SỐ 106 - THÁNG 4 NĂM 2025

 

TRÍ NHỚ CỦA MỘT NGƯỜI MẤT TRÍ

Cha của Kiên đã già và mất trí từ nhiều năm nay. Mẹ anh thì đã mất từ lâu. Năm anh em Kiên thay phiên nhau chăm sóc cho ông. Ở cái tuổi 85 ông chẳng còn làm gì được. Ông ngồi trên xe lăn, con đẩy đi đâu thì đẩy, ông không mấy khi phàn nàn. Ông thích ngồi bên cửa sổ nhất. Đó là nơi lý tưởng để ông nhìn ra những ngọn đồi xa cũng như những con đường đất mà ngày xưa, thuở còn mạnh giỏi ông đã đi bộ đến mòn dép.

Có thể nói cha Kiên chẳng còn nhớ gì cả. Ngay cả mẹ Kiên tức là vợ của ông, ông cũng quên luôn. Hiếm hoi lắm ông mới nhắc tới bà. Có nhiều lần Kiên thấy cha nhìn lên ảnh mẹ trên bàn thờ với đôi mắt trống không ngờ nghệch. Dường như ông chẳng hiểu người trong ảnh là ai. Ông mù mờ với hiện tại, rối nùi với quá khứ và không có khái niệm gì về tương lai. Duy có một người mà ông chẳng hề quên là chú Bảy. Ông cứ lập đi lập lại cả ngàn lần cái câu nói làm Kiên phát khùng: “Con đi tìm chú Bảy về đây cho cha.” Kiên cũng phải lập đi lập lại cả ngàn lần câu trả lời: “Con không biết tìm chú ở đâu.” 

Cha Kiên khóc rấm rứt: “Không gặp chú chắc cha chết không nhắm mắt con ơi.”

Chú Bảy không phải là chú ruột của Kiên. Ông bà Nội Kiên có 5 người con. Cô Hai, cô Ba, cô Tư là gái. Bác Năm và cha Kiên - thứ sáu - là trai. Chú Bảy là con của vợ chồng người làm công cho ông bà Nội Kiên. Thấy chú thông minh, đĩnh đạc nên ông bà Nội Kiên rất thương và tin cậy, coi như con cháu trong nhà. Chú với bác Năm và ba Kiên là bộ ba, thân thiết từ nhỏ. Đến năm 75 những biến động của đất nước đã chia cắt ba người. Cha Kiên dẫn vợ con di tản qua Mỹ. Bác Năm ở lại coi đất cát mồ mả và chăm sóc ông bà Nội. Chú Bảy thì lưu lạc khắp nơi. Nghe nói chú vượt biên nhiều lần, bị bắt lên bắt xuống, có qua được bên Mỹ rồi trôi giạt nơi nào không ai rõ. 

Có lần Kiên hỏi sao cha cần gặp chú Bảy đến như vậy thì ông không nói. Hai môi ông lập bập rồi ông khóc. Những người bị thoái hóa não bộ như cha Kiên ngoài cái lỗ hổng về ký ức họ còn bị suy giảm cả khả năng nhận thức và vận dụng ngôn ngữ. Họ khờ khạo như đứa bé lên ba. Kiên chỉ còn biết thở dài. Bác sĩ nói chừng ba năm nữa ông có thể không còn biết mình là ai trong khi cái người ông tha thiết muốn gặp là chú Bảy vẫn còn bặt vô âm tính.

Cho đến một ngày kia cây kim dưới đáy biển bỗng dạt vào bờ và dạt vào tay của người tìm nó. Kiên tình cờ nhìn thấy ảnh chú Bảy trên một bài đăng trên mạng xã hội. Anh mừng quýnh. Cây cầu liên lạc đây rồi. Kiên lập tức nhắn tin với tác giả bài viết rồi từ đó phăng ra chú Bảy. Không thể nói có sự mừng rỡ nào hơn cuộc đoàn tụ này. Kiên tìm gặp chú, đưa chú về nhà chơi. Kiên muốn làm tròn mong ước của cha trước khi ông về với tổ tiên Trời Phật.

Sự mừng rỡ của cha Kiên khi gặp chú Bảy không to lớn như Kiên tưởng. Có lẽ trong cái cõi nhớ đã tối tăm của ông hình ảnh chú Bảy không giống với cái người đang đứng trước mặt ông đây. Ông ngó Kiên bằng đôi mắt ngờ nghệch: “Chú Bảy đây hả con?”

Kiên nói: “Dạ. Chú Bảy đó cha.”

