SỐ 42 - THÁNG 4 NĂM 2009

 

Giữa Hai Lằn Đạn

Phần Thứ Nhì

Chương  25
KHÔNG THỂ HIỂU

Từ giã bạn, Hoài lo đi về nhà. Hoài tươi cười đến bên ngồi xuống, nàng soạn giỏ hàng đã mua từ lâu ra. Mẹ mặc áo bà ba cổ kiềng màu trắng, quần láng mướt loại lãnh Tân Châu mát rượi. Sạch sẽ, tươm tất gọn gàng, mẹ ngồi trên bộ ván ngoáy trầu cau vào cái cối đồng nhỏ xíu. Mẹ ghiền ăn trầu hơn bất cứ thứ gì ngon trên đời.
Thấy mẹ, Hoài vui vẻ nói:

- Con biếu mẹ cặp quần đen. Áo dài vải nhung màu xanh đen. Xấp vải phin nõn để mẹ may áo bà ba nghen. Ba thì may bộ đồ tây. Con biếu ba mẹ hai ngàn đồng để xài vặt.

Mẹ ái ngại nhìn con lắc đầu quầy quậy, không nói. Mẹ không chịu nhận tiền. Mẹ lo lắng và ái ngại vì không thích cho con đi làm. Nàng nhất định nhét tiền vào túi mẹ, dụi đầu vào bờ ngực mẹ ấm áp, hai tay mò tìm vú mẹ, (như hồi nàng còn bé thơ mỗi lần đi đâu xa về nhà, Hoài ưa chạy tới sờ vú mẹ, Hoài bú vú mẹ chùn chụt, dẫu cô bé đã lên tám, lên mười). Nàng nói:

- Mẹ lo lắng chi vậy. Con đi làm như đi chơi í mà, không khổ cực chi mô. Ở quê mình có yên không mẹ?
- Yên chi mà yên. À, cậu Thắng có thương con không rứa?
- Dạ, con chưa biết. Có thể thôi.
- Con gái lớn rồi cần tìm nơi tử tế, để nhờ cậy tấm thân. Con đi làm như rứa, mẹ không ưng tề. Cha mẹ già không lột da sống đời với con. Còn anh chị của con thì ai đã có phần nấy. Con cứ ở lì như rứa không chịu có gia thất. Coi chi được hè.

Hoài cúi đầu im lặng suy nghĩ: Mẹ từng trải ngược xuôi trên dòng đời đen bạc, mẹ có kinh nghiệm sống ở đời, cộng với bước đi vững chãi tự lập, và tấm lòng đôn hậu, chân chất của người mẹ từ ái. Mẹ hằng ước nguyện cho các con có hạnh phúc, bình yên đích thực. Mẹ luôn luôn lo lắng, cho con cái từ miếng ăn, giấc ngủ, từng bước đi chập chững trên dòng đời xuôi ngược. Mẹ không cho phép con sống tự do buông thả theo cuộc sống xô bồ, phức tạp.

Con rất biết ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ đã ưu tư thương nghĩ về con. Thế nên, con xin lỗi mẹ, con không dám thổ lộ với cha mẹ là: Con đang sống trong một môi trường, mà xã hội đó, đất nước đó, chính là nơi chôn nhau cắt rốn của ông cha ta, là quê hương mình đã từng diễn ra nhiều cuộc nội thù, tàn khốc, đẫm máu kinh khủng. Họ chém giết sát hại "trừng trị" lẫn nhau thẳng tay. Không ai nhường nhịn ai giữa hai bên bờ quốc cộng đó.

Mẹ ơi. Con nghĩ mẹ không làm sao hiểu được vì lẽ gì chiến cuộc xảy ra ở từng nơi, từng chỗ, trên quê hương mình? Bởi vì, mẹ nhân ái, vị tha, từ thiện, hiền hậu và vô cùng từ tâm độ lượng. Mẹ không bao giờ hiểu đâu. Cho dù đến chết, mẹ vẫn không thể hiểu vì sao. Và, con càng thương mẹ. Mặc dù con bị hấp thụ ít nhiều thù hận, hung ác, đối nghịch, bất chấp, nghi kỵ mọi người tự thuở mới lớn trong chiến tranh, là lẽ thường. Nỗi niềm ưu tư nầy, con biết thổ lộ cùng ai? Hở mẹ?!

Hôm sau tình cờ Thắng đến nhà, anh ngạc nhiên, thấy gia đình ăn cơm quá trễ. Anh hỏi lý do. Hoài cười:

- À, gia đình muốn mời mẹ em mấy món ăn mà mẹ thích nhất là: Bánh bột lọc. Bánh xèo. Bánh ướt thịt nướng. Bánh ít lá gai. Ăn vào nghe nó "đã" làm sao anh ui! Vì ngày mai mẹ em lại về quê rồi.

Thắng nói nhỏ bên tai với Hoài. Họ chở nhau lên xe velosolex chạy ra chợ Hàn. Hai anh em mua quà cho mẹ đem về quê tiếp tế cho bà con, họ hàng, để mẹ biếu xém thôn xóm chút quà từ xa.

Trong chợ ồn ào huyên náo người đi kẻ lại nói cười, la mắng đối đáp inh ỏi. Người mua cố kèo nài để mua cho rẻ. Kẻ bán cố neo bằng được giá cắt cổ, để kiếm lời to. Đôi mắt người bán hàng lóe sang, thơn thớt mời chào lúc Thắng, Hoài, đến gần. Nhưng khi họ đi qua mặt, nhiều đôi mắt chủ bán hàng lộ vẻ thất vọng, không vui. Hai người qua mua vài kí tô tôm khô. Ba kí bún tàu. Năm kí đường cát trắng, một thùng xà bong giặt, hai chục xà bong tắm. Chục chai tàu vị yểu hiệu con mèo, và chục chai nước mắm nhỉ. Năm kí khô cá để dành ăn khi mùa mưa bão tới.

Hoài đi xe xích lô chở mấy món hàng to tướng về. Thắng rề xe bên cạnh.

