Trò Chuyện Với Nhà Văn Đặng Mai Lan:
Người Lạ Người Quen
Triều Hoa Đại Đặng Mai Lan
Với trên, dưới (50) lần "đi đó, đi đây” và sau cùng chúng tôi đã gửi đến quý độc giả, quý văn hữu ba (03) cuốn sách thuộc dạng phỏng vấn VĂN HỌC đó là:
LÊN RỪNG ĐẾM LÁ do nhà Văn Mới xuất bản (2005)
TRĂM CÂY NGHÌN CÀNH do Văn Học Mới ấn hành (2020)
ĐỐT LỬA. SOI RỪNG do nhà xuất bản Nhân Ảnh (2023).
Chính vì thế mà chúng tôi đã có cái may mắn được gặp gỡ rất nhiều văn nghệ sĩ, những người mà có lẽ hầu như cả cuộc đời của họ chỉ sống cùng và sống với chữ nghĩa. Cũng qua những lần chuyện trò ấy mà tôi đã học hỏi được từ họ những cái hay, cái đẹp mà trước đây khi còn ngồi ở trên ghế nhà trường tôi cũng đã từng học qua, nhưng chữ thầy tôi lại trả về thầy.
Ngồi trò chuyện cùng với nhà văn Đặng Mai Lan hôm nay như đã làm sống lại trong tôi những ngày xưa cũ bởi những gì chị đã đi qua và để lại, chúng ta cũng thấy được tấm lòng sắt son với chữ từng chữ, dòng, từng trang ở nơi bàn viết xa tắp quê nhà. Và, nếu như Nguyễn Đức Sơn có lần đã viết Nếu truyện dài là một chuỗi ngọc, thì truyện ngắn ít ra cũng phải là một hạt minh châu, thế thì với văn phong của Đặng Mai Lan là cả một sự hội tụ giữa ngọc ngà và những lấp lánh của những hạt kim cương bởi qua những tác phẩm mà chị đã lần lượt gửi đến tay người đọc như:
- Phòng 111 (tập truyện - Văn/2000)
- Tập Sống (tập truyện - Văn Mới/2009)
- Người Lạ Người Quen (tạp văn - Văn học Press / 2018)
- Sương Ký Ức (truyện dài - Văn Học Press 2020)
- Biển Khơi Normandie tái bản lần thứ nhất / 2024
- Đi Tìm Quá Khứ (tạp văn - Văn Học Press 2021)
- Văn Tuyển 30 (tập truyện - Biển Khơi Normanndie/ 2022)
- Một Tuần Một Đời (truyện dài - Biển Khơi Normandie 2023)
Từng ấy tác phẩm cũng đủ cho chúng ta thấy được cái tinh anh ở nơi chị thoát ra từng con chữ.
Chúng tôi hân hoan chào mừng quý độc giả và rất vui mừng mời mọi người cùng dành đôi chút thời gian có được tham dự buổi trò chuyện này với chị Đặng Mai Lan, một nhà văn rất được yêu quý.
Nào, giờ thì chúng ta cùng nhau hàn huyên với nhà văn.
Triều Hoa Đại: Chào chị Đặng Mai Lan.
Đặng Mai Lan: Chào anh Triều Hoa Đại.
Thđại: Thưa chị, trước khi chúng ta bắt đầu câu chuyện tôi nghĩ có lẽ phải xin phép chị tự giới thiệu đôi chút về mình.
ĐML: Thường thì phụ nữ không thích nói thật về tuổi tác. Đặng Mai Lan cũng không ngoại lệ đâu! Nhưng bây giờ, vào tuổi này chẳng có gì tránh né, che giấu. Tôi chỉ xin được trả lời hai câu tóm gọn về “tuổi tác-nghề nghiệp của mình.
1/ Thời sinh tiền ba tôi là một nhân viên của sở Hỏa Xa “Les chemins de fer de l'Indochine”, ông làm việc ở các nhà ga từ Nam ra Bắc. Vì vậy, gia đình thường xuyên thay đổi chỗ ở. Anh chị em chúng tôi mỗi người sinh một nơi. Tôi ra đời ở một tỉnh lỵ miền Trung vào năm 1954.
