SỐ 106 - THÁNG 4 NĂM 2025

 

Giới Thiệu Sách Mới

Văn Nghệ Biển Khơi trân trọng giới thiệu:

thơ
duyên - lê chiều giang - nguyễn thị khánh minh





Tranh Bìa: Nghiêu Đề (1981)
Trình bày bìa: Đỗ Thanh Tùng
Trình bày trang trong: Hà Thu Hương
Tựa: Nhà Thơ Nguyễn Xuân Thiệp
Bạt: Nhà Thơ Đỗ Hồng Ngọc
Nhận định: Nhà văn Trịnh Y Thư
  
Phụ bản: tranh Duyên
Tranh chân dung: Đinh Cường – Đỗ Hồng Ngọc
Sách dày 224 trang, bìa mềm, khổ 5.5” x 8.5”
Nhà xuất bản: Văn Học Press tháng 3/2025
 
Ấn phí: $20.00 USD
 
Mua sách qua link:
https://www.barnesandnoble.com/w/tho-duyen-le-chieu-giang-nguyen-thi-khanh-minh-nguyen-thi-khanh-minh/1147051200?ean=9798341896499

hoặc liên lạc:
Duyên: zooenbui@gmail.com
Lê Chiều Giang: lchieugiang@gmail.com
Nguyễn Thị Khánh Minh: ngkhanhm@gmail.com
 
oOo

Nguyễn Xuân Thiệp

TỰA TẬP THƠ BA NHÀ THƠ NỮ

Một ngày đầu thu, ngồi viết đôi trang về thơ của ba nữ lưu thời nay, sao bỗng thấy lòng xúc cảm lạ thường. Như ngày nào khi dạo chơi trong khu vườn Gitanjali bỗng gặp lại bông siêu ly thuở còn mơ mộng. Như ngày nào khi hoàng hôn xuống lái xe qua cây cầu cao ở Baton Rouge bỗng thấy vầng trăng lồng lộng trên sông. Hay như cách đây hơn mười năm, khi đi chơi vùng biển Laguna bỗng gặp lại người xưa – đầu đội nón rộng vành, mang kính đen, ngồi dưới bóng dù, tay lật xem thơ Tôi Cùng Gió Mùa. Vậy đó. Xin mời bạn đọc theo dõi những trang sau đây viết về ba nhà thơ nữ: duyên, Lê Chiều Giang và Nguyễn Thị Khánh Minh. Ô, lần đầu tiên ba nhà thơ nữ họp mặt nhau trong cùng một tập thơ. Một cuộc hội ngộ tuyệt đẹp.

Xin được mở đầu với thơ duyên.

 Thơ duyên ít xuất hiện trên sách báo nhưng bạn bè biết nhiều về duyên qua những Blogs thân quen của Phạm Cao Hoàng, Trần Thị Nguyệt Mai, và Phố Văn, hay qua emails khi chuyện trò trao đổi. Duyên thường thực hiện những bookmarks và vẽ những bức tranh nhỏ gợi cảm gởi tặng bạn bè có khi kèm theo những bài thơ ngắn dễ thương. Chúng ta có thể đọc, nhìn thấy qua phần Thơ Duyên trong tuyển tập. Riêng tôi rất thích hai bức Mùa Thu Chết và Lá Đỏ cùng những mảnh tình duyên gởi trong thơ.

Đọc thơ duyên ta gặp một hồn thơ mở ra với thiên nhiên, nhân hậu, hòa ái với người, với đời. Duyên yêu mến thiên nhiên, hòa hợp với thiên nhiên. Thiên nhiên trong thơ duyên như tranh của họa sĩ hiện ra với đường nét bay múa, sắc màu rực rỡ, như trong bài: Về. Với Mùa Thu

sau chuyến bay dài
đêm thâu. không ngủ
chờ. mặt trời
đợi. sáng, nắng bình minh.
dễ thương chi, khi
mùa thu. vẫn… đó
đợi. chờ.
kìa, cây ginkgo nhỏ
vàng tươi.
trong nắng sớm.
lá nhu mì. vẫy. gọi
bước chân ai, về
lãng đãng. mù sương.

Duyên yêu mùa thu. Mùa thu hiện ra với nhiều dáng vẻ trong thơ duyên:

lại kể nhé
chuyện vườn xưa. khi mùa thu tới
ba cây đào, đổi lá vàng. ngập cả lối đi
cây redwood, lá màu hổ hoàng. tuyệt đẹp
mỏng manh trên cành, đâu sợ mùa đông

Thiên nhiên chuyển màu rất đẹp từ thu sang đông với ý tình cảm xúc:

rồi ngày lập đông. tuyết rơi. rơi. mãi…
cành, trụi lá. màu chì. ảm đạm
nhìn ra trời. trời. đất, quá bao la
mùa đông lê thê…
nhớ. Zhivago trên cánh đồng tuyết trắng
tản cư về. về lại, mái nhà xưa
nơi. thi sĩ kể thơ. tình mê đắm
vẫn lạc loài, hình bóng Lara…

Thiên nhiên trong thơ duyên hiện ra với vẻ rực rỡ dù trong cảnh mùa đông. Thiên nhiên hay mùa thu còn làm nền cho cái chết của người thi sĩ. Những chiếc lá khô rụng xuống, chất chồng đủ nhóm lên lửa ngọn. thi sĩ về trong những chiếc lá khô:

gió đã đổi mùa
không gian. lạnh
trong mênh mông
đất trời
gió cuốn. lá rơi…
đủ. để đốt thành lửa ngọn.

ngọn lửa. bập bùng
đêm trăng, khuyết
người thi sĩ
đã về. trong
những chiếc lá khô…

Lá đỏ của mùa đông còn là cái chết của người bạn nhỏ, tên Ch.

Em
chiếc lá nhỏ, thật đỏ, quá đẹp của mùa thu
sao lìa cành vội vã. sớm đông
chiều qua. có lẽ là em
con chim nhỏ
về…đậu lại trên cành cây trụi lá
trong tuyết trắng mênh mông
chim buồn, nên không hót.

Trong thơ Duyên còn có tình bạn. Duyên cảm thông những mất mát đau đớn của bạn bè nên chia sẻ cùng bạn những tình cảm chân thật. Đinh Cường, Trần Hoài Thư, Nguyễn Bắc Sơn, Đỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Xuân Thiệp… và nhiều người nữa được nhắc tới trong thơ duyên. Đây là những người bạn của cõi văn chương ở những năm tháng lãng đãng của cuộc đời.

Với Đinh Cường, một tình bạn của hội họa và văn thơ. Đinh Cường là người hiền hòa dễ mến, bạn bè ai cũng yêu quý. Sinh thời, Đinh Cường từng vẽ chân dung cho duyên và làm thơ tặng. Những câu thơ, bức tranh luôn nhắc tới một tình bạn như vầng trăng đầu núi. Trên chuyến tàu nào, lần cuối trở về, có giọt lệ trên mi mắt…

Với Trần Hoài Thư là qua thông cảm từ trang sách đề tặng với nét chữ run run và cơn bệnh đột quỵ của nhà văn hiền hòa. Ôi những tình cảm thân thương quý biết nhường bao.

Nguyễn Bắc Sơn, người đã ra đi còn để lại bóng hình và những câu thơ như Thương tiếc đám mây bay. Cuộc chiến khốc liệt đã để lại nhiều mất mát. duyên đã cảm thông sâu xa với phận con người trong chiến tranh.

Đỗ Hồng Ngọc và Nguyễn Xuân Thiệp, hai người bạn văn chương khác, duyên nhớ đến, khi lần giở những trang thơ: về thu xếp lại (ĐHN), cô bé đi vớt mặt trời (NXT), bức tranh thơ (NXT).

Duyên với tấm lòng nhân hậu đã cùng hai bạn tìm về những kỷ niệm đầm ấm, cả những đổ vỡ trong đời, để cảm thông, chia sẻ.

Với Nguyễn Tất Nhiên, nhà thơ đã một thời đơn phương yêu duyên với mối tình cuồng si, yêu như thiên tai không bờ cõi – duyên nhắc về Nhiên bằng trích dẫn thơ. Và rồi như cánh buồm la paloma xa xưa trôi đi không về lại. Còn nhiều, còn nhiều bạn bè nữa, được gọi tên trong thơ duyên.

Tình yêu gia đình trong thơ duyên thật thắm thiết. Nó được thể hiện qua bốn đứa cháu. Oliver, Millie, ViVi, Larkin. Tôi biết các cháu qua hình ảnh duyên gởi. Duyên sang thăm ViVi khi cháu đầy tháng tuổi, về lại nhà ở bên kia hồ Michigan. Chiều xuống bà ở bên đây hồ Michigan nhìn sang bên kia, Chicago gởi những nụ hôn cho cháu. Thiệt là dễ thương.

Với các cháu khác, duyên đều rất thương yêu. Hãy nghe duyên trò chuyện với Oliver: Đóa hoa đỗ quyên nở ấm áp khi nghe tin cháu ngoại Oliver nhắn qua điện thoại: cuối tuần sẽ về thăm bà. Oliver sẽ đem soup (wonton soup) nấu cho bà vì nghe bà đang bệnh. Đọc thơ duyên xem đối thoại giữa ba bà cháu, với ViVi và Larkin, dễ thương quá.

Bằng lối viết tự nhiên, thơ duyên mang đến cho người đọc lòng tin yêu. Ta thấy ở đó một hồn thơ nhân hậu và hòa ái.

Bây giờ xin nói về Lê Chiều Giang.

 Sự xuất hiện của Lê Chiều Giang mặt nào đó có thể nói như vầng trăng trong đêm nguyệt thực. Nói đến thơ Lê Chiều Giang không thể không nhắc đến Nghiêu Đề, họa sĩ là chồng nhưng cứ như là người tình mãi mãi.

Tôi gặp Nghiêu Đề lần đầu tiên ở Đà Lạt trước 1975 ở nhà một người bạn gái. Nghiêu Đề nói chuyện rất vui và có duyên. Sau 1975, tôi gặp lại Nghiêu Đề và Giang ở một quán cà phê bên chợ Thanh Đa. Tôi ở lô J và Nghiêu Đề ở lô G của cư xá. Sau này đọc những bài viết của Chiều Giang, tôi biết thêm thời đó Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trần Quang Lộc, Duy Trác, thường họp mặt hát hò ở căn nhà của Nghiêu Đề hoặc trên chiếc thuyền nhỏ trên sông Thanh Đa.

