SỐ 42 - THÁNG 4 NĂM 2009

 

Ánh Xuân Hồng

                                  
Khi bóng của những em học sinh cuối cùng vừa khuất ở phía hai đầu của con lộ, cũng là lúc Loan dẫn chiếc xe Mobilette ra khỏi cổng của ngôi trường Tiểu học Tỉnh.     

Hình ảnh của một cô giáo trẻ đang bật cái chống xe xuống mặt đường nhựa, đưa một bàn tay với những ngón dài thon nhỏ ra vén chéo vạt áo dài trắng lên phía sau lưng quần, đoạn ngồi lên trên yên xe...trông thật duyên dáng làm sao! Thế mà chiếc xe hôm nay lại giống như là một...‘‘con ngựa bất kham’’, chẳng chiều lòng người đẹp mà nổ máy!
Những tia nắng hồng còn lao xao trên tàn cây như thể đang tranh nhau tìm một chỗ ngủ an lành nào đó trong kẽ lá trong khi buổi chiều xuân trôi đi êm ả giữa lòng thị xã.

Từ phía trước, một chiếc xe Jeep chạy chầm chậm đến và dừng hẳn lại bên Loan.

Trung úy Phong vừa bước xuống xe đã hỏi với vẻ sốt sắng:

- Xe hỏng máy phải không?

Và chẳng cần đợi câu trả lời, chàng sĩ quan trẻ vội vã ngồi lên yên chiếc xe gắn máy. Đôi giày-sô bóng láng chạy nhanh theo đôi bàn đạp quay tròn. Máy nổ, nhưng rồi lại ngừng ngay!
Phong cằn nhằn:

- Chả lẽ lại hết xăng?

- Chắc là như vậy rồi, em định lát nữa cho nó...‘‘uống nước’’, ai dè...

oOo

     Khi hai người vừa bước đến trước cửa quán ‘‘Cà Phê Mây’’ nằm ven bờ của một con rạch nhỏ, một điệu nhạc vui nhộn vang lên cùng với giọng hát của một cô ca sĩ nào đó đưa lại:

- "Anh là lính đa tình..." !

Phong lẩm bẩm ở trong miệng:

- Sao lại...phá đám nhau như vậy? Tôi đâu có thù hận gì với cô, sao mà...lẻo mép...hát xỏ xiên vào người ta như thế?

Loan day qua hỏi Phong:

- Trung úy...‘‘nói...hành nói tỏi’’ gì em đó?

Chẳng để cho người dối diện hiểu được tâm trạng của mình, Phong lảng sang chuyện khác:

- Không, tôi nói chiếc xe của cô ấy mà!

Loan gặng hỏi:

- Chiếc xe của em nó ra làm sao?
- Thì...tại nó hết xăng mà nó không chịu...nói ra, báo hại cả cô và tôi đều đạp đến bủn rủn cả chân!

Loan cho đó là những lời lẽ cố tình tránh né, không thỏa đáng cho điều mình muốn biết. Khi cô chủ quán vừa quay đi sau khi hai người đã chọn nước uống, Loan nảy ra ý định muốn ngầm...điều tra anh chàng vừa mới quen này.

Loan chống chỏ bưng ly nước đá chanh trên tay, giương đôi ánh mắt nâu đen nhìn thẳng vào mắt người đối diện. Phong mở rộng...‘‘cửa sổ của tâm hồn’’ mình ra hứng trọn tia nhìn ấm áp đó.  Phong cảm thấy tâm hồn mình sảng khoái hơn bởi cái cảm giác mát mẻ đang chảy dài khắp châu thân, tưởng chừng như có một niềm tin yêu nào đó bấy lâu nay bị nguội lạnh trong huyết quản giờ mới bắt đầu được hâm nóng lên. 