2/ Tôi làm việc trong ngành thời trang, làm cho những thương hiệu lớn. Dù làm việc với kim chỉ-vải vóc, nhưng tôi không phải là thợ may, styliste hay modéliste. Tôi chỉ là một người thợ mà tiếng Pháp gọi là “Retouches Modèles”. Là người sau cùng hoàn tất những trang phục trước khi được đưa lên sàn trình diễn, hay chụp hình làm sưu tập quảng cáo. Cho đến bây giờ đã nghỉ hưu nhiều năm, nhưng tôi vẫn đi làm lai rai vì yêu thích công việc này. Công việc mà tôi có cơ hội gặp gỡ những người mẫu, ca sĩ, diễn viên, hay những nhiếp ảnh gia nổi tiếng dù không trực tiếp. Và được biết trước những kiểu mẫu thời trang, trước khi chúng được tung ra thị trường. Những người bạn của tôi nghe kể về công việc này thì thích lắm. Nên tôi cũng xin phép được khoe một chút.
Thđại: Cám ơn chị.
Thđại: Mới đây nhà văn Nguyễn Quang Thiều, chủ tịch hội Nhà Văn Việt Nam, đã có lời phát biểu như sau: “Nobel không phải là đích đến của một nhà văn”. Vậy cái “đích đến của nhà văn” như chị là gì?
ĐML: Nhà văn khi viết sách họ hướng tới độc giả. Độc giả là những người có thể chắp cánh cho họ bay cao. Có ai dám nghĩ và mong mình sẽ đạt được giải Nobel. Trừ khi, họ đã từng được lãnh những giải thưởng cao quý như “Prix de la Renaissance, Renaudot, Pulitzer, Médicis”…
Thđại: Nhà văn theo nhiều cách nghĩ thì họ phải là những người có cái TÂM, có cái TÀI bởi vì họ (nhà văn) là người kể chuyện hay, người biết phù phép những con chữ vô hồn thành tác phẩm. Là một nhà văn, chị có ý kiến gì về vấn đề này?
ĐML: Thưa anh, thực sự tôi chưa hiểu rõ chữ “TÂM” anh nói thuộc về phương diện nào? Có phải là sự cần cù, siêng năng? Hỏi điều này vì tôi có người bạn văn, ngày nào chị cũng mở máy ra viết. Không sáng tác thì viết những cảm nghĩ đầu ngày, trong ngày. Viết như viết nhật ký. Tôi phục lăn chị bạn vì tôi không làm được điều này.
Tôi nghĩ, viết gì thì viết phải có sự thu hút, dẫn dắt người đọc vào câu chữ, sự suy nghĩ, tâm tư của mình. Thế nên “Tài” chắc chắn phải có. Nhưng chữ tài thì đa dạng lắm.
Thđại: “Thơ là sự xuất phát ở nhu cầu bản thân, còn văn thì đáp ứng nhu cầu ở bên ngoài”. Là nhà văn chị nghĩ sao?
ĐML: Có lần trò chuyện với cụ cựu luật sư Trần Thanh Hiệp về văn chương. Xin được mượn câu nói của cụ mà tôi hoàn toàn đồng ý để trả lời câu hỏi này: Thơ là tiếng nói của con tim. Văn xuôi là diễn tả tư tưởng. Thơ tự trong con người ra. Tạo ra những hình ảnh và đặt tên những hình ảnh thì chính là thơ!
Thđại: Được biết hiện nay đang sinh sống tại Pháp Quốc, vậy có khi nào chị “toan tính” sẽ có một tác phẩm bằng ngôn ngữ của người bản xứ?
ĐML: Những nhà văn Việt Nam khi đã thành danh, có người nào lại không mơ tác phẩm của mình được dịch ra Anh Ngữ hay Pháp ngữ. Bảy năm trung học, sinh ngữ chính của tôi là Anh Văn. Nên khi đến Pháp tôi trầy trật với ngôn ngữ này. Khả năng Pháp ngữ của tôi chỉ đủ để giao tiếp, hiểu chút tin tức, hay “cự nự-phản đối” chef lớn, chef nhỏ trong công việc (cười…)
Tìm một người dịch đúng như câu văn, ý chữ của mình không phải là chuyện dễ. Tôi đã từng trả tiền cho một nhóm dịch thuật ở VN dịch thử hai truyện ngắn. Nhưng bản dịch ấy chỉ làm tôi cười và tôi đã quên nó đi ngay khi đọc.
