Mấy lá cỏ bồng
Trúc Chi

Quê Mẹ số 1, Số Ra Mắt, Xuân Bính Thìn, 1/2/1976
Kết duyên với bút mực tính ra cũng đã ngoài hai mươi năm, mà chưa bao giờ tôi ngồi vào bàn viết với một tâm trạng bình thản như sáng hôm nay. Một ít gió sớm lành lạnh. Một ít nắng với trời đầu thu trong vắt. Dăm chiếc lá úa rải rác trên vườn cỏ màu lục đậm. Đôi bướm trắng nhởn nhơ sau khóm cẩm nhung long lanh cài mấy giọt sương. Cảnh tĩnh và đẹp quá. Đủ cho một bài thu hứng ra đời.
Nhưng mấy vần tôi thầm gieo trong đầu sao giờ này nghe sai sái mà tứ cũng nông. Tôi bỏ dở bài thơ chưa kịp thành hình, cầm bút ký vẩn vơ trên tờ giấy trắng tinh. Bận bịu nhiều vì sinh kế trong mấy tháng qua, tôi không sáng tác được chi cả. Những lúc loay hoay chữa lại những bản thảo cũ cho đỡ sốt ruột, lui cui sắp xếp lại đống giấy ghi vội vàng những kinh nghiệm sống thấp thỏm, hốt hoảng, tôi buộc lòng phải tự ví mình với con gà tục tác mãi mà không đẻ được. Thật ra thì cũng có viết, nhưng chỉ là những bức thư quẹt thoắng hỏi tin nhà, tin bạn, thảo nguệch ngoạc trên quầy một quán rượu đong người, trong cái vắng vẻ của phòng trọ, giữa cái lãnh đạm của phòng chờ đợi của một phi cảng.
Gió sớm hiu hiu lướt trên mặt bàn. Tôi vơ nhanh cây bút chặn tờ giấy và chợt nhận ra rằng ánh nắng đầu thu điểm cho nó một màu trắng mênh mông mà đậm đà như tấm lòng của kẻ cố thủ tiết giữa một nếp sống thác loạn. Nghĩ tội cho cái màu trắng đáng yêu đó, tôi đã thận trọng hơn với tờ thứ hai. Rút nhè nhẹ, trịnh trọng đặt nó nằm ngay ngắn trên mặt bàn. Cố nhân đã chẳng dặn mình nên “tích mặt như kim” là gì. Biết quí mực như vàng. Biết thận trọng mỗi lần hạ bút. Sao chẳng biết tiếc một tờ giấy trắng tốt!
Nhưng mà ngồi ngắm tờ giấy có đến gần nửa tiếng mà cây bút “nguyên tử” đem từ Saigon qua – lúc này hình như mọi thứ đem từ Saigon qua đều có một giá trị đặc biệt – cây bút đã cùng chung sống với tôi một vài giây phút đáng ghi lại, vẫn nằm yên trên mặt bàn hơi ấm sương sớm.
Hút hết hai tẩu thuốc đầy ắp rồi mà tôi vẫn chưa biết viết cái chi. Mọi khi, mô có rứa, mọi khi cứ rít mạnh vài hơi ở ngay cái tẩu đầu tiên trong ngày là đã có ý mà ngẫm nghĩ, có chuyện mà dựng. Lòng tôi lúc này nghe im lặng và phẳng lì như mặt biển hiền lành vô tội sau một cơn phong ba ác liệt. Những cơn sóng ngầm, những khắc khoải, bồn chồn, hồi hộp khi phải đèo một gánh thê nhi qua đến mấy nghìn dặm quan san, giờ này cũng biến đâu cả. Bây giờ trong lòng tôi hình như chỉ còn một ít ưu lự. Lo cho số phận của một vài người thân, dăm thằng bạn cũ ở trong và ngoài nước. Lo và nhớ. Biết bao giờ mới gặp lại nhau được. Bất giác, tôi nghĩ đến câu “tương kiến thời nan, biệt diệc nan”. Đành rằng gặp nhau đã là chuyện khó, mà rồi sau đó chia tay cũng không dễ gì. Nhưng mà bây giờ tôi chỉ ước sao gặp lại mẹ già, anh em, mấy thằng bạn. Một lần nữa thôi, rồi sau có phải lìa nhau cũng cam.