Sang Mỹ, trong một cuộc hội ngộ Văn Học ở hội báo Người Việt do Khánh Trường tổ chức, có Thái Thanh, Mai Thảo, Lê Uyên Phương và nhiều người nữa. Nghiêu Đề nói đùa với tôi: “Tôi đã đọc nhiều thơ của ông trên Văn Học, ông phải trả tiền cho tôi đó nghe.” Thời gian trôi qua, Nghiêu Đề đã ra đi vào năm 1998.

Tôi đọc được những bài thơ ngắn của Giang trên Văn Học. (Bút hiệu Lê Chiều Giang chỉ bắt đầu có khi Giang tham dự bài trong “Nguyễn Xuân Hoàng trong và ngoài văn chương” do Da Màu thực hiện năm 2014).

Trong một dịp gặp lại Lê Chiều Giang sau đó tại nhà Nguyễn Mộng Giác, tôi xin Giang đăng lại một số bài thơ đó trên Phố Văn, và cho Giang biết tôi đã viết bài tiễn đưa Nghiêu Đề trên tạp chí Phố Văn.

Từ đó không có dịp gặp lại Chiều Giang nữa. Mấy năm sau, tôi được đọc thơ Giang và cảm thấy yêu thích. Thơ của Giang thường là ngắn, như một tiếng kêu đau đớn biến thành uất hận, như một cơn đồng thiếp của cảm xúc và chữ nghĩa.

Qua những gì đọc được, ta biết tình yêu của Giang và Nghiêu Đề gần như một huyền thoại giữa đời thường. Từ lúc còn là học trò dưới bóng mẹ cha, Giang đã thường xuyên bỏ học, trốn nhà thờ, đến với giới họa sĩ chỉ vì mê mùi sơn dầu của những bức tranh. Cuối cùng đã mê luôn chàng họa sĩ tài hoa.

Mối tình đó theo Trịnh Cung là một tình yêu đẹp, mê muội và dữ dội. Dù không đưa Chiều Giang đến chỗ phải tự tử theo chồng như nàng Hébuterne của họa sĩ Modigliani. Giang vẫn tiếp tục sống trong cơn mê loạn, và Thơ đã cứu rỗi nàng cũng như đã làm thăng hoa mối tình khiến nó trở thành vĩnh cửu. Cũng như Hébuterne, Giang là người mẫu của Nghiêu Đề trong nhiều bức tranh. Bức tranh cuối Nghiêu Đề vẽ Giang. “Vệt màu đỏ mỏng chàng vẽ dưới mi mắt nàng như sợi máu rỉ ra từ tình yêu dành cho nàng mà chàng sắp phải từ biệt.” Trịnh Cung đã nhận xét như thế.

Ta phủ xác người bằng bức tranh xưa
Nét vẽ sắc
Như ngàn dao cắt
Vẽ mắt ta từ ngày mới gặp
Mắt tàn phai. Mắt của tàn phai. (Một chín chín tám)

Thơ của Giang đúng là một thiên tình sử đầy giông gió thỉnh thoảng ẩn hiện một vầng trăng ảo.
Tôi gọi nó là Thiên Tình Sử của Trái Tim Điên. Theo bước chân thơ của Chiều Giang ta đi vào cuộc lữ hành của cõi mê hoang, nghe ra tiếng thét, tiếng cười khan, và cả tiếng khóc.

Ta chôn chồng ta
Một lần.
Duy nhất.
Ở giữa rừng gai không hoa trái mọc
Đất.
Đá.
Rực cháy những lửa điêu tàn
Ta đứng giữa trời
Lặng thinh.
Không khóc. (Một chín chín tám)

Ta ngồi một mình
Trên nóc nhà
Buổi sáng
Trước ngày bỏ đi
Khói thuốc tan trong mây
Rượu.
Đổ đầy máng xối (Lên đồng)

Chiều Giang ngồi trên nóc nhà và la hét, thấy những hồn ma cũ vật vờ bay, nghe những tiếng xưa vang vọng và hát như điên trong cơn đồng thiếp. Và có lúc đành phải đốt nhà…

Bới tung.
Từng góc nhà
Xó bếp
Tay nâng niu những tháng ngày xưa
Có bao năm?
Mà như thiên cổ
Nhà ơi.
Giữ lại giùm ta những gió mưa
Giữ lại giùm ta ngàn tiếng nói …

… Ra đi
Đốt lửa căn nhà trống
Vung vãi tàn tro
Khắp đất trời. Và
Xóa bàn đi làm lại hết
Ta thả đời ta. Giữa
gió bay. (Đốt nhà)

Ta biết Giang từng là người mẫu, nhưng đứng mãi trong tranh làm góa phụ cũng chán, nên phải bước ra với mặt trời. Nhìn quanh đã chẳng thấy ai, cất tiếng gọi cũng không ai trả lời bèn bước trở lại trong tranh như bỏ một cuộc chơi.
Muốn bỏ cuộc chơi nhưng không được nên lại bước ra, tiếp nối cuộc hành trình của mệnh số. Có khi muốn làm thiền giả, ngồi trong góc tối hay đi giữa trời lộng gió, làm sa di ôm bình bát đứng giữa trời mưa nắng cho đến khi ngày hết, bình bát chỉ còn chứa đầy bóng trăng. Cứ ngang ngang bương bướng để mơ thành họa sĩ, vẽ bức tranh siêu thực với màu đỏ trên tóc và xám xanh trong mắt. Tay không mà bày cuộc chơi vượt cả Lưu Linh, Tản Đà, Phạm Thái, Tử Kỳ.

Lưu Linh? Ờ, Lưu Linh
Tản Đà?  …Ta chấp hết
Mắt sắc như kiếm dao
Chém chơi. Vài
Phạm Thái… (Bỏ nhà)

Thơ Chiều Giang là thế. Những bài thơ ngắn, ngôn ngữ trực tiếp, sắc bén, với lối ngắt dòng khác lạ, tạo hiệu ứng rung cảm nơi người đọc. Thơ Lê Chiều Giang là tiếng ca tiếng khóc trong cơn đồng thiếp của hiện sinh mê cuồng.
Thơ, như chưa từng bao giờ có thơ như thế.

Và đây thơ Nguyễn Thị Khánh Minh.

Trước hết, thơ ấu của Nguyễn Thị Khánh Minh đã là thơ. Đồng lúa, con sông, ngôi nhà ở làng Thuận Mỹ, Ninh Hòa, ánh trăng bên bờ giếng cũ, những bông hoa giấy trên sân nhà ở Nha Trang, tiếng còi tàu, bước chân của cha trở về… hồn thơ của Nguyễn Thị Khánh Minh nở ra từ đó. Khánh Minh làm thơ ở tuổi còn để tóc bum bê cắp sách đến trường. Ấy có lẽ do ảnh hưởng của cha mẹ. Song thân của Nguyễn Thị Khánh Minh đều là nhà thơ, chủ nhân của lầu thơ Minh Minh. Nơi đó thường có mặt Vũ Hoàng Chương, Hà Thượng Nhân, Hồ Điệp, Nguyễn Đức Quỳnh… Ở lầu thơ Minh Minh của cha mẹ, Khánh Minh đóng vai cô bé pha trà và rồi ngâm thơ theo chỉ dẫn của Hồ Điệp. Từ lầu thơ của cha mẹ, hồn thơ Nguyễn Thị Khánh Minh đã lớn dậy cùng với những tháng năm với hoa lá và mây trời. Nguyễn Thị Khánh Minh mang thơ qua sân trường Luật và những nẻo đường của phố xá Sài Gòn. Và, cho đến bây giờ.

Tôi xin an lành gom hết những lời kinh nguyện. Bầu trời no tin cậy. Mầu xanh phủ hết tai ương cho con người và trái đất chan hòa nương tựa. Tôi sẽ tìm về đêm bé thơ thỏ thẻ với cha điều ước mơ chưa từng nói. Nếu có tìm tôi. Xin chờ mảnh sáng sao băng.

Vậy xin nương theo ánh sao đến với thơ Nguyễn Thị Khánh Minh. Thơ Nguyễn Thị Khánh Minh, cũng như thơ Lê Chiều Giang, thơ duyên, không theo bất cứ khuôn khổ tiết tấu nào. Nó là nhịp đập của thời gian và hơi thở người. Thơ Nguyễn Thị Khánh Minh còn là thơ xuôi, thơ tản văn, mở ra một cõi trời hoang mơ.

Đọc thơ Nguyễn Thị Khánh Minh ngay từ bài đầu tuyển chọn ở đây đã thấy tâm hồn nhà thơ mở rộng với đất trời và nhân gian. Cảm động là cô muốn đem chia sẻ cùng cha những tình ý ấy như thuở còn thơ.

Trong bài thơ Khoảnh Khắc Giấc Mơ, cô bé Khánh Minh muốn dâng hết lời kinh nguyện cho bầu trời bình yên với màu xanh phủ hết tai ương. Và cô sẽ tìm về một nơi với vạt đèn khuya ủ những ý thơ trong cơn mơ, vì “tất cả mọi cảm hứng thi ca đều là giải mã những giấc mơ”. Và cô nguyện nếu có bay đi xin bay về đồng lúa thuở ấu thơ nơi quê nhà bình yên, với con tàu chuyên chở hội ngộ, tiếng cửa mở sum vầy và bếp lửa trong căn nhà xưa. Còn nữa, thơ sẽ thắp lên ánh sáng của sao hôm và sao mai, cô sẽ treo tiếng chim trước cửa để đánh thức ngày vui. Trong ánh chớp của thanh xuân về lại, Nguyễn Thị Khánh Minh sẽ theo con sóng nhỏ về nơi biển xanh hiền hậu của thời ấu thơ và ai kia muốn tìm lại hình bóng của người làm thơ Nguyễn Thị Khánh Minh thì xin đến với hàng liễu xanh và con trăng mới mọc…

… Nếu có một nơi để nhớ. Vạt đèn khuya trỗi lên bài ca năm tháng. To nhỏ câu thơ phút hôm nay ta sống cùng người. Nếu có tìm tôi xin hát bằng nhịp tim bổng trầm tình tự. Nơi giấc ngủ một người, trái tim vẫn hoài đập trong khoảnh khắc của giấc mơ…
… Nếu thanh xuân là quà tặng. Sinh cho tôi đời lá non. Sẽ sống tận cùng xanh, hết sức. Từng hạt mầm nuôi tôi trở lại cho dẫu hơi thở kia có không ngừng lặp lại nỗi đau. Tôi sẽ về hay tôi sẽ đi. Lời chào ấy là phút tôi trao nhận một món quà vô giá.
… Tôi biết. Tôi sẽ được cất tiếng. Trong mùa thơ quyến dụ ấy với ngôn ngữ tình nhân. Ngôn ngữ tôi nghe một lần trong xứ sở chiêm bao. Khoảnh khắc giấc mơ tôi thực sống…

Đó là tiếng nói của thơ. Tôi chưa thấy ai thao thức với thơ trăn trở với thơ như Nguyễn Thị Khánh Minh. Khi viết xong bài thơ có khi cô khóc, và lạc giữa cõi thơ như trong cơn mộng du. Cô mê sảng, cười điên cùng bài thơ, những con chữ có khi là những giọt lệ. Cô nằm gai nếm mật hình thành bài thơ.