Thđại: Khi ngồi vào bàn làm việc đối diện với ngọn đèn, cây viết và tờ giấy trắng hay màn hình, điều đầu tiên mà chị nghĩ sẽ là điều gì, viết gì?
ĐML: Hình như tôi không có thì giờ để suy nghĩ là mình sẽ viết điều gì. Vì những điều muốn viết đã được ươm mầm, thành hình trong trí não trước khi tôi mở máy, bật màn hình.
Thđại: Mới đây chắc chị cũng đã biết nhà văn nữ của Nam Hàn là Han Kang vừa đoạt giải văn chương một giải được cho là cao quý nhất, người đã có nhận định rằng: “… văn xuôi đầy chất thơ mãnh liệt đối mặt với những chấn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người”, chị có đồng tình với Han Kang?
ĐML: Tôi nhớ có nghe một nhà phê bình Văn Học cho rằng: Nhà văn phải thở cùng những hơi thở của thời đại mà họ đang sống. Đại khái những tác phẩm kinh điển, có giá trị thường được lồng trong bối cảnh lịch sử, xã hội… Khi nghe tin Han Kang được giải Nobel, tôi tìm đọc những tác phẩm của bà. Nhưng chỉ đọc được truyện "The White book”. Tuy nhiên có những tác phẩm được các tác giả nổi tiếng giới thiệu, dù chỉ tóm tắt sơ lược cốt truyện, nhưng tôi nghĩ, có lẽ không còn gì có thể hay hơn khi gọi văn chương của bà là: “những chấn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người"
Thđại: Việt Nam “là một nền văn học nghiệp dư” đó là nhận xét của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, còn với chị thì có phải như vậy hay chăng?
ĐML: Thưa anh, không biết nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc đã nói lên những nhận xét này từ khi nào? Và theo anh ấy, ý nghĩa của bốn chữ “văn học nghiệp dư” phải chăng là nền văn học của chúng ta chỉ nằm trong ao làng VN, chưa được hay chưa thể vươn mình ra thế giới? Nếu đúng thế thì tôi nghĩ cái nhận xét ấy cần được xét lại. Thế hệ trẻ ngày hôm nay như nhà văn quá cố Linda Lê, Kim Thúy… họ đã nhận lãnh những giải thưởng văn chương như "Lire RTL", "Prix de la Renaissance”, “Renaudot", và mới nhất là Nguyễn Thanh Việt với “Pulitzer”. Cũng phải kể đến nhà văn Dương Thu Hương, bà đã có nhiều tác phẩm được dịch ra Pháp ngữ, và được mời lên đài truyền hình Pháp trong chương trình hội luận văn chương. Theo tôi, không nên bi quan quá.
Thđại: Có người cho rằng: “Hầu hết nhà văn Việt Nam đều mắc phải một chứng bệnh khó trị, sự dễ dãi và lười nhác trong tư duy sáng tạo” là nhà văn chị có đồng ý hoặc phản bác về nhận định này?
ĐML: Tôi thực tình không dám phản bác hay nhận định về câu nói này. Bởi theo tôi, chỉ có một tác phẩm "hay", lôi cuốn người đọc từ trang đầu đến trang cuối. Hoặc “dở”, là chỉ đọc vài trang, đọc lưng chừng rồi gập sách.
Thđại: Nghe phong phanh đâu đó thì hiện nay chị đang sửa soạn trình làng một truyện dài, vậy cái "nghe phong phanh” ấy thực hư thế nào?
ĐML: Thưa anh, quả là tôi đang muốn hoàn tất một truyện dài. Theo thứ tự, chính ra nó phải được trình làng sau khi xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay là "Sương Ký ức". Nó phải là cuốn truyện dài thứ nhì. Nhưng tôi đã bỏ nó qua một bên dù đã viết rất nhiều chương. Đọc đi đọc lại, tôi cảm thấy mình quá liều khi xây dựng một câu chuyện mà nhân vật là một thanh niên. Thân thế đời sống của anh ta với tôi hoàn toàn xa lạ. Tôi bỏ ngang và viết “Một tuần Một đời”.