Mấy hôm trước đây, ngà ngà say trong một quán rượu, tôi đã nói lên ý nghĩ đó với một anh bạn quen đã từ lâu nhưng không thân lắm. Tôi ngạc nhiên khi thấy bạn tôi dọn một bộ mặt đầy hào khí của một tay kiếm sĩ thời Chiến Quốc mà khuyên tôi không nên “đàn bà” như vậy. Rồi bạn tôi lại còn cho tôi thêm một bài học về cái lối chia xẻ tình bằng hữu, tình máu mủ.
- Cậu làm như là xa cách anh em bạn bè đã đến mấy chục năm không bằng. Mới có mấy tháng chứ có “lâu la” gì? Uống đi chứ, còn gọi cốc khác.
Tôi đang chăm chú nhìn mấy chiếc lá bị khách bộ hành xéo nát. Một vài chiếc khác, là là theo chiều gió, lướt trên vỉa hè, bị hất xuống đường, rồi nằm yên cho xe hơi nghiến rách. Thật đúng với cái tâm sự “cánh hoa rụng chọn gì đất sạch”. Tôi trừng mắt nhìn thẳng vào cái mặt béo trắng của anh bạn và bỗng nhiên thấy nó đáng ghét lạ.
Nhưng mà tôi vẫn cạn ly, vẫn gọi cốc khác để mà suy nghĩ rất nhiều về người bạn mà tôi vẫn thường liệt vào hạng Thúy Vân đàn ông. Hạng người chỉ biết ăn no ngủ kỹ. Gia biến hay quốc biến chi họ cũng mặc kệ, không cần biết. Hoặc có biết thì cũng chỉ là để bàn suông tán rộng cho ra vẻ ta đây cũng ưu thời mẫn thế, chứ thật tình trong thâm tâm họ... “măng phú”. Ngắm kỹ khuôn mặt phì nộn của bạn tôi, tôi đồ rằng trong mấy tháng qua chắc đêm nào anh ta cũng an giấc xuân cả. Hạng người như bạn tôi hiểu sao được tâm sự mấy chiếc lá lìa rừng không chọn được đất mà gửi xác. Nước mắt có đâu mà khóc người đời nay, thì còn mong chi mà họ thừa được một giot lệ để rỏ cho người đời xưa.
La la mì độ mì la...a...a
Xi xi là đô'...o...xi xi là xi đố là
Tiếng ngân nga trong trẻo của đứa con gái nhỏ đầu lòng của tôi vang lên từ vườn sau nhà trọ. Nó chỉ nhớ điệu mà chưa nhớ được hai câu lục bát của Trịnh Công Sơn do chính Sơn phổ vào bài Cõi Tạm:
Xin cho về trọ gần nhau
Mai sau dù có ra sao cũng đành
Mượn thơ Nguyễn Du một cách tự nhiên mà tài tình như vậy, phải là một tâm hồn thi sĩ chân chính như Sơn mới làm nổi. Phải rồi, “mai sau dù có hao giờ...” Chỉ mới có mấy tháng thôi mà trông chừng đã xa xôi quá. Ngày hạ nêu Tết Ất Mão, tôi về thăm Huế, luôn thể cũng để bàn với anh em văn nghệ sĩ ngoài nớ việc ra một tờ báo chung cho mấy tỉnh miền Trung. Trời mưa dầm. Lạnh thấu xương. Mấy lát mứt gừng của cô chiêu đãi trong khách sạn Hương Giang “mời ông xơi cho đỡ lạnh” nhai kỹ, nuốt hết mà vẫn không thấy ấm thêm chút nào cả. Tôi co ro trong chiếc áo blouson mỏng, bước nhanh trên đường Lê Lợi. Lạnh. Một phần vì thiếu chuẩn bị, cứ đinh ninh rằng ra giêng là Huế đã ấm. Một phần cũng vì sống ở Sàigòn đã lâu, cơ thể hầu như mất hẳn thói quen chịu rét.
