SỐ 106 - THÁNG 4 NĂM 2025

 

Giới Thiệu Sách Mới

Văn Nghệ Biển Khơi trân trọng giới thiệu:

Tạp chí Ngôn Ngữ:
Nguyễn Thị Khánh Minh, Bằng hữu & Văn chương

1

Liên lạc mua sách:
https://www.amzn.com/B0DRF13WVQ

Bài tường thuật buổi ra mắt sách từ Việt Báo, 24/3/2025:
https://vietbao.com/a321761/tap-chi-ngon-ngu-ra-mat-sach-nguyen-thi-khanh-minh-bang-huu-van-chuong

Hình sinh hoạt chính
Sinh hoạt ra mắt sách tại Coffee Factory, Westminster, chiều 22 tháng 3, 2025. Từ trái, từ trên, hàng 1: Nxb Lê Hân, nhà thơ Khánh Minh, nhà báo Đinh Quang Anh Thái. Hàng 2: nhạc sĩ Nguyễn Đức Cường, Bánh Chúc Mừng RMS, nhà báo Phan Tấn Hải. Hàng 3:  nhà thơ Tô Đăng Khoa, giáo sư Trần Huy Bích và Khánh Minh, nhà thơ Thành Tôn. Photos: Michael My, và Phan Tấn Hải.

WESTMINSTER (VB) -- Hôm Thứ Bảy 22/3/2025 là một buổi ra mắt sách đầy những kỷ niệm. Sẽ có rất nhiều người không quên được. Nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh đã có một buổi ra mắt sách đầy những kỷ niệm đáng nhớ. Không hề giống như buổi ra mắt tập thơ “Tháng năm là mộng đang đi” năm 2023 tại Creamery Pop ở Westminster. Cũng không hề giống như buổi ra mắt tập thơ “Đêm” năm 2021 tại  quán Café N Te ở Fountain Valley.

Buổi ra mắt tuyển tập "Nguyễn Thị Khánh Minh, Bằng hữu & Văn chương – Tạp chí Ngôn Ngữ ấn bản đặc biệt" cho thấy sự đóng góp, quý trọng của nhiều nhà văn, nhà thơ đối với nhà thơ nữ này. Độ dày sách này là 544 trang, dày gấp nhiều lần các thi tập trước kia của nhà thơ nữ này. Nơi đây cũng lưu giữ những ký họa, tranh bìa, thủ bút, thơ tặng, bình luận từ hơn 40 văn nghệ sĩ cho Nguyễn Thị Khánh Minh, trong đó có các tên tuổi lớn như Thầy Tuệ Sỹ, Bùi Giáng, Đinh Cường, Đinh Trường Chinh, Trịnh Cung, Trương Đình Uyên, Lê Thánh Thư, Đỗ Hồng Ngọc, và nhiều người khác.  

Điều bất ngờ là vắng mặt Trưởng Ban Tổ Chức: nhà văn Nguyễn Thị Thanh Lương, khi vừa rời nhà, dự kiến đón nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh thì gặp tai nạn xe, phải làm việc với cảnh sát và bảo hiểm. Tin cuối cùng cho biết, chị bình yên, chỉ là mất thì giờ, điền đủ thứ thủ tục tai nạn. Một bất ngờ khác: nhà thơ Vũ Hoàng Thư, một người dự kiến sẽ phát biểu trong buổi ra mắt sách, lâm bệnh, không thể rời nhà.

Capture

Người MC là Đinh Quang Anh Thái giới thiệu người nói chuyện đầu tiên là anh Lê Hân, đại diện Tạp chí Ngôn Ngữ. Tạp chí Ngôn Ngữ hiện đã lưu hành ấn bản "Tạp Chí Ngôn Ngữ Số Đặc Biệt - Nguyễn Thị Khánh Minh, Bằng Hữu & Văn Chương" trên Amazon, với link sau:

