SỐ 106 - THÁNG 4 NĂM 2025

 

Cô gái mang trái tim của người yêu

(Phần I)

Ba ông già thích thú ngồi nhìn bầy cháu đang náo nức nô đùa.  

Họ đều là cựu sĩ quan Hải quân VNCH từng phục vụ trên cùng một chiến hạm và may mắn di tản ra biển thành công ngày Sài Gòn sụp đổ vào mùa Xuân 1975, sau đó đều định cư tại Mỹ ở những tiểu bang khác nhau. Định mệnh tình yêu giúp họ giữ mối thân tình như anh em suốt nửa thế kỷ qua.

Ông Nhân góa vợ, hạnh phúc sống trong hoài niệm của mối tình son sắt từ ngày Hạnh Nhiên, vợ ông qua đời đúng hai mươi năm vào ngày mai. Ông sống gần con trai ở Rochester Minnesota, Minh Đăng là bác sĩ giải phẩu ghép tim, vợ Roya là giáo sư văn chương ở Đại học Minnesota -  Minneapolis, có hai con với nhau. Con gái Hạnh Phương làm việc cho tiểu bang Wisconsin đúng với sở học của mình về Chính sách Công quyền, sống với chồng Brendan là giáo sư ở Đại học Wisconsin -  Madison cùng hai con.

Ông Quang và vợ Gia Hân ở Houston Texas có con trai Kinh Luân là Trung tá Dược sĩ Hải quân và con gái Gia Kỳ là Giám đốc điều dưỡng của một bệnh viện ở Katy Texas. Hai anh em đều đã lập gia đình. Hai cặp vợ chồng có được ba cháu, đủ để bà nội-ngoại Gia Hân tha hồ lên thời khóa biểu đi chăm cháu.

Ông Phúc có ba con đều đã trưởng thành và thành công. Cuộc đời tình duyên ông Phúc khá lận đận nhưng tiền hung hậu kiết, hay có thể nào nói là tái ông thất mã chăng. Thời gian ở chiến hạm Phúc si tình một cô nàng cà phê ở Sài Gòn nhưng vì lý do nào đó sau một thời gian ngắn ở đơn vị mới Phúc đã kết hôn với một cô nàng cà phê khác ở quán cạnh đường ra vào cổng Giang đoàn. Quán này do bà mẹ dựng lên. Cà phê pha ở quán có lẽ mùi vị đặc biệt sao đó mà sau Phúc còn có thêm hai con nhạn sĩ quan nữa cũng là đà. Qua Mỹ vợ chồng gầy dựng cơ ngơi, nuôi con khôn lớn. Qua thời dot-com ở Thung lũng Silicon, kinh doanh của hãng sa sút Phúc càng bán mạng làm việc nhưng cùng lúc đó vợ lại có “đam mê” khác là suốt ngày đi chùa, tụng kinh, nghe Thầy thuyết pháp. Sau thời gian khá dài chịu đựng, Phúc nản quá tung hê tất cả, bán xưởng, bỏ nhà qua Manila, Philippines kinh doanh và sống vui gần mười năm trời. Trở về Cali, Phúc tình cờ gặp lại Duyên cũ. Hai con chim bị nạn từ đó nương cánh nhau mà bay, không danh phận chỉ hạnh phúc bên nhau.

Mùi phở gà thơm phức và bì cuốn hấp dẫn được mẹ-dì Roya và Hạnh Phương nấu nướng hàng giờ khiến bầy cháu cồn cào tranh nhau ngồi. Thức ăn dọn đầy trên bàn chỉ trong một loáng đã được bọn trẻ giải quyết nhanh gọn.

Vừa lúc có tiếng ồm ồm trước cửa chính. Hai đứa con của Đăng-Roya bỏ chỗ ngồi hăm hở chạy ra reo lớn, Grandpa Tom! Grandpa Tom! Một ông già Mỹ cao lớn kéo rê hai cháu ngoại, mỗi  đứa một bên chân, hai tay ôm choàng hai lon thịt gà hộp Hải quân lớn chà bá. Ông nhìn bàn ăn lúc này đã tan hoang như bãi chiến trường, làm mặt buồn.

- Vậy là Grandpa Tom chậm chân bị đám cháu nhỏ này ngốn hết phở gà rồi.
- Không đâu Bố, mấy tô sau cùng mới là ngon nhất đấy. Đợt hai này các anh chị ăn để kịp chở các cháu đi Valley Fair… Roya cười nhìn cha… Ah, mà Bố không bị Cảnh sát Giao thông chặn lại tặng giấy phạt hay sao mà đến sớm vậy.

Ông quay nhìn ba bạn già, cười ha hả.

- Chào ba ông già! Tôi dậy sớm, ra khỏi nhà lúc chưa tới năm giờ sáng nên tới đây kịp ăn phở gà là đúng rồi.

Luân và Gia Kỳ, hai con của Quang-Gia Hân cùng vợ chồng Brendan-Hạnh Phương tiến đến chào ông cựu Đại tá Hải quân.

- Good morning, Sir!
- Chào các cháu! Chào Trung tá! Xơ múi gì, gần hai mươi năm rồi tôi vẫn còn hận US Navy không gắn sao cho tôi đây.

Nhân chỉ tay vào Phúc.

- Lâu lắm rồi, ông còn nhớ tên này không?
- Nó vẫn lùn như trước, làm sao quên được. Còn thằng Quang vẫn bảnh trai như thường lệ hèn chi Công chúa Gia Hân vẫn để cho hắn theo nâng khăn sửa túi… Rồi ông Tom quay nhìn Phúc hỏi… Nghe nói mày ở Manila mấy năm sống vui lắm mà.
- Cali sau này vui hơn nên tao về lại rồi. Lần này xuống tận San Diego.

Gia Hân đang dọn phở ra bàn, nghe Tom trêu mình, cười nói.

- Chưa biết ai nâng khăn sửa túi ai à!... Rồi bà quay qua vợ chồng Hạnh Phương-Brendan, Luân, Gia Kỳ mời… Mấy đứa ăn sáng đi, tụi nhóc chờ đi Valley Fair đang nóng ruột đứng trước nhà đó.

Ông Tom nhìn con gái, Roya hiểu ý.

- Anh Đăng sáng nay có ca mổ ghép tim, đã vào Mayo Clinic từ sớm. Dì Gia Hân và con hôm nay ở nhà giúp bốn “ông già” chuyện ăn uống và sửa soạn cho đám giỗ hai mươi năm của mẹ Hạnh Nhiên sáng mai.

Tới giờ cho nhóm trẻ đi chơi Valley Fair. Bầy cháu náo nức chạy ra xe, miệng reo rân trời.

- Bye! Bye! Bye Grandpa! See you tomorrow.

Bốn ông già ra cửa vẫy chào bầy cháu vẫn còn ló đầu ra cửa xe hứng chí tiếp tục Bye Grandpa, see you tomorrow. Ông Nhân giải thích.

- Các cháu đi Valley Fair đến chiều tối mới về. Nghe Brendan nói sẽ ghé Famous Dave’s ăn tối rồi sau đó về thẳng khách sạn.

Roya và dì Gia Hân mời bốn ông bạn già vào bàn ăn. Các tô phở gà bốc khói thơm ngào ngạt. Ông Tom nếm miếng nước phở, gật gù khen.

- Ngon lắm! Đúng là save the best for last.

Hai dì cháu ăn xong im lặng rút vào bếp chuẩn bị cho ngày mai, bốn ông bạn lính già vẫn rôm rả nói chuyện nhiều hơn ăn. Nhân “khôn thấy mẹ” phân công.

- Làm gì thì làm, ngày mai phải có thịt gà chà bông của thằng Phúc. Chocolate ice cream vì lý do kỹ thuật HQ13 không có mặt nên có thể thay thế bằng Bruester’s ice cream…Nhân nói vọng vào bếp… Út coi còn kịp thời gian làm bánh kem không em?

Có tiếng Gia Hân nói vọng ra.

- Làm rồi anh Hai! Chờ ông anh nhắc thì bán lúa giống tìm mua cũng không có.

Có tiếng cười rúc rich của hai dì cháu.

Ngôi nhà trở nên vắng lặng lúc nào không hay. Bốn người bạn đã ra ngồi trên băng ghế bên bờ hồ phía sau nhà tiếp tục nhắc tới những kỷ niệm của năm mươi năm trước. Và như thế vòng quẩn quanh của kỷ niệm trở về bồi hồi câu chuyện kể lại xao xuyến tâm hồn những người lính già thường ít ngủ, nằm nhắc nhớ mông lung.

Nửa vầng trăng ngày hao hớt chơ vơ trên nóc cánh rừng phong vừa chớm lá, hư huyễn tìm bóng mình khuất chìm đâu đó dưới đáy hồ mơ. Tiếng vịt gọi bầy lãng đãng gần xa, âm vọng mơ hồ một bến bờ mãi kiếm tìm để dừng đôi cánh mỏi.

Bốn người lính già ngồi im lìm dưới trời xuân sớm.  Mặt hồ lấp lánh lao đao những dập dềnh lăn tăn  mường tượng hình hài con sóng.  Một lúc nào đó, mắt họ có lẽ cùng dừng lại trên một vùng giao thoa xa đắm, long lanh kỷ niệm. 

oOo

Con tàu chầm chậm tiến ra cửa biển. Không gian mờ ảo trong làn sương mai che khuất chân trời. Gió bán đảo Sơn Trà vần xoay, phần phật tiếng cờ. Trên đỉnh chiến hạm, ngọn radar uể oải từng vòng quay tiếc rẻ mấy ngày nghỉ bến rộn rã bóng sắc thành phố cảng.

Tiếng còi tan nhiệm sở vận chuyển vang lên từ lâu mà người sĩ quan vẫn đứng lơ đãng trên boong tàu nhìn quanh bờ vịnh. Làng Cùi dưới chân đèo Hải Vân vùi sau bờ cát xa, mong manh từng lượn sóng xô bờ. Phật Ðài cao gần Ngã-Ba-Ði-Huế ẩn hiện sau dãi rừng cây chắn gió đan thành vệt xanh thẫm trong ánh bình minh. Phật ngồi quay lưng về biển có lẽ không thấy được những bóng đời u ẩn bên kia bờ vịnh im lìm.

Có tiếng Phúc gọi vọng từ đài chỉ huy. Người sĩ quan bước về phía pháo tháp, mang chiếc ống liên hợp lên tai. Tiếng hát mênh mông vọng lại nỗi buồn... người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ...

- Vẫn chưa nguôi sao!? Nếu còn ý định tự tử thì cho tao biết sớm, tả hạm hay hữu hạm, để tao kịp kéo còi nhiệm sở vớt người.
- Dễ gì nguôi và cũng nhận ra, nhiều khi cũng nên rất buồn để biết mình đang sống.

Phúc cười rồi giọng trầm lại.

- Thú đau thương chăng!? Thôi tao lên ca đây. Hạm trưởng bàn giao vùng xong rồi. Kỳ này HQ10 lắc lư con tàu đi. Tao đổi cấp chạy về Sài Gòn cho kịp chiều mai Giao thừa. Sóng xuôi chắc về kịp cho mày viếng chợ hoa Nguyễn Huệ mua huệ trắng, thăm mộ nàng.

Tiếng cười buồn của Phúc tan trong tiếng hát vắng xa... hồn ta gió cát phù du bay về... Ngọn đèn trên đỉnh Sơn Trà chớp tắt u hoài. Từng viên sỏi kỷ niệm trở trăn lăn mình trên con dốc thời gian.

Sài gòn, ba mươi Tết. Chiếc hộ tống hạm cập vào Cầu B trước Bộ tư lệnh Hải quân lúc trời vừa ngả chiều. Chiến hạm cập bến mang theo hơi mặn của biển khơi và nỗi nhớ nhà da diết của những người lính sau 90 ngày vất vả với biển khơi tháng Chạp ngoài Vùng I Duyên hải. Trước đây vài giờ, lúc tàu vừa vào cửa Vũng Tàu một nửa thủy thủ đoàn từ quan đến lính có phép đi bờ đã lăn xăn chuẩn bị gói xách, thay quân phục mới. Tàu qua Nhà Bè, Khánh Hội. Sài Gòn rực rỡ sắc hoa đây rồi! Công trường Mê Linh trong nắng chiều uy nghi tượng đài Đức Trần Hưng Đạo đứng chỉ tay nộ khí xung thiên lời thề Sông Hóa từ gần tám trăm năm trước. Toán quan lính trong quân phục tiểu lễ trắng đứng dàn dọc theo boong tàu, chào trình diện Bộ Tư Lệnh lúc chiến hạm chầm chậm chạy qua, tiếng còi tàu từng hồi hụ vang hân hoan lòng thủy thủ đang rộn rã vui mừng.

Sĩ quan trực là Phúc. Chờ cho Hạm trưởng rời tàu và cờ hạm trưởng vừa kéo lên, toán hạ sĩ quan và thủy thủ đã thay quân phục xanh làm việc, lần lượt viết tên vào Sổ nhật ký Hạm kiều rồi ồn ào bước theo nhau làm nhốn nháo cả khoảng sân trước Cầu B, rải rác vài cây dừa lặng lẽ soi bóng xuống mặt sông.  Quang và tôi đứng nghiêm chỉnh chào sĩ quan trực hạm kiều Phúc rồi thong thả bước xuống cầu tàu. Phúc nhại giọng Bắc.

- Thằng Quang bu nó thế nào cũng chả cho nó về lại tàu tối nay đâu. Nhân, mày đi thăm mộ xong ráng về sớm, hai đứa lang thang Sài gòn rồi vào đón giao thừa ở Duyên Anh cho đỡ tủi.

 Quang cười đểu.

- Lại vào ngồi đồng đếm lông tay chứ gì!? Không xong rồi, ông quan tàu thủy ơi. Cô nàng đang chuẩn bị tắm tất niên rồi. Hai thằng mày ngồi đồng bên ngoài, chỉ được nghe rồi tưởng tượng “da trắng vỗ bì bạch” tức dế bỏ mẹ.
- Được thôi! Ngày mai mày cứ anh dũng vác lên tàu một bao bố bánh tét, bánh chưng, vài kí lô mứt các kiểu là hai thằng con bà phước tụi tao vui rồi.

Nhân cười, vẫy tay chào bạn. Quang rảo bước về hướng Hải Quân Công Xưởng để về nhà ở Thị Nghè, còn hắn thì đi về phía cổng Bộ Tư Lệnh.

Cuối năm ngày cạn, nắng tàn. Tưởng còn hương vọng ngỡ ngàng bước chân.

Chợ hoa Nguyễn Huệ chiều cuối năm đã bớt tấp nập. Ki-ốt bán hoa quen thuộc vẫn còn khá nhiều các loại hoa Tết khoe màu rực rỡ đươc đặt chen chúc trên các kệ gỗ. Mặt đất quanh sạp là những chậu hoa cúc, thược dược, hoa mai đơm đầy chồi nụ. Một cặp vợ chồng trẻ đang lưỡng lự ngắm nhìn chậu cúc khá lớn, nở hoa vàng rực.

Nhân đứng chờ chị bán hoa đang bận rộn tiếp một người khách đứng khuất sau mấy chậu hoa lan tím, cành rũ đong đưa.  Người sĩ quan Hải quân lơ đãng đứng chờ. Anh nhìn quang cảnh Sài gòn hối hả, sinh động trong nắng chiều ba mươi Tết…

Chiếc xe jeep dừng trước Bưu Điện cạnh Vương Cung Thánh Đường. Người ngồi ghế trưởng xa là một sĩ quan mang cấp bậc Trung tá, theo phù hiệu trên ve áo có lẽ là Bác sĩ Quân Y. Ông quay người đưa cô gái ngồi ở băng ghế sau một xấp tiền in hình Đức Thánh Trần.

- Anh Hai cho Út tiền vào Thương xá Tax sắm tết nè.

Cô gái dáng người mảnh mai, tóc ngắn, cổ cao, đôi mắt nâu to với làn da trắng xanh. Vén tà áo dài màu huệ trắng khuê các bước xuống xe, nàng dẩu môi làm mặt xấu nhìn anh cười lúng  liếng.

- Cảm ơn anh Hai, mà Hai nhớ sáng mai mồng một Tết đừng quên lì xì cho Út đó nha. Cái gì ra cái đó cho rành mạch. Không là em méc Má với Ngoại đó!
- Con nhỏ này! Chỉ còn một năm nữa là tốt nghiệp, sắp làm cô giáo sư rồi mà còn đòi lì xì, lì xiếc. Ông bác sĩ bật cười.
- Hai đừng ăn gian nha, em còn nhỏ mà. Hai đừng quên ở nhà em là Út Mén đó nha.

Chiếc jeep rồ máy chạy về phía đường Tự Do khuất dạng sau làn người xe nhộn nhịp. Người hạ sĩ quan lái xe, cũng là quản gia trong nhà.

- Dạo này thấy cô Út khỏe khoắn, vui vẻ tui mừng lắm. Cổ ghép tim vậy cũng được cả năm hơn rồi.

Ông Trung tá Bác sĩ gật đầu.

- Tôi mới đưa Út Nhiên đi xét nghiệm định kỳ xong. Tim thích ứng rất tốt với cơ thể, một thời gian ngắn nữa là có thể hoàn toàn yên tâm. Ông cười. Má tôi dưới Long Xuyên không nói ra, chớ Bà muốn ẵm cháu ngoại rồi.

Hạnh Nhiên vui. Nàng bước nhẹ vào lòng chiều Giao Thừa nắng đẹp, gió ngây ngây rì rào hàng cây dọc theo con dốc thoai thoải từ đầu đường Tự Do xuống công viên nhỏ bên đường có Ban quân nhạc Biệt Khu Thủ Đô đang tưng bừng hòa tấu bài “Ly Rượu Mừng” khiến nhiều người đứng lại lắng nghe, lòng nôn nao hạnh phúc.

Cô gái đi dạo dọc theo vỉa hè Lê Lợi, ngang qua rạp Rex rồi tìm đến Nhà sách Khai Trí, nơi lần nào đi phố nàng cũng la cà hằng giờ với sách truyện mới cũ ở đó. Hôm nay nàng muốn tìm tập truyện The Prophet của Kahlil Gribran đã được dịch ra Việt ngữ rất nỗi tiếng. Hạnh Nhiên mừng rỡ tìm ra được tập truyện nguyên tác bằng Anh ngữ và quyển tiếng Việt do Phạm Bích Thủy dịch. Ý nghĩ “Bói Kiều” ngồ ngộ chợt đến, nàng trịnh trọng cầm tập truyện Anh ngữ, nhắm mắt tịnh tâm rồi ngẫu nhiên mở ra một trang sách. Trước mắt nàng là “On Love”, lời dạy về tình yêu của nhà tiên tri. Nàng đọc hết bài thơ, rưng rưng cảm động với câu “to wake at dawn with a winged heart and give thanks for another day of loving…”. Hỡi những người đang yêu với tràn đầy khát vọng, hãy thức dậy vào mỗi sớm mai với con tim chấp cánh và tạ ơn đời có thêm một ngày nữa để yêu thương. “Mỗi bình minh thức giấc. Nghe lòng chắp cánh bay. Xin tạ ơn trời đất. Được yêu thêm một ngày”.