Nhìn vào mặt Phong, Loan cho rằng kẻ đang ngồi đối diện mình là ‘‘lính văn phòng’’ đang từ doanh trại ‘‘dù’’ về nhà với vợ con nên nàng buông lời thăm dò:

- Hay là Trung úy đi về trước đi kẻo...chị ở nhà đang chờ cơm đó! Để em mua xăng lẻ ở trước cửa quán đổ vào bình xăng, chắc là không có chuyện gì rảy ra nữa đâu.

Tuy đã hai mươi bảy tuổi đời nhưng Phong vẫn còn...ở vậy! Thật ra, Phong rất hãnh diện khi mình là một trong những đứa con tin yêu của chiếc phù hiệu Sư đoàn 21 ''Sét Miền Tây'' đính ở trên cánh tay áo trái và chiếc huy hiệu Tiểu đoàn 3/32 ''Sấu Thần'' may trên túi áo trận. Nhưng chàng chẳng dám để cho một bóng hồng nào đó lảng vảng ở trước cửa buồng tim của mình. Phong quan niệm rằng...‘‘Trên mặt trận tình cảm, đừng nên vội vã...tiến sâu vào...chiếm lĩnh trận địa...trái tim vốn rắc rối của các cô nàng, mà chỉ nên để lại...mục tiêu vừa mới đi qua một chút hình ảnh hào hùng của một thanh niên đi xây dựng quê hương trong thời buổi loạn ly mà thôi. Nếu được các ‘‘nàng Kiều của miền Tây Đô’’ trân trọng mình như một...thần tượng đã là điều đáng quý rồi. Nếu như có một người đẹp nào đó hằng đêm ôm gối mộng mà vọng nhớ đến một bóng chinh nhân đang trên...‘‘đường giong ruỗi lưng mang cung tiễn’’, giống như chàng...‘‘Kinh Kha’’ của ngày xưa, ra đi mà chẳng biết ngày nào trở lại chốn hẹn hò xưa, thì ai là người chia sẻ với nỗi sầu ở trong lòng của những người ở lại?’’.

Phong không lấy làm lạ trước...‘‘ngón nghề’’ mà Loan vừa mang ra áp dụng hôm nay để điều tra gia cảnh của chàng xem như thế nào, bởi vì việc ấy chàng đã trải qua nhiều lần rồi !

Phong định nương theo ý đó mà đáp lời Loan thì đã nghe nàng...bồi thêm:

- Trung úy...có đang nghĩ gì về vợ con ở nhà...thì cũng đừng quên...lời nhắc nhở của em vừa rồi đó!

Phong giật mình ngưng tay quạt! Chàng bỏ chiếc nón lưỡi trai xuống mặt bàn khi biết rằng cô gái đang ngồi trước mặt mình quả là...‘‘cao tay ấn’’!        

Đã từng xông pha ngoài trận mạc mà chẳng sợ, sá chi một ánh mắt đưa tình đang mời gọi mà lại bỏ qua, Phong nhìn như dán mắt mình vào đôi mắt nhung đen nằm giữa bốn bờ mi tròn xinh kia mà xác nhận ngay tình trạng gia cảnh của mình:

- Phải, cô đoán trúng hết trơn, nhưng mà về sau này, chớ không phải như những ý nghĩ mà cô vừa mới suy diễn đâu!

Lòng Loan rộn lên một niềm vui khó tả. Thì ra anh chàng còn độc thân!

Loan vẫn tiếp tục phá chàng cho tới bến:

- Có chắc là như vậy không? Hãy để em...lấy dép ra...‘‘xin keo’’ rồi mới có quyết định tin hay là không tin vào lời của anh nói nhé!

Loan vói tay lấy chiếc bóp để trên bàn.
Thấy vậy, Phong hỏi:

- Cô định trả tiền nước và cả...công của tôi đưa cô đến đây có phải không?

Loan đáp nhanh với thái độ ranh mãnh:

- Cả hai!

