SỐ 42 - THÁNG 4 NĂM 2009

 

CĂN NHÀ SAU CỬA BIỂN
(tiếp theo)

                                                           
7.   

Từ nhà giáo viên tập thể nhìn qua bên kia con lộ,  ngôi trường thấp nhoài nằm im lìm trên bãi đất bẩn màu cát pha. Sân trường lơ thơ mấy cây bàng mới lớn hiếm hoi lá. Hai bên hông trường là nơi canh tác lao động xã hội chủ nghĩa của học trò sau  giờ học, khoảng đất vụng về những vồng lang đắp không thẳng hàng, lá dây còi cọc vì thiếu nước.
Chiều cuối tuần. Học trò, giáo viên đã vội vã ra về để lại dãy lớp trống nằm trơ trọi tiêu điều trong khoảng không đứng gió buồn bã. Tất cả dường như đều bất động ngoại trừ lá cờ dựng trên cổng trường còn chút mấp máy đong đưa. Màu đỏ bạc của lá cờ phủ hờ lên bảng tên trường có lẽ được sơn kẻ bằng một người nào đó không có hoa tay. Nữ chợt nhận ra nàng đang đứng dưới một chiếc cổng tương tự, nhỏ và vụng về hơn. Ngày đầu tiên đứng từ hiên lớp nhìn về ngôi nhà trọ tập thể, màu đỏ của bảng gỗ có hàng chữ “Nhà Giáo Viên Tập Thể” treo chệch chỏi giữa hàng tre xanh mát đong đưa trông xa cách và chướng mắt. Một thứ văn hóa mới. Con người dắt xe đạp, đeo đài bán dẫn bên hông, vào ra bên dưới những chiếc cổng sơn đỏ, tự hào và yên bụng.  Nữ đã tự hỏi có phải rồi đây nàng cũng sẽ vào ra dưới một chiếc cổng như thế - tay trơn và lòng buồn.

Nắng chiều thả bóng tre nghiêng nằm trên sân trước ngôi nhà lát gạch lác đác rêu đọng. Nữ bước qua sân, đứng tựa lưng vào thân cau, trầm ngâm nhìn chiếc bể cạn đã khô nước có non bộ đắp dựng công phu. Chủ nhân của hòn non bộ, ông giáo Thông, qua đời đã gần hai năm sau khi cải tạo về. Ngôi mộ xây ở cuối vườn lúc nào cũng đắp đổi khói hương.  Nàng nhìn dáng lom khom nhẫn nhục của người đàn bà đang tưới rau giữa tiếng nói cười rôm rả ồn ào của nhóm giáo viên nữ đang tắm giặt quanh giếng. Nữ quay quắt nhớ tới ngôi nhà của cha mẹ ở Hội An cùng lúc với mặc cảm đồng lõa phạm tội len lén trong lòng.  Nàng cũng là một trong những người đang ngang nhiên chiếm ngụ nhà của người đàn bà neo đơn kia khiến bà phải dời bàn thờ chồng xuống khu nhà ngang nhỏ bé. Bây giờ, giữa hai thân cột gỗ mít ở gian chính của nhà trên giăng ngang sợi dây kẽm máng treo bề bộn áo quần phụ nữ.

Bà giáo Thông xách giỏ rau vừa cắt, nước nhỏ rây trên sân gạch theo từng bước chân. Bà dừng lại trước mặt cô gái bà có cảm tình ngay từ ngày đầu dọn vào tổ giáo viên. Những ngày sau đó họ chẳng ngại ngần tâm sự chuyện nhà sau khi biết được cảnh đời của nhau.

- Nhìn cháu là biết lại một tuần nữa không về thăm nhà được rồi. Bốn năm tuần rồi còn chi?

Nữ phụng phịu nhìn ra con lộ thấp thoáng sau hàng tre vương bóng nắng.

- Dạ, tuần thứ năm rồi cô.

Người đàn bà tươi cười nhìn cô giáo trẻ.

- Có muốn đi chợ Hà Lam với tui không?

Mắt Nữ sáng lên.

- Dạ đi. Cháu muốn biết ngã về Bình Triều để tuần tới đón ghe Trường Giang về nhà. Ngã quốc lộ thì cháu có biết hôm đi xe đò từ Hội An về và tuần trước khi dì Chanh của cháu trên Quế Sơn gởi nhờ người quen ở bến xe cho cháu bịch mắm dưa.

Bà Thông nhìn về phía bờ giếng.

- Bịch mắm còn không? Thấy Nữ cười mím lắc đầu, bà tiếp lời. Không phải là mình ích kỉ, nhưng nếu có được chút chi riêng tư thì cháu nên giữ lấy cho mình. Bỏ ra đó họ a vô một hồi là hết sạch mà chẳng nghe được một tiếng biết ơn. Bà cười lớn. Bỏ mùng xuống, ngồi trong nớ mà ăn!

Nữ giành ôm giúp rổ trứng trong tay bà Thông lúc hai người bước ra cổng.

- Ngày mô cũng dòm chừng mới gom được chừng ni trứng.  Hai con gà mái rạ vô ổ đẻ đàng hoàng còn hai con đẻ lứa đầu thì bạ mô són đó, báo hại đi tìm muốn chết. Bà chép miệng. Rứa mà có đứa ăn chùng không chùi mép. Cách đây mấy ngày, tui thấy vỏ trứng vãi trắng trên vồng lang sau nha... Mùa mưa bão gần tới rồi, lấy trứng đổi cá khô dành dụm cho mấy ngày không chợ.