Lòng rộn vui, nàng đi về phía chợ hoa Nguyễn Huệ. Hạnh Nhiên muốn mua một bó huệ trắng để đi thăm mộ cô gái đã di chúc hiến tặng tim sau khi chết cho cơ thể bệnh nhân nào thích ứng với những xét nghiệm lâm sàng cần thiết. Hơn một năm trước nàng là ứng viên may mắn nhất nhận được cơ may chữa trị dứt điểm chứng bệnh tim trầm kha mắc phải từ những ngày thơ ấu. Càng may mắn hơn khi anh Hai nhờ quen biết đã xin cho em gái được giải phẫu ghép tim trên một tàu bệnh viện của Đệ Thất  Hạm Đội Hải quân Hoa Kỳ.

Chợ hoa chiều cuối năm không rộn rịp như vài ngày trước. Hoa Tết màu sắc rực rỡ vẫn còn khá nhiều nhưng huệ trắng thì nàng đi gần hết vòng chợ vẫn chưa thấy. May sao nàng đã tìm ra một bó cuối cùng vẫn còn khá tươi ở một ki-ốt cuối dãy. Hạnh Nhiên bước ra phía quầy tính tiền. Nàng thoáng nhìn thấy một sĩ quan Hải quân đang đứng chờ phía bên kia quầy ki-ốt.
Hạnh Nhiên chợt cảm thấy trái tim mình đập loạn nhịp. Nàng lo sợ vô cùng nhưng cố gắng trấn tĩnh, hít thở sâu và đều đặn như đã được hướng dẫn sau khi ghép tim. Dần dần nàng cũng lấy lại bình tĩnh, ôm bó huệ trắng vào ngực như muốn bảo vệ trái tim đang thổn thức trong  lồng ngực mình.

Người sĩ quan Hải quân cũng vừa nhìn thấy cô-gái-huệ-trắng. Đôi mắt nâu to không cân đối với khuôn mặt xương gầy thanh tú, vướng vất nỗi mong manh quyến luyến nào đó rạng lên làn da trắng xanh làm khó cầm lòng cho một ngoái nhìn. Bó hoa huệ trắng chợt nhòa vào nụ cười dịu dàng vừa nở ra trên đôi mắt đẹp. Trái tim anh rộn lên nhịp đập bồi hồi, ngỡ như đang trở về tháng năm xưa hai đứa lần đầu gặp nhau trong một sinh hoạt thể thao giữa các trường Đại học. Bị động viên, anh vào Hải quân. Họ ân cần dắt díu nhau qua từng mùa học của nàng. Họ hạnh phúc bên nhau thời gian anh là Sinh viên Sĩ quan học Anh ngữ ở Sài gòn. Họ nhớ thương nhau ngày tháng anh du học ở trường Hải quân Mỹ và chuyến hải hành xa đầu tiên anh thực sự sống đời lính hải hồ. Thế rồi định mệnh tang thương, anh muộn màng hay tin người yêu đã qua đời sau một tai nạn giao thông trong lúc anh đang theo tàu tuần dương vùng vịnh Thái Lan. Từ đó, việc đầu tiên anh làm mỗi lần chiến hạm trở về cập bến Sài Gòn là thăm mộ người yêu với bó hoa huệ trắng nàng rất yêu thích thời thiếu nữ.

Nhân thảng thốt nhận ra từ cái nhìn đầu tiên. Có điều gì đó rất quen thuộc trong ánh mắt ấy, một nỗi buồn man mác nhưng thật ấm áp. Anh chợt nhận ra cô gái này có một nét tương đồng sâu thẳm kỳ lạ với người yêu đã qua đời của mình. Không phải nhân dáng, mái tóc hay làn môi, mà sâu lắng vời vợi của cảm giác xao xuyến khi lần đầu gặp gỡ. Trong khoảnh khắc ấy, Nhân cảm nhận như có một sợi dây vô hình nào đó đã kết nối hai người.

Người sĩ  quan Hải quân bước đến.

- Xin lỗi anh, bó hoa huệ trắng cuối cùng đã được cô đây mua rồi. Chị bán hoa mỉm cười, áy náy.
- Không sao đâu, cảm ơn chị. Quanh đây hi vọng vẫn còn…

Nhân quay người định rời đi thì nghe giọng nói miền Tây thật dễ thương của cô gái.

- Anh có thể đợi tôi một chút không? Chúng ta có thể thương lượng về bó bông này mà!?

Cô gái có nụ cười thật tươi. Anh ngạc nhiên nhìn cô, đồng ý. Anh tự giới thiệu và biết được tên cô gái là Hạnh Nhiên. Anh chỉ tay về một quán giải khát gần đó.

- Hay là chúng ta qua đó ngồi nghỉ chân để nếu chuyện thương lượng kéo dài thì khỏi bị mỏi chân.  

Họ sánh bước về quán nước.

- Anh làm như Hòa Đàm Paris không bằng.

Bó huệ trắng trên bàn, giữa hai người. Ly cà phê đá trên tay, Nhân khẽ nhìn Hạnh Nhiên nhỏ nhẹ khuấy đều ly sinh tố, có vẻ đang đắn đo điều gì.

- Cô Hạnh Nhiên muốn bắt đầu thương lượng như thế nào đây? Mà cuộc thương lượng này chỉ có Hai Bên thôi, không phải Bốn, đúng không?  Anh cười.

Hạnh Nhiên duyên dáng vuốt mấy sợi tóc xõa trước trán.

- Cái anh này! Tôi chỉ có ý hỏi anh hay đúng hơn nói ra nhận xét của tôi, nếu tôi đoán đúng anh sẽ được tặng bó hoa này.
- Nếu cô đoán sai thì sao?
- Nếu là vậy tôi sẽ đền anh bó huệ trắng này.

Anh liếc nhanh tập truyện The Prophet ló ra khỏi xách tay nhỏ của cô gái.

- Vậy là từ thua tới thua, hay từ thắng tới thắng đây!? Anh bật cười… Thôi thì thắng hay thua gì cũng mong cô ngồi lại chuyện trò thêm chút nữa. Trời chiều Sài Gòn cuối năm đẹp thế này mà tôi lại là con bà phước.

Cô gái mở to mắt nhìn anh. Người sĩ quan cười.

- À, con bà phước… Bà phước làm sao có con được. Cũng như bà ngoại sinh con so đó mà. Ý là tôi mồ côi, một thân một mình rất tội nghiệp và đáng thương ở thành phố hoa lệ này.

Hạnh Nhiên mắc cỡ ôm mặt cười.

- Xin chào thua ông lính này rồi. Nè, hãy nói về bó hoa trắng và nhận xét của tôi đi ha.

Nàng hắng giọng, ra vẻ trầm ngâm, chậm rãi đắn đo.

- Một người đàn ông trẻ - một sĩ quan con bà phước ở Sài Gòn - chiều ba mươi Tết - một bó hoa huệ trắng. Ông ấy cần đi đâu? Còn việc gì gấp gáp hơn?

Người sĩ quan cười nửa môi, nhìn cô gái với ánh mắt binh-xập-xám.

- Cô Nhiên nói ra nhận xét của mình đi.
- Anh viết ra giấy câu trả lời của anh trước, kẻo anh ăn gian người ta sao.
- Thì đằng nào tôi cũng sẽ có bó hoa huệ này mà!?
- Xí, khác nhau chứ.

Cô gái mở xách, lấy tập truyện đặt lên bàn rồi lục đưa cho Nhân cây viết và mẫu giấy trắng. Nhân hí hoáy viết rồi xếp tư mẩu giấy đặt lên bàn. Hạnh Nhiên đắn đo hồi lâu rồi nghiêm trang nói.

- Anh đi thăm mộ. Đúng không?

Nhân gật đầu. Cô gái mở giấy đọc “Viếng mộ người thân” rồi chúm chím cười.

- Đồ ăn gian! Giao hẹn chỉ một câu trả lời mà anh viết tới ba.

Người sĩ quan Hải quân kéo bó hoa về phía mình, lì lợm.

- Cô đọc tiếp đi. Tôi là người rộng lượng. Nếu cô không cho tôi xin địa chỉ nhà thì tôi vẫn trân trọng mời cô thăm chiến hạm tôi trong vài ngày tới. Rất dễ tìm, HQ13, qua khỏi tượng Trần Hưng Đạo, Công trường Mê Linh chừng ba trăm mét là tới. Tôi trực ngày mồng ba Tết, suốt buổi chiều tôi sẽ ngồi trên đài chỉ huy với cái ống dòm để đếm bước chân cô.

Hạnh Nhiên đưa nắm tay dứ dứ hăm dọa, đôi mắt to bây giờ có đuôi.

- Anh vừa gian vừa khôn. May không phải là gian manh. Thôi, thấy anh cũng khá lương thiện nên bổn cô nương cho nhà ngươi được toại nguyện cả hai. Nhưng mà anh coi chừng, anh Hai là sĩ quan cao cấp và rất nghiêm với Út. Ảnh mà không cho thì ông quan tàu thủy cứ tự nhiên đếm bước chân người khác đi nha.
- Không sao, tuy rằng lúc đó tôi sẽ rất buồn, có thể sẽ hát một mình “…Giờ có riêng mình anh ở chốn này. Trời mây bốn bề màu xanh áo em…”.

Anh nhìn đồng hồ. Lòng anh chùng xuống với cảm giác buồn buồn phải từ giã điều gì đó thân thuộc.

- Tôi hi vọng câu thứ ba trong mẫu giấy về tập truyện The Prophet, chúng ta có thể tiếp tục “thương lượng” chiều mồng ba Tết.

Trái tim Hạnh Nhiên lại đập liên hồi, cô thở đều cố gắng trấn tĩnh. Trong lòng đã bớt lo sợ nhưng tự nhiên cô cảm thấy buồn như sắp phải từ giã một người thân. Cô đứng lên.

- Cảm ơn anh. Nói chuyện với anh rất vui. Tuy nhiên tôi sẽ để anh chờ tới mồng ba Tết mới cứu xét chuyện cho anh địa chỉ.

Nhân đưa cô gái qua bên kia đường, chiếc taxi trờ tới. Anh vẫy tay chào, đôi mắt nâu to sâu thẳm sau cửa kính xe. Chiếc taxi chạy về hướng chợ Bến Thành để Hạnh Nhiên tìm mua hoa ở đó.

Người sĩ quan Hải quân nhìn bó hoa huệ trắng trong tay, lòng tràn đầy cảm xúc. Anh mơ hồ dự cảm cuộc gặp gỡ này ở ngoài sự tình cờ, một đưa đẩy nào đó chỉ có thể cảm nhận với lòng biết ơn đến người yêu đã mất. Có lẽ nàng muốn cho anh cơ hội “thương lượng” định mệnh của mình về một bắt đầu mới. Anh bảo người xe ôm chạy về nghĩa trang thành phố.

Hạnh Nhiên hối hả bước qua cổng nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi lúc chiều đã xuống thấp. Người gác cổng già nhìn cô gái quen, thân mật nói sẽ chờ cô trước khi đóng cổng. Gần một năm nay từ khi anh Hai lục tìm được tên tuổi và nơi chôn cất cô gái hiến tim,  Hạnh Nhiên gần như mỗi tháng đều đến đây viếng mộ nàng.  

Nàng ôm bó hoa đi về dãy mộ cuối nghĩa trang tìm đến ngôi mộ của cô gái đã hiến tặng trái tim đang sống động trong lồng ngực nàng. Chưa hết ngạc nhiên khi thấy hai cây tùng được xén tỉa công phu theo dáng bonsai vừa được trồng trước mộ, nàng đã sững sờ đứng lặng hồi lâu. Hạnh Nhiên cúi nhìn bó hoa huệ trắng tựa ngay ngắn bên di ảnh của chị Tần Phương. Chính là bó hoa trắng tỏa hương mà chỉ một giờ trước đây nàng đã có lúc ôm sát vào lồng ngực. Nàng đặt bó hoa của mình bên cạnh, rồi đứng im lắng nghe hơi thở dồn dập theo nhịp trái tim đang đập liên hồi. Tim ơi, hãy thổn thức lần này rồi mãi mãi đập theo nhịp tình cảm của chính mình, của mắt môi, của đói no, lệ ứa môi cười, và thịt da căng rần cảm giác.

Người gác cổng nghĩa trang đang đứng chờ trước cánh cổng khép hờ khi Hạnh Nhiên bước ra. Nàng tặng ông tiền lì xì Tết.

- Bác có thấy người lính nào vừa trước đây vào nghĩa trang không?
- Có đấy! Ông sĩ quan Hải quân đó vừa đi ra chừng vài phút thì cô đến. Ông ta có hẹn với cô sao?
- Dạ không, tụi cháu cùng đi thăm một ngôi mộ. Đến mồng ba Tết cháu mới có hẹn với anh ấy.

Ông già gác cổng vói theo câu chúc Tết lúc cô gái bước ra lề đường đứng chờ taxi. Sài Gòn chiều cuối năm vừa lên đèn.

Suốt chuyến xe về nhà, Hạnh Nhiên ngồi nhắm mắt, lặng yên lắng nghe tim mình thổn thức theo từng ý nghĩ vấn lòng. Trong cảm giác không thực mơ hồ nàng hoang mang không biết nên buồn hay vui. Đầu óc nàng rối như tơ vò. Có phải chị Tần Phương là người yêu anh ấy? Có phải trái tim đang đập trong lồng ngực mình đã từng bao lần rộn nhịp yêu thương cùng người sĩ quan Hải quân dễ mến nàng gặp chiều nay. Nàng có đủ can đảm đến gặp anh ấy trong vài ngày tới? Và rồi sẽ biết nói gi?. Nàng có cảm giác từ bây giờ đến chiều mồng ba Tết sẽ là một thời gian rất dài với nhiều suy vấn tơ vò.

Nàng nhớ lúc tim mình bỗng đập liên hồi khi chợt bắt gặp ánh mắt của người sĩ quan Hải quân đứng bên sạp hoa và vừa đây lúc nhìn thấy bó hoa huệ ở mộ chị Tần Phương. Nàng cố gắng trấn tĩnh, lắng nghe lồng ngực chậm rãi hít thở từng hơi dài theo thói quen tập được sau ngày giải phẩu ghép tim.  Từ tri giác thẳm sâu nàng nhận ra cảm giác chiều nay là nỗi xúc cảm mơ hồ thẹn thùa thiếu nữ đã khiến má môi nàng hồng lên, khác với những cơn thở mệt đuối mỗi lần tim loạn nhịp nàng đã phải chịu đựng nhiều năm dài suốt thời Trung học. Nàng ngượng ngùng mỉm cười trong bóng tối của chiếc taxi đang kiên nhẫn từng vòng xe cuốn cạn buổi chiều rơi vào trừ tịch. Vào giây phút này, Hạnh Nhiên cảm thấy an tâm với ý nghĩ khi gặp người đó nàng sẽ không nói gì về điều nàng tình cờ biết chiều nay và có thể rất lâu sau đó. Nàng thú vị nghĩ tới lúc hai người trò chuyện về những lời tiên tri, về Mật Khải, ngọn đuốc thắp bằng Sự Thật và Tình Yêu để soi sáng những vấn đề muôn thuở, của cuộc đời mà mỗi người phải sống và nghĩ, phải hỏi và đáp cho chính mình và cho tất cả…

Nhân về đến Công trường Mê Linh lúc thành phố vừa lên đèn. Chào người chạy xe ôm, anh xách túi bánh mì Bưu Điện lững thững bước về phía chiến hạm. Qua khỏi cổng Bộ tư lệnh Hải quân con đường dọc bờ sông nằm im lìm dưới ánh đèn vàng soi bóng vài cặp tình nhân dìu bước nhau nhìn thật nên thơ. Bỗng một vệt sáng thật dài của đèn giám lộ từ trên đài chỉ huy kiên nhẫn quét qua lại dọc suốt khoảng đường gần chiến hạm. Có lẽ tìm được mục tiêu, vệt sáng co tròn lại lăn theo bước chân luống cuống của cặp tình nhân “xấu số” đang bị tắm trong vòm sáng nhởn nhơ trêu cợt, cùng lúc tiếng hát đầm ấm của một ca sĩ thời danh văng vẳng từ chiếc máy cassette âm thanh mở lớn tối đa… Ngày đó quay tàu anh tìm lối về. Mình đi giữa trời nhiều hoa lá bay. Chờ anh em nhé, hẹn em ngày mai. Có người nhặt hoa sóng về. Kết thành vòng hoa mỹ miều. Làm quà cưới cho ta đẹp đôi… Đôi trai gái cuối cùng đã dắt díu nhau khỏi tầm của ngọn đèn giám lộ, bóng họ chìm trong khoảng tối lối rẽ về Hải Quân Công Xưởng.  Quầng sáng bây giờ nhấp nháy tín hiệu SOS quẩn theo bước chân Nhân đang rẽ vào khoảng sân lớn trước hạm kiều. Nhân đưa cao túi bánh mì cùng với nắm đấm hăm dọa Phúc đang đứng trên đài chỉ huy, miệng la lớn.                                    

- Mày muốn ăn bánh mì gà Bưu Điện hay để tao cho cá ăn?

Ngọn đèn giám lộ vụt tắt. Nhân bước lên cầu tàu, anh chào trả người thủy thủ gác hạm kiều rồi tặng anh ta ổ bánh mì “tất niên”. Nhân cười.

- Ăn no, sáng mắt để canh chừng xe jeep của Đại tá Nguyệt. Mật khẩu nữa, đừng quên nha thằng em.
- Dạ, ổng đến rồi. Chỉ đứng ở chân hạm kiều, nạt nộ mấy câu với thiếu úy Phúc rồi lên xe giông mất tiêu.

Sau tấm màn nỉ xanh, đèn sáng trong phòng ăn Sĩ quan. Lộc đang ngồi trầm ngâm.

- Lộc, mày không ở nhà đón giao thừa sao? Ngày mai mới tới phiên trực mà.

Tuần trước Lộc có công điện thuyên chuyển về giang đoàn Thủy Bộ dưới U Minh nên lòng không vui lắm. Hạm trưởng thông cảm đã đánh công điện trả lời viện cớ cần thời gian huấn luyện và bàn giao, xin cho ở lại chiến hạm cho tới khi hết thời gian nghỉ bến.

Phúc từ phòng ngủ bước ra, tay cài nút áo vừa khoác lên người.

- Nó đang nhớ người yêu bé nhỏ đang đứng chờ ông quan tàu thủy bên bờ Sông Hàn ngoài Đà Nẵng nên mặt mày hơi bị hãm tài. Chiều nay nghe tao báo có công điện Hạm Đội vừa quyết định cho tàu vào tiểu kỳ, có nghĩa là mình sẽ được ở Sài Gòn nguyên tháng mà mặt nó vẫn chưa tươi lên được chút nào.

Nhân mở túi lấy bánh mì đặt lên bàn.

- Đói rồi. Ăn xong còn ra Sài Gỏn lang thang đêm giao thừa.  À mà Phúc, mày đang  ca trực dám chuồn ra Duyên Anh không?

Lộc hất hàm nhìn Phúc.

- Thôi, hai thằng mày đi. Tao ở lại coi tàu cho. Đàng nào ngày mai tao cũng lên ca trực rồi.
- OK. Tao nợ mày chầu Mai Hương.
- Nó ở nhà làm thơ gởi nàng đó mà. Nhân cười. Thôi để tao mớm trước cho vài câu lấy trớn… Sông Hàn xanh thuở mười lăm. Vẫn xanh, xanh đến ngàn năm cuộc đời. Dòng sông đựng cả bầu trời. Dòng sông chan chứa sáng ngời tình anh.