Trong tay thủ sẵn một chai rượu mạnh, tôi tìm đến gặp Sơn. Con đường Lê Lợi chìm trong mưa chiều rả rích đổ nhẹ xuống một thành phố Huế ướt sũng. Trong một quán vắng, chỗ góc đường Hàng Me, hai người lính nhảy dù ngồi thu hình trong áo mưa màu cứt ngựa. Hai tay chống cằm, tỳ khuỷu vào mặt bàn gỗ tạp để mộc. Mấy chai bia đã cạn. Mặt bàn ngổn ngang lá chuối gói nem. Một đĩa tỏi đầy vỏ, chỉ còn lơ thơ mấy múi chưa lột. Họ ngồi bất động nhìn nhau. Hơi men? Hơi mưa? Hơi buồn? Thôi thì cứ cho rằng quê họ ở tận Ba Xuyên, Chương Thiện đang đem vùi cái lòng sầu xứ trong mấy chai bia vào một chiều mưa lạnh trong một quán tranh nghèo nàn. Cho nó đẹp. Họ còn trẻ quá. Hai mươi, hai mươi mốt là cùng. Ở tuổi ồn ào hiếu động đó mà họ ngồi im để đối ẩm, chắc phải có một tâm sự u uẩn lắm. Bà chủ quán khom lưng thổi mãi vào một bếp lửa um khói để hâm lại một trách bún bò đã gần cạn nước. Hai cái đầu xanh chạnh niềm viễn thú. Một cái đầu bạc thương con ở một tiền đồn xa lắc xa lơ. Cả một cái tứ rất lạnh cho một bài Đường luật, viết theo lối thơ biên tái.
Tôi qua trường Khải Định thì thành phố vừa lên đèn. Ánh điện đường đổ xuống cổng gạch vôi loang lỗ. Mưa giăng từng sợi nghiêng nghiêng lóng lánh. Tôi bùi ngùi nghĩ đến những thằng bạn cùng một lứa tuổi, cùng lớp, cùng trường. Đứa còn đứa mất. Tôi thầm rủa chiến tranh. Tôi rủa luôn cả những từ ngữ hoa lệ mà người còn sống đem kết thành một vòng hoa “rất kêu” hòng an ủi linh hồn những kẻ đã nằm xuống một cách tức tưởi, may lắm mới còn xác. Tôi nghĩ đến câu nói của một ông bạn vong niên đã từng chạy loạn từ ngày Pháp đem máy bay bà già trút bom xuống Cổ Am để đàn áp cuộc khởi nghĩa ở Nghệ-Tĩnh:
“Ở thời buổi này, chết cho toàn thây đã là một điều đại phước anh ạ.”
Vẫn biết vạn cảnh giai không và cái hình hài chưa chắc đã thật, nhưng người Việt mình vốn trọng cái “nắm xương tàn”. Không hiểu khi cơn khói lửa triền miên của trận nồi da xáo thịt dài đằng đẵng này đã thật sự chấm dứt, ai là người xót thương cho hàng vạn di hài của những thanh niên bỏ thây nơi đầu ghềnh cuối bãi. Đài Chiến Sĩ Trận Vong giờ này là một tấm bia lớn đứng chắn một ngôi mộ khổng lồ chạy dài từ cửa Thượng Tứ lên Cột Cờ bên kia sông Hương. Tôi xót xa nhớ những thằng bạn đã ngã gục ở phía bên này cũng như phía bên kia của một chiến tuyến vô hình mà nền móng, bất hạnh thay, lại chỉ là sự xung đột của những danh từ, những ý thức hệ.
