SỐ 42 - THÁNG 4 NĂM 2009

 

Bướm

Miền Bắc California vào cuối tháng ba, những ngày đầu của mùa xuân. Trời trong xanh, gió mát mơn man, nắng mới ấm áp, sáng lóng lánh trên chồi non, lá biếc của cây trong vườn, của cỏ ven đường. Rộ nở những bông hoa lấm tấm màu hoàng anh vươn lên trên nền cỏ xanh mướt “ thê thê Anh Vũ châu “. Từng đóa hoa nhìn lại rất bình thường, đơn sơ, chỉ có bốn cánh nho nhỏ, mong manh. Đó là những hoa cải hoang vàng mọc dọc theo xa lộ, bên những sườn đồi thoai thoải, trải dài trên những triền núi, tràn lan khắp thung lũng … Nhìn từ xa một màu vàng bát ngát, mênh mông như những tấm thảm mượt mà. Cái đẹp của hoa cải vàng là cái đẹp của cả một loạt, cả một vùng, từng góc trời, từng cánh đồng à Vì vậy, thành phố San Jose đã được người Việt tỵ nạn đặt cho một mỹ danh dạt dào hồn thơ và ý thơ là thung lũng hoa vàng. 

Hơn một phần tư thế kỷ về trước, San Jose còn nhiều đất để hoang, sau này, ngành điện tử nở hoa kỹ thuật, đất trống được sử dụng, xây dựng thành các hãng xưởng, khu kỹ nghệ, cao ốc à Nhà cửa phát triển nhanh chóng, Santa Clara County được gọi là Silicon Valley / Thung lũng Điện Tử, nên những cánh đồng hoa cải hoang vàng không nhiều ngút ngàn như thuở nào, nhưng vẫn còn đó, vẫn khoe sắc, khoe hương vào mỗi độ xuân sang. Cả một khung trời vàng tươi của nắng mới phủ lên đất, thắm trên các đồng cải. Có những cây cải cao đến ngực, mang những chùm hoa li ti, thả những bụi phấn vàng lấm tấm, chứa đựng bao nhiêu mật ngọt thu hút các loài ong bướm. Một vài cơn gió nhẹ thổi ngang, hoa đung đưa, lao xao, chỉ cần vài cánh bướm bay dập dìu lượn quanh bên hoa, đủ tạo những nét chấm phá làm cho phong cảnh thung lũng hoa vàng càng thêm đẹp.

Trời ửng hoa đào, đất sáng mai
Vàng trong hoa cải bướm bay dài – Anh Thơ

Mùa xuân nên mới có hoa cải nở vàng hay hoa cải vàng góp phần tạo nên khung cảnh mùa xuân !? Người ta thường nói mùa xuân hoa nở, phải rồi, nhiều lắm, đủ loại tưng bừng hé nhụy theo độ khai hoa, với sứ mạng làm đẹp cho mùa xuân. Đâu chỉ là hoa cỏ dại, hoa cải hoang, hoa ngũ sắc … không trồng mà mọc bên đường. Trong vườn nhà các cây cảnh như mai, đào, mận … cũng thi nhau trổ bông. Nào là hoa huệ trắng, hoa hồng nhung đỏ, hoa móng tay hồng, hoa violet tím... chen vào khoe thắm. Cơ man, phơi phới muôn màu, muôn sắc hoa xuân tràn ngập đất trời. Ánh nắng mềm như lụa của mùa xuân chiếu tới, như rắc vàng trên trăm vạn đóa hoa, tràn đầy trên những cánh bướm lúc này đã bay về, sau khi biến đi đâu mất vào mùa đông.     

Ngày trong lắm, lá êm, hoa đẹp quá
Nhan sắc ơi, cây cỏ chói đầy sao
Tháng giêng cười, không e lệ chút nào
Bằng trăm cánh của bướm chim rối rắm – Xuân Diệu

Mùa xuân là mùa chung của đất trời, của vạn vật, của muôn loài. Không gian xuân bàng bạc, khí sắc xuân trước mắt làm lòng người rộn ràng một niềm vui khó tả. Khó ai có thể dửng dưng với bức tranh xuân thơ mộng và linh động, với muôn hồng nghìn tía, với lũ bướm nhỏ hiền lành, rủ rê nhau dập dìu trên tàn cây, vạt cỏ hay quanh quẩn bên hoa, lâu lâu lại lẩn thẩn bay lên. Mỗi con bướm, những đàn bướm vẽ thành từng con đường mùa xuân đầy hoa lá, tâm hồn ta cũng chan hòa với thiên nhiên, biểu hiện bằng cây cỏ, chim muông, côn trùng... bằng khung trời hoa bướm.

Bướm là những lá thư nàng xuân gởi đi chào mừng non sông
Hoa dấu chân muôn màu, nàng xuân đã ghi khi nàng vừa sang
… Vườn còn hoa, dưới cây còn bướm, bướm hoa điểm tô, nguồn mơ còn xinh
Vườn còn hương, dưới cây còn phấn, phấn hương vẽ vời, thi tứ thêm tình - Nguyễn Văn Thương

Khung trời hoa bướm thường được nhắc đến là khung trời của những ngày thơ ấu, hay còn gọi là khung trời của những ngày xanh. Xanh trên bầu trời, xanh  xuống nội cỏ, xanh lá vườn nhà, xanh mái đầu hoa niên cái thuở “ Sáng bắt bướm, hái hoa, rong chơi bên thềm “ trong khuôn viên tuổi thơ có dế mèn, có ve sầu, có chuồn chuồn, có bọ ngựa..., có lũ côn trùng; Để rồi đến “ Đêm nằm ngủ mơ thấy tiên “. Những kỷ niệm đâu thể phai mờ dù qua bao năm tháng, còn hoài trong ta đến mãi bây giờ hình ảnh những cánh bướm chập chờn trong ký ức.