Nhưng bỏ thì thương, vương thì tội. Tôi còn thương những câu chữ, đoạn văn đã miệt mài ngồi viết. Tiếc lắm, nên tôi đang cố gắng tập trung viết lại. Có thể sẽ cắt bỏ nhiều đoạn và không chừng truyện dài sẽ thành truyện vừa. Nghĩ thế, nhưng chữ nghĩa sẽ dẫn tôi đi về hướng nào thì tôi chưa biết…
Thđại: Theo tôi được biết cuốn SƯƠNG KÝ ỨC, truyện dài đầu tay của chị vừa được tái bản sau một thời gian ngưng phát hành. Và trong một thư ngỏ cùng những độc giả “lạ” và "quen”, chị cho biết rằng: “đọc đi, đọc lại tôi cảm thấy có vài vụng về, thiếu sót”. Chị có thể cho biết những thiếu sót ấy là gì và có “trầm trọng" lắm không, đến nỗi chị phải edit lại?
ĐML: Thưa anh, nhân vật chính trong SKU là một cô gái có một tuổi thơ, một tuổi trẻ buồn bã, đầy bất hạnh. Cô ấy yêu hai người đàn ông có cùng tên. Truyện thật, người thật… và khi viết tôi muốn “người thật” ấy phải đọc, phải biết điều này. Nhưng có thể là tôi viết dở, hoặc độc giả đọc quá nhanh. Có người than phiền đang đọc trang này phải lật lại trang kia vì bị nhầm lẫn giữa người này người nọ.
Tôi nhớ, khi tôi nói với anh TYT (người lo việc in ấn), lý do tôi muốn ngưng bán sách vì muốn edit lại. Anh ấy cười bảo tôi đâu cần phải làm thế. Phải để độc giả động não. Nhưng tôi đã quyết định viết lại, và chỉ thêm khoảng 2 trang.
Thđại: Riêng cuốn "Người lạ, Người quen” nghe đâu hình như chị cũng “chỉnh sửa” và có viết thêm một vài đoạn?
ĐML: "Người lạ người quen" lại là một vấn đề khác. Cuốn sách ấy do Amazon in và phát hành. Một cuốn sách mà bạn đọc ở Pháp mua khá nhiều. Tập sách có những bài tôi đã phải cất công tìm tài liệu để viết, như bài “Sœur sourire”. Có người đọc xong là tìm ngay cuốn phim này để coi. Và bài “Xuân ở trong rừng", nói về một cô gái tên Xuân, sống trong một cánh rừng thuộc vùng Bắc nước Pháp, chờ cơ hội vượt biển qua Anh trồng cần sa. Có thể nói tôi là người đầu tiên viết về hiện tượng “nouveaux boat people” này.
Tôi không hiểu cam kết giữa nhà xuất bản và Amazon như thế nào, nhưng dạo sau này Amazon đăng quảng cáo và tự hạ giá cuốn sách. Cũng có vài nhà mạng rao bán với một cái giá trời ơi… Tôi đã nhờ nhà xuất bản lấy sách xuống như đã từng làm với cuốn SKU trước đây.
Tôi chưa có ý định tái bản lại ngay bây giờ, nên chưa thể nói nội dung có thêm thắt sửa đổi gì không? Tuy nhiên, tôi đang tìm chọn cho nó một tấm bìa mới, đẹp và ý nghĩa hơn.
Thđại: Chị nghĩ thế nào về câu nói của Nguyễn Đức Sơn: "Nếu truyện dài là một chuỗi ngọc thì truyện ngắn ít ra cũng phải là một hạt minh châu"?
ĐML: Thực sự câu hỏi này tôi cũng chẳng dám bàn tới. Chỉ tự hỏi một truyện dài khoảng mười, hay hai mươi chương, được nhiều người tìm đọc. Ta có thể coi đó là một chuỗi ngọc không? Đạt được tới đỉnh ngọc ngà này chắc khó lắm. Tôi nói vậy, vì tiểu thuyết đầu tay của tôi có 16 chương đã được một ông nhà báo kỳ cựu ở Paris, là một người mà tôi nghĩ chẳng mặn mà gì với văn chương tôi. Thế mà ông ấy đã khen khi đọc một chương tôi trích đăng báo. Chương viết về một ông già, một “ông nội” đã thắt cổ tự tử vì buồn con, giận cháu… Như vậy truyện dài của tôi chỉ có một viên ngọc sao?
… Hình như tôi đang lạc đề! Xin anh tha lỗi!