Chú Bảy ôm cha Kiên mà khóc. Cha Kiên ngó chú một hồi lâu. Câu đầu tiên ông hỏi: “Cô Chinh còn sống không?”

Chú Bảy đáp:

- Dạ còn anh Sáu.

Cha Kiên thở một hơi dài. Rồi ông nắm tay chú, thẫn thờ. Ông lại chìm vào những suy tưởng gì đó của riêng ông mà không ai biết. Chú Bảy nói gì, kể gì cha Kiên dường như không chú ý và không hiểu. Cứ năm phút ông lập lại câu hỏi: “Cô Chinh còn sống không?” Chú Bảy lại đáp: “Dạ còn anh Sáu.” Kiên nói với chú: “Cha cháu giờ như vậy chú à. Không còn nhớ gì nữa. Vừa hỏi xong là hỏi lại ngay. Ông chỉ còn nhớ cái cô gì đó thôi.” Chú Bảy nhìn cha Kiên với ánh mắt đầy cảm thông và thương xót. Suốt đêm chú ngồi cạnh ông, bóp tay bóp chân, kiên nhẫn với tất cả những rối ren của một người mất trí. Kiên thương chú Bảy. Chú không khác gì chú Bảy ngày xưa. Một người tận tụy và trung thành. Tối khuya khi cha Kiên đã đi ngủ rồi thì chú vẫn còn ngồi đó một mình bên ngọn đèn. Đồng hồ đã chỉ một giờ khuya. Kiên đến bên chú hỏi:

- Chú Bảy. Chú không đi ngủ sao?

Chú Bảy mỉm nụ cười hiền từ. Trong cái trầm tĩnh, phong trần của một người lớn tuổi Kiên vẫn thấy phảng phất một chú Bảy trẻ trung, nhanh nhẹn ngày nào, thuở chú còn là người tài xế chở anh em Kiên đi học. Chú lúc nào cũng hiền lành, nhẫn nại. Kiên nhớ chú với bác Năm và cha Kiên hay ngồi uống rượu với nhau. Bác Năm lúc nào cũng say mút mùa, kế là cha Kiên. Chú thì bị mọi người chọc là phá mồi vì chú không uống, chỉ ăn...

Kiên ngồi cạnh chú, nhắc lại kỷ niệm xưa. Chú Bảy gật gù. Kiên hỏi:

- Chú Bảy. Cô Chinh là ai vậy chú? Kể cho cháu nghe đi chú..

Thấy chú làm thinh Kiên lại nói:

- Má cháu đã mất, cha cháu thì gần đất xa trời. Cô đó có là ai đi nữa thì có gì phiền phức đâu. 

Chú Bảy đáp:

- Cháu muốn biết thì cũng được nhưng chú sợ khi nghe xong cháu sẽ có cái nhìn khác đi với những người thân của mình.

Kiên nói:

- Cái nhìn của mình với một người mất trí không giống với cái nhìn của mình với một người bình thường.

Cha cháu bây giờ có còn gì đâu. Nếu ông có nợ nần ân oán với ai thì kiếp sau ông trả. Kiếp này coi như hết rồi...

- Ngoài cha cháu thì còn có bác Năm... Bác Năm dính dáng không nhỏ trong chuyện này...
- Nhưng bác Năm đã chết rồi...Kiên ngắt ngang lời chú.

Chú Bảy thở hắt ra. Chú lặng thinh một hồi rồi mới cất tiếng nói. Kiên ngồi kế bên. Anh có cảm tưởng như mình vừa lôi trong kẹt tủ một cuốn sách đầy bụi và bắt đầu giở từng trang ra đọc. Mỗi trang sách là một bí mật còn trong bóng tối.

- Ông bà Nội cháu khi xưa giàu có lắm.- chú Bảy bắt đầu kể. Ông bà là điền chủ giàu nức tiếng ở đất Gò Công. Bác Năm và cha cháu đều được đi học trường Tây. Bác Năm nói tiếng Tây, viết tiếng Tây còn rành hơn tiếng Việt. Xong tú tài thì bác Năm không muốn học nữa. Bác đứng ra cai quản điền sản cho ông bà Nội, oai phong như một chỉ huy trưởng trong gia đình. Cha cháu thì cũng đi học đó nhưng không mặn mà với chữ nghĩa mà lại thích con đường binh nghiệp. Mới 22 tuổi ông tốt nghiệp sĩ quan Đà Lạt, mang lon thiếu úy và được bổ nhiệm làm việc tại Pleiku. Một chàng thiếu úy trẻ, đẹp trai, hào hoa phong nhã như cha cháu thì làm sao không vướng vào lưới tình cho được. Ông dan díu với cô Chinh, một cô gái xinh đẹp nhưng vừa quê lại vừa nghèo. Cha mẹ cô ấy có 5 người con, cô Chinh đẹp nhất nhà. Gia đình họ sống lam lũ với gánh xôi gánh chè, túng thiếu quanh năm. Trong khi ấy thì ông bà Nội đã ngắm nghía cho cha cháu một người con gái khác, có học thức lại giàu có, con của một gia đình danh gia vọng tộc. Người con gái ấy là má cháu sau này.

