SỐ 106 - THÁNG 4 NĂM 2025

 

Quê nhà ở đâu

mùi rau
hương cỏ
chiều qua
thót mình... chợt hỏi
quê nhà
ở đâu?

Bài thơ “chợt hỏi ” của bạn thơ Doãn Quốc Vinh trong tuyển tập thơ Lục Bát Tùy Bút.

Vài chữ thật mỏng, vài câu thật ngắn… nghe qua rất nhẹ nhàng, thanh thản, như mùi hương thoáng qua… nhưng không hiểu sao cứ đọng lại trong tâm, cứ da diết trong lòng. Có phải vì lời thơ diễn tả đúng tâm trạng băn khoăn, nhung nhớ về những kỷ niệm nơi quê nhà của những kẻ xa xứ. Hơn 40 năm xa quê hương, dù chưa đủ dài so với chiều dài trang sử Việt, nhưng những năm tháng sống nơi xứ người, một vùng đất tưởng như tạm dung đã dần dà trở thành miền đất hứa, một lúc nào đó ta sẽ tự hỏi: Quê nhà ta ở đâu? Nơi đây hay vùng đất xa xôi đó?

Kể từ ngày miền Nam Việt Nam nổi cơn giông bão, biết bao gia đình phải tứ tán, trôi giạt muôn phương. Nhìn lại bạn bè thân thuộc, mấy ai còn được đoàn tụ dưới một mái nhà hay trong một quốc gia.

Lần nào cũng thế, sau một ngày trời vật lộn trong xã hội Tây phương, buổi tối trở về nhà, chỉ cần bước chân vào căn nhà của mình đã cảm thấy một vùng trời quê hương hiện ra. Bước chân vào nhà để trở về với cuộc sống thật của mình. Căn nhà ấm cúng đã trở thành một quê hương Việt Nam thu hẹp. Ðây tấm tranh sơn mài, kia bức hình phong cảnh quê hương. Từ tiếng nói đến hành động và ngay cả bữa ăn hàng ngày cũng rất Việt Nam. Có được những hình ảnh như vậy chính vì quê hương vẫn còn trong ta, trong trái tim, trong dòng máu, trong tâm khản, trong kỷ niệm.

Này đây hình ảnh quê hương miền Bắc với vịnh Hạ Long hùng vĩ, với núi Tản sông Đà đẹp như một bức tranh sơn thủy. Một thành Thăng Long ngàn năm văn vật còn in dấu bao chiến công oai hùng của dân tộc Việt.

Miền Trung êm đềm cổ kính đã quyến rũ bao người khi dừng chân đến chốn kinh đô. Một người bạn thân khi nói về Huế đã viết:”…thành phố có dòng sông Hương nước chảy êm đềm, như vải lụa uốn lượn quanh co, có núi Ngự Bình văng vẳng tiếng thông reo khi gió nổi, có đền đài lăng tẩm, có nội thành cổ kính, có giọng nói đặc biệt có một không hai và những từ ngữ ... không ở mô có hết”. Đấy Huế đẹp và dễ thương như vậy đó, hỏi ai xa quê mà không nhớ.

Xuôi Nam, bạn sẽ đến miền đất trù phú có những đồng lúa thẳng cánh cò bay, vườn cây trĩu nặng trái ngọt hương thơm, dòng sông mầu mỡ phù sa giàu cá tôm đủ loại, có hàng dừa thẳng tắp bờ ao và tiếng ầu ơ giữa buổi trưa hè hay tiếng chuông chùa ngân vang trong buổi hoàng hôn.

Cho tôi lại ngày nào, trăng lên bằng ngọn cau.
Me tôi ngồi khâu áo bên cây đèn dầu hao
Cha tôi ngồi xem báo, phố xá vắng hiu hiu
Trong đêm mùa khô ráo tôi nghe tiếng còi tàu.
(Kỷ niệm, Phạm Duy)

Mấy ai nghe nhạc phẩm này mà không khỏi xúc động, vì đây chính là vùng trời kỷ niệm quê nhà, là hình ảnh mái ấm gia đình vĩnh cữu trong ký ức của chúng ta. Làm sao quên được nồi bánh chưng chờ đón giao thừa, tiếng pháo đì đùng đón mừng xuân mới và cả gia đình xum họp để chúc thọ ông bà, cha mẹ vào ngày đầu năm. Làm sao quên được những kỷ niệm của thời thơ ấu, của tuổi học trò, của mối tình đầu và những tháng ngày ấm êm hạnh phúc bên người thân yêu. Tất cả những kỷ niệm ấy được gói ghém mang theo trên bước đường tìm tự do, như mớ hành trang vỏn vẹn của những người Việt tha hương. Những kỷ niệm ấy mãi mãi theo chân chúng ta trên mọi nẻo đường.