Dáng đi của bà Thông vẫn còn đọng nét những ngày thư thả cũ.  Nữ nhìn bà rồi nghĩ lại cảnh đời mình. Cả hai đều đơn độc, chung nỗi buồn thương và niềm hi vọng như nhau.
Cô gái chưa qua tuổi hai mươi, cha mẹ mất sớm, anh chị vắng xa. Người góa phụ sáu mươi, chồng chết, đứa con gái độc nhất lưu lạc với chồng con phương người. Ai buồn hơn ai? Hay phải chăng hai nỗi buồn đang dựa nương nhau, sớt nhẹ đi những mối nặng lòng.  Những sớm mơi thức dậy, ngồi với bà Thông bên bếp lửa chờ nước pha trà, lòng Nữ được an ủi nhiều qua từng câu chuyện nhà hay lời khuyên bảo ân cần.

- Cháu có tin tức chi mới về cậu Niên anh cháu không?
- Dạ chưa. Mới đây cậu Chấn của cháu nhắn cho hay vẫn gắng tìm mà chưa có gì rõ ràng. Chỉ là nghe nói anh Niên đã được chuyển qua diện Thanh Niên Xung Phong, lao động đâu đó sâu tận miệt biên giới Hạ Lào. Con lo nhất là đã hơn một năm mà vẫn không một trang thư nhắn của anh ấy.

Người đàn bà an ủi cô gái.

- Chắc là không sao đâu cháu. Cậu đó thanh niên khỏe mạnh, một thân một mình không phải lo cho ai khác, lâu lắm là trong vòng một năm nữa thế nào anh cháu cũng về. Coi vậy mà thời gian qua nhanh lắm.  Có điều chờ đợi thì bao giờ cũng lâu. Ông nhà tui ở tù ba năm, tội làm đảng viên Quốc Dân Đảng phản động. Tui chờ tưởng mỏi mòn, rứa mà ông cũng về. Về để rồi uất ức nhìn cảnh đời đứt tim mà chết... Rứa còn địa chỉ anh chị ở ngoại quốc, cháu đã nhận được chưa?...Tổ cha cái đồ rừng rú, không một chút văn minh giáo dục.  Thư riêng của người ta mà tự tiện giấu diếm thủ tiêu. 

Nữ nhìn bà Thông lắc đầu cười khi nghe bà lại nổi cơn tức, lên tiếng chưởi rủa chuyện vợ chồng người bác họ đã xé quăng  không báo cho Nữ biết thư chị Nhi gởi về từ Mỹ.

- Đó là lí do cháu nôn nóng về Hội An mà cứ phải chôn chân ở đây. Hi vọng tuần tới về sẽ có thư.

Trên con đường vắng tới chợ Hà Lam, hai người đàn bà đi bên nhau trò chuyện quên cả đường xa. Phiền hà chưa nguôi trong lòng Nữ, chiều nay có dịp thổ lộ với người thân.

Một buổi sáng không lâu sau ngày tốt nghiệp, như thường lệ Nữ vừa đạp xe bốn năm cây số từ Thuận Tình tới hợp tác xã làm việc thì bà bạn của mẹ kín đáo cho hay tin mừng mà gia đình vẫn thấp thỏm đợi chờ từ mấy năm qua. Bà nhận được thư con trai cho biết tin tức sinh hoạt về gia đình.  Anh Mẫn đã lập gia đình và có cháu trai đầu lòng. Nhận được hồi âm từ gia đình anh sẽ gởi hình giới thiệu con dâu và cháu về cho bà nội. Trong thư anh Mẫn còn cho hay đã gặp gia đình vợ chồng chị Nhi anh Dõng, đã có hai con, một trai một gái. Họ định cư cùng một tiểu bang ở miền Bắc nước Mỹ. Chị Nhi nhắn đã gởi thư vài lần về địa chỉ nhà, đợi chờ đã lâu mà vẫn chưa nhận được thư trả lời, anh chị rất lo lắng.  Mừng vui dâng tràn như sóng trong lòng khiến Nữ như  muốn chạy ào ra đường, hét to lên cho mọi người cùng hay chị Nhi anh Dõng của nàng đang sống hạnh phúc ở một nơi chốn bình an.

Nỗi vui chưa kịp lắng xuống, sự âu lo không có địa chỉ của anh chị để viết thư hồi âm tràn ngập lòng Nữ suốt buổi làm. Chiều hôm đó, Nữ vội vàng ghé nhà ở Hội An. Nàng thất vọng nhìn qua  cửa sổ phòng mình, mặt bàn trống trơn buồn bã. Nhà trên vắng lặng. Nữ gõ cửa phòng khách rồi bồn chồn đứng chờ dưới hiên nhà hồi lâu mới thấy người đàn bà cọt kẹt mở cửa, tóc rối bù dáng còn ngái ngủ. Bà vợ người bác họ cau có nhìn Nữ.

- Ối giời, nhà cửa hai ba nơi, đi đi về về, chả biết đâu vào đâu. Có gì thì nói, không tôi vào ngủ tiếp đây. Suốt ngày đứ đừ ở cửa hàng, vừa về đến nhà định nhắm mắt một tí thì đã có người đập cửa ầm ầm.

Nữ nén giận, từ tốn hỏi bà chuyện thư chị Nhi gởi về. Bị hỏi vặn vì chối không khéo, người đàn bà trâng tráo xỉa xói.