Trong cơn mộng du chữ nghĩa, Nguyễn Thị Khánh Minh muốn thơ mình lang thang qua khắp cõi bờ nhân sinh, Thơ đi vào quán nụ cười như để tìm vui. Đi vào quán đêm xin một giấc mơ, rồi đi vào trường kịch nhân gian, vào con đường của kiếp dã tràng, ghé thăm quán hoàng hôn, vào lòng đóa hoa xin mật ngọt, vào chung với bầy kiến, vào đồng lúa, vào dòng sông… Tất cả là đi tìm hơi thở của sự sống…

Đọc thơ Khánh Minh ta như được cùng tác giả hòa chung nhịp thở với thiên nhiên, bởi đó không chỉ là ngắm nhìn với nỗi ơ thờ mà hòa nhập với thiên nhiên. Xin cùng với nhà thơ bước vào đêm, hóa thân với sao trời và gió như có linh hồn – sao tắt, hồn rơi và gió khóc đưa tang. Đêm thì ngất lịm trong chiêm bao, nghe tiếng ngày đi run rẩy, nghe hồn cỏ thao thức, cây trút lá bơ vơ – rồi ngày lên mang chút niềm vui sót. Nhà thơ đi vào đêm, đem theo nụ cười, chia sẻ những rạn nứt đổ vỡ của đêm, nụ cười thơ làm nở một vì sao.

Tắt một lời, hồn thơ Nguyễn Thị Khánh Minh cảm nghe được nhịp mùa, nhịp ngày đi đêm tới. Có thể nào ta gọi thơ Nguyễn Thị Khánh Minh là bản symphony của nhịp mùa và thời gian. Riêng với Nguyễn này như được lạc vào vùng trời của Gitanjali nghe thi nhân thổi lên bản hòa ca trên cây sáo bằng ống sậy.

Trong thơ Khánh Minh còn có những khoảng trời của tình bạn. Nguyễn Thị Khánh Minh chia sẻ cùng bạn những nét đẹp của sáng tạo, những ý tình lung linh hư ảo, những nỗi chia xa.

Với Duyên, cùng Duyên sống lại niềm vui và vẻ rực rỡ của thanh xuân ngày ấy.

Với Đinh Cường: cảm thông cùng tiếng cọ của người họa sĩ và những sắc màu trong tranh và nỗi đau cùng vẻ hư ảo của cuộc đời.

Với Trịnh Y Thư: cùng bạn cảm thông với vệt nắng chiều đang tắt, bóng người con gái ngồi cong lưng như mảnh trăng non, trong vẻ đời ảo hoặc, chia xa.

Với Nguyễn Xuân Thiệp, cùng nghe tiếng chiều rơi trong tiếng con chim nhại và vẻ ảo hoặc của mùa thu với màu hoa cúc quỳ vàng trong khu vườn của ngày đã xa.

Còn nhiều. Còn nhiều những điều chưa nói về thơ Nguyễn Thị Khánh Minh. Nhưng thôi, chỉ xin cùng đọc một đoạn trong tuyển tập thư hương này:

Người đem theo nụ cười
Đi vào giấc mộng
Những vì sao chưa mọc
Những vì sao đã chết
Bỗng nhận ra mình
Mất tích bao năm

Người đem theo nụ cười
Đi vào bóng tối
Những hạt lệ lặng lẽ
Những hạt lệ vô hình
Bỗng nhận ra mình
Bật khóc

Người đem theo nụ cười
Đi vào những biên giới… (Có Vì Sao Mới Mọc)

NGUYỄN XUÂN THIỆP
Dallas, tháng 11.2024 

oOo

TRỊNH Y THƯ

Nhận Định
Thơ của ba người: duyên - Lê Chiều Giang - Nguyễn Thị Khánh Minh

Không rõ do một cơ duyên nào mà ba người ấy - ba nhà thơ nữ, ba tâm hồn, ba định mệnh, ba trải nghiệm, ba cuộc đời, ba ngọn suối nguồn thơ ca lại rủ nhau về hợp lưu tụ hội trong một tuyển thơ đặc sắc, hiếm có. Có lẽ là chữ duyên. Vâng, đúng rồi. Một trong ba người nữ ấy có bút danh là duyên, một chữ duyên duy nhất, không viết hoa, không họ, không chữ lót, còn hai người kia thì tên tuổi đã gắn với văn chương, nghệ thuật từ nhiều năm, trong nước cũng như hải ngoại bây giờ: Lê Chiều Giang, Nguyễn Thị Khánh Minh.

Đi vào thế giới thơ ca của họ là đặt chân vào ngôi nhà kỳ ảo lung linh sắc màu, dễ sa đà và dễ sa ngã. Sa đà bởi bạn sẽ bị lôi cuốn vào một thế giới thơ ca khác thường, không rập khuôn theo những quán tính cũ mòn. Còn sa ngã bởi thơ của họ có sức thu hút ma mị khiến những tâm hồn chai sạn nhất cũng phải mềm lòng. Mềm lòng đành phải lòng. Phải lòng đành sa ngã.

Bạn hãy cho tôi vào từng ngôi nhà một sống với thơ ca họ trong khoảnh khắc để khi trở ra bạn xem tôi có còn là con người như cũ không, hay tâm hồn tôi đã bị chuyển hóa bởi bùa phép khó lòng cưỡng nổi của thơ ca họ.

duyên, người thầm thì nói chuyện...

Duyên làm thơ như nói chuyện. Nói thầm thì. Nói trong niềm vui. Nói trong nỗi buồn. Nói trong nỗi nhớ. Nói với người. Nói với cỏ cây hoa lá. Nói với hư vô. Nói với cô đơn.

Thơ duyên không làm dáng, hầu như rất ít ẩn dụ, bởi nó là tiếng nói từ trái tim người làm thơ sang thẳng trái tim người đọc thơ, mà không cần bắc cầu qua một mạch chuyển, không nhờ vả vào một trạng thái thứ ba nhiều khi bị tan loãng làm lệch đi chủ đích lúc ban đầu. Ngọn suối nguồn của thơ duyên là một trình tự biến tấu của hình ảnh, biểu tượng và cảm xúc cộng hưởng trong cuộc sống hằng ngày, một cuộc sống giản dị với cây lá trong vườn, với người thân, bè bạn, với kỷ niệm cũ mới, với những chuyến đi... với quê hương xa xôi trong ngày về lạc lõng, và nhất là với thiên nhiên. Nhờ có sẵn một tâm hồn mẫn cảm, một cái nhìn thân ái với sự vật, tiếng nói dịu dàng của duyên đã cho người đọc thơ tìm được vô vàn cái đẹp, nhìn thấy sự cao cả, hiểu thêm về chu kỳ cuộc sống và cảm xúc con người. Thơ duyên không nằm ngoài đường biên của ý thức hằng ngày mà hòa tan với cuộc sống vốn vô cùng phức tạp và đa đoan. Hòa tan và hòa giải bởi duyên đã khéo léo biến thơ thành một tố chất cố hữu của đời sống, với sự tiếp lực trong khả năng gợi cảm của ngôn từ để cuộc sống thăng hoa lên trên những điều tầm thường vụn vặt.

Duyên yêu thích thiên nhiên. Thơ duyên không thiếu những thi ảnh bốn mùa, biết bao nhiêu hoa lá được chị nhắc đến, có cả chim muông, sóc và bướm tụ về. Có lẽ chị thích nhất mùa thu. Thiên nhiên và thơ duyên có sự liên kết chặt chẽ. Nhưng thay vì sử dụng thiên nhiên như một ẩn dụ - như Robert Frost nắm bắt vẻ đẹp chóng qua của tuổi trẻ bằng hình ảnh những chiếc lá đầu mùa sớm tàn, hay như Wordsworth sử dụng hình ảnh của núi tượng trưng cho sự cao cả của ý chí, sự bí ẩn của tiềm thức - duyên chuyện trò thẳng với thiên nhiên như đôi bạn tâm tình:

tháng mười
thu về...
ngơ ngác quá
lá thờ ơ. buồn
mầu vàng. biếc
đất. trời. cho
hàng cây hai bên đường thắp sáng
nến. mùa thu.
(Chiều thu)

Những từ như “ngơ ngác”, “vàng” gợi mở những thi ảnh ước lệ về mùa thu, những câu "... cho/ hàng cây hai bên đường/ thắp sáng/ nến. mùa thu” đã nhân cách hóa mùa thu và tạo dựng một biểu tượng, biểu tượng được tô đậm bằng cách phóng chiếu cảm xúc nội tại ra thế giới ngoại tại.

Thơ duyên phần nhiều là như vậy.

Thơ ca là cái gì vượt qua thế giới hữu hình và có khả năng thấu hiểu được chính chân lý thánh hóa như Baudelaire hay Edgar Allan Poe quan niệm, và kết quả có thể khiến kẻ chưa khai tâm rơi vào cõi sa mù, hỗn mang. Nhưng ở duyên, ta thấy nhà thơ khai thác biểu tượng một cách trong sáng, tự nhiên, ẩn dụ nằm trong chính ngôn ngữ thơ chứ không phải một ảnh tượng hay vật thể trung gian. Do vậy, ta có thể gọi cảm xúc trong thơ duyên là cảm xúc trực quan, nó tinh tuyền và trong mát như nguồn nước suối từ đỉnh núi tuyết, mùa xuân chảy xuống thung lũng đầy cỏ hoa, len lỏi giữa những thác ghềnh, đổ vào hồ Michigan bao la, nơi có ngôi nhà nhỏ bé xinh xinh của chị.