Cuộc hải hành vạn lý của những thuyền nhân Việt Nam đã trở thành lịch sử. Cuộc hành trình đầy sóng gió nguy hiểm đó là một ấn tích muôn đời cho người Việt, một biểu tượng của tự do và như một lời tuyên bố khẳng định đến toàn thế giới: “Chúng tôi không muốn sống dưới chế độ Cộng sản”.

Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, ta vẫn có thể kể mãi những câu chuyện thuyền nhân thương tâm và đầy nước mắt. Nhưng thời gian trôi nhanh, ký ức như dừng lại, bóng dáng quê nhà cũng từ từ phai nhạt. Hình ảnh cuộc sống hiện tại, như con đường dẫn đến căn nhà thân yêu hay khu vườn nhỏ sau nhà, là những hình ảnh hiện rõ nhất trong ta.

Ðối với thế hệ thứ nhất, quê hương vẫn là giải đất hình chữ S nằm bên bờ Thái Bình Dương. Những điệu ru câu hò, ngôi trường cũ thân yêu, dòng sông hiền hòa uốn khúc nơi quê nhà vẫn là những hình ảnh muôn đời trong tâm khảm. Nhưng với thế hệ nối tiếp thì Paris, Berlin, California, Amsterdam… có lẽ là những địa danh quen thuộc và gần gũi hơn. Vùng đất được coi là tạm dung ngày nào nay dần dà đã trở thành quê hương mới của các thế hệ kế tiếp. Nghĩ thế, chợt lòng khắc khoải bâng khuâng và tự hỏi không biết con cháu ta sống nơi xứ người có còn nhớ đến quê hương hay không? Có còn biết gói những chiếc bánh chưng cho ngày Tết Nguyên Ðán? Có biết đến chùa vào các dịp đại lễ? Có biết cúng ông bà vào chiều ba mươi Tết?

Chim có tổ, người có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn

Ai sinh ra đều có một quê hương. Dù sống bất cứ nơi đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ta vẫn luôn nhớ về đất mẹ, về nguồn gốc của mình. Người Việt Nam lại có truyền thống kính nhớ tổ tiên. Dù sống xa quê hương và chịu khó học hỏi cái hay của xứ người hầu thích ứng với cuộc sống mới, chúng ta vẫn biết giữ gìn phong tục, tập quán của ông cha. Những ngày lễ Tết được tổ chức hàng năm, những tập quán hay được giữ gìn sẽ là những truyền thống tốt đẹp để truyền giao cho các thế hệ nối tiếp. Ðược như vậy, dù các thế hệ sau dù sống nơi xứ người, vẫn tìm thấy bóng dáng quê hương.

Dù thời gian có biến đồi, dù cuộc sống nơi đây có an bình và đầy đủ vật chất, tình yêu quê hương vẫn luôn rạt rào trong ta. Niềm tin về một quê hương đổi mới, về một nước Việt Nam thực sự công bình, dân chủ và tôn trọng nhân phẩm con người vẫn là những động lực thúc đẩy bao người tiếp tục tranh đấu cho một Việt Nam tự do và
nhân bản. Bên cạnh đó, qua cuộc sống hiện tại với những bận rộn hàng ngày, chúng ta cũng đang hội nhập vào đời sống của quê hương thứ hai.

Chúng ta tin tưởng rằng các thế hệ tiếp nối sẽ không quên phong tục tập quán ông cha để lại. Nhà văn Doãn Quốc Sỹ, như một nhà tiên trị, từ hơn nửa thế kỷ trước đã có lời nhắn nhủ chúng ta trong quyển khảo luận Người Việt Đáng Yêu (1965):

“Hãy trở về với nguồn dân tộc, với lòng hiếu hạnh vô bờ, tình anh em thắm thiết, tình bạn bè cao quý, tình dân tộc mãnh liệt, thì trong cơn phong ba của đời có như phong ba của đại dương kia, sóng nhô lên thành núi, nhào xuống thành vực, chúng ta có nhỏ như cái chai nhưng là cái chai được giữ gìn cho kín đáo nên mặc cho phong ba gầm thét uy hiếp, cái chai đó vẫn nổi mà không chìm.

Hãy trở về với nguồn dân tộc!”

Ngô Thụy Chương

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2025