SỐ 105 - XUÂN ẤT TỴ - THÁNG 1 NĂM 2025

 

Tùy văn Nguyễn Linh Khiếu

Đêm trăng

Những đêm hè oi ả hay những đêm thu gió lộng trăng sáng. Lũ trẻ thường theo các anh chị ra ngồi dưới gốc đa cổ thụ trên con đê biển hóng gió ngắm trăng.

Đêm trăng thanh gió mát các anh chị thường thổi sáo gảy đàn hát hò vô cùng vui vẻ. Từ nơi xa trong sóng sánh ánh trăng vàng các anh chị từ những gốc đa đâu đó đáp lại tiếng đàn điệu hò tiếng hát hết sức hồn nhiên đắm say trong ngần.

Trong khi trai gái hát hò đối đáp vui nhộn thì thủy triều dâng cao. Phù sa đỏ theo con nước tràn ngập cánh đồng. Ếch nhái cá tôm xôn xao nhảy múa. Côn trùng da diết tấu lên những dạ khúc xuân tình. Lúa đang thì con gái mơn mởn ngạt ngào tỏa hương thơm ngát đất trời.

Trong những đêm trăng sáng thanh bình như thế tiếng sáo tiếng đàn điệu hò câu hát của trai gái mới lớn thâu đêm suốt sáng tưởng chừng không bao giờ dứt. Thời gian thấm thoát tiếng sáo điệu hò câu hát cứ thưa dần. Rồi bỗng một ngày dưới ánh trăng vàng lung linh thanh vắng đồng quê chỉ còn lại ngằn ngặt tiếng côn trùng lõng bõng tiếng cá tôm u ơ tiếng ếch nhái.

Sau này mọi người mới hiểu. Ngày ấy khi chiến tranh ở miền Nam ngày càng ác liệt thì hầu như trai làng đều nhập ngũ lên đường vào chiến trường. Trai làng đi cả các chị lẻ loi bóng chiếc chẳng ai còn lòng dạ nào ra đê hóng gió ngắm trăng đàn hát nữa.

Nghe nói những trai làng vui vẻ hồn nhiên hát hò đàn sáo trong những đêm trăng sáng năm xưa ra trận đều đã nằm lại chiến trường không một người nào trở về.

 

B quay

Gần chân đê biển có một gò đất cao và rộng. Đó là đất dự phòng vỡ đê. Gò đất này biệt lập. Cách làng một cánh đồng rộng. Bỗng dưng người ta cấm người làng ra biển bằng đường bờ sông chạy qua gò đất. Lán trại được dựng lên. Đêm đêm bộ đội về rất đông. Gò đất trở thành khu quân sự tuyết đối bí mật.

Rồi mỗi khi trời chưa sáng. Thay cho tiếng sóng biển rì rào tiếng chuông nhà thờ ngân nga là tiếng hô từ khu lán trại vang rền như sấm dậy trong hơi biển mù mịt:

Ai cũng như tôi thì mất nước/ Ai cũng như tôi thì mất nước/ Ai cũng như tôi thì mất nước

Sáng nào cũng vậy. Từ khi còn tối đen mịt mù tiếng hô ấy lặp đi lặp lại vang rền dữ dội tưởng chừng bất tận. Tiếng hô ấy âm vang suốt cả ngày đêm. Tiếng hô của hàng nghìn người.

Tiếng hô ấy âm u ma quái lạnh lẽo hoang vu rùng rợn. Ai nghe cũng run sợ khiếp đảm lo lắng. Lúc đầu nghe tiếng hô chó làng sủa ầm ĩ. Sau nghe mãi tiếng hô ấy sợ quá chó cũng cụp đuôi chui lủi câm như hến.

Có người thì thầm đó là trại giam bộ đội B quay. B quay nghĩa là những bộ đội trên đường hành quân vào Nam chiến đấu nhưng sợ giặc mà trốn ra Bắc. Có người quả quyết ai B quay đều bị dùng búa đập vỡ đầu và ném xác ra biển.

 

Liệt sĩ

Nhà rất nghèo nhưng Tẻo học giỏi nổi tiếng nhất trường. Đang học dở lớp 10 Tẻo cùng chúng bạn cắt tay lấy máu viết đơn xung phong đi bộ đội. Năm đó Tẻo 17 tuổi. Tẻo đi được hơn năm thì gia đình nhận được giấy báo tử. Gia đình Tẻo trở thành gia đình liệt sĩ. Miền Nam giải phóng có người đến nhà nói Tẻo vẫn còn sống nhưng đi theo giặc. Tẻo đã bị bắt và đang bị giam. Họ thu bằng Tổ quốc ghi công và hủy mọi chế độ gia đình liệt sĩ.