Cả nhà ngồi vào bàn và ăn uống vui vẻ. Anh Thương thích thừa tiếp khách, cũng như anh thích được người ta thừa tiếp. Cho nên anh mời Thắng ăn... mệt nghỉ. Dù đôi ba lượt, Thắng xin phép đứng dậy. Anh rể ấn vai chàng ngồi xuống, không tha. Hoài nhìn Thắng, cười tươi, láu táu:

- Cho anh ăn no mệt xỉu. Bụng chương to lên như bụng... con cóc.

Mẹ vội la:

- Con gái lớn rồi. Ăn nói chi lạ rứa!
- Anh Thắng ảnh láu cá lắm. Không chịu thua ai đâu. Mẹ ui.
- Vì con hư.
- Con không dám đâu. Tại anh ăn hiếp con à.
- Con không được nói như rứa.
- Da... da...

Thắng cười:

- Thưa bác và anh chị, Hoài chuyên môn ăn hiếp cháu, thì có.

Lời qua tiếng lại vui ơi là vui.
Khoảng tám giờ tối, Thắng chào gia đình anh chị để về nhà. Hoài tặng Thắng: một bọc tiêu sọ, gói ớt bột, và kí hạt sen, mà mẹ đã đem vô. Anh cười, cầm lấy rồi nói:

- Hoài đi công tác nhanh lên. Mong em gái về, ăn chè hạt sen tự anh nấu đấy nhe.
- Mong? Chuyện lạ bốn phương quá.
- Mong thì có gì lạ. Nhớ viết thư về cho anh. Nhé!
- Có chuyện ấy sao?
- Chẳng hạn như em kể chuyện... chàng lính chiến dễ thương ngày nọ.
- Ơ hơ! Anh muốn biết tin về anh Đan à?
- Không được ư! Anh thực sự mong em... hạnh phúc.- Anh không buồn ư?
- Buồn là các chắc!
- Ư hừ!
- Anh về. Chúc thượng lộ bình an.
- Cám ơn anh. Đừng quên đường... về anh nhé!
- Anh định nhắn nhủ Hoài câu đó thật.

Thắng cười cười quay gót. Hoài, cảm thấy hụt hẫng lạ lùng, lòng trống vắng vô ngần. Quả thật nàng không thể hiểu nỗi người con trai quá dễ thương ấy..., chàng vừa tần ngần chúm chím cười cười; mà ưu tư nói câu úp mở lấp lửng kia.

Nỗi buồn kinh khủng bỗng dưng dâng đầy. Nàng tần ngần đứng trên lề phố, Hoài nhìn theo chàng trai dần khuất trong lòng chiều phố thị bon chen.


Chương   26
MẠC A KÍU

Trong phòng làm việc Tâm Lý Chiến có anh Mạc A Kíu là người hiền lương chân thật, đến mức thật thà ngây ngô, mà rất dễ thương, chịu không nỗiA Kíu thích uống nước đá thật lạnh, nhai nước đá cục rốp rốp; trong lúc anh ăn cơm nóng sốt, vừa thổi vừa ăn, lại vừa uống ừng ực nước đá cục lạnh ngắt. Răng của chàng bỗng dưng dỗi hờn, đau đớn sưng vếu lên một cái, nó lạnh lùng bỏ anh ta mà đi.

A Kíu tức mình đi bọc răng vàng ở lỗ trống. Thế là hai hàm răng thấy cái răng... “dàng gziàu có, đẹp gziai” quá, chúng càng bực bội dỗi hờn thêm, bèn từ từ rủ nhau xa lánh “anh răng dàng” rụng đi gần hết cả hàm dưới. Răng hở thì môi lạnh, môi buồn, nên mỗi lần ăn cơm ăn cháo gì, A Kíu cố cho hàm răng trên đi gặp hàm răng dưới, thăm hỏi nhau tí chút. Nhưng chúng nó đã thất lạc trong cuộc đời. Một chiếc răng vàng cô độc không hiểu tiếng nói của nhau, thì còn răng mô mà dám cười!

Hàm răng mệt, cái mồm mệt, chàng không thể nhai thức ăn; cơ thể  mệt, bộ óc mệt lả theoRăng rủ nhau biểu tình đi tìm trẻ lạc mất răng. Hàm răng của chàng bây giờ thì cái sún, cái bọc vàng, cái lổn chổn. Coi thật khó chịu. A Kíu không nhớ gì hơn ngoài việc lo lắng cho “bộ gió” của mình. Vì “cái răng cái tóc, là gốc con người” mà!

Một hôm, được trưởng đoàn phân công, A Kíu âm thoại viên cùng bạn công tác tại xóm Nghĩa HànhBạn Bé, và Châu đi nhanh quá. Còn A Kíu có phần bệ vệ, vì cái bụng lỡ mang thùng nước lèo khá lớn, (so với chiều cao). A Kíu ì à ì ạch leo lên dốc. Chàng che tay nhìn ngang nhìn dọc không thấy hai bạn đâu. Mất hồn mất vía, chàng ngồi phịch xuống trên gò mối, nghỉ mệt. Đã lo sợ lạc đường, tự dưng cái bụng phệ của A Kíu sôi ọc ọc ục ục, như muốn biểu tình, phản đối giờ cơm đến trễ.

A Kíu lom khom đứng lên, bỗng máy PRC-25 phát tín hiệu. A Kíu lại ngồi vật ra, duỗi hai chân chụp lấy máy, mở tần số liên lạc. Nghe xong, “anh ta ca”:

- Cái lày ngọ xin “lại ý dui loòng” chỉ choÀ, ló lại tẩy chay ngọ, bạn ló li lâu mắc dồi, bỏ em lứng dứi gót cay phựng. Bạn ló hổng biếc liều a. Em hỏn biếc chỗ lào, lễ li dề à. Lần lầu-tiên mới dề qua lay. Hỏn béc dớ cái đừng đi dề a.

Thọ, Đan, và Nhã phì cười. Nhã trêu chọc:

- Đi mau mau mới kịp bạn. Phải biết "giác ngộ" cho tiêu bụng mỡ chứ.
- Ngộ biếc dát ngộ mờ. Có gì ngộ ngộ, thì ngộ dát dề cho a.

