SỐ 106 - THÁNG 4 NĂM 2025

 

Bên Bờ Mộng Cũ

Tôi ngồi sau khung cửa nhìn ra bên ngoài, những giọt mưa tháng tư rả rích rơi. Vùng trời Tây Bắc Mỹ ấm hơn bên bờ Đông, bên ấy giờ vẫn còn những tảng tuyết dầy, bên này ít tuyết hơn chỉ rơi một vài ngày trắng xóa để rồi tiếp nối những cơn mưa cứ kéo dài liên miên khiến người ta ít muốn đi ra ngoài. Mới tuần trước được một vài ngày nắng mọi người thấy mừng, bụi Forthysia góc trái bên hàng rào đơm đầy bông bắt đầu nở vàng rực, bông hoa mai mùa xuân đất Mỹ nhắc nhở mọi người rằng: “Tháng Tư lại về”. Bà chị họ con của dì tôi gọi mãi xui tôi về bên này sống, khí hậu ấm hơn bên kia lạnh lẽo sau khi mẹ và dượng hai người rủ nhau đi xa, bà nói:

- Em đâu còn ai thân thuộc nữa đâu! Về bên này có chị có em.

Bà quên tôi còn đứa em gái cùng mẹ khác cha, Phượng Trinh học xong theo chồng dọn đi tiểu bang xa. Cuối cùng tôi cũng vẫn một mình. Quyết định về hưu non, bán đi căn nhà cũ của mẹ, gửi vào tài khoản Phượng Trinh phân nửa số tiền chia phần cho nó tôi di chuyển về thành phố chị họ đang sống. Chị cho tôi thuê căn nhà riêng một tầng, phía dưới đủ cho gian bếp và phòng khách nhỏ, tầng trên là phòng ngủ. Căn nhà nằm tách biệt với gian nhà chính nằm ở sân sau nhà chị, người trong thành phố gọi là land warehouse. Căn nhà nằm áp với con đường vòng theo công viên phía sau cũng là back land của dãy nhà, vì vậy bắt đầu vào mùa xuân sáng chiều đều rộn rịp người chạy xe đạp, người tản bộ, chạy jogging quanh bãi cỏ dọc theo những hàng cây xanh ngút mắt.

Mỗi ngày tôi hay ra cái balcony nhỏ cửa mở ra từ phòng mình nhìn xuống quang cảnh chung quanh. Những hôm trời mưa tôi lại lui vào ngồi bên cửa sổ ngắm nhìn những giọt mưa lay động rơi trên cành lá. Thói quen đưa tôi về những tháng ngày cũ của tuổi trẻ, chiều xuống sau giờ dạy học tôi hay ra bến sông ngồi trên gờ đá cạnh cầu tàu ngóng về bên kia bờ nhìn nước sông vơi rồi lại đầy cho đến khi vợ bác gác trường mời tôi về nhà trọ của bác ăn bữa cơm chiều. Có lần tôi nghe một vài người xì xào với bà này:

- Coi chừng cô giáo “mắc đàng dưới” sao cứ hay ra bến sông nhìn hoài vậy ?

Có người cãi:

- Cổ nhìn cái căn cứ Hải quân phía bên kia kìa chứ mắc đàng trên đàng dưới cái gì. Chắc có người quen bên đó.

