Thập Diện Mai Phục
Ngọc Cân - trấy Tiểu Đợi
* Những đoạn chữ nghiêng: trích từ Dạ Xoa bộ soái lục, trong Truyền kỳ mạn lục (bản dịch)
Tác giả Nguyễn Dư, Hải Dương, TK-XVI
“Kỳ sĩ ở hạt Quốc Oai, họ Văn tên Dĩ Thành, tính tình hào hiệp, coi thường ma quỷ, không để tâm úy kỵ.”
Trưa 30/4 ông già vợ kêu qua, đưa lên lầu, vô phòng ngủ, đóng cửa. Làm rể mấy năm, chưa bao giờ Quân thấy ông có cái vẻ nghiêm trọng như vậy. Chuyện ra đi coi như không còn làm gì được nữa, không lẽ cha con còn bàn tiếp.
Bên ngoài những người mang băng đỏ chạy Honda, xe hơi rần rần trên con đường đầy áo quần lính, họ quơ nòng súng lên trời bắn đì đùng. Nhà cửa đường sá co cứng trong nỗi sợ, ai ai cũng thấy mình nằm trên thớt.
- Con về lục hết giấy tờ, khai sinh hôn thú có tên, năm sinh, nơi sinh của vợ con, đốt hết cho ba.
Quân biết là ông nói chuyện quan trọng nhưng chưa thực sự hiểu. “Dạ”.
- Cái năm đó, sinh tại đó chứng tỏ là vùng Việt minh, họ sẽ truy ngược tới ba.
À là vậy, lâu nay Quân không để ý. Có ai đem nơi sinh của vợ mà đọ với lịch sử đất nước; lứa tuổi Quân có đứa nào biết chỗ nào là vùng của ai trong cái thời kỳ mà ngay ở trường, bài học lịch sử cũng lõm bõm. “Dạ”.
Chắc sắc mặt Quân bần thần lắm nên thay vì nghe ông nói “Vậy con về đi cho kịp. Họ vô nhà riêng lục soát bất cứ lúc nào”; ba tôi hạ giọng, nghe từng chữ:
- Hồi…đó… ba là… Đảng… viên.
“Cuối đời Trùng Quang nhà Trần, người chết chóc nhiều, những oan hồn không nơi nương tựa, họp lại thành từng đàn; hoặc gõ cửa hàng cơm để kiếm miếng ăn, hoặc đón cô gái chơi để kết duyên tạm; hoành hành ở đồng nội không biết kiêng sợ gì cả.”
Quân cách mạng đã về đóng các nơi trong phường. Đã qua mấy ngày căng thẳng. Đã có bộ đội, người mang băng đỏ tới nhà, đi từ trước ra sau không cần nói gì, tự nhiên như nhà mình. Nhà có lầu thì còn lên tuốt sân thượng. Đêm yên ắng còn nghe như có ai đó rục rịch trên mái tôn. Những người bình thường trước đây không ai để ý, đã lột xác thành cán bộ phường, quận.
Ông liên gia trưởng trở thành tổ trưởng tổ dân phố, hăng hái đi phát tờ khai hộ khẩu in trên giấy ronéo “điền tên và chi tiết những người hiện có mặt, chủ hộ cầm theo, tối họp tổ nộp cho cán bộ”. Tờ khai không khác với sổ gia đình là mấy.
Lần đầu tiên trên ba chục người trong liên gia ngồi tụ lại. Ngồi trệt, đối diện, trên nền gạch bông của một phòng khách bỏ trống; dè dặt nhìn nhau vừa như quen vừa như lạ, đa số là phụ nữ. Rõ ràng là “chủ hộ” đi họp bây giờ là nữ, nếu có chủ hộ nam thì vì lý do gì đó để vợ họp thế.
“Dĩ Thành nhằm lúc say rượu, cưỡi ngựa tìm đến, bọn ma quỷ nể uy, chạy biến cả. Chàng kịp dùng lời cầu thân:
- Các ngươi đều là những kẻ tráng sĩ, không may mắc nạn. Ta nay đến thăm, muốn đem điều lợi hại nói chuyện, đừng lảng tránh như vậy.”
……
Đến lượt chủ hộ lớn tuổi nhất trong đám, là mẹ của ông đại úy sát nhà Quân thuê. Bà lo giữ cháu trong nhà, Quân thì ra vô ngày chỉ mấy lần nên họa hoằn lắm mới thấy khi bà quét hiên trước. Nhìn bà ngồi không tựa vô tường mà như cố dựng cái lưng còng, Quân nghĩ ông con trai đang ở đâu. Ồ! Lúc tổ trưởng đọc tên trong tờ khai, hình như có tên ông ấy mà. À! Hiểu rồi! Má đi đỡ đạn cho con đây.