Trước khi quay mình đi về phía quày hàng ở phía trong, Phong nói với vẻ hóm hỉnh:
- Sao cô không nói là...‘‘cả ba’’, vì còn thiếu...‘‘hai lít nước’’ cho chiếc xe...đang khát của cô nữa đó!...

oOo

     Xóm Chài nằm ở vùng ven phía Nam của Thị xã Tây Ninh. Có lẽ kể từ khi những di dân đầu tiên sống bằng nghề chài lưới qui tụ về lập nghiệp ở dọc theo hai bên bờ của con rạch nhỏ chảy êm đềm ngang qua giữa lòng thị xã nên mới có cái tên ‘‘Xóm Chài’’. Và nơi đây đã một thời là một trung tâm nhỏ mua bán cá mỗi khi ghe chài về cập bến.
Vài căn nhà gạch của những người giàu có hay của những viên chức sở tại, với lối kiến trúc theo kiểu của người Pháp, trông có vẻ kín cổng cao tường nằm rải rác giữa những căn nhà lá khang trang của dân chài. Cũng có rất nhiều gia đình sống trong những chiếc thuyền chài biến cải thành những căn nhà sàn di động, quanh năm lênh đênh trên sóng nước .

Bây giờ, ở tận sát mé nước, bờ rạch được xây kè bằng đá hộc nên cảnh quang trông đẹp mắt và sạch sẽ hơn khi xưa.

Vào những đêm sáng trăng, vài ba cặp tình nhân hò hẹn nhau đến ngồi dưới tán của những cây dừa nghiêng mình rũ bóng xuống mặt nước lung linh muôn ánh vàng rực rỡ mà toan tính chuyện mai sau.

Vào những buổi chiều hè nóng nực, cư dân ở đây thường ra ngồi bệt xuống bờ kè, đong đưa đôi bàn chân khoa nhẹ vào dòng nước để nghe cái cảm giác mát mẻ đang chảy dài trong huyết mạch. Gió nhẹ từ đâu dưới bao lớp sóng nhỏ lăn tăn trên mặt nước lướt lên phơn phớt trên da mặt khiến cho tâm hồn trở nên sảng khoái và đê mê hơn.
Thường nhất vẫn là đám trẻ con cởi trần trùng trục thi nhau bơi lội hay đùa giỡn nhau trên sóng nước triều lên  đến mặt bờ kè, lắm khi đến lúc hoàng hôn sắp tắt cũng chẳng chịu lên bờ.

Chẳng có nơi nào nằm ven đôi bờ của con rạch có được một cảnh quang đẹp đẽ và thơ mộng như là ở đây!
Hiểm họa của chiến tranh là những gì xa lạ đối với những cư dân sống ở vùng này và thiên tai cũng đã lánh xa họ từ nhiều năm qua.

Và vào một ngày giáp Tết 74, Loan và Phong đã chọn được nơi này để cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình. Lễ cưới của họ đã được tổ chức trọng thể tại...‘‘lâu đài hạnh phúc’’ mà họ đã tự tạo ra là căn nhà ba gian với mái lợp tôn và vách ván nằm trong khu vực Xóm Chài này...

oOo

     Trước tháng tư năm 1975, người lính nào mà chẳng có một mái ấm gia đình! Nhưng sau đó, các Trại cải tạo mọc lên như nấm ở khắp ba miền đất nước lại là...‘‘nhà’’ của họ!

Loan dẫn theo Nhung, đứa em gái, đến thăm chồng trong đợt thăm nuôi đầu tiên nơi một...‘‘chung cư’’ của Tỉnh do bàn tay của những người tù dựng lên tại một mật khu cũ của chế độ mới nằm ở giữa rừng sâu, bên bờ của một dòng suối thơ mộng, nhưng khi nghe nói đến cái tên của dòng suối này thì ai cũng phải nổi da gà, ‘‘suối Lénin’’!