Hình như chỉ có về Huế tôi mới tìm lại được cái thú đi bộ để lắng nghe mình sống qua cái sống của ngoại cảnh.
Mưa mỗi lúc một nặng hột. Tôi men đến đứng nấp dưới một gốc phượng cạnh cổng trường. Mấy cậu học sinh đội mưa thi nhau đạp vút về phía cầu Ga. Bỗng nhiên tôi thấy nhớ quay quắt những tách cà-phê đầu tiên của thời niên thiếu, khi tập tễnh học làm “nghệ sĩ”, những điếu thuốc lá đậm đà mua của một em bé nghèo, vốn liếng chỉ có một cái mẹt đựng vài bao thuốc đặt dưới ánh đèn lù mù của một cột điện đường, những tờ báo viết tay, chuyền nhau xem trộm trong giờ học. Tôi nhìn về phía trường Đồng Khánh và nghĩ rất nhiều về những mái tóc đã từng làm đầu đề cho biết bao bài thơ của cái dân Huế sính thơ này. Thời chinh chiến, hồng nhan nào mà lại chẳng đa truân?
Tôi rảo bước về phía đường Nguyễn Trường Tộ, lần mò lên căn gác xép của Trịnh Công Sơn. Lần mò là vì cầu thang lộ thiên không có đèn, lên mỗi bậc trơn là tay lại phải vịn vào tường ẩm. Tôi tự ví mình với một cô hồn đang thất thểu trên cầu Nại Hà. Gác trọ của Sơn chia làm hai căn. Căn ngoài là phòng khách. Gọi là phòng khách cho oai vậy chứ thật thì chỉ vỏn vẹn có bảy tám thước vuông, một chiếc bàn con, một cái ghế dài, một cái bàn ăn, dăm cái ghế đẩu. Căn trong là buồng ngủ. Trên giường chăn gối bề bộn nằm dưới một cây lục huyền cầm Tây Ban Nha bên cạnh ngổn ngang một đống giấy viết nhạc. Cái luộm thuộm đáng yêu của những chàng trai chưa vợ.
Uống xong mấy ly cognac, Sơn nói:
- Dạo này mình thích viết những bài mà con nít có thể thích theo kiểu con nít, người lớn có thể thích theo kiểu người lớn!
- Chẳng hạn?
- Như bài Cõi Tạm.
Sơn vào buồng lấy đàn, rồi hát luôn cái lục bát phổ theo một điệu đều đều, nhè nhẹ, ngây thơ và đơn giản. Với câu cuối “Ô hay là một vòng xinh, tôi nay bỗng thấy lênh đênh giữa đời” bài hát đượm một vẻ tươi sáng, thanh thoát của một người đã ý thức được cái hữu hạn của mình bên cạnh cái vô tận của không và thời gian. Nhưng mà không chán nản mệt mỏi. Không căm hờn, không thù oán. Đẹp lắm thay, tâm hồn Sơn!
Trong nét nhạc, có chăng chỉ là một chút buồn nhè nhẹ như vướng phải cắi sầu vạn cổ mà Lý Bạch đã từng cố nhận chìm trong đáy chén. Cái sầu điển hình cho niềm khắc khoải khát khao muôn thủa của người nghệ sĩ chạy theo cái thuần chân tận mỹ, như người bộ hành hướng về ảo ảnh của giòng suối mát ngọt trên biển cát mênh mông cháy nắng. Giọng hát của Sơn trong và ấm, tự nhiên. Sơn có cái tật nhíu cặp lông mày mỗi lần hít vào để lấy hơi hoặc bắt đầu một câu nói. Và mỗi lần nhíu mày như vậy thì cáỉ trán mênh mông lại hằn lên hai đường nhăn sâu trũng nằm dọc. Âu cũng là thói quen của người hay suy tư. Chòm râu thưa dưới cằm tô cho khuôn mặt thông minh ấy một nét già dặn, làm nổi bật lưỡng quyền hơi nhô. Cặp mắt sáng sau đôi kính cận thị khá dày.