Không ngờ hồi ấy tôi lại vô tình thích đứng trên cầu nhìn qua bên kia sông mà không biết dân trong vùng gọi nó là bến long đong, có phải sự sắp đặt của định mệnh? để rồi tiếp theo là thời cuộc xảy ra khiến tôi lỡ cả xuân thì. Mười năm trước, khi đã ổn định đời sống nơi đất khách tôi và mẹ trở về thăm lại căn nhà cũ xưa của ngoại, bây giờ đứa cháu họ ở đó mở cửa hàng buôn bán vì con đường trước nhà đã mở rộng. Khu vườn phía sau không còn những cây xoài, cây nhãn đầy trái lúc lỉu. Không quên ngôi trường cũ tôi trở về tìm lại chút dư âm lắng nghe năm tháng lạnh lùng trôi. Bên kia sông những ngôi nhà gạch hai tầng xây từ thời Pháp vẫn còn giữ, căn cứ Hải quân cũ giờ là cảng vận chuyển những chiếc tàu thương mại chở đầy ắp các container trên boong. Người cũ giờ xa xôi, bạn bè người còn người khuất núi như bóng hoàng hôn của buổi xế tà. Chỉ có giòng sông nước vẫn chảy về nơi xa xa mang theo những cụm lục bình trôi vật vờ, còn lại một mình tôi đứng đây như đang gọi hồn những con thuyền ngày xưa trở về bến cũ.

“Quá khứ đó dòng sông thuyền sẽ ngủ. Giấc chiêm bao nguyên vẹn có bao giờ. Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng. Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu.” (*)

Cuối cùng vẫn phải ra đi sau khi đã trở về, thầm kín dấu chút mong chờ người tình lỡ, cũng là tình đầu đơn phương nhưng rực rỡ giữa những con sóng đời chia phôi. Người chị họ sợ tôi đổi môi trường sống mới không có bạn bè, cứ rủ tôi tham gia vào cộng đồng mỗi khi hai vợ chồng đi hội họp. Những lúc đó tôi đều từ chối. Lần này chị gọi điện với giọng cương quyết:

- Chiều nay sáu giờ em đi cùng vợ chồng chị dự lễ kỷ niệm ngày quốc hận ba mươi tháng tư nhé. Chị mua vé rồi.

Tôi hỏi lại:

- Lễ tổ chức ở đâu sao lại vào buổi chiều. Bên kia em cũng nhiều lần tham dự nhưng đều vào buổi sáng thôi.
- Chỉ là tham dự tiệc gây quỹ góp tiền gởi về giúp cho thương phế binh ở quê nhà.

Tôi nghĩ thầm: “Vậy là mình có dịp mặc chiếc áo dài mới may những năm trước khi về lại Việt Nam. Thử lại vẫn còn vừa vặn, tuổi sáu mươi tôi chưa mập phì giống như những người khác, nhìn nhau trông giống như đòn bánh tét hay khúc giò lụa từng khoanh bị bó chặc. Có thể cơ địa của tôi giống mẹ và do chưa hề sinh nở nên vẫn thon thả gọn gàng. Công nhận chiếc áo dài vào năm đầu buổi giao thời đổi đời đã bị vùi dập tả tơi cùng với người mặc áo bị chế độ cộng sản báng bổ là bọn tiểu tư sản, mảnh y áo truyền thống tưởng chừng bị mất hút nào ngờ lại được vinh danh, trở thành quốc phục hiện giờ cho cả nữ lẫn nam khiến người ta nhớ đến câu “chân lý ấy không bao giờ thay đổi được “.

oOo

Cũng giống như các buổi lễ tôi đã từng tham dự, rộn ràng kèn trống. Hình ảnh chiếu trên màn hình tường thuật buổi lễ duyệt binh 1973, giọng người xướng ngôn hào hùng, sang sảng khiến lòng tôi nao nao những cảm xúc ngày xưa, cúi mặt dấu đi ngấn nước đau buồn trong mắt khi nhìn thấy hình ảnh quen thuộc của những người lính VNCH gọn gàng trong bộ quân phục, lần lượt diễn hành cùng màu cờ sắc áo mỗi quân binh chủng.

Do chưa quen biết bất cứ ai tôi thu mình ngồi trong góc lơ đãng nhìn mọi người tất bật chuẩn bị nghi lễ khai mạc quen thuộc. Vợ chồng bà chị giới thiệu với những người ngồi cùng bàn rằng tôi là người từ tiểu bang bên bờ Đông mới chuyển sang bên này trốn lạnh. Người đàn ông ngồi cạnh pha trò:

- Hy vọng chị không phải là một “Con chim trốn tuyết” về đây vài tháng mùa đông mà sẽ mãi mãi ở lại vùng đất ấm áp nơi này.