Xòe bàn tay
Đón gió
Đón trời xanh
Đón vào lòng
Những giấc mộng lung linh
Thời tuổi trẻ
Hồn trong như cánh bướm – Lê Thị Kim

Cánh bướm hồn nhiên, bay tung tăng vào thời gian. Thời gian mà khung trời của hoa và bướm giúp dệt thành những vần thơ, những lúc đẹp đẽ nhất, đáng nhớ nhất. Thời gian học cùng trường, cùng lớp, cùng bước chung đường mơ bướm hoa. Thời mới lớn với những tình cảm trong sáng, những mơ ước cao đẹp, tràn trề bao suy tư, xao xuyến, nhớ nhung … Tuổi học trò ngan ngát hương đời với hoa bướm trao ân tình, thắm say gió lành, thả hồn lãng đãng vào mộng tưởng. Khung trời hoa bướm ngày thơ đó đã qua đi mất rồi. Biết bao giờ ta tìm lại được ngày xưa!

Con đường xưa đi học
Đôi bướm vàng chợt bay
Tóc em ngỡ là gió
Áo em ngỡ là mây
Em một thời ép lá
Anh một thời làm thơ
Một thời nhặt phượng đỏ
Tiếng ve sầu lơ ngơ – Thanh Trắc Nguyễn Văn

“ Nó nhìn nắng qua khung cửa sổ. Đôi mắt nó vẫn mở nhưng linh hồn nó đi vắng. Linh hồn nó đã nhập vào xác một con bướm trắng nào đó, lang thang trên những mảnh vườn tình yêu. Mỗi cậu học trò mới lớn lên đều gởi linh hồn mình vào xác con bướm. Đôi mắt ấy chứa đựng nguyên vẹn tình cảm của tuổi trẻ. Nó ví như giếng nước tiên không đáy, trong vắt sương trời. Một ngày kia, khói tình vương mắt, cậu học trò biết khóc. Bấy giờ, giọt nước mắt đầu tiên sẽ rớt xuống giếng nước tiên. Và sương trời sẽ lung linh màu sắc cầu vồng lung linh trên nền trời sau một cơn mưa đẹp “ – Duyên Anh

Bướm là những thiếu niên, lòng khao khát yêu, đời còn tươi sáng
Đóa hoa khách yêu kiều, tình thơ chớm gây đời xuân trắng trong- Nguyễn Văn Thương

Trong khi “ khung trời hoa bướm “ dùng để chỉ tháng ngày hoa mộng thuở ấu thơ thì hoa bướm lại mang ý nghĩa khác. Hoa là danh từ tổng quát để nói chung nhiều loại hoa với những đặc điểm, tính chất không giống nhau, ngay cả cùng một loại hoa, nhưng ở trạng thái, hình thức khác nhau, gợi nên những hình ảnh phong phú, những liên tưởng đa dạng cho người con gái, cho phái nữ. Bướm thường được xem như một biểu tượng cho nam phái. Bướm và hoa được nhân cách hóa để thể hiện các sắc thái khác biệt, tạo ra bao nguồn cảm hứng cho lứa tuổi đang độ yêu đương. Nào là: Bướm lượn vườn hoa, bướm vờn hoa, bướm say hoa, bướm hút nhụy hoa, hoa chờ bướm, bướm phụ hoa …

Bướm bay vì hoa nở ?
Hoa nở vì bướm bay ?
Hương sắc vốn có thật
Tình ý nào ai hay !- Lê Hân

“ Gởi bướm đa tình về hoa “ ( Đoàn Chuẩn Từ Linh ). Bướm tượng trưng cho những tâm hồn khát khao những khung trời mới lạ? Bướm được coi là đa tình, chẳng hề chung thủy với bất cứ đóa hoa nào? Bướm là giấc mơ tuyệt đẹp mà con người tìm cách đuổi bắt trong thời “ mộng dưới hoa “? Bướm là hóa thân diệu kỳ từ những con sâu róm xấu xí phá hoại cây lá? Bướm là những sứ giả giúp cho các khu vườn trần gian đơm bông kết trái?

Bướm đã xuất hiện trên trái đất này hàng triệu năm, trước khi có loài người, nhờ những thích nghi với môi trường sống vô cùng đa dạng mà bướm tồn tại đến ngày nay: Một số loại bướm trông giống như chiếc lá, đóa hoa, cục đá, thậm chí vết phân chim... Các cánh bướm hoặc có hoa văn như con mắt lớn có thể dọa chim sợ, hoặc có thể nhấp nháy làm rối trí kẻ địch.

Bướm sinh sống ở khắp mọi nơi, gần những bụi cây nhiều hoa để hút mật hoa, là thức ăn của chúng. Trong quá trình tìm kiếm thức ăn, bướm vô tình mang theo phấn hoa từ nhị đực hoa này sang nhụy cái hoa khác, từ chỗ này sang chỗ khác, góp phần trong việc thụ phấn của hoa. Bởi vậy, bướm giữ một vai trò không nhỏ trong sự phát triển và tồn tại của nhiều loại thực vật, tuy không phải lúc nào sự thụ phấn cũng hoàn thành. Có khi bướm dùng vòi dài của mình hút sạch mật hoa trong đài hoa, mà không chạm đến nhụy hoa. Thường những loài bướm có vòi dài hút được mật nhiều hơn, nên sinh sản nhiều hơn so với những loài bướm chỉ có vòi ngắn.

Ngoài việc giúp thụ phấn cho hoa, bướm còn có ảnh hưởng lớn đến vấn đề cân bằng của sinh thái tự nhiên. Chúng là côn trùng ăn lá cây, và bản thân là thức ăn cho nhiều loài động vật khác như: nhện, rết, cóc, ếch, nhái, thằn lằn, chim, chuột …

Ngày em chưa biết điểm trang
Như hoa còn búp xanh rờn ngây thơ
Tôi con bướm đực còn tơ
Đậu trên búp nụ tỉnh bơ. Ngu đần!
Bây giờ em đã thành tinh
Bao nhiêu bướm khác chực rình chung quanh
Ngày xưa đậu búp em xanh
Ngu không hút nhụy nay đành … chắt răng – Quan Dương

Danh từ bướm thường dùng là để chỉ bướm ngày, mặc dù bướm có thể dùng để chỉ bướm đêm ( ngài ). Bướm ngày là loại côn trùng nhỏ, hoạt động vào ban ngày, bay được nhờ bốn cánh, nhưng lại sử dụng như một cặp.
Màu sắc của bướm được tạo ra từ hàng ngàn vảy nhỏ li ti, xếp chồng lên nhau trên đôi cánh bướm, cả mặt trên lẫn mặt dưới. Các lớp vảy được phân bố theo các cách đặc biệt dưới sự phản xạ ánh sáng để tạo ra màu sắc.
Bướm được phân chia thành nhiều loại tùy theo màu sắc, từ đơn giản đến sặc sỡ. Bướm có nhiều màu sắc đẹp nằm trong họ bướm phượng ( Papilionidae ), họ bướm giáp ( Nymphalidae ), họ bướm đốm ( Danaiae ), họ bướm hiển ( Riodiniae )...Bướm có màu sắc đậm, tối thuộc họ bướm mắt rắn ( Satyridae ), họ bướm vòng ( Amathusiidae ), họ bướm nhảy ( Hesperiidae)...  Bướm có màu nhạt như trắng hay vàng thuộc họ bướm phấn ( Pieridae ).

