BÊN KIA BỨC TƯỜNG
Dạo gần đây chị Kim có cảm tưởng như Huy – người khách trọ thuê phòng trong nhà chị dường như không thích chỗ ở của anh ấy nữa. Chiều đi làm về không thấy cậu ta ra sân chạy bộ hay rủ con trai chị chơi banh bàn như trước kia. Trông cậu ta có vẻ phờ phạc. Chị Kim hỏi thì cậu ta nói là bị mất ngủ.
Phòng của Huy rộng rãi, thoáng mát, có lối đi riêng, giá cả vừa phải. Cửa sổ trong phòng nhìn ra một lối đi hẹp với bức tường gạch chạy dài bao bọc phạm vi căn nhà. Bên kia bức tường là sân sau của nhà hàng xóm. Bên ấy có một cây bơ um tùm trái treo lủng lẳng. Rễ cây bơ làm cái sân xi măng bị gồ lên, đẩy bức tường nhô cao và nứt ra thành một khe hở bằng gang tay. Từ khe hở ấy nếu đặt mắt vào là có thể nhìn thấy toàn bộ sân sau của nhà bên cạnh.
Lần đầu đến xem chỗ ở Huy ngó qua ngó lại rồi nói: “Cảnh ở đây giống giống xóm cũ của em trước kia. Nhà em ngày xưa cũng có bức tường gạch như thế này. Còn nhà bên cạnh thì cũng có cái cây to dựa tường nhưng không phải cây bơ mà là cây xoài. Lúc đó em chừng...9,10 tuổi...” Chị Kim cười: “Vậy em có hái xoài trộm của người ta không? Khai thiệt đi.” Huy không đáp chỉ cười gượng gạo.
Căn nhà bên kia bức tường gần như bỏ không. Chủ của nó là ông Thuận, trên dưới 70 nhưng rất khỏe. Ông Thuận đã về hưu, lại không vợ không con nên rày đây mai đó quanh năm. Nhà cứ khóa cửa bỏ đó không người lai vãng. Cỏ dại mặc sức tung hoành như nhà hoang chết chủ. Có lần thư gởi cho ông Thuận lạc qua nhà chị Kim. Chị đem tới bỏ vào hộp thư cho ông mới thấy hết hồn. Thư trong hộp nhiều đến nỗi không còn chỗ nhét, bụi và mạng nhện tha hồ làm mưa làm gió. Người phát thư nói với chị: “Sao nhà bỏ không hoài uổng vậy chị? Mỗi lần bỏ thư bên ấy em sợ ghê. Cứ nghĩ là có ma.” Chị Kim nói: “Lâu lâu ông chủ cũng có về mà. Ma gì mà ma.” Còn với Huy chị nói: “Em ở đây đậu xe thoải mái. Nếu bên nhà chị hết chỗ thì cứ qua đậu nhà hàng xóm. Ông bên đó vắng nhà quanh năm. Có khi sáu tháng liền chị không thấy mặt mũi ổng!” Huy mỉm cười gật đầu: “Vậy tốt. Em sợ nhất là những nhà hàng xóm vặn nhạc ầm ĩ.” Chị Kim cười: “Cái đó thì em khỏi lo. Ổng có ở nhà đâu mà vặn nhạc. Mà cho dù có ổng đi nữa thì cũng không bao giờ có nhạc. Chị chưa bao giờ nghe tiếng nhạc nào phát ra bên đó...”
Huy gật đầu đồng ý dọn vào ở.
Chị Kim không có gì phiền lòng người thuê phòng của mình. Cậu ta trả tiền đầy đủ, lại đi làm suốt ngày. Nghe nói là làm công nhân lắp ráp ở hãng điện tử gì đó. Huy có một đời sống khép kín. Chẳng khi nào thấy cậu ta tụ tập bạn bè ăn uống nhậu nhẹt. Cậu ta có đứa con gái gởi cho ba mẹ nuôi. Vợ thì không bao giờ nghe nhắc đến.
Một buổi chiều kia chị thấy Huy gõ cửa qua tìm mình. Cậu ta dáo dác:
- Chị Kim. Em thấy hình như nhà bên cạnh...có ma. Em ớn quá.