Tôi ngậm ngùi trả lời bằng những lời không ăn nhập ý tưởng người mới nói:

- Hồi còn đi học tôi được người bạn tặng quyển truyện dịch “Con chim trốn tuyết” của Paul Gallico. Sau này qua những năm tháng chiến tranh người ta thấy câu chuyện xảy ra bỗng giống hệt tháng ngày di tản của những người lính VNCH dọc theo bãi biển miền Trung trước tháng 4/75. Họ không ra được các chiến hạm neo đậu ngoài khơi dưới làn đạn pháo ác liệt của Cộng sản bắn theo.

Để xua tan nỗi buồn bà chị họ tôi bỗng giới thiệu:

- Em gái tôi làm nghề “gõ đầu trẻ” từ những năm trước tháng 4/75 ở Việt Nam. Qua bên này mới phải đổi nghề.

Người khách ngồi cạnh bên nghe câu nói của chị tôi giống như gặp cái phao bèn níu lấy ngay.

- Trời ơi! Đúng là “buồn ngủ gặp được chiếu manh”. Tôi đang thiếu giáo viên dạy tiếng Việt cho trường Việt ngữ của tôi. Chị có thể gia nhập hàng ngũ giáo viên thiện nguyện giúp cho trường tôi được chứ ?
- Tôi bỏ dạy hai mươi mấy năm rồi nhưng vẫn sẽ sẵn sàng trở lại nếu có dịp để triệt tiêu hai chữ “mất dạy” bấy lâu nay.
- Mỗi tuần trường Việt ngữ chỉ mở ngày chủ nhật, hy vọng ngày hè khai trường đầu tháng sáu sẽ gặp lại chị.

Ngoài sàn nhảy từng đôi dìu nhau rập rình theo điệu nhạc, tiếp theo là phần đấu giá gây quỹ. Những tà áo dài tha thướt vây chung quanh các bộ quân phục chụp ảnh “tự sướng” bằng những cái Iphone giơ cao. Trong hàng ngũ những người lính bận rộn vì được các bà các cô chiếu cố nhiều nhất. Không quân với bộ đồ bay liền quần. Nhảy dù với mũ đỏ áo hoa dù. Bộ binh áo bốn túi bỏ ngoài quần gom ống cũng chẳng kém cạnh. Nhưng người mẫu đắt show nhất là ông lính Hải quân mặc bộ vest trắng, nhìn thấy cảnh tượng tôi nói một câu khiến mọi người trong bàn tiệc ai cũng cười ồ:

- Ông lính mặc quân phục Hải quân là bắt mắt nhất, đề nghị ai muốn chụp ảnh chung thì phải bỏ ra mười dollar góp vào quỹ ủng hộ thương phế binh mới phải. Tôi có chị bạn học ngày xưa thật thà nói: “Mình bằng lòng lấy ông xã chỉ vì thích anh mặc bộ quân phục Hải quân màu trắng của anh ấy thôi.”

Một người ngồi cùng bàn thêm vô:

- Vậy là bộ quân phục se duyên cho anh ấy lấy được vợ.

Anh bạn hiệu trưởng trường Việt ngữ ngồi cạnh mau mắn nói:

- Anh ấy là bạn thân của tôi, bàn mình mời anh ấy đến chụp một tấm ảnh làm kỷ niệm.

Nói là làm anh vội đến bên cạnh người sĩ quan Hải quân đang mặc bộ đại lễ trắng, vừa đi vừa nói:

- Thể theo lời yêu cầu của mọi người muốn chụp chung với anh một bức ảnh.