Hai ông quan tàu thủy lưỡng lự nhìn vào quán cà phê quen rồi tặc lưỡi bước vào. Phúc than thở.

- Đúng là cái miệng thằng Quang ăn mắm ăn muối, em đi tắm “tất niên” mất rồi.

Nhân cười khảy, kéo hai ghế gần cửa quay lưng ngồi nhìn ra đường. Phúc tiếc rẻ ngồi theo. Cô thu ngân lạ mặt bước ra chào hỏi khách với bảng thức uống. Phúc gọi hai ly cà phê đá rồi hỏi bóng gió. Buồn quá, chúng tôi đi công tác xa có vài tháng mà cô Duyên đã bỏ đi lấy chồng rồi.

- Không phải đâu. Duyên là em gái tôi, bữa nay Duyên phải về sớm để phụ mẹ vớt bánh cúng giao thừa.

Nhân không bỏ lỡ cơ hội giúp bạn.

- May quá, chị vừa cứu anh bạn tôi một mạng đó. Hắn nói nếu không nhìn được Duyên hắn sẽ đi xe ôm ra bến Bạch Đằng nhảy sông tự vận. Nhờ chị nói với em Duyên có thiếu úy Phúc nhắn là đừng vội lấy chồng. Còn nữa, tên cúng cơm của Phúc ở nhà là Anh đó. Cà phê Duyên Anh, đúng là số trời! Nhất là nếu em Duyên cho ký sổ, tôi hứa sẽ theo thiếu  úy Phúc ra đây uống cà phê mỗi ngày.

Cô gái thẹn đỏ mặt, quay bước vào trong miệng lí nhí.

  • Hai thiếu úy vui tính quá.

Những ngụm cà phê lạnh làm hai người bạn tỉnh người. Ngoài đường người xe qua lại vội vã để kịp về nhà. Về nhà. Nhân nhớ nhà. Ngôi nhà đầu tiên bên lối vào chợ, từ sân thượng có thể nhìn thấy hồ  Xuân Hương và những biệt thự trắng xây thời Pháp ở sườn đồi phía bên kia hồ. Bến xe bên kia đường, dãy xe chở hàng chót vót trên nóc những bành bắp cải, dâu tây, huệ trắng, lay-ơn đỏ và những cô buôn hàng chuyến Sài Gòn má đỏ au, áo len cổ cao xanh vàng, bận bịu treo trả tới lui trên mặt đất bùn sình. Đi cho nhanh qua mùi chua lét khăm khẳm của dâu, của bắp cải thối đọng lâu ngày trong mưa lạnh cuối năm rồi thoai thoải bước vào xóm Huế nơi Nhân có nhiều gia đình bà con O, Dì ở đó.  Ngày mai là Tết lính thứ ba xa nhà.  Ý niệm thời gian vụt tới khiến Nhân thấy lòng hụt hẫng như cảm giác khóc òa ngày đầu tiên đi học ngoái thấy tay mẹ vẫy từ bên kia sân trường xa quá. Xa như chiều nay từ một bến nước bơ phờ nhớ mẹ cha, gia đình.  Rồi những ngày đầu vào lính… Tiếng Phúc vang lên khiến Nhân giật mình.

- Ê, làm gì mà ngồi bơ ra rồi cười cười khi dễ vậy?
- Tiên sư anh! Mới mấy ngày trước còn ngồi cạnh nhau ở Giảng đường II, rồi anh vô lính trước tui hai ngày, ăn cơm canh bầu đầu tôm trước tui được hai buổi trưa vậy mà khi tui lóp ngóp vào Bạch Đằng II anh đã trở thành niên trưởng, mặc đồ tím đội nón kepi, lôi đàn em ra tập chào tay, đàng trước đàng sau quay, bên trái bên phải quay các thứ…
- Để coi thằng nào kiểu cọ hơn? Mới vào lính ba ngày đã có người yêu bé nhỏ hậu phương lấp ló ở cổng Bạch Đằng II vào thăm nuôi cứ như là lính trấn thủ lưu đồn đã ba năm…

Biết lỡ lời chạm vào nỗi đau buồn của bạn, Phúc trầm giọng hỏi.

- Chiều nay mầy thăm mộ Tần Phương về, tao có cảm giác có điều gì đó khang khác thì phải?

Nhân kể bạn nghe chuyện cô gái đã nhường tặng anh bó hoa huệ trắng và điều bất ngờ xảy ra ở mộ của Tần Phương đã khiến anh bối rối suốt chiều nay, không biết nên vui hay buồn. Khi Nhân  đến thì bà mẹ và em gái của Tần Phương vừa thăm mộ và trông coi việc trồng hai cây tùng kiểu bonsai rất đẹp trước mộ đã xong. Cô gái thấy anh từ xa nên hai người nấn ná đứng lại chờ. Em gái Tần Phương rất vui, mừng rỡ chào Nhân và giới thiệu anh với mẹ.

- Đây là anh Nhân, bạn trai chị Hai.

Bà mẹ lịch sự thăm hỏi đời lính của Nhân và mời anh ngày mai mồng một Tết đến nhà ăn trưa.

- Thiếu úy còn nhớ đường đến nhà chúng tôi chứ?

Nhân thẳng thắn tuy có phần cay đắng, anh cười.

- Hơn ba năm cháu nhiều lần lấp ló trước cổng nhà, nên vẫn nhớ đường. Rồi anh bùi ngùi, thấp giọng... Từ hơn năm nay, nhà Tần Phương ở đây nên cháu vẫn thường ghé thăm mỗi khi tàu về nghỉ bến Sài Gòn. Ba tháng qua chiến hạm đi tuần hải phận Miền Trung mới về cập bến Bạch Đằng lúc xế chiều.

Bà mẹ tỏ vẻ xúc động, giọng nói nghèn nghẹn.

- Cảm ơn cháu vẫn có lòng với Tần Phương. Chúng tôi biết ơn. Ngày mai chúng ta sẽ có thời gian nói chuyện nhiều.

Nghĩ đến người cha của Tần Phương, một giáo sư ở ĐH Vạn Hạnh, là người phản chiến thuộc Thành Phần Thứ Ba khá nổi tiếng ở Sài Gòn. Đây cũng là lý do ông không đồng ý và cấm cản tình yêu của con gái mình. Nhân hỏi bà mẹ.

- Cháu không có đồ xi vin, mặc quân phục đến nhà được không cô?
- Không sao. Có gì khác nhau nữa đâu. Cháu mặc quân phục nhìn rất phong độ. Bà cười, Tần Phương mà còn, chắc con bé phải lo ngay ngáy suốt ngày.

Phúc ngồi yên chăm chú nghe hết câu chuyện kể. Hắn nâng ly cà phê chúc mừng.

- Năm mới, mồng một Tết vậy là mày ăn nên làm ra rồi.

Nhân cười.

- Còn nữa. Cho mày mặc cảm luôn. Tao trực ngày mồng Ba, Hạnh Nhiên, cô gái nhường tặng bó hoa huệ trắng hứa sẽ ghé thăm tao vào buổi chiều. Mày coi mà dọn dẹp phòng ốc cho sạch đừng để mất mặt Hải quân, rồi giờ đó biến cho tao nhờ. Thằng Quang lót chữ Thị, phòng nó còn thơm hơn phòng con gái, tao không lo.

Hai người bạn lính ngồi yên lặng, qua màn khói thuốc con phố dần thưa người xe qua lại. Vài tiếng pháo lẻ không chờ kịp giao thừa nổ đì đùng vọng ra từ mấy con hẻm. Anh đến thăm em đêm ba mươi… giọng hát Khánh Ly nghe buồn như tiếng khóc …Tháng ngày đã trôi qua. Tình đã phôi pha, người khuất xa. Chỉ còn chút hương xưa, rồi cũng phong ba rụng cùng mùa… Lời ca rụng vào lòng Nhân như từng tiếng nấc dài… Dòng sông đen hồn đen sâu thao thức. Ngàn vì sao mọc hay lệ khóc nhau. Đá buồn chết theo sau ngày vực sâu. Rớt  hoài xuống hư không cuộc tình đau.
Hai người rời quán, thơ thẩn chọn đường xa đi về chiến hạm. Sắp đến giao thừa, Công trường Mê Linh đã vắng người, gió sông Sài Gòn thổi lên chạm vào giây phút cuối cùng của năm khiến hồn người chợt có chút chạnh lòng. Năm hết Tết đến, mong manh ở giữa là lằn ranh u uất đi về của tâm hồn luôn ngóng đợi. Tết về Tết ở Tết đi. Tết từ ba bận Tết đề huề đi. Đi về đi ở đi đi. Đi là ly biệt từ khi chưa về (BG)

Sáng mồng Ba. Hôm nay Nhân là sĩ quan trực chiến hạm. Anh quân phục chỉnh tề để bàn giao ca trực với Quang. Trên bàn ăn sĩ quan bánh tét, bánh chưng và vài đĩa mứt bày biện khá thịnh soạn. Từ nhà bếp thoảng ra mùi thơm phức của thịt gà chà bông có lẽ vừa tới độ để tắt lửa. Nhân bước vào bếp.  Phúc đang chấy xé một chảo lớn thịt gà hộp, sắp xong.

- Lần này thằng Quang làm hết mấy hộp gà còn sót lại từ lúc lãnh tàu ở New York về. Cả chuyến công tác tới tha hồ mà ăn thịt gà chà bông.

Vừa lúc Quang xách cả gallon chocolate ice cream đến cất vào ngăn đông của tủ lạnh nhà bếp.

- Để máy làm từ tối qua, sáng nay lấy ra. Bữa nào thuyên chuyển, chắc tao chỉ nhớ cái máy làm kem và máy giặt áo quần trên chiến hạm này.

Rồi Quang cười trêu chọc.

- Nói nào ngay thấy quan anh từ hôm đi thăm “thành phần thứ ba” về mặt mày có vẻ suy tư cuộc chiến quá nên hai kẻ hèn này làm chút kem, chút gà chà bông để quan anh xơi.

Phúc cười, nhắc Quang.

- Mày quên rồi sao!? Chiều nay nhà gái tới thăm, hắn đang nôn nóng từng giây từng phút chờ tới giờ hoàng đạo. Chocolate ice cream đó! Điểm không đó Nhân à!

Quang ba hoa.

- Phải rồi, “First impression that counts!” Cổ nhân ta cũng có câu “Có thực mới vực được đạo” hay “con đường ngắn nhất đến trái tim là đi qua dạ dày” ha ha.

Ba người bạn trở vào phòng ăn, họ cười đùa châm chọc nhau nhiều hơn là ăn sáng. Cuối cùng Nhân đứng lên dọn dẹp chén đũa trên bàn.

- Phúc, mày vào dọn phòng cho gọn gàng rồi theo thằng Quang biến đi cho tao nhờ. Tối mới được về tàu đó nha.

Nhân đứng trên boong nhìn Quang chở Phúc lao ra phía đường Cường Để trên chiếc Lambretta  của hắn. Anh đến xem xét lại Nhật ký Hạm kiều và Mật khẩu cho ngày hôm nay. Nhân không quên dặn dò người lính gác mấy câu trước khi đi một vòng quanh chiến hạm, xuống hầm máy, lên phòng vô tuyến rồi yên tâm trở vào.

Suốt phần còn lại của buổi sáng Nhân lăn xăn rửa chén bát, dọn dẹp phòng ngủ và mang áo quần vào phòng giặt. Trong lúc chờ máy giặt xong áo quần để mang qua máy sấy, anh ra boong sau lơ đãng nhìn mấy đám lục bình lác đác trôi về phía Khánh Hội, Nhà Bè. Sinh hoạt trên sông Sài gòn mấy ngày đầu năm hình như chậm hẳn lại. Không một bóng tàu buôn qua lại, chỉ vài chiếc thuyền câu thấp thoáng phía bờ Thủ Thiêm, nhưng hai chiếc phà đưa người qua lại hai bờ sông thì vẫn cần mẫn như mọi ngày. Anh bước về cuối tàu, đứng lan man nghe tiếng sóng vỗ róc rách, đăm chiêu nhìn Tạm Trú Hạm chỉ cách một quãng sông ngắn, phía sau thấp thoáng Câu Lạc Bộ Nổi Hải Quân.

Kỷ niệm tràn về, lòng anh nhói đau nỗi niềm thương cảm. Bóng dáng Tần Phương vẫn trong lòng anh mà giờ đây cơ hồ mái tóc, làn môi, dáng đứng của nàng đang hiện diện khắp khoảng sông này. Cô sinh viên nhỏ nhắn trong tà áo dài màu thiên thanh dịu dàng đã can đảm sống trọn vẹn với tình cảm mình mặc cho cấm đoán của cha mẹ. Từ những ngày đầu Nhân bị động viên vào lính, Tần Phương đã tìm thăm chàng ở trại Bạch Đằng II. Rồi những chuyến xe lam vất vã lên Quang Trung thăm người yêu vào những cuối tuần, tiếp nối là nhiều buổi chiều tan lớp ở trường Dược, đi qua con đường đầy bóng mát Cường Để ngơ ngác e thẹn tìm Nhân trong đám quân phục tím sinh viên sĩ quan được chọn về học Anh văn ở Tạm Trú Hạm để chờ đi du học trường Hải quân Mỹ. Chặng thời gian đong đầy kỷ niệm đánh dấu bằng buổi chiều đầu tiên Tần Phương đứng từ bên kia đường sợ hãi, rưng nước mắt nhìn anh và nhóm đồng đội đàn em bị các niên trưởng hò hét phạt huấn nhục đến “lên bờ xuống ruộng”. Sau đó là những chiều thơ mộng ở Câu Lạc Bộ Nổi, hai đứa ngồi bên nhau không nói năng chi hay chỉ nói bâng quơ rồi cùng im lặng nhìn nước trôi mà nghe lòng nôn nao hạnh phúc. Ngày lên đường du học, khóa của Nhân trong đại lễ mùa Đông màu đen từ giã thân nhân tại Câu Lạc Bộ Nổi, Tần Phương đã nấn ná ở lại cho đến phút cuối cùng khi Nhân bịn rịn lên xe ra phi trường. Suốt thời gian học ở trường Hải quân tại Newport RI, Tần Phương hầu như có mặt với Nhân mỗi tuần qua những tờ thư kể chuyện Sài Gòn. Tốt nghiệp về nước, tiệc ra trường cho cả khóa được tổ chức tại Câu Lạc Bộ Nổi. Ông quan mới Nhân trong tiểu lễ trắng phong độ, Tần Phương vẫn đơn sơ tinh khiết trong chiếc áo dài màu thiên thanh có điểm lên ngực một đóa hồng tươi. Hai đứa nắm tay tươi cười bên nhau đánh dấu sự trọn vẹn chặng đường hạnh phúc khởi đầu, ánh mắt rạng ngời cùng nhau hướng tới tương lai. Tần Phương nâng niu khoe tấm ảnh đẹp chụp ngày hôm đó, nói sẽ dấu phía sau bức chân dung của nàng treo trong phòng ở nhà để khi nào thấy… ghét người ta thì lấy ra xem.  
Vài hôm sau khóa Nhân được chọn nhiệm sở,  anh về HQ13 Hộ tống Hạm Hà Hồi. Thời gian này chiến hạm đang vào tuần cuối của chuyến tuần dương 90 ngày ở Vùng I Duyên Hải. Ngày lên tàu trình diện Hạm trưởng, Nhân mừng rỡ gặp Phúc và Quang là bạn từ thời Bạch Đằng II, Quang Trung cũng tốt nghiệp ở Newport về trước anh vài tháng.

Mấy tuần nghỉ bến trước khi chiến hạm có lệnh ra khơi cho chuyến tuần dương đầu đời của anh là thời gian tuyệt vời của hai đứa. Trường Dược và bến Bạch Đằng không xa,Tần Phương và Nhân hẹn hò gặp nhau hầu như mỗi ngày, thế mà tối nào không trực chiến hạm Nhân lại tìm tới nhà, lấp ló trước cổng chỉ mong gặp nhau vài phút rồi lại bịn rịn ra về. Cô em “nội tuyến” của Tần Phương có lần phải lén lút chạy ra chạy vào, vừa thích vừa sợ đã châm chọc.

- Sao anh quấn chị Hai tui như sam vậy. Đi đêm có ngày gặp ma đó nha! Ba tui nghiêm lắm, ổng mà biết ra lệnh thiết quân luật, cấm túc chị Hai thì anh coi như xong.

Một chiều cuối tuần, lòng Nhân chợt thôi thúc nhớ nhung muốn đến nhà được gặp mặt người yêu dù chỉ trong vài phút, tuy là hai đứa đã dạo phố chiều qua sau buổi tan trường.

Qua cánh cổng mở hé, chị người làm hỏi vọng ra.

- Cậu tìm Giáo Sư hay là ai vậy?

Anh giữ bình tĩnh trả lời câu hỏi rồi bước theo chị qua khoảng sân gạch khá dài, hai bên có nhiều chậu hoa kiểng xén tỉa rất công phu.  Tần Phương đã ra đứng bên hiên, lúng túng thẹn thùng mời anh vào phòng khách. Nàng thì thầm hỏi Nhân như e ngại có người nghe được.

- Anh uống thuốc gì mà gan vậy?
- Có cô dược sĩ cho anh uống thuốc liều.

Em gái Tần Phương kiếm chuyện bưng nước ra mời khách. Con bé đặt tách trà lên bàn.

- Quà lo lót cho em đâu? Để Út vào mời ba ra hỏi cung anh nha.

Con bé ù té chạy khi Tần Phương lườm em.

Hôm sau anh đón Tần Phương lúc tan buổi học chiều, hai người dìu nhau đi dưới vòm cây xanh mát đường Cường Để lối xuống Câu Lạc Bộ Nổi. Đôi tình nhân ngồi tựa vai nhau, nhìn dòng sông êm đềm trôi tâm hồn dạt dào hạnh phúc.

- Tối qua anh về rồi, em ngồi lại một mình trong phòng khách nhắm mắt, nhớ anh. Em rất thương hình ảnh anh đi lại nói cười trong ngôi nhà mơ ước của em.

Thời tiết Sài Gòn thật đẹp buổi sáng chiến hạm rời bến.  Con tàu đã sẵn sàng ra khơi. Tiếng còi nhiệm sở vận chuyển vang lên, thủy thủ đoàn trong quân phục tiểu lễ lăn xăn vào vị trí của mình. Hạm trưởng đã có mặt trên Đài chỉ huy cùng Hạm phó, Sĩ quan Đệ Tam và Lộc là sĩ quan vào ca hải hành.  Nhân đứng phía mũi tàu cùng Phúc, Quang và thủy thủ đoàn đứng dàn dọc theo mạn tàu bên hữu hạm. Tiếng máy tàu gầm gừ thúc dục. Hạm kiều đã được kéo lên, các dây cột được nhanh chóng kéo vào ổ, ngoại trừ sợi ở cuối chiến hạm. Con tàu bắt đầu chuyển động, đuôi tàu từ từ tách lùi ra cùng lúc dây cột cuối cùng được kéo lên. Con tàu không còn ràng buộc, Nhân hân hoan cảm nhận mình thực sự đang bắt đầu chuyến hải hành đầu tiên của kiếp hải hồ.