Thđại: Lần đầu tiên là vào khoảng thời gian nào (chị còn nhớ không) bài của chị được đăng báo và nỗi mừng vui ấy có giống với nhà văn quá cố Võ Phiến "sung sướng quá cảm thấy mình tự dưng biến thành kẻ khác"?
ĐML: Về chuyện này anh cho phép tôi được dài dòng chút nhe! Thuở mười bốn, mười lăm tôi đã từng có thơ và những bài viết ngăn ngắn đăng trên trang báo dành cho “poupée”. Mười bảy, mười tám thì tập tành bước vào “trang của lính”. Cũng chỉ vài bài tùy bút ngắn và chắc là ngây thơ vụng về lắm. Nên thôi đừng nhắc tới cái thuở "ban đầu ấy". Vả lại tôi đã ngưng không còn hứng thú gì với chữ nghĩa từ năm 1971. Cho đến năm 1991 mới khởi sự viết lại. Tôi không biết tại sao mình đã không viết gì cả trong hai mươi năm, dù tôi vẫn đọc, đọc rất nhiều.
Năm 1991, Paris có rất nhiều những tờ báo của các hội đoàn. Nhưng khi nhìn thấy tờ “Văn” của cố nhà văn Mai Thảo được bày bán trong tiệm sách, chữ nghĩa mới trở về thôi thúc tôi phải viết. Tôi đã thử viết một truyện ngắn và gửi cho Văn. Ông Mai Thảo đăng liền ngay khi nhận bài và còn viết vài hàng giới thiệu. Tôi không biến thành kẻ khác như ngài Võ Phiến, nhưng tôi bay bổng, ngẩn ngơ… không tin mình được một cây cổ thụ trong làng văn chương ngó tới. Kể như ông Mai Thảo là người ban cho tôi đôi cánh, tôi bay cho đến bây giờ. Bài viết năm xưa đã được tôi viết lại và in trong tuyển tập "Văn Tuyển 30” với tựa là Mưa Ngày Cũ.
Thđại: Giữa độc giả và người viết theo chị thì AI cần AI hơn?
ĐML: Hiển nhiên, người viết phải cần độc giả. Không có độc giả thì “tâm sự gửi về đâu”. Tôi đã chẳng edit lại SKU cũng vì chiều lòng độc giả sao?
Thđại: “Hiện nay rất hiếm nhà văn viết truyện dài? Khủng khoảng văn chương? Hay nhà văn của chúng ta bất tài(?), ít người có khả năng viết truyện dài vài ba trăm trang trở lên” đấy là một ý kiến của một nhà văn, còn riêng với chị, chị thấy ĐÚNG/ SAI?
ĐML: Anh có nghĩ là "nhà văn" và "tiểu thuyết gia" khác nhau không?
Thđại: Trong một bài điểm sách, nhà thơ Trần Mộng Tú đã viết: "Chiến tranh ở bất cứ nơi nào trên thế giới đều giống nhau, nó như những hạt gieo trên mặt đất, nhưng điều khác biệt là hạt giống nẩy mầm và nuôi sống loài người, còn bom đạn gieo xuống tàn phá và giết chết loài người”; thế nhưng vẫn theo nhà thơ Trần Mộng Tú thì: “Gần 50 năm rồi mà em vẫn còn viết lại câu chuyện của một "Mối Tình Thời Chiến, vẫn nồng nàn cảm xúc, vẫn đau đáu kỷ niệm thời mới lớn. Chị phục em thật đấy”. Đọc đến đây, tôi, người đang cùng chị truyện trò bỗng dưng nhớ lại những điêu tàn của một thời đã qua nhưng có lẽ người "đau đáu những kỷ niệm” như chị chắc là còn có những gì muốn nói với độc giả hơn tôi. Vậy có nên chăng được chị ôn lại mối tình nồng nàn, thơ mộng một thời?
ĐML: Thưa anh, những gì chị Trần Mộng Tú viết là bài tựa mà tôi đã cho in trong cuốn truyện dài "Một Tuần Một Đời". Dù tôi biết chưa bao giờ hay hiếm khi chị Tú viết “tựa” giới thiệu sách, nhưng tôi vẫn nhờ chị viết vì tôi tin giữa chúng tôi có cùng một nỗi buồn trong cuộc chiến vừa qua. Sẽ thương và hiểu nhau hơn. Tôi nghĩ không chỉ riêng tôi còn “đau đáu những kỷ niệm”, mà còn rất nhiều người đang sống đời lưu vong đây đó. Tôi tự nhủ, không nên nhắc nhớ, nói hoài những điều đã cũ. Nhưng chữ nghĩa thường tuân theo những nhịp đập, mệnh lệnh từ tim óc.