Bởi làm thơ như nói chuyện, qua thơ, duyên thương tiếc bạn bè, người thân yêu đã khuất với niềm xúc động chân tình. Hãy xem duyên thản nhiên tâm tình cùng cố thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn:

kiêu bạc, ngang tàng. quên đi nước mắt
chút mỉa mai đời. quên bớt bi ai
cái chết, bỡn đùa, khi đụng trận
loay hoay, kiếp lạc, tủi. hận đời
số phần mong manh. tim, thổn thức
dịu dàng. đằm thắm. với, yêu thương...
(Thương tiếc đám mây bay)

Với trái tim nhân ái, duyên ngậm ngùi chua xót cho một kiếp người ngang tàng, kiêu bạc, chẳng may sinh vào thời chinh chiến loạn ly, “kiếp lạc, tủi. hận đời”. Tuy vậy, người thi sĩ ấy vẫn “dịu dàng. đằm thắm. với, yêu thương” chứ không lâm vào con đường hủy diệt - hủy diệt tha nhân hay hủy diệt chính mình - như một lối thoát.

Khi viết những câu thơ này, duyên đã không đi ra ngoài lẽ thường tình của con người với bản chất nguyên sơ là tính thiện. Nó là tố chất giữ con người lại với nhau, nó giúp người ta tiếp tục sống còn, và “thân phận con người”, trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù là chiến tranh tàn khốc, cũng sẽ được cứu vãn bởi tình yêu thương.

Nói như vậy, tôi e có người cho rằng quan niệm này ngày nay đã lỗi thời nhất là trong giai đoạn hiện tại khi cuộc sống đầy dẫy những tranh chấp thù ghét và hận thù. Thế nhưng, hãy nhìn tình yêu thương dưới nhiều hình thức khác, nó không hẳn chỉ là mối quan hệ tình cảm thân thiết, mà là sự kết nối sâu sắc chúng ta với người khác, với chính chúng ta và thậm chí với chính cuộc sống. Khi ta cảm thấy được yêu thương hoặc khi ta yêu thương kẻ khác, tình yêu có thể đóng vai trò là nguồn sức mạnh và sự an ủi mạnh mẽ, đặc biệt trong những thời điểm khó khăn. Tình yêu có thể đem lại cho ta điều gì đó để mong đợi, để dựa vào, và cảm giác được gắn kết có ý nghĩa có thể khiến việc đối mặt với những thách thức trở nên đáng giá.

Hơn nữa, tình yêu có thể giúp ta nhìn thấy những khả năng vượt ra ngoài những khó khăn hiện tại của mình. Ngay cả trong những thời điểm đen tối, sự quan tâm và lòng trắc ẩn mà ta trao tặng và nhận lãnh có thể nhắc nhở rằng ta không đơn độc, nó truyền hy vọng mọi thứ có thể cải thiện, có thể được chữa lành và cuộc sống luôn có niềm vui, sự kết nối và khả năng phục hồi.

Tình yêu có một phẩm chất phổ quát được ca ngợi trong suốt mấy nghìn năm lịch sử văn minh loài người, từ Apollonius với Orpheus-Eurydice thời cổ đại cho đến Nguyễn Du với Kim Trọng-Thúy Kiều của thời trung đại và cho đến ngày nay. Thơ ca nhân loại không bao giờ thiếu vắng tình yêu, vì vậy bạn đừng xem nó là lỗi thời. Càng sống trong một môi trường phân hóa bệnh hoạn, ta càng cần có tình yêu thương.

Những câu thơ của duyên đã gợi cho tôi cảm giác ấy.

duyên thích nói chuyện, nhất là nói chuyện với trẻ thơ, với con cháu, và chị cũng hay nói chuyện với sự cô đơn:

sao một người... không đến?
trăng chợt về bên cửa
lơ lửng bay. Chagall
đeo bên cánh phi cơ
ngộ nghĩnh. dễ thương chưa
mầu trăng. trong. buồn quá
trăng treo... một đoạn đời
chợt. ngưng
ở lại thôi
lui dần vào bóng tối
bỏ không gian. mịt mù
(chỉ trăng. có phải trăng?)

Thơ ca và sự cô đơn có mối quan hệ gắn bó sâu sắc. Sự cô đơn/ solitude - không phải cô độc/ aloneness, xin đừng nhầm lẫn - thường là nền tảng cho nhiều tác phẩm thơ ca. Chỉ khi cô đơn ta mới hòa hợp hơn với thế giới nội tâm của mình - suy nghiệm, cảm xúc, ký ức và giấc mơ - cho phép ta tiếp cận những điều sâu thẳm trong tâm hồn, thậm chí những hình ảnh trong tiềm thức hoặc vô thức, mà nếu không thì có thể bị nhận chìm bởi tiếng động ồn ỹ của cuộc sống thường ngày. Trong sự thinh lặng của cô đơn, nhà thơ quán chiếu và tìm thấy không gian để khám phá những chủ đề phức tạp, tinh tế hoặc thậm chí đau đớn.

Bàng bạc trong thơ duyên là sự đối mặt với cô đơn, mặc dù chị đang đứng giữa một trần gian đầy những hình ảnh linh động và sinh động của cuộc sống. Sự cô đơn đã giúp cho ngôn ngữ thơ chị mở ra một thế giới, nơi người đọc có thể chia sẻ cảm giác khi phải đối mặt với bản thân. Nó biến đổi trải nghiệm cô đơn, từ cô lập thành giao cảm, vì người đọc có thể tìm thấy sự đồng điệu trong giọng thơ, có thể khám phá ra sự thật nội tại của chính mình được phản ánh nơi đó. Nói cách khác, nhờ cô đơn, thơ ca bộc phát, và nhờ thơ ca, sự cô đơn được chuyển đổi từ trạng thái đơn độc thành trạng thái kết nối.

Thơ duyên chủ yếu là trữ tình, nó không mang nặng lý tính và lý trí, nó cũng không hàm chứa những suy nghiệm siêu hình, triết học rối mù. Nếu có thì chỉ là những suy nghĩ thông thường về sự hữu hạn của kiếp người, chẳng hạn:

... đời sống không có khởi đầu
nên không có hủy diệt, đâu em...
vòng luân hồi, em đã đến...
người bạn nhỏ, dễ thương
cõi tạm níu giữ em
(em đi. hàng cây trơ trụi lá mùa đông)

Thơ duyên cốt để truyền tải cảm xúc. duyên ưa chuộng những câu thơ ngắn, cú điệu không bình thanh, mà có những nhịp tiết trúc trắc, thêm những dấu chấm phết bất thường và kỹ thuật vắt dòng đột ngột, khiến nhạc tính trong thơ duyên mang nhiều hợp âm chõi. duyên cũng không sử dụng những biện pháp tu từ hoặc tìm tòi, phát minh những từ lạ, mới, vốn rất phổ biến trong dòng thơ Tượng Trưng.

Những bài thơ với câu chữ dài, như kể về một câu chuyện nào đó, rất đời thường, rất mực chân tình mộc mạc, làm tôi nhớ đến thơ của họa sĩ/ thi sĩ Đinh Cường. Có sự tâm đắc nào ở đây giữa hai nhà thơ này, tôi mơ hồ nhận thấy như vậy. Thơ duyên, tuy câu chữ giữ giọng điệu kể chuyện nhiều hơn là thơ với những thuộc tính cố hữu của thơ, nhưng không thể gọi là thơ tự sự, mà vẫn nằm trong khung thơ trữ tình.

Tôi khép lại những trang thơ của duyên với sự an tâm. An tâm vì tôi được thuyết phục rằng đời sống dù giông bão đến đâu - vẫn đáng sống. Bởi nơi đó, ta vẫn tìm thấy tình yêu thương. Thơ vẫn là phương tiện: cứu chuộc cho bất cứ ai tin tưởng vào thơ.

Lê Chiều Giang, người phẫn nộ với chính mình

Tôi từ biệt thế giới thơ duyên đầy hoa bướm với cảm giác an bình, để bước vào thế giới thơ dị thường, dữ dội, đầy phẫn nộ của Lê Chiều Giang.

Sự phẫn nộ trong thơ ca, kỳ thực, không là cái gì mới lạ. Sự phẫn nộ vốn dĩ có sức mạnh chuyển hóa trong thơ ca, chuyển hóa những cảm xúc có vẻ như áp đảo hoặc thậm chí hủy diệt thành một dạng thể biểu đạt mạnh mẽ, tạo thay đổi và có sức cộng hưởng sâu sắc. Trong suốt chiều dài lịch sử, các nhà thơ đã sử dụng sự phẫn nộ để vạch ra những bất công, mất mát, phản bội và đau khổ về cả cá nhân lẫn xã hội. Sự phẫn nộ trong thơ ca có thể phơi bày những phần thô sơ, chưa được chắt lọc, chưng cất của trải nghiệm con người, biến nó thành phương tiện để nói lên sự thật thường dữ dội và trực tiếp.

Các nhà thơ như Sylvia Plath, Langston Hughes, Audre Lorde và Pablo Neruda đã khai thác sự phẫn nộ trong thơ của họ, không chỉ như một phản ứng cảm xúc mà còn là động lực thúc đẩy sự thay đổi và nhận thức. Trong thơ ca, sự phẫn nộ có thể chắt lọc cảm xúc thành ngôn ngữ sắc bén thách thức người đọc, khiến họ rung động - nếu không muốn nói là rúng động hay chấn động - và nhấn mạnh vào sự thừa nhận những vết thương cá nhân hoặc tập thể.

Sự phẫn nộ trong thơ Lê Chiều Giang đã khiến người đọc là tôi phải chấn động, bởi quả thực tôi chưa bao giờ đọc một mạch những bài thơ mà bài nào cũng đầy ắp những nỗi đau đớn uất nghẹn như muốn tung hê mọi thứ, phá tan đập nát cuộc sống, chẳng cần biết hậu quả là gì.