- Này, bà bảo cho mà biết nhé. Gia đình bà là gia đình cách mạng, không có ai liên hệ với Mỹ Ngụy cả. Thư từ Mỹ Ngụy mà đến tay bà thì vào bếp ngay.

Người đàn bà chỉ về phía bếp nấu cám heo góc vườn.

- Đấy, ra đấy bới tro lên mà đọc thư.

Cơn phẫn nộ bùng lên, Nữ kéo giật tay người đàn bà lại lúc bà ta vừa quay bước vào trong.

- Thời mấy người ở trong rừng với cái “hòm thư” đã qua rồi.  Bây giờ nhà cửa có địa chỉ, tên đường số nhà, thư từ có tên người gởi người nhận, bà cũng nên học hỏi một chút văn hóa văn minh tối thiểu mà hành sử cho ra người.

Nhìn đôi mắt căm hận như tóe lửa của cô gái, người đàn bà chột dạ cố gắng hứ lên một tiếng nhỏ rồi quày quả bước vào nhà khép chặt cửa. 

Lúc dắt xe đạp qua cổng nhà, Nữ tần ngần ngoái nhìn khoảng sân dưới tàng cây vú sữa, bóng lá lắt lay trong nắng xế cuối ngày. Ngôi nhà chỉ còn trong kỉ niệm, Nữ nhủ lòng, buồn bã đạp từng vòng xe về phía làng chài xa lắc. Một mình trên đầm sông, từng mái chèo khua nước mát lạnh giúp lòng Nữ dịu lại, đằm thắm nỗi vui được trở về căn nhà  sau cửa biển, triền cát vàng rực lên trong ráng chiều.

Dãy phố chợ Hà Lam rõ dần trong tầm mắt. Nữ nhìn về phía nhà lồng chợ vắng hoe.

- Té ra từ nhà tới chợ cũng không xa mấy cô à.
- Đi cả giờ rồi. Bà giáo cười... Cô dẫn tui đi qua hết mùa hè của cô mà còn nói là không xa.

Nữ theo bà giáo Thông bước rẽ về phía chiếc cầu bắc qua đầm sen nằm dọc theo phố chợ.  Cầu Hà Kiều có lẽ từ nhiều năm trước được sơn trắng, giờ chỉ còn trơ lớp xi-măng rạn nứt mòn dấu thời gian. Bà giáo đứng lại bên cầu, thở dài.

- Ông nhà tui kêu gọi quyên góp bỏ công sức vô cây cầu ni nhiều lắm. Cầu xây năm năm bảy. Năm năm chín cọng sản tổ chức nông dân biểu tình làm loạn đòi chính phủ thi hành hiệp thương, bị bắn chết trên cầu mấy người. Qua năm sau, Quốc Dân Đảng chống đối chi đó với chính phủ, ông nhà tui lại bị bắt giam vô nhà lao Con Gà ngoài Đà Nẵng hết mấy tháng. Trở về, yên ổn dạy học cho tới bảy lăm.  Cái ngày thằng học trò ác nhơn trói tay ông, dẫn từ nhà ra tới cây cầu này để  tụ tập đứng chờ xe chở về Chợ Được, tui bị họ đuổi không cho lại gần, chỉ biết đứng nhìn theo mà khóc hết nước mắt.  

Sen đã qua mùa. Mặt đầm lác đác vài búp sen vừa chớm ngại ngùng máu mình dưới những tàng lá xanh chen trở màu nâu.  Gió thổi đùa từng cánh hoa tàn tả tơi rụng trắng hồng mặt nước. Những đài sen nhớ thuở e ấp nhụy vàng giờ trơ trọi một màu xanh đậm, cứng cỏi phơi mình trong nắng chiều.
Bà giáo Thông vuốt mặt như vừa chợt tỉnh sau một cơn mê. Bà chỉ tay về phía cái miếu nhỏ nép mình dưới cội đa già đứng lẻ loi giữa đám cỏ tranh khô vàng bên kia đầm sen.

- Gốc đa đó, năm con Thăng-Bình sáu tuổi, cả mấy tháng mùa hè trưa nào hai mẹ con cũng ngồi chờ ông nhà tôi ăn cơm. Con bé không chịu ăn ở nhà, đòi ra ăn cơm chung với cha cho được... Mình xuống dưới đó nghỉ chân, tui cho cô coi cái này hay lắm.

Nữ ngạc nhiên nhìn bà giáo thận trọng lấy từ trong ngực áo ra một bao thư khá dày đưa cho nàng.

- Cô coi đi. Thư và hình con gái tui gởi từ Mỹ về đó. Người bà con trong Sài Gòn gởi chuyền theo xe đò quen, tui mới nhận được trưa nay.

Nữ thích thú lạ lẫm nhìn ngắm mân mê từng tấm hình màu rực rỡ.  Ngôi nhà khang trang, đồi hoa vàng, khuôn mặt trẻ thơ bụ bẫm tươi vui, gia đình vợ chồng sang trọng hạnh phúc. Nghĩ tới gia đình chị Nhi anh Dõng, Nữ cảm thấy lòng mình rung lên nỗi vui òa đến không cầm giữ được. Nữ trao lại xấp hình. Tay nàng chạm nhẹ lên bàn tay gầy guộc của người mẹ. Những ngón tay run rẩy tìm nhau, níu chặt, ấm áp hàng lệ vui. 
Bà giáo Thông xách rổ trứng đứng lên, mắt nhìn xuôi về hướng con lộ.