Dáng dấp gợi cảm của một người...vợ lính chỉ với hai mươi mùa xuân đi qua cuộc đời vẫn chưa phai sau mấy năm dài xa cách. Nhưng tính tình hồn nhiên hình như đã biến mất trong tâm hồn của một người...vợ tù! Phong chẳng nhìn ra được vẻ khác lạ đó nơi người đàn bà đầu ấp tay gối của mình. Loan đã tự ý hát khúc...‘‘sang ngang’’ với một người đàn ông có chức quyền nơi khu vực nhà nàng ở!

Chỉ trong vài phút thăm nuôi quá ngắn ngủi, làm sao Loan có thể tâm sự được điều gì với chồng! Nàng đành ngồi yên lặng mà lau nước mắt! Cái lý lẽ mà nàng muốn đưa ra hôm nay là...‘‘ tay yếu chân mềm, tử nhỏ đến lớn chưa hề rớ đến chiếc liềm cái cuốc thì làm sao thích ứng được với cuộc ''đổi đời'' vừa qua và cái quyết định thay đổi hướng đi chỉ là để...lo cho chồng!’’. Phong thì lại khác! Với thân phận...‘‘con chim ở trong lồng, con cá nằm trên thớt’’, chàng chỉ có thể nhắn nhủ đôi điều với người vợ trẻ và bày tỏ tâm trạng mình cho vơi đi bao nỗi nhớ nhung đầy ắp ở trong lòng để nàng yên tâm mà chờ đợi một ngày về, cho dù chưa biết được ngày đó có xảy ra hay không và vào lúc nào!   

Riêng Nhung, nàng biết rõ mọi nguồn cơn và nàng cũng muốn giúp chị mình nói rõ sự thật cho ông anh rể biết trong lần gặp gỡ này. Nhưng ở trong cái hoàn cảnh này, Loan thấy chẳng tiện nói ra, cũng đành ngồi im lặng, hết nhìn chị rồi lại nhìn sang ông anh rể để ngầm chia sẻ niềm xót xa với hai người thân mà thôi!

Làm thinh chẳng phải là một hành động đồng tình với người chị của mình. Nhung muốn qua ánh mắt nói lên điều đó với Phong. Không biết ông anh rể có thấu rõ được lẽ ấy mà thông cảm cho...cô em vợ vừa mới bước qua tuổi mười sáu, cái độ tuổi tròn trăng nhưng cũng đã biết phê phán các việc sai trái xảy ra hằng ngày trong cuộc sống...

Và rồi, từng cặp từng cặp...‘‘Ngưu Lang-Chúc Nữ’’ đã phải ngậm ngùi chia tay nhau vì đã hết giờ...‘‘tương phùng’’!
Trên đường đi trở về trại, Phong vừa đi vừa ngó ngoái lại phía sau. Những bước chân của Loan bây giờ hình như đã kém phần quyến rũ như những lúc còn...‘‘khi đón, khi đưa’’ thuở hai người vừa mới quen nhau.

Mấy lúc gần đây, Phong thường nghe các bạn tù...‘‘to nhỏ’’ về mình. Tuy chỉ là nghe lõm bõm thôi, nhưng Phong cũng đoán được rằng điều gì đã xảy ra cho mình! Chàng cố xua đuổi ra khỏi tâm tư mình những suy diễn không đâu xoay quanh người vợ trẻ chẳng chung tình! Trong những lúc quá mệt mỏi bởi sau một ngày lao động cực nhọc, Phong thường đưa mười đầu ngón tay lên xoa vào trán mình. Những lúc như vậy, chàng có cảm giác hình như có một chiếc...sừng nhỏ đang nương theo những cơn ray rức tự đáy tim lòng mà nhú ra làm cho chàng thấy khó chịu và khổ sở vô cùng!...