Bỗng dưng anh nhìn vào bờ. Quá đỗi bất ngờ! Tần Phương tự lúc nào đang đứng chờ bên bờ sông. Nhân đã từ giã người yêu tối qua nên không nghĩ nàng sẽ đến lúc này. Lòng anh run lên xúc động. Ánh mắt hai người chạm nhau, đôi tình nhân cuống quít vẫy tay chào tạm biệt trong tiếng còi tàu xa bến rúc lên lời tiễn biệt. Chiến hạm đã qua khỏi Bộ Tư Lệnh, tiếng còi tan nhiệm sở vận chuyển vang lên, Nhân vẫn đứng ngoái nhìn về bến sông nơi Tần Phương còn đứng nhìn theo. Bóng nàng nhỏ dần rồi khuất sau cảnh nhộn nhịp của bờ sông phố cảng. Hình ảnh Tần Phương trong tà áo màu thiên thanh đứng trên bến sông đã in đậm lên võng mạc chàng, chỉ cần nhắm mắt lại nàng sẽ hiện ra đằm thắm luyến lưu.

- Phía sau lái có gì mà ông thầy nhìn lâu vậy?

Tiếng người thủy thủ gác hạm kiều vang lên khiến Nhân giật mình trở về với thực  tại. Anh lắc đầu chỉ tay về hai chiếc Tạm Trú Hạm đậu cặp kè nhau.

- Chỉ là nhìn nó rồi nhớ lại mấy năm trước có thời gian ở đó học Anh văn chờ đi Mỹ. Gần 200 sinh viên sĩ quan nhét như cá mòi mà vui.

Anh tần ngần nhìn vạt sân cỏ gần chân hạm kiều. Tần Phương đã từng đứng đó vẫy tay tiễn anh rời bến một lần đầu và cũng là cuối cùng của định mệnh tử sinh. Anh nhắm mắt thở dài.

Hai ngày trước, trưa Mồng Một Tết, người đón Nhân ở cổng nhà nàng không phải chị người làm mà là mẹ và cô em gái của Tần Phương. Anh đến theo lời mời của họ hôm tình cờ gặp anh tại phần mộ nàng ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Anh cúi chào bà rồi bình thản bước theo lối gạch dài vào nhà. Nhiều chậu hoa mai kiểng nở vừa kịp Tết vàng rực cả khoảng sân trước nhà. Anh tiếc rẻ phải chi mình vẫn còn cảm giác e ngại như có lần trước đây uống thuốc “liều” một tối đường hoàng vào tận nhà thăm Tần Phương thì hạnh phúc biết bao.

Nhân kính cẩn chào ông Giáo sư đang đợi anh trên hiên nhà cao, ông lịch sự thăm hỏi, mời anh vào phòng khách. Cô con gái lăn xăn dọn bánh mứt, pha trà mời khách. Sự niềm nở của người mẹ và cô em liếng thoắng từng là “nội tuyến” của Nhân giúp anh cảm thấy an tâm lúc trò chuyện. Ông hỏi về cuộc sống trôi nổi trên chiến hạm của Nhân và hỏi thăm về một vài người bạn cùng độ tuổi với ông thời Hà Nội trước 54.

- Dạ, mấy ông kẹ đó sĩ quan quèn bọn cháu chỉ nghe tiếng thôi chứ chưa hề được gặp. Mà cũng không muốn gặp vì nếu trình diện thì phải mặc quân phục tiểu lễ, đại lễ trắng phiền phức lắm. Thường thì phạm kỷ luật mới phải trình diện mặt trời nên cháu nói không muốn gặp là vậy. Các vị Đại tá ông hỏi, nghe nói hiện đang là Tư lệnh các đơn vị lớn dưới Vùng IV Sông Ngòi, Miền Tây.

Câu chuyện trở nên cởi mở hơn khi nghe ông kể về các giai thoại của những nhân vật nổi tiếng  ở Đại học Vạn Hạnh như Phạm Công Thiện, Tuệ Sỹ, Bùi Giáng…

- Mấy năm trước cháu học ở Khoa Học nhưng có làm thẻ thư viện Đại học Vạn Hạnh để vào học cho mát. Ba sinh viên thuê chung căn gác tôn nhỏ gần chợ Trương Minh Giảng rất nóng và chật chội. Cháu rất kính trọng Ni sư Trí Hải là quản thủ thư viện. Nhất là bản dịch Câu chuyện dòng sông do Ni sư và người em là nữ sĩ Phùng Thăng dịch từ Tiếng Anh. Cháu vẫn còn nhớ hình ảnh cô Phùng Khánh tóc bện con rít dài quá lưng, dạy tụi cháu Anh văn năm Đệ Thất ở trường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng.

Ông Giáo sư gật gù.

- Cậu học ban Toán mà xem ra đọc cũng nhiều đấy.
- Dạ cũng không nhiều lắm đâu. Có lẽ do được thừa hưởng một chút từ Me cháu. Thời gia đình còn ở Đà Nẵng bà dạy Việt văn cho Lycée Blaise Pascal. Sau này khi dọn lên Đà Lạt, Me cháu chỉ giúp trông coi sổ sách cho Ba làm Thầu khoán. Anh cười… Cho tới giờ, cháu vẫn nghĩ Me cháu là bà mẹ độc nhất đã ra tiệm mướn truyện cho con đọc, từ sách dịch Hà Mai Anh, Tự Lực Văn Đoàn cho đến cả truyện kiếm hiệp Kim Dung.

Ông bật cười thú vị, nhìn vợ.

- Chắc là vậy! Bà mẹ này thì khác, kiểm duyệt gắt gao sách truyện con gái đọc.

Bà mẹ mỉm cười, gật đầu tâm đắc.

- Mẹ cậu thâm thúy, cao tay thật. Sách bà mướn về cho con đọc không kịp thì lấy thời gian đâu mà đọc hay đi chơi lung tung. Bà nhìn con gái… May là con bé này cũng khá biết nghe lời.

Nhớ những lần bị con bé “nội tuyến” này đòi hối lộ, anh trêu chọc.

- Khai thiệt đi cô bé, mẹ sẽ khoan hồng. Đọc Nguyễn Thị Hoàng, Thụy Vũ, Dung Sài Gòn, Võ Hà Anh, Túy Hồng… được mấy quyển rồi? Danh sách chắc dài cả trang.

Cô bé hung hăng chối bai bải.

- Cái anh này! Đừng vu khống người ta nha. Em chỉ đọc Nhã Ca thôi.
- Nhã Ca Giải khăn sô cho Huế hay Nhã Ca Đêm dậy thì, Mưa trên cây sầu đông…? Nhân cười chưa chịu buông tha.

Cô bé háy anh, dịu giọng.

- Còn Dung Sài Gòn em chỉ đọc… hai ba quyển thôi. 
- Hai với ba là năm quyển đó! Để coi… anh nhẩn nha đếm… Dễ thương. Dễ ghét. Cho người tình mong manh. Bầy con gái… Quyển thứ 5 nghe nói sắp xuất bản, cô nhớ canh Khai Trí kẻo mua không kịp. 

Đang lúc trò chuyện vui vẻ thì ông Giáo sư có bạn đến chúc Tết.

- Tôi tiếp ông bạn một tí, lát nữa mời anh ở lại cơm trưa với gia đình.

Nhân cáo lui, cùng bà mẹ và cô em bước qua phòng ăn. Chị người làm đang bận bịu sửa soạn bữa ăn gia đình. Bà mẹ bần thần hồi lâu rồi chợt quay nhìn anh.

- Để chúng tôi đưa anh lên thăm phòng Tần Phương.

Nhân nghe mà xúc động nghẹn ngào. Biết bao lần Tần Phương đã kể với anh về căn phòng thương thuộc đó của nàng. Cửa sổ nhìn xuống vườn sau chim hót rộn bình minh hay những đêm trăng rọi mơn man chăn chiếu làm em nhớ anh. Anh nhìn bà mẹ mắt lệ đã rưng rưng, ngập ngừng.

- Cháu cảm ơn cô rất nhiều.

Anh đứng lặng giữa căn phòng thiếu nữ, chân dung Tần Phương treo trên bàn học nhìn anh trìu mến.  Cảm động lắng sâu, anh nhắm mắt lại mới hay mắt mình đã ướt. Khuôn mặt trong chân dung nhòa nhập vào dáng đứng Tần Phương trong tà áo màu thiên thanh trên bến sông đã từ lâu in đậm lên võng mạc chàng. Bà mẹ và cô em gái sè sẹ bước ra khỏi phòng, họ cùng khóc thầm bên ngoài cánh cửa đóng.

Anh ngồi vào bàn học, chăm chú ngắm nhìn Tần Phương thật lâu trong vơi đọng thời gian.  Anh ngồi lên giường ngủ, chăn gối có hương em quyện còn đây. Anh mở tủ trang phục, cả chục chiếc áo dài cùng một màu thiên thanh, lụa trên tay mềm mại dáng em thơm. Anh ra đứng bên cửa sổ nhìn xuống vườn sau nhớ lời em kể. Vẫn cây mận già tàng lá xum xuê đong đưa trái đỏ, che chắn ngôi nhà thủy tạ nhỏ bé có ao nước cá lội vờn quanh. Nhân âu sầu ngồi lại trước chân dung Tần Phương, tất cả còn đây mà em thì đã âm dương cách biệt.

Hai mẹ con lặng lẽ trở lại phòng. Nhân tự đáy lòng mình, lần nữa nói lời cảm ơn. Bà đặt tay lên vai anh.

- Thôi thì… âu cũng là phần số của Tần Phương và định mệnh của chúng ta phải gánh lấy.

Anh nhìn tấm chân dung, ngại ngần hỏi bà.

- Tần Phương có lần nói với cháu đã cất tấm hình hai đứa sau bức chân dung. Có thể nào cô cho phép lấy ra và cho cháu được cất giữ.

Bà bằng lòng ngay.  

- Chị Hai có lấy ra cho con xem một lần rồi dặn giữ kín nên con không dám nói với mẹ.

Anh cầm tấm ảnh, nhìn hồi lâu rồi trao cho bà mẹ.

- Hai đứa cháu chụp tấm ảnh này dịp lễ gắn lon sau khi về nước hơn năm trước.

Mẹ Tần Phương cầm chặc tấm hình như không muốn rời. Bà đề nghị sẽ rọi lớn một tấm treo cạnh bức chân dung trên tường và trao lại tấm chính này cho anh.

- Vậy thì vinh hạnh cho cháu quá… Anh hướng về tủ trang phục, e ngại nói nhỏ vào tai bà… Cháu cũng muốn xin một chiếc áo dài của Tần Phương cất giữ làm kỷ niệm.

Bà mỉm cười nhìn cô con gái láu táu.

- Em đồng ý hai tay luôn. Tuần nữa anh ghé nhà chơi, mẹ sẽ gói sẵn mọi thứ cho anh.
- Đúng rồi đó. Tần Phương có kỷ vật để lại cho anh, chúng tôi mừng lắm.

Bữa tiệc trưa vui vẻ với gia đình Tần Phương ngày mồng một Tết đã tàn. Người cha cầm ly bia đứng lên.

- Cậu Nhân theo tôi ra vườn sau, mình uống bia nói chuyện cho mát. Ông quay nhìn vợ… Lát nữa mình ra sau nhớ mang theo ít trà bánh nhâm nhi.

Cây mận sau nhà trái chín đỏ treo lủng lẳng đẹp mắt. Nhà thủy tạ nho nhỏ mát rượi dưới tàng lá rộng xum xuê đứng chênh chếch bên ao cá kiểng Nhật. Đàn cá đủ màu đỏ trắng vàng lội tung tăng thật nhàn nhã êm đềm. Tần Phương đã từng kể, trong vườn đây là nơi nàng thích nhất. Từ nhà thủy tạ bao quát nhìn hoa cỏ trong vườn thật đẹp. Nhất là những tối trăng sáng, gió đưa hương mùi hoa ngọc lan từ vườn nhà hàng xóm thoảng sang thơm ngát. Anh nhớ lúc đó đã hỏi trêu nàng, giọng ra vẻ ghen tuông.

- Chắc là nhà hàng xóm có anh chàng nào đó hay nhìn trộm người đẹp ngồi mơ màng bên lầu thủy tạ chứ gì?

Tần Phương cười rũ rượi, mặt đỏ hồng lên.

- Có đấy! Có một ông Hải Quân già chát đeo lon gì mà vàng rực cả hai bên vai. Tường rào khá cao, ông hay đứng trên thang nhìn qua nhờ lượm giúp trái banh hai thằng con chín mười tuổi đá văng qua.

Ông Giáo sư chăm chú nhồi thuốc vào ống tẩu, mồi lửa, hút sâu vài hơi rồi thở khói, mùi Half and Half thơm lừng, chịu hết nỗi. Nhân xin phép, châm điếu Craven A rít một hơi dài sảng khoái. Anh thầm nghĩ… tình hình “chiến sự” khả quan, nhưng có vẻ ông bà sắp nói điều gì đó rất quan trọng.  Anh ngồi thẳng người trên chiếc ghế mây khi thấy bà mẹ tay cầm hộp bánh mứt, theo sau là cô con gái bưng khay trà.

Ông cạy thuốc đã cháy ra khỏi tẩu rồi trấn tĩnh nhìn vợ, đằng hắng lấy giọng.

- Nhắc tới con Phương thì mình lại sướt mướt ngay, nên ngồi nghe thôi để tôi nói cho.

Ông quay nhìn Nhân.

- Trong lòng chúng tôi rất hối tiếc nhưng có lẽ cũng không còn cần thiết nhắc lại những khó khăn, cấm đoán của tôi với con gái mình và anh trước đây. Từ hơn năm nay, nhiều lần viếng mộ chúng tôi hay thấy những bó hoa huệ trắng nhưng không biết ai mang đến. Gần đây mới biết thời gian qua khi nào có mặt ở Sài Gòn anh vẫn thường thăm mộ Tần Phương nên rất cảm động, biết ơn.  Chúng tôi muốn biết chuyện gì đã xảy ra với anh thời gian đau lòng đó.

Nhân ngồi yên cố nuốt nghẹn ngào. Bàn tay bà mẹ vỗ về lên vai anh có lẽ cũng để giúp bà tự trấn tĩnh nỗi xúc động của mình.

Đó là chuyến hải hành đầu tiên trong đời của Nhân. Buổi sáng tàu rời bến, Tần Phương ra bến sông đưa tiễn. Chiến hạm đi tuần dương 90 ngày trong vùng vịnh Thái Lan, mỗi 7-8 ngày thì vào nghỉ bến ở Phú Quốc 1-2 ngày. Hai tháng đầu đều có nhận thư Tần Phương gởi, nhưng vào tháng  thứ ba thì không có thư nào, anh rất lo lắng nhưng không biết làm sao. Có lần nằm chiêm bao thấy hình ảnh máu me của Tần Phương rất đáng sợ nên anh càng lo lắng hơn. Chiến hạm về nghỉ bến Sài Gòn anh liên tiếp đến trường tìm nhưng chẳng thấy người yêu đâu. Lần thứ ba anh gặp được cô sinh viên cùng lớp biết chuyện anh với Tần Hương nên bùi ngùi cho hay tin dữ. Lòng đau như cắt, anh tìm đến nhà vài lần nhưng vì gia đình có tang sự, còn bị cấm cản từ  trước nên không dám vào. Lần sau cùng may mắn gặp Út vừa đi học về, cô bé vừa khóc vừa kể. Tần Phương bị tai nạn giao thông thương tích rất nặng phải vào bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi vì bị chấn thương quá nặng. Út cũng chỉ vị trí ngôi mộ trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Suốt mấy tuần nghỉ bến, hầu như ngày nào anh cũng vào thăm mộ. Thời gian sau đó, mỗi lần đi tuần dương xa về nghỉ bến Sài Gòn việc anh làm đầu tiên là ra chợ hoa Nguyễn Huệ  mua huệ trắng thăm mộ người yêu.

- Ngày hôm qua chiến hạm từ Đà Nẵng về, vừa cập bến là cháu vào ngay nghĩa trang nên trời xui khiến được gặp cô.

Ông Giáo sư rút một điếu thuốc từ bao Craven-A để trên bàn, châm lửa rít một hơi dài. Ông im lặng nhìn làn khói thuốc lãng đãng quyện bay lên trần nhà thủy tạ. Im lặng kéo dài. Cả bốn người cùng nhớ về một người họ vô cùng yêu thương.

Út ngồi khóc sụt sùi. Bà mẹ mắt nhòa lệ, nghẹn ngào không nói nên lời, chỉ nhìn ông khẽ gật đầu.

- Thời gian ở bệnh viện, tang lễ, mộ phần của Tần Phương cháu đã nghe kể, đã tìm đến hoặc đã hình dung ra. Tuy nhiên có một điều rất quan trong suốt năm qua chúng tôi vẫn mãi đắn đo vì Tần Phương đã căn dặn, trối trăn phải giữ kín. Hôm nay có cơ duyên gặp được cháu, chúng tôi tin chắc Tần Phương sẽ vui lòng để cho cháu biết được chuyện này.

Người cha hít hơi thở dài lấy bình tĩnh. Chuyện xảy ra như một mầu nhiệm ông vẫn tự hỏi nhiều lần suốt thời gian dài.
Tần Phương bị chấn thương nặng ở đầu đã bất tỉnh từ lúc xe cấp cứu đưa vào bệnh viện Grall Đồn Đất. Vào rạng ngày thứ tư nàng ra khỏi cơn hôn mê sâu.  Đến trưa Tần Phương tỉnh hơn, băng trắng quấn quanh đầu nhưng trên khuôn mặt bầm tím, môi có thể mấp máy nói và ánh mắt tìm được cha mẹ đang ngồi lo lắng bên giường. Em gái buổi chiều vào thăm, mắt chị rưng rưng nhìn, mấy ngón tay yếu ớt chạm lên tay em, bất động.

Tối đến, Tần Phương yếu ớt xin cha mẹ phải chấp thuận điều nàng sắp nói ra và mãi mãi giữ kín nó không tiết lộ với ai. Ông bà nhìn nhau qua màn nước mắt, đành phải gật đầu đồng ý. Bác sỹ và y tá trực đến bên giường bệnh với giấy bút cho cha theo yêu cầu của nàng. Tần Phương muốn bác sĩ và y tá là nhân chứng trong lúc cha mẹ ghé tai sát môi con viết tờ di chúc theo từng lời thì thào từ đôi môi đã kiệt sức. Sau khi qua đời, Tần Phương muốn hiến tặng trái tim mình, nhưng ưu tiên cho một cô gái cùng độ tuổi. Tần Phương đuối lả nằm thoi thóp lúc tờ di chúc được viết xong. Một lúc sau, cha nàng phải giúp cầm tay con ký tên lên nguyện vọng cuối cùng của đời nàng. Tần Phương nhìn mọi người nở nụ cười héo hắt, môi mấp máy. Nàng muốn trái tim mình vẫn đập trong lồng ngực một người đang sống và biết yêu thương, nàng muốn được sống lâu với gia đình và anh ấy trên cõi đời này.

Người cha uống ngụm nước trà cho thấm giọng.