- Cô không muốn vô chợ thì đọc sách hay đi dạo quanh đây rồi về là được rồi. Đi Bình Triều thì khi về trời tối nguy hiểm lắm. Về sơm sớm kẻo có người trông... Tui thấy cậu Tuyên có vẽ ưng cô lắm đó nghe. Lăng xăng như gà mắc đẻ... Bà nheo mắt trêu chọc cô gái rồi bước ngược lối mòn về phía cầu Hà Kiều.

Nữ cũng chẳng vừa, nói với theo.

- Dạ, cũng nhờ cô tính giúp cho. Hai giáo viên dạy tốt, gom lại mỗi tháng cũng được 26 kí nửa gạo nửa bo bo chứ đâu có ít. Rồi nếu cháu khéo nuôi giúp con heo con ảnh mới mua thì sẽ có ngày sắm được xe đạp, đài bán dẫn như người ta...

Buổi chiều yên lặng quá. Gió gợn trên mặt đầm lăn tăn từng vòng nước dần lan. Vài con cò trắng mảnh mai rón rén bước tìm mồi làm sóng sánh bóng Hà Kiều in hình trong nước. Dáng người mẹ bước trên cầu cũng lặng lẽ thân cò, nhỏ bé buồn thiu. Nữ nhớ tới mẹ cha, nhớ anh nhớ chị, nhớ tới căn nhà trên triền cát lộng gió. Đồi hoa vàng trong tấm hình ngờ ngợ như trong một giấc chiêm bao đêm nhớ về chị Nhi. Nữ không dám nghĩ tới nhưng sao trong đôi mắt nhắm nhòa lệ nàng vẫn hình dung ra sự đau đớn đến tận cùng của chị Nhi khi đọc những dòng thư đầu tiên của đứa em gái bất hạnh còn ở lại quê nhà gởi nhờ theo thư của mẹ anh Mẫn. Còn gì đau thương hơn khi từ một trùng dương cách biệt ngồi mường tượng về cảnh nhà li tán điêu linh, mẹ cha qua đời đã hai năm mà không hề hay biết. Còn nỗi bất lực nào lớn hơn khi hiện thực khổ đau đã viết thành dòng qua những hàng chữ em mình ngồi viết trong căn nhà chị chưa hề biết. Căn nhà sau cửa biển đìu hiu. Triền cát ngấm mưa thu. Bước chân cha, người ngư dân lạc loài, xiêu đổ về nhà sau đêm biển động. Bước chân anh Niên, vai nặng xác cha, liu xiu triền cát buổi sáng biển trả người về. Mộ phần mẹ cha trên đồi sim dại, ủ rũ tiếng buồn bầy chim ăn cá bay qua đêm trời trở... Chị ơi, xin đừng tiếc rẻ về những giấc mơ của mình cho dù căn nhà của mẹ cha đã không còn. Đó là những kỉ niệm đẹp nên được giữ gìn. Khi chị em mình liên lạc được với nhau, em sẽ kể nhiều cho anh chị  biết về căn nhà sau cửa biển, nơi mẹ cha gia đình đã sống qua những tháng năm khốn khó đổi đời...

Từ sau đêm kinh hoàng tưởng lỡ đời con gái, Nữ như bị lưu đày trong chính ngôi nhà của mình. Đêm trong căn phòng cửa nẻo khóa chặt từ bên trong, giếng khơi góc vườn và bóng trăng rơi trên tàng cây vú sữa vẫn thường mang đến cho Nữ nỗi hạnh phúc dịu êm bỗng chợt như giấc mơ vụt mất mù khơi.  Ngoại trừ những khi ở trường hay hợp tác xã họp hội trễ vào buổi tối phải ở lại nhà trong phố,  Nữ thường ngày đạp xe, chèo đò về căn nhà sau cửa biển. Ở đó hương linh mẹ cha gần gũi , mùi gió mặn, và ánh bạc lấp loáng đầm sông vào những đêm trăng giúp tâm hồn nàng thanh thản bình yên.

Bận rộn tất bật với chuyện học hành sinh sống, ngày tháng của Nữ trôi nhanh. Ngày tốt nghiệp nàng háo hức bước ra khỏi cổng trường đào tạo giáo viên chỉ để thấy nỗi vui mình tàn lụi chóng vánh khi đứng nhìn giàn bông giấy đỏ rực lối vào ngôi nhà đã đổi chủ.  Dì Chanh vuốt tóc an ủi đứa cháu gái mồ côi.

- Dì có bới thịt gà kho sả xuống cho con đó. Mình vô nhà nấu bữa cơm trắng ăn mừng cô giáo mới đi. Ăn cho con kịp xe lên quê nghỉ ngơi mấy ngày. Con gái con lứa chi mà ốm nhom...

