Hương Âm, nỗi ám ảnh Lưu Đày
Lê Lạc Giao
Tôi đọc bài tùy bút Hương Âm của nhà thơ Vũ Hoàng Thư, lòng bồn chồn xúc động. Anh viết ngắn nhưng cô đọng súc tích. Không biết tự bao giờ, hai chữ Hương Âm gắn bó với tôi không rời, đặc biệt hơn nữa vào những lần uống rượu với bạn bè. Hương Âm thực sự tồn tại trong Tâm Thức Lưu Đày của tôi như thứ căn cước vô hình đặc thù ám ảnh khôn nguôi. Hương Âm gốc chữ Hán, chiết tự chữ Hương 郷 (bộ ấp) là quê nhà mình sinh ra, Âm 音(bộ âm) là âm thanh, tiếng nói, và Hương Âm ý nghĩa “giọng quê nhà” mà ai cũng có thể cưu mang suốt một đời của mình. Cụ thể hơn như ai đấy nói, “Cô ta, anh ta nói giọng Huế, giọng Quảng Nam, giọng Cần Thơ …v…v” đấy chính là Hương Âm. Thời thanh niên, tôi rất thích bài thơ Đường Hồi Hương Ngẫu Thư của Hạ Tri Chương:
Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi
Hương âm vô cải mấn mao thôi
Nhi đồng tương kiến bất tương thức
Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai?
Tạm dịch:
Trẻ đi già mới trở về
Giọng quê không đổi sương pha mái đầu
Trẻ con gặp chẳng biết nhau
Cười vang hỏi khách từ đâu đến làng?
Tuy nhiên viết những dòng này, trong tâm hồn tôi hai chữ “Hương Âm” còn mang ý nghĩa lớn lao hơn nữa. Từ ý nghĩa của ngữ ngôn, Hương Âm còn là nỗi niềm hoài vọng cũng như niềm cảm hứng khát khao được chia xẻ của cõi lòng. Tôi nhắc đến Hương Âm với bạn bè chính là nói với lòng một thời mình đánh mất quê nhà, hay sâu xa hơn là mặc cảm bị quê hương ruồng bỏ, chối từ.
Năm mươi năm trôi qua, biến cố chính trị 30 tháng 4 với tôi đã đánh dấu ngày khai trương một nghĩa trang cuộc đời, ở đó vùi lấp chồng chất Kỷ Niệm của những con người liên hệ đến một cuộc chiến tranh thất bại. Và với nỗi đớn đau thống khổ, hai chữ Hương Âm mỗi khi nhắc đến đã khai quật trong tôi nấm mồ ký ức Kỷ Niệm mà thân phận chính trị phải cưu mang gánh chịu suốt một mùa địa ngục, đáng giá cả cuộc đời mình. Kỷ niệm đào xới từ Hương Âm bao gồm những mảnh vụn chắt chiu hạnh phúc, chen lẫn bao bất hạnh chia lìa do biến cố chính trị mang đến đã khiến chữ Nostalgia thêm đậm nét ý nghĩa Hương Âm cho tâm tư kẻ lưu đày. Thế rồi Hương Âm từng bước gắn bó theo cuộc đời lưu vong của tôi, và dần dà trở thành nỗi khao khát tâm lý muốn tìm về một quê nhà ký ức cốt xoa dịu những thống khổ ly hương.
Ý nghĩa hai chữ Hương Âm với tôi trở nên phổ quát đối với kiếp lưu đày của mình. Bài thơ Đường “Hoài thượng hỷ hội Lương Xuyên cố nhân” của Vi Ứng Vật hoàn toàn cho tôi ý nghĩa sâu xa hai chữ Hương Âm:
Giang Hán tằng vi khách
Tương phùng mỗi túy hoàn
Phù vân nhất biệt hậu
Lưu thủy thập niên gian
Hoan tiếu tình như cựu
Tiêu sơ phát dĩ ban
Hà nhân bất qui khứ
Hoài thượng đối thu san
Hai chữ Giang Hán tôi đổi thành Sài Thành tạm dịch:
Sài thành một thuở khách quen
Gặp nhau túy lúy bao phen mới về
Chia lìa mây nổi xa quê
Mười năm nước chảy trôi về dặm khơi
Cười vui như thuở trước thôi
Mái đầu bạc trắng một đời đã qua
Sao không trở lại quê nhà
Còn trên sông mãi ngắm nhìn núi thu
Bài thơ bao trùm nỗi niềm hoài vọng của kẻ xa quê gặp nhau. Không chỉ mười năm mà đã bao thập niên trôi qua. Bản thể “Lưu Đày” đã tạo ra “Hương Âm” mà chỉ trong những cuộc rượu ly hương nhắc đến đã “Khai quật nấm mồ ký ức” và lúc này Hibiki, rượu Whisky Scoth của Nhật giúp tìm thấy lại “Kỷ Niệm Tôi” từng chôn vùi trong nghĩa trang 30 tháng 4 năm 1975.
Rượu Hibiki (Nhãn hiệu hán tự Hương Âm) chính là Hương Âm của chúng ta hôm nay. Mời rượu Hibiki và đọc bài thơ Sài Gòn của Phan Nhật Tân sau đây để thấm thía Hương Âm của kiếp lưu đày:
SÀI GÒN
Sài gòn một ngày chia tay nhau
Hai ba mươi năm bạc mái đầu
Ngàn dặm có lần mơ hội ngộ ?
Trà suông, rượu nhạt, chuyện xưa sau!
Sài gòn một thời ta thanh xuân
Lửa khói mù khơi, trận chiến gần
Tráng chí ngạo cuồng như biển sóng
Hùng tâm lưu lãng tựa phù vân
Sài gòn một thời ta rong chơi
Quán cũ, đường khuya, nhạc vắng người
Ngày xanh lá trút trên làn tóc
Đang mùa hoa đợi nắng mưa phai
Sài gòn người đi dài tháng năm
Sài gòn người ở nhịp thăng trầm
Thương, sầu, nhung nhớ hay hờn oán
Lắng xuống hồn sâu những vọng âm
Sài gòn tìm nhau lạc nẻo đường
Nhớ nguồn, sông chảy tới trùng dương
Thành mây lang bạt về quê cũ
Sài gòn chiều mưa làm nhớ thương
Sài gòn về ngang tìm bóng cây
Tìm trên thềm cũ vết rêu dày
Qua vườn nhớ nụ cười nghiêng nắng
Mùi hương tóc gió vẫn chưa phai
Sài gòn nhìn nhau khẽ thở dài
Một thời rong ruổi thoáng mây bay
Một đời huyễn mộng trò khanh tướng
Một cuộc phong trần nửa tỉnh say
Sài gòn nhìn nhau nhìn thật gần
Thương người hay chỉ tủi thương thân
Cánh chim luân lạc còn bay nữa
Chờ đến khi nào sẽ nghỉ chân?
Lê lạc Giao
4/3/2025 |