Trong lần thăm nuôi kế, Phong chẳng ngạc nhiên khi thấy chỉ có mỗi cô em vợ lên thăm mình mà thôi!
Trong lúc Nhung trao quà cho Phong, nàng định đem mọi việc kể hết cho ông anh rể nghe thì Phong đã khoa bàn tay ra trước mặt rồi nói:

- Thôi em hãy về đi, em đừng nói với anh thêm một lời nào nữa cả, bởi vì anh đã đoán được số phận của anh bây giờ ra sao rồi!

‘‘Hình như ông anh rể...giận lây đến mình’’, Nhung  nghĩ thầm như vậy.

Nhung phóng nhanh hai ánh mắt dò xét vào mắt Phong để tìm hiểu xem mình có bị vạ lây bởi việc...‘‘cất gánh sang ngang’’ của chị mình hay không rồi buồn bã hỏi:

- Anh Hai...đuổi em phải không?

Phong thấy mình đã lỡ lời! Việc mà Trưởng trại cho thân nhân ở lại qua đêm nơi nhà Tiếp tân trong khu Trại tù Bà Rá này là lẽ đương nhiên, vì đường rừng dài hơn năm bảy cây số dẫn ra con lộ đất đỏ chạy về Thị trấn Phước Long, làm sao họ ra về cho kịp! Ở trong hoàn cảnh này, Nhung ở lại với chàng thì thật là bất tiện cho cả đôi bên! Không biết nàng có thấu hiểu được điều đó hay không!
Phong đang tìm lời để giãi bày thì đã nghe Nhung nói tiếp:

- Bây giờ anh có đuổi, em cũng chẳng về được đâu, để sáng ra em theo mấy chị kia về luôn một thể!

Chợt hiểu ra, Phong khệ nệ vác bao đựng đồ thăm nuôi lên vai rồi miễn cưỡng bước về phía khu nhà ngủ ở phía trước.

Đêm qua, ông anh rể và cô em vợ ngồi bó gối mà nhìn nhau hay là sự việc xảy ra như thế nào đó, chỉ có hai người trong cuộc biết rõ hơn ai hết.

Sáng ra, Phong hối thúc Nhung chuẩn bị ra về.
Phong đưa chiếc bao trống không cho Nhung rồi bảo:

- Em ra về cho sớm để kẻo mặt trời lên cao nắng lắm!

Nghe Phong nói vậy, các bà đang ngồi kế bên ôm bụng mà cười ngặt nghẽo!
Có bà còn.. bạo mồm hơn, vừa đưa tay lên che miệng vừa hát:

- ‘‘ Anh đưa nàng về...dinh!’’...

Phong và người bạn đồng hương cùng nhau dựng chung một...‘‘tư dinh’’ thật đẹp với mái lợp tranh, vách và giường làm bằng những thanh tre rừng đập dập rồi ghép lại để chờ một...‘‘cơ hội ngàn năm trong tù’’! May là kỳ này bà xã của người bạn tù không có lên thăm.
Trời vừa nhá nhem tối, Phong bảo cô em vợ:

- Em mau vô mùng đi kẻo muỗi nó thui!

Nhung vừa vén mùng chui vô trong vừa hỏi lại:

- Còn anh...ngủ ở đâu?
- Anh có võng đây này, đừng lo cho anh!

Ngoài trời tối đen như mực! Trong phút chốc, các...‘‘tư dinh’’ nằm rải rác trong rừng cạnh các dãy lán trại tù đã trở nên im vắng, một sự bình yên đến lạ kỳ! Tiếng dế mèn bắt đầu trỗi lên re ré, phát đi những tín hiệu của tình yêu từ đâu đó dưới lớp lá khô. Khu rừng già Phước Long đang cuộn mình trong làn sương đêm dày đặc .