Mùa hạ vùng cửa biển chói chang hàng phượng đỏ ngả qua Phước Trạch về phố. Thời gian này, những cuộc vượt biên bán chính thức của người Hoa ngày càng nhiều ở vùng Cửa Đại. Ngư dân Cẩm An, Thuận Tình ngoài những chuyến biển chài còn lén lút chèo đón người vượt biên để tìm thêm miếng sinh nhai. Thỉnh thoảng cũng có những cuộc vượt biên lậu được tổ chức ngay bờ biển phía ngoài dốc cát Xuyên Thọ. Cư dân xóm chài nhỏ bé dần dà bị cuốn hút vào cuộc chơi sinh tử này thường vì món tiền dễ làm tuy cũng có lần khó nuốt phải vướng vòng tù tội. Có khi tiếng rượt đuổi, tiếng súng rời rạc giữa đêm khiến Nữ thức giấc chong đèn. Nàng ngồi hồi hộp, lo âu, khích động, ước ao để rồi sáng sớm hôm sau lại lặng lẽ chèo đò, đạp xe đến hợp tác xã, cặm cụi ngồi may dán đèn lồng hay được gọi ra cửa hàng trao đổi năm ba câu tiếng Anh với du khách Đông Âu mà vốn liếng anh ngữ của họ cũng không gì mấy hơn nàng.

Một hôm, lúc Nữ đang làm việc ở hợp tác xã thì người hàng xóm đi chung ghe lưới với cha ngày trước đến tìm gặp nàng.  Ông nhờ Nữ đón một người về nhà cho ở tạm, đến khuya khi có báo hiệu thì dẫn người đó lên đầu con dốc cát, hoàn thành công việc sẽ được trả một món tiền khá hậu.  Khi nghe Nữ nhận lời, người hàng xóm cho biết thêm người đó sẽ là tài công của chuyến ghe nên cần phải được an toàn đưa ra tới bãi. Sau khi kín đáo chỉ cho Nữ người đàn ông đứng bên kia đường và chờ cho hai người nhận diện nhau xong, ông căn dặn thêm Nữ khi hết việc ở hợp tác xã cứ bình tĩnh đạp xe về Thuận Tình như thường ngày. Người tài công sẽ theo Nữ xuống đò để nàng đưa về nhà.  
Công việc tiến hành như đã dự tính.  Nữ chèo xuồng về đến bến đò lúc trời đã nhá nhem tối. Nàng nghe tim mình đập thình thịch theo từng bước chân hấp tấp trên lối cát về nhà.

Người đàn ông cặm cụi  bước theo sau không một tiếng động. Khi Nữ chậm bước để rẽ vào nhà, nàng nghe có tiếng nói nhỏ bên tai trong lúc người đàn ông vẫn tiếp tục đi thẳng về phía trước.

- Cô vào nhà, chờ một lúc rồi mở cửa sau cho tôi.

Nữ run lẩy bẩy mở  cửa nhà. Nàng thắp đèn, thắp nhang trên bàn thờ cha mẹ. Ánh sáng và hình ảnh cha mẹ giúp nàng lấy lại bình tĩnh. Nữ xuống nhà dưới, vo gạo, nhóm bếp nấu cơm, đun nước. Nàng chờ nước vừa reo thì mở hé liếp cửa bếp rồi vội vàng ngồi thụp xuống trước bếp lửa, tim đập liên hồi.  Có tiếng người đàn ông lách mình vào nhà. Ông khép chặt liếp cửa rồi cũng ngồi thấp xuống bên Nữ như muốn giấu đi phần nào vóc dáng của mình.

- Chào cô. Cám ơn cô đã giúp.

Nữ nghiêng nhìn khẻ gật đầu chào. Người đàn ông chưa ngoài ba mươi, cao lớn phong trần. Suốt buổi tối hai người không trò chuyện gì hơn ngoài những câu đối thoại cần thiết.

Lúc cơm chín, Nữ dọn cho mình ở nhà trên như thường ngày và mang cơm vào phòng cũ của cha mẹ nơi người khách nằm nghĩ qua buổi tối trong đó. Nàng mở tập sách Anh ngữ của chị Nhi cố gắng học để giữ bình tĩnh mà chẳng còn chút tâm trí nào. Cuối cùng nàng phải mở cassette ngồi nghe lại băng nhạc của anh Dõng chị Nhi.  Tiếng hát thì thầm quyện vào đêm, xao xuyến chơi vơi giúp Nữ quên phần nào hoàn cảnh rối động quanh mình. …

Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt. Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa. Hoàng Hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ. Về đồi sim ta nhớ người vô bơ...” (Vũ Đức Sao Biển).
Nguyệt Cầm nghe nấc từng câu...Có hàng mây trắng về đâu? Mắt chìm sâu, đêm lắng đời sâu. Nguyệt Cầm khơi mãi tình sầu . Khơi mãi nguồn đêm ...Mùa trăng úa làm vỡ hồn ta...” (Cung Tiến). 

Có tiếng người khách lạ trở mình, rồi tiếng anh vọng ra từ cửa phòng.

- Cảm ơn cô cho nghe nhạc hay quá. Đã bốn năm rồi tôi mới được dịp nghe lại.

Đêm chậm trôi trong chờ đợi rợn người. Nữ giật thót mình lúc người hàng xóm đến báo hiệu an toàn để dẫn người ra bãi. Người khách lạ thắp nhang khấn vái bàn thờ cha mẹ Nữ rồi thổi tắt ngọn đèn bàn, hé cửa nghe ngóng động tĩnh. Anh thì thào nói vào tai Nữ.

- Cô cứ bình tĩnh đi trước. Nếu có việc gì xảy ra cho tôi phía sau cô dứt khoát đừng quay lại, cứ coi như là cô không hay biết gì về tôi cả. Cảm ơn cô nhiều lắm.