- Báo cáo cán bộ, báo cáo với bà con trong tổ: hôm nay tui rất sung sướng, trong lòng vui thiệt là vui, cách mạng đã thành công, đất nước hòa bình…
Anh bộ đội vỗ tay. “Hoan hô!”.
Cả đám sang số cái rụp “Hoan hô! Hoan hô!”. Quân ngạc nhiên nghe bà cụ nói năng chững chạc, hợp thời đến vậy; mấy chục con người ta, trẻ trung, học thức, không ai “miệng lưỡi qua truông” được như bà.
- Từ nay không còn tiếng súng, bom đạn, chết chóc… thằng con trai tui…thằng con một của tui…
Bà nấc lên, đưa tay quệt mắt, thả lưng lên tường.
- Từ nay tui không còn ngày đêm lo ngay ngáy cho thằng con trai tui … nó bị bắt lính.. Nó mà chết trận thì tui căm thù Mỹ Ngụy biết chừng nào…
Lần này cả phòng họp đã bắt được điệu, nắm được nhịp, la “Hoan hô! Hoan hô!”. À..mà hoan hô cái gì cà? Cả đám nhìn nhau?
- Báo cáo cán bộ, báo cáo với toàn thể buổi họp: Hôm nay, nhân ngày ta chiến thắng, tui xin được tự giới thiệu thêm.
- Tôi, Nguyễn thị Má, 60 tuổi, kết nạp Đảng hồi 9 năm.
“Ma quỷ dần dần tụ lại, kính chàng lên ngồi trên. Dĩ Thành hiểu, vấn như vô tư:
- Lũ người cứ thích làm cho người ta phải tai nạn, làm cho người ta phải chết chóc, chẳng hay cốt để làm gì?
Chúng đáp:
- Chúng tôi muốn để thêm quân.”
Mấy anh trình độ cao, xếp to xếp nhỏ của phòng đã ra đi, nhân sự còn lại trình diện là 13: 9 chính thức của hãng, 4 hợp đồng từ một công ty bên ngoài, chu kỳ ba tháng một; đồng loạt được lưu dụng; Quân biết có những nơi khác người ta kêu là “lưu dung”, thấy tội nghiệp cho cả đám khi có anh em lấy thế làm yên tâm, họ diễn nghĩa: chắc vì tụi mình làm việc cho hãng tư, nhẹ tội hơn; dân mấy chỗ kia là công chức!
Diễn nghĩa chuyện này chuyện nọ là để qua ngày: những chữ cán bộ nói nghe lạ lẫm, những chuyện tiếu lâm ở ngoài phố, chợ trời; ông nào bà nào tự nhiên mất tiêu (kể cả là mấy ông lúc đầu lăng xăng băng đỏ), người thì nói “đi rồi”, kẻ thì nói “nhốt rồi”. Có chuyện nghe kể lại rằng ông nọ bị công an thành phố vô công ty dẫn đi. Bà kia bị kêu lên phòng tổ chức hỏi nhà còn mấy cây vàng, trước giờ có quan hệ bất minh lần nào chưa, với ai.
Không có ai kêu, giao công việc gì để làm nên ngoài lai rai bổn cũ soạn lại (như đổi đơn vị đo lường xăng dầu từ lít/m3 qua kilo/tấn, vân vân và vân vân…); 13 người cứ đóng cửa phòng, tha hồ phát ngôn vô tổ chức, không thiếu những chuyện tiếu lâm phản động vô hại. Cũng may nhờ có chức sắc từ Hà nội vào chỉ đạo có mặt cán bộ giám đốc công ty “Các anh chị sở hữu kiến thức khoa học kỹ thuật tiên tiến là vốn quý của nhà nước ta. Trước mắt khắc phục khó khăn nhất thời, phát huy tinh thần làm chủ tập thể, đóng góp cho cách mạng, gái có công chồng không phụ”.
Thứ Hai tuần kế đó, thêm một tên biến, “tụi nó 7 thằng xuống Rạch Giá mua ghe tam bản dọt rồi”. 12 còn lại xì xào, không khí lặng đi cả buổi.
“Dĩ Thành luận:
- Các người muốn cho thêm quân nhưng tổn hại người sống thì sao! Quân thêm thì ăn uống phải thiếu, người bớt thì cung cấp phải thưa, lợi gì cho các người mà cứ thích làm như vậy?”