Có trời biết làm cách nào A Kíu trở về an toàn, khi lưng đeo máy truyền tin, vai đeo ba lô cá nhân, vai kia vát thêm lưỡi cày, chả biết chàng nhặt ở đâu.
A Kíu nói:

- Nó “giác ngộ” quá, thì “ngộ dát” dề a.

Thọ vừa tức, vừa vui cười hóm hỉnh kêu trên loa phóng thanh:

- Có ai mất lưỡi cày, xin cho biết. Phòng mang trả lại ngay.

Một lần khác trong phòng đang ăn cơm, thì  Chỉ-Huy-trưởng gọi máy dã chiến xuống, bắt anh em nộp bảng: "Dự trù Kế Hoạch A. Tối cần".
A Kíu quên chưa cúp máy, anh ta láu táu báo trình với Đan:

- Xin báo với “thựng” cấp là tối cần, “bạng” dự trù kế hạch A, chớ sáng thì “hỏn” cần.

Ngờ đâu Chỉ-huy-trưởng đã nghe được. Trời ơi! Hậu quả ăn với nói lầm lẫn và hiểu sai nghĩa. A Kíu bị “an nghỉ” năm ngày trong chuồng cọp. A Kíu “được” muỗi đốt thỏa thích. Chàng nằm co rúm chèo queo vỗ bụng đau bình bịch, để chờ Phòng Nhì điều tra.

Toàn Phòng 5 đều gửi “thỉnh nguyện thư” lên Chỉ-huy-trưởng, họ bảo đảm hạnh kiểm, hành vi của A Kíu. Sau khi A Kíu làm mọi thủ tục tường trình, chàng được tha khỏi chuồng cọp. Từ đó, chàng câm như hến, không dám thèo lẻo bép xép cái miệng ăn mắm, ăn muối nữa. A Kíu tình nguyện “xuống cấp” để làm hỏa đầu quân ở trong Sư-đoàn, cho chắc cú. A Kíu nấu ăn thì ngon tuyệt, y như Tàu Hồng Kông vậy. A Kíu ưa vỗ vỗ vào cái bụng phệ mà cười ha ha ha:

- Giàu chủ kho. No nhà bếp rồi thì... chóng chết là vì quản voi he!

***

A Kíu kể chuyện tình của anh ta với cô bồ ở Chợ Lớn, vui và cũng buồn hết biết, chuyện như sau:

Sau khi A Kíu đã vào nha sĩ bọc thêm những chiếc răng vàng, nhân một ngày “mùa thu lá bay”, để kỷ niệm ngày đầu tiên “Anh và Em” yêu nhau, hai anh chị vui vẻ hẹn hò nhau đi ăn ở nhà hàng Arc En Ciel.
A Kíu bảo nàng:

- Em là Ba Chệt, thì em cứ hiên ngang, can đảm vui vẻ nhận mình là Ba Chệt. Sợ gì ai mà ba má giữ rịt em trong nhà he? Sợ mắc cỡ sẽ ló cái đuôi sam ha!? Em hãy mặc áo Thượng Hải, hở ngực, hở nách, xẻ hai bên đùi lên sát bắp vế, thì coi em càng khêu gợi chớ sao! Cho anh dẫn em đi dợt le. Anh muốn tụi mình nên đi cà nhỏng, cà nhảnh, cà rịch cà tàng chút xí. Mình lên mặt làm dáng, làm dóc, làm le, làm tàng. Em cứ giựt nổi, chơi trội đi khoe với đời. Em không nổi như cái rốn của vũ trụ. Thì đời mình mất vui, kém hạnh phúc đi. Nha.

A Kíu vui vẻ “phỉnh” nhẹ nàng thôi, chứ chàng gallant trắng trợn, thì còn ra cái thể thống gì bậc mày râu!  “Ẻm” nghe chàng miệng lưỡi ngọt xớt như mía lùi, thì ai mà không mê tít thò lò chứ. Thế là nàng trẻ người non dạ, õng ẹo đi qua đi lại trước gương soi ngắm nghía, và toe toét cười. Đúng là coi mình cũng ngon lành ra phết, như miếng thịt mỡ treo trước mõm mèo. Ngu sao mình không chờ thời cơ, thiếu giống gì mấy chàng trai trẻ, sẽ nườm nượp liếc mắt đưa tình he! 

Nàng lóc chóc hí hửng, thích thú mặc xiêm y, thân hình chưa phì lủ lắm. Chàng trông nàng ngon lành, coi cũng đẹp hết sẩy í chứ. A Kíu mặc bộ áo quần vía hồ ủi thẳng nếp li láng cón, đầu anh chải brillantine bóng mướt, con ruồi đậu trên tóc cũng phải té trợt. mang đôi giày đen nhọn mũi hoắt. “Anh Em ta leo lên taxi cho... tới luôn bác tài”. Hai người xuống xe, cầm tay nhau dung dăng dung dẽ, cười cười liếc liếc, lí lí lắc lắc... tà tà đi dạo coi “thái mái” lắm. Cái bóp đầm của nàng lủng la lủng lẳng đung đưa có đựng vài đồng bạc lẻ, bỗng bị “bàn tay anh tài” cướp giựt mất, lẹ như chớp. Bị bất ngờ, nên nàng trợt chân té, chiếc giày cao gót, văng lông lốc tuốt dưới chân thang lầu.

Đau quá là đau, nàng nghiến răng trèo trẹo. Nàng ngồi chò hõ nơi bậc thang, mặt tái xanh không còn chút máu. Mồ hôi hột rịn vã ra ở hai bên thái dương, “ẻm” bủn rủn tay chân, thầm nghĩ:

- “Chắc là ma nó xô cho mình bong gân, lọi giò đây chứ cái thằng ma-cô cướp cạn, nó ốm nhom ốm nhách như đồ xì ke, đuổi ruồi còn không bay. Nó làm gì mà xô mình lọi giò được ha?".