Tôi có thể nói những điều này về thơ Lê Chiều Giang được chăng? Nhưng tôi biết chắc một điều là tôi có thể vay mượn câu nói của thi hào William Wordsworth để nói về thơ chị: “Thơ là sự tràn đầy tự phát của những cảm xúc mãnh liệt”. Chỉ cảm xúc mãnh liệt mới có thể viết những câu thơ như:

Đốt lửa căn nhà trống
Vung vãi tàn tro khắp đất trời. Và
Xóa bàn đi làm lại hết
Ta thả đời ta
Giữa gió bay...
(Đốt nhà)

Cũng... không sợ! Yêu
thêm lần nữa
Có hề chi. Ngã mãi
Sẽ quen...
(Hát với trăng)

“There is nothing to lose”. Như cách nói của người Mỹ ta thường nghe. “Bất cần đời” như thế, nhưng chị chẳng biết nguyên do vì sao, và chị cũng chẳng quan tâm làm gì, chị chỉ thấy như mình mắc nợ, một món nợ mơ hồ như một lời nguyền, nợ trần gian, nợ nhân gian và nợ cả chính mình:

Ta
Muôn đời vẫn thiếu
Nợ trần gian.
Nợ cả nhân gian
Nợ với người lời hứa:
Mãi thuỷ chung.

Thiếu cả chính ta
Một lời...
Nói thật.
(Vỡ nợ)

Biết bị lời nguyền gieo vào mình, chị chỉ biết chịu đựng nỗi đau khổ oan khiên, tìm góc tối mà ẩn thân nhẫn nhục. Nó là sự quy hàng, quy hàng với định mệnh khắc nghiệt, với trò chơi bất công bất xứng của đấng tạo hóa. Nó là cái gì chăng nữa, chị cũng thấy quá mức chịu đựng của mình và chị đành “quăng kiếm, bẻ gươm”.

Khi thất bại
Ta biết vờ đợi chết
Giả nằm im. Nghe
trái đất ngả nghiêng
Quá thấm đòn.
Ta quăng kiếm
Ta bẻ gươm
Cũng biết thân. Ta ngồi im
Góc tối.
(Thiền giả )

Thái độ đầu hàng đó được biểu hiện trong bài thơ nhan đề... “Đầu hàng”, nơi chị thấy nỗi cô đơn và cô độc bao phủ quanh người. Chị sợ cô đơn, sợ cô độc, nhưng loài người đã bỏ chị ra đi hết rồi (hay đã chết hết rồi, theo nhận định có nửa phần hờn dỗi của chị).

Sáng nay ta ra với mặt trời
Như kẻ xa xôi về lại trái đất
Ngó quẩn quanh
Đời
Chẳng thấy ai

Ta gọi hết hơi
Trăm ngàn số lạ
Thiên hạ nơi đâu?
Đã
... Chết hết rồi
(Đầu hàng)

Từ thái độ đầu hàng đến tâm trạng tuyệt vọng chỉ là một khoảng cách cận kề, và tự động, cái chết được nhắc đến:

Nhưng ta biết hết
Xa nơi tối tăm
Là nơi thế nào rồi ta cũng đến
Là nơi.
Chúng ta chẳng bao giờ hẹn
Là nơi
Đã sẵn cho một chỗ nằm
(Lâm chung)

Cảm giác cô đơn và cô độc cùng cực khiến tám tỉ con người mười sáu tỉ con ngươi nhìn “ta” với ánh mắt dửng dưng. “Ta” đâm ra hoài nghi, “ta” trở nên kiêu bạc và “ta” đành chỉ biết “tưới rượu đầy thơ”:

Ta tưới rượu đầy thơ. Nhưng
Uống toàn nước lã
Nghe trăm lời yêu thương
Chẳng biết đâu
Chân.
Giả.
Như nụ hoa sớm mai
Vừa rơi vừa muốn nở
Ta nhận sao ra
Trong tám tỷ con người
Ánh mắt ai nhìn?
Mười sáu tỷ con ngươi
Oán ghét
Thương yêu
Và có khi
Tĩnh lặng.
(Tửu lượng)

Trong phút giây điên loạn, “ta” chỉ muốn tung hê tất cả, chẳng có gì khiến “ta” phải ngập ngừng, đắn đo. Tất cả đã không còn. Có gì lưu luyến “ta” nữa đâu. Có gì phải thương tiếc nữa đâu. “Ta” chỉ có cách bỏ đi không hẹn ngày trở lại:

Cánh cửa
Sầm. Đóng lại
Chìa khóa? Quăng lên trời.
Ta.
Bước chân phiêu bạt
Tay không,
bầy cuộc chơi.

Lưu linh?
Ờ, lưu linh
Tản Đà?... Ta chấp hết !
Cafe?
Dạ, Khổng Tử
Ngàn ly, chưa thấm tháp
(Bỏ nhà)

“Bỏ nhà” đi, chưa đủ ư? Thì “ta” “đốt nhà”:

Bới tung.
Từng góc nhà
Xó bếp
Tay nâng niu những tháng ngày xưa
bao năm?
Mà như thiên cổ
Nhà ơi.
Giữ lại giùm ta những gió mưa

Giữ lại giùm ta
Ngàn tiếng nói
Âm vang nào chôn giấu, đã lâu
Tiếng thét to, đôi lần tuyệt vọng
Những cười khan.
Những khóc giấu.
Những đêm dài.
(Đốt nhà)

Hầu như tất cả những bài thơ của Lê Chiều Giang trong tuyển thơ này đều mang một giọng điệu tuyệt vọng như thế. Nó như tiếng kêu thất thanh của một tâm hồn bị bỏ quên, bị tách ly hoàn toàn với cuộc sống, chới với bấp bênh bên bờ hố thẳm của đổ vỡ và hoang tàn.

Thực chất, tuyệt vọng là một chủ đề mạnh mẽ và phức tạp trong thơ ca. Nó thường thể hiện những cảm xúc mãnh liệt về nỗi khao khát, bất lực và nhu cầu sâu sắc về sự thay đổi, tình yêu hoặc sự trốn thoát. Các nhà thơ sử dụng nó để thể hiện những phần đen tối và dễ bị tổn thương nhất của trải nghiệm con người, ghi lại những khoảnh khắc hy vọng tan biến và tất cả còn lại chỉ là những cảm xúc thô nhám, sần sùi. Đấy là thơ Lê Chiều Giang.

Tương tự Emily Dickinson, Lê Chiều Giang thường sử dụng sự tuyệt vọng trong các bài thơ của mình để truyền tải cảm giác cô lập sâu sắc và cái chết không thể tránh khỏi. Những bài thơ về nỗi đau buồn và mất mát thường mang lại cảm giác tuyệt vọng vì chúng đối mặt với những cảm xúc khó có thể hòa giải hoặc không thể tìm ra ngõ thoát.

Trong lịch sử thơ ca nhân loại, tình yêu tuyệt vọng đã chép kín các trang thơ, từ những bài sonnet của Shakespeare đến thơ tình của Pablo Neruda. Thơ Lê Chiều Giang không đi ra ngoài khuôn khổ đó, và chị đã thể hiện nó bằng một ngôn từ trực cảm, đôi khi lập dị sỗ sàng, không bóng bẩy, không rào đón, không ám chỉ. Và trong tất cả những bài thơ của chị đều có chữ “ta” làm chủ từ. Điều đó cho thấy chị không nói về ai khác, chị không vay mượn thơ ca để nói về nỗi đau, cảm giác bất an, bất toàn của người khác, hay của con người nói chung. Chị nói về chính chị.

Sự tuyệt vọng trong thơ Lê Chiều Giang thường dẫn đến những hỗn loạn về tinh thần và cảm xúc. Sự hỗn loạn lại dẫn đến sự điên loạn - bỏ nhà, đốt nhà - và thái độ kiêu bạc, “bất cần đời” với nhân sinh. Hình ảnh và ngôn ngữ trong thơ Lê Chiều Giang, do đó, sống động và thường hỗn loạn để truyền tải sự tuyệt vọng. Câu chữ trong thơ thường ngắn cụt, phân mảnh, rời rạc, vắt dòng bất thường, như thể hình thức phụ chú cho nội dung. Các ẩn dụ liên quan đến bóng tối, hoặc các hành vi trốn tránh, tung hê, phó mặc, giúp diễn tả cảm giác đó.

Ở chừng mực nào đó, ta có thể hiểu thơ Lê Chiều Giang là sự xung đột giữa con người đi tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống với một thế giới dửng dưng đến độ tê liệt. Mỗi con người sống trong tổ kén của mình. Sự tách ly, sự xa lạ (có thể quay về đọc L'étranger của Albert Camus để hiểu thêm về sự xa lạ này) là một thuộc tính phi lý nhưng rất thật của đời sống con người.

Nếu quả như thế thì có thể gọi thơ Lê Chiều Giang là thơ triết học hiện sinh phi lý được chăng?

Triết học hiện sinh phi lý của Albert Camus được giới thiệu trong văn luận nổi tiếng Huyền thoại Sisyphus viết năm 1942 trong khi Thế chiến Thứ hai đang tàn phá tan hoang châu Âu của ông, trong đó Camus vật lộn với những câu hỏi cơ bản: Nếu cuộc sống không có ý nghĩa cố hữu, thì mục đích của cuộc sống là gì? Ta phải phản ứng với sự phi lý như thế nào?

Camus lập luận rằng sự phi lý nảy sinh từ xung đột giữa khát vọng trong đời sống chúng ta về sự rõ ràng, trật tự và phải có ý nghĩa với bản chất im lặng, thờ ơ của thế giới. Ông gợi ý rằng, thay vì đi vào chủ nghĩa hư vô hoặc chấp nhận thái độ cam chịu, chúng ta có thể đối mặt với sự phi lý bằng cách chấp nhận nó. Camus khẳng định rằng việc cuộc sống thiếu ý nghĩa khách quan không bắt buộc ta phải tuyệt vọng mà thay vào đó, nó mời gọi ta hãy sống trọn vẹn bất chấp chính sự phi lý đó. Một ẩn dụ cốt lõi mà Camus sử dụng để minh họa cho triết học này là huyền thoại Hy Lạp về Sisyphus. Sisyphus bị các vị thần kết án phải lăn một tảng đá lên đồi chỉ để nhìn nó lăn xuống, và phải lặp lại công việc khổ cực nhàm chán này mãi mãi, y như cuộc sống của ta hằng ngày. Camus diễn giải Sisyphus như một biểu tượng cho sức phục hồi của con người, hiện thân cho người anh hùng phi lý chấp nhận sự vô ích của nhiệm vụ nhưng vẫn kiên trì. Theo cách này, Camus đã kết luận với diễn ngôn nổi tiếng: “Người ta phải tưởng tượng Sisyphus có hạnh phúc”.