Hôm nay là buổi họp tổ kiểm điểm, phê bình đầu tiên; cán bộ trưởng phòng chủ trì. Mọi người đều đã viết sẵn một bài để đọc; tổ viên khác, trưởng phòng phát biểu xây dựng thêm.
… Tới chị A:....
Chị A. cất tiếng nhỏ nhẹ, nội dung không có gì đáng nói.
Cán bộ đóng góp:
- Các đồng chí tổ Bảo vệ phản ánh là chị hay đi trễ về sớm… chị A. có khó khăn gia đình gì không? Cần tổ chức giúp đỡ gì không?
Cả phòng ồ lên một lượt, hầu như chị A. là người đến đi đúng giờ duy nhất của tổ. Vốn nhạy cảm, mắt chị A. như muốn sưng lên; không nghe miệng chị ấp úng được gì. Chị B. ngồi cạnh không chịu được, phát biểu:
- Thật ra nếu nói đi trễ về sớm thì chúng tôi ai cũng có, nhưng tôi xin nói thay cho cả tổ là “chị A. là người không hề! Không biết ông bảo vệ có nhìn lộn người không!”.
Thiếu đường muốn hoan hô cách đỡ đòn của B., vừa bảo vệ A., vừa mở đường ra cho cán bộ. Anh ta có thể “ừ, chắc vậy” hoặc trả đủa “chắc là họ lộn chị B. qua chị A. rồi”.
- Mấy anh chị chú ý: khi mình không hề đi trễ về sớm mà người có trách nhiệm theo dõi báo như vậy thì vụ việc nghiêm trọng hơn là giờ giấc; cái gì, vì sao, mình đã làm gì, đi đứng thế nào để người ta thấy cần cảnh giác, cho mình biết đang bị theo dõi.
- Thôi được. Tới anh Ch. À, anh Ch. là người viết “cháu ngoan cố của Bác Hồ” đây. Anh đọc đi, chớ mà lẹo lưỡi nhé.
Không ai nín được cười. Ngồi gần, Quân chắc chắn là có thấy cán bộ môi mím mà mắt vui. Cá gì cũng cá. Có vợ Thanh Hóa cùng vô tiếp quản một cơ quan với chồng, nói giọng lai, nhưng cái tẩy nam bộ tập kết vẫn còn đó.
“Lại thuyết thêm:
- Lòng dục thả ra thì khe ngòi không đủ lấp, thói ác giở ra thì hùm sói chưa là dữ. Hễ lợi mình được, dù tấm áo mảnh giấy cũng không từ, hễ no lòng được, dù ống giập chậu vỡ cũng không thẹn. Hì hục đi tìm chai lọ, hăm hở đi kiếm cháo cơm. Gieo tai rắc vạ, trộm quyền của Hóa công, kêu nóc dòm buồng, rối lòng của dân chúng.”
Số là có giờ đọc báo “Sài Gòn Giải Phóng” mỗi sáng cho cả tổ nghe. Tới phiên ai thì ráng uốn lưỡi mà đọc; khoảng 40, 45 phút thì dẹp báo qua một bên, bắt đầu tán dóc. Anh Ch. là người ít nói, rất nhã nhặn, nghe gì cũng chỉ cười cười. Hôm đó anh đọc tới lúc có thể vãn tuồng thì thấy có cái hình Bác Hồ với các cháu thiếu nhi to trên mặt báo. Bất giác, anh cầm cây viết mực đỏ chêm chữ “Cố” thành “cháu ngoan CỐ của Bác Hồ”. Cán bộ trưởng phòng tình cờ đi đâu đó, xẹt vô, cầm tờ báo, rống lên “Ai? Ai mà phản động cỡ này”. Anh giận, chắc nghĩ mọi người sẽ chối.
- Tôi.
Thế là anh Ch. bị lôi qua phòng cán bộ, xát xà phòng cả tiếng, ngồi bên này còn nghe tiếng đập bàn. Anh Ch. về lại, miệng cười cười như bình thường. Anh em diễn nghĩa: đó là cái tội ém khí, không chịu tán dóc bôi bác với anh em, lâu ngày bị “khí tồn tại não”, nó xì ra bất tử.
Vẫn điềm đạm, anh Ch. nói ngắn gọn, vô thưởng vô phạt; cán bộ cho qua êm, tránh tình huống “trật chìa”.
- Tới anh Đ.
Anh Đ. là một trong mấy người hợp đồng. Quân chưa lần nào làm chung một dự án với anh, chỉ hơi ngạc nhiên vì tuổi anh Đ. đã lớn nếu không nói là già. Hoàn cảnh nào đưa anh vô nghề này, một nghề rất mới và đa số là cô cậu thanh niên, trung niên đã ít. Anh ít bông đùa, chắc vì tuổi tác.