Có con theo giặc gia đình Tẻo rất nhục nhã. Ở xã có người đòi truy thu chế độ liệt sĩ mà gia đình hưởng bao năm. Bố Tẻo đi đâu cũng phải trần tình. Thằng Tẻo ở nhà là con ngoan trò giỏi đi bộ đội mà thành người xấu thì đâu phải tội của gia đình.

Sau 5 năm ở trại giam Tẻo được xe quân sự chở về tận nhà. Về quê Tẻo trở thành một người hoàn toàn khác. Già nua hốc hác. Môi thâm mắt trắng. Ù lỳ rũ rượi. Mặt mũi vô hồn. Mỗi khi xúc động lại lên cơn động kinh sùi bọt mép giãy đành đạch.

Khi tỉnh táo lúc hứng chí Tẻo kể khi vào bộ đội sau một thời gian huấn luyện Tẻo được đưa đi học nước ngoài. Về nước Tẻo được đưa vào thẳng chiến trường. Rồi Tẻo được giao một nhiệm vụ bí mật. Trong một trận đánh Tẻo dẫn đơn vị đầu hàng giặc. Bị bắt Tẻo khai hết mọi chuyện. Những thông tin từ Tẻo đã giúp địch liên tiếp giành chiến thắng. Tẻo trở thành một đặc tình lợi hại của địch trong trại tù binh. Rồi Tẻo được chúng tuyển dụng phục vụ trong trại tù binh. Do có nhiều thành tích Tẻo được đưa đi tập huấn ở nước ngoài. Trở về Tẻo thành kẻ chuyên tra tấn và hỏi cung tù binh.

Tẻo kể đã có vợ và hai con. Vợ con sống ở một khu gia binh Sài Gòn. Khi Sài Gòn sắp thất thủ Tẻo được lệnh cùng vợ con ra tàu di tản. Nhưng do trục trặc nên chỉ vợ con đi được còn Tẻo bị bắt. Tẻo bị đưa đi cải tạo cùng các sĩ quan Quân đội Sài Gòn ở một tỉnh miền núi phía Bắc.

Mỗi khi kể chuyện bao giờ Tẻo cũng lên cơn động kinh. Vì thế chuyện của Tẻo thành tầm phào chả ai tin. Về quê được mấy năm thì sức khỏe Tẻo suy kiệt. Rồi Tẻo được xe về đưa đi đâu mấy tháng. Trở về Tẻo được cấp chế độ bệnh binh có gạo và tiền phụ cấp hàng tháng để sống. Hưởng chế độ chưa được bao lâu thì trong một cơn động kinh ngoài đồng Tẻo ngã xuống sông chết đuối.

 

Lọ tro

Do hơi đần độn nên Đận chỉ học hết lớp 4. Đận người to lớn lộc ngộc nên bao giờ cũng nổi bật trong đám trẻ quê. Không đi học Đận phải làm đồng sớm. Khi 17 tuổi Đận xung phong đi bộ đội.

Vào bộ đội chỉ mấy tháng sau Đận được đưa vào Nam chiến đấu. Chắc do ít chữ nên mấy chục năm gia đình chỉ nhận được hai bức thư của Đận. Lần đầu là khi miền Nam giải phóng. Đận báo tin còn sống và sắp về. Chữ nguệch ngoạc cả bức thư chỉ có mấy câu là hết giấy.

Nhưng không thấy Đận về. Có người làng cùng đơn vị cho biết Đận không ra quân mà tiếp tục ở lại quân đội. Mấy năm sau gia đình nhận được thư thứ hai của Đận. Vẫn chỉ mấy câu nguệch ngoạc. Đận báo tin cùng đơn vị sang Cambodia chiến đấu. Từ đó bặt tin. Nhiều năm sau gia đình đến Huyện đội hỏi về Đận. Sau một thời gian. Họ trả lời Đận đã xuất ngũ lâu rồi. Từ đó gia đình không biết hỏi ai.

Hơn bốn mươi năm sau. Có một người đàn ông trung niên đen đúa khắc khổ vai đeo một ba lô cũ tìm hỏi nhà ông Lận. Ông Lận là bố Đận. Ông chết lâu rồi. Người ta chỉ cho anh nhà người con út của ông Lận. Vào nhà anh ta nói là con trai cả của Đận.