Nhung nằm trăn trở mãi vẫn chưa đi vào giấc ngủ. Nàng lắng tai nghe tiếng tay Phong luôn đập muỗi vo ve tìm bãi đáp, cả những hạt sương rơi đọng lại trên tàn lá. Lòng nàng se lại, chẳng phải vì thấm lạnh hơi sương đang xuống nhiều trên mái tranh, mà là một nỗi xót xa cho thân phận của những người lính bị buộc phải buông súng xuống giữa đoạn đường mà họ đang đi. Nhìn về phía trước, cánh cổng trại tù đang rộng mở. Lòng chẳng muốn nhưng họ bị bắt buộc phải đặt bước chân vào bên trong! Không phải mới đây mà đã từ lâu hình ảnh hào hùng của những người lính chiến vẫn còn in đậm tận đáy lòng Nhung. Nhìn thấy cảnh các bà vợ lính khác không giấu được niềm vui rạng rỡ khi gặp lại chồng sau bao năm tháng dài xa cách, Nhung càng thương anh rể của mình nhiều hơn. Không biết bây giờ ông anh rể đang nghĩ gì về người chị của mình! Nhưng có điều chắc chắn mà Nhung biết rõ là anh rể đang khổ sở và buồn lắm! Người ta đang vui say hạnh phúc trong ngày tao ngộ, còn anh thì thui thủi một mình một bóng!
Nhung ngồi bật dậy và hỏi vói ra cho dù nàng biết rằng Phong vẫn còn chưa ngủ:

- Anh Hai à, anh còn thức phải không?

Phong đáp:

- Mấy con muỗi nó...quần anh mãi làm sao mà chợp mắt cho được!

Nhung nói nhanh:

- Vậy thì...vào đây mà ngủ với em nè!

Phong chẳng lạ gì cái tính...con nít của cô em vợ mình, nghĩ sao thì nói vậy chẳng đắn đo. Loan và Nhung, hai chị em giống nhau như hai giọt nước. Nhưng tâm tính của họ chẳng giống nhau tí nào. Nhớ đã có lần, Phong vừa...‘‘dù’’ về tới nhà, thấy Nhung đang đứng xây lưng nấu ăn ở trong bếp, với bộ áo cánh màu hồng nhạt và mái tóc dài phủ kín bờ vai nhỏ, chàng sớn sác tưởng đâu là vợ mình, bèn nhảy tới ôm hôn chùn chụt vào tóc vào ót nàng tới tấp.
Nhung biết anh rể của mình lầm nên khi Phong buông nàng ra, nàng chỉ về phía buồng ngủ mà nói tỉnh bơ như chẳng có việc gì xảy ra cả:

- Chị Hai bị cảm đang nằm ở trong buồng kìa, vào đó mà...hun cho đã!

Phong biết rõ sự việc xảy ra ngày trước chỉ là chuyện mình nhìn lầm, Nhung còn tha thứ được, chớ bây giờ vào trong mùng với nàng, léng phéng rồi bị nàng...đạp cho rớt xuống giường, lúc đó lấy cớ chi để mà tự biện hộ cho mình!
Đang nghĩ vẩn vơ, chợt có tiếng của Nhung đang đứng kế bên võng hối thúc:

- Mau đi anh!

Phong trù trừ:

- Không được đâu em à!
- Chỗ anh anh ngủ, chỗ em em ngủ, tại sao lại không được? Nhung vừa phân bua vừa lôi bừa Phong lên giường...

Đang chập chờn trong giấc...mộng tù, chợt có tiếng chim gọi đàn ríu rít từ trên ngọn cây cao làm Phong giật mình tỉnh giấc. Lúc mở mắt ra, chàng thấy Nhung đang nằm xoay người ôm ngang thân chàng mà ngủ say như chết! Phong nhớ lại là đêm qua, giữa Nhung và chàng vẫn có một khoảng cách đủ để có thể minh định rằng họ là...em vợ và anh rể với nhau, vì hoàn cảnh bắt buộc mới...chung giường mà thôi! Bây giờ...