Sơn uống rất hào, nhưng không phải là ngưu tửu. Đánh ngã chai cognac tôi đang lo thiếu rượu thì Sơn khua tay bảo tôi ngồi yên. Loay hoay một chốc, Sơn đưa ra một chai rượu đục, màu nâu đậm, không có nhãn. Một nét cười tinh quái thoảng trên gương mặt hơi tái vì men rượu. Sơn nói:
- Nhất dạ ngũ giao sinh quí tử. Của một ông bạn già tặng. Thấy mình cũng bợm, ông ta cho một chai. Mấy lâu nay không có bạn nên cũng quên mất là còn chai rượu quí này. Nghe nói cái phái thuốc ngâm rượu là của ông Minh Mạng.
Ra cái giống tình chủng này, cái nòi nghệ sĩ này xưa nay vẫn thích những cảm giác lạ. Đêm càng lạnh, tửu hứng càng cao và tuy không muốn để lại một bầy con đông như vua Minh Mạng mà chúng tôi cũng cạn luôn chai rượu thuốc. Chuyện trò bù khú dến khoảng hơn mười giờ thì Bửu Ý ở đâu cũng lò dò tới. Ý với tôi là chỗ đồng hương. Dân Vĩ Dạ cả. Nhà văn trẻ tuổi này dáng người thâm thấp, ít nói nhưng miệng luôn điểm một nụ cười hiền lành, hóm hỉnh. Nhân nói chuyện làm báo, Ý và Sơn thuật lại rằng một số anh em ở Huế cũng đã từng xin phép xuất bản một tạp chí, nhưng Bộ Dân Vận ở Saigon không cho.
Bửu Ý nói chậm rãi qua một ly rượu nhắp từng hớp nhỏ:
- Dầu sao thì trên giấy tờ, tụi này cũng đã từng được làm chủ nhiệm thiên hạ. Kể cũng sướng.
Thấy tôi không hiểu, Sơn vội giảng:
- Tụi mình đặt tên tờ báo đó là Thiên Hạ. Và lẽ tất nhiên, trong thư trả lời để từ chối, không cho giấy phép, Bộ Dân Vận bắt đầu bằng mấy chữ ... Kính gửi ông Chủ Nhiệm Thiên Hạ.
Gần đến giờ giới nghiêm, tôi chuếnh choáng ra về, bước vào cái đêm xuân lạnh của một ngày còn hương vị Tết. Trời đã tạnh nhưng gió không bớt lạnh. Từng đợt lá thi nhau đổ xuống mặt đường còn rải rác một vài cái phong bì đỏ đựng tiền mừng tuổi.
Giòng sông Hương bây giờ chỉ còn là một dải nước đen thẫm, thấp thoáng mấy chiếc thuyền câu. Thỉnh thoảng, một chiếc giang đĩnh chớp đèn dọi xuống mặt nước một vệt sáng dài lạnh như cái thứ ánh sáng trong một phòng giải phẫu. Lẻ tẻ một vài tiếng súng vọng về từ phía Đập Đá. Người gác gian trong khách sạn Hương Giang hỏi tôi có cần một ít son phấn để rút ngắn cái đêm dài đầu xuân hay không. Nghe chừng men đã ngấm, tôi gọi một ấm chè xanh, uống một nghỉn mấy tách lớn. Vớ quyển sách chưởng bên bàn ngủ, không biết của khách sạn hay của một người khách khác để quên. Dở ra, đúng vào cái chương Vô Kỵ đang đấu với ba vị lão tăng trên chùa Thiếu Lâm. Tôi đánh một giấc đến chín giờ sáng hôm sau mới mở mắt. Lâu lắm mới được một giấc ngủ dài mà ngon đến như vậy.