Dần dà anh kể sau khi từ Cambodia về nước Đận được ra quân. Khi ra bến xe để về quê Đận bị trộm sạch đồ. Không còn tiền và tư trang Đận quanh quẩn nơi bến xe làm mướn kiếm sống qua ngày. Đận được một gia đình nghèo thương tình cưu mang và gả con gái cho. Do không có nghề nghiệp vợ chồng Đận sắm một chếc xe lôi để Đận lần hồi kiếm tiền nuôi vợ con. Đận sinh được sáu người con. Cuộc sống gia đình quanh năm lam lũ túng quẫn. Nghèo túng con cái nheo nhóc nên ước muốn về thăm quê của Đận cả đời không làm được.

Khi gần chết Đận bảo con cái ghi địa chỉ quê quán và cầu mong các con khi nào có tiền thì mang tro cốt Đận về quê. Đận chết nhiều năm rồi nhưng con cái đứa nào cũng túng bấn nên không có tiền ra Bắc. Nay có đỡ hơn nên anh em gom góp được chút tiền giao cho anh cả mang hài cốt bố về quê theo di nguyện. Nhìn lọ tro và người cháu đen đúa bần hàn phiêu bạt nơi cùng trời cuối đất cả họ ai cũng trào nước mắt.

 

Vết thương

Tèo vốn là người bình thường. Đi bộ đội bị thương nên trở thành thương binh nặng. Tèo kể một đêm đơn vị di chuyển trên một cánh đồng hoang ở Quảng Đà thì rơi vào ổ phục kích của lính Nam Hàn. Do ở giữa đồng trống không nên cả đơn vị bị tiêu diệt sạch. Tèo bị bắn gẫy xương đùi máu chảy đầm đìa.

Sau khi đã tiêu diệt sạch đối phương, lính Nam Hàn chiếu đèn lật từng cái xác để thu chiến lợi phẩm. Lấy xong đồ chúng xả súng bắn vào các xác chết. Thấy chúng đến gần Tèo nằm im như đã chết. Chúng lật xác Tèo lấy súng lấy ba lô và xả súng bắn vào đầu Tèo. Không hiểu sao loạt đạn xối xả ấy chỉ có một viên đạn làm vỡ một mảnh sọ. Trúng viên đạn ấy Tèo chết lịm.

Khi tỉnh Tèo thấy mình nằm ở trạm phẫu thuật tiền phương. Xương đùi bị gẫy. Đầu bị băng kín. May mắn còn sống. Đơn vị mấy chục người duy nhất Tèo sống sót. Rồi Tèo được chuyển dần ra tuyến sau.

Là thương binh nặng Tèo được đưa ra Bắc và giải ngũ. Do viết thương ở đùi Tèo thành ra què chân đi cà nhắc. Do vết thương ở sọ Tèo thành người ngẩn ngơ. Luống tuổi Tèo cũng lấy được vợ. Sinh được một cậu con trai và hai cô con gái. Con Tèo đứa nào cũng học giỏi. Lại được ưu tiên con thương binh nên đều học hành tấn tới.

Cô út rất thông minh xinh đẹp. Cô nhận được học bổng du học Hàn Quốc. Sau khi tốt nghiệp cô đưa về nhà một chàng trai Hàn cao lớn đẹp đẽ lịch sự. Ai cũng mừng. Riêng Tèo là mừng nhất. Thế nhưng sau khi nhìn thấy cậu trai Hàn đầu óc Tèo bỗng quay cuồng đau đớn khủng khiếp. Không chỉ đau đầu mà cái xương đùi gẫy cũng buốt nhức. Nhà có khách Tèo âm thầm chịu đựng. Nhưng chịu không nổi người nhà phải đưa Tèo đi cấp cứu.

Cái việc cưới xin của con gái với cậu trai Hàn đành hoãn. Nhưng rồi không hoãn được. Vì con gái đã có thai. Con gái Tèo và cậu trai Hàn trở lại Hàn Quốc làm lễ cưới. Trước khi đi gia đình có làm mấy mâm cơm gọi là báo cáo tổ tiên họ hàng.