Lúc mà Phong đưa tay mình nâng nhẹ vòng tay của Nhung ra khỏi ngực mình, nàng vẫn còn say ngủ. Đến khi chàng nâng đùi của nàng lên thì nàng bất chợt thức giấc.

Hai người cùng bật ngồi dậy một lượt trong nỗi ngỡ ngàng!
Một phút trôi qua, Phong an tâm hơn khi nghe Nhung nói:

- Mình...huề nhau nhen Anh Hai!

Phong đang ngơ ngác chẳng biết vì sao mà cô em vợ của mình nói vậy, chưa kịp hỏi thì nàng vui vẻ nói:

- Thì...huề về việc mà...anh ôm hun em lúc trước đó!

Bây giờ, mỗi khi nhìn lại vợ con mình rồi nhớ đến chuyện năm xưa, Phong tự...phục mình sát đất, ‘‘mỡ kề bên miệng mà mèo lại chê’’!

Chuyện là, đám bạn tù, hằng ngày xem xa...‘‘khù khờ’’, giả điếc giả câm vậy mà đã có những...‘‘sáng kiến’’ đáng ghi vào trang sử...tù! Trong khoảng thời gian này, các trại cải tạo đều do bộ đội Cộng Sản quản lý. Anh em được đi...‘‘lao động tự giác ‘’ nên có nhiều nơi xem ra có mòi dễ thở hơn. Do vậy, ngoài ‘‘Nhà tiếp tân’’ ra, anh em còn cùng nhau tạo ra những căn...chòi riêng nằm rải rác dưới những tán cây rậm rạp nằm dọc theo hai bên con đường mòn dẫn xuống bờ suối. Sau khi qua đêm ở ‘‘Nhà ngủ’’ xong, sáng ra anh em tiễn thân nhân của mình ra về. Được một quãng đường, ngó trước dòm sau thấy chẳng có bóng dáng của vệ binh, các đấng...‘‘Sĩ quan ngụy’’ bèn dìu ‘‘phu nhân’’ của mình lũi nhanh vào...‘‘dinh’’ ngay. Có chàng, ban ngày đi lao động, ban đêm dám...‘‘nuôi...lại vợ’’ ở trong rừng như vậy đến năm bảy ngày liền, đến khi các bà...chán quá đòi về mới thôi. Sau này, có nhiều anh em HO khi đi phỏng vấn, lòng rất phập phồng lo sợ cho đứa con...tượng hình từ trong...‘‘đầu gối của mẹ’’ thuở còn lặn lội đi thăm nuôi ở giữa rừng sâu bị đánh rớt cho ở lại.

Nhưng hình như chẳng có trường hợp nào gặp khó khăn cả. Bây giờ, đã có rất nhiều ông Bác sĩ, Nha sĩ, Kỹ sư tương lai...ở cái đất nước ‘‘Cờ Hoa’’ tự do này nằm trong trường hợp...‘‘nhập thế’’ rất là...nên thơ như vậy!

oOo

     Sau khi đẩy máy cắt xong vuông cỏ, Phong ngồi bệt xuống nghỉ trên thảm cỏ xanh dưới tán một cây ''oak'' to ở trước nhà. Nhung mang ra cho chồng một ly nước đá chanh. Ly nước từ trên tay vợ gợi lại trong Phong hình ảnh của một cánh tay thon nhỏ chống chỏ trên mặt bàn và mấy bút tháp ngà ôm quanh thành ly ở quán ‘‘Cà Phê Mây’’ thuở mà chàng và Loan vừa mới quen nhau. Hình ảnh thân thương đó đã trở thành một kỷ niệm khó quên, vẫn hiện diện trong tâm tư chàng suốt mấy năm dài trong đời sống quân ngũ. Đến lúc vương mang cảnh tù tội, cái tin Loan đã...‘‘ôm cầm bước sang thuyền khác’’ đã làm cho Phong ngạc nhiên không ít. Chàng cảm thấy con tim của mình đang...rỉ máu đào, cái cảm giác đau đớn tột cùng giống như có ai vừa mới phóng vào đó một mũi tên vậy!