Trong vườn chiều êm nắng tươi
Đàn bướm lượn bay tưng bừng
Màu cánh vàng xanh trắng hồng
Rung rinh lướt êm lẫn cùng sắc hoa – Dương Thiệu Tước

Đôi cánh mỏng manh xinh đẹp của bướm là một tặng vật của tạo hóa. Lúc cần thiết thì những màu sắc, những cấu trúc của cánh giúp chúng ngụy trang, ẩn nấp vào môi trường chung quanh lẩn tránh kẻ thù. Đến mùa sinh sản thì màu sắc trên cánh bướm được dùng như một thông điệp để nhận ra đồng loại từ xa, các hoa văn giúp phân biệt bướm đực hay cái, những màu sắc này rất cần thiết cho sự thu hút bạn tình để giao phối.

Ung dung bướm lượn khe vàng
Chao chao cánh lụa hàng hàng gấm thêu
Tháng ba rừng ngát hương chiều
Từng đôi bướm gọi tình yêu vào mùa – Võ Quê

Nhưng cũng chính vì vẻ đẹp của đôi cánh mà nhiều loại bướm gần bị diệt chủng, vì bị các nhà sưu tập săn bắt chúng. Dịch vụ mua bán bướm lạ, bướm hiếm, bướm đẹp phát triển như một ngành kinh doanh thu nhập lớn, nếu không có các kế hoạch, biện pháp đúng đắn như bảo vệ hay nuôi một số loài bướm đang có nguy cơ tuyệt chủng, kéo theo sự phương hại không nhỏ cho sinh thái môi trường.

Ngày nay, qua khảo sát và nghiên cứu các cấu trúc trên cánh của bướm, con người áp dụng vào công nghiệp màu sắc để chế tạo sơn, màu vẽ, mỹ phẩm... thậm chí quần áo.  Hình hài, màu sắc thẩm mỹ của đôi cánh bướm là đề tài sáng tạo của nhiều ngành nghệ thuật như: nhiếp ảnh, hội họa, âm nhạc, văn chương... nhất là trong lãnh vực thi ca, như qua những lời thơ diễm ảo của thi sỹ Đinh Hùng:

Hoa qua đầu, cánh bướm cũng vu quy
Nhòa nắng xế, nụ cười mây khói tỏa.

Cỏ thơm nếp lụa đồng trinh
Mây giăng cánh bướm cho mình lên non

Hồn nào ngủ thiếp bông lau
Bạc thời gian cánh bướm sầu ngàn xưa

Những con bướm đồng nhỏ, bay thành từng đàn, như một mảng màu dập dìu bay lên bay xuống. Có con bay là đà trên cỏ, có con ẩn mình trong tán lá, có con đập nhẹ đôi cánh mỏng trên đóa hoa, có con bay vút qua vườn rồi mất hút sau các tàn cây rậm rạp. Cái vẻ rong chơi, mỗi con mỗi màu khoe sắc dưới nắng của lũ bướm, trông giống như những đứa bé nhà quê xúng xính trong bộ quần áo mới in hoa vui mắt trong ngày tết.

Ôi những cánh bướm sắc màu rực rỡ
Xinh xinh, tung tăng vờn trong nắng vui
Áo nhung muôn màu trắng ngọc, vàng tươi
Nền đen mượt mà điểm xanh lá nhỏ
Rung rinh hoa văn trên váy bướm đỏ
Thấp thóang bay về bướm lạ xanh dương
Ôi những cô bé bươm bướm dễ thương
Nhí nhảnh hồn nhiên bay đi bay đến – Đỗ Thảo Anh

Những con bướm trắng thuộc họ bướm phấn, kích thước trung bình, có con màu trắng sữa, có con cánh trắng hơi phớt nhẹ màu xanh, có con vàng nhạt gần như trắng bạch. Chúng dịu dàng, thanh khiết, rủ nhau xuất hiện vào mùa xuân ( tháng 3, 4 ) hay mùa thu ( tháng 9, 10 ), khi trời mát mẻ. Những cánh bướm trắng bay rập rờn trong chiều nắng, như rập rờn mãi trong hồn ta những tà áo dài trắng học trò thơ ngây, hồn nhiên, tung tăng, phất phới lúc tan học về, gói trọn mộng đẹp tương lai.

Buổi tan trường cứ ngỡ là bướm trắng
Bối rối ánh nhìn luống cuống chân ai
Biết tìm em đâu trong phố ngày mai
Giữa xuôi ngược cuộc đời còn trong veo mắt biếc? – Phan Thái Bảo Châu

“ Khi loài bướm yêu nhau, chập chờn trên những vạt hoa xôn xao nở, rất dễ nhầm lẫn cánh bướm là những cánh hoa sặc sỡ từ mặt đất muốn bay lên “ ( Lê Ngân Hằng ); Hoặc  ngược lại để là hình ảnh thi vị của những cánh bướm trong bốn mùa xuân hạ thu đông! 

Mùa xuân, từng cánh hoa anh đào rụng rơi theo gió, tưởng chừng như những cánh bướm hồng đang vờn bay. Mùa xuân, một làn gió mát thoảng qua, cành mai vàng chuyển mình đưa muôn vàn cánh hoa mai bay lã chã, nhờ thân nhẹ nhàng, hoa mai đã nương theo gió lượn lờ như muôn vàn cánh bướm vàng .