- Nhiệm mầu đã xảy ra. Sáng hôm sau, bệnh viện báo tin đã tìm ra bệnh nhân tương đồng gần như hoàn hảo để nhận trái tim hiến tặng. Một cô gái 20 tuổi có cùng loại máu và cỡ tim tương tự. Cô ta đang nằm điều trị tại bệnh viện Hải quân Hoa Kỳ ở ngay Sài gòn.

Bà mẹ tiếp lời.

- Tần Phương có lẽ đã dùng hết sức tàn chỉ để giữ mình tỉnh táo chờ tin tốt, đôi mắt khép ứa lệ rồi rớt sâu vào lại hôn mê. Bác sĩ, y tá thường xuyên đo huyết áp, mạch tim. Lần sau cùng, ông bác sĩ hỏi vợ chồng tôi, thân nhân còn ai chưa đến?

Vừa lúc Út đi học về bước vào, nhìn cha mẹ, con bé cầm tay chị khóc òa. Người mẹ nói nhỏ với con bé về di chúc của chị. Không lâu sau một nhóm bác sỹ, y tá người Mỹ bước vào gật đầu, mỉm cười chào. Chiếc giường đẩy chờ ngoài cửa. Vị bác sỹ người Mỹ nhìn quanh hỏi ai có thể nói hiểu tiếng Anh?
Út đưa tay, ngập ngừng.

- Đó là chị tôi. Tôi sẽ cố gắng. Ba mẹ tôi chỉ nói tiếng Pháp.

Ông ta xoa đầu, khen.

- Bé giỏi lắm! Tôi sẽ giải thích những gì chúng tôi sắp làm, nhờ cô bé dịch lại cho ba mẹ hiểu.  Chị cô là một cô gái tuyệt vời, nhân ái và thật can đảm. Rất đáng ngưỡng phục.

Hai người trao đổi qua lại bằng tiếng Anh, mỗi vài câu thì Út  dịch qua tiếng Việt.

Nhóm bác sỹ y tá Mỹ sẽ đẩy chị qua phòng giải phẫu. Gia đình sẽ đi theo, nhưng chỉ được đứng chờ bên ngoài vách kiếng để chứng kiến giây phút cô ấy qua đời rồi trở về phòng chờ. Khoảng một giờ sau chúng tôi sẽ giao thi hài cho bệnh viện và gia đình. Chúng tôi xin lỗi và xin Chúa phù hộ linh hồn cô ấy. Xin phân ưu đến gia đình.

Còn đây là những việc chúng tôi sẽ làm sau đó, để gia đình biết. Chúng tôi sẽ xét nghiệm, phẫu thuật lấy trái tim ra, và đưa nó ngay vào chiếc hộp chứa dung dịch bảo quản lạnh đặc biệt. Hộp sẽ được đặt vào hộp khử trùng khác lớn hơn có chứa đầy nước đá đặc chế và sau cùng là đặt tất cả vào một thùng được thiết kế để giữ lạnh và thuận tiện cho việc di chuyển. Sau đó thùng đựng trái tim và bệnh nhân được ghép tim sẽ có trực thăng chở ngay ra tàu Bệnh viện Hải Quân Hoa kỳ đang neo đậu ở Vũng Tàu. Tất  cả phải hoàn thành trong vòng bốn giờ hay ít hơn.

Hãy tin tôi! Chúng tôi sẽ làm được. Chúng tôi sẽ không phụ tâm nguyện cao cả và lòng can đảm tuyệt vời của cô gái này.

Tần Phương qua đời ngày hôm đó nhưng trái tim nàng vẫn tiếp tục đập trong suốt trình tự đã diễn ra đúng như lời giải thích của vị bác sỹ Mỹ.  Gia đình đưa Tần Phương về nhà, lo việc ma chay, xây phần mộ trong đau thương mất mát đắng lòng. Không lâu sau ngày tang lễ, thông qua bệnh viện Grall, nhóm bác sỹ Hải quân Hoa Kỳ cho hay cuộc giải phẫu ghép tim đã thành công mỹ mãn. Cô gái hồi phục tốt, sắp kết thúc chương trình thể dục trị liệu phục hồi chức năng tim và sẽ về nhà sớm. Đó là tất cả thông tin gia đình biết về cô gái. Cuối cùng, niềm an ủi lớn lao của chúng ta là biết được trái tim của Tần Phương vẫn sống trên cõi đời này. Trái tim nàng vẫn đập nhịp yêu thương trong lồng ngực của một cô gái mà Thương Đế đã chọn giúp cho Tần Phương gởi gắm tâm nguyện mình.

Người mẹ lau khô nước mắt, nắm lấy tay Nhân.

- Trái tim Tần Phương đã đưa chúng tôi đến với cháu, chúng ta đến với nhau. Cháu hãy coi gia đình này như là thân quyến. Chúng tôi hi vọng một trái tim Tần Phương sống động trên cõi đời này là hành trang giúp cháu tìm cho mình cuộc sống hạnh phúc, yêu thương.

Người mẹ ân cần cười…Cô chúc phúc cho cháu đó!

Người cha đốt điếu thuốc, im lặng nhìn theo làn khói thuốc tỏa nhẹ vào không gian yên tĩnh của khu vườn ngày đầu năm. Mọi người im sững trong xót thương hoài niệm và tiếng khóc nghẹn ngào của Út.

Nhân bước vào phòng giặt. Hạ sĩ Y tá Ánh đứng lơ đãng trước hai giàn máy đang rì rầm chuyển động, thấy người sĩ quan anh liền chỉ vào chiếc máy sấy.

- Thấy ông thầy đang bận nhìn trời hiu quạnh nên tui đã đem áo quần giặt xong qua máy sấy rồi.
- Cảm ơn nha! Khi nào xong anh làm ơn bỏ vào cái giỏ này giúp. Tôi vào kiếm cái gì ăn trưa đây.

Anh lắc đầu nhìn đĩa bánh chưng đã ăn một nửa, bỏ vào bếp nướng ổ bánh mì ăn với thịt gà chà bông. Nhân gật gù “làm láng” ly lớn chocolate ice cream, thầm nghĩ…Cô nào mà vớ được thằng  Quang thì có lười “chảy thây” vẫn tha hồ được  ăn ngon.

Nhân đang dọn dẹp chén dĩa trong bếp lúc hạ sĩ Ánh Y tá ló đầu vào trao cho Nhân giỏ áo quần đã sấy khô. Anh cảm ơn, nói đùa.

- Vậy là Chử Đồng Tử có áo quần mặc đón em gái hậu phương rồi.

Anh nhìn đồng hồ vội vàng mang giỏ áo quần vào phòng, treo chúng vào tủ rồi hấp tấp ủi sơ qua bộ quân phục sẽ mặc đón Hạnh Nhiên chiều nay.

Tắm mát, sảng khoái, thay quân phục xong Nhân đi một vòng ra cầu tàu. Anh đọc qua Nhật ký Hạm kiều, nhìn người thủy thủ trẻ đang nóng ruột chờ xuống ca, anh nháy mắt.

- Rán đi thằng em, được nửa đường rồi… Tôi ở trên Đài chỉ huy, lát nữa có người quen đến thăm, nếu tôi đón không kịp nhờ anh báo cho biết.

Trên đài cao gió ruồng, nắng Sài gòn mồng ba Tết cũng dịu vàng màu hoa cúc làm ngây say lòng người. Bật cái cassette của Phúc còn nằm đè gió trên bàn hải đồ, Nhân cẩn thận nhìn quanh rồi lên ngồi trên ghế Hạm trưởng. Gió mát, ghế êm, thoải mái, Nhân lim dim ngồi nghe từng lời ca dìu dặt, buồn buồn…Theo tiếng hát của người thủy thủ. Lượn trên sóng vỗ về. Ghềnh đá chim bay qua, lang thang cánh gió chiều. Buồm trắng men san hô. Đất trời rộng sao em không bến đỗ (Bay đi cánh chim biển)…

Nhân thỉnh thoảng lấy ống dòm nhìn về phía Công trường Mê Linh rồi dọc theo con đường qua Bộ Tư Lệnh Hải Quân vắng khách bộ hành. Bỗng trong ống dòm hiện ra một chiếc xe jeep dừng gần tượng Đức Trần Hưng Đạo, một cô gái bước xuống, chiếc jeep quày lại ôm vòng Công trường mất dạng. Cô gái mảnh mai trong tà áo dài trắng, trên tay xách một chiếc túi nhỏ bước khoan thai bước về phía cổng Bộ Tư Lệnh. Hạnh Nhiên!. Anh ba chân bốn cẳng chạy xuống cầu thang.

Nhiên chậm rãi bước, túi trái cây nặng dần trên tay. Lúc nãy chú tài xế định chạy sâu vào trong nhưng nàng không muốn. Nhiên mím môi cười bâng  quơ, nàng e ấp vuốt tóc, mắt liếc nhìn con tàu màu xám phía xa xa. Bước chân khoan thai chợt trở nên cuống quít, tim loạn nhịp đập liên hồi khi Hạnh Nhiên nhìn thấy người sĩ quan Hải quân từ phía xa vội vã đi tới. Nàng đứng lại hít thở thật sâu, cố gắng trấn tĩnh.

- Chào Hạnh Nhiên! Hân hạnh đón khách quý. Nhân niềm nở chào cô gái, đỡ chiếc túi trên tay nàng.
- Mãng cầu chín cây mới hái sớm nay từ vườn nhà Ngoại đó. Quà từ Long Xuyên tặng anh.
- Cảm ơn Ngoại tặng quà và… cả cô cháu của Ngoại nữa. Anh cười… May quá, quên cảm ơn cô này là chỉ “từ chết tới bị thương”. 
- Biết vậy thì được! Mới rạng sáng tui phải ra vườn hái cho tươi. May mà còn sớm, kiến chưa thức dậy, chứ không thì khỏi hái luôn.

Hai người sánh bước chuyện trò quên cả nắng trưa. Nhân hỏi thăm, lắng nghe Hạnh Nhiên vui vẻ kể chuyện về quê ăn Tết. Sáng mồng một nàng theo anh chị Hai về Long Xuyên. Bốn giờ xe, vừa về tới đã thấy Ngoại và Mẹ đang chờ trước cổng, dưới hiên nhà lố nhố bà con đứng chờ để đi cúng ông Ngoại và Ba. Lăng mộ hai người được xây nơi thanh tịnh ngay cuối vườn cây ăn trái tại nhà. Ba mất sớm, chỉ vài tháng sau khi Út Nhiên ra đời, lúc đó anh Hai đã mười tuổi.

Suốt hai ngày Tết Mẹ cặm cụi làm nhiều món ngon không ngớt ép con gái, phần thì ăn tại nhà, phần bới lên Sài gòn. Nhiên thích nhất là ngồi nghe Ngoại kể chuyện xưa, những ngày Ngoại còn con gái đi buôn, qua về Sông Hậu, qua Chợ Mới, Cù Lao Giêng, Thánh Địa Hòa Hảo nơi bà Ngoại đã gặp ông.

Nhiên ngại ngần đứng nhìn cầu tàu chiến hạm lắc lư vì sóng từ chiếc tàu kéo vừa chạy qua. Nàng suýt soa chưa bao giờ đứng gần một chiếc tàu cao như vậy. Nhân bước đến gần trấn an, anh chỉ cho nàng đứng nép một tí về bên phải, tay cầm dây vịn bước từ từ lên. Anh cười.

- Hay là cô nhẹ quá, để tôi ẵm cô lên.
- Ê, không được đâu nha! Cô gái la lên, chân nhảy nai thoăn thoắt bước.

Người thủy thủ gác hạm kiều đứng nghiêm chào rồi nhìn anh nháy mắt.

- Anh viết vào sổ Nhật ký Hạm kiều là thân nhân của tôi.

Hạnh Nhiên lạ lẫm đứng nhìn con tàu bề thế, hùng vĩ. Nhìn dòng sông bên dưới nàng có cảm giác khác hẳn khi đứng trên bắc Mỹ Thuận, Năng Gù.

Cô gái theo chân người sĩ quan bước vào bên trong.  Tiếng máy điện chạy rầm rì nghe lạ tai. Anh dừng lại, chỉ tay giới thiệu từng phòng ốc lớn nhỏ hai bên trước khi vào khu Sĩ quan. Phòng giặt sấy có máy làm kem, phòng Y tá, phòng Văn thư bên phải, cầu thang xuống phòng máy, phòng ăn thủy thủ đoàn, nhà bếp Sĩ quan bên trái. Anh vén chiếc màn nỉ xanh mời Hạnh Nhiên bước vào.

- Mời Hạnh Nhiên vào phòng khách. Nãy giờ cô đi ngoài nắng chắc đã mệt…Sau đó mình sẽ đi quanh chiến hạm rồi lên Đài chỉ huy. Trên đó cô sẽ thấy Sài gòn khác hơn.

Nhân nhìn về phía tấm màn nỉ đối diện.

- Phía sau đó là phòng của sĩ quan trên tàu. Tôi và hai người bạn khác cùng tốt nghiệp trường Hải Quân Mỹ về thân nhau hơn, có lẽ do cùng một lứa. Không phải cá mè đâu nha.

Cô gái khúc khích cười. Anh vén tấm màn, ánh đèn trên trần ấm cúng rọi vàng xuống đường đi giữa hành lang.

- Các phòng đều thiết kế giống nhau. Chỉ là chúng tôi luôn thi đua xem ai bừa bộn nhất mà thôi. Để tôi giới thiệu nhanh phòng của tôi, nhưng xin lỗi để cô thất vọng vì tôi đã thức trắng đêm qua dọn dẹp phòng rất sạch rồi, cho nên không thơm không lấy tiền. 

Hạnh Nhiên nhìn quanh căn phòng nhỏ ấm cúng, thiết kế chắc chắn có lẽ để chịu đựng những lúc phong ba bão táp. Một chiếc giường hai tầng nệm trắng, chiếc tủ đôi, phòng vệ sinh nhỏ có vòi tắm. Áp sát vách gần cửa là bàn giấy có kệ nhét đầy sách, cô thoáng nhìn thấy vài quyển cô vẫn đang tìm. Nhân cầm vội hai tập truyện để sẵn trên bàn, mời cô gái trở ra phòng ngoài. Vách đối diện với bàn ăn là hai chiếc ghế bành nhỏ được làm phòng khách. Anh kéo chiếc ghế đầu bàn ăn mời cô gái ngồi.

- Mình ngồi đây cho thoải mái. Chắc khát nước lắm rồi phải không. Cô uống nước để lạnh trước hay thưởng thức chocolate ice cream trước?   
- Uống nước, ăn kem một lần được không anh? Cô gái cười nhí nhảnh… Chocolate ice cream mà để thưởng thức sau nghe nó kỳ quá hà. Tới lúc múc kem phải cho cô nương tui lựa phần kem có nhiều chocolate đó nha.
- Tuân lệnh, mời cô nương theo tôi vào bếp.

Hạnh Nhiên bỡ ngỡ bước vào bếp còn vương mùi thơm của thịt chà bông và mỡ hành. Anh trao cô gái ly nước lấy từ tủ lạnh. Nàng uống từng ngụm nhỏ, mắt mở to nhìn dãy hộp nhựa trong suốt chứa  đầy thịt chà bông để đầy một dãy kệ rồi suýt soa lúc Nhân kéo thùng kem to chà bá khỏi ngăn đá tủ lạnh.

- Cô đói bụng chưa?
- Hồi nãy thì chưa, giờ thấy thịt gà chà bông, ở trỏng đổi ý rồi.
- Hay là mình nướng bánh mì ăn kẹp với thịt chà bông rồi ăn kem sau.
- Hay là ăn ly kem khai vị, xong ăn bánh mì gà, rồi ly kem tráng miệng…Cô gái lém lỉnh.
- Ok, làm theo thực đơn này đi.

Cả hai vừa chuẩn bị thức ăn vừa chuyện trò trong mùi thơm của bánh mì nướng và nỗi lâng lâng mơ hồ của cảm giác bên nhau. Mỗi người một khay cho phần ăn của mình, họ ra ngồi đối diện ở bàn ăn. Cô gái đưa ổ bánh mì gà thơm lựng lên mũi hít hà rồi cắt đôi đưa anh một nửa.

- Con mắt to hơn cái bụng, anh ăn giúp tôi một nửa. Nhưng hai ly kem của tui thì đừng hòng đụng tới đó.

Nhân nghĩ tới đôi mắt nâu to đọng thật lâu trong ống dòm rồi anh khẽ cười thoáng nhìn đôi mắt đó thật gần bây giờ. Anh cầm nửa ổ bánh mì lên.

- Có câu ca dao rất hay, cô nghĩ có thể dùng để so sánh với nửa ổ bánh mì này không? Đói lòng ăn nửa trái sim. Uống lưng bát nước đi tìm người thương.

Cô gái đang ăn kem ngon lành, ngưng lại lườm anh.

- So sánh như vậy thì khập khiễng quá ông ơi! Nửa trái sim. Nửa ổ bánh mì. Mới uống chút xíu nước đã muốn đi lung tung rồi. Ít ra phải ăn cho hết hai ly kem rồi mới đi đâu thì đi.
- Đi tìm người thương chứ đi đâu. Buồn là Tìm em như thể tìm chim. Chim bay biển Bắc anh tìm biển Nam. Mà cô có biết vì sao anh chàng đi lạc không? Tại hắn không có địa chỉ của nàng. Than ôi, một linh hồn đau khổ.
- Đi xa, đi gần, ra Bắc vô Nam, loanh quanh rồi cũng quay về chuyện chiều ba mươi Tết xin địa chỉ nhà. Anh đó nha! Ngày càng gian càng khôn, thực hư khó lường nên đành phải đắn đo thêm thôi.

Cô gái vuốt tóc, nhìn anh lưỡng lự. 

- Nhưng bù lại anh sẽ được hai điều. Cho em xin địa chỉ chiến hạm của anh. Và đừng gọi em là cô nữa. Lời bộn chưa!?

Bữa ăn trôi qua trong tiếng cười. Hai người nhanh chóng dọn dẹp chén đĩa ly tách trên bàn mang vào nhà bếp rửa sạch. Lúc sắp sửa bước ra ngoài, Nhân bừng nhớ ra, anh cầm hai tập truyện trên bàn đút vào túi, rồi vội vàng chạy vào phòng lấy cái máy Polaroid chụp hình lấy liền choàng lên vai.

Gió mát rượi từ sông thổi lên làm hai người quên đi cái nóng của ánh nắng chiều rọi lên boong sau của chiến hạm. Chỉ tay về phía hai chiếc Tạm Trú Hạm cập kè bên nhau từ mấy năm nay, anh kể cho Hạnh Nhiên kỷ niệm vui buồn về những tháng ngày sống ở đó, học Anh văn chờ thi để được du học tại trường Hải quân Mỹ. Anh bồi hồi nhìn cô gái đứng bên mà nghĩ tới Tần Phương, nghĩ đến trái tim nàng đang sống động trong  lồng ngực của cô gái nào đó ở Sài Gòn rộng lớn này. Anh chợt nghe tiếng Hạnh Nhiên nói như reo.

- Em nhớ rồi, năm đầu ở Văn Khoa thỉnh thoảng thấy có hai ba xe nhà binh chở nhiều người mặc quân phục như anh chạy rẽ vào Cường Để. Họ đeo lon giống như hai con cá vàng trên vai.    
- Đúng rồi! Sinh viên Sĩ quan bọn anh sau khi huấn nhục xong thì được gắn Alpha, cũng thường được gọi đùa là Con Cá.  