Cái loại giấc ngủ đó hình như đã bỏ rơi hẳn tôi từ mấy tháng nay. Ở đây, đêm không có tiếng súng, không có còi báo động của xe tuần cảnh, không có tiếng chưởi thề chát chúa của mấy câu nhân dân tự vệ, mà đêm nào tôi cũng thức giấc ít nhất là hai lần. Nói rằng lo quá mà ngủ không yên cũng không đúng hẳn. Ừ thì có nghĩ nhiều về tương lai của chính mình, của con cái thật. Nhưng tôi vốn không phải một người lo lắng đến quẫn trí. Ở vào cái tuổi ngoài bốn mươi này, còn ngờ chi nữa đâu mà lo. Tứ thập nhi bất hoặc mà. Nếu có, thì cũng là nghi chính mình, hoài nghi khả năng của chính mình thì đúng hơn. Tôi nghiệm ra rằng sở dĩ ngủ không yên là vì cả nước Pháp này là một cái giường mênh mông mà tôi chưa quen.
Nhìn xuống vườn trọ, mấy chiếc lá nằm trên thảm cỏ đổi chỗ luôn. Mỗi lần một đợt gió sớm lướt trên mặt cỏ là chúng lại bay tán loạn. Có chiếc bị lật đến mấy lần mới nằm yên được một nơi. Tôi nghĩ đến một câu thơ chữ Hán của Nguyễn Du mà Hương, một người bạn gái của tôi, vẫn thường nhắc, mỗi lần nàng tâm sự với tôi về cuộc đời tình không được bằng phẳng lắm của nàng. Mới có mấy tháng mà nhiều chuyện đổi thay quá.
Hương người Hà Nội, di cư vào Nam hồi 1954. Tôi quen Hương từ khi còn học ở ngoại quốc, hồi 1958 hay 1959 gì đó. Năm 1963, Hương về Sài-Gòn, lập gia đình với người nàng yêu khắng khít từ mấy năm trước. Nhưng chưa được hai năm thì chồng chết, để lại cho Hương một cái gia tài kếch sù, kể cả mấy cái biệt thự lớn tại một trong những khu sang trọng nhất ở Sài-Gòn. Sau cái tang lớn trong đời, tôi nhận thấy Hương hình như chỉ còn có hai lý do để sống: bồ bịch hết ông này đến ông khác và làm giàu.
Hương say mê làm “áp-phe”, giao thiệp rộng, xài rất sang. Hồi còn ở Saigon, thỉnh thoảng đến ăn cơm ở nhà Hương, tôi đã có dịp nếm được một vài món sang trọng, cầu kỳ, tinh xảo và những chai rượu chát thuộc loại hiếm gửi mua tận bên Pháp. Theo lời một vài người quen kể lại thì trên thương trường, nàng không nương tay mỗi khi cần phải quật ngã đối thủ. Quyền lợi của Hương và tôi không hề đụng chạm nhau nên chúng tôi vẫn là một đôi bạn khá thân.
Tôi đáp lễ bằng cách thỉnh thoảng gọi điện thoại rủ Hương đi ăn phở Pasteur hoặc Công Lý. Hương vui vẻ nhận lời ngay. Hôm nào mát trời, ăn phở xong, chúng ngồi nán lại uống cà phê, ăn bánh đậu xanh.
- Tôi thấy đàn ông họ thích tôi vì tiền nhiều hơn, chứ thật ra không có ai thành thật... yêu tôi cả... nhưng mà tôi cũng không cần.
Hương vừa nói tay vừa mân mê chuỗi ngọc đã lên nước rất đậm, xinh xắn trên cái áo nội hóa màu mỡ gà. Hương rất sành sõi nên không bao giờ nàng diện quá lố cả. Hôm nào tôi nói trước là đi ăn phở thì nàng ăn mặc rất giản dị.