Vô tình nàng "để quên sự đời em ra". Thây kệ mặc khách tao nhân, đi lên, đi xuống cầu thang, họ cứ quay lại nhìn, cười hi hí, và ngó sững "chỗ nớ" đã đời.

Chàng thanh niên non đời lóc chóc đã nén giận, A Kíu cắn môi chạy xuống chân cầu thang lượm giúp nàng chiếc giàyA Kíu đứng xớ rớ dưới chân thang, chàng vô tình chờ mặc khách tao nhân chen lấn đi lại đông đúc nhìn lên. 

Bỗng A Kíu thấy em o... oằn người,  và “chỗ nớ” coi tổn hỗn, rõ mồn một. A Kíu giật mình xấu hổ, mặt anh chàng đỏ tía, tai nóng rần rần, hai bên thái dương chàng giật tưng tưng, trái tim co xiết túi bụi. Mắc cỡ muốn độn thổ A Kíu cầm chiếc giày cao gót sút đế, vụt nhảy lên một lần, hai ba bậc cấp. A Kíu ném chiếc giày vào bụng nàng, kêu cái “biịcch“...Chàng trợn mắt nghiến răng trèo trẹo, cằn nhằn:

- Đứng lên mau. Con gái, con nai gì không có ý tứ, lại mặc cái "xì níp" nhỏ xíu, trơ trẽn quá. Có thấy thiên hạ đang dòm ngó em không? Hứ! Lại còn ngồi thộn ra... xí xọn, nhí nha nhí nhảnh.

Nàng tức giận lên cực điểm, đến tím mặt, bầm gan. Đã không dỗ dành khi người ta đau điếng, thì thôi. Chàng còn lên mặt la mắng ta cái nỗi gì, giữa chỗ ba quân hử? Nàng nghiến răng trèo trẹo, liền xổ một tràng tiếng “Háng” văng cả nước bọt khiếm nhả ra:

- Ai biểu, tại nị nói thít ngộ đi “phe” với đời mờNgộ không bét. Ba trợn á. Ay da dà! Cái đồ dóc tổ a. Tô chè a.

Tự ái dồn dập mà! Tuy nhiên, thấy nàng xù ra như lông nhím, Kíu cũng biết điều nâng cánh tay nàng lên, liền hạ mình hạ giọng, năn nỉ ỉ ôi.
Nàng được trớn, càng lên mặt vênh váo, lì lợm, làm le, làm dóc, làm tới, không thèm hòa. Nàng xù bộ mặt rất ư dễ ghét ra, chàng trông nàng thiệt ngứa mắt quá chừng chừng! Xách chiếc giày sút đế lủng lẳng, nàng vung cùi chỏ hất mạnh tay “người iêu”. Nàng cà niễng cà giật cà thọt một chân cao chân thấp, nàng nhoi nhoi cái đít vịt đi điệu “bì bộp, xô-lô-rốc” chấm phẩy. “Ẻm” leo lên taxi... cho tới luôn bác tài. Bác ta rồ máy chạy cái vù. Giữa đám thị dân đang kinh ngạc nhìn theo.

Thế là Kíu nổi máu anh hùng lên, bỏ đi một nước, giang hồ biệt tíchA Kíu leo lên xe “đi quân dịch là thương nòi giống”, chàng vui vẻ hát điệu... tẩu mã rất linh hoạt của dân ca Huế. 

Thôi! Chả còn gì cho “Anh và Em”. Thật chả còn gì cho mối tình mà chàng nghĩ từ nay đúng là: Thứ cà tửng, cà tàng, cà khịa, cà ná, cà chớn, cà pháo, cà chua"... Khi nàng ù té chạy làng, lê bước chân què leo lên con đò, ca bài “Sang Ngang” của Đỗ Lễ, cho mối tình xưa đi đứt theo đuôi con nòng nọc, mất toi. A Kíu dứt khoát mọi điều khẳng định là phải quên. Như đinh đóng cột vào vách. Như ngôi nhà quay mặt về núi. Muôn đời không thèm đối diện với biển cả.

oOo

Nghe tin Lính Phòng 5 được về hậu cứ sớm hơn dự định, A Kíu nổi tiếng là trùm sò, chuyên môn cho anh em “ăn mắm mút dòi“Nay chàng là người hào phóng, trước tiên chàng vát cái bụng phệ, đi quăng mùng mền quần áo cá nhân. A Kíu cần cho ba lô cá nhân nhẹ bớt ký mà. Rồi chàng lấy ly, tô, chén, son, chảo, nồi... ở trong thùng của đoàn dân vận ra, chàng đập bể hết. A Kíu xán cho bằng thích hai bàn tay mập ú. Các anh khác cũng bắt chước làm theo, họ lôi tô chén trong ba lô cá nhân ra, xán bôm bốp xuống nền gạch. Nghe “đã” thiệt ta!

Đùng một cái Trưởng-phòng đi họp về báo tin Phòng 5 phải ở lại thêm bốn ngàyA Kíu ngồi thộn ra nhăn nhúm, méo mặt như cái nồi xoong. Lấy cái gì xào nấu cho anh em ăn đây hở Trời! Thật chán mớ đời. Mấy ngày đó, anh em chịu trận giữa cơn rét rừng luồn vào tủy sống. Các anh chẳng dám mở miệng kêu than nửa lời.

Ngày ngày A Kíu xin phép Trưởng-phòng 5 cho ra nấu ăn nhờ ở nhà dân, chàng đi bắt ốc mò cua, bẻ măng, rau núi, hái rau sam, rau dền, rau đắng mọc hoang, luộc cho anh em ăn tạm đỡ lòng, với thịt hộp xin của đồng đội bạnThật may vừa có lệnh trên ban hành cho anh em Phòng 5 leo lên xe về nhà. Mấy anh mừng húm.

Tất cả câu chuyện về bạn bè thân thiết, cùng hoàn cảnh, không gian và thời gian, thoáng hiện ra trong tư tưởng Đan, dưới ánh sáng màu thiên thanh kỳ diệu. Đan mỉm cười về vài mẩu chuyện vui vui, tương tự như thế; hầu quên đi nỗi nhọc nhằn trong đời lính chiến phong sương. Tạm quên bao khổ đau cuộc sống đùn lên trong đời Đan và tất cả quân nhân khác.