Chị Kim mở to mắt:
- Em thấy sao mà nói vậy? Chị ở đây lâu rồi có thấy ma cỏ gì đâu.
Huy dắt chị ra chỗ bức tường nứt. Cậu ta thì thào:
- Chị nhìn chỗ khe nứt này xem.
Chị Kim ghé mắt nhìn. Mọi thứ đều quen thuộc. Vẫn là cái sân sau lồi lõm, đồ đạc vất tứ tung. Vẫn là cái ghế bố cũ dưới cái mái hiên treo lòng thòng những chậu cây héo queo héo quắt. Xô nhựa, xe đạp hư, ống nước hư... các thứ linh tinh rải rác bừa bãi. Chị Kim quay lại hỏi:
- Em thấy gì mà nói là ma?
Huy đáp:
- Hôm qua em đi làm về. Khoảng sáu giờ chiều. Nghe bên đó có tiếng động em tới chỗ bức tường hở ngó qua xem thử. Em thấy một người to con, có cái bụng bự lắm đang nằm dài trên ghế bố. Em đứng quan sát một hồi. Em không thấy mặt ông ta vì ông ấy đang xem một tờ báo. Rồi đột nhiên ông ta đứng dậy, buông tờ báo xuống. Em thấy mặt ông ta quen lắm. Em không thể nào nhầm lẫn với ai. Bởi vì em đã...đã....
Huy bỗng lắp bắp rồi dừng lại. Chị Kim trố mắt nhìn. Chị hỏi:
- Em thấy ông ta quen lắm à? Tức là em đã gặp ông ấy?
Huy thở dồn dập:
- Đúng. Em có biết ổng. Ổng ở trong xóm cũ của em. Nhưng ổng đã chết rồi. Chết mấy chục năm nay. Em đã bỏ xóm cũ vượt biên qua đây từ lâu. Sao em lại gặp ổng ở đây. Chẳng lẽ ổng hiện hồn về?
Khuôn mặt Huy đờ đẫn thất thần. Chị Kim bảo:
- Bình tĩnh Huy. Người em thấy là ông Thuận đó. Chắc ổng vừa đi xa về đó thôi chứ không phải cái người trong xóm cũ của em đâu. Ông Thuận cũng cao to và bụng bự.
Nói xong chị Kim lật đật chạy ra trước nhà rồi chạy vào. Chị đập vào vai Huy cười xòa:
- Chị thấy xe ổng đậu trước nhà. Ổng mới về đó. Em đừng sợ gì hết nha. Có lẽ trời tối nên em trông nhầm đấy thôi.
Khuôn mặt Huy vẫn còn đầy vẻ sợ hãi. Cậu ta quay vào nhà, hai bàn tay nắm chặt như thủ thế hay tự trấn an chính mình. Chị Kim hỏi với theo:
- Em theo đạo Chúa hay đạo Phật ?
Huy đáp:
- Em không có đạo gì hết.
Chị Kim bảo:
- Chị theo đạo Công giáo, trong nhà thờ Chúa, thờ Đức Mẹ. Chị không tin ma quỉ. Em yên tâm đừng sợ gì hết.
Những ngày sau đó chị không thấy Huy phàn nàn gì nữa về chuyện thấy ma bên nhà hàng xóm. Ông Thuận cũng chỉ ở nhà được vài tuần rồi lái xe đi mất. Căn nhà bên cạnh lại chìm vào cái vẻ u trầm ma quái như cái vốn dĩ của nó từ bấy lâu nay. Tưởng đã yên không ngờ người khách trọ của chị là Huy lại thêm một lần nữa hốt hoảng qua gặp chị. Cậu ta nói như van lơn:
- Chị Kim. Chị lấy cái gì trám lại cái khe hở chỗ bức tường đi. Em không muốn thấy cái khe hở ấy.
Chị Kim hỏi:
- Em lại nhìn thấy cái gì nữa sao?
- Không...Nhưng...
- Nhưng sao?
- Em nghe có tiếng động ...
- Nghe lúc nào?
- Lúc ...em không nhớ nữa. Lúc có lúc không..