Hơn bốn mươi năm, những người còn lại vẫn hãnh diện với quá khứ đã từng khoác áo người lính chiến trong hàng ngũ quân lực Việt Nam Cộng Hòa, điều này trở thành niềm tự hào bất diệt trong lòng mọi người.

Nhìn bảng tên mang trên ngực áo người lính tôi bỗng giật mình hồi hộp vì cái tên trùng hợp với một người quen mà như không quen từ lâu lắm. Lần đầu tiên biết tên, trông thấy tận mặt cũng là lần cuối không gặp lại. Bốn mươi năm không ai nhớ nỗi dù một chút thoáng qua. Tất cả chỉ là ký ức mơ hồ nằm tận sâu trong tâm khảm phủ lớp bụi thời gian.

“Phù Tang” Cái tên dễ nhớ vì khác với những cái tên thông thường. Là một địa danh chỉ về xứ sở có loài hoa anh đào nổi tiếng trên thế giới. Cũng như tên tôi “Phượng Hoàng” cái tên kiêu sa của một vị chúa tể loài chim bay thật cao và có thể không có thật, chỉ có trong trí tưởng của mọi người.

Đưa con thuyền hồn trở về bến cũ ngày xưa có chàng lính chiến trai trẻ nhanh nhẹn cầm lái chiếc chiến đĩnh tới lui con sông rộng tít tắp không thấy được bờ bên kia, kéo còi chòng ghẹo cô gái đang đứng bên bờ nhìn giòng nước chảy xuôi. Giờ không còn thời hoa mộng nhiều tưởng tượng trước thực tế hiện tại phũ phàng. Suốt buổi lễ tôi như người bị mộng du đang thả hồn chờ con thuyền về bến cũ. Chàng trai trở thành một ông lão chậm chạp từng bước chân và cô gái ngày xưa với chiếc lưng ong hơi khòm trở thành đóa hoa cẩm “chướng” đời mình. Nên hay không nên hạnh ngộ là câu hỏi nếu cả hai nhận ra nhau. May mắn thay chỉ có một mình tôi biết mà thôi.

oOo

Bà chị họ gõ cửa nhà “càm ràm”, hai ông bà vừa mới cãi nhau chuyện thông thường hàng ngày. Mỗi lần giận dỗi bà hay chạy ra trút giận kể lể với tôi.

- Ổng bây giờ hay cãi và dễ nổi nóng lắm. Mới nói rõ ràng sai bét chị lập lại thì ổng chối biến không nói vậy bao giờ. Tức cành hông luôn, chị nói từ rày về sau tui phải mở phone thu âm mỗi khi nói chuyện với ông mới được.
- Rồi có lần nào ghi lại được không ?
- Lúc đó có nhớ đâu, không có bằng chứng nên cứ cãi mỗi khi ổng nói chuyện nọ xọ chuyện kia. Hình như ổng lẫn rồi. Nói ổng lẫn thì lại không chịu.

Có phải cãi nhau là cố tật của vợ chồng già không thể nào tránh khỏi. Mới hôm kia hai anh chị làm kỷ niệm năm mươi năm lễ vàng bạc kim cương của hai vợ chồng. Mấy người bạn thân ai cũng nói hai vợ chồng là đôi sam không thể rời nhau. Khi yêu không ai muốn phải chia ly, nhưng yêu trong thương nhớ khiến tình yêu đẹp hơn với nỗi khao khát được trông thấy nhau. Cái gì chưa đạt được hay không đạt được bao giờ cũng quý. Lấy nhau rồi ngày ngày gặp nhau mà không thấy chán theo thời gian là điều rất khó vì con người đa phần ưa chuộng những gì mới mẻ.