Chương   27

Một buổi canh khuya gần rạng sáng cuối tháng năm, trời đổ mưa ào ạt xuống khu rừng rậm. Con đường mòn độc nhất nối liền từ dưới Tỉnh Quảng Ngãi lên Ba Tơ, do Công-binh Kiến-tạo Liên-đoàn 25 cày ủi, là niềm vui thích và mừng rỡ cho cư dân địa phương được đi lại dễ dàng; nay trơn ướt lầy lội, ngập lụt, sình lún hơn. Thôn xóm đìu hiu vắng hoe, điêu tàn đổ nát. Chỉ còn vài cây cột đen thui trung thành đứng canh giữ đống gạch ngói vụn ngổn ngang, vườn tược đổ nát rất bừa bãi.

Ấy thế mà nhóm Thái bắt buộc phải đội mưa để lội qua nhánh sông con. Lính Phòng 5 còn ngái ngủ, thấy trời mưa mà phải ra đi, có mấy anh vừa lè nhè vừa vùng vằng làu nhàu, lẩm bẩm chửi thề trong miệng.
Trung úy Phước cười cười nói:

- Thôi! Mấy cha nội! Cố gắng một chút đi. Hãy coi mấy anh lính kia kìa, thì mình còn sung sướng chán! Buồn bực chi giữa cảnh nắng lửa mưa dầu nầy, hổng biết. Quê xệ quá!
- Lính chiến đấu ngoài tiền tuyến ngon quá xá.
- Ngon thật chứ sao không.

Xa xa khu phòng thủ chất đầy bao cát, táp lô, gạch, đá tảng. Đơn vị biệt đội biên phòng nầy liên lạc với đơn vị kia, bởi đường dây điện thoại dã chiến chôn ngầm dưới đất. Tường chắn nhiều tấm ghi sắt dày lớn, nẹp cọc sắt dài hình chữ U, đóng lún sâu xuống đất. Chung quanh rào kẽm gai thật kiên cố, cẩn thận. Giao thông hào chằng chịt, cao lút đầu. Có bốn tháp chòi canh cao tít mù chót vót nhìn ra tứ phía.

Đôi mắt Trúc đỏ hoe và đau nhức từ mấy ngày nay, càng bị ô nhiễm trong bầu khí quyển, với phóng xạ tia cực tím, đã ảnh hưởng nặng đến cấu trúc của mắt, nhất là võng mạc và tròng mắt.

Cơn mưa đầu mùa chưa rửa sạch mọi thứ và cây lá ven rừng, khiến đôi mắt nàng xốn xan, khó chịu xiết bao. Lục tìm trên bộ nón sắt trong mạn mũ lưới, có hộp băng cứu thương, Trúc lấy thuốc nhỏ mắt. Phút chốc đôi mắt dường như dịu đi. Sau đó nước mắt tự động chảy ra. Lại xốn thêm không chịu nổi, Trúc lau dụi thế nào, cũng không bớt. Thấy vậy, nên vừa đi được một quãng đường dài, Trung-úy Phước cho cả Phòng 5 ngồi nghỉ dưới mấy bóng cây rợp lá, gần doanh trại bạn chốc lát.

Trúc nhìn các anh Bộ-binh Sư-đoàn 2 mặc áo quần tác chiến, áo giáp che ngoài, đeo dây ba chạc, chụp mũ sắt lên đầu, mang giày đinh bết đầy đất bùn. Mấy quả lựu đạn lủng lẳng trên túi áo của họ lắc qua lắc lại, mũi súng garant chúi nhủi xuống đất, báng súng đập vào dây nịt, kêu lộp cộp. Họ lội bì bõm khi đêm vừa vén bức màn đen hắc ám lên khỏi vạn vật. Trúc nghe mưa lùa trên gót giày đinh thiệt rợn người. Trúc rùng mình trước cảnh tàn phá ghê gớm, nàng thở hắt ra từng chặp, lòng đau như dao cắt, làm nặng nề khó thở từ hai buồng phổi.

Nhóm của Trung-sĩ-Nhất Thái vừa dừng lại nghỉ mệt gần doanh trại phía xạ trường của Tiểu-đoàn 25 Công-binh Kiến-tạo, bên mé rừng độ mươi lăm phút, thì Tiểu-đội Công-binh đi đầu, có anh khinh binh chẳng may đạp trúng mìn. Mặt đất dường như rung lên cơn địa chấn bảy tám chấm. Có ba anh bị thương nặng, một anh chết ngay tại chỗ.

- Pằng. Pằng. Pằng. Bùm. Bùm. Bùm... Tạch. Tạch Tạch... Tạch... Ùm!

Nhiều tiếng ồn ào nhốn nháo vang trong những căn hầm trú. May hết sức! Nhờ Trúc đau mắt, anh em ngồi lại dưới mưa sát phòng tuyến của đơn vị bạn mình, chứ không thì... Không thì... tiêu tùng hết cả đám lính Phòng 5 lớ ngớ rồi! Thật hú vía!

Mấy anh lính Phòng 5 ngái ngủ lè phè ưa la lối hồi nãy, bây giờ lom khom cúi đầu phóng chạy nhanh như sóc. Chỉ vài giây, họ đã lăn gọn xuống những căn hầm có ba phần chìm dưới đất, một phần nổi lên khỏi mặt đất, có những lỗ châu mai nhìn ra bốn hướng. Mấy anh em vội nằm ép bụng sát xuống bùn đất sền sệt, không dám nhúc nhích, lòng sung sướng mừng rỡ chẳng chút xót thương, hay ngậm ngùi cay đắng, trước cái đau đớn chớp nhoáng bứt ruột của đồng đội đằng kia.

