NGƯỜI THỢ GIỎI
Thời gian mới định cư, nhất là những năm 1976 đến 1978, rất nhiều đồng bào tỵ nạn ở Greensboro, Jamestown, Archdale, High Point… làm trong các công ty sản xuất đồ gỗ tại High Point. High Point lúc đó là thủ đô đồ gỗ của thế giới - rất tiếc là bây giờ High Point không còn giữ vị thế đó nữa.
Công nhân Việt tại các công ty đồ gỗ nổi tiếng siêng năng, khéo tay và nhất là không từ chối làm giờ phụ trội ngay cả ngày Chủ Nhật hay lễ lớn. Trong những người nổi tiếng đó, người được nhiều người biết tên là Sơn. Sơn làm cho một công ty lớn ở High Point qua sự liên lạc và giới thiệu của ông Smith, một người làm việc thiện nguyện, giúp đỡ người tị nạn và quen biết tôi.
Gần hai tháng sau, ông Smith gặp tôi và nhờ tôi giới thiệu thêm vài người Việt vì một công ty nào đó muốn thuê họ. Tôi nhận lời ngay; nhưng nghĩ đến nguyên tắc bình đẳng về cơ hội trong việc tuyển dụng nhân công, tôi nhìn ông Smith với đôi mắt chất vấn, chờ đợi. Hiểu ý tôi, ông Smith cho biết, các công ty vẫn tôn trọng nguyên tắc bình đẳng về cơ hội trong việc tuyển dụng nhân viên nhưng không hề ngần ngại thuê người Việt vì họ làm việc siêng năng, và Sơn là một bằng chứng của các đức tính đó. Và rồi ông say sưa nói về Sơn.
Dù là một thợ mới với nhiều trở ngại ngôn ngữ nhưng chỉ sau mấy tuần Sơn đã làm được công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng: tiện các chân bàn, chân ghế và các bộ phận phụ thuộc cho các bộ đồ gỗ đắt tiền. Chỗ làm việc của Sơn rất ngăn nắp, tất cả vật dụng đều sắp xếp thứ tự. Sơn không có xe, nên sau giờ làm việc phải ngồi chờ bạn đến đón. Trong thời gian chờ đợi, Sơn tìm đọc các tài liệu chỉ dẫn về máy móc, dụng cụ, vật liệu… Sơn vừa đọc (bằng cách nhìn các hình vẽ) vừa nghe nhạc từ cái radio do Sơn làm bằng củ khoai tây, mấy sợi dây đồng, mấy cái lò xo… Cái radio củ khoai này là một hiện tượng, gây tiếng đồn trong hãng và khiến nhiều người biết tên Sơn.
Hết làm người chế biến radio, Sơn làm nhà điêu khắc. Dùng các đồ phế thải, chân bàn gãy, chân ghế hư, mặt bàn nứt, gỗ vụn đâu đó… Sơn cắt xén và dán lại với nhau thành con chim ó vỗ cánh và một vũ nữ thân gầy. Hai bức tượng điêu khắc này làm nhiều người đến thăm viếng, ngắm nghía, hỏi han nhiều chuyện. Để được yên tĩnh, Sơn tặng hai bức tượng cho hai người bạn Mỹ mới quen trong hãng. Sau này hai người này nhượng hai bức tượng đó cho hai nhân vật quan trọng trong hãng vì hai vị này cho rằng đó là hai tác phẩm rất nghệ thuật, hiếm thấy và mang nhiều biểu tượng của kỹ nghệ đồ gỗ.
Bắt tay ra về, ông Smith cảm ơn tôi đã giúp đỡ ông và nhất là giới thiệu Sơn.
Sáu tuần sau, ông Smith gọi điện thoại báo cho tôi biết Sơn đương gặp khó khăn trong sở. Tôi ngạc nhiên và phản kháng rằng Sơn là người hiền lành, làm việc chăm chỉ tại sao lại gặp khó khăn. Ông Smith giải thích, Sơn gặp khó khăn không phải vì lười biếng hay phạm kỷ luật mà vì làm quá giỏi, số lượng sản phẩm hàng ngày của Sơn quá cao so với số lượng sản phẩm của các thợ khác; nhóm thợ Mỹ và Mễ phàn nàn rằng Sơn làm họ mất mặt.
Ngay tối hôm đó tôi gọi điện thoại nói chuyện với Sơn như tôi đã hứa với ông Smith. Sơn rất ngạc nhiên, khó chịu, và quả quyết rằng Sơn chỉ làm công việc của mình và không hề có ý định làm mất mặt ai hết. Tôi hiểu sự thành thực của Sơn. Tôi giải thích cho Sơn biết hiện tượng áp lực của đồng đội tại sở làm, peer pressure in the workplace. Tôi cho Sơn biết, đồng nghiệp của Sơn, nhất là nhóm thợ Mỹ gốc Phi châu và Mễ, muốn Sơn giống như họ, làm bằng họ, kém họ chút đỉnh cũng được, nhưng không hơn họ, nhất là không hơn họ quá nhiều. Tôi nhấn mạnh cho Sơn biết áp lực đó là một hiện tượng tâm lý có thật, hữu ích trong vài trường hợp nhưng cũng rất tai hại trong nhiều trường hợp khác. Tôi khuyên Sơn lưu ý và làm việc chậm lại, dành nhiều thì giờ để học Anh văn như Sơn mong muốn. Sơn hứa sẽ nghe lời tôi.