Thđại: Sống ở cõi đời này ai mà lại chẳng có những giấc mơ, vì vậy mà: “em cứ mơ đi, đừng đánh thức mình và chị sẽ dặn cả cuộc đời chung quanh không được đánh thức em”. Nếu được chìm đắm trong một giấc mơ như chị Trần Mộng Tú dặn dò thì chị mơ ước điều gì?
ĐML: Để trả lời câu hỏi này, chắc tôi phải gửi tặng anh cuốn “Một tuần Một đời”.
Thđại: Cám ơn đã có nhã ý muốn tặng cho tôi cuốn “Một tuần Một đời”, nhưng tôi nghĩ giá như chị "Tặng” luôn cho độc giả những người yêu mến văn chương của chị bằng cách trả lời câu hỏi để họ cũng có và cùng chia sẻ những giấc mơ với nhà văn. Có được không?
ĐML: Thưa độc giả! Một tuần Một đời là một giấc mơ của một người đàn bà. Giấc mơ triền miên suốt một tuần lễ. Nhưng những gì đã xảy ra trong mơ, trong một tuần lễ đó, tôi đã mất 5 tháng mới kể được hết. Bây giờ thì tôi đã tỉnh táo, ra khỏi cơn mơ và không hứa hẹn sẽ mộng mị tiếp…"độc giả muốn biết rõ hơn, xin vui lòng vào Lulu.com mua sách…” (cười)
Thđại: “Văn chương là một tấm màn quá khứ mênh mông dày dặn, choàng kín tâm tư. Xoay bên này, trở bên kia, tôi vẫn không cách nào thoát ra được.” Nếu chị đã nghĩ và đã viết ra như thế thì có phải chăng đấy là cái NGHIỆP đối với người cầm bút? “Đã mang lấy Nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.”
ĐML: Chữ “NGHIỆP” nghe hơi buồn anh ạ! Chẳng phải chúng ta quá đỗi hạnh phúc khi làm xong một bài thơ, viết được một truyện ngắn sao?
Thđại: Trong phần đề bạt cho cuốn Văn Tuyển 30 của chị, nhà thơ Lưu Diệu Vân đã viết: "bên trong cốt lõi của nghệ thuật là sự chinh phục, nhà văn viết là để chinh phục chính mình” và rồi vẫn theo Lưu Diệu Vân “những con chữ có khả năng chinh phục thường tẩm mùi tự tin của thách thức”. Thưa chị vậy phải chăng muốn trở thành một nhà văn thì điều "tất có và đủ” phải là người tự chinh phục chính mình?
ĐML: Lâu rồi, tôi có viết một truyện ngắn, nhân vật là một gã Việt kiều và một cô gái làm nghề bia ôm. Thực sự, đó là một cố gắng, một thử thách. Sau khi truyện được đăng báo, tôi nhận được những lời khen. Thậm chí có một nhà văn còn bảo: Đề tài "bia ôm" được viết quá nhiều, tôi thấy chị là phụ nữ mà chị viết không thua gì mấy ông! Sau này tôi lại nhập vai một người lính Biệt Kích… Hẳn vì thế mà Lưu Diệu Vân cho rằng tôi đã chinh phục được chính mình, khá thành công khi biến mình qua kẻ khác. Khi nhận những lời LDV viết về văn chương của mình, tôi sung sướng lắm. Rõ ràng những con chữ của tôi đã chinh phục được Lưu Diệu Vân, một nhà thơ mà chữ nghĩa của cô đã đẹp, lại còn cao siêu.
Thđại: Nhận xét về "thế giới truyện Đặng Mai Lan”, nhà văn Đặng Thơ Thơ bảo thế này: …“không khí mơ mộng của kẻ đi lạc vào quá khứ và quên mất đường ra” và rồi thì: “chỉ còn thấy những biểu tượng tìm thấy qua màu sắc của những bông hoa, qua cảm giác của lửa cháy trong lò sưởi…” văn hữu và độc giả đã có lần bảo với tôi như vậy. Thế thì (có lẽ) họ đều đúng. Phần chị, chị nghĩ thế nào?