Súng ở đâu dồn dập ria về lung tung, dộng tới tấp xuống khu đồi không biết mệt. Cũng như các anh, Trúc nhảy phóc xuống đường giao thông hào ngập nước bùn sền sệt đọng lút tới mắt cá. Từng dòng nước mưa chảy lộp độp trên lưng cô. Đôi tay Trúc bịt kín hai lỗ tai, đầu cô nhức như búa bổ. Lồng ngực Trúc nóng hôi hổi, đau nhói. Thân thể cô rung mạnh từng cơn co giật. Dường như cô không thể cưỡng chống lại sự sợ hãi kinh khủng, và sức ép dồn nén vừa ập tới.

Đằng xa nơi vừa bị mìn ấy, có chiếc xe cứu thương quân y phóng tới, mấy quân nhân tốc hành khiêng người bị nạn lên băng ca. Chớp nhoáng chiếc xe vút lao đi cấp cứu trên con đường đất đỏ gồ ghề, dường như chiếc xe nhảy tưng tưng, nghiêng qua nghiêng lại và chỉ chực lật nhào, khi tiếng tạch tạch đùng đùng... Uỳnh... Oằng... Ùm... vẫn vang dội như sấm sét gầm chưa dứt.

Phía nầy Trung-úy Phước lấp ló thập thò mở to đôi mắt chăm chú nhìn vô ống nhòm. Qua bụi cây rậm, Phước nhìn trước ngó sau, quan sát kỹ tứ phía. Khói lửa đang bốc lên đỏ rực sau mấy bờ tre trong làng. Khói un lên trời thành những đụn nấm đen sì. 

Khi cơn mưa chả biết dứt hạt từ bao giờ và tiếng súng vừa ngưng bặt, có lẽ cũng lâu lâu rồi; chờ mươi lăm phút, yên ắng như cũ, Phước cầm ống liên hợp bóp mạnh, anh nghe lệnh cấp trên từ máy PRC-25 reo roóc roóc không cần mã hóa.

Đứng phắt dậy Trung-úy Phước phân công cho cả nhóm xong. Họ lo chạy đi cấp cứu đồng bào trong làng. Chớp mắt, anh chị em cúi cúi đầu lom khom chạy thật nhanh, ai lo việc người nấy:

Hùng lập thủ tục cần thiết để mai táng con gái cụ Tú. Gia đình họ có bốn người. Cô Ty và bà mẹ đi Quảng Ngãi mua bán ngày hôm kia. Có lẽ đang trên đường về.

Người chết rất trẻ nằm co quắp, tay buông xuôi, đầu cô ấy tựa lên đám ngói vụn. Thân hình cô đầy xà bần và máu, hai mắt cô gái mở lớn, dường như còn in nỗi bàng hoàng khiếp sợ lên tột đỉnh. Bên trái căn nhà có một ông cụ già độc nhãn gối đầu trên rổ rau muống, một tay ông ôm bắp đùi. Trúc mờ cả mắt, nên không thấy một tay và một chân của cụ Tú ở đâu? Cụ không còn sức kêu rên. Có lẽ cụ đã kiệt lực kêu gào, khản giọng rền rĩ mất rồi chăng?!

Xế chiều, cô gái đã được những người khách lạ không mời mà đến, cùng nhau xúm lại nâng đỡ thân hình thon gọn của cô lên. Họ khẽ khàng mặc lồng thêm vào cho cô bộ áo quần mới, có tua tủa nhiều sợi dây vải cột hờ vào nhau. Bàn chân cô gái xấu số chưa kịp rửa ráy hay kỳ cọ sạch sẽ, nên khi Vị cúi xuống xỏ đôi giày vải trắng mới tinh, không cắt chỉ vào chân cô gái, Vị cảm nhận có ngửi được mùi bùn thoang thoảng bốc lên. Mấy cục đất quê xam xám đen đen bám vào kẽ chân, ngón chân cô ấy lấm lem cong cong và tê lạnh.

Trên mái tóc bóng mướt dài chấm thắt lưng, được vén thả xuôi về trước ngực, họ chít cho cô gái chiếc khăn tang. Hai bàn tay cô ấy đan chắp vào nhau, đặt trên bụng. Khuôn mặt cô trắng xanh, đôi mắt nhắm hờ, không mở to như khi cô còn nằm co quắp ở ngoài bờ giậu thưa, cạnh đống xà bần nữa. Mũi cô gái cao cao, bờ môi hình trái tim. Nhìn chung cô gái khoảng độ hai mươi tuổi ngoài một chút, trông khá xinh. Bây giờ cô ấy giống như nàng công chúa ngoan hiền đầy hạnh phúc, đang nằm yên ngủ trong khu rừng bình yên.

Giữa các vồng hoa rực rỡ đủ sắc màu tinh tuyền, thơm ngát trên sân trang trại nhà cô ấy, làm nổi lên sự tương phản quá dị hợm đầy oái oăm rất mâu thuẫn. Mấy vũng máu đã thâm tím có lớp ruồi bu lên; có đàn kiến đánh hơi mùi máu tanh, ríu rít rủ nhau thoăn thoắt bò lui bò tới trên nền gạch ố vàng. Và những vòng sô tang trắng mới toanh quấn vội vã trên bao mái đầu người dân vô tội.

Anh em trong Phòng 5 làm việc nhịp nhàng lo vén khéo các thủ tục tấn liệm cô gái; khi tang gia bối rối thiếu người thân, và còn lo bao chuyện cấp bách cần thiết khác. Anh chị em trong nhóm tâm lý chiến lặng nhìn cô gái xấu số, mà ứa nước mắt. Vì người nhà báo chờ thân nhân sẽ về tới, nên các anh lính lui ra sân, họ chưa đậy kín nắp áo quan.

Người cậu tang gia tướng đi sóng rắn, ông chạy lui chạy tới lui cui lăn xăn lo việc nầy việc nọ, chưa nên đầu nên đũa. Vầng trán ông thấp với khuôn mặt khắc khổ, mũi gãy trán vồ, hai đường ranh dài hai bên khóe miệng, trợt ra ngoài má, không ôm vào mồm. Nên ông không thu hút được người khác phải nghe mình. Ông biểu lộ khả năng trí tuệ chả hứa hẹn thông minh, nhanh nhẹn tháo vát gì. Đồng thời ông là người ngang bướng, lù đù mà chân thực. Tuy vẻ băn khoăn lo lắng, chân thật của ông, không bền bỉ, kiên nhẫn và mưu sĩ.

