SỐ 42 - THÁNG 4 NĂM 2009

 

Mười hai bến nước

Tiếng chuông reo báo hiệu giờ học vẽ chấm dứt, cả lớp bắt đầu loay hoay dọn dẹp giấy bút, cọ sơn, màu nước đang bừa bãi trên bàn bỗng nghe tiếng một bạn học kêu to:

- A! đám cưới, đám cưới.

Giáo sư hội họa đứng trên bục giảng nhìn bầy nữ sinh chen chúc giành nhau nhìn ra hai khung cửa sổ bên tay phải lớp học và trầm trồ :

- Đám cưới to quá !
- Cô dâu xinh ghê !
- Chú rể cũng đẹp trai nữa !

Bên ngoài khung cửa đối diện với dãy lớp chạy dài bên kia đường là ngôi chùa Xá Lợi nổi tiếng đang tưng bừng diễn ra cảnh cô dâu chú rể đứng trước cổng tam quan chùa chụp hình kỷ niệm. Nhìn những đôi mắt trong veo và nét háo hức hiện trên khuôn mặt trẻ trung của học trò mình vị giáo sư khả ái chỉ biết lắc đầu mỉm cười, cô nói với vài đứa chúng tôi đang mang nộp tác phẩm vừa vẽ xong :

- Đố các em đó là con thuyền cập bến hay là tách bến ?

Cả đám nhao nhao :

- Dạ đang cập bến đó cô,
- Vì sao các em cho là cập bến ?

Một đứa triết lý :

- Thưa cô, là con gái mười hai bến nước, khi lấy chồng tức là con thuyền đã tìm cho mình một bến đậu, có thể là bến trong hay bến đục thì còn chưa biết thôi.

Cô nhìn chúng tôi nhẹ nhàng nói :

- Không phải, hình ảnh đó là một con thuyền vừa tách bến ra khơi !

Tôi thắc mắc :

- Nhưng thưa cô đối với người con gái, ngày hạnh phúc nhất là ngày được cùng người mình yêu bước chân lên xe hoa, là ngày cưới mà cô !

Cô không giải thích thêm chỉ nhìn những mái đầu xanh với đôi mắt bao dung và bước ra cửa, tôi cảm nhận trong nét nhìn ấy hàm chứa một tiếng thở dài.

oOo

Trong đám bạn học tôi là người có thể nói là “ cù lần “ nhất bởi vì mấy đứa chơi thân đứa nào cũng cặp bồ chỉ có tôi là chưa. Không phải tôi xấu như Thị nở mà như thị thì cũng có được Chí phèo, chỉ là tại ba má tôi khó quá, ông bà quan niệm còn đi học là không được “ trai gái “ nên chị em tôi rặc ròng toàn đánh bạn với “ thị mẹt “. Xóm nhà tôi ở chỉ có hai chị em tôi là “ oách “ nhất đám con gái vì đã thi đậu vào một trường nữ trung học công lập nổi tiếng của miền Nam, vào những năm chúng tôi bắt đầu “ trổ mã “ ong bướm cũng từ dạo ấy dập dìu qua lại trước cổng nhà. Mấy tên con trai trong xóm có vài tên đạp xe lẽo đẽo theo chị em tôi mỗi khi đi học nhưng họ chỉ dám “ đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư “ mà thôi bởi vì chúng tôi quá “ nhát “. Đã vậy hễ thấy tên con trai nào lảng vảng qua lại trước cổng nhà hai lần là má tôi ra đứng trước cửa chống nạnh canh chừng hai “ hũ mắm “ với con mắt của viên “ cảnh sát chìm “ ngay. Tận cùng trong xóm có gia đình lạ vừa mới dọn về, bà mẹ nhà này sinh được mười ba đứa con nhưng chỉ có một đứa là gái. Đám con trai chưa nghe danh má tôi nên mới dọn về nửa tháng lại rủ rê thêm mấy tên bạn đến ở trọ học, cả bọn kéo nhau rồ máy xe thật to chạy ào ào qua lại ngang qua nhà chắc để tạo sự chú ý của chúng tôi mà chẳng e ngại chút nào. Mỗi ngày cứ như vậy khiến má tôi giận quá liên kết với mấy bà hàng xóm khác kéo đến “ mắng vốn “ bà mẹ họ về tội để con chạy xe vào ngõ “ gào rú “ ầm ỹ và suýt gây tai nạn cho mấy đứa con nít, nhưng kể từ đó mấy tên “ choai choai “ bắt đầu vào con hẻm lại có cớ xuống xe dắt bộ giống như đi vào khu phi quân sự để len lén liếc vào nhà tôi, má tôi than “ đúng là tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa ! “ Chị tôi sau khi thi đậu Tú tài một đi ăn mừng với bạn, về nhà than thở :

- Bạn chị giới thiệu mấy anh bên Văn khoa, Sư phạm nhưng chị không dám quen,

Tôi giả vờ ngạc nhiên hỏi :

- Ủa sao kỳ vậy ? Bộ chị sợ má la hả !

Chị thở dài gật đầu :

- Điệu này chắc hai đứa mình ế chồng quá !