https://www.amzn.com/B0DRF13WVQ

Nơi link trên của sách ghi lời nhà thơ Luân Hoán, giới thiệu, trích: "Chân dung văn học của nữ sĩ không xa lạ, không bất ngờ với bạn văn, bạn đọc. Với đời thường, chị được sinh ra năm 1951 trên vùng đất "nghìn năm văn vật" Hà Nội, sau đó được trưởng thành tại một thủ đô có nền văn minh tiến bộ nhất Việt Nam: Sài Gòn. Chưa hết, chị tiếp tục hấp thụ những tinh hoa tại một vùng đất cực kỳ tự do, giàu màu sắc văn minh, từng được gọi "thủ đô người tị nạn" hồn vía của VNCH nối dài. Trong những vùng địa linh kể trên, Nguyễn Thị Khánh Minh khởi hành văn nghiệp khá sớm (so với tuổi đời) từ năm 1966, và chỉ trong một thời gian ngắn, nữ sĩ đã gầy dựng cho mình môt gia tài văn học có giá trị vững mạnh. Cụ thể 15 đầu sách gồm các thể loại thơ, văn, nhận định, giới thiệu, biên khảo cả đến soạn tự điển..."

Anh Lê Hân nói rằng dự kiến tuyển tập thứ nhì trong lĩnh vực thi ca nữ sẽ là nhà thơ Đặng Thơ Thơ, một trong những người sáng lập Tạp chí Da Màu. Lê Hân cũng cảm ơn sự giúp đỡ trình bày từ Lê Giang Trần và Trần Triết.
 
Nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh lên tiếng tiếp theo, nói lời cảm ơn  tất cả các bạn văn đã giúp hình thành tuyển tập, và đã tới tham dự buổi ra mắt sách. Chị nói về lý do nhà văn Nguyễn Thị Thanh Lương bị xe đụng, không tới được, và nhà thơ Vũ Hoàng Thư lâm bệnh.

Người nói chuyện tiếp theo là nhà báo Phan Tấn Hải. Anh kể rằng lần đầu gặp Nguyễn Thị Khánh Minh là qua nhà thơ quá cố Nguyễn Lương Vỵ. Anh nói rằng anh bất ngờ, vì làm báo nhiều năm mà chưa có cơ duyên đọc thơ Nguyễn Thị Khánh Minh. Nhà báo PTH phát biểu:

"Tôi xin phép cảm ơn một người vắng mặt nơi đây: nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ, người đã từ trần năm 2021, là người giới thiệu, cho tôi gặp một nhà thơ mới tới Quận Cam. Khi một nhà báo như tôi gặp, hay nói về một nhà thơ, thường là phải có tính cách thời sự. Nhưng với các nhà thơ như Nguyễn Lương Vỵ hay Nguyễn Thị Khánh Minh, chữ của họ đã vượt ra ngoài chuyện thời sự...

Trong tuyển tập quý bạn đang có trước mặt, "Nguyễn Thị Khánh Minh: Bằng Hữu & Văn Chương" có những dòng thơ bền vững hơn một đời người, sẽ còn được nhớ tới nhiều thế hệ sau, nếu người ta còn học về chữ Việt. Chuyện thời sự, 24 giờ sau là chúng ta quên đi. Nhưng thơ của Nguyễn Thị Khánh Minh là cái gì hôm nay bạn đọc, và bất chợt tuần sau sẽ nhớ lại, và có thể cả năm sau vân còn chưa quên. Tôi xin phép đọc trích đoạn nhận định tôi đã từng viết về thơ Nguyễn Thị Khánh Minh. Trích:

'...Đọc thơ cô, tôi thường đọc đi, đọc lại, đọc lặng lẽ. Tất cả mọi cử động cần thiết đều cẩn trọng hơn, nhẹ nhàng hơn. Ngay cả khi nhấc ly cả phê để uống một chút, hay khi lật ngược vài trang để đọc lại vì chợt nhớ ra gì đó. Tôi sợ là, những cử động thiếu dịu dàng sẽ làm rơi mất chữ trong thơ của Nguyễn Thị Khánh Minh. Hãy để cho cuộc đời này toàn vẹn, tôi nghĩ thế, mỗi khi nhìn các dòng thơ của cô...