Có lẽ cha cháu không nặng tình với cô Chinh lắm đâu. Ông như cánh bướm vờn hoa, bay nhảy hết bông hoa này tới bông hoa khác. Ông coi cô Chinh như cuộc tình qua đường, nhưng khốn khổ thay người con gái ấy đã mang trong người giọt máu của cha cháu rồi. Ngày cưới của cha cháu đã được ấn định mà cái thai trong bụng cô Chinh lại đang lớn dần.

Bác Năm biết câu chuyện này. Bác là người có đầu óc rất cực đoan. Bác tôn thờ cha mẹ, bảo vệ anh em một cách mù quáng dù cho sự bảo vệ ấy tốt hay xấu, gây tổn hại cho người ngoài như thế nào bác cũng bất chấp, miễn gia đình bác được yên ổn thì thôi. Chiều hôm ấy bác kêu chú lại bảo:

- Sáng mai mày lấy xe chở tao đi Pleiku.

Chú giật mình:

- Đi Pleiku chi vậy anh Năm ?

Bác nói:

- Để giải quyết chuyện con Chinh. Còn hai tháng nữa đám cưới rồi. Tao không muốn nó xuống đây phá đám.
- Giải quyết sao anh Năm?

Bác Năm không nói. Hai mắt bác đỏ ngầu. Chú nghe lạnh toát sống lưng. Chú linh cảm những toan tính trong đầu bác rất hung bạo. Ông Nội cháu hay nói bác Năm là người dao to búa lớn, hữu dõng vô mưu, lúc nào cũng đem bạo lực ra giải quyết vấn đề. Quả không sai! Bác Năm nhìn chú gằn giọng:

- Tao sẽ dụ nó ra ngoài rừng rồi xô nó xuống vực.

Chú tưởng mình nghe lầm. Chú kêu lên:

- Anh Năm...Làm như vậy ác lắm. Chưa kể có thể đi tù vì tội giết người. Anh chỉ cần cho cổ một số tiền rồi biểu cổ đi biệt đi là xong.

Bác Năm cười khẩy:

- Dân trên đó đi rừng té xuống vực chết hoài. Ai biết đâu mà sợ. Cho nó tiền rồi mày có bảo đảm là yên không ? Mai mốt nó đẻ rồi nó bồng con tới ăn vạ thì sao. Tao không muốn tai tiếng lôi thôi. Thằng Sáu đang đóng quân ở Cần Thơ, rất thuận tiện để thực hiện chuyện này. Nó không biết gì đâu. Mày thu xếp đi rồi mai đi với tao. Mày không đi thì tao kêu đứa khác đi.

Chú gần đứng tim. Những lời nói của bác như còn văng vẳng trong tai chú cho tới bây giờ. Chú không ngờ bác Năm tàn ác đến như vậy. Tâm trí chú bấn loạn, chú còn chưa biết xoay trở thế nào thì tối hôm đó, giữa lúc chú còn đang thu xếp mấy bộ đồ chuẩn bị mai đi thì ông Nội cháu lên cơn đau tim đột ngột phải đưa lên Sài Gòn cấp cứu. Ông trời sắp đặt hết cháu ơi. Bệnh tình của ông Nội là gáo nước thần tạt vào ngọn lửa tội ác đang lập lòe nhen nhúm, là bàn tay vô hình của định mệnh kéo cô Chinh ra khỏi cái hố tử thần và dẫn dắt cô rẽ qua một hướng khác. Ông Nội được đưa thẳng vào bệnh viện Đồn Đất. Bác Năm theo sát ông không một phút rời. Bác dường như không còn quan tâm đến chuyện cô Chinh nữa. Chú nói với bác:

- Anh Năm ở đây lo cho bác trai. Chuyện đi Pleiku để em lo liệu.

Bác Năm hơi trù trừ rồi đáp:

- Thôi được. Mày làm sao thì làm. Tao không bao giờ muốn thằng Sáu gặp con đó một lần nào nữa.

Chú gật đầu.

- Ông Nội cháu nằm nhà thương gần cả tháng trời. Bác Năm túc trực ngày đêm trong ấy. Chú lên Pleiku một mình.