Mùa xuân cánh mai vàng
Thay bướm
Đậu trên tóc
Nào có hay
Mang theo mãi về nhà - Ấu Tím

Mùa hạ xôn xao hơi thở của cỏ nội hoa ngàn; Khung trời bao la bừng lên trong ánh vàng chói lọi mênh mang của nắng, đang xuyên qua cành lá đậu xuống nền cỏ xanh, làm đầu cành phượng ngoài kia càng thêm rực rỡ: “ Phượng hồng, phượng đỏ, phượng xác pháo, phượng múa người, phượng cứ nở... Hoa phượng tươi, tươi nhưng mà tươi quá quắt; Hoa phượng đẹp, nhưng mà đẹp não nùng... Mỗi hoa chỉ là một phần tử của cái xã hội thắm tươi, người ta quên đóa hoa, chỉ ngó đến cây, đến hàng, đến những tàn lớn xòe ra, trên đậu khít khao bằng muôn ngàn con bướm thắm “- Xuân Diệu

Biển bướm đỏ rào rào trong gió mát
Lá non xanh như suối chảy trên trời
Phượng, phượng hỡi, cớ sao mà man mác
Mỗi mùa hè run rẩy dưới triều môi – Xuân Diệu

Vào thu, những chiếc lá phai sắc màu vàng đậm, nhạt khác nhau đang cùng nhau thư thả, lơ lửng, tự do xuôi trong gió, giống như một đàn bướm vàng đang trình diễn một vũ khúc nghê thường nào đó trước khi hạ xuống mặt đất, đẹp như là ảnh ảo, không có thật.

Trên đầu tôi lá ơi xào xạc mãi
Mây mùa thu đoàn tụ ở nơi nào?
Lá chưa hóa màu vàng cánh bướm
Mây trắng bay về thơ cổ điển hay sao?- Lê Minh Quốc

Ở vùng ôn đới, đến mùa đông thường lạnh lẽo, có nhiều lúc muôn vạn hoa tuyết rơi trắng xóa, ngập tràn khắp trời y hệt như trăm ngàn cánh bướm trắng đang chấp chới vỗ cánh trong giá rét.

Xô khung cửa hẹp bước ra
Trăm con bướm tuyết bay sa vào lòng
Cánh nào gẫy vụn bên song
Cánh nào gẫy giữa mênh mông mái hồn – Trần Mộng Tú

Danh từ bướm tuyết không phổ biến cho lắm. Bướm bà là bướm to hơn hai lòng bàn tay; Bướm tích có hoa văn giống như hai con mắt tròn trên cánh; Bướm gấm thường đẹp nhờ lốm đốm nhiều màu xinh xắn trên cánh, màu nọ in lên màu kia thật hài hòa; Bướm nghệ màu vàng đậm; Bướm tiên trắng; Bướm nhung đen tuyền … Hay những con bướm ma có đôi cánh xám vằn đen nhỏ - Trong khi bướm tuyết gợi cho ta các tưởng tượng kỳ ảo, liêu trai thì bướm ma làm cho ta nghĩ đến sự huyền bí, các hình ảnh ma quái.

Dáng em thu nhỏ trong lời nguyện
Phơ phất hồn thiêng cánh bướm ma – Đinh Hùng

Bướm ma là tên chỉ một số loại bướm đêm ( moth ), còn gọi là ngài, là các bướm hoạt động chủ yếu vào ban đêm hay lúc xế chiều.” Chúng, những con vật sống ban đêm, bị ánh ban ngày bắt được Chúng đã thành vô dụng và hóa vô duyên. Chúng lạc vào ban ngày, nên ngẩn ngơ, dơ dáng …” ( Xuân Diệu ).
Ban ngày, bướm đêm ẩn nấp trong tàn lá của các cây hoang dại. Khi trời bắt đầu tối, bướm bay ra giao phối, đẻ trứng ... Cánh của bướm đêm thường có ánh sáng lấp lánh. Có loài ưa ánh sáng, thường bay quanh đèn.
Ta có thể phân biệt được bướm ngày và bướm đêm: Bướm ngày khi đậu thì hai cánh dựng thẳng đứng, còn bướm đêm thì đậu hai cánh nằm ngang; Bướm đêm có bụng rất to so với bướm ngày; nhìn vào râu của chúng, nếu bướm ngày thì ăng ten nhất định sẽ có chùy, còn các hình dáng khác đều là bướm đêm hết.

Tôi lắng nghe như chú dế mèn con
Đi ra đồng cỏ ban đêm
Quạ đen đậu nơi cổ mộ
Những con bướm đêm đập cánh thầm thì – Lưu Quang Vũ

Tiếng lóng bướm đêm dùng để gọi các cô gái ăn sương. Chữ bướm còn được dùng ám chỉ bộ phận sinh dục nữ giới. Trong ngôn ngữ hàng ngày, người ta còn dùng chữ bướm trong các trường hợp sau:
- Tôi cầm tờ bướm quảng cáo của một đại nhạc hội lên coi.
- Anh chàng mải mê tỏ lời ong bướm với tình nhân, nên không chú ý gì đến chung quanh.
- Các ông bay bướm thì nay bà này, mai bà kia, mốt bà nọ.

Con bướm bay và bay bướm tôi
Chỉ vì đời có những vòng môi
Gọi tôi và cũng nghe tôi gọi
Vô lượng lòng cho, nhận thế thôi – Lê Hân

Truyện “ Papillon, người tù khổ sai “ của nhà văn pháp Henry Charrière, là một cuốn sách nổi tiếng trên thế giới, được dịch ra nhiều thứ tiếng, được Hollywood quay thành phim trong thập niên 70 do tài tử Mỹ Steve Mac Queen đảm nhận vai chính.

Vở tuồng “ Chuyện tình Lan và Điệp “ nguyên bản là cải lương rồi chuyển thể qua thoại kịch đều lấy không biết bao nhiêu nước mắt của khán giả.

Trong văn chương Việt Nam, có nhiều tác phẩm nói về bướm, nhất là trong thời kỳ Tự Lực Văn Đoàn, ta có thể kể: Tiểu thuyết Bướm trắng của Nhất Linh; Tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng; Truyện ngắn Bóng người trong sương mù của Nhất Linh trong tuyển tập truyện ngắn Anh phải sống.