Có những phút giây hai chị em ngồi yên bên nhau sau màn cãi cọ của hai vợ chồng, chị lại tìm đến tôi. Chị phải vin vào hình ảnh ngày xưa lúc còn trẻ hai người mới yêu nhau, trông anh rất hấp dẫn với dáng vẻ người đàn ông hào hùng hiên ngang khiến chị yêu mê mệt. Từng cử chỉ của anh chăm sóc chị, biết bao lời nói nhẹ nhàng đầy yêu thương, vắng anh là trông ngóng, bây giờ có lúc lại thấy cái tính gia trưởng khó ưa. Chị chép miệng: “thôi thì còn lại cái nghĩa gắn kết để nhường nhịn nhau, đi đến cuối đời.”

Tôi định nói nhưng cố kìm giọng giấu đi suy nghĩ của mình. “Bà cũng đâu kém cạnh, cô thiếu nữ ngoan hiền biến đâu mất rồi, gọi bà là sư tử Hà đông cũng không ngoa, bà cũng lấn lướt ông bây giờ, bà trở thành phái mạnh trong nhà, bởi thế mới có câu “lệnh ông không bằng cồng bà”. Ông nhường nhịn vì chắc trong trái tim vẫn còn giữ mãi hình ảnh ngây thơ, hiền dịu ngày nào của bà. Và nhất là cái tính chung thủy hy sinh cho chồng con suốt mấy năm ông bị tù đày. Bài hát “Anh còn nợ em” tác giả đã nói giùm các đức ông chồng không thể nói vì sỉ diện.

Để an ủi bà chị, tôi kể:

- Bữa kia em đi gặp bác sĩ gia đình cũng nghe bà vợ ông này than van ổng dạo này thay đổi, nhiều bệnh nhân kể lại, vô phòng khám cứ nghe ổng nói chuyện năm xưa không lo khám bệnh. Báo hại bệnh nhân bên ngoài ngồi chờ hàng hàng lâu lắc. Bà vợ cứ thấy hơn nửa tiếng, bốn mươi lăm phút mà khám chưa xong một người, bà ta phải vào gõ cửa nhắc nhở. Mà ổng mới gần bảy mươi chứ đâu già mấy đâu!!!. Anh nhà cũng bảy chục bó cộng lẻ sáu, bảy hơn ông bác sỉ này nhiều.

Bà chị nói vớt vát một câu trước khi về căn nhà phía trước của chị.

- Tại em không lập gia đình nên không bị bực mình chuyện này. Về già hình như tính tình ai cũng trở thành một đứa trẻ nít.

Tôi nghe người ta hay đề cập khi nói yêu nhau, lấy được nhau là “thú đau thương” có phải là đây. Giống như hoa nở rồi tàn, lá xanh rồi cũng sẽ phải vàng phai rơi rụng. Ai cũng có con đường ký ức để nhớ về tìm lại giấc mơ tuổi trẻ, tôi cũng vậy nhớ thời thiếu nữ tóc dài, tâm hồn đầy mộng mơ, buổi sáng nghiêng đầu ôm tập đi vào lớp học, có bầy trẻ gõ thước đồng thanh cất tiếng chào cô giáo khi thấy tôi xuất hiện ở cửa lớp. Bốn mươi năm, thời gian và không gian trôi qua có thể chữa lành những vết cắt bởi những biến cố xảy ra, nhưng chúng vẫn thành sẹo lắng đọng trong tâm tư.

oOo

“Tình là tình nhiều khi không mà có. Tình là tình nhiều lúc có như không!”

Sáng chủ nhật, ngồi chờ giờ lên lớp. Anh bạn hiệu trưởng nhờ tôi xem lại mẫu nhắn tin và cho ý kiến trước khi gởi đi báo chí địa phương. (Tìm người quen cũ, tên Phượng Hoàng trước 75 làm cô giáo trường tiểu học gần căn cứ Hải quân CL. Nghe nói đã theo gia đình qua Mỹ diện HO. Xin email về phutang 75@hotmail.com).