- Vậy tiếng ấy là tiếng gì?
Huy đột nhiên cáu gắt, vẻ mặt vừa tức giận vừa sợ hãi:
- Chị muốn biết tiếng gì thì chị tới mà nghe đi. Em không bịa đặt đâu. Em đã nói là bên ấy có ma.
Chị Kim dịu giọng:
- Thôi được rồi. Để chị tìm cái gì đó che cái lỗ ấy lại.
Tuy nói vậy cho vừa lòng Huy nhưng chị Kim cũng hơi bực mình. Đàn ông gì mà như con nít. Hở chút là sợ chút là sợ. Chị là đàn bà mà chị còn không sợ. Sao cậu ta kỳ cục vậy. Một tuần lễ trôi qua. Chỗ hở của bức tường vẫn còn sờ sờ ra đó, đen ngòm trong bóng đêm như miệng hang tối tăm kinh dị trong lòng Huy mà đối với chị thì chẳng khác nào cái lỗ đinh hay hang chuột thì có gì phải lấp lại. Thế nhưng mấy ngày sau chị ra vườn thì thấy chỗ trống ấy đã được che lại bằng một tấm cạc tông. Cách làm rất vụng về. Chị thở dài. Chắc Huy chờ chị không được nên tự mình làm lấy. Thôi thì che tạm như vậy cũng được chứ trám lại bức tường thì nhiêu khê và tốn kém lắm.
Những tưởng ngày tháng đã khỏa lấp hết những chuyện hoang đường vu vơ của người khách trọ, không ngờ một buổi tối kia, lúc chị Kim đang ngồi đong đưa trên ghế xem Tivi thì nghe tiếng chuông và tiếng đập cửa dồn dập. Chị ngồi bật dậy phóng như bay ra cửa. Cửa vừa mở thì Huy bên ngoài lao vào như cơn gió lốc. Mặt cậu ta xám ngoét, mắt lạc thần. Cậu ta chạy đến cái sofa ngồi thót lên co rúm người lại. Chị Kim bước lại run run hỏi:
- Em lại thấy cái gì bên nhà đó nữa sao?
Huy đáp trong cơn hoảng loạn:
- Hồi nãy em đi làm về, vào nhà tắm rửa thay quần áo như thường lệ rồi leo lên giường nằm ngủ lơ mơ. Bất giác em giật mình tỉnh dậy vì một tiếng động mơ hồ. Em thấy cái màn cửa sổ lay động mặc dù cửa vẫn đóng và trong phòng không có một cơn gió nào cả. Em ngồi nhổm dậy quan sát xung quanh. Không có gì lạ cả. Duy chỉ có cái màn cửa là đong đưa qua lại. Cảm thấy rờn rợn em mở cửa bước ra ngoài. Cái đập vào mắt em là chỗ hở trên bức tường. Mấy ngày trước em đã lấy miếng cạc tông che lại rồi mà sao nay nó rớt ra. Cái lỗ ấy lại hiện ra, đen ngòm, đáng sợ như một cái đầu lâu. Em tiến lại gần. Em vừa thoáng thấy một bóng người lướt qua cái lỗ ấy. Em bước tới dí mắt vào cái lỗ. Vẫn là cái người cao to, bụng bự, mặc áo thun ba lỗ màu trắng. Ông ta đi bộ vòng vòng trong sân rồi đến ngồi xuống cái ghế bố dưới hiên nhà, đúng vào cái vị trí mà em thấy ông ta lần trước và vẫn cầm tờ báo đưa lên đọc. Rồi ông ta bất chợt đứng lên và buông tờ báo xuống. Y như lần trước. Thật kinh dị. Em không lầm đâu. Đó là ông Ba, cái ông trong xóm cũ của em ngày trước chứ không phải ông Thuận chủ nhà.