Tôi đùa:
- Hy vọng rằng cái người ngồi trước mặt chị bây giờ là một trường hợp ngoại lệ.
Hương lườm tôi một cái rất sắc:
- Anh khác. Mình là bạn... Mà sự thật từ ngày nhà tôi mất đi, tôi chả yêu ai được nữa cả... Mấy ông bồ của tôi, chẳng qua...
- Chẳng qua?
- Con nhà báo có khác, cái lối anh hỏi thật là đến tò mò, tọc mạch.
Ngừng một hơi lâu Hương nói tiếp:
- Cái số tôi nó thế nào ấy anh ạ. Ngày nhỏ, ông cụ tôi có một bản thơ chữ Hán của cụ Nguyễn Du, chép tay. Ông cụ tôi cứ ngâm mãi cái bài gì có câu “đoạn bồng nhất phiến tây phong cấp” giảng cho tôi nghe, rồi tôi cũng đâm ra thích câu đó. Anh hiểu nghĩa chứ?
- Chưa thập niên đăng hỏa nhưng mà cũng đủ chữ để mà hiểu một câu thơ không lấy gì làm khó lắm... một lá cỏ bồng bị gió tây rứt rễ cuốn mạnh đi...
Hương vẫn không chịu thua:
- Đại khái như vậy nhưng ông cụ tôi giảng hay hơn nhiều.
Tôi chịu thua, im lặng ngồi ngắm Hương. Tuy suýt soát tuổi tôi nhưng Hương trang điểm khéo và nhìn kỹ mới thấy một vài đường nhăn dưới lớp phấn mỏng. Đôi mắt Hương không còn được trong và sáng như thời còn con gái, nhưng kinh nghiệm sống đã để lại trong cái nhìn của Hương một nét lành lạnh, già dặn và duyên dáng, nếu không muốn nói là quyến rũ một cách tự nhiên. Gò má cao khiến đôi mắt được viền bằng một nét bút chì màu lục rất kín đáo càng thêm sâu và linh động. Đặc biệt là hàm răng trắng đều đặn vẫn không thay đổi. Hương thuộc vào lớp phụ nữ Việt Nam vẫn còn gọn và trẻ vì biết thân trọng trong việc ẩm thực, tuy đã ngoài bốn mươi.
Lần cuối cùng, chúng tôi gặp nhau cách đây non hai tháng. Hôm ấy, tôi đang ngồi trong phòng đợi tại phi trường Hương Cảng thì bỗng thấy Hương tất tả chạy vào. Chỉ kịp bắt tay một cái vì Hương ra phi trường trễ và máy bay sắp cất cánh.
- Tôi để lại tout, tout, tout ở Sài-Gòn, chỉ đem theo được một ít bijoux. Cỏ bồng lại bay... chán quá anh ạ.
Nửa giờ sau có tin phi cơ của Hương ngộ nạn. Tôi nán lại ở Hương Cảng mấy hôm để lo chôn cất Hương. Hôm ở nghĩa trang, tôi hỏi người giữ cửa có biết cỏ bồng là cỏ gì không. Ông già người Trung Hoa lắc đầu. Tôi rút cây bút nguyên tử thảo mấy chữ ”Đoạn bồng nhất phiến tây phong cấp” gửi tiền lại, nhờ ông lão thuê khắc vào một tấm bia để dựng trên mộ Hương.
Một lá cỏ bồng nay đã nằm yên dưới ba thước đất. Còn Sơn, Ý, anh em bạn mười phương, bao nhiêu người khác nữa và cả chính tôi rồi đây đi về đâu.
Cây bút vẫn nằm yên trên mặt bàn. Gió thu vẫn khua mấy chiếc lá trên thảm cỏ.
TRÚC CHI
Au Mont par Senlis
8/1975, hiệu đính 4/2025.
(trích Quê Mẹ số 1, Số Ra Mắt, Xuân Bính Thìn, 1/2/1976, Paris) |