Anh bật cười mừng rỡ.

- Cảm ơn nhiều nha! Không bị đánh mà đã khai cho anh biết địa chỉ nhà rồi. Anh đoán em đang học ban Cử Nhân Anh văn. Năm hai hay ba?

Hạnh Nhiên bừng hiểu ra, nàng đứng dậm chân mà miệng cười tươi rói.

- Hai rưỡi… Tui thiệt là khờ mà. Vốn liếng có nhiêu đó giờ mất sạch rồi.

Nhân cầm chiếc máy hình đưa lên cao.

- Muốn lấy vốn lại thì đi theo anh.

Mũi tàu cao gió lộng, Hạnh Nhiên cuống quít giữ tà áo lụa lúc bước lên sát mũi tàu. Nàng nhắm mắt tận hưởng cảm giác nhột nhạt kỳ thú của gió luồn qua tơ tóc của nắng mơn man lên má lên môi. Từ điểm cao đặc biệt này Sài Gòn nhìn rất lạ, dòng sông bên dưới sóng quẫy từng lọn nắng sóng sánh bạc và phố phường nhà cửa đắm mình tắm gội trong nắng vàng.  

Hạnh Nhiên quay nhìn nụ cười cầu tài của Nhân với máy chụp hình trên tay, nàng làm bộ xỉa xói.

- Muốn “thương lượng” gì đây nữa ông quan tàu thủy?
- Trong cái máy chụp hình lấy liền này còn hai tấm. Nếu em bằng lòng anh sẽ chụp ở đây một tấm, cái còn lại sau khi mình rời tàu xuống bãi để chụp lấy toàn cảnh chiến hạm. Em lựa giữ một tấm coi như lấy lại vốn, tấm kia nếu em muốn thì bán lại cho anh lấy chút lời. Anh sẽ mua bằng mọi giá… ngoại trừ tiền.

Cô gái lườm anh, bước lui vài bước rồi dừng lại trước pháo tháp của khẩu đại bác 76 ly, đôi mắt nâu to sâu thẳm, miệng cười xinh, những ngón tay thon trắng vân vê tà áo. Hình ảnh nàng từ lăng kính máy hình kiều diễm khó vời.

Hai người đứng tựa vào chiếc thùng đựng áo phao chờ tấm hình khô hẳn. Nàng nâng niu nhìn, nét mặt rạng lên vẻ ưa ý. Anh ghé mắt, xuýt xoa… Nhỏ nào mà đẹp quá ta!

Lúc Hạnh Nhiên vừa ló đầu khỏi sàn thép xám của Đài Chỉ Huy đã nghe tiếng hát ngân xa hòa với luồng âm thanh vi vu chao lướt qua đài cao xang gió… Ngày đó quay tàu anh tìm lối về. Mình đi giữa trời nhiều hoa lá bay. Chờ anh em nhé, hẹn em ngày mai. Có người nhặt hoa sóng về… Cô gái xúc động lắng nghe.

Lúc nãy chờ Hạnh Nhiên đến, anh vừa nghe nhạc vừa nhìn ống dòm về phía Công trường Mê Linh chờ đếm bước chân nhưng khi thấy nàng lồng lộng hiện ra trong ống kính là anh vội vã chạy xuống đón nên quên cả tắt cassette. Anh hướng dẫn Hạnh Nhiên cách dùng ống dòm rồi bảo nàng thử nhìn một người nào đó gần tượng Đức Trần Hưng Đạo, nàng chăm chú nhìn hồi lâu rồi bỗng reo lên thích thú. Nàng trả lại anh cái ống dòm, nét mặt vẫn còn khích động.

- Trời đất ơi! Nhìn họ còn lớn và rõ hơn đứng ngay trước mặt.
- Cho nên lúc nãy thấy cái mặt “chầm dầm” trong ống kính vừa xuống xe jeep là anh biết ai là thủ phạm ngay.
- Chờ đó nghen, khi nào tui chầm dầm là có người biết liền hà.

Nhân giở trò tán tỉnh.

- Nghe em nói anh mừng quá. Anh sẽ chờ. Vậy là mình có tương lai với nhau rồi, đúng không?
- Nàng dẩu môi, nguýt dài… Mà anh biết không!? Anh Hai chắc muốn biết em đi đâu nên đã bảo chú tài xế chở. Vì sợ có người thất vọng không được dịp đếm bước chân nên em nói cho xuống xe ngoài đó.

Hạnh Nhiên lạ lẫm nhìn quanh Đài Chỉ Huy cao ngất ngưỡng trên chiến hạm. Bánh lái với  hải bàn bằng đồng cao ngang ngực đứng vững vàng trước vách kính chắn gió dày dặn, dọc theo đó là dụng cụ hải hành treo lỉnh kỉnh.  Không có một chiếc ghế nào khác ngoài cái ghế bành lớn bằng da trên đế chân cao đặt bề thế bên cánh hữu của đài chỉ huy. Bên cánh tả là Bàn Hải Đồ lớn còn bề bộn thước, viết, bản đồ và chiếc cassette vẫn ung dung ngân nga lời tình tứ.

Nhân vịn tay vào chiếc ghế bành, giải thích.  Đây là Ghế Hạm Trưởng, theo truyền thống Hải Quân thế giới, không ai có quyền ngồi lên nó ngoài Hạm trưởng của chiến hạm. Dĩ nhiên là khi có một sĩ quan thâm niên hơn hiện diện và có tư cách “lấy lại quyền chỉ huy” thì lúc đó ông ta mới có quyền xử dụng nó. Từ ngữ “Master under God” (Dưới Trời là ta) được dùng để nói đến Hạm trưởng, người có quyền hạn và trách nhiệm tối thượng trên tàu.

- Truyền thống là vậy chứ bọn anh những lúc quá mệt cũng có khi nhìn trước nhìn sau lén lên ngồi một chút cho đỡ mệt.

Hạnh Nhiên trầm ngâm nhìn về phía mũi tàu.

- Từ trên này nhìn xuống, tự nhiên em có cảm giác sao nó xa cách quá, buồn buồn sao đó.
- Nghe sao có hơi hướm Françoise Sagan vậy ta? Đừng làm kẻ hèn này sợ nha… Có lẽ đó là cảm giác của đoái thương, của Mị Nương từ lầu cao nhìn xuống Trương Chi, hay Juliet nhìn xuống Romeo. Cam chắc một điều là anh chàng si tình dưới đó luôn mong muốn níu mọi khoảng cách để có thể nắm được tay nàng, tay trong tay triệt tiêu hết cách xa để giọt lệ chạm xuống nụ cười.

Nhân lấy hai tập truyện trao cho Hạnh Nhiên.

- Nói tới giọt lệ và nụ cười, anh muốn tặng cô sinh viên Văn Khoa tập thơ truyện “A tear and a smile” của Kahlil Gibran. Còn “Giấc mơ của đá”, tập truyện này của Nguyễn Mạnh Côn anh cho mượn để có cớ đi gặp mặt đòi sách.
- Cảm ơn anh nhiều. Em chỉ mới có bản tiếng Việt “Giọt lệ và Nụ cười”. Rồi cô gái cười dí dỏm… Còn sách cho tui mượn mà tính đòi lại thì… còn khuya nha.

Nàng cắn môi, tóc ngắn rơi hờ lên trang đầu của tập truyện bằng Anh ngữ, có hàng chữ viết tay phóng khoáng “I would that my life remain a tear and a smile. Kahlil Gibran  -  Providence, Rhodes Island Kỷ niệm ngày ThanksGiving đầu tiên ở Mỹ, 1970”.

Nàng liếc nhìn người thanh niên dễ mến trước mặt, cảm thấy lòng mình chao động như gió xuân mơn man trên mặt sông. Tâm hồn nàng run lên nhịp đập yêu thương trong lúc có tiếng nói từ trong sâu thẳm của trí tưởng lên tiếng cảnh giác phải chăng tình cảm trìu mến về anh có thể đã đến thẳng từ trái tim hiến tặng của cô gái đang bồi hồi sinh động trong lồng ngực nàng. Hạnh Nhiên vô cùng bối rối, làm sao biết được khi nào nàng sẽ có một tình yêu vẹn toàn tự tại? “Love is the only flower that grows and blossoms without the aid of the seasons.” Tình yêu là đóa hoa duy nhất lớn lên và nở rộ mà chẳng cần đoái thương của mùa màng. Chiều đến hoa khép cánh lại và yên ngủ, ôm ấp nỗi hoài mong. Khi bình minh lên, hoa hé môi để đón nhận nụ hôn của mặt trời. Thời gian và tấm lòng an nhiên sẽ dệt nên đời sống của đóa hoa nàng với mong chờ và thành tựu. Một giọt lệ và một nụ cười. Nàng mong mỏi cánh hoa duy nhất đó.

Người sĩ quan Hải quân hỏi nàng đứng lâu có mỏi chân, Hạnh Nhiên bối rối lắc đầu. Nàng lấy ra từ xách tay tập Mật Khải đưa cho Nhân, đôi mắt nâu nhìn anh khẽ cười.

- Em phân vân không biết anh muốn “thương lượng” điều gì về tập truyện The Prophet anh nhìn thấy hôm Ba Mươi Tết.
- Hôm đó lần đầu tiên thấy em có tập truyện này nên anh chỉ muốn hỏi đôi câu vui vui về các chương trong tập thơ đó thôi. Nhưng trước hết anh có tin “giật gân” cho em đây. Nghe nói Phạm Bích Thủy, người dịch Mật Khải bắt đầu từ niên khóa này là giảng viên ở Đại học Hòa Hảo đó!?  
- Vậy sao!? Đúng là tin bất ngờ. Em hi vọng Phạm Bích Thủy sẽ tiếp tục dịch thêm nhiều tác phẩm của Kahlil, Tagore. Cô ấy dịch rất có chất thơ, em thích lắm.

Nhân giúp cô gái ngồi lên bàn Hải Đồ cho đỡ mỏi chân. Đang lúc sắp xếp lại xấp bản đồ bề bộn trên bàn thì rơi ra tập truyện Uyên Ương Gãy Cánh anh đang đọc từ chuyến hải hành trước. Hạnh Nhiên reo lên, ôm ngay tập The Broken Wings vào ngực.

- Uyên Ương Gãy Cánh! em chưa có quyển này.
- Từ từ. Uyên ương người ta gãy cánh mà sao cô nương vui quá vậy. Trong tập Mật Khải cô nương thích nhất chương nào?

Hạnh Nhiên nhớ lại lần bói thơ ở nhà sách Khai Trí, đôi má chợt nóng bừng.

- Câu hỏi này em hẹn sẽ trả lời một lần với lúc cho anh địa chỉ của em. Tập chờ cho quen đi ha… Còn anh, anh thích nhất chương nào?

Nhân đến ngồi gần nàng, lật tới chương “Tàu đến”, anh bắt đầu đọc…

Bấy giờ khi tới chân đồi, người lại hướng về biển, và thấy con tàu đang tiến vào cảng, trên mũi tàu là những thuỷ thủ, những kẻ đồng hương của người
Hồn người cất tiếng gọi họ, người nói:
Hỡi các con trai của mẹ ta xưa, những người cưỡi hải triều
Đã bao lần các ngươi giong buồm trong những giấc ta mơ. Và bây giờ các ngươi đến lúc ta tỉnh thức, đấy là giấc mơ sâu thẳm hơn
Ta đã sẵn sàng lên đường, nỗi hăng say của ta trương hết buồm đón gió
Ta chỉ thở một hơi nữa trong bầu không khí lắng đọng này, chỉ gởi lại mé sau một thoáng nhìn thân ái nữa thôi
Rồi ta sẽ đứng giữa các ngươi, một thuỷ thủ giữa những thuỷ thủ
Và ngươi nữa, hỡi đại dương bao la, người mẹ chẳng hề yên ngủ
Chỉ mình người là an bình, tự do cho sông suối
Dòng suối này chỉ uốn một khúc nữa thôi, chỉ thì thào một lần cuối trong khoảng vắng này
Và rồi ta sẽ đến với ngươi, một giọt nước vô biên hoà trong một đại dương vô biên…

Hai người say sưa nói chuyện thơ văn, càng lúc càng nhận ra họ cùng có sở thích đọc truyện dịch.

Hạnh Nhiên tâm sự nàng lớn lên ở Long Xuyên, vì có bệnh mãn tính từ nhỏ nên thời gian Trung học nàng không tham gia các sinh hoạt thể dục nhiều mà chỉ ham đọc sách truyện. Mỗi lần lên Sài Gòn thăm gia đình anh Hai nàng lại mang về nhiều sách mới hoặc nhắn anh Hai mua đem xuống. Thi Tú tài xong, đúng lúc Viện Đại học Hòa Hảo vừa mở, Hạnh Nhiên định ghi danh học cho gần Má với Ngoại nhưng anh Hai quyết định đưa em gái lên học Văn Khoa Sài Gòn để tiện chăm sóc sức khỏe cho nàng.

- Vừa xong Dự Bị, mới vào nghỉ hè thì em trở bệnh nặng, anh Hai là bác sĩ Quân Y quen biết nhiều nên đã chạy chữa cho em dứt hẳn di căn.

Hạnh Nhiên khoanh tay trước ngực cố gắng trấn tĩnh trái tim đang hồi xúc động. Nàng thở đều cố giữ nét mặt bình thản để ngăn giọt nước mắt chực rơi. Mấy hôm nay nàng đã nhủ lòng sẽ không nói gì với Nhân về chị Tần Phương, thế mà vừa đây nàng suýt hé ra phần đời nàng còn muốn giữ kín với hy vọng thời gian sẽ giúp nàng thấu biết tình cảm mình.

- Trên này xang gió em có lạnh không? Vừa hay em bệnh nhiều năm, nay đã khỏi hẳn anh rất mừng cho em. Rồi anh đùa… Giờ hết bệnh rồi em nên tập vừa chạy bộ vừa đọc sách cho khỏe người.
- Tập thể dục kiểu này người ta tưởng điên thì phiền lắm… Mà nè, ông biết về tui hết trơn rồi đó, giờ tới phiên ông con cái nhà ai, ở đâu, bệnh hoạn gì không khai thiệt ra hết đi ha.

Anh đứng lấy dáng ca sĩ chuyên nghiệp, nhìn Hạnh Nhiên cười điệu rồi cất tiếng hát. Ngày nào dừng chân phiêu lãng. Khách tới đây khi hoa đào vương lối đi. Màu hoa in dáng trời. Tình hoa lưu luyến người. Bồi hồi lòng lữ khách thấy chơi vơi…

- Em đoán ra gia đình anh ở đâu chưa?

Hạnh Nhiên suy nghĩ, lưỡng lự hồi lâu rồi lắc đầu.

- Vậy anh đành phải làm ca sĩ bất đắc dĩ một lần nữa thôi.

Ai lên xứ hoa đào đừng quên bước lần theo đường hoa. Hoa bay đến bên người ngại ngần rồi hoa theo chân ai. Đường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa. Lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương. Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên…

Hạnh Nhiên cười rạng rỡ, vỗ tay reo.

- Biết rồi! Em biết rồi! Quê anh ở Đà Lạt. Anh hát hay quá sá nha, cho xin chữ ký đi.
- Chờ tới bữa nào có địa chỉ nhà em, anh sẽ đến tận nơi cho chữ ký. Giờ bận khai lý lịch rồi.

Ba Me anh gốc người Huế.  Gia đình sống ở Đà Nẵng từ những năm anh còn bé cho đến hết năm Đệ Thất thì cả nhà dọn lên Đà Lạt. Ông anh lớn du học bên Tây đã hơn mười năm, hiện đang dạy tại Institut Polytechnique de Paris (Học viện Bách khoa Paris). Chị kế học Sư phạm Viện Đại học Đà Lạt, ra trường đi dạy đã hơn hai năm. Chị sắp có người chịu ở rể nên Ba Me anh rất mừng, nhưng mừng hơn vẫn là thằng con út lêu lổng, nhờ vậy mà hắn tha hồ lang bạc đầu sông cuối biển với niềm vui hạnh phúc tưởng trong tầm tay. Rồi cánh cửa số phận lạnh lùng mở ra... Ngày ra đi lần cuối, tôi mơ dáng em cười. Dù tình yêu sỏi đá như mây trắng biển xa. Vì đời tôi là hải âu buồn đậu trên boong tàu chiều chiều (Nỗi buồn hải âu)…

Hạnh Nhiên nhìn anh muốn nói điều gì khác nhưng nàng kịp giữ bình thản với nụ cười tươi.

- Lý lịch của anh coi như sạch sẽ đó. Chỉ có điều là anh lênh đênh bốn biển như vậy đã ghé được mấy bến rồi?

Anh lắc đầu cười lớn, vẫn là câu nói lửng lơ dễ ghét.

- Chờ đến lúc nhận được địa chỉ em cho, anh sẽ có câu trả lời.

Hạnh Nhiên đứng xuống sàn, mắt lườm Nhân.

- Xí! Đành thôi, tui có thể nào nằm vạ ở đây được chứ. Nàng nhìn quanh… Em rất thích quang cảnh Sài Gòn nhìn từ nơi này. Ban đêm có lẽ còn tuyệt vời hơn nhiều. Nhưng em phải về rồi.

Nhân đưa Hạnh Nhiên xuống boong chính để rời tàu, miệng vẫn đon đả cố gắng “dụ dỗ” cô nàng.

- Tối nay là cơ hội cuối cùng của suốt chuyến nghỉ bến để chiêm ngưỡng “Saigon by night” đó. Ngày mai chiến hạm phải dời vào bến cảng phía trong Thị Nghè cho tới ngày rời Sài Gòn đi công tác.

Cô gái thoáng buồn nhìn anh lắc đầu nhưng mắt ngời vui khi nghe anh hỏi có thể nào đến Văn khoa chờ nàng tan học. Giọng anh tiếc rẻ.

- Phải chi quán Văn vẫn còn để được vào tận trong khuôn viên trường nhâm nhi cà phê đá ngồi chờ thì hay biết mấy. Một công năm bảy chuyện…

Nhân né ánh mắt “khủng bố” của Hạnh Nhiên, giải thích.

- Thì ngồi chờ nè, uống cà phê nè, gân cổ hát nè… Hỡi người tình Văn Khoa, bóng người trên hè phố, lá đổ để đưa đường… và ngắm ba bốn cô sinh viên xanh đỏ tím vàng đi qua đi lại nè… bảy chuyện một lúc.  Anh hắng giọng, đứng đắn trở lại… Đùa thôi mà, anh sẽ chờ phía trường Dược, khi nào thấy yểu điệu thục nữ bước ra khỏi cổng Văn Khoa anh sẽ ba chân bốn cẳng chạy tới đón.
- Tui dắt chiếc PC ra cổng thì yểu điệu cái nỗi gì… Nhưng em vẫn thích ăn chocolate ice cream dưới chiến hạm hơn… Nàng dẩu môi cười.
- Vậy anh sẽ chỉ đường cho em, nhưng gọn nhất là nhờ chú tài xế của anh Hai cho em đến trại Cửu Long Hải Quân, tới gần đó thấy chiến hạm lớn nhỏ đậu lố nhố là đúng chỗ. Hay là nếu em đồng ý, mình sẽ hẹn ở café Lú ngang chợ Thị Nghè, tha hồ nghe nhạc Từ Công Phụng. Rồi mình sẽ cùng đi tới chiến hạm.

