SỐ 106 - THÁNG 4 NĂM 2025

 

Cải Lương

Ngọc Cân - trấy Tiểu Đợi

* Những đoạn chữ nghiêng (hoặc đỏ): Mạn phép nhón từ Internet cốt truyện tuồng cải lương “Đường Gươm Nguyên Bá”

“Trong buổi dạ yến do Quân vương khoản đãi mừng chiến thắng. Thượng tướng Nguyên Bá đã tỏ tình cùng Thủy Cúc vì không biết nàng là hôn thê của thái tử Ngũ Châu.*

Minh sinh trưởng ở Huế, làm việc ở Đà nẵng, vợ người Đà nẵng; nên nghe thì biết vậy nhưng mù tịt về cải lương, chưa bao giờ đi coi, thậm chí chưa nghe trọn sáu câu vọng cổ nào; mãi đến khi sau 75 đi tù về, dắt vợ con lưu lạc vô nam mới tập ăn cho được trái sầu riêng, tự cho là đã đóng được cái dấu “dân Sè Goòng”; ai mà ngờ nó thúi mà thơm ngon như vậy trời.

Miền nam dễ sống thiệt, tuy không có hộ khẩu thiệt mà vợ chồng con cái được làm lơ, ở đậu nhà bà con. Vợ chạy chợ, Minh theo bạn bè phụ mua bán linh tinh, ít khi ngủ nhà; giấy tờ duy nhất trong người là “Giấy Cớ Mất” lâu lâu tự tái bản để cập nhật.

Sau thời gian, mấy người bạn đó muốn làm chuyện trời biển, đưa Minh vô Chợ Quán nhậu với chủ trại ghe. Ông Năm này môi giới để họ mua xác một chiếc ghe sông cũ, kéo về bến của ông sửa. Minh được phân công xuống ở giữ ghe. Đơn giản thôi: họ còn lo chạy mánh kiếm ăn và lo công chuyện; Minh đằng nào cũng coi như đang thất nghiệp. Quan trọng là họ không biết bơi, Minh không những bơi mà còn đã từng đi ghe củi, coi như có kinh nghiệm sống nước nhất đám.

“Biết được việc này, Ngũ Châu tìm đến tận tư dinh của Nguyên Bá toan giết chàng vì cho là mình bị sỉ nhục. Sứ quân đến kịp ngăn cản trận đấu và trừng phạt Ngũ Châu bằng cách buộc Ngũ Châu phải theo Thiền Sư Đông Sơn lên núi Triều Vân học đạo 3 năm.”*

Cuộc rượu vui. Suốt chục xị đế trong veo và 4 con mực nướng sau dĩa gỏi(nhiều) vịt(ít) bự tổ chảng, ông Năm có vẻ hợp rơ với Minh; mấy người bạn thấy vậy vui ra mặt. Giờ coi nhau là bạn nhưng trước họ là lính của Minh, họ vẫn kêu Minh “ông thầy”. Nghe “ông thầy” với ông Năm kháo chuyện sông hồ kinh rạch, ghe cộ, muỗi mòng, nước lớn nước ròng: đã lỗ tai; họ vui vì không những giúp chỗ ăn chỗ ngủ thường xuyên cho ông thầy, mà cứ cỡ này không chừng ông thầy còn có thể góp thêm những khoản mà tiền bạc không giải quyết được. Trong bụng Minh mắc cỡ vì khả năng sắm tuồng của mình (mười điều nói ra thì hết chín là nghe lóm).

Minh thấy mình sắp yên thân thời gian, chỉ là anh mừng ra mặt -hơi thiếu cảnh giác- khi nghe ông Năm dưng không nói “ôi…tui với tụi nó lai rai đều chi…toàn chỗ em út tình cảm không à…biết ý nhau thì đâu vấn đề gì…phải không mấy chú…mấy chú toàn dân làm ăn rành cái dụ này mà…”

“Để thử lòng người mình yêu mến, quân vương ra lệnh Nguyên Bá đưa Thủy Cúc lên núi Triều Vân thăm Thế tử Ngũ Châu rồi Ngài cải trang theo dò xét.”