Đoạn đường từ nhà lên đỉnh dốc Nữ đã đi lại hàng trăm lần thế mà khuya hôm đó nàng líu ríu bước chân trên triền cát muốn khuỵu ngã nhiều lần. Nữ mừng quýnh khi nhìn thấy rặng phi lao hiện rõ dần trên đỉnh dốc. Người khách lạ kéo tay Nữ chạy núp vào một đám phi lao dày. Hai người ngồi yên, định thần một hồi lâu thì bắt đầu thấy nhiều bóng người túa chạy xuống dốc cát về phía bờ biển. Khi nhận ra người hàng xóm đang đứng nhìn quanh tìm kiếm, Nữ bấm tay người khách chỉ cho anh thấy. Người khách bảo Nữ ngồi chờ  rồi rời chỗ nấp. Họ trao đổi hồi lâu, lúc Nữ bắt đầu sốt ruột thì cũng là lúc người khách đi ngược về phía mình. Anh ngồi xuống bên Nữ.

- Tôi biết cô sẽ ngạc nhiên khi nghe điều này nhưng tôi mong cô lắng nghe và quyết định ngay. Chúng ta không có nhiều thì giờ. Nếu cô muốn ra đi thì theo tôi xuống ghe ngay.  Người hàng xóm của cô nói người chị của cô đã ra đi năm bảy lăm. Nếu ra ngoài được thế nào cô cũng sum họp được với chị của mình.

Nữ nghe mà cảm thấy toàn thân như mất đi trọng lực văng bật lên cao cùng nỗi ước mơ thầm kín nhất bừng dậy như từ một giấc chiêm bao. Cùng lúc, hình ảnh cha mẹ, anh Niên, gia đình, kỉ niệm cũng cuồng xoay những vòng sáng chao đảo trong đầu. Nữ nghe nước mắt mình rơi và môi bật lời từ chối.

- Không. Em chưa thể đi được. Cầu mong ông đi bình an, nhưng nếu có gì trở ngại ông cứ chạy thẳng về chỗ này. Em sẽ giúp ông tìm chỗ trốn.

Người khách lạ siết chặt tay Nữ rồi vội vã chạy xuống bờ dốc vụt biến vào bóng đêm.  Nàng nằm im co quắp, hai tay vòng ôm đầu trong nỗi sợ hãi đến tận cùng. Nữ sợ cho mình, cho đoàn người không quen dưới kia. Hình như Nữ đã thiếp đi cho đến khi mùi cát ẩm quen thuộc đánh thức nàng dậy. Cùng lúc với đôi tay víu chặt vốc cát ẩm nàng nghe có tiếng sóng thì thầm như một hiện hữu bình an. Hay chỉ là một cơn mơ ? Nàng ngơ ngác giữa lằn ranh thức ngủ mơ hồ. Ý niệm thời gian bềnh bồng như đêm đang tràn vây, nhòa nhạt ánh sao xa.
Tiếng súng nổ, tiếng người quát tháo, kêu khóc kéo Nữ rớt ra khỏi trạng thái ẩn dụ lưng chừng mê tỉnh. Bỗng dưng nàng cảm thấy tỉnh táo lạ thường.  Nữ ngồi dậy căng mắt nhìn về phía bờ biển chập chờn ánh đèn pin loáng thoáng quét dọc dài theo bờ nước. Đoàn người trốn chạy trong lúc hốt hoảng đa số đã chạy tản dọc theo bờ biển. Giây phút chờ đợi căng thẳng dài muốn hụt hơi. Cuối cùng bóng người khách lạ hiện rõ dần trong tầm mắt. Anh hào hển chạy về phía Nữ, áo quần ướt sũng.
Trong canh khuya xóm chài trở thành những đụn bóng tối im lìm mà hỗn độn vây quẩn nhau trong màu trắng nhờ nhờ của cát .  Người đàn ông đứng chống tay trên đầu gối nhìn xuống triền dốc loáng loáng vài bóng người đang chạy về phía xóm nhà.

- Họ đi khơi khơi theo đường mòn như rứa dễ bị công an tóm quá... Mình nên tiếp tục chạy theo hàng phi lao này cho tới khi qua khỏi xóm nhà. Lúc đó nếu không động tĩnh gì thì xuống dốc vào nhà qua ngõ sau, an toàn hơn.

Nữ mệt đừ thả người theo đà dốc bương chạy qua những lùm sim dại mọc rải rác trên triền cát sau lưng xóm chài. Người đàn ông vẫn bám sát nàng như bóng suốt đoạn đường qua rừng phi lao đồi dốc cho đến khi về tới giàn mướp sau nhà. Vừa kịp lách mình qua liếp cửa bếp là nàng ngồi khuỵu xuống lưng tựa vách bếp thở dốc. Trong bóng tối Nữ nghe lẫn trong hơi thở mình là hơi thở người đàn ông. Rất gần. Đêm bên ngoài vẫn im lặng bao trùm xóm chài. Đêm như dừng lại choáng đặc. Nữ ngồi như thế hồi lâu lắng nghe hơi thở mình dịu lại hoàn hồn.  Bỗng chợt ý nghĩ nàng và người đàn ông đang ngồi bên nhau trong bóng đêm khiến Nữ thẹn thùng không dám cử động. Khuya thanh vắng, gian bếp thoảng hương muối mặn từ áo quần sủng ướt của người khách lạ.
Có tiếng người khách đứng dậy bước về phía vách nhà, rồi tiếng anh nói nhỏ.

- Chắc công an bận rộn dưới bãi, không vào xóm xét nhà đâu.