Chừng hai tháng sau, ông Smith gọi điện thoại báo cho tôi biết khó khăn cũ lại tái diễn. Ban đầu, Sơn cố gắng làm chậm lại nhưng chỉ sau vài tuần, đâu lại vào đó, sản lượng của Sơn cũng vẫn quá cao. Theo ông Smith, Sơn không thể làm việc một cách vu vơ, vụng về; Sơn phải làm với sự tận tâm, hiểu biết và nhanh nhẹn của đôi bàn tay. Để chấm dứt sự phàn nàn của đám thợ, hãng chuyển Sơn sang một bộ phận mới; bộ phận này chuyên sản xuất những sản phẩm trang trí, đắt giá như giá gương, kệ, bàn trang điểm của phụ nữ. Bộ phận này đang trong tình trạng khó khăn vì máy móc bị hư và hãng chưa quyết định sẽ tái đầu tư hay cho ngưng hoạt động hẳn. Mấy supervisor tin rằng, qua bộ phận mới, Sơn sẽ phải học hỏi nhiều, còn lâu lắm mới thành thạo để sản xuất nhiều và như thế chắc chẳng gây ra sự phàn nàn nào trong các đồng nghiệp…
Ba tháng trôi qua yên lặng, không có tin tức gì về Sơn. Không tin tức nghĩa là có tin vui, tôi nghĩ vậy. Nhưng rồi một buổi tối, ông Smith gọi tôi và kể cho tôi câu chuyện dài lê thê về Sơn.
Ông Smith cho biết tại bộ phận mới, chỉ sau thời gian ngắn học việc, Sơn đã bắt đầu làm việc thành thạo và khéo léo. Trong chỗ làm có 4 cái máy, nhưng 2 cái đã bị hư. Sơn tìm hiểu hai cái máy hư; lấy bộ phận của máy này thay qua máy kia; và kết quả là một máy bị hư nay chạy rất ngon lành. Tin Sơn sửa máy lan truyền rất nhanh và chẳng bao lâu sau bánh xe của Sơn mấy lần bị xì hơi, kiếng xe bị bôi bùn đen dơ bẩn.
Sự việc này đến tai mấy supervisor và một buổi họp các công nhân được tổ chức. Mở đầu, ông supervisor nói sự an vui của công nhân là mối quan tâm của hãng; những hành vi gây khó khăn cho công nhân, nếu bị bắt quả tang, người vi phạm sẽ bị đưa tới sở cảnh sát và sẽ bị cho nghỉ việc vĩnh viễn. Tiếp theo, ông nói hãng ghi nhận lời phàn nàn của một số công nhân về năng suất quá cao của Sơn, nhưng sự phàn nàn đó đặt không đúng chỗ. Hãng rất quan tâm đến năng suất của mọi người vì đó là sự sinh tồn của hãng, nhưng trong thời gian qua hãng không phàn nàn hay cảnh cáo một ai hết vì năng suất quá thấp. Hãng được biết rằng Sơn là một hạ sĩ quan Hải Quân của Quân Đội Miền Nam Việt Nam. Sơn chuyên sửa chữa máy tàu chạy trên sông và ngoài biển - tàu tuần giang và tuần duyên - làm việc trong điều kiện khó khăn, khẩn cấp, sóng chao, gió rít, chỗ chật hẹp, thường phải nằm trên bụng, địch quân phục kích, tấn công … Hoàn cảnh khó khăn đó tạo cho Sơn thành người thợ giỏi, nhiều sáng kiến với hơn mười năm kinh nghiệm. Với tay nghề đó, Sơn chỉ cần làm nửa ngày là đủ số lượng sản phẩm hãng mong muốn nhưng Sơn siêng năng, không muốn ngồi không, đó là một đức tính đáng quý của Sơn.
Sơn rất rành các loại máy dầu cặn dưới tàu; các máy trong hãng khác hẳn với loại máy đó. Sơn tự ý sửa máy tiện gỗ chỉ vì sự hiếu kỳ và ý muốn học hỏi; đó là một đức tính đáng quý khác của Sơn.
Hãng khuyến khích và giúp đỡ mọi nhân viên học hỏi thêm, học ngay tại hãng hay tại các trường kỹ thuật. Sơn đã ghi danh tại trường kỹ thuật Guilford Technical College để bắt đầu học vào tam cá nguyệt tới; đó là một tấm gương sáng mọi người nên noi theo…
oOo
Chắc chán nghề sửa máy tàu thủy, Sơn ghi danh học ngành sửa máy máy bay, airplane mechanics. Học chưa xong, Sơn đã được một công ty bảo trì máy bay thuộc Piedmont Triad International Airport tại Greensboro thu nhận. Làm được chừng sáu tháng, Sơn được một đại công ty ở Houston Texas thuê với số lương gấp rưỡi.
Nguyễn Phụng
9/2024 |