Anh Đ. tằng hắng nhẹ.
- Thưa anh trưởng phòng, cùng các anh chị: Trong thời gian qua không có công tác gì nhiều, mới, sáng đi tối về, nên tôi xin tường trình chuyện khác. Đối với tôi chuyện này rất quan trọng. Tôi đã suy nghĩ cặn kẽ. Đây là lá thư mà tôi xin đọc tại đây trước khi trình lên đồng chí giám đốc.
Wa…Wa..! Lần đầu tiên nghe một người lưu dụng/lưu dung ở Sài Gòn kêu cán bộ tiếp quản cao cấp là “đồng chí”. Im, im. Im nghe.
“Thấy chúng vểnh tai nhất trí, truy tiếp:
- Lũ người lấy thế làm thích nhưng mà ta lấy thế làm thẹn. Huống chi trời dùng đức chứ không dùng uy, người ưa sinh chứ không ưa sát. Vậy mà lũ người tự làm họa phúc, quá thả kiêu dâm. Thượng đế không dung, hình phạt tất đến, lũ người định trốn đi đàng nào để khỏi tru lục?”
Thư rất dài, nghe đến đâu lùng bùng lỗ tai, muốn són đái tới đó; vì những bông đùa bôi bác mà mỗi người trong tổ đều có “xả xú páp” không hề e dè. Phen này “thần khẩu hại xác phàm” tương lai “kinh tế mới” là cái chắc. Gương mặt cán bộ trưởng phòng vừa nghiêm trang vừa lơ đãng.
….. Như đồng chí đã nhận ra tôi sau bao năm xa cách, anh em mình cùng chi bộ hoạt động trong Thanh niên Tiền phong……
…. Trước ngày tập kết tôi đã được điều về công tác nội thành Sài gòn để ở lại…
……mấy năm sau đó Mỹ Diệm ruồng bố bắt giam hầu hết cán bộ ta….
……đường dây liên lạc bị đứt… tôi cố tìm cách quay về tổ chức, chấp nhận bị lộ, nhưng không thành công…
………trong đau đớn lạc lõng, tôi hoang mang mất tinh thần một thời gian….
…..chỉ còn cách học hỏi, kiếm kế sinh nhai, len vào những công ty tư bản bóc lột… nín thở qua sông…
“Chúng quỷ bùi ngùi báo cáo:
- Đó là chúng tôi bất đắc dĩ chứ không phải là muốn như thế. Sống chẳng gặp thời, chết không phải số. Đói không có thứ gì cấp dưỡng, lui không có chốn nào tựa nương. Trong gò xương trắng, rầu rĩ cỏ rêu, trên đống cát vàng, lạnh lùng sương gió. Bởi vậy không khỏi rủ rê bè bạn, xoay xở miếng ăn. Phương chi vận sắp đến lúc đổi thay, nhà người sẽ đến cơ tan tác. Bởi vậy minh ty không cấm đoán, lũ tôi đã có lời xin. E rằng sang năm lại còn tệ hơn năm nay nữa.”
……. Giờ đây tôi có duyên gặp lại đồng chí, là công nhân viên trong cơ quan đồng chí lãnh đạo… thật sung sướng cho tôi…
…. Xét thấy công việc hiện tại của tổ, của phòng tạm ổn… xin đồng chí cho giấy giới thiệu tôi về quê quán…
…….nguyện vọng của tôi là sống cuộc đời còn lại như một cựu đảng viên lớn tuổi, hồi hương canh tác làm ra hạt gạo…củ khoai….
…..Thậm chí ngày ngày ra cuốc đất ban bằng chỗ đất gò đồn bót hồi xưa tôi và đồng chí từng đánh phá….
…….. còn mấy anh chị em ở đây……..vân vân và vân vân….
Có ai biết trời sụp là sao không? Dạ xoa đã nói “Bởi vậy minh ty không cấm đoán, lũ tôi đã có lời xin. E rằng sang năm lại còn tệ hơn năm nay nữa.”
./.
Tái bút: Mấy năm sau, Quân đạp xe thấy cán bộ trưởng phòng. Anh ta ngoắc tay, Quân mời ghé quán cóc uống cà phê, mua cho hai người hai điếu thuốc cán, dẫu gì cũng là xếp cũ. Chia tay anh đưa số nhà:
- Đêm nào kẹt chỗ ngủ, tới chỗ tôi. |