Nữ sờ soạng ở chạng bếp thắp đèn. Ánh đèn hột vịt ám khói vàng lu soi lờ mờ gian bếp.

- Để em tìm cho ông bộ áo quần khô.

Người khách lạ theo Nữ lên gian phòng giữa nơi anh nghĩ lúc đầu đêm. Lục soạn hồi lâu, Nữ trao cho anh hai bộ áo quần cũ.

- Áo quần ông ướt cả rồi. Đây là áo quần cũ của hai người anh, ông thử bộ nào vừa thì cứ dùng tạm.

Người khách nhìn bộ áo quần kaki màu tím trên tay, ngạc nhiên hỏi dồn.

- Đây là quân phục của sĩ quan Hải Quân miền Nam trước bảy lăm mà. Không lẽ...?
- Dạ, đây là quân phục của người anh rể để lại. Anh Dõng chồng chị Nhi em.

Người khách cố nén khích động, ngẩn mặt cười rạng rỡ rồi thân mật hỏi cô gái.

- Thục Nữ phải không? Dõng, chị Thục Nhi của em, và anh có thời học chung ở Huế. Sau đó anh và Dõng cùng vào Hải Quân rồi tốt nghiệp ở Mỹ về một lần.

Nữ cảm động gặp được bạn cũ của anh chị.

- Lâu lắm mới có người gọi tên cúng cơm của mình. Nghe mà ngờ ngợ.
- Anh là Tuân. Vậy là anh chị Dõng Nhi của em đã đi năm bảy lăm? Lần cuối gặp hai người ở Lộng Ngọc, dịp anh từ Căn Cứ Cửa Việt vào Đà Nẵng công tác.

Nữ vui như một  người xa nhà quá lâu được trở về, bắt gặp lại mình và kỷ niệm thân vui trên đường xưa lối cũ. Nàng muốn được sống với niềm vui trở về cho dù là khoảnh khắc. Nữ  tìm cho mình y trang ngày trước rồi lách mình ra ngoài trời khuya. Trong bóng đêm ôm choàng da thịt, từng dòng nước rúng sâu chân tóc trổ gai lên đồi vú săn cứng rồi lăn xuống dần mát lạnh châu thân trôi hết phiền hà.
Tuân ngồi ở nhà trên lơ đãng nhìn trang sách mở trên bàn. Dưới ánh đèn khêu tỏ, Nữ hồn nhiên đứng giữa phòng hong chải mái tóc ướt với những ngón tay của mình.

- Cô giáo Anh Văn ni dễ thương ghê! Còn đẹp hơn cả chị Nhi của cô bé ngày trước nữa.

Nữ ngồi xuống bàn đối diện với người bạn của anh rể mình, không vừa.

- Bây giờ thì con bé lọ lem này mới tin anh là sĩ quan Hải quân thứ thiệt, không phải tài công “dổm”. Theo những gì em còn nhớ được từ mấy năm trước chị Nhi phải đối phó với anh Dõng thì các anh đúng vẫn là “chứng nào tật ấy” chưa cải tạo được chi hết. Chị Nhi gọi là “mấy ông xạo xự”. Anh không biết chứ mối đi ăn Chè Cồn của em hồi đó là từ các anh Lương, anh Đức, anh Hoát, anh Chánh mà ra.

Tuân trầm ngâm.

- Không biết bây giờ tụi nó ở đâu? Thằng Chánh thì chết rồi... Cũng lạ, con người có những gặp gỡ mà chúng ta không thể không tin vào số phận. Đầu hôm, lúc ngồi trên đò chờ em chèo qua cái đầm sông hiu hắt này, anh nghĩ về Chánh mà chẳng hề mảy may nghĩ tới hay ước ao sự gặp gỡ tuyệt vời này. Nơi chốn. Thời gian. Trùng ngộ. Thân phận con người mở ra và hạnh phúc hay khổ đau choàng đến không ngơ...

Rồi mắt anh Tuân chợt sáng lên nhìn Nữ, cười tinh quái.

- Nhưng anh phải thú thật là cũng có giây phút ngồi nhìn cô chèo đò từ phía sau mà lòng thầm mong sao cho nước đừng trôi, thời gian ngừng trôi, và đầm sông thì rộng mênh mông không bờ bến. Tất cả đều lênh đênh nên tự do cũng không còn cần thiết nữa.

Nữ xấu hổ khẻ lên tay của anh Tuân trên bàn.

- Cái anh này lại “xạo xự” nữa rồi.

Đêm trở mình về sáng. Hai người ngồi kể cho nhau nghe chuyện nhà mấy năm qua.
Anh Tuân sinh ra lớn lên ở Đà Nẵng. Đứa con một cứng đầu, ham hố phiêu lưu, lính thú giang hồ loanh quanh, tù tội núi rừng xa tuốt trong Nam rồi cũng khăn gói trở về với thành phố vịnh biển thân yêu của mình. Bốn năm trước, tháng Ba Đà Nẵng mất, anh Tuân theo đơn vị di tản từ Cửa Việt vào Vũng Tàu rồi kẹt lại ở Sài Gòn. Anh bị đi tập trung cải tạo ở các vùng núi rừng Tây Ninh, Long Khánh, Phước Long mới được thả về lại nhà hơn tháng mà đã đôi lần tìm đường thoát thân.