Hai người chăm chú nhìn tấm hình-lấy-liền anh vừa chụp Hạnh Nhiên đứng trên bãi cỏ với toàn cảnh chiến hạm phía sau. Từ trong nhàn nhạt cơ hồ mà bao la của màu sắc hình ảnh nàng dần kết tụ lại, mong manh hiện ra như từ trong mộng mị thinh không. Đôi mắt nâu to quyến luyến trên khuôn mặt thanh gầy, tóc ngắn cổ cao, dáng vóc mảnh mai hòa quyện với tà áo dài lụa trắng gió vờn bay. Gió sẽ mừng vì tóc em bay cho mây hờn ngủ quên trên vai. Vai em gầy guộc nhỏ như cánh vạc về chốn xa xôi…(TCS)

Nhân tiễn Hạnh Nhiên về qua ngã đường Cường Để, họ đi dưới vòm bóng mát của hàng cổ thụ xum xuê lá. Anh im lặng bước bên cô gái trong cảm giác thân thuộc thật lạ lùng. Quãng đường này anh đã biết bao lần sánh bước cùng Tần Phương, nàng đã miên viễn cách xa mà vẫn luôn gần gũi trong lòng anh. Mấy ngày qua Nhân vẫn còn choáng váng với cảm giác trái tim Tần Phương đang đập nhịp thương đời trong lồng ngực của một cô gái nào đó trong thành phố này. Anh khẽ chạm vào cánh tay mềm áo lụa của Hạnh Nhiên, sực tỉnh khỏi cơn suy tưởng anh khẽ ho để ngăn tiếng thở dài.

- Anh chưa hỏi em sẽ chọn tấm hình nào?
- Cả hai tấm đều đẹp, anh là phó nhòm mà lị. Anh tin tưởng em sẽ tặng tấm hình em thích nhất. Anh đang phân vân chưa biết đặt tên cho nó là “Như cánh vạc bay” hay “Công chúa thành Rome” đây?
- Công chúa thành Rome, hay đó! Nhưng sao là tên này?

Hạnh Nhiên gật đầu khi Nhân hỏi nàng có biết nữ tài tử điện ảnh mảnh mai, tóc ngắn, cổ cao, đẹp tuyệt trần Audrey Hepburn.

- Trong phim Roman Holiday, Audrey là công chúa Ann trong lúc bận bịu công du Châu Âu đã lén đi du lịch Rome vài ngày. Tại thành phố quyến rũ này anh chàng ký giả Mỹ Joe Bradley chuyên săn tin giật gân tình cờ gặp gỡ công chúa Ann. Hai người đã có những khoảnh khắc vui nhộn, trào phúng bên nhau và nhanh chóng sa vào lưới tình trong khung cảnh lãng mạng trữ tình của Rome… Tấm hình của em có tên Công chúa thành Rome là vậy.
- Xí! Lại so sánh khập khiễng nữa rồi. Em chưa xem phim này, nhưng mấy năm trước chị Hai có dẫn đi xem Yểu Điệu Thục Nữ (My Fair Lady). Đúng là Audrey Hepburn có dung nhan đẹp hoàn hảo tuyệt trần. Để em mang cả hai tấm hình về khoe với chị Hai và hỏi ý kiến của “Bà Tùm Lum” này “gỡ rối tơ lòng” xem sao.
- Anh tin chắc chị Hai sẽ đồng ý với anh cả hai tay… Nhưng phim của Audrey anh chấm số một vẫn là Breakfast at Tiffani’s. Tuyệt vời nhất là hình ảnh Audrey, trong vai Holly, ngồi đàn guitar trên lan-can bên ngoài một căn gác cao ở New York hát Moon River…

Moon River, Sông Trăng, nghe mà tưởng như mộng mị từ đàng sau một quá khứ. Moon river, wider than a mile. I'm crossing you in style some day. Oh, dream maker, you heart breaker. Wherever you're goin', I'm goin' your way. (Moon River, Henry Mancini &Tomny Mercer)

Hình ảnh mong manh của Audrey Hepburn ôm đàn hát một mình khiến anh mơ màng muốn tìm tới một dòng sông nào đó, chơi vơi bàng bạc ánh trăng. Sông Trăng rộng quá dặm dài. Ta riêng lối mộng có ngày thăm nhau. Mộng nương làm nát tim sầu. Sông dù trăm lối, ta cùng nông sâu.

Con người hạnh phúc nhất là con người tuyệt vọng. Tuyệt vọng, hi vọng như hai quả cân đi lên đi xuống trong hố thẳm của sinh mệnh. Tay gầy ôm chặt tình yêu. Anh về phố gục những chiều hư vô. Đời đi trên những nấm mồ. Đau tim em hát cơ hồ khăn tang. Phố chiều thả bước lang thang. Như con sông nhỏ mơ màng biển xanh. (Phạm Công Thiện)

Hai người chia tay ở góc ngã tư cuối đường Cường Để. Ánh mắt họ tìm nhau lúc Nhân nhìn theo chiếc taxi rời chạy về phía đường Thống Nhất. Anh vội vã quay về chiến hạm vì đang phiên trực. Trên suốt cuốc xe về nhà Hạnh Nhiên nâng niu nhìn mãi hai tấm hình. Nàng nhớ tới đàn cò trắng thỉnh thoảng bay về đậu trong vườn cây ăn trái của Ngoại và câu nói nghe mà thương của bà. Hạnh Nhiên khép mắt mơ màng, trong lúc này nàng chỉ nghĩ tới cái “cần cổ trắng tươi” cao như cổ cò và mái tóc ngắn của “con Út”. Lúc này nàng đã quên không nghĩ tới trái tim vẫn êm đềm nhịp đập trong lồng ngực của mình.

Suốt thời gian nghỉ bến, sinh hoạt thường ngày của chiến hạm đều đặn trôi qua. Ngoại trừ toán đang ca trực, ai cũng nôn nóng vừa tan giờ hành chánh đã sẵn sàng rời tàu, kẻ về nhà người lang thang phố xá. Hôm nay băng nhậu do Đại úy Sĩ quan Đệ tam dẫn đầu “hô biến” sớm nhất, còn lại ba thằng dân cà phê đang lên chương trình với chiếc Lambretta của Quang. Nhân nhìn hai bạn.

- Chiều nay tao có việc, thả tao xuống nhà Tần Phương rồi hai thằng mày biến.
- Hôm qua mày lên đồ lặn sớm, tao tưởng mày đã qua bển rồi.  Phúc ngạc nhiên… Làm tao suốt ngày thắc mắc sao mày không báo cáo gì với hai niên trưởng cả. 

Quang rồ máy chiếc Lambretta, cười lớn.

- Thằng này nó có mối mới rồi. Chiều hôm qua nó ra Văn Khoa đón người đẹp hoa huệ trắng mà. Mày ăn mãng cầu nhiều nhất mà không nhớ gì sao?

Nhân nghĩ đến tấm hình Hạnh Nhiên trao cho anh chiều qua và tấm hình cũ Tần Phương chụp với anh ngày lễ gắn lon Mẹ nàng sẽ trao cho anh tối nay.  Nhân đẩy Phúc lên xe rồi ngồi sau bạn.

- Xong ngay! Tối nay đàn em sẽ báo cáo đầy đủ với hai niên trưởng. Hi vọng còn có cả cái ăn có đóng dấu nữ công gia chánh đàng hoàng.

Nhân thích thú nhớ lại chiều qua lúc nhìn Hạnh Nhiên e thẹn lúng túng khi thấy anh đứng chờ ngay trước cổng Văn Khoa vào đúng giờ tan trường, sinh viên nam nữ đông đúc nói cười. Nhân giúp nàng dắt chiếc PC rời đám đông qua bên kia đường.

- May quá, anh cứ sợ trường còn đóng cửa ăn Tết.
- Trường mở cửa nhưng sinh viên có lẽ thức khuya bầu cua cá cọp, ăn bánh tét bánh chưng nhiều nên mắt miệng vẫn còn khép chưa mở được. Hạnh Nhiên dí dỏm trả lời.
- Em có thời gian mình ra nhà sách Khai Trí không?

Hạnh Nhiên nhẹ gật đầu, nhu mì ngồi lên xe, tay víu hờ lưng áo anh. Sài Gòn sau Tết đã trở lại sinh hoạt bình thường, người xe nhộn nhịp.

Đã khá lâu anh không có dịp vào Khai Trí. Mấy tháng đi tuần biển Vùng I, mỗi lần tàu nghỉ bến một đôi ngày ở Đà Nẵng anh bắt đầu có thói quen ghé tiệm sách Sông Đà, tuy không lớn lắm nhưng sách chọn lọc và có khá nhiều sách Anh ngữ.

Hạnh Nhiên như trở thành cô gái khác lúc nàng phấn khởi kéo tay anh đi qua những kệ đầy sách truyện khiến anh vui vẻ nối bước. Họ dừng lại trước khu sách ngoại ngữ và sách dịch.

- Em đã có dịp đọc những sách nguyên tác do Phùng Khánh chuyển ngữ chưa? Như “Bắt trẻ đồng xanh”, The Catcher in the Rye của J.D. Salinger hay “Câu chuyện dòng sông”, Siddhartha của Herman Hesse.
- Em có đọc vài chương trong The Catcher in the Rye ở thư viện của trường nhưng thấy chữ nghĩa “chợ búa” nên không dám đọc tiếp. Anh chàng Holden đó ăn nói thô tục quá.
- Cô nương là thục nữ vào rừng chỉ thấy lá không thấy rừng nên nghĩ vậy. Quan trọng là tư duy, nhân sinh quan nằm sâu trong nhận thức của con người trong xã hội. Như anh chàng tuổi trẻ Holden căm ghét sự giả dối của người đời, muốn nổi loạn nên khoác lớp vỏ bọc bên ngoài là con nhím tủa gai nhọn nhưng tấm lòng vẫn trong sáng và đầy tình cảm.

Nhân chọn quyển “Bắt trẻ đồng xanh” và “Câu chuyện dòng sông” do Phùng Khánh dịch từ trên kệ xuống. Anh ra quầy trả tiền rồi đưa Hạnh Nhiên đến quán cà phê Mai Hương gần đó. Họ chọn bàn sát vách trong của quán, anh kéo ghế mời nàng ngồi.

- Quán này khách toàn là thanh niên, hay đúng hơn là lính ngồi, em có ngại không?
- Em đang đi với lính, lại là lính có chocolate ice cream nữa, dại gì mà ngại… Nàng khúc khích cười.

Hạnh Nhiên lắc đầu khi Nhân thấp giọng hỏi có biết vì sao hầu hết khách đều nhìn ra một hướng giống như ngồi trong rạp hát? Nàng nhìn quanh xác nhận rồi mở to mắt chờ câu trả lời.

- Vì họ đang làm một công gần mấy trăm chuyện đó. Người đẹp Sài gòn đi phố đều yểu điệu qua đây. Chiều cuối tuần có lẽ lên tới một công ngàn chuyện.

Hạnh Nhiên đập vào tay anh, mắt nguýt dài có đuôi.

- Hết biết mấy ông này!

Nhân lấy hai tập sách ra hí hoáy viết hàng chữ đề tặng và cả địa chỉ quân bưu KBC của Hộ Tống Hạm Hà Hồi rồi trao tặng nàng.

- Anh tặng em! Để tiếp tục “Câu chuyện dòng sông”… và để tiếp tục “thương lượng” câu chuyện khác.
- Âm mưu gì đây? Tính bắt tui làm quản thủ thư viện cho tủ sách của anh sao?
- Đừng nói là quên rồi nha… Là để mua lại tấm hình hôm ở chiến hạm đó.

Hạnh Nhiên thẹn thùng lấy từ giữa tập vở tấm hình nàng đứng trên bãi cỏ với toàn cảnh chiến hạm HQ13 phía sau.

- Em để trong tập vở, chờ anh mấy ngày rồi. Chị Hai em rất thích tấm hình này. Biết anh cũng thích nên bán cho anh đó. Em sẽ nghiền ngẫm “Câu chuyện dòng sông” và sẽ cẩn thận đếm tới đếm lui tiền lời của mình.

Nhân nhìn hàng chữ nhỏ viết sau tấm hình “Mến tặng anh – Công chúa thành Rome” mắt cười nhìn nàng cảm ơn.

- Cẩn thận đếm tiền lời anh không có ý kiến, nhưng nghiền ngẫm lời của dòng sông thì anh hoan nghênh hết lòng.

Hạnh Nhiên chăm chú lắng nghe Nhân hào hứng nói về cảm nhận của mình khi đọc “Câu chuyện dòng sông”.

Người Sa Môn trẻ trắng tay trắng cả niềm tin, trong lúc bối rối tuyệt vọng anh đã ra đi tìm sự giác ngộ. Anh tới một dòng sông bỗng nghe vẳng lại từ dòng nước êm đềm tiếng kinh nguyện linh thiêng vang lên đã làm anh tỉnh thức. Anh gặp người lái đò, họ sống êm đềm bên dòng sông làm nghề chèo đò đưa khách. Lời của dòng sông đã dạy cho anh sự lắng nghe với tâm tĩnh lặng rộng mở, không đam mê hay mong cầu, chẳng phán xét hay thành kiến. Dòng sông nói với anh hãy sống cho hôm nay, chẳng cho cái bóng của ngày đã qua.

Hermann Hesse qua lời văn trong sáng đượm triết lý Đông Phương đã nói lên nỗi đau thương của kiếp nhân sinh đồng thời cũng cho thấy lòng thiết tha thương đời và nỗ lực phi thường để vươn lên khỏi thân phận tăm tối của mình. Như ông đã viết trong một bài thơ… "Dù đớn đau quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này”.
 
Nhân rời nhà gia đình Tần Phương lúc trời đã tối hẳn. Bà mẹ và Út bịn rịn tiễn anh ra tận cổng. Bà ân cần dặn dò anh thường xuyên đến thăm gia đình hay bất cứ ngày nào thèm ăn cơm nhà. Anh xúc động cảm ơn, hứa sẽ đến thăm gia đình trong vài tuần tới trước ngày chiến hạm rời Sài Gòn đi công tác dài ngày. Bà cười, nhắc nhở.

- Nhớ khi nào có bạn gái chịu thật lòng với nhau thì đưa cô ấy đến thăm chúng tôi.

Anh e dè nói ra ý nghĩ bắt đầu nung nấu trong đầu từ mấy hôm nay.

- Cháu có ý định muốn tìm tung tích cô gái ghép tim. Kết quả ra sao thì tùy theo cơ trời. Nhưng cháu tin tưởng Tần Phương sẽ giúp cháu được toại nguyện.

Bà thở dài chép miệng, mở rộng cổng nhà.

- Ừ thì…Tất cả cũng chỉ là định mệnh mà thôi.

Em gái Tần Phương trao cho anh một xách tay khá nặng.

- Út đã xếp hình ảnh và kỷ vật của chị Hai cẩn thận. Phần thơm tho và nặng ký là thức ăn mẹ làm, mẹ kho thế này để lâu được đó. Có cái bánh mẹ dạy em làm, anh ăn thử, không được chê đó nha.
- Anh cảm ơn Út nhiều. Không sao, phòng ăn Sĩ quan trên tàu có tủ lạnh khá lớn. Phải rồi! Chiến hạm còn có trang bị máy làm kem, đặc biệt là chocolate ice cream. Lần tới đến thăm anh sẽ mang theo chừng hai ký Út tha hồ nếm. Chườm nước đá, để trong thùng giữ lạnh, đi xe chừng hai mươi phút là tới nhà chắc không sao.
- Nhất anh rồi! Em bắt đầu đếm từng ngày, anh tha hồ mà nhảy mũi…Út reo lên.

Nhân bước ra lề đường, đứng chờ cánh cổng khép hẳn rồi ngoắc xe ôm về tàu.  Quang và Phúc vẫn còn đâu đó ngoài Sài Gòn. Anh soạn thức ăn bày hết trên bàn, một gói lớn tôm kho, hai gói lớn thịt kho rim và thịt kho ruốc sả. Tất cả còn ấm và thơm phức muốn chảy nước miếng. Chiếc bánh kem ba lớp của Út làm rất khéo tay, trang trí bắt mắt. Anh cảm động nhìn hàng chữ “Tặng anh Hai” nổi bật trên nền kem trắng và họa tiết chim hoa thật hài hòa. Nhân mang hình ảnh và kỷ vật của Tần Hương vào phòng.  Anh ngồi trước bàn nhìn thật lâu hộp kỷ vật của Tần Phương. Chiếc áo dài màu thiên thanh xếp ngay ngắn trong một hộp làm bằng gỗ thông khắc trổ công phu, món quà Đà Lạt anh tặng nàng mấy năm trước. Tấm hình hai đứa chụp ở Câu Lạc Bộ Nổi ngày gắn lon và tấm hình chân dung của nàng được lộng trong khung hình đôi nhỏ nhắn có bản lề. Anh mở ra nâng niu nhìn một lúc lâu rồi đặt lên bàn. Bà mẹ còn gởi cho anh một quyển album khổ nhỏ để hình ảnh của Tần Phương từ lúc bé đến tấm hình sau cùng chỉ vài tháng trước khi nàng qua đời. Có lẽ bà mẹ đã khóc nhiều trong lúc sắp xếp quyển album này. Anh xúc động nghĩ đến bà, cảm thấy mắt mình cay. Anh thầm nguyện hương linh Tần Phương sắp đặt cho anh tìm ra cô gái đã được nàng hiến tặng trái tim.

Có tiếng ồn ào của Quang và Phúc bước vào phòng ăn.

- Thằng này hành quân thắng lớn nha. Chiến lợi phẩm cỡ này ra biển cá khoái lắm đây.
- Có cái bánh kem tổ chảng nữa kìa! Nữ công gia chánh ra phết đấy… Quang la lớn.

Nhân cầm cái khung hình đôi và bao thư có tấm hình của Hạnh Nhiên bước ra phòng ăn.

- Hai thằng mày ở Duyên Anh về sao?
- Thằng Phúc được Ông Trời ngó lại rồi! Sướng hơn chơi. Tối này ngủ được tao cùi. Cô hàng cà phê áo tay trần ra tận bàn hỏi thăm sức khỏe quan anh. Quan tớ ngồi ngay bên cạnh mà chẳng được miếng nhìn nào. Tủi thân quá.
- Vậy thì cắt bánh kem ra. Một thằng ăn mừng, thằng kia ăn cho đỡ tủi.

Quang vào nhà bếp tìm dao cắt bánh và mấy cái đĩa. Có tiếng lục đục rồi tiếng hắn vọng ra bảo đem mấy gói thịt kho vào bếp cho hắn sắp vào tủ đông.

Ba người bạn ngồi quanh cái bánh kem. Chị Quang chăm chú nhìn rồi hỏi Nhân.

- Bánh làm đẹp đấy! Bà mẹ Tần Phương làm hay cô em gái?

Đầu óc Nhân làm việc thật nhanh, lần này phải cài độ quan anh mới được.