Nguyễn Du có nói về cô Kiều e lệ nép vào hoa buổi ấy
Thì cũng để cho ta yêu người con gái đẹp thời nay
Và con bướm ta tả ngày nay dù cánh phấn trăm màu
Thì cũng để cho người sau yêu con bướm của thời họ sống – Chế Lan Viên

Đồng thời với Tự Lực Văn Đoàn, trong giai đoạn thi ca tiền chiến: Nếu Thế Lữ được biểu tượng bằng con hổ nhớ rừng, Lưu Trọng Lư là con nai vàng ngơ ngác; Chế Lan Viên là con ma Hời sờ soạng; Xuân Diệu là con chim ngứa cổ hót chơi... Thì Nguyễn Bính được biểu tượng bằng con bướm.

Nguyễn Bính lớn lên cùng cây cỏ, chim muông, hoa bướm … cùng những hình ảnh làng quê của thôn Thiện Vịnh, quê nội. Khung cảnh thiên nhiên này đã tạo cho nhà thơ những nhận xét, những tình cảm, những quan niệm ảnh hưởng mạnh mẽ đến hồn thơ của ông. Người ta nói bướm bay đầy trong thơ Nguyễn Bính, vì bất kỳ chỗ nào trong thơ ông ta đều bắt gặp một cánh bướm.” Hình ảnh cánh bướm luôn ám ảnh và coi như là một biểu tượng của luyến ái, của những mơ mộng, và của lãng mạn kết thành “ ( Nguyễn Mạnh Trinh ). Những con bướm trong thơ Nguyễn Bính không phải là những con bướm kiêu kỳ, sặc sỡ sắc màu, mà chỉ là những con bướm vàng, bướm trắng nhỏ bé, giản dị của làng quê Việt Nam mà thôi.

Cái thời Nguyễn Bính nguồn cơn
Vẫn đôi bướm ấy đến vờn mồng tơi
… “ Trăm hoa “ dễ được hoa nào
 Về xem bướm hóa thi hào vườn dâu
...Một đoàn bươm bướm đưa chân
Hai hàng lục bát khiêng phần mộ thơ – Trần Mạnh Hảo

” Trong các nhà thơ Việt Nam, không ai viết nhiều và viết hay về bướm như Nguyễn Bính... Bướm trong thơ Nguyễn Bính không đơn thuần là chuyện bướm hoa, cũng không chỉ là hình ảnh ước lệ ông dùng cho cái đẹp. Bướm trong thơ ông đã hóa hồn hóa kiếp mang nặng những thân phận đầy xác thực. Bướm hiển hiện khi mờ ảo, khi rỡ ràng, phiêu linh trong thế giới đầy màu sắc đậm chất liêu trai “ – ( Phan An Khoa ).

Hình ảnh con bướm cứ bay đi bay lại trong thơ Nguyễn Bính đến hơn chục lần, có nghĩa là trong hơn chục bài thơ của ông, con bướm hiện ra ở những cung bậc tình cảm khác nhau, mang những đặc điểm, tính cách khác biệt, thể hiện những giai đoạn khác nhau về tính cách, về số phận trong cuộc đời nhà thơ. Có bốn bài thơ mà con bướm là hình ảnh trung tâm: Truyện cổ tích; Hương cố nhân; Hết bướm vàng và Người hàng xóm.

Truyện cổ tích “: Thi sỹ tưởng tượng một câu chuyện đơn giản, theo kiểu truyền khẩu dân gian, bằng lời thơ ngắn gọn, với giọng kể ngọt ngào, âu yếm, trong đó ông thấy bướm hóa làm mình.

Em ạ! Ngày xưa vua nước Bướm
Kén nhân tài, mở Điệp lang khoa
Vua không lấy trạng, vua thề thế
Con bướm vàng tuyền đậu Thám hoa

Hương cố nhân “: Trong bài thơ này, nhà thơ đã tự nguyện ẩn mình trong thân xác con bướm trắng đi tìm Hương, người con gái ông yêu.

Tôi chỉ thèm yêu lấy một lần
Có người đi giữa xứ mùa xuân
Thấy con bướm trắng bay thơ thẩn
Ý hẳn đi tìm Hương cố nhân

Hết bướm vàng “: Theo quan niệm phương Đông, một đôi bướm cùng bay lượn là hình ảnh của đôi vợ chồng hạnh phúc. Ở đây là một mối tình đứt đoạn, một nỗi tuyệt vọng, một sự thất tình như một cái chết của tâm hồn, rồi thăng hoa giữa trời.

Em đã sang ngang với một người
Anh còn trồng cải nữa hay thôi?
Đêm qua mơ thấy hai con bướm
Khép cánh tình chung ở giữa trời.

Người hàng xóm “: Con bướm trắng thoạt đầu là sứ giả khi nhà thơ độc thoại với chính mình, rồi nó là nhân chứng, để rồi tơ tình tan thành ảo ảnh, bướm cuối cùng đã nhập vào cõi xa xăm như một chuyện tình yêu lãng mạn mà thầm lặng.

Đêm qua nàng đã chết rồi
Nghẹn ngào tôi khóc, quả tôi yêu nàng
Hồn trinh còn ở trần gian
Nhập vào bướm trắng mà sang bên này

Không cận kề nhau được trong kiếp này thì trả nợ tình duyên ở kiếp khác, hay cùng nhau tái hợp ở thế giới bên kia, Hay khi con người chết, hồn hóa thành bướm quanh quẩn bên người thân trong nhà, trong vườn … Chịu ảnh hưởng của quan niệm dân gian. Đó là tinh thần, là nội dung, còn hình thức thơ của Nguyễn Bính cũng phần nhiều là lục bát mang đậm đà bản chất ca dao của dân tộc. Ta có thể tìm thấy trong ca dao những câu lục bát về bướm tương tự như trong thơ Nguyễn Bính:

Bướm bay giữa biển bướm ngừng
Căn duyên tiền định nửa chừng mà thôi

Bướm già thì bướm có râu
Thấy bông hoa nở, cúi đầu bướm châm
Bướm châm mà bướm lại lầm
Có bông hoa nở, ong châm mất rồi

 Đó là hình ảnh của bướm trong ca dao, là dòng văn chương truyền khẩu của người bình dân. Còn trong nền văn chương bác học, thi phú ca từ ảnh hưởng của Trung Hoa, thì con bướm theo chữ Hán là điệp, hay hồ điệp, đồng âm với từ điệp của trùng điệp trong câu “ phú quý trùng điệp “ ( Nên khi vẽ hoa người ta điểm thêm cánh bướm để ngụ ý này ).
” Điệp vi tài tử chi hóa thân, hoa nải mỹ nhân chi biệt hiệu: Bướm là hóa thân của tài tử, hoa là biệt hiệu của mỹ nhân “ ( Trương Trào ).
Trong các loài, bướm là tượng trưng cho thuyết vạn hóa dễ nhận thấy hơn cả. Ta có một điển cố được lưu truyền mãi về sau trong văn chương, đó là: Hồ điệp mộng / Mộng hồ điệp / Giấc điệp / Giấc mơ bướm.