Có lẽ đó là cuộc gặp gỡ để lại trong lòng chú những ấn tượng không nguôi. Chú đưa cô Chinh một số tiền và nói:

- Cô đi đi. Đi xa chừng nào tốt chừng ấy. Đừng ở đây và cũng đừng bao giờ gặp lại thiếu úy Hiệp. Tôi nói thật với cô. Tính mạng của cô sẽ bị đe dọa nếu cô còn tìm gặp ông ấy. Gia đình ông ấy rất giàu có. Họ sẽ không để yên cho cô đâu. Chuyện gì họ cũng dám làm.

Cô Chinh cầm cái phong bì gói số tiền “đền bù thiệt hại” cho cô với khuôn mặt thất thần. Cô kéo hai vạt áo che cái bụng đã lùm lùm. Chú nghe như đau thắt trong lòng. Cô nói:

- Cám ơn anh Bảy. Anh về đi. Em sẽ không bao giờ gặp thiếu úy Hiệp nữa đâu.

Chú lái xe về. Sương giăng mù mịt trên đường đi. Khuôn mặt cô Chinh hiện ra mờ mờ ảo ảo trên những cụm rừng đen thui thủi. Đôi mắt thảng thốt, hai môi nhợt nhạt, cái bụng nhô lên sau lớp vải cơ hàn. Cái người đàn ông khi cưỡi lên bụng người đàn bà họ có bao giờ nghĩ đến cái giây phút này đâu. Hai tay chú run bần bật. Mấy lần tay lái chú suýt đâm vào vách đá hay lao xuống vực. Oan nghiệt lắm cháu ơi...

Sau khi ông Nội xuất viện thì đám cưới được cử hành ngay. Bà Nội cháu không muốn chần chờ vì sợ vướng vào tang chế. Đó là một đám cưới hoành tráng và sang trọng nhất nhì thời đó vì cha cháu coi như là con trai duy nhất trong gia đình, là người sẽ sinh con đẻ cháu nối dõi tông đường bởi bác Năm không bao giờ muốn lấy vợ. Sau đám cưới ông bà Nội dọn hẳn lên sống ở Sài Gòn cho tiện bề thang thuốc vì sức khỏe của ông ngày càng xuống dốc. Ông bà cho xây một biệt thự to lớn cho cả gia đình cùng ở, có mời thầy địa lý đến xem hướng nữa, nơi các anh chị cháu và cháu lần lượt ra đời. Con đường binh nghiệp của cha cháu cũng rộng mở thênh thang. Ông được thăng quan tiến chức, được bổ dụng đi nhiều nơi, ra cả nước ngoài để dự những khóa huấn luyện đặc biệt. Câu chuyện về người con gái Pleiku đã chìm lỉm xuống đáy của dòng sông cuồn cuộn rồi. Có một lần cha cháu cho người lên Pleiku tìm cô ấy. Trong sâu thẳm tâm hồn ông hẳn còn những mương rãnh ân hận hay ân tình nào đó chăng. Người kia về bảo rằng cô ấy đã bị tai nạn trên đường đèo và chết rồi. Anh ta còn đưa ra một bài báo đăng tin có chiếc xe bị lật ở đèo An Khê. Cha cháu chẳng ngờ vực gì. Người đó sau này trong cơn say túy lúy đã cho chú biết là bác Năm đã cho anh ta tiền để nói như vậy. Sự thật là cô ấy đã ra Cam Ranh kiếm sống bằng nghề bán ba. Cô được một sĩ quan Mỹ lấy làm vợ và đem về Mỹ cùng với đứa con gái của cô ấy và cũng là chị cùng cha khác mẹ với cháu. Số phận đã an bài rồi cháu ơi. Cánh chim phiêu bạt ấy đã thoát khỏi khu rừng đầy ám khí để bay bổng ở chân trời góc biển nào không ai biết.

Bao nhiêu năm đã trôi qua. Bao biến cố thăng trầm. Chú kể lại cho cháu nghe tất cả những gì chú biết về những uẩn khúc trong cuộc đời của cha cháu. Nghe để biết, biết rồi thôi, một lần rồi thôi...

Chú Bảy ngừng nói. Kiên lặng người nhìn bàn tay nhăn nheo của chú xoay xoay cái tách trà. Từ cái giường ở phòng kế bên Kiên nghe tiếng ú ớ của cha vọng ra rồi tiếng cha anh gọi:

- Kiên ơi. Cha muốn đi tiểu.

Kiên vừa đứng lên vừa nói:

- Dạ. Con vô liền đây cha.

Đồng hồ lúc ấy chỉ hai giờ sáng.