Dưới gầm quan tài đơn sơ còn thơm mùi nhựa cây tươi, có mấy con chó nằm vật ra trên nền gạch nhô cao bộ xương sườn. Người thân nhà họ dùng cây đòn gánh quơ đuổi chúng đi, được một lúc; chưa kịp tàn cây nhang đặt trước đầu cô gái, bầy chó lại lủi vào nằm vô chỗ cũ. Họ xeo nạy thế nào, chúng cũng ù lì ra, có con còn trợn mắt nhe răng gầm gừ, quyết không chịu đứng lên. Họ đành chạy đi lo chuyện cấp bách khác, bỏ mặc bầy chó nằm lì. Con chó con má rên ư ử trong cổ họng, thỉnh thoảng nó cụp đuôi chạy lăng quăng ra sục sạo mọi ngõ ngách. Chúng lại chui xuống đáy quan tài hếch mũi đánh hơi tìm cô chủ đã thăng thiên. Vài con chó ngửa cổ lên tru hú từng hồi, nghe rất thảm thiết.

“Chó với Má" tuy thế mà rất có tình có nghĩa không điều kiện, trung thành không phản trắc. Dù chủ có nóng giận đánh đuổi nó đi. Chỉ trừ bị giết chết, chứ khi còn sống, chó vẫn bò lết tìm về nhà chủ. Chúng biết vẫy đuôi hun hít thương nhau và rất mực “chó hùa” bênh đỡ chó nhà, khi đồng loại bị đàn lạ khác tấn công. Có lần nhà hàng xóm làm thịt con má, vì nó bị xe cán sắp chết. Bà chủ nhà cho chó ăn thịt bạn. Bầy chó tới ngửi ngửi tô thịt, rồi cụp đuôi bỏ đi nằm vật xuống đất, quay nhìn chỗ khác. Dù chúng rất đói, sùi bọt mép ra, nước miếng chảy ròng ròng. Con chó hơn con má ở chỗ đó. Càng hơn nữa chúng hơn loài khác về sự khôn ngoan trung thành, và đầy nghĩa tình. “Con không chê cha mẹ khó. Chó không chê chủ nghèo” là thật.

Không tìm được cô chủ nhỏ, chúng ùa đến bên bà chủ vừa tất tả chạy xộc vô nhà. Bầy chó mừng rỡ vẫy đuôi chồm lên đầu bà. Mừng chủ, chúng trìu mến rít rít lên từng chặp, vui mừng ngoắt đuôi liếm liếm vào mặt chủ. Chúng nhìn nhau, rồi hoác to miệng hứng ngọn gió lào thổi từng luồng vào họng. Chúng le lưỡi qua một bên, thở hồng hộc. Bà chủ nằm phịch xuống nền gạch như trái mít rụng. Hai tay bà quơ quào cỗ áo quan, bà gào la kêu khóc cạnh bầy chó rên hừ hừ. Búi tóc sau gáy bà xổ ra, trải dài xuống nền nhà.

Đồ đạc vứt bừa bãi ngổn ngang ở một góc phòng, giấy tờ, sách báo, quần áo rách bẩn, gối mền đầy bông gòn, vung vãi trên nền nhà, cạnh ô cửa bể nát, lẫn lộn với ly tách xoong nồi. Chẳng ai buồn nhích lên bậc thềm, thu dọn nhà cửa khang trang, tươm tất. Khỏi cần hổ thẹn với khách lạ từ xa. Giờ phút nầy hơi sức đâu lo chuyện lịch lãm nữa không biết.

Trên nền nhà có tấm ảnh người đàn bà mặc áo dài tô màu vàng nghệ, cổ đeo chuỗi ngọc thạch. Tai bà đeo đôi bông vàng, ngón tay đeo vàng nhận ngọc, cườm tay bà đeo cặp xuyến dày. Đó là bà chủ nhà đang ngồi ủ rũ dưới một mái ngói bị sập. Bà sững sờ ngơ ngáo như kẽ mất hồn, bà dựa lưng vào cột lim cháy đen, bên chiếc quan tài.

So với người trong ảnh, Trúc thực sự ngạc nhiên, vì hai người hoàn toàn xa lạ, khác hẳn; coi như không dính dấp quen biết gì nhau. Một người đàn bà trung niên cao sang duyên dáng vui vẻ tươi cười, an nhàn, thanh lịch ngồi trong khung ảnh. Và; một người đầu bù tóc rối, áo quần xốc xếch, mắt nhìn tư lự, bối rối lo toan từ lõm mắt hoắm sâu, ngời rực lên tia sét căm thù cảnh chiến tranh, làm sụp đổ cuộc sống gia đình bà đang an cư, lạc nghiệp. Chiến tranh gây chết thảm người thân, khói lửa nghi ngút đốt cháy rụi khu xóm, phá tan hoang nhà cửa, vườn cây trái tốt tươi của họ.

Trên tường, trong khung kính rạn nứt loang lổ, là di ảnh người đàn ông mặc áo sơ mi trắng, mắt xếch, mày rậm, mũi lân, miệng rộng, tóc hoa râm. Ông ta ngồi trước dĩa quả héo, trái cam da nhăn nheo. Bát nhang tàn lạnh bên cây đèn hết dầu, tim bấc đen thui cong lại, cụp qua một bên. Có lẽ ông ấy là chồng của bà chủ nhà luống tuổi chăng?
Nhiều tiếng người nói ồn ào từ ngoài cổng vọng vào hiên nhà. Trúc nghe bà chủ gào khóc và bầy chó tru hú mà sợ rợn tóc gáy. Trúc vẫn lặng nhìn bà chủ nhà và bầy chó, cô mủi lòng quay mặt vô vách quệt nước mắt vào ống tay áo. Dù đôi mắt bị đỏ hoe Trúc vẫn thút thít khóc.

