởi đi (đi đâu?) thì cũng coi như gởi-gió-cho-mây-ngàn- bay kiểu như hai ông Đoàn Chuẩn với Từ Linh đã gởi từ mấy mươi năm trước. Ai có đọc thì cám ơn. Mà không đọc được... cũng cám ơn.
Cao Vị Khanh
(*) Tương tiến tửu, Lý Bạch |