Dù không tin ma quỉ chị Kim vẫn nghe lạnh sống lưng. Chị nói: “Em chờ chút” rồi tức tốc chạy qua nhà bên cạnh. Cả căn nhà tối om không một ánh đèn chứng tỏ không có ai trong đó. Chưa yên bụng chị nhấn chuông và đập cửa ầm ĩ. Chỉ có sự im lặng và cái bóng tối lạnh lùng đáp lại những thúc giục của chị. Chị Kim đành quay trở lại, bước vào an ủi Huy:
- Chị kêu cửa quá chừng mà không có ai ở nhà. Không biết làm sao bây giờ. Ông Thuận bao giờ về chị không biết. Không hiểu cái người em thấy là ai. Thôi để chị đợi khi nào ông Thuận về thì chị qua hỏi đầu đuôi cho ra lẽ. Còn bây giờ em đem cây Thánh giá này về treo trong phòng. Sẽ không có ma quỉ nào đến quấy phá em nữa đâu.
Huy cầm lấy cây Thánh giá, mặt méo xẹo ngước lên nhìn chị:
- Nếu tình trạng này kéo dài hoài thì chắc em dọn đi không ở đây được nữa.
Chị Kim vội nói:
- Đừng. Đừng. Chuyện đâu còn có đó. Ngày mai chị sẽ kêu thợ tới trám liền cái lỗ đó cho em..
Như sực nhớ ra điều gì, chị Kim hỏi giật giọng:
- À, mà cái ông Ba trong xóm cũ của em là ai? Vì sao chết?
Huy sững người nhìn chị, miệng há ra. Dường như Huy toan nói một điều gì đó nhưng kịp thời dừng lại. Cậu ta lừng khừng bước ra cửa rồi quay lại nhìn chị. Ánh mắt cậu ta như ánh mắt của một người đang kiệt sức.:
- Tối nay chị cho em ngủ trên cái sofa này đi. Em sợ lắm không dám về phòng.
Chị Kim hơi bất ngờ nhưng buộc lòng phải chấp nhận yêu cầu của cậu ta vì không muốn mất khách. Chị đem mền gối ra cho Huy và băn khoăn nhớ lại những gì cậu ta nói. Chi tiết người đàn ông mà Huy thấy ngồi xuống chiếc ghế bố mở tờ báo ra đọc làm chị thấy lạ. Bán tín bán nghi chị chạy ra chỗ bức tường nhìn qua khe hở. Sân sau nhà bên cạnh tối lờ mờ nhờ ánh trăng rọi xuống cộng với cái bóng chờn vờn, to thùi thũi của tán lá cây bơ tạo nên một không gian hư ảo nhập nhoè. Lúc ấy đã là 9 giờ tối. Một người nằm dưới mái hiên sẽ không thấy được gì mà đọc báo! Lạ quá. Người đàn ông đó chắc không phải là người. Ý nghĩ đó làm chị Kim nổi da gà. Sự tin tưởng “ trên đời không có ma” trong chị bắt đầu lung lay. Bằng bất cứ giá nào chị phải trám lại cái lỗ trống trên bức tường ấy mới được.
Sáng hôm sau chị Kim kêu Hải - người sửa nhà đến để giúp chị lo việc trám lại bức tường. Huy cũng có mặt ở đó. Hải nói:
- Việc này không dễ đâu. Muốn làm cho tới nơi tới chốn phải mất rất nhiều công. Trước hết chị phải đào đất lên, chặt hết những cái rễ của cây bơ. Có thể cây sẽ chết không chừng. Rồi chị đập bức tường cũ đi, xây lại. Tốn cũng bộn đó. Em nghĩ chị phải đợi chủ nhà bên kia về rồi bàn với ông ta vì cây bơ là cây của ổng, còn bức tường này là tường chung. Ổng phải cho phép làm thì mới làm và ổng phải chịu chung chi phí với chị nữa.
Chị Kim gật đầu. Đằng nào cũng phải đợi ông Thuận về. Huy xoay qua hỏi Hải:
- Anh có biết chỗ nào cho share phòng không? Tôi dọn qua ở tạm. Chừng nào làm xong bức tường thì tôi về lại đây.
Hải nói:
- Vậy anh về nhà tôi đi. Nhà tôi còn dư phòng.