Bây giờ, cuộc diện đã đổi thay theo một chiều hướng khác rồi mà hình bóng của người vợ cũ vẫn chưa phai ở trong lòng chàng.    

Nhung chỉ nhìn thoáng qua là đoán biết được lúc nãy Phong đang nghĩ gì. Tuy vậy, nàng vẫn thông cảm cho cái tâm trạng mà chồng mình đang vương mang. Không ai có thể vứt bỏ ra ngoài tâm khảm của mình những kỷ niệm của một thời yêu nhau.
Nhung đắm đuối nhìn vào mắt Phong rồi hỏi cho có câu chuyện chớ chẳng phải là nàng ghen tương với chị mình:

- Anh đang nhớ đến chị...Loan phải không?

Phong nể phục cái tính nhạy cảm của vợ mình! Không có điều gì qua trót lọt được đôi ánh mắt thần...‘‘radar’’ dò xét của nàng!
Nhưng Phong vẫn cứ chối bừa đi:

- Làm gì có chuyện đó!

Nói xong, nhằm dập tắt ngay ngọn lửa...ghen có thể sẽ bộc cháy ở trong lòng của vợ mình, Phong đè ngửa Nhung ra trên bãi cỏ rồi đặt liên tiếp những nụ hôn nồng thắm lên mắt lên mũi nàng, là hai nơi mà chàng cho rằng có sức quyến rũ nhất trong những lúc gần gũi bên người vợ yêu dấu. Nhung nằm yên trong vòng tay chồng mà nghe niềm hạnh phúc dâng cao ở trong lòng...

Xe ''bus'' đưa rước học sinh vừa dừng lại ở trước nhà. 
Nhung đẩy Phong ra cho có lệ rồi liếc mắt nguýt yêu chồng:

- Anh kỳ quá hà, con nó đang nhìn mình kia kìa!
- Kệ nó, tui hôn... má nó chớ...hôn ai mà tui sợ!

Phong lại kéo Nhung về phía mình, vừa muốn tiếp tục phủ thêm...‘‘trận mưa hôn’’ lên mặt nàng thì đã nghe giọng nói đả đớt của Bé Bích vẳng đến bên tai:

- Daddy ! No...No, không được...ăn hiếp...Mammy!

Trẻ con thường chẳng hiểu gì về việc cha mẹ chúng âu yếm nhau. Riêng Phong, chàng cảm nhận ra mình chẳng thiệt thòi gì mỗi khi đứa con gái đầu lòng bênh vực cho mẹ nó. Tình mẫu tử giữa vợ con chàng hình như mỗi ngày một thăng hoa và con đường hạnh phúc chung của gia đình chàng thì luôn rộng mở thênh thang ở phía trước.

Và Phong lại nghĩ đến người xưa đang ở bên kia bờ đại dương xa nghìn trùng. Nàng bây giờ như một cánh hoa hồng nhỏ đang bị cuốn hút theo một bóng hạnh phúc chập chờn trong gió nhẹ buổi xuân sang. Ước mong cho những bước chân mềm sẽ không phải giẫm đạp lên những gai nhọn có thể làm cho niềm tin của nàng chảy máu!  

Không hẹn, gió loạn từ đâu đó thoảng bay về vờn nhau làm lay động cành lá trên mấy chậu ''bonsai'' mai vàng, bằng lăng tím và sứ đỏ đặt ở trước sân nhà đang độ ra hoa khoe sắc thắm trong nắng ấm buổi chiều xuân.

Và, muôn ÁNH XUÂN HỒNG hình như còn đọng lại mãi trong tàn lá xanh lao xao ở trên đầu Phong, trong khi hoàng hôn đang xuống dần trên khu phố nhỏ...

Nguyên Bông