Hôm qua giấc điệp mơ màng
Hôm qua mơ thấy bướm vàng về thăm – Quang Lãng

Ru em gối mộng Trang Chu
Thoảng như cánh bướm phiêu du chập chờn – Vương Trần

Giấc mơ bướm huyền thoại gắn liền với Trang Chu: Họ Trang, tên Chu ( Châu ), hiệu là Tất Viên, người ở Ấp Mông, nước Lương, cuối đời nhà Chu, thời Chiến Quốc ( thời kỳ cực thịnh của các tư tưởng triết học Trung hoa: Bách gia chư tử ). Ông là một học trò xuất sắc của Lão Tử, làm sáng danh giáo thuyết của Đạo gia, trở thành một nhà triết học nổi tiếng của Trung Hoa, gọi là Trang Tử ( Tử đây là thầy ). Khi nói đến Đạo gia, người ta gọi là thuyết Lão Trang ( Lão Tử và Trang Tử ). Tiếng Anh gọi là Taoism.

Trang Tử là tác giả của bộ Nam Hoa kinh ( Nam Hoa chân kinh ), còn gọi là sách Trang Tử, tương truyền ông viết khi đến ở ẩn tại núi Nam Hoa, thuộc Tào Châu, nước Tống. Sách này gồm ba phần là: Nội thiên, Ngoại thiên và Tạp thiên ( theo các nhà nghiên cứu chỉ có Nội thiên được tin là của Trang Tử viết, còn hai thiên kia do hậu thế thêm vào). Nội thiên diễn đạt tư tưởng, thái độ vô vi của Trang Tử, gồm bảy thiên. Thiên Tề Vật Luận là thiên tinh thâm kỳ diệu nhất, với đoạn cuối là Trang Chu hồ điệp mộng.

Như con cá xưa, như cánh bướm
Như con thuyền trong Nam Hoa kinh
Trang Tử, Nam Hoa, ừ thì ừ
Giữa không và có, thôi và mất …- Mai Thảo

“ Bàn đến cái mộng và cái thực mà đem chuyện chiêm bao hóa bướm, thật là kỳ diệu. Ý nghĩa tuy đa diện, nhưng tựu trung đều quy vào một lẽ là vượt lên vấn đề sinh tử. Sinh đây phải chăng là Tử đó, Tử đó phải chăng là sinh đây? Vấn đề Hư Thực, Thực Hư quả đã được đặt ra một cách hết sức tài tình thi vị. Nếu bảo Mộng, thì cảnh nào mà không phải là Mộng, mà bảo là Thực thì cảnh nào không phải là Thực “- Nguyễn Duy Cần.

Tích giả Trang Chu mộng vi hồ điệp,
hủ hủ nhiên hồ điệp dã.
Tự dụ thích chí dữ! bất tri Chu dã.
Nga nhiên giác, tắc cừ cừ nhiên Chu dã.
Bất tri Chu chi mộng vi hồ điệp dư,
hồ điệp chi mộng vi Chu dư ?
Chu dữ hồ điệp tắc tắc hữu phân hỉ.
Thử chi vị Vật hóa  - Tề Vật Luận
( Có một lần kia Trang Chu mộng thấy mình là bướm,
thế là phất phới bay, bướm mà.
Tự mình thích chí lắm, không còn biết gì Chu.
Bỗng nhiên rồi thức giấc, thì lạ lùng chưa lại là Chu.
Không biết giấc mơ Chu đã làm ra bướm,
hay giấc mơ bướm đã làm ra Chu?
Chu và bướm ắt phải khác phận.
Đấy gọi là vật hóa – Nhật Chiêu )

Bút pháp biến ảo của Nam Hoa kinh, giống như cánh bướm thoắt ẩn, thoắt hiện đã đưa Trang Tử vào ngôi vị đệ nhất tài tử trong văn học sử Trung Hoa. Điển tích Trang Chu Hồ điệp mộng này đã được sử dụng nhiều trong thi ca Trung Hoa, cũng như Việt Nam. Ta có thể kể:
- Thiền sư Nhật Bản Đạo Nguyên Hi Huyền, tổ dòng thiền Tào Động, thế kỷ 13, có một bài haiku với tinh thần hữu thời như sau:

Em là bướm ư
Ta là giấc mộng
Trong hồn Trang Chu

- Trương Trào đời nhà Thanh Trung Quốc, với tập sách U Mộng Ảnh ( Bóng mờ trong cõi mộng ) có viết: ” Trang Chu mộng vi hồ điệp, Trang Chu chi hạnh dã. Hồ điệp mộng vi Trang Chu,hồ điệp chi bất hạnh dã “ ( Trang Chu mộng thấy mình hóa bướm, đó là cái may mắn của Trang Chu .Bướm nếu mộng thấy mình hóa thành Trang Chu, thì đó là cái bất hạnh của bướm – Huỳnh Ngọc Chiến ).

Không từ hồn Trang Chu
Tiền thân nguyên kiếp bướm
Đích thực đã chân tu
Từ bắt đầu bay lượn
Tâm xanh không gợn sóng
Tịnh mặc đời thung dung
Vui chân thì ghé lại
Huyễn sắc tự tấm lòng – Lê Hân

-Lý Thương Ẩn, một nhà thơ trữ tình nổi tiếng thời Vãn Đường ( Tàn Đường ), trong  bài Cẩm sắt ( Cây đàn gấm ) có bốn câu giữa:

Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp
 Thục đế xuân tâm thác đỗ quyên
 Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ
 Lam điền ngọc noãn nhật sinh yên
( Trang sinh lầm mình là bướm trong giấc mộng buổi sáng
Tấm lòng xuân của Thục đế gởi gấm vào chim đỗ quyên
Dưới biển xanh, trăng sáng chiếu xuống những hạt châu thành nước mắt
Chốn Lam Điền, nắng ấm soi trên những hạt ngọc tỏa khói )