Chủ nghĩa hiện sinh phi lý của Camus không phải là sự thụ động hay bi quan mà là việc thừa nhận những điều không chắc chắn và mâu thuẫn cố hữu của cuộc sống. Ông ủng hộ một cuộc sống trong khoảnh khắc, nắm lấy tự do, đam mê và nổi loạn như những hình thức chống lại phi lý. Theo quan điểm của Camus, phản ứng thích hợp đối với sự phi lý là hãy sống cho có mục đích và mãnh liệt, tạo ra ý nghĩa của riêng ta trong một vũ trụ không có ý nghĩa nào.

Với dòng suy nghĩ đó, tôi tạm biệt những trang thơ Lê Chiều Giang với một cảm giác bất an, mặc dù tôi biết thơ của chị là “sự sống trong khoảnh khắc, nắm lấy tự do, đam mê và nổi loạn như những hình thức chống lại phi lý.” Thơ chị, lẽ tất nhiên, vì là thơ nên không vạch rõ cho tôi biết con đường giải thoát khỏi sự phi lý là gì. Tôi không bao giờ kỳ vọng điều đó trong thơ ca. Song, thốt nhiên, le lói bên cạnh sự tuyệt vọng tràn ứ, tôi bỗng thấy lấp lánh một tia nắng mong manh của hy vọng và của khát vọng:

Dốc hết giang san
Một môi cười
Thế giới?
Nhỏ.
Như vài chiếc lá
Giật mình. Ta
Chắc phải...Yêu thôi
(Liều mạng)

Những câu thơ cuối của Lê Chiều Giang trước khi sang trang giúp tôi có cái nhìn lạc quan hơn chút xíu về cuộc sống này. Và rất may, ta có tình yêu để hy vọng. Hy vọng cái gì thì thú thật với bạn, tôi không biết.

Nguyễn Thị Khánh Minh, người canh thức những giấc mơ

Thơ Nguyễn Thị Khánh Minh bao nhiêu năm rồi vẫn như thế, thi ngôn nền nã, tinh tế, sáng đẹp, thi tứ trữ tình, lãng mạn, đậm buồn, giàu thi ảnh, tràn đầy cảm xúc, và luôn luôn có những biến ảo lạ lùng trong ngôn từ khiến thơ như chắp cánh bay cao và bay xa trong những chiều kích khôn cùng.

Trước khi đặt chân vào cõi thơ mênh mông của Nguyễn Thị Khánh Minh, xin cho tôi giở lại một bài thơ chị làm riêng tặng tôi (một vinh dự không nhỏ đối với tôi), và có xuất hiện trong tuyển thơ này, bài thơ nhan đề Phố Rất Xa.

Với cái nhan đề như thế, hiển nhiên, nhà thơ muốn nói về miền đất quê hương của quá khứ, xa lắm rồi, bây giờ chỉ còn mơ hồ hiện về trong tâm tưởng những lúc ngồi cô độc nhìn mảnh trăng non vừa nhú. Thế nhưng suốt bài thơ, tôi không thấy Nguyễn Thị Khánh Minh nhắc gì về mảnh đất xa xôi ấy, tuyệt đối không, một dấu vết mờ nhạt cũng không thấy, mà chỉ là nỗi buồn nhẹ nhàng nhưng sâu thẳm của một tâm cảnh trong lúc nhìn trăng lên.

Phải chăng đấy cũng là tâm cảnh từ một tứ thơ sầu vạn cổ, “Cử đầu vọng minh nguyệt, Đê đầu tư cố hương?” Nhưng câu chữ của Nguyễn Thị Khánh Minh ở bài thơ này đã làm người đọc bàng hoàng khi nghiệm ra cái tứ thơ sầu vạn cổ ấy ở bất cứ thời-gian-không-gian nào cũng khiến con người có cơ hội sống thật với hiện thể và bản thể của hắn.

Ngọn cỏ xanh bên bờ mới mọc
Đêm buồn như có ai đang khóc
Tôi ngồi cong mảnh trăng non

Làm sao có thể cảm nhận được hiệu ứng của từ “cong” trong câu thơ? Như được phả bùa phép, cảm xúc từ câu thơ như được đẩy tới một biên vực mới. Tôi ngồi cong người nhìn trăng, hay trăng thượng huyền cong cong nhìn tôi? Có lẽ chẳng cần thiết phải biện biệt như thế, bởi cái nhị đối đã biến thành cái nhất nguyên và tôi đã tìm về cái tôi trong suốt.

Hai bóng lạ chìm nhau cô quạnh
Cúi xuống một hồn trôi ảo ảnh
Kéo về đâu tôi bốn phía đêm

Lý Bạch ngày xưa “Ngửng đầu nhìn trăng sáng/ Cúi đầu nhớ cố hương”, Nguyễn Thị Khánh Minh ngày nay “Cúi xuống một hồn trôi ảo ảnh/ Kéo về đâu tôi bốn phía đêm”. Cách nhau hơn nghìn năm, nhưng hiện thể uyên nguyên là một.

Thế rồi, cái hình tượng tôi-cong-trăng-cong ấy tan vỡ dưới thềm nhà biến thành những “miểng trăng im”.

Giật mình trong cây ồn ào lá mớ
Mơ rất nhẹ mà hồ như tiếng vỡ
Vỡ trên thềm những miểng trăng im

Từ một hình tượng tương đối bi sầu nhưng không mấy bi thảm, chữ “miểng” của khổ thơ trên đã khiến tâm cảnh biến đổi bất ngờ. Chua xót. Đau đớn. Ánh trăng tan vỡ trên thềm biến thành những ký ức hãi hùng, những cảnh đời tưởng như chỉ có trong ác mộng! Chỉ một từ mà có thể thay đổi toàn diện tâm cảnh của câu thơ. Đó chính là sự ảo diệu trong thơ Nguyễn Thị Khánh Minh. Bài thơ có hơi thở và sức mạnh thẩm thấu tâm hồn người đọc ở cường độ mạnh mẽ nhất.

Nguyễn Thị Khánh Minh làm thơ để bộc lộ những giấc mơ của mình, nhưng đấy không phải những giấc mơ trôi ra từ tiềm thức hay vô thức của thi sĩ Siêu thực mà là những ước mơ chân thành của một tâm hồn yếu đuối nhưng hết sức tha thiết với cuộc sống và với tha nhân. Bài thơ Khoảnh Khắc Giấc Mơ là một bài thơ xuôi (được chị gọi là tản văn thi) nói lên những ước vọng của chị cho một quê hương, một đời sống, một thế giới yên bình chan hòa tình yêu thương và hạnh phúc.

Bài thơ như một khúc kinh cầu, chị như đang nói chuyện với đấng thiêng liêng. Vâng, nó là lời nguyện cầu bởi chị chỉ là một linh hồn, một cá thể yếu đuối chới với níu vào hy vọng mà sống trong một thế giới đầy dẫy bão tố hãi hùng và chông gai trắc trở. Chị ước ao “Mầu xanh phủ hết tai ương cho con người và trái đất chan hòa nương tựa...” cho chị chắp đôi cánh “bay về miền đồng lúa chín vàng...”; cho chị “thắp ánh sáng của sao hôm không có nước mắt chiều phai, của sao mai hẹn về khung trời đang mở nắng...” hay “treo trước cửa sổ phòng người tiếng hót một loài chim sớm đánh thức ngày vui. Tôi sẽ kéo tấm rèm chở che một điều đang bắt đầu trong khép lại một ngày ơn phước...

Những ước mơ tưởng tầm thường, nhưng với những thân phận con người bị nhận chìm dưới tai ương của kiếp nạn nhân sinh, thì những ước mơ đó trở thành khát vọng cấp bách, và chỉ nào tất cả chúng ta đều có chung một khát vọng như chị thì “khoảnh khắc giấc mơ” ấy của chị mới “thực sống”, cho “trái tim vẫn hoài đập trong khoảnh khắc của giấc mơ...

Khoảnh Khắc Giấc Mơ là một bài thơ đa chiều kích. Từ những giấc mơ, nó cùng lúc vẽ lên thân phận con người trong cuộc bể dâu nhiễu loạn. Từ một cá thể nhỏ nhoi, một tâm hồn yếu đuối và cô độc, nó chỉ có thể thắp lên ngọn nến nguyện cầu. Và hy vọng. Hy vọng vào tình yêu thương. Tình yêu thương sẽ cho chúng ta “theo con sông nhỏ về biển xanh” nơi “phương Đông ấm một mặt trời...” Và, “... trong mùa thơ quyến dụ ấy với ngôn ngữ tình nhân. Ngôn ngữ tôi nghe một lần trong xứ sở chiêm bao.

Đấy là Nguyễn Thị Khánh Minh với những giấc mơ của chị. Những giấc mơ mong manh, dễ vỡ. Và bởi thế chị rất sợ chúng bị bóng tối hút vào, mất tăm:

Hãy nhìn em cho em thấy ánh nắng
em sợ
Bóng tối sẽ nuốt chửng những giấc mơ
(Nói nhỏ)

Đọc thơ Nguyễn Thị Khánh Minh là chìm đắm trong một khu vườn chữ nghĩa óng ả, nhiệm mầu, sáng lấp lánh như những chuỗi ngọc. Chị không phát minh nhiều từ mới như các nhà thơ Tượng trưng, nhưng các từ trong thơ nằm cạnh nhau thân thiết như đàn chim thiên di rủ nhau xuôi nam tìm nắng ấm. Chữ nghĩa đẹp, gợi cảm, như có ma lực làm say đắm lòng người đọc. Chị sử dụng phép hoán dụ rất tài tình trong thơ, điều đó càng làm tăng sự phong phú và gợi cảm. Mặt dệt của chữ nghĩa lóng lánh như hoa gấm, ý tứ tuy kín đáo, thâm trầm nhưng nồng nàn hơi thở.