- Không sao! Thời buổi này, lí lịch trích ngang sĩ quan Hải quân Ngụy rất đắt giá. Mà anh lại được quới nhân phò trợ. Hai tuần trước, lần đầu ra quân ở Thanh Bồ thất bại. Đêm nay tuy chạy có cờ nhưng quới nhân phò trợ là một thục nữ nên anh thấy mình vẫn còn tốt số chán.
- Cầu mong cho anh lần tới thành công, nếu không, chắc anh phải cõng quới nhân trên lưng mà chạy. Không phải yểu điệu thục nữ mà bé bự một trăm kí cho đáng đời cái thân nhiều chuyện của anh.

Nỗi niềm tâm sự dài hơn đêm, họ vui buồn trò chuyện bên nhau quên cả thời gian cho đến khi bầy chim ngủ nhờ trên nghĩa trang thức giấc xao xác bay về biển thả tiếng kêu buồn qua xóm chài còn say giấc im lìm. Sương mai lan kín mặt sông. Xóm lưới Thuận Tình bên kia bờ đầm chìm trong một màu trắng đục, lơ lửng nóc hàng dừa rủ lá đợi ngày lên. Nữ đứng nhìn theo bóng anh Tuân đạp xe trên lối mòn nhấp nhô dừa nước sim dại, lòng bâng khuâng về nỗi mất mát mơ hồ. Lơ đãng chèo con đò nhỏ qua sông, Nữ nhắm mắt thả lòng trôi, lắng nghe nhịp đập tim mình hòa theo tiếng thì thầm của biển. Nàng ngư nữ chưa một lần ra khơi với niềm khôn nguôi vô vọng dã tràng, nửa muốn tìm lại nửa muốn chối từ hình ảnh một hải đảo mù khơi trong trầm tích lạc loài của trùng dương muối mặn. 

Những ngày hè còn lại, Nữ thường đứng nhìn quần áo phơi buồn sân nhà ngập nắng mà nhớ thẫn thờ lần gặp gỡ tình cờ. Tấm áo đêm trùng ngộ đẫm hương muối mặn giờ đây được xếp ngay ngắn trong ngăn tủ như một kỉ niệm trân quí. Lòng thiếu nữ trải trang phơi áo cho người rồi hát một mình buổi sáng hoàng hạc bay quạnh quẽ đồi sim...

Buổi chiều lắng sâu. Nước hồ sen lung linh mây chiều đang ngã dần qua màu tím đậm. Nữ giật mình bừng tỉnh giấc mơ ngày. Mùa hè đã qua lâu rồi, Nữ nhủ lòng, lật mở trang đầu tập sách Anh văn của chị Nhi. Dòng chữ thân quen và câu thơ Nữ thuộc nằm lòng càng gợi thêm nỗi nhớ. Màu hoang đảo từ đây em sẽ ngó. Cát xa bờ tơ chỉ rối chiêm bao (Bùi Giáng).

Nữ bước qua cầu, một mình trên con đường vắng ngắt, tiếng bước chân đều đều nghe cũng buồn. Nàng về lại nhà tập thể lúc bà giáo Thông đang e gà vô chuồng. Bà lo lắng nhìn cô gái.

- Bộ cô đi tới Bình Triều hay răng mà giờ ni mới về. Tui bắt đầu lo lo trong bụng rồi đó.

Nữ giải thích rồi nhìn về phía giếng nơi Tuyên và mấy cô giáo đang lúm xúm đứng ngồi.
Bà giáo Thông hóm hỉnh.

- Giấc mơ mua xe đạp của hai người bị xì hơi rồi. Con heo con của cậu Tuyên biếng ăn mấy hôm nay. Họ đang làm thịt chia nhau.

Trông thấy Nữ đang bước qua sân gạch về phía bờ giếng, Tuyên đứng lên mừng rỡ.

- May quá! Tuyên có hỏi bác Giáo, sợ Nữ đi tới Bình Triều định mượn xe đạp đi tìm.

Hai bàn tay bê bết máu, Tuyên chỉ vào xác con heo nhỏ hơn bắp vế người bị cắt cổ nằm sóng soài bên lưng bát máu chưa kịp đông .

- Con heo bị bệnh, biếng ăn đã mấy ngày. Mấy cô giáo bàn nên làm thịt trước khi chết mới có máu làm tiết canh và không bị mất thịt. Họ đề nghị đổi tiêu chuẩn đường sữa tháng này. Chút nữa mình gọi Nữ ăn cháo huyết nghe.

Nữ lắc đầu thoái thác vì nhức đầu, bỏ vào nhà. Gian phòng lờ mờ chút ánh đèn từ nhà ngang hắt vào qua khuôn cửa nhỏ. Bà giáo Thông trong áo dài lam đang trịnh trọng thắp nhang khấn vái. Nữ khép cửa sổ, ngồi im trong bóng tối. Những người đã ra đi, anh Dõng chị Nhi đang có đời sống hạnh phúc riêng cho mình. Người nhất quyết ra đi như anh Tuân, tương lai của họ là chuyến tàu sắp tới. Nàng nghĩ tới Tuyên, người thanh niên có nụ cười hiền, sống loay hoay yên phận với dự tính nhỏ nhoi vừa bị chết yểu tối nay. Nữ nhớ anh Niên đang sống trong rừng sâu núi thẳm. Người anh sống sôi nổi hết mình luôn muốn làm vui lòng bầu bạn quanh mình. Tội nghiệp cho Tuyên. Tội nghiệp anh Niên. Tội nghiệp cho mình.  Nước mắt Nữ trào ra.

(còn tiếp)

Phan Thái Yên