-  Nguyễn Du dùng ý của bài Cẩm sắt tả tiếng đàn tuyệt hay của Lý Thương Ẩn, để tả cho ta thấy tiếng đàn giờ đã đầm ấm, êm ái của Kiều trong đoạn Kiều gảy đàn cho Kim Trọng nghe sau khi tái hợp, câu 3199-3204 trong tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh

Khúc đâu đầm ấm dương hòa
Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh.
Khúc đâu êm ái xuân tình
Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên
Trong sao châu đỏ duềnh quyên
Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông 

Nguyễn Du tiếp thu tư tưởng Lão Trang “ Nhưng Nguyễn Du không bao giờ đi đến cùng tư tưởng Thiền, Lão. Ông không bao giờ coi sống chết như nhau, ông không thể vỗ bồn mà ca trước cái chết của một con người như Trang Tử. Tư tưởng nhân văn đã đưa ông rẽ sang hướng khác: Dùng thơ văn để than khóc cho những khổ đau của con người, cho cái tài cái tình bị vùi dập, cho cái đẹp bị chà đạp, bị lãng quên. Ông đã gởi vào văn chương toàn bộ tâm huyết, khát khao và ước mơ của đời mình... Hạnh phúc và bạc mệnh cùng với văn chương. Ông tự ví mình như con bướm chết khô giữa trang sách: Điệp Tử Thư Trung “- Đoàn Lê Giang

Vân song tằng kỷ nhiễm thư hương
Tạ khước phong lưu vị thi cuồng
Bạc mệnh hữu duyên lưu giản tịch
Tàn hồn vô lệ khốc văn chương
Đố ngư dị tỉnh phồn hoa mộng
Huỳnh hỏa nan khôi cẩm tú trường
Văn đạo giã ưng cam nhất tử
Dâm thư do thắng vị hoa mang
(  Thư phòng sách đã nhuốm mùi hương,
Bỏ phong lưu chưa hẳn đã cuồng.
Bạc mệnh có duyên ôm sách vở,
Hồn tàn không lệ khóc văn chương.
Mọt sách phồn hoa thường tỉnh mộng,
Lửa huỳnh lòng gấm vẫn mê đường.
Sáng nghe đạo lý chiều vui chết,
Mê sách còn hơn hoa vấn vương.- Công Tử Hà Đông )

- Dâm thư cũng là sách dâm nhưng Dâm thư: sách dâm, là danh từ kép. Dâm thư ở đây Dâm là động từ, là dâm sách, tức yêu sách quá chừng.
- Con trùng chết giữa những trang sách có tên là đố ngư, nó không hẳn là con bướm, cũng không phải là con mọt. Nó là loại gián nhỏ không có cánh, có ba lông đuôi, thường sống trong những tủ sách, tủ quần áo. Ta thường gọi nó là con ba đuôi.

Ngoài con đố ngư chết khô được dịch thoát là bướm, còn phải kể đến Đông trùng hạ thảo hay Đông trùng thảo ( sâu mùa đông, cỏ mùa hạ ), là một vị thuốc Đông y. Vào mùa đông, bướm đẻ trứng ở dưới đất, ấu trùng nở ra bị  bào tử của loài nấm xâm nhập, phát triển thành nhiều sợi nấm nhỏ ( khuẩn ty ), rút rỉa chất bổ dưỡng của nó, khiến cho ấu trùng chết khô, nấm mọc lú lên mặt đất. Đến mùa hè, khi đào lên làm thuốc, gốc nấm còn dính liền với đầu của xác sâu bướm.

Con bướm chết khô giữa trang sách vì say đắm sách vở là một ý tưởng mang nặng ảnh hưởng Khổng Mạnh :” Triêu văn đạo, tịch tử khả dĩ / Sáng được nghe đạo, tối chết cũng hả lòng “. Bướm chết khô sau khi ép nó theo kiểu cách học trò, bụi phấn sẽ dính vào sách vở, không còn trên cánh nữa. Trong kỹ thuật sưu tập bướm, trước tiên phải bắt bướm thật nhẹ nhàng, rồi giữ sao cho không bay phấn, thì sau khi chích formol, bướm mới giữ được màu sắc tươi đẹp như lúc còn sống.

Gã thi sĩ tự chôn mình
Nằm chết giữa hai trang giấy
Như đời bướm phù sinh
Ngày xưa, lũ học trò con gái
Mở vở ra, như mở trái tim ngây dại
Ép vở vào, lưu cánh bướm chiêm bao - TTSH

Đời sống của bướm rất ngắn, trung bình khoảng sáu tuần, chúng có một chu kỳ sinh sản khá đặc biệt: Bướm – Trứng - Sâu – Nhộng – Bướm.
Sau khi giao phối, bướm cái tìm chỗ là các cây nhiều lá để bảo đảm thực phẩm cho thế hệ sau, để đẻ khá nhiều trứng, rồi chết vài ngày sau đó, trước khi trứng nở  thành sâu. Sâu bướm nở ra xấu xí, ăn tham như tằm ăn rỗi, ăn lá cây nơi nó ở và lớn lên; Trước hết nó gặm chất xanh của lá, gặm thủng lá, ăn hết lá, chỉ còn gân lá. Sâu trưởng thành, dệt kén chui vào biến thành nhộng. Trong kén, thân thể nhộng thay đổi, phát triển thành bướm, đủ ngày, cọ lưng vào kén đến thủng rồi bay ra ngoài thành bướm, còn gọi là vũ hóa.

Tôi là một con bướm ngũ sắc rực rỡ
Mọi người đều nói tôi đẹp
Nhưng từ nơi thâm sâu trong ký ức của tôi
Tôi từng là một con sâu chậm chạp
Bị mọi người nguyền rủa
Cho đến khi tôi làm một chiếc lều con
Kiên trì nấp trong đó
Sau khi phản tỉnh và tự sửa mình
Tôi mới có được ngày hôm nay
Mỗi khi tôi nhớ lại quá khứ
Tôi trở nên khiêm nhường
Tôi trở nên đồng cảm với những con sâu chậm chạp hơn tôi
Mỗi khi tôi nhớ lại cử chỉ nhai gặm lá
Tôi liền cảm thấy xấu hổ
Và truyền rải phấn hoa để bù đắp những lầm lẫn xưa kia - vutugia

Hình ảnh con nhộng nằm trong kén thường được nhắc đến trong Mùa Chay, là giai đoạn cao điểm hàng năm của người Thiên Chúa giáo, là giai đoạn sám hối, kiêng ăn, đặc biệt là hết lòng cầu nguyện và tận hiến. Mùa Chay kéo dài 40 ngày, bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro và chấm dứt vào Thứ Bảy Tuần Thánh, trước Chúa Nhật của lễ Phục Sinh. Lễ Phục Sinh quan trọng nhất trong năm, bao giờ cũng nhằm vào lúc đầu mùa xuân, để tưởng niệm sự kiện Chúa Jesus Christ sống lại ba ngày sau khi bị đóng đinh trên thập tự giá.