Bốn năm sau con gái Tèo cùng chàng rể mang con trở lại Việt Nam thăm ông bà ngoại. Một cậu cháu trai lai bụ bẫm tuấn tú. Ai cũng mừng con gái Tèo lấy được chồng nước ngoài danh giá. Thế nhưng khi nhìn thấy chàng rể và cháu ngoại đầu Tèo lại quay cuồng đau như búa bổ. Chân lại đau dữ dội. Cả nhà lại phải đưa Tèo đi cấp cứu.

Đêm ấy ở bệnh viện các vết thương đã hành hạ Tèo vô cùng đau đớn. Tèo không sao chịu được. Cứ nhắm mắt Tèo lại thấy những thằng lính Nam Hàn điên cuồng xả súng vào xác đồng đội. Gần sáng thì Tèo trút hơi thở cuối cùng.

 

Anh hùng

Sau chiến tranh Toan được xe ô tô chở về tận nhà. Rồi lễ tấn phong anh hùng của Toan được tổ chức vô cùng rầm rộ hoành tráng. Toan thực ra đúng tên là Oan. Lê Văn Oan vì bố là Lê Văn Gia. Không hiểu sao cái quyết định tấn phong anh hùng cấp trên lại viết Oan thành Toan.

Về quê chỉ một thời gian ngắn Toan cưới một cô gái hai mươi tuổi xinh đẹp nhất xã. Năm sau vợ Toan sinh một cậu con trai dị dạng thiếu cả hai chân chỉ sống được vài ngày. Hơn năm sau vợ lại sinh một cậu con trai nhưng đứa bé có cái đầu to bất thường với đôi mắt lồi trợn ngược chân tay như cái giẻ khoai. Đứa bé cũng chỉ sống được vài tháng.

Hai năm sau nữa vợ Toan lại sinh một bé gái. Đứa bé đủ cả chân tay mặt mũi nhưng mềm nhũn như không có xương. Nó cũng sớm đi theo các anh. Cuối cùng rồi vợ Toan cũng sinh được một cậu con trai lành lặn nhưng hiềm nỗi đến sáu bảy tuổi nó cũng không biết nói và bé nhỏ lẫm chẫm như một bé lên ba.

Khắp làng trên xóm dưới ở đâu người ta cũng thì thầm rằng sở dĩ Toan được phong anh hùng là vì đã giết quá nhiều giặc. Họ đồn rằng những người Toan giết ngoài mặt trận đã báo oán. Toan bị quả báo. Mọi đồn thổi đều đến tai vợ chồng Toan.  

Hôm giỗ họ, Toan xăng xái lên nhà trưởng họ làm cỗ từ sớm. Khi mọi người đã đánh chén say sưa, Trưởng họ đứng giữa họ hỏi Toan rằng có phải ở bộ đội Toan đã giết rất nhiều giặc không. Toan tự hào lắm. Toan nói vì là dũng sĩ diệt giặc nhiều lần nên được phong anh hùng. Lại hỏi có phải Toan giết nhiều người quá nên bị người ta oán không.

Chọc vào đúng chỗ uất ức chất chứa bao ngày. Toan tức giận bật dậy bê mâm cỗ đang ăn dở hắt vào mặt trưởng họ. Mọi người đứng ào dậy. Toan mặt đỏ phừng phừng mắt trắng dã trợn ngược. Toan vốn là một chiến binh cao lớn hùng dũng giết giặc như ngóe nên không ai dám đến gần. Toan gào lên: Bố mày đi bộ đội giết giặc cứu nước sao lại bảo bố mày giết người mà ân với oán. Cả cái tổng cái xã này khốn nạn. Thằng trưởng họ khốn nạn kia mày cũng nghĩ thế à. Toan gầm rú khóc hu hu nước mắt tuôn như mưa.

Rồi Toan lảo đảo đi ra từ đường họ. Ai cũng nghĩ Toan ra vái tổ để về. Nhưng yên ắng mãi. Mấy cậu thanh niên lò dò ra cửa từ đường ghé mắt nhìn vào thì thấy Toan treo cổ lên xà ngang từ đường. Toan chết ít lâu thì đứa con tật nguyền cũng chết. Rồi người ta thấy xác vợ Toan nổi lềnh bềnh ở ngoài cửa sông Cái.

Mấy năm sau trên cho người về xây mộ Toan. Họ nói ở chiến trường đơn vị Toan chiến đấu ở địa bàn bị Mỹ phun chất độc da cam. Khi làng xã biết căn nguyên những đứa con tật nguyền của vợ chồng Toan thì cả nhà Toan đã chết sạch.

Nguyễn Linh Khiếu

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2025