Chị Kim há hốc mồm nhìn hai người. Chị không ngờ sự việc đưa đẩy đến mức này. Trước mắt là chị mất một khoảng tiền cho thuê phòng hàng tháng mà từ nay cho tới ngày Huy trở về thì chưa biết bao giờ. Huy có vẻ mừng rỡ. Cậu ta nhìn chị Kim nói:
- Chị thông cảm cho em. Em không thể ở đây khi trên bức tường còn cái lỗ hổng như thế này.
Chị Kim không biết nói gì hơn. Chị tiếc hùi hụi khi nhìn Huy khiêng đồ đạc chất lên xe đi theo Hải. Hai tháng sau khi Huy đi rồi ông Thuận vẫn biệt mù như bóng chim tăm cá. Chị Kim lấy miếng ván che cái lỗ hổng ấy lại rồi đăng báo cho thuê phòng. Người mới tới là hai vợ chồng còn trẻ, chưa có con. Chị Kim hồi hộp theo dõi họ nhưng không hề có biến cố nào xảy ra. Họ sống yên ổn, bình lặng, không thấy phàn nàn gì vể những hiện tượng ma mị bên kia bức tường. Gần cuối năm thì ông Thuận trở về. Ông ta hoàn toàn bác bỏ ý kiến về việc đốn cây bơ và xây bức tường mới. Ông nói chừng nào tường sập thì ông mới bỏ tiền ra xây, còn nó có nứt, có nghiêng ngã thì chấp vá lại như vậy được rồi. Chị Kim cũng đồng ý. Có thấy ai than phiền gì đâu thì xây lại làm gì cho mệt.
Thỉnh thoảng chị Kim vẫn nhớ về Huy cũng như nhớ tới những gì cậu ta trải qua lúc còn ở nhà chị. Chị có cảm tưởng như những gì chị biết về Huy, hiểu về Huy quá ít ỏi. Tất cả như lớp bèo đóng trên mặt ao mà dưới đáy là lớp rong dày bí ẩn. Sau cái Tết năm đó chị Kim có dịp gọi Hải đến để sửa nhà. Câu đầu tiên Hải nói:
- Chị có biết là Huy bị tâm thần không?
Chị Kim nhìn Hải sửng sốt:
- Cậu ấy bị tâm thần à? Tâm thần như thế nào?
- Lúc mới dọn qua nhà em trông nó cũng bình thường. Em không biết là nó bệnh. Sau đó nó cứ bảo là mất ngủ. Tới một đêm khi em đang ngủ thì nghe nó kêu ú ớ trong phòng “cứu tôi với, cứu tôi với”. Em hoảng hồn chạy qua thì thấy nó đang giãy giụa trên giường. Nó nói nó bị một người đàn ông bóp cổ. Em kêu xe chở nó vô nhà thương. Tưởng nhà thương cho về sau ít ngày, không ngờ họ giữ nó lại. Tới bây giờ nó vẫn còn ở trong bệnh viện tâm thần đó chị à. Em vô thăm nó khóc quá chừng. Nó không phải là hoàn toàn mất trí nhưng có những lúc nói chuyện khùng khùng điên điên thế nào. Nó kể cho em nghe một câu chuyện. Em thấy tội nó quá.
- Chuyện như thế nào? Em kể lại cho chị nghe được không.
Hải ngó ra bức tường ngoài sân nơi có cái lỗ hổng đã được lấp lại bằng một tấm ván và nhớ tới ánh mắt đờ đẫn của Huy, nhớ tới thân người co ro trong cái áo bệnh nhân rộng thùng thình, nhớ tới giọng nói lập bập của cậu ta phát ra từ đôi môi run rẩy mà thương xót. Hôm đến thăm Hải ngồi trên chiếc ghế kê cạnh giường Huy trong căn phòng không đồ vật, không ổ điện, nhìn ra hành lang có lưới bít bùng của trại tâm thần. Tiếng của Huy khi to khi nhỏ, khi ngắt quãng, khi thều thào, như người họa sĩ cầm cọ vẽ lại mảng đời mình. Hải còn nhớ rõ đến từng lời từng chữ.