” Đức Kitô đã chết đi, Ngài bị chôn cất, Ngài đã sống lại vào ngày thứ ba à( 1 Corin 15: 3-4 ). Trong tâm tình đó, Mùa Chay là mùa chết đi một thói hư tật xấu ( con sâu), bị chôn cất ( con nhộng ), nhưng rồi sống lại với con người mới ( con bướm ) vào buổi sáng phục sinh à- LM Nguyễn Trung Tây.

“ Hôm nay, nhìn những cánh bướm bay, tôi thấy bướm càng đẹp hơn xưa. Không phải cái đẹp bên ngoài mà thôi, nhưng là cái đẹp từ cuộc đời của bướm. Nét đẹp từ tháng ngày làm sâu xấu xa và ngày lột bỏ con người cũ thành cánh bướm lộng lẫy duyên sắc...
Hôm nay, tôi nhìn bướm như cánh màu chói chang của một mùa sám hối ăn năn tuyệt đẹp. Những ngày làm sâu tàn phá bao nhiêu thì hôm nay chăm chỉ làm đẹp cuộc đời bấy  nhiêu... “ - LM Nguyễn Tầm Thường

Tôi đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn
Hết tâm hồn và hết cả da xương
Xin yêu, mãi yêu và yêu nhau mãi
Trần gian ơi, cánh bướm, cánh chuồn chuồn – Bùi Giáng

Bướm là biểu tượng của lễ Phục Sinh trong đạo Thiên Chúa – Nói theo tư tưởng nhân sinh thì việc con bướm cựa quậy phá kén thoát ra là hình ảnh mơ ước của tâm hồn, của sự thăng hoa, của bản năng khao khát tự do giống như cánh bướm bay bổng trong gió trời thênh thang, trong nắng rực rỡ, không có gì trói buộc nữa.
“ Đó là một buổi sáng đầu mùa xuân. Gió vừa đủ dịu dàng để nâng đôi cánh mỏng manh như một tâm hồn nhậy cảm bay lên không gian ngập nắng. Và nắng, khi ấy, soi lên hai cánh bướm để thấy những mạch máu nhỏ li ti trong đôi cánh đang chấp chới những cái vỗ đầu đời  “- CV

Xanh thẳm, trong veo, xanh bát ngát
Duy một con tằm hóa bướm lững lờ bay - Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng

Ngày nay khi người ta đặt câu hỏi: Bay về đâu những cánh bướm nhởn nhơ? Tai sao bướm không còn xuất hiện? Do đâu số lượng bướm bay trong vườn càng ngày càng giảm? Thì các chuyên gia cho biết sự thay đổi của khí hậu, thời tiết toàn cầu được coi là yếu tố chính, như việc hạn hán là một.

Khi còn làm người...
Đôi cánh ở đâu mà bay lên trời?
Giá như cánh bướm hóa kiếp cho tôi …
Thôi sợ một ngày mắt kia khép lại
Luân hồi những cánh bướm xinh tươi – Nguyễn Phong Việt

Bướm đã bay đi, bướm quên đường về. Những sinh linh mang hình hài rực rỡ đã bay đi nơi rất xa. Thật xa. Những nơi mà còn chỗ giành cho cánh bướm tâm hồn. Con bướm mộng mơ thời thơ ấu đã một ngày rời bỏ khung trời hoa bướm, biết có còn nhớ lại vườn hoa với muôn ngàn đóa hoa óng ả, biết có còn nghĩ đến những cánh hoa cải hoang xinh xắn, nhè nhẹ lung linh trong nắng … Nhưng hồn người vẫn còn vương vấn với bao cảm xúc khó tả trước màu vàng ấm áp của hoa cải, cứ mỗi đầu xuân đơm bông kết thành vạt, thành dải sóng sánh lạ thường. Dù 20, 30, 40 à năm sau nữa, dù đã quá xa rồi cái tuổi để mơ hoa, mộng bướm, nhưng “ Đường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa “( Hoàng Nguyên ); Khi còn được nhìn hoa nở với bao nhiêu thắm tươi sức sống, thì vẫn tin rằng lòng người vẫn sẽ hóa thành bướm bồi hồi, xao xuyến bay sang.

Xuân Phương

 

Nguồn tham khảo :

Bách khoa điện tử mở  Wikipedia
Bướm tím, bướm vàng - Ngô Văn Phú / dactrung.net
Cái cười của thánh nhân - Nguyễn Duy Cần / tusach.vietnhim.com
Giấc mơ của bướm Trang Tử và Borges - Nhật Chiêu / evan.com.vn
Quan niệm văn học từ Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị đến Nguyễn Du- Đoàn Lê Giang /  enews.agu.edu.vn
Sắc màu của bướm - CV / tetet.net
Trương Trào U mộng ảnh - Huỳnh Ngọc Chiến / talachu.org
Truyện người Onmyoji - Quỳnh Chi / web Chim Việt Cành Nam
Bướm trong thơ Nguyễn Bính- Phan An Khoa /  uk.blog.360.yahoo.com
Tạp ghi văn nghệ : Mấy chục năm sau, đọc thơ Nguyễn Bính - Nguyễn Mạnh Trinh / nguoi-viet.com
Nguyễn Du Thuyền Trưởng Ba Tầu - Công Tử Hà Đông / nguoi-viet.com
Mùa Chay và con sâu bướm - LM Nguyễn Tầm Thường / dunglac.org
Con sâu, con nhộng &con bướm - LM Nguyễn Trung Tây
Ngày xưa còn bé- Duyên Anh
Trường ca- Xuân Diệu