Có một không gian quê nhà rất mực thơ trong thơ Nguyễn Thị Khánh Minh: thành phố biển Nha Trang của những ngày mới lớn. Trong bài Mầu Đỏ Trong Nhớ, nhà thơ ghi lại ký ức về thời niên thiếu ở Nha Trang, một thời rất là xa xưa, nơi tất cả những gì trong trí nhớ cô đều đã trở thành thi ca, trích:

… Tôi nhớ mầu đỏ của giàn hoa giấy rực mùi biển Nha Trang nơi căn nhà của bố mẹ che mát một khoảng thềm có cô bé ngồi chơi thẻ một mình, có nắng đổ lốm đốm như một tấm vải hoa nhấp nhô sóng nắng và cô mặc áo nắng hoa ấy đi dự hội quên về… một ngày biển thơm như mộng, nụ hôn thơm mầu hoa giấy đỏ bay bay hoài trong nhớ…

(Tôi xin tạm ngưng một khoẳnh khắc để nói rằng quê mẹ tôi là Nha Trang, và tôi có vài kỷ niệm với nơi này, nhưng không phải đọc theo các kỷ niệm đó về thơ Nguyễn Thị Khánh Minh. Xin trở lại về thơ của cô.)

Làm thế nào thơ Nguyễn Thị Khánh Minh lại hay như thế nhỉ? Nơi bài thơ này, các hình ảnh đã trôi rất xa từ trí nhớ đã trở về kịp để nhà thơ ghi thành chữ. Nơi đây, có gió Nha Trang ươm hương muối, có đường đỏ trên sóng, có nắng lốm đốm trên sân, nơi cô bé ngồi chơi thẻ, nơi biển thơm như mộng và nơi thành phố biển bay hoài trong nhớ.

Xin nói lời chân thật rằng, tự thơ Nguyễn Thị Khánh Minh không còn là những gì trừu tượng để phải suy nghĩ, lý luận. Thơ cô đã bước ra ngoài trang giấy, để trở thành một phần của cõi này. Thơ cô không còn là chữ, vì nhiều dòng chữ đã hóa thành hương nắng vương tóc và những chiếc cầu xưa quá bước. Thơ cô không phải là nhạc, nhưng nhiều dòng chữ đã hóa thành gió biển rì rào trên từng trang giấy. Với lòng trân trọng, tôi đã từng ngồi rất mực tịch lặng để đọc thơ Nguyễn Thị Khánh Minh. Rất tịch lặng, tôi đã đọc.

Thơ Nguyễn Thị Khánh Minh là những dòng chữ, có khi tôi đọc tới, rồi bất chợt đứng bật dậy, trân trọng đọc đi, đọc lại từng chữ, từng dòng. Đó là những dòng thơ, từng chữ một, khi được đọc tới đã hiện ra như một thiếu nữ bước rời khỏi trang sách để len vào đời thường, và rồi các chữ còn lại trên giấy đã tự trở thành những ẩn ngữ thơ mộng. Nơi đó, thực với mộng không hề cách biệt. Xin cảm ơn quý vị đã lắng nghe..."

KhanhMinhRMSach (48 of 121) (1)
Nguyễn Đức Cường và quan khách buổi ra mắt sách. Photo: Michael My.

Người nói chuyện tiếp theo là nhà thơ Nguyễn Đức Cường. Anh kể rằng anh biết 2 bài thơ thất lạc của Nguyễn Thị Khánh Minh. Một bài thơ ngắn chị làm từ thời rất nhỏ, có hình ảnh con chuồn chuồn và 1.000 giấc mơ, và vì tuổi nhà thơ còn rất nhỏ, nên ba mẹ chỉ cùng đồng ý rằng phấi giấu bài thơ 4 câu đó để cô bé sau này tập trung đi học, không để bận tâm chuyện thi ca đó. Chỉ tới khi nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh lớn hơn một chút, mới được ba mẹ tiết lộ chuyện bài thơ cô bé để quên trên bàn của thân phụ.

Nguyễn Đức Cường kể về bài thơ thất lạc thứ nhì là khi anh làm báo Xuân cho đặc san trung học, thì cô nữ sinh Nguyễn Thị Khánh Minh gửi một bài thơ tới. Anh cho biết sẽ ghi lại cả hai bài thơ trong cuốn sách kế tiếp của nữ thi sĩ này. Anh Nguyễn Đình Cường sau đó hát một ca khúc mà anh phổ nhạc từ thơ NTKM, với phần hòa âm của nhạc sĩ Quốc Dũng.