Nhưng để viết được những câu thơ như thế, chị đã phải trải qua nhiều chặng đường gian truân nhiều nước mắt:

Nỗi đau
Phản xạ thành chữ
Những con chữ. Cứ thế
Bóc dần từ tôi những hạt lệ

Chẳng phải như con ruồi giả - người ta có thể câu được cá
Chữ - nằm gai nếm mật -
Nên lời
(Chữ thơ)

Dù vậy, chị vẫn thấy bất an với những con chữ của mình. Chữ nghĩa chị không đủ nói lên tất cả những đau đớn của phận người chăng? Chúng chỉ là “những con chữ đói” cùng “bầy ý nghĩ tử thi”, và chị hoang mang:

Khi viết xong bài thơ
Đôi khi. Tôi khóc
Có phải vì lời đã nói về nước mắt
Trong lòng đêm ma mị
Lạc giữa bài thơ
Ngu ngơ. Như vừa bị cắp đi. Những chữ
Mộng giữa bài thơ
Nghe mình lam nham nói mớ
Thức giấc cùng bài thơ
Tôi và chữ giật mình
Bay bay. Cao cao. Rồi vỡ
(Phút mong manh giữa những từ)

Nhưng rồi chị cảm thấy tự an ủi vì ít nhất chị cũng gặt hái được một phần nhỏ nhoi của giấc mơ:

Sau một vụ mùa
Tôi chỉ đem về được đôi ba hạt lúa chín
Chút mầu vàng của nó lấp lánh trên tay
Làm tôi đã vô cùng sung sướng
Tôi đã tắm đã hưởng
Tất cả những ngọt ngào mát mẻ của con sông
(Phút mong manh giữa những từ)

Thơ Nguyễn Thị Khánh Minh va chạm đến những chủ đề về nhân sinh và thân phận con người trong cuộc sống trắc trở bấp bênh. Nhưng chị không bao giờ tuyệt vọng. Tuy có lúc chị trốn vào giấc mơ tìm sự an ủi, nhưng niềm hy vọng không bao giờ tắt nắng trong ý thức chị, và niềm hy vọng ấy chị ấp ủ trong niềm tin, niềm tin khắc đậm vào lòng yêu thương:

Người đem theo nụ cười
Đốt phong long quỷ tối
Đêm nở nụ cười hoa
Ô. một vì sao xa
Vừa mở trời. Dẫn lối...
(Có vì sao mới mọc)

Và, chị vẫn ngồi chờ, chờ sự hồi sinh, sự nẩy mầm cho những tiếng reo vui một ngày sau đêm khuya:

Trong tiếng thở dài hút khuya trong tiếng reo mầm vui đang nhú. Tôi vẫn chờ, chắc sẽ không lâu...
(Bầy lá non thở dài trong đêm)

Chị chẳng khác gì Sisyphus, lăn tảng đá lên núi chỉ để nhìn nó lăn xuống. Miên viễn:

Tôi nhóm lên một ngọn lửa
Gió thổi tắt đi

Tôi nhóm lên một ngọn lửa nữa
Gió lại thổi tắt đi

Nhưng, khác với Sisyphus, chị mừng rỡ khi ngọn gió không thổi tắt ngọn lửa mà tiếp hơi cho nó bùng lên:

Khi tôi không còn hy vọng
Thì gió
Lại làm những que tàn kia bắt lửa...
(Hy vọng)

Nguyễn Thị Khánh Minh, một người kinh qua nhiều khổ nạn, giọt lệ từng rơi, chứng kiến biết bao biển dâu dời đổi, nhưng tâm tư vẫn tĩnh lặng, tinh khiết, tính cách vẫn đằm thắm, nền nã, dịu dàng. Thơ chị là niềm tin son sắt vào lòng yêu thương, và do vậy chị vẫn chắt chiu nuôi nấng hy vọng sau những kiếp nạn nhân sinh và dông bão cuộc đời.

Bạn có thể xem chuyện đó chẳng có chi ghê gớm. Hy vọng thì ai chẳng làm được, nhưng liệu nó có thay đổi được cái gì không?

Nếu bạn là nhà hoạt động thì bạn có thể biến hy vọng của mình thành hiện thực qua các công việc tích cực cho nhân quần. Nhưng Nguyễn Thị Khánh Minh là một nhà thơ, và hy vọng trong thơ thường được miêu tả như một sức mạnh có khả năng biến đổi, một chủ đề có tiếng vang sâu sắc qua mọi thời đại, văn hóa. Các nhà thơ sử dụng hy vọng để phản ánh khả năng phục hồi và thay đổi trong nghịch cảnh, để cân bằng sự tuyệt vọng, và thường miêu tả nó như một tia sáng trong thời kỳ đen tối. Câu nói nổi tiếng của nữ sĩ Emily Dickinson “Hope is the thing with feathers/ Hy vọng là thứ có lông cánh” đã nắm bắt hy vọng như một cái gì đó mong manh nhưng bền bỉ, một sức mạnh có thể nâng đỡ con người trong những hoàn cảnh khó khăn.

Bài thơ nhan đề Hy vọng của Nguyễn Thị Khánh Minh chấm dứt tuyển thơ đã tiếp sức cho tôi tin tưởng vào niềm hy vọng đó.

Quả táo vàng

Giữa ba nhà thơ nữ của chúng ta: duyên, Lê Chiều Giang và Nguyễn Thị Khánh Minh, tôi biết trao quả táo vàng cho ai đây?

Bạn biết truyền thuyết quả táo vàng không? Nếu không, tôi sẽ hầu bạn kể câu chuyện thần thoại Hy Lạp này.

Trên đỉnh núi Olympus có ba vị nữ thần bất tử xinh đẹp: Aphrodite, Hera và Athena, và bởi bất tử nên họ trẻ đẹp mãi, không bao giờ già xấu. Một hôm họ hỏi Zeus: trong ba người ai là người đẹp nhất. Zeus là Thiên vương, chúa của muôn loài, nhưng là một lão già sợ vợ và mê gái - sợ Hera, vợ mình, phật lòng, nhưng cũng không muốn mình là người làm buồn tủi hai nữ thần xinh đẹp kia - bèn xúi ba vị nữ thần cầm quả táo vàng của Iris xuống trần gian nhờ Paris thẩm định giùm. Ai được Paris trao quả táo vàng, người đó sẽ là nữ thần đẹp nhất trên trời, dưới đất, dưới biển và cả dưới âm phủ nữa. Paris là hoàng tử con vua Priam thành Troy, lúc đó bị đày đi chăn cừu ở núi Ida. Paris nổi tiếng có tài thẩm định nhan sắc phụ nữ, nhưng trước mặt ba vị nữ thần dung mạo tuyệt vời đó, chàng đã vô cùng lúng túng không biết chọn ai vì ai cũng đẹp như... tiên nữ. Thế là, ba vị nữ thần bèn tìm cách gạ gẫm hối lộ chàng để chàng trao quả táo vàng cho mình. Hera hứa hẹn sẽ dựng chàng làm chúa tể cả Âu lẫn Á châu. Athena bảo sẽ đưa chàng lên thống lĩnh quân đội thành Troy để chiến thắng Hy Lạp. Và Aphrodite thì hứa gả nàng Helen nổi tiếng xinh đẹp cho chàng. Cuối cùng, Paris, vốn yếu đuối và có chút hèn nhát trong người, đã trao quả táo vàng cho Aphrodite để lấy Helen làm vợ. Nàng Helen lúc đó đang là vợ vua Menelaus của Hy Lạp. Thế là nổ ra cuộc chiến tranh đòi vợ kéo dài suốt 10 năm trời, không biết bao nhiêu vạn sinh linh chết oan uổng, và chỉ kết thúc khi phe Hy Lạp lập mưu kế làm con ngựa gỗ khổng lồ, binh lính nấp bên trong cho người thành Troy kéo vào thành, đoạn thừa lúc nửa đêm túa ra đốt thành Troy thành tro bụi...

Đấy là câu chuyện quả táo vàng của Paris, nhưng bạn ơi, tôi không dại dột bắt chước Paris đâu. Mà sự thật là tôi chẳng có quả táo vàng nào trong tay, muốn trao cũng không được. Nếu có trong tay ba quả táo vàng thì chắc tôi sẽ bớt khó xử hơn. Nhưng dù sao chăng nữa, trao hay không trao, tôi vẫn được đọc thơ của ba người. Họ là những người chung thủy với nghệ thuật của mình. Mỗi người một tâm hồn, một thi pháp, một trải nghiệm, trải nghiệm trong đời sống cũng như văn chương, không ai giống ai. Nhưng họ cùng nhìn vào đời sống với con mắt của nhà thơ. Thơ họ không có tham vọng đổi thay xã hội nhân sinh, họ làm thơ chỉ vì họ muốn nói điều gì đó, mà sau khi mọi chuyện ồn ỹ lắng đọng vào cuối ngày, chỉ để lại chút niềm vui nho nhỏ trong lòng người làm thơ và người đọc thơ. Nó giúp trái tim họ đập cùng một nhịp với thiên nhiên, với người bạn đồng hành, và với chúng ta, những người yêu mến họ.

Tôi nghĩ rằng chỉ chừng đó thôi đã đủ cho chúng ta hân hoan đón thơ của họ trong tuyển thơ này.

Trịnh Y Thư
Tiết lập đông, năm Giáp Thìn, 2024 DL

oOo

Thơ trích từ
“thơ duyên – Lê Chiều Giang – Nguyễn Thị Khánh Minh”

duyên

chuyện cổ tích

    – gửi các thi sĩ...
    – riêng đến Mary, đoá hoa dại. bên bờ suối.
 