ĐML: Khi viết phê bình, nhận định một tác phẩm, Đặng Thơ Thơ đọc rất kỹ. Bây giờ nếu bàn về “thế giới truyện" của mình thì tôi lại sẽ lê thê… Mà anh cũng hiểu, nói về mình hoài là một điều không hay. Nên ở đây, tôi chỉ muốn cám ơn ĐTT đã chịu khó từng bước đi theo những câu chữ "miên man" của tôi. Vâng! Nhân vật tôi miên man lắm. Khi nhìn thấy một viên gạch trên thềm bị nứt vỡ mà kẽ hở của nó nhú lên vài nhánh cỏ dại cũng làm nhân vật nao lòng, huống chi sự ấm áp rồi lụi tàn của tro than củi lửa.
Thđại: Một câu hỏi cuối cùng liên quan đến chuyện ĐỌC: Ở trong nước (theo sự biết của tôi thì hiện giờ dân số ước tính khoảng chừng trên một trăm triệu người (100) và ở nước ngoài cũng vào khoảng trên ba (03) triệu nhưng cứ theo dữ liệu về sách thuộc mảng văn học được in ra thì xem ra có vẻ èo ọt lắm vậy thì cái đọc ngày nay của dân ta có đáng lo, có đáng báo động không dưới con mắt của một nhà văn như chị?
ĐML: Tất cả chúng ta đều đồng ý rằng với nền văn minh tin học hiện nay, người ta đã dùng quá nhiều thì giờ để lên mạng tìm kiếm tài liệu, lẫn văn chương-nghệ thuật. Và gần như đã trở thành một thói quen. Tôi tin là vẫn còn khá nhiều người đọc, nhưng họ không còn thiết tha chuyện mua sách, hay cầm cuốn sách trong tay. Vì cứ mở máy ra là có đủ. Cái "èo ọt" mà anh nói có lẽ chỉ dành cho “Văn Học Hải Ngoại”. Bởi những người còn đọc tiếng Việt đa số đã lớn tuổi, mệt mỏi.
Trong nước, những nhà xuất bản vẫn đều đều phát hành sách. Hiện tại, ở VN có một tác giả tên Thái Hạo (mà tôi rất thích đọc) có lẽ đã viết rất nhiều nhưng lần đầu in sách. Sách anh vừa in ra là đã tái bản ngay. Sách được tái bản nhiều lần trong khoảng thời gian vài tháng. Điều đó chứng tỏ là còn rất nhiều người đọc. Đã có nhiều nhà văn hải ngoại mong muốn được xuất bản sách ở VN là thế!
Thđại: Thưa chị, nãy giờ tôi đã làm phiền chị có hơi nhiều, biết vậy, nhưng vì “Rằng quen mất nết đi rồi”, rất mong được chị rộng lòng mà tha thứ, vậy trước khi chúng ta chia tay chị có cần khuyên bảo gì không và nhất là trong buổi chuyện trò này tôi biết phần mình có quá nhiều thiếu sót với con mắt tinh tế của một nhà văn, mong chị bỏ qua và bổ sung cho những thiếu sót không thể tránh khỏi của tôi.
ĐML: Thưa anh, tôi nghĩ không nên quan trọng hóa một cuộc "mạn-đàm". Vui đâu thì nói đó! Làm gì có mức độ giữa thiếu sót và đầy đủ. Cám ơn anh đã cho tôi cơ hội được trò chuyện cùng anh và độc giả.
Cuộc trò chuyện mà anh đề nghị hôm nay lại đúng ngay lúc tôi vừa viết xong một bài tùy bút mà nội dung nói về tâm trạng, cõi viết của mình…“Có vẻ như tôi đang chán viết”.
Xin được gửi bài viết đến độc giả Lạ và Quen như một tâm tình.
Chúc tất cả mọi người an vui-hạnh phúc.
Thđại: Một lần nữa xin cám ơn không quên cầu chúc anh chị và gia quyến muôn điều tốt đẹp.
Triều Hoa Đại thực hiện
* Tên một tạp văn của Đặng Mai Lan (Văn Học Press ấn hành 2018) |