Người nói chuyện kế tiếp là nghệ sĩ Nguyễn Giao. Ông nói rằng khi đọc tập thơ "Đêm" của Nguyễn Thị Khánh Minh, ông chợt nhớ lời một nhà phê bình rằng nhà thơ là người giải mã các giấc mơ, và từ bản đồ Google trong thời 3 năm đại dịch, ông làm một kiến trúc bản đồ Việt Nam dài 88 feet (27 mét) nơi sân nhà và ông dùng những dòng trong một bài thơ của cô để đặt trên cho các vị trí trên kiến trúc bản đồ VN đó. Ông Nguyễn Giao mang theo hai tấm ảnh chụp, đóng khung cho thấy mô hình đó. Và MC Đinh Quang Anh Thái nói rằng thế thì tặng nhà thơ NTKM là hợp lý.

Tiếp theo, nhà thơ Trịnh Y Thư phát biểu, nói rằng anh lần đầu quen Nguyễn Thị Khánh Minh là qua nhà thơ quá cố Nguyễn Lương Vỵ. Lúc đó, Nguyễn Lương Vỵ nói rằng cô Nguyễn Thị Khánh Minh còn có nghề trình bày sách. Thế rồi Trịnh Y Thư đưa một bản thảo, nhờ cô dàn trang. Vậy mà chờ một tháng, rồi hai tháng, ba tháng vẫn không nghe thấy gì. Khi liên lạc được, Nguyễn Thị Khánh Minh mới nói rằng cô thực sự vừa trình bày sách vừa học. Khi bế tắc, là cô đi tìm 2 sư phụ để học tiếp cách dàn trang. Từ đó, hai nhà thơ này trở thành đôi bạn thân thiết. Trịnh Y Thư nói rằng NTKM là một người dễ mến, tính tình nhu mì, thậm chí hơi nhút nhát, mẫn cảm, dễ mủi lòng. Sau phần phát biểu chính thức, trong lúc mọi người cắt bánh và hàn huyên, anh Trịnh Y Thư lấy đàn ra đàn những bản cổ điển cho mọi người vừa ăn bánh vừa nghe nhạc. Nguyễn Thị Khánh Minh bèn đứng ra nói với mọi người rằng anh TYT bị một lời nguyền nên 15 năm nay anh không đụng tới đàn, nhưng hôm nay có KM ra tay dẹp lời nguyền nên anh mới đàn được.

KhanhMinhRMSach (105 of 121)
Nhà thơ Khánh Minh nói về tiếng đàn Trịnh Y Thư. Photo: Michael My.

Tiếp theo MC Đinh Quang Anh Thái đọc một bài thơ của NTKM. Một người đóng góp tiếp theo là nhà thơ Nguyên Khuê, em ruột của Nguyễn Thị Khánh Minh, trình bày ca khúc do anh phổ nhạc bài thơ Mẹ Đến Chơi Nhà của người chị. Hóa ra, gia đình nhà thơ nhiều người tài năng quá.

Có hai chiếc bánh đặc biệt trong dịp mừng nhà thơ ra mắt sách. Bánh thứ nhất do nhà văn Ngô Thế Vinh và nhà thơ Trần Thị Nguyệt Mai đề tặng Nguyễn Thị Khánh Minh. Chiếc bánh thứ nhì là do vợ chồng Tô Đăng Khoa tặng.

Lại quốc dũng
Nhạc sĩ Lại Tôn Dũng trong chương trình văn nghệ.
Photo: Michael My.

Người ta thấy trong buổi ra mắt sách, ngoài những người đã ghi tên ở trên, còn có mặt các văn nghệ sĩ như Phạm Tín An Ninh, Trần Huy Bích, Phan Chánh Khánh, Nguyễn Đình Thuần, Tràm Cà Mau, Ngự Thuyết, Trúc Chi, Lại Tôn Dũng, Lê Lạc Giao, Lê Giang Trần, Tô Đăng Khoa, Hòa Bình, Phạm Quốc Bảo, Nguyễn Hoàng Nam, Đặng Thơ Thơ, Pauline Đàm, Đặng Phú Phong, và nhiều thân hữu văn nghệ.

Những người ở lại đến giờ phút chót còn được thưởng thức tiếng hát bắt hồn của Lại Tôn Dũng với những tác phẩm do chính anh sáng tác trong không khí thân mật ấm cúng, cùng với lời chia xẻ thân tình bất chợt của nhà thơ Tô Đăng Khoa về nhà thơ-hồn thơ Khánh Minh,  để khách ra về trong lòng còn vương vấn ánh mắt, nụ cười và tình thân quý dành dành cho nàng thơ của một buổi chiều thứ Bảy nhiều kỷ niệm.
(vb)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2025