Chú Bảy ở chơi với cha Kiên ba ngày rồi đi. Kiên đưa chú ra phi trường. Anh nhìn mãi theo cái dáng của chú trong dòng người ngoằn ngoèo giữa những vali , kiện hàng lỉnh kỉnh cho tới khi chú đi khuất rồi mà Kiên vẫn chưa muốn về. Anh nhìn ra biển người nhấp nhô sau cửa kính và bỗng dưng tự hỏi không biết ai trong số đó là người chị mang một nửa dòng máu của mình. Kiên thở dài. Anh nhớ tới khuôn mặt đờ đẫn của cha, dáng người co rúm trên giường dưới tấm chăn dúm dó, rồi nhớ tới bức ảnh của bác Năm trên bệ thờ. Ông trời sẽ tính sổ tất cả, không kiếp này thì kiếp sau. Kiên lơ đãng nhìn quanh. Mắt anh chạm vào cái đồng hồ ở quầy soát vé. Thôi chết. Trễ quá rồi. Anh phải về gấp để thay ca cho đứa em gái kịp giờ đi làm. Anh hối hả chạy ra khỏi phi trường, lấy xe và lao như điên trên đường. Xe Kiên vừa đậu thì đã thấy em gái anh chờ trước cửa:

- Em đã cho cha ăn tối và uống thuốc xong hết rồi. Cha đang nằm trên giường. Sao anh về trễ vậy?
- Kẹt xe. Kiên đáp nhanh rồi bước vội vào nhà.

Cha anh vẫn chưa ngủ. Ông nằm lơ mơ trên giường , mắt ngó lên trần nói lẩm bẩm gì không ai hiểu. Kiên nói:

- Thưa cha. Con mới vể. Cha chưa ngủ sao?

Cha Kiên đáp:

- Chưa... Con đi đâu suốt ngày vậy?
- Con đưa chú Bảy ra phi trường.
- Ủa con gặp chú Bảy hồi nào?

Kiên ngớ ra:

- Chú Bảy tới thăm cha mấy ngày nay. Chú ngồi bên cạnh cha từ sáng tới chiều. Chú mới về đó.
- Ủa , sao cha không gặp?
- Cha gặp chú rồi đó.
- Hồi nào đâu?
- Thì chú qua thăm cha, ngồi nói chuyện với cha cả ba ngày liền...Thôi cha ngủ đi.
- Cha muốn biết tin tức của cô...cô....cô gì đó...Không biết cô ấy còn sống hay chết.
- Cô ấy còn sống.
- Còn sống hả? Ai nói?
- Dạ chú Bảy nói.
- Nói hồi nào?

Kiên không nói nữa. Anh kéo chăn đắp lại cho cha dịu dàng bảo:

- Cha yên tâm. Cô ấy còn sống và bình an. Thôi cha ngủ đi.

Mắt cha Kiên khép lại. Kiên nhẹ nhàng lui ra khỏi phòng , bước xuống bếp tìm cái gì bỏ bụng. Mỗi đêm cha anh đi tiểu từ năm đến bảy lần. Ông lại không chịu mặc tã. Cứ vừa chợp mắt là ông kêu Kiên dậy. Kiên lừ nhừ như thế suốt đêm với ông. Sáng ra khi người em tới thay ca là Kiên đã nhừ tử. Anh lăn ra ngủ như chết để đến tối mọi chuyện lại bắt đầu như đêm hôm qua, đêm hôm trước.

Kiên cảm thấy xót xa cho cha. Trong tâm trí hỗn độn của ông không còn gì ngoài sự cắn rứt của một lỗi lầm, một ăn năn mà ông không cách gì thoát ra được. Sáu tháng sau, một năm sau và liên tục cho đến giây phút cuối cùng ông vẫn bảo là muốn gặp chú Bảy để hỏi thăm tin tức của một người con gái. Dù cho Kiên có giải thích thế nào thì chỉ năm phút sau ông đã quên sạch. Kiên có cảm tưởng như trí não ông giống như một bức tường mà những sự việc bên ngoài là trái banh nên khi dội vào đều bị bật ra chứ không cách nào dính vô được. Kiên bó tay. Anh không biết làm gì cho cha mình thanh thản. Mỗi ngày ông hỏi anh ít nhất ba lần:”Chú Bảy giờ ở đâu con? Cha muốn tìm chú để hỏi thăm tin tức một người.” Và anh cũng lập lại ít nhất ba lần: “ Dạ chú có tới gặp cha rồi. Người đó vẫn còn sống và bình an cha à”. 

Nghi Phương 
1/2025

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2025