Loạt súng lớn hung hăng vút qua đầu, như tiếng loài chim khổng lồ vỗ cánh. Bất giác mọi người xôn xao cùng co rúm lại, quýnh quáng ngẩng nhìn lên, lo sợ dáo dác nhìn quanh. Họ cảm thấy sợ hãi nguy cơ chiến tranh, chết chóc đe dọa từng người, sẽ lọt qua mỗi nhà. Giật bắn người, bàn chân co quắp lại, Trúc thụt lùi dựa thân vào hàng hiên bên giại nứa. Trúc trợn đôi mắt đỏ nhìn chằm chằm con diều giấy bóng màu hồng, đuôi diều nối hai màu xanh đỏ. Bầy ruồi bu lên đuôi diều nhuộm máu, đã khô cứng. Bên cạnh là con diều cụt đuôi vá giấy bóng màu hồng, với cái rỗ con con đựng đầy ổi xá lị.

- Ôi! Trời ơi! Xin thương ban cho bầy em nhỏ bình an vô sự!

Tim Trúc nhói buốt, đau đớn, quặn xiết tột cùng. Mặt tái xanh, mắt cô mở lớn, trừng trừng nhìn hai con diều. Trúc run rẩy không thốt nên lời. Trúc rên rỉ, kêu thầm ư ử trong cổ họng:

- "Lạy Chúa tôi! Chao ơi! Các em bị kẹt cứng giữa hai lằn đạn diệt vong rồi. Sao ai nỡ ai vô tình, hung ác giết chết em tôi!?”

Trúc vụt nhớ mới hôm kia, khi cô bị lạc lối, cô loay hoay tìm đường quay trở về doanh trại. Trúc đã hỏi thăm bầy trẻ nô đùa ngoài sân đình. Do sự giục giã của mấy đứa đứng sau lưng thúc cùi chỏ, và đẫy một em trai lên gần phía cô. Em nhỏ trong bọn trẻ, hơi rướn người nhón chân, hai tay em xoắn xuýt vào nhau. Em vặn cả người qua một bên, cười ỏn ẻn:

- Mà có phải là cô có cho tụi em, con diều giấy không đã?
- Phải đó cưng.
- Ngó cô, không giống cô nớ chút mô nà!
- À, đó là cô Hoài. Cô ấy đẹp lắm. Phải không?
- Dạ... Cô thì cũng đẹp... dễ thương. Hì.

Các em ôi! Bây giờ con diều còn nằm trơ trọi trên thảm cỏ úa vàng, cạnh bờ tường vi đó. Mà các em đang ở nơi đâu!?

Chiến tranh khai mào mở mắt cho Hoài, Trúc, thấy nhiều thứ kinh hoàng tột đỉnh. Hiện có muôn điều mù lòa buồn thảm quá thật. Khổ đau. Chán chường và ngu xuẩn nhất đời. Dù cho vũ khí tối tân, hay đoàn công tác đặc nhiệm lẫy lừng, mật vụ siêu tổ chức, có nhiều nét đặc thù sáng tạo tinh vi, họ dùng hết khả năng, để hoàn thành mùa xuân đại thắng. Thì hai phe Quốc-Cộng, chia ra chạy về hai phía, truy lùng nhau, chỉ khiến bầy trẻ nhỏ xính vính la hét cắm đầu chạy trốn chiến tranh, chạy thục mạng. Và mấy cô gái xớn rớn, thảng thốt khiếp sợ bàng hoàng; không dám quay đầu nhìn.

Trúc bỗng hiểu vì sao có một lần cô nhìn thấy các em bé (trong bọn trẻ thả diều) òa khóc nức nở. Các em thơ ngây giấu mặt vào hai cánh tay gầy, khoanh tròn trên đầu gối bó cao. Các em bé nhỏ miền quê xa ơi! chắn hẳn là chưa bao giờ em đi thủ đô Sài Gòn tráng lệ một thuở vàng son. Các em chưa đến thành phố Đà Lạt thi vị đầy thơ mộng. Các em không biết nếm thỏi chocolate, viên kẹo Cherry Cough Supressant. Các em có ăn chiếc bánh Assorted Biscuits, hoặc miếng pho mát đầu bò The Laughing Cow chưa? Phải không em, chưa bao giờ em tu lon Pepsi Cola mà. Nên các em chưa hề biết “Trai, Cò” tranh nhau, thì ngư ông đắc lợi.

Mấy đứa trẻ chăn trâu mù chữ tội nghiệp, lại khoái chiến tranh đáo để! Chúng chẳng học hành gì cho mệt xác. Khỏi nhọc công ngày ngày ôm tập sách, lội xuyên cánh đồng năm bảy cây số, đến trường quê nghèo hèn tẻ nhạt. Ngồi trong lớp, các em phập phồng lo âu súng đạn bay ngoài song cửa. Học mí hành! Chẳng thêm chữ nào cho nó bổ, nó béo. Bụng các em đói cồn đói cào, quặn xiết từng cơn đau. Chi bằng các em ở nhà ngồi một cục khỏe thân. Có đói khát lả người, cứ nằm vật ra, chẳng nhọc công đi. Hỉ!

Chiến tranh quầng xiết trù dập hả hê kinh khủng. Nó đè nặng trên đầu, trên cổ làm cho mình mất mặt, đau đớn tái tê và khóc ròng. Nhất là làm bàng hoàng lịch sử Việt Nam lên cao tột đỉnh! Khiến thế giới rụng rời ngơ ngáoà nhìn quanh.

Chiến tranh là thế! Là không biết gì hơn, ngoài việc chính láng giềng thân cận xích lại gần nhau, ngấn lệ viền quanh bờ mắt hoắm sâu, họ cùng lo âu thấp thỏm chờ đợi tai biến khác phủ chụp xuống đầu. Thì mắc mớ việc gì tới ai, mà phải đì... “đêm đàm đạo thu với dọn” cơ chứ!!!

(còn tiếp)

Ái Ưu Du