“Lúc ấy tôi còn nhỏ lắm, có lẽ 9, 10 tuổi gì đó - Huy kể. Tôi sống với cha mẹ anh em trong cái xóm nhỏ ở khu Bàn Cờ. Nhà tôi cách nhà bên cạnh một bức tường dài. Nhà bên kia có một cây xoài lớn, nhiều trái lắm. Chủ nhà là một ông người Tàu, lớn tuổi, cao to, bụng bự. Ông ta hay la lối con cháu trong nhà và đặc biệt rất ghét những đứa con nít vì chúng hay hái trộm xoài của ổng. Ổng già rồi nên đâu có việc gì làm, suốt ngày nằm trên ghế bố dưới gốc xoài để canh chừng những đứa hái trộm.
Chiều hôm ấy tôi và thằng Tính rủ nhau trèo lên bức tường lấy nạng giàn thun bắn vào tờ báo mà ông ấy đang mở ra đọc trên cái ghế bố dưới gốc xoài. Bắn xong là rút liền nhé. Chúng tôi bàn tính như thế. Nào. Một- hai- ba. Póc. Tuột xuống nhanh. Hai đứa chúng tôi vừa tuột vừa nghe ông Tàu la “ối” lên một tiếng rồi tiếng cái ghế ngã, tiếng thân người đổ xuống, tiếng chân chạy huỳnh huỵch, tiếng chửi bới dậy lên ỏm tỏi. “Đứa nào đó. Đồ mất dạy. Đồ khốn nạn” Hai đứa chúng tôi chui vô nhà trùm mền nháy mắt cười. Không ngờ... Không ai có thể ngờ được. Ba ngày sau thì ông ấy chết. Hòn sỏi từ chiếc nạng giàn thun không giết được ai nhưng cái cú ngã từ trên ghế xuống trúng nhằm chỗ nhược nên đã đẩy ông ấy đi thẳng xuống mồ...
Cho tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ tiếng kèn trong đám ma của ông ấy. Cái tiếng kèn rít lên chói tai như những lời buộc tội, như cái thòng lọng quấn quanh cổ tôi, vò nát trái tim tôi suốt trong bao nhiêu năm. Đi đâu tôi cũng nghe. Trốn nơi nào tôi cũng bị cái âm thanh đó văng vẳng trong đầu. Tôi muốn chết mà không chết được. Người ta nói tôi bị điên nên nhốt tôi vào đây. Tôi không biết tôi có bị điên không nữa. Tôi hỏi khi nào được về thì không ai nói...”
- Câu chuyện của Huy là vậy đó chị à - Hải nói. Nó vừa kể vừa chảy nước mắt ràn rụa. Em không biết nói gì cho nó bớt buồn. Bác sĩ nói bệnh của Huy chữa được. Mong cho nó mau xuất viện rồi trở ra làm lại cuộc đời. Ai cũng có thể làm lại cuộc đời phải không chị.
Chị Kim khẽ gật đầu. Hải nói đúng. Ai cũng có thể làm lại cuộc đời từ sự quyết tâm và lòng hướng thiện. Hai bên nói chuyện thêm chút nữa rồi Hải đứng dậy ra về. Chị Kim tiễn Hải ra cổng xong trở vào, lẩn thẩn đi lại chỗ bức tường nứt, đẩy cái tấm ván qua một bên nhìn qua khe hở. Chị thấy ông Thuận đang lui cui dọn dẹp cái sân sau, một tay cầm cây chổi, một tay cầm đồ hốt rác. Ánh nắng hồn nhiên xuyên qua mái hiên, rọi xuống cái ghế bố làm thành những vệt dài song song trên khoảng sân vừa được quét dọn sạch sẽ và ngăn nắp. Trong tàn lá xum xuê sung sức những trái bơ no tròn rung rinh đầy hứa hẹn. Ông Thuận không biết có người nhìn trộm, thản nhiên đi lại, miệng huýt sáo một điệu nhạc vui. Một cảm giác nhẹ nhàng bình yên tràn ngập trong lòng khiến chị Kim tưởng như mình có thể bay lên được. Chị rời mắt khỏi cái lỗ hổng trên bức tường, đặt tấm ván trở về vị trí cũ rồi thong thả quay vào nhà.
Nghi Phương
3/2025 |