Mẩu nhắn tin gợi cho tôi một xao động trong lòng. Vậy là người xưa vẫn còn nhớ. Anh bạn kể thêm:

- Cô giáo là người ơn giúp cho anh bạn tôi tháng 4/75 trên đường di tản bằng tàu bị việt cộng bắt giữ. Bây giờ muốn tìm gặp để nói lời cảm ơn canh cánh bên lòng từ lúc ấy.

Thản nhiên tôi giả vờ góp ý:

- Chuyện lâu lắm rồi chắc hai bên đều đã lập gia đình, có trở ngại gì không?
- Về phần anh này vợ mất hơn mười năm rồi, có một con trai và cháu nội nhưng không ở chung. Con cái bên đây mà chị. Anh ấy vẫn hay hát “Sớm mai thức dậy nhìn quanh một mình”
- Tôi xem tin tức trên các web làm đài phát thanh trên youtube, thấy có nhiều người nhắn tin tìm người quen hàng xóm hoặc bạn học cũ giống như chuyện này, kết quả rất khả quan vì tin nhắn được loan truyền khắp nước Mỹ.
- Ý kiến của chị rất hay.

Tôi im lặng vì người được tìm là tôi đó ư? Chìm trong suy nghĩ, giờ phút này tôi còn chưa biết mình sẽ trả lời thế nào khi tự hỏi! “Gặp gỡ để làm gì và tình sẽ đi về đâu ?”

Tôi chợt nhớ bài thơ mới của tác giả Phan Khôi viết hơn nửa thế kỷ “Tình Già”. Tôi cải biên cho hợp hoàn cảnh hiện tại.

- Bốn mươi năm xưa một đêm vừa gió lại vừa mưa.
Trong gian nhà tranh bên họng súng canh chừng, hai mái đầu xanh kề nhau than thở
Ôi đôi ta tình thương nhau thì vẫn nặng. Mà lấy nhau hẳn là không đặng...
Chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau.....
Chẳng qua thời thế bắt đôi ta phải vậy!
Ta là nhân ngãi đâu phải vợ chồng mà tính việc thủy chung.
- Bốn mươi năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau
Đôi mái đầu đều điểm bạc màu thời gian,
Bởi vì chẳng quen lung nên không nhìn ra được
Muốn gặp ôn chuyện cũ nhưng thôi!!!
Chỉ thỉnh thoảng liếc đưa nhau được rồi, con mắt còn có đuôi.

Đôi mắt của tôi là mắt phượng nên có đuôi dài tự nhiên, mắt đối phương không có đuôi nhưng nét nhăn chân chim kéo dài cũng không ít. Vậy là có thể nhìn nhau bằng hai con mắt có đuôi. Tính tôi vốn cầu toàn, trời sinh tôi con người lãng mạn nên rất dễ vỡ mộng. May mắn ở nơi xứ sở thừa mứa thực phẩm và mỹ phẩm làm đẹp đủ kiểu khiến người ta trẻ hơn tuổi thực. Lại thêm khí hậu ôn hòa mát mẻ không có cái nắng làm cháy da, khô quắc queo khiến con người trở thành hom hem già trước tuổi. Lòng tự tin tràn đầy nhưng tôi vẫn không quên câu thơ nhận xét về tình yêu ai cũng biết “Yêu! là chết trong lòng một ít” - “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở.” Không biết kẻ vô danh nào đó nối tiếp câu thơ thành sống sượng trần tục: “Lấy nhau về nham nhở lắm người ơi!”.

Làm một phép thử bằng cách đi vòng quanh công viên tôi đếm bước chân, một bước “sẽ nói”, bước kế tiếp “không nói” bước hết con đường vòng cung đến cuối đường là góc mặt hồ lăn tăn con sóng, kết quả cuối cùng tôi dừng bước chân bên bờ mộng cũ là hai từ “không nói”.

Cỏ Biển
Tháng 4/2025.


(*) Trích hai câu thơ Hoài Khanh. Ngồi lại bên cầu

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2025