- Nhỏ Út làm đó. Cô bé nói nghe anh Quang làm chocolate ice cream ngon lắm nên bánh kem này gởi anh ăn thử, nếu thích cô bé sẽ làm thêm để đổi một thùng ice cream. Tao thấy nguyên liệu làm ice cream của mình còn nhiều nên đã anh dũng trả lời “chuyện nhỏ”. Giờ mầy tính sao thì tính đi. Hay là gọi tao bằng anh, tao tính cho. Người đẹp Gia Long đó.
- OK, Xong ngay! Nhưng mày đừng hòng giở trò xạo, chữ “Tặng anh Hai” chà bá trên cái bánh kìa.

Nhân mở khung hình dựng lên mặt bàn rồi đặt bao thư có tấm ảnh Hạnh Nhiên bên cạnh. Ba người lặng nhìn di ảnh Tần Phương, không hẹn Quang và Phúc cùng vỗ nhẹ lên hai bên vai Nhân cảm thông nỗi đau của bạn. Phút im lặng trôi qua, Phúc chậm rãi khép lại khung hình rồi trịnh trọng đặt nó xuống bàn, mấy ngón tay anh bất động ở đó vài giây rồi níu cái bao thư kéo sát về phía mình. Quang chồm người mắt chăm chú nhìn mấy ngón tay Phúc từ từ mở hé nắp bao thư rồi khum khum bàn tay che lại như sợ có người nhìn thấy.

Quang sốt ruột la lớn.

- Ê, cái thằng này! Lẹ lên! Mày binh xập xám hay nặn bài cào đó hả?  

Phúc mở rộng nắp bao thư, lấy ra tấm hình đưa cao trước mắt Quang.

- Chu choa! Người đẹp huệ trắng đây sao!? Phải nói là đẹp cáo cạnh nha!

Phúc ư ử hát…Gió sẽ mừng vì tóc em bay. Cho mây hờn ngủ quên trên vai. Vai em gầy guộc nhỏ. Như cánh vạc về chốn xa xôi… rồi anh chàng chợt nín thinh, nhìn chăm chăm tấm hình.

- Nhìn quen quen, hình như đã thấy đâu đây… Giống ai vậy ta?
- Bật mí chút xíu nè. Nhìn hàng chữ đề tặng phía sau tấm ảnh đi.

Nhân cười nói. Phúc Nhân cùng nhìn, buột miệng đọc “Công chúa thành Rome”!...Nhưng rồi vẫn lắc đầu sau một lúc suy nghĩ.

- Bật mí lần cuối nè…Phim “Roman Holiday”.

Phúc đứng bật dậy, la lớn.

- My Fair Lady! Nhớ rồi! Audrey Hepburn! Đúng rồi, Bạch Huệ giai nhân này hao hao Audrey Hepburn, mắt to, tóc ngắn, cổ cao, dáng mảnh mai.

Nhân cắt bánh vào đĩa hai người bạn.

- Cô nàng tên Hạnh Nhiên, dân Văn Khoa ban Anh văn, tiểu thư kín cổng “leo” tường. Như đã thấy, không thuộc hạng “em là gái trời bắt xấu”, không biết có thích đi trong mưa và yêu nhạc Trịnh hay không?  Nhưng đọc rất nhiều, cả sách nguyên tác Anh ngữ. Và đặc biệt rất thích chocolate ice cream HQ13. Quang bạn ta, coi mà lo thêm mối này nha.
- OK, Xong ngay!  Mượn hoa cúng Phật thì dễ thôi. Lại còn giúp được bạn ta lấy điểm.

Phúc trầm ngâm nhìn bạn.

- Mày coi mà “wrap up” cô nương này đi. Tao thấy là số một rồi đó. Đắn đo nhiều có khi mất cả chì lẫn chài thì buồn. Còn Tần Phương, tao tin cô ấy đang rất an vui ở nơi trang trọng nhất trong căn nhà hoài niệm của mầy.

Nhân thở dài.

- Hạnh Nhiên là cô gái tuyệt vời, mong cầu còn chưa được. Nhưng tụi mày biết rồi đó, tao có ý định tìm kiếm mong biết ai là cô gái đã được Tần Phương hiến tặng trái tim.
- Rồi sao!? Mày suy tư cuộc chiến nhiều quá… Quang xì nẹc… Rồi mày sẽ làm gì nếu tìm ra cô gái đó ở Cầu Hàn, Ngã Ba Chuồng Chó, Hạnh Thông Tây… hay là một “chị Doãn có nhan sắc của người đàn ông không đẹp trai”? Có phải lúc đó mày lại chuốc thêm nỗi buồn tội nghiệp cho trái tim hiến tặng của Tần Phương?
- Nói thật lòng, nếu tìm ra tao cũng không chắc tình cảm của mình lúc đó sẽ thế nào, nhưng ngay vào lúc này tao cảm thấy thiếu công bằng cho Hạnh Nhiên, hẹn hò bên nàng mà vẫn suy nghĩ về một cô gái nào đó mang trái tim của người yêu.

Ba người bạn ăn bánh uống trà, chuyện trò chọc phá nhau đến khuya mới đi ngủ.

Buổi sáng thức dậy, Nhân cảm thấy lòng thật thảnh thơi. Không suy nghĩ nhiều. Ý định tìm kiếm cô gái ghép tim đã bớt đè nặng lên tâm trí. Anh vẫn sẽ đi tìm nhưng với lòng an nhiên rộng mở và tin tưởng, hi vọng điều tốt đẹp sẽ đến với mình.

Anh vui với hôm nay và mỗi ngày sắp tới. Tình cảm anh dành cho Hạnh Nhiên ngày càng sâu đậm và nàng đối với anh cũng thế qua cử chỉ, ánh mắt nhìn trìu mến những chiều anh ghé đón nàng lúc tan trường.

Sự náo nức của Nhân về buổi hẹn Hạnh Nhiên đến thăm anh lần nữa ở chiến hạm đã lây truyền tới hai bạn thân Phúc Quang. Phúc trực ngày cuối tuần nên Nhân chọn mời nàng vào ngày hôm đó. Quang tò mò muốn xem mắt người đẹp Bội Lan nên tình nguyện ở lại tàu bận rộn làm ice cream từ sáng sớm và để cho Nhân chạy chiếc Lambretta ra ung dung ở cà phê Lú chờ đón bạn gái. Hạnh Nhiên với túi xách trái cây bước xuống xe Jeep vừa đậu lại ngay ngã ba vào chợ Thị Nghè, lòng nàng hồi hộp như sắp bắt đầu một cuộc phiêu lưu. Chú tài xế gật đầu chào người sĩ quan Hải Quân lúc anh tươi cười băng qua đường đỡ xách trái cây từ tay cô Út. Chú an tâm rồ máy xe chạy vòng lại phía cầu Thị Nghè, lòng thầm nghĩ hai người xứng đôi dữ hèn gì coi bộ cô Út chịu đèn lắm rồi.

Nhân gọi cho Hạnh Nhiên ly nước cam tươi lúc nàng e dè nhìn quanh quán chỉ lác đác vài người khách nam. Sân khấu nhỏ cuối quán với dàn nhạc chỏng chơ im lìm chờ ánh đèn màu khi đêm tới.

- Anh chờ Nhiên lâu không?

Nhân lắc đầu.

- Anh mới ra tới chỉ vài phút. Em ngồi nghỉ mệt, lát nữa anh chở em vào bằng chiếc Lambretta của Quang. Hôm nay cả Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ đều có mặt ở chiến hạm để đón Công chúa thành Rome, nên em khỏi sợ bị D’Artagnan bắt nạt.
- Phải không đó!? Hay cả ba người thông đồng ăn hiếp tui thì có… Nàng thấp giọng hỏi…Cà phê Lú? Lú là sao, có nghĩa gì anh?

Nhân nhìn nhanh về phía quầy thu ngân.

- Em thử hỏi ca sĩ Từ Dung đang ngồi kia thì biết ngay.
- Xí! Không thèm. Em chỉ hỏi anh thôi. Hạnh Nhiên cự nự… Biết ngay mà!

Anh uống ngụm cà phê, hắng giọng.

- Được rồi, cô nương uống nước cam cho mát rồi tui kể chuyện cổ tích Cháo Lú cho nghe. Mà có sợ ma không đó.

Hạnh Nhiên ngồi nhích gần anh, mạnh dạn trả lời.

- Tui không hề sợ ma nha!

Lú hay là Cháo Lú có từ một tương truyền xưa thật là xưa… Nại Hà là cây cầu ở tầng Địa ngục thứ 10 bắc qua sông Vong Xuyên. Linh hồn người chết trước khi qua cầu Nại Hà chịu uống bát canh Mạnh Bà hay còn gọi là Cháo Lú thì quên đi mọi chuyện từ kiếp trước và được chuyển đến Phong Đô để sớm được đầu thai kiếp khác. Linh hồn không chọn uống gì sẽ không được đầu thai ngay mà phải chịu đựng vô số đau đớn dày vò cả ngàn năm dưới dòng Vong Xuyên.

Anh bật cười nhìn sâu vào đôi mắt nâu mở to chăm chú lắng nghe câu chuyện cổ tích Nại Hà Kiều và tô cháo lú.

- Em vừa uống xong ly nước cam ở quán Lú nên hiện giờ em đã quên mọi chuyện kiếp trước, chỉ nhớ có mỗi mình anh với em trọn kiếp này.
- Anh thiệt là xạo hết biết! Nhớ quên gì mà khôn quá trời.

Nhân đặt xách trái cây trên sàn xe giữa hai chân, chờ cho Hạnh Nhiên ngồi yên vị anh rồ máy chạy qua chợ Thị Nghè.

- Không hề xạo đâu Út à. Em sẽ thấy chuyện cổ tích cầu Nại Hà so với đường vào chiến hạm tương tự tới mức nào.

Qua khỏi chợ, xe luồn lách theo con phố nhỏ mà khá nhộn nhịp khiến Hạnh Nhiên phải ngồi chồm sát lưng anh, nhất là lúc xe chạy lên chiếc cầu sắt lót ván bắc qua con sông nhỏ, tiếng rập rình rung chuyển theo từng vòng bánh xe qua. Nhân tiếp tục chạy vài phút nữa thì đến một trại Hải Quân, dưới cầu tàu chiến hạm đậu lố nhố, tua tủa radar cao thấp nhấp nhô. Chiến hạm HQ13 cập ngay vị trí đầu tiên.

Anh dừng xe ở bãi đất khá rộng có nhiều xe gắn máy dựng ngổn ngang.

- Em thấy rồi đó! Anh chẳng hề xạo chút nào, đúng không!?

Hạnh Nhiên ngượng ngùng nhớ lại lúc xe qua cầu nàng phải ngồi thật sát, tay ôm víu lên vai anh. Nàng hé mắt nhìn anh.

- Đúng là anh không hề xạo chút nào, chỉ là mưu mô gian xảo quá trời thôi.
- Thiệt tình nha!…Chuyện cầu Nại Hà thời hiện đại được diễn Nôm y chang. Hai đứa mình uống nước quán Lú, theo đường Dương Công Trừng qua Cầu Dầu bắc ngang sông Văn Thánh để tới đây. HQ13 là đất Phong Đô, hai đứa sẽ được cùng đầu thai một chỗ tiếp tục trọn kiếp mới bên nhau. Nhất là ở đây còn có chocolate ice cream ăn mệt nghỉ.
- Xí! Anh ráng chừa một chút khôn cho người ta với chứ, dành hết sao?

Phúc Quang tươi cười đón hai người ở boong chính, họ giới thiệu nhau rồi cùng đi vào phòng ăn Sĩ quan. Nhân đặt túi xoài lớn lên bàn.  Hạnh Nhiên cười lúng liếng.

- Em phải khai thiệt. Xoài Cao Lãnh này gia đình chị dâu mang lên tặng, em xin mấy trái xách đi, đúng ra là xe jeep anh Hai chở tới rồi anh Nhân vác vào, em chỉ đi theo làm cảnh.
- Cảnh tuyệt vời thế này thì hân hạnh quá... Quang nhìn trái xoài trên tay, cười nói… Hiếm khi thấy xoài lớn thế này. Có chén nước mắm ớt chanh đường thì chỉ thua cò.

Phúc cười nhìn Nhân và Hạnh Nhiên hắng giọng ra vẻ gia trưởng.

  • Hai đứa sắp nhỏ tụi bay mau vô bếp làm chén nước mắm ớt chanh đường đem ra đây. Lấy thùng chololate ice cream múc bốn ly đem ra luôn. Còn nước lọc với trà Đà Lạt nữa, dọn ra.

Với chocolate ice cream và xoài chấm nước mắm Mỹ Việt đề huề trên bàn, bốn người bạn vui vẻ trò chuyện quên cả thời gian.

Nhân liếc nhìn đồng hồ, anh vào phòng lấy tập truyện “Cõi người ta” do Bùi Giáng dịch. Hạnh Nhiên nhìn anh bước ra, gật đầu mỉm cười ý nhị.

- Nếu em cần rửa tay phi tang mùi xoài chấm nước mắm ớt chanh đường thì vào phòng anh, cái đầu tiên bên trái.

Chờ nàng bước khuất sau tấm màn ngăn, Nhân bảo Phúc và Quang viết vài dòng kỷ niệm dưới phần đề tặng của chàng ở trang đầu tập truyện. Nhân đắn đo rồi đặt bút viết “Hi vọng được gặp lại Bạch Huệ giai nhân nhiều lần nữa – Phúc”. Quang thì hí hoáy ngay “Hân hạnh và hẹn gặp lại Người đẹp Bội Lan – Quang”.

Nhân trao cho Hạnh Nhiên tập truyện dịch của Bùi Giáng lúc nàng trở vào phòng ăn.

- Anh muốn giới thiệu Bùi Giáng đến em, bắt đầu bằng quyển “Cõi người ta” này, được dịch từ Terre des hommes của Saint-Exupéry. Anh thích nhất là lời tựa tuyệt vời của Bùi Giáng bắt đầu bằng câu “Câu chuyện kể, là chuyện phi công và phi cơ. Nhưng giọng người là giọng trần gian đi tìm linh hồn mình giữa nước non hiu quạnh” như Văn hào Nguyễn Du đã bắt đầu Truyện Kiều bằng câu Trăm năm trong cõi người ta…

Hạnh Nhiên xúc động đọc những lời đề tặng.

- Chiều hôm nay vui quá. Hạnh Nhiên thật vui và xúc động. Cảm ơn các anh, hi vọng em sẽ được gặp lại hai anh trong tương lai.

Quang chu đáo.

- Khoan! Từ từ chớ vội…Tụi này có hủ kem khổng lồ Chocolate Ice Cream HQ13 tặng Hạnh Nhiên. Tôi sẽ mang xuống bãi đậu xe. Nhân, mày “bảo tiêu” hủ kem cho đàng hoàng.

Hạnh Nhiên đi nép vào Nhân, mắt ngước nhìn anh.

- Tội của ba người lớn lắm, nhất là anh đó! Dám ăn gian bắt ép em phải cho anh biết địa chỉ nhà.
- Tui vô tội nha! Tụi này chỉ muốn giúp hủ kem của giai nhân Bội Lan về tới nơi an toàn thôi… Hay là khi về gần tới em bịt mắt anh lại để khỏi thấy số nhà.
- Thôi, thôi, tha cho đó. Mấy người vô… số tội, được chưa!? Ơ mà Bội Lan là tên ai vậy?

Anh cười kể cho Hạnh Nhiên nghe cuộc tranh luận giữa Phúc và Quang về biệt danh họ đặt cho nàng sau khi nghe anh thêm mắm dặm muối câu chuyện “Bích câu kỳ ngộ” về cô nàng đã nhường tặng bó hoa huệ trắng mà anh gọi là cô-gái-huệ-trắng.

- Vậy em thích Bạch Huệ giai nhân của Phúc hay Người đẹp Bội Lan của Quang?
- Bội Lan nghe dễ thương mặc dù em chưa hiểu ý nghĩa của nó. Còn anh, anh thích biệt danh nào?
- Anh nghĩ tên gọi chính xác nhất cho loài hoa này vẫn đơn giản là Hoa Huệ Trắng. Dù là biệt danh nào, nghe nó mà em quay đầu là người gọi mừng húm rồi. Hạnh Nhiên vẫn mãi là cô-gái-huệ-trắng trong lòng kẻ hèn này. Mấy ngày trước tui có nằm chiêm bao một lần rồi đó nha. Hy vọng đêm nay được chiêm bao nữa.

Hạnh Nhiên khẽ bấu vào tay Nhân.

- Anh xạo quá hà! Xạo riết bữa nào em chiêm bao lại anh ráng chịu đừng có than van.

Nhân tỏ vẻ sợ hãi.

- Tội tui mà cô Út! Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng...mà sao chiêm bao của cô bạo lực quá vậy!?

Nhân nổ máy xe, Quang đặt thùng chocolate ice cream có chườm đá giữ lạnh lên sàn chiếc Lambretta. Quang chào từ giã Hạnh Nhiên.

- Cảm ơn người đẹp Bội Lan lần nữa đã đến thăm HQ13. Hi vọng nghỉ bến chuyến tới lại có dịp gặp nhau.

Đường Dương Công Trừng giờ chiều còn chộn rộn hơn lúc hai người đi vào. Hạnh Nhiên ngồi nghiêng người sát vào lưng Nhân, một tay ôm vòng qua bụng anh giữ thăng bằng. Nhân chạy theo chỉ dẫn của nàng, gần hai mươi phút sau đã tới khu phố nhà nàng. Anh chột dạ thầm ước tính chỉ cách nhà Tần Phương chưa tới năm phút xe.  Anh chạy chậm dần rồi dừng lại trước một biệt thự, bên cổng lớn có cây sứ đại cổ thụ nở rộ hoa trắng phơn phớt nhụy vàng. 
Nhân đi sau Hạnh Nhiên, chờ cổng mở rồi trao thùng ice cream cho nàng.

- Nặng đó, em xách cẩn thận…Mà anh không hề đọc số nhà, địa chỉ gì hết nha. Tuần tới làm ơn nhớ viết ra giấy cho tui đó.

Hạnh Nhiên ngước mắt nhìn anh trìu mến khiến rúng động tâm can.

- Nhiên cảm ơn anh! Hẹn anh ở Văn Khoa.

Anh nổ máy xe, mắt dõi theo cho tới khi Hạnh Nhiên vào tới tam cấp hiên nhà. Anh thoáng thấy một thiếu phụ ra đón, có lẽ là chị dâu của nàng. Anh rồ máy xe chạy đi.

Trên đường chiều, anh theo dòng người xe tấp nập chạy về hướng Thị Nghè, miên man nghĩ về cảm xúc trong lòng và những điều đã xảy ra suốt hai tuần qua. Tình cảm với Hạnh Nhiên lớn nhanh không ngờ làm anh choáng ngợp.  Lần gặp gỡ tình cờ chiều ba mươi Tết rồi quen nhau qua bó hoa huệ trắng nàng nhường tặng phải chăng là một trùng phùng thấu đáo của số phận như chưa hề có cuộc chia tay. Tần Phương, có phải em muốn nhắn nhủ anh điều gì về trái tim em vẫn còn sống, vẫn đập nhịp yêu thương ở một nơi nào đó rất gần? Nhân muốn được ngồi bên mộ, chuyện trò cùng Tần Phương. Anh hấp tấp quày xe rẽ về Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi.

(còn tiếp một kỳ)

Phan Thái Yên

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2025