Cổng trại ghe hẹp, không cánh cửa, nằm chẹt giữa hai dãy phố/nhà lẫn lộn; đi ngang ngoài đường không để ý dễ vuột. Bước vô vài mét có nhà kho và khoảnh đất nở hậu, cuối đất là bờ kinh. Ba chiếc ghe nằm trên đất được kê chận hai bên để sửa. Hơn chục chiếc to nhỏ khác thọc mũi vô bờ; nước lớn thì lái bềnh bồng, ròng thì toàn thân nằm phơi xiêu xiêu trên sình đen. Đủ loại: ghe bầu, ghe chài, ghe lưới; từ mũi cao như ghe giả, ghe mành đến mũi thấp như chiếc cà-dom. Nhiều chiếc đậu tràn qua hai bên nhà sàn hàng xóm. Mỗi ghe thường xuyên có 1 hay 2, 3 người ở coi. Vậy là đủ số chủ hộ cho một Tổ Dân phố. Ông Năm không chức sắc gì, nhưng rành sáu câu nên đám dân “bán trời không mời thiên lôi” tự do ra vô lên xuống, qua đêm trăng thanh gió mát.

Mảng trăng thanh gió mát mà không tách bến (đi đâu giờ!) dù tất cả việc sửa chữa (nâng be, sửa mũi, nong ngực, xảm, trét, đặt máy, thử máy, sửa máy, đóng thêm vây cá chống lật ngang, bọc lườn nhôm) lần lượt đã xong (phải có lý do liên tiếp mới thường trú hợp lý được chớ) thì biết thân mà cắm sào mé ngoài, mé bên; vẫn bước lên ghe khác mà ra vô, vẫn thọ ơn mưa móc bao che của bến.

Ghe của nhóm Minh thuộc diện này. Nói Minh bị nhốt trên ghe cả năm thì không đúng. Cuồng cẳng cũng chuyền ghe, ra đường cái cà phê, cà pháo một mình; lâu lâu bạn xuống thế cũng về thăm vợ con một ngày, thậm chí qua đêm.

“Dịp đó Quân vương biết Ngũ Châu không học đạo mà chỉ luyện võ nên chưa sửa đổi tâm tính tiểu nhân, cho đến khi Ngũ Châu ra lệnh Nguyên Bá hủy hoại nhan sắc Thủy Cúc thì Quân xuất hiện trừng phạt cả hai thầy trò bằng cách buộc Thiền Sư Đông Sơn phải cắt thủ cấp Ngũ Châu.”*

Khốn nạn là cái máy hát dĩa của căn nhà ngay mũi ghe Minh, thiếu đường phát rồ vì nó. Điện cúp người ta rên mà Minh sướng, được giải thoát khỏi những vòng quay nhão nhẹt ư ử suốt ngày đêm từ lan can của nhà sàn phía trên. Nước lớn còn đỡ: nới dây thòng mũi xa ra, dĩa hát lúc nghe lúc không, mùi sình thoang thoảng, dễ chịu. Nước ròng phơi thân ngả ngớn, nghe Thượng tướng Nguyên Bá tán Công nương Thủy Cúc hết vòng này qua vòng khác; nhạc sân khấu được phụ họa bởi tiếng bùn sủi bọt lóc bóc chung quanh ghe thì coi như đời tận cùng bằng số.

Thủ phạm là một thanh niên to con, mặt sần sùi chắc do nặn mụn bị làm độc thời mới lớn. Hắn có mặt thường xuyên trên lan can, khi nằm xuống sàn khi ngồi lên ghế. Công việc của hắn là thay đổi 3 dĩa cải lương cho Minh nghe. Chính hắn có nghe không thì không biết.

Minh và nó đôi lúc nhìn nhau, không ai nói gì. Đúng ra cùng là loại tù “nhốt cát-xô” cách ly như nhau thì bắt chuyện phải là nhu cầu. Đằng này chưa tiếp xúc với nhau mà làm như ác cảm. Có thể là Minh thì đang cùng mơ với bạn bè giấc viễn du, nằm trong vũng bùn thúi hoắc mà hướng thượng, có mục đích; thằng kia thì rõ ràng bị nhốt không lối thoát, xem ra còn cái vẻ bằng lòng; chớ gì nữa, nhiều lần ngồi nhai cơm độn với mắm sặc, Minh nhìn lên thấy nó bưng tô cơm bự tổ chảng, vồng lên mấy cái trứng, mấy cục thịt heo ngây ngất, thọc từng muỗng to ngồm ngoàm. Hẳn là nó khinh Minh. Minh thì ghét nó, thanh niên gì mà chịu nhốt mình trong cái lan can 24/24 . Chỉ có thể là tội phạm gì đó.

“… Quân vương cũng ra lệnh tác hợp Nguyên Bá và Thủy Cúc, nhưng chàng không chấp thuận nên bị hạ ngục….Con của Thiền Sư là Lâm Vũ tự sát để lấy thủ cấp cho Đông Sơn mang về kinh dâng nạp. Nơi đây, Quân vương buộc Đông Sơn phải cho Lâm Vũ thay Ngũ Châu nối ngôi Ngài, Đông Sơn đành chấp thuận và hẹn một năm sau.”*

Minh đi chợ mua bó rau muống, về tới cổng trại mới nhớ quên mua thuốc lá. Thực ra thuốc Hoa Mai là để hút khi lên bờ đi đâu đó hay về thăm nhà, dưới ghe chơi thuốc lào, ngày đêm hút lia chia, Hoa Mai chịu gì thấu.

Chị Ba chủ quán là má thằng cải lương. Chị nhìn bó rau.

- Thầy Hai lên đi chợ hả, vô…vô làm cái đen đi.

Minh cười, lắc đầu.

- Chị cho gói Hoa Mai thôi.

Chị Ba thò tay vô tủ kính nhỏ thuốc lấy gói Hoa Mai, để nó ra ngoài, lại lấy gói Samit rút hai điếu, nhìn Minh; chị lại đút vô gói thuốc cán trả lại chỗ cũ; cầm lại gói Hoa Mai đưa cho Minh. Minh thấy chị kỳ kỳ nhưng lục túi lấy tiền trả; lúng túng thế nào làm rớt bó rau. Chị Ba không nén được, cười to.

- Đúng là đàn ông đi chợ!

Minh cười vui với chị.

- Ngày chị bán nhiều thuốc không?
- Được được thôi. Thuốc đen khoảng hai chục, thuốc cán giỏi lắm được 2 gói mà cái khoản “Samit nói ít hiểu nhiều” cũng mât 4, 5 điếu. Mấy ngày nay thằng Khu vực mới ghé liền liền, chắc thâm vốn….Ôi! Để mình yên là được rồi…thầy Hai cũng biết thằng con tôi sau nhà, tôi cho nó trốn nghĩa vụ đó thầy.

À ra vậy. Minh nhớ lại động tác của tay chị trong tủ thuốc. Minh nhìn gò má chị, làm như có thoáng ửng một chút.

- Hay là chị lấy cho tôi 2 điếu Saigon, lâu lâu có cán cho sang.

Chị Ba vừa thối tiền vừa cười.

- Coi như thầy Hai đi chợ mua gói Hoa Mai với 2 bó muống. Mà thầy, cái thằng mới này làm tôi lo ra, cứ đứng cà kê dê ngỗng cả buổi. Làm như dòm ngó…

Mặt chị tai tái.

- Nó mới tới, đã biết gì mà…sợ… hay là chị nói với thằng con chị nếu động thì nhảy xuống núp ghe tôi, yên thì lên, chỉ lúc cấp bách, đừng để ông Năm biết.
- Thiệt há thầy… vậy được há thầy…anh em thầy có phiền không!
- Chắc không đến nỗi..
- Mang ơn thầy, thầy Hai.

Chị quay ngang qua bàn để siêu cà phê, rót một ly, quậy muỗng sữa,  nói:

- Thầy vô ngồi uống cái đã, cà phê kho cũng là cái lòng mà.

“Một năm sau... Thiền sư trở xuống kinh đô báo tin Lâm Vũ đã chết. Quân vương ra lệnh tha Nguyên Bá và yêu cầu chàng kế vị mà lo cho trăm họ. Bấy giờ, Nguyên Bá mới tiết lộ sự thật: Một đêm mưa năm trước, chàng đã bị kẻ gian ám hại, nhưng đã bị chàng chặt đứt một cánh tay, cũng nhờ vậy Nguyên Bá biết kẻ đó là Thế Tử Ngũ Châu. Chàng tin rằng sau một năm học đạo, Thế tử đã trở nên người xứng đáng để nối ngôi trời. Thiền sư Đông Sơn cũng nhìn nhận sự thật.”*

À mà Minh quên, thiệt tình! Chớ hồi trước coi phim thời sự chiếu trong rạp trước phim chính Minh có thấy cô nào đó đoạt giải vọng cổ trong Sài Gòn, nghe còn nhớ hai câu “Em biết yêu từ năm mười sáu tuổi……Nhưng nói ra chỉ sợ mấy anh cười……...” ngân dài ngọt lịm; cái ý càng dễ thương bộn khi cô ngân chữ “cười” nghe như chữ “cừ…ừi”, ngây thơ chết người.

“Quân vương truyền ngôi cho Ngũ Châu rồi cùng Nguyên Bá ngao du sơn thủy. Còn Thiền Sư Đông Sơn trở về Triều Vân và yêu cầu đừng ai tới lui thăm viếng cho đỉnh non cao đừng vướng bụi kinh thành.”*

Minh cơm nước xong, rít ống điếu, ém, chiêu ngụm trà…nhả khói…lơ mơ…

- Ông thầy! Má tui biểu cám ơn ông thầy.

Minh giật mình, ngó lên.

- Gần cả năm mới mở miệng ha mày.
- Đâu có gì mà nói, có đồng trang đồng lứa đâu!
- Mày ở không tao ở không mà.
- Giờ xin lỗi ông thầy. Giờ tui cám ơn ông thầy, dù có gì hay không có gì cũng cám ơn. Mỗi người một thế giới nhưng khi ưa thì mình nói chuyên cho qua ngày giờ ha.
- Nói thiệt với mày, cái máy dĩa của mày làm tao điên đầu; nghe riết quen. Ngộ!
- Tại thấy mấy ông nghênh nghênh ngang ngang, tui cũng muốn ta thích thì ta làm, ai nực gà ráng chịu. Ông thầy à, xin lỗi ông nhưng thực tình tui mê cải lương, giờ nằm ở đây, có chừng ấy dĩa thì tui làm sao cho khỏi phát khùng.
- Tao hiểu. Có vẽ mày mê tuồng “Đường gươm Nguyên Bá” nhất?
- Không mê sao được, tất cả các nhân vật đều đóng tròn vai của mình.

Làm như suốt cả năm tai Minh điếc:

- Là sao?
- Quân vương ra quân vương, con mình mà cà chớn cũng cho xớt cái thủ cấp. Thằng con bị chạm danh dự cũng chơi tới cùng, bị chém cụt tay cũng chịu. Nguyên Bá võ nghệ cao cường, tài ba trấn quốc cũng không bước qua được ải mỹ nhân, vậy mà khi biết hoa có chủ thì cho không cũng không lấy. Thiền sư vì nghĩa vua tôi mà hy sinh con mình. Con thì vì cha mà tự sát. Ông thấy không, từng đó nhân vật trong một câu chuyện oái ăm khắc nghiệt, lâm ly bi đát. Mà tròn trịa, có hậu. Ông soạn giả Hoa Phượng là dách lầu! Tui mê ổng!
- Tao cũng mê ổng, hồi nào không biết.
- Thiệt giỡn cha?
- Mày nhét vô đầy tai tao cả năm mà không chịu tiêu hóa thì có mà phát khùng.

Nó cười cái rần, móc trong người ra gói Samit thảy xuống:

- Ông thầy! Hút cho thơm râu. Lén lén mới chôm được của bả.

Minh thổ thổ mới lòi ra điếu duy nhất.

Rít sâu vài hơi, quá thơm quá thấm, Minh cà khịa:

- Mày nghĩ sao về cái tên tuồng?
- Là sao, tui không biết.
- Nghiệm lại tao thấy ông Hoa Phượng kêu “Đường Gươm Nguyên Bá” không xứng.
- Là sao?
- Một là ổng muốn có “đường gươm” vô để câu khách kiếm hiệp, hai là ổng sống trong giai đoạn mà cái ý nghĩa mày vừa nói còn là sự bình thường nên ổng khiêm tốn không đạo lý, dao to búa lớn.
- Ông thầy phê thuốc nói gì nghe ghê. Có cái này ông để bụng: nay mai tui trốn đây đi đầu quân lâm trường cho má tui dễ thở chút..
- Sợ má mày không chịu.
- Lén đi mà ông thầy. Ông già tui đi ngoài đó đói, khổ  mà chịu được thì không lý thằng con ổng nằm đây làm gánh nặng. Nghe nói ở lâm trường cũng nhiều mánh có tiền.

Minh ngước lên nhìn kỹ thằng nhỏ, nó đã trưởng thành hồi nào.

- Lên được lâm trường, giờ rảnh buồn mày soạn tuồng đi.
- Bộ tính móc họng tui ha cha!
- Mày đã thuộc “Đường gươm Nguyên Bá” thì theo đó mà viết cho đời nay: ai bây giờ cũng vô vai ngon lành: Như quanh đây: Ông Năm muốn có công ăn chuyện làm thì phải làm chủ xị đều chi. Đám ngoài phường có quyền mà không có tiền nhậu thì làm lơ cho ông Năm với tụi tao. Ba mày thua trận thì bị nhốt. Má mày bán thuốc lá, nước chanh, điếu đóm để khỏi đi kinh tế mới; che dấu mày trốn nghĩa vụ. Tụi tao đóng ghe chưa biết làm gì nhưng còn đậu bến thì phải sửa lui sửa tới câu giờ. Vậy đó. Ai ai cũng diễn đúng vai, phải không?
- Tuồng gì kỳ… toàn chuyện trật đường rầy không à!
- Giờ hàng ngày như vậy chớ kỳ gì mà kỳ. Hay mày muốn không kỳ thì giật ngược lại chừng chục năm.
- A.. tui hiểu rồi, tui đâu phải ông Hoa Phượng.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2025