Bạn gửi bài thơ, Hoa Mùa Cổ Tích.*
hoa Muguet, hoa chuông hạnh phúc.
đem tôi về những ngày xưa. cũ
ngày mộng mơ, nuôi nấng trái tim…

Kể cho bạn nghe về Mary
người hàng xóm cũ, rất dễ thương
chúng tôi chia nhau bầu trời có cây. cao ngất
hoa dại nhiều, hoang dã. dưới lùm cây
có dòng suối nhỏ mang tên Buck Creek
uốn lượn quanh co, qua khu rừng nhỏ
nơi hoa liên tiếp nở, đến độ Đông về

Mary, người không có tuổi
lãng mạn, yêu đời, kiếp nàng thơ
thường rảo bước trong rừng, sáng tinh mơ
góp nhặt những đóa hoa
nở trong sương sớm, gom thành bó nhỏ
đẹp, thật thà. dành tặng tôi, vào sáng bình minh…

Ngày đó, tên những loài hoa dại
buttercup, muguet, jack in the pulpit
silver dollar, trilium, violet, wild geranium
còn xa lạ…
tôi học tên loài hoa, qua những bó hoa
đến, từ khu rừng nhỏ.

Hơn hai mươi năm, xa xóm cũ
tôi ở nơi này, Buck Creek cũng lượn qua
nay bạn nhắc đến tên, hoa mùa cổ tích
kỷ niệm cũ bỗng uà về, như giấc mơ…
có Mary đứng trước hiên nhà buổi sáng
nắng bình minh nhẩy múa sau lưng
bó hoa dại trên tay, miệng cười xinh xắn
đôi mắt long lanh, cất tiếng chào.

Lâu lắm tôi chưa về qua xóm cũ
lâu lắm rồi, chưa gặp lại Mary
có lẽ, tôi sẽ về qua xóm cũ…
tìm lại Mary, tìm lại nụ cười
hay cứ thả đóa hoa vào giòng suối
chờ người năm cũ
vớt cánh hoa…

5. 2015

* Hoa mùa cổ tích, thơ Nguyễn Thị Khánh Minh

 

Có một dòng sông

    – Viết cho anh Dũng, tháng Tư buồn
 

đêm qua. trong trí nhớ
recite một bài thơ. buồn…
chìm vào giấc ngủ
nhủ lòng mình, sáng dậy
chép bài thơ.

trí nhớ mập mờ
dẫn tôi đi…xa lắm
đầu óc trắng tinh
trở lại với mình
tinh khôi. ngày đó…

có dòng sông xưa. bàng bạc
cuối con đường
có con đò nhỏ, ít người qua
bên này sông là thành phố nhỏ
bên kia, làng quê
dân chơn chất, hiền hoà
đất mênh mông…
không hiện hữu. một số nhà*
người lái đò
thuỷ chung. không bắc cầu
nối hai đời sống
một thành thị. một thôn quê
một dòng sông. một con đò…
và một cuộc chiến, không xa.

một ngày kia, có tôi
đáp chuyến đò, trưa
tìm đến ngôi nhà. không có số*
vách trống. yên bình
khu vườn rộng. bao la
cha mẹ hiền
và một người em gái nhỏ
báo tin buồn
anh D vừa tử trận, hôm qua.
anh ra trường. mới đeo lon chuẩn uý
không hiểu sao. khi anh C mất
anh được phép về
qua nhà tôi thắp nhang
cúi đầu, cầm nước mắt
giận chiến tranh tương tàn
cướp đi nhiều sinh mạng
cả anh C thân yêu
người, anh hằng quí mến
có ngờ đâu…
giờ. lại chính mình
giã từ cuộc chiến.

hỡi dòng sông
tự bao giờ
đã ngập tràn nước mắt
anh đi rồi
sông buồn. giữ lại. bóng hình anh…

nói gì. với gia đình anh
tôi không nhớ rõ
làm sao. tôi qua được chuyến đò
trở về. thành phố nhỏ
…như người lái đò
tôi để lại. bên kia sông
những khuôn mặt. nát lòng…

có một ngày thật buồn
trên chuyến đò ngang
cụm mây ngỡ ngàng
soi mình trong dòng sông
đã nhuốm mầu nước mắt
trí nhớ tôi. buồn…
trắng. mầu mây trắng…

(Michigan, 29.4.2017)

* Gia đình anh Dũng ở xã Hoá An, bên kia sông Đồng Nai.  anh học giỏi, cựu h.s. Ngô Quyền (k3), sinh viên Khoa Học MGP. Anh rớt đại học một năm, vào Thủ Đức. khi nhập ngũ, anh mượn địa chỉ nhà tôi cho dễ liên lạc. Khi anh mất, người lính tìm đến nhà, chúng tôi phải đưa ông qua bên kia sông để báo tin buồn cho  gia đình anh.

 

good morning, em

tiếng còi tầu oa oa…
sớm rạng đông
đưa bà qua nhiều cánh đồng vắng vẻ
vài sân ga nhỏ. yên ắng. sớm Đông
tất cả. bình minh quá!
chưa nhuốm ưu phiền, một ngày sắp đến.

qua những vườn cây cảnh
những chậu hoa, xếp hàng thẳng tắp
chờ đợi mùa xuân
lướt qua những khu rừng white birch
thân cây mầu trắng. đẹp
ảnh Ansel Adams
và những rừng thông. evergreen
hứa hẹn một ngày mới, an lành
mới tinh. như em
mai, vừa tròn một tháng.

hôm nay đâu phải ngày rằm
trăng lúc ẩn. hiện
theo chân bà, buổi sáng
bên cửa sổ
đàn chim. xếp hàng thật đẹp
cũng bay theo…
tuyết trắng. sáng rực rừng cây xám
hiện ra những cây con, chưa rụng lá
ẩn nấp dưới tàng cây mẹ
đang chờ đón mùa xuân.

tiếng còi tầu oa oa…
kéo dài hơn trước
báo hiệu một thành phố mới, sắp qua…
bà lại gần em, thêm chút nữa…
đàn chim xoải cánh, sà xuống cánh rừng thưa
tìm thức ăn còn sót lại, cuối đông.

con suối nhỏ, cặp thiên nga bơi lội
nước vừa tan băng, trong veo. mùa xuân
rừng đã thưa dần
trăng vẫn theo…
Chicago. chắc không còn xa lắm
tiếng còi tầu nhỏ hơn. dài hơn. qua đường phố rộng
cao ốc đã hiện ra, lúc một rõ ràng
trăng vẫy chào từ giã
tiếng oa oa…
nhỏ. nhẹ. êm dần
từ lúc nào…
bà đã được nghe tiếng oa oa…em.

buổi sáng
còn nguyên trên thành phố mới.

good morning, em!

03.11.2015
ngày ViVi đầy tháng

* * *

LÊ CHIỀU GIANG

vỡ nợ

Thôi. Chán quá
Ta về làm thi sĩ
Ủ trong thơ là
Ánh lửa triền miên
Nếu chán hơn
Ta sẽ thành họa sĩ
Vẽ lên trời bóng tối của vầng trăng
Và. Sao nữa?
Ta ngàn năm vẫn thế
Cứ khơi khơi
Cứ bương bướng với đời
Buồn ngang xương. Để
Thất thoát niềm vui
Tìm nghĩa lý trong điều
Không ai hiểu.

Và như thế. Ta
Muôn đời vẫn thiếu
Nợ trần gian. Và
Nợ cả nhân gian
Nợ với người lời hứa:
Mãi thuỷ chung.

Thiếu cả chính ta
Một lời…
Nói thật

 

đốt nhà

Bới tung.
Từng góc nhà
Xó bếp
Tay nâng niu những tháng ngày xưa
Có bao năm?
Mà như thiên cổ
Nhà ơi.
Giữ lại dùm ta những gió mưa

Giữ lại dùm ta
Ngàn tiếng nói
Âm vang nào chôn giấu, đã lâu
Tiếng thét to, đôi lần tuyệt vọng
Những cười khan.
Những khóc giấu.
Những đêm dài.

Ra đi
Đốt lửa căn nhà trống
Vung vãi tàn tro
Khắp đất trời. Và
Xóa bàn đi làm lại hết
Ta thả đời ta. Giữa
gió bay.

 

* * *

NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH

phút mong manh giữa những từ

Khi viết xong bài thơ
Đôi khi. Tôi khóc
Có phải vì lời đã nói về nước mắt
Trong lòng đêm ma mị

Lạc giữa bài thơ
Ngu ngơ. Như vừa bị cắp đi. Những chữ
Mộng giữa bài thơ
Nghe mình lam nham nói mớ
Thức giấc cùng bài thơ
Tôi và chữ giật mình
Bay bay. Cao cao. Rồi vỡ

Khi viết xong bài thơ
Tôi thường hay xóa
Dường như tôi sợ bóng tôi
Giãy chết giữa những con chữ đói
Bầy ý nghĩ tử thi
Làm tôi buồn như vừa đưa ai về huyệt mộ

Khi chấm hết bài thơ
Tôi hụt hẫng. Như chưa thể xong lời
Khó mà thoát khỏi sự cám dỗ
Tôi mải miết
Điều gì sau dấu chấm hết một bài thơ?

Sau một vụ mùa
Tôi chỉ đem về được đôi ba hạt lúa chín
Chút mầu vàng của nó lấp lánh trên tay
Làm tôi đã vô cùng sung sướng
Tôi đã tắm đã hưởng
Tất cả những ngọt ngào mát mẻ của con sông
Và dẫu tôi không mang về một hạt nước nào của nó
Nhưng làn da tôi thì mãi còn dư âm cái trườn mình của dòng chảy

Bài thơ hoàn tất. Là một điểm hẹn quyến rũ
Nhưng phút mong manh giữa những từ
Là lúc đóa hoa đang nở. Đang tỏa hương
Tôi có gì đâu phải vội

 

đêm

Phương đông im như ai vừa sập cửa
Ngày oằn vai cõng tối. Nắng theo đi
Để lại một trời đêm chết đứng

Sao tắt hồn rơi không lưới đựng
Từng bầy gió nhỏ khóc đưa tang
Vành môi khô trăng buồn neo lưng ốm

Đường mờ sương hút từng con bóng chạy
Khuya nằm ngất lịm mớ chiêm bao
Nghe xa lắm tiếng ngày đi run rẩy

Đàn cỏ ồn mầm xanh khua bóng tối
Rưng rức những bàn chân mọc đuổi
Nhìn treo lên lúc lỉu những phương trời

Trời xa đuối. Lòng đêm sâu thẳm miết
Cây mỏi mệt bứt ra hoài lá bệnh
Thở dài gió lạnh trổ mình gai

Gai đêm nhọn giấc mơ đi không trót
Mắc cạn lòng nhau giấc ngủ đìu hiu…
Họa chăng mai. Có một niềm vui sót
2020

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2025