Nhưng “ nói vậy mà không phải vậy “ bởi một hôm thấy má đang vui vì việc chị tôi thi đậu tôi đánh bạo thỏ thẻ :

- Má biết không mấy chị bạn học trong lớp muốn rủ mấy anh bạn học Đại học ghé nhà mình chơi để chỉ dẫn bài vở cho nhau nhưng chị Hai không dám vì sợ má la.

Chuyện gì có liên quan đến việc học hành là má tôi đồng ý ngay nên nói :

- Có bạn thì cứ rủ đến nhà học hành hay ngồi nói chuyện đàng hoàng, đừng lén lút hẹn hò dắt nhau ra lùm bụi thì mới bị đòn, bị cấm. Tụi con lớn rồi không lẽ má nhốt trong lu để làm mắm à.

“ Được lời như cởi tấc lòng “ khiến chúng tôi mừng húm, từ đó cả đám bạn chị tôi ào ào kéo tới. Tôi là kẻ được hưởng “ xái “ nhiều nhất bởi mấy ông con trai muốn “ cua “ chị thì phải o bế em, họ bê cả chồng sách học tới cho mượn, làm thầy dạy không cần trả công, chỉ cần ngồi uống ly nước lã là đủ.

 Những ngày của thời áo trắng chẳng mấy chốc qua mau, tôi vẫn nghĩ mình là đứa con gái ít giao tiếp với người khác phái chắc sẽ muộn màng chuyện chồng con nhất trong đám bạn học, nhưng cả chính tôi cũng không ngờ mình lại là đứa lên xe hoa về nhà chồng trước tiên.Đang nằm gác chân nhau tán gẫu trên bộ ván gõ nghe tôi tuyên bố sắp lập gia đình, cả đám ngạc nhiên “ té ngửa “, chống tay lồm cồm ngồi dậy mấy nhỏ bạn mở to mắt như không tin là sự thật rồi nhao nhao hỏi :

-  Mi đang đùa với bọn tao hả ?
- Bồ mi làm gì sao chẳng khi nào nghe mi nhắc đến, con này kín tiếng thật !
- Ê nhỏ mi quen hắn bao lâu rồi ?

Một đứa ác ôn hơn nghi ngờ :

- Bộ tụi mi có chuyện gì rồi nên phải làm đám cưới gấp phải không ?

Tôi đỏ mặt nạt :

- É chuyện gì là chuyện gì ? đừng có nghĩ tầm bậy nha, ta quen ảnh lâu rồi, hai năm rưỡi lận, tại đơn vị ảnh ở miền Trung nửa năm mới về phép mấy ngày nên hai đứa ta chỉ liên lạc bằng thư từ thôi. Bây giờ mới đổi về gần gần, tự nhiên ảnh đề nghị làm đám cưới chính ta còn ngạc nhiên huống chi tụi bay.
- A, con nhỏ này giữ bí mật tài ghê, quen chàng mà chẳng hé răng với tụi này một tiếng. Mà nè mi làm sao mà chộp được một anh chàng quan hai tàu thủy le lói vậy ?

Tôi cười cười phát cho mỗi đứa một tấm thiệp mời mà không trả lời câu hỏi.

 Cũng giống bao người con gái khác, hồi hộp vui mừng chờ đợi ngày trọng đại nhất của đời mình, ai thì tôi không biết nhưng với tôi ba má căn dặn đủ điều nào là “ xuất giá tòng phu, ăn, nói, đi, đứng phải gìn giữ gia phong đừng khiến cha mẹ ruột phải xấu hổ với bên nhà chồng vv và vv à.. “ khiến đầu óc lúc nào cũng nơm nớp lo âu. Đã vậy hôm gần ngày cưới ông bạn hàng xóm đi ăn cưới thằng cháu trai ở quê về ngồi trước nhà nói với ba má tôi :

- Con gái thời nay ngày đám cưới cứ cười tí ta, tí toét chả có lấy giọt nước mắt, đám cưới hai đứa cứ đứng ôm nhau như sam chẳng biết thẹn thò là gì !.

Khiến tôi càng thấy “ hãi hùng “ không biết ngày hôm ấy mình phải hành sử thế nào mới đúng lễ nghĩa của “ con nhà gia giáo “.

Hôm đám cưới nhớ lời căn dặn nên tôi không dám hé răng cười, cũng không dám nắm tay chú rể, lúc ba má tôi đưa dâu xong ra về tôi khóc nức nở một hơi, có lẽ vì áp lực những ngày qua không ít nên lòng tôi thực sự cảm thấy trơ trọi xa lạ trước khung cảnh mới, đã vậy buổi tối đãi tiệc ba tôi căn dặn “ con không được uống rượu “ người ta sẽ đánh giá là hư hỏng, say sưa “ Chồng tôi cầm ly rượu chén thù chén tạc với bạn bè trong khi tôi ngồi góc bàn một mình buồn thiu, một người bạn của chồng tôi đi ngang hỏi nhỏ :

- Sao cô dâu ngồi buồn vậy ?

Tôi gượng cười :

- Dạ thưa tôi hơi mệt.

Tôi nghe nhiều người có đầu óc mê tín cho rằng ngày cưới tuyệt đối không được làm bê? ly, chén vì như thế vợ chồng sau này sẽ tan vỡ, chia ly. Ngày cưới mà buồn thì đời mình sẽ không vui, mặc dù hai chúng tôi thương yêu mong muốn bên nhau nay đã toại nguyện, nhưng không hiểu sao trong ngày cưới tôi lại mang tâm trạng buồn buồn không sao lý giải.

Tôi về làm dâu mới hơn hai mươi tuổi lẻ, thời của tôi lấy chồng tuổi này chẳng phải còn trẻ trung. Phải gần một tháng làm dâu tôi mới chiêm nghiệm câu nói của cô giáo hồi còn đi học : “ lấy chồng là đang bước chân xuống thuyền tách bến ra khơi “

Bây giờ tôi mới thấy đời sống thời còn con gái quả thật tuyệt vời mặc dù chị em tôi luôn luôn bị cha mẹ rầy rà, khe khắt từng chút một. Sống với cha mẹ cứ ước ao mai mốt có chồng sẽ không bị quản thúc giờ giấc đi về, có chồng rồi cha mẹ không còn sợ con gái hư hỏng làm “ điếm nhục gia phong “ nên sẽ được tự do với chồng tung tăng khắp nơi mình muốn chẳng lo bị ai cấm đoán. Tôi không biết người khác thì sao, có lẽ mỗi người mỗi cảnh, nhưng với tôi sự thật lại hoàn toàn trái ngược với những gì tôi tưởng tượng. Thảo nào con gái ngày xưa đã than thở :

Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở … nào ra !!!

Lấy chồng lính thời chiến phải chấp nhận thực tại, không có chuyện “ bên anh đọc sách bên nàng quay tơ “ hay là “ Trên đồng cạn dưới đồng sâu, chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa “ như “ thuở thanh bình ba trăm cũ “ nửa. Một năm đầu hương lửa tôi có may mắn anh được đổi về gần thành phố, nên mỗi tuần lễ được về ngũ ở nhà một đêm. Một đêm hạnh phúc có chồng cạnh bên sao qua nhanh quá ! Trời mờ đất tôi bật choàng dậy luống cuống xuống giường, chồng tôi ghì lại “ nằm thêm chút nữa em à..” Lòng tôi muốn lắm, một tuần lễ phòng không lạnh lẽo, tôi muốn nằm trong vòng ôm của anh ấp ủ chút hơi ấm tình yêu nhưng vẫn phải rút tay bỏ ra ngoài bởi trong đầu vẫn còn nhớ như in câu nói của bà Phán Thân mắng cô giáo Loan trong tác phẩm Đoạn tuyệt của Nhất Linh “à sáng bảnh mắt ra vẫn còn quấn lấy chồng à” chồng tôi gắt nhẹ:

- Em dậy sớm để làm gì ?
- Em phải dậy quét sân, nấu nước, rửa ấm chén pha trà cho ở nhà.

Hai chữ “ làm dâu “ vô hình luôn luôn hiển hiện trong đầu óc cộng thêm lời dặn dò của ba má tôi trước ngày lấy chồng “ Con đừng để gia đình chồng đánh giá ba má không biết dạy con..! ” vì vậy không đợi ai sai, ai bảo tự tôi phải biết dậy thật sớm trước giờ má chồng tôi thức giấc để quét cho sạch cái sân rộng mà lá cây rơi đầy đêm qua, sau đó nhóm lửa bắt ấm nước, rửa ly tách ấm thay trà cũ pha trà mới, châm đầy nước sôi vào bình thủy rồi mới thay quần áo đi làm. Hôm nào mệt quá ngủ quên, nghe tiếng chổi sột soạt ngoài sân, hoặc nghe tiếng ấm chén khua vang trong bếp của má chồng đã dậy trước là tôi cảm thấy mình có lỗi, hôm sau tôi phải cố gắng dậy sớm hơn nữa, mà thật khốn khổ cho tôi vì người lớn tuổi thường hay ngủ ít, tôi cố gắng để dậy sớm hơn nên người tôi lúc nào cũng thèm ngủ !

Trước khi đám cưới tôi giao hẹn với anh sau khi lấy nhau tôi vẫn tiếp tục đi làm bình thường với lý do phụ thêm vào đồng lương lính của anh, mục đích tránh việc đi chợ nấu nướng vì sợ nhất không hợp khâ?u vị nhà chồng. Về sau tôi mới thấy thời gian đi làm là thời gian quý báu tự do cho riêng mình. Lấy chồng rồi tôi cứ tưởng mình được tự do sống một đời riêng tư với chồng bất cứ giờ phút nào, té ra là không phải. Sáng sớm là phải hối hả chạy tới sở làm mua vội khúc bánh mì đầu ngõ trước khi leo lên xe Lam, buổi chiều tan sở phải chen chúc hộc tốc trở về hôm nào kẹt đường về trễ, không khí trong nhà lặng ngắt vì gương mặt mẹ chồng có nét không vui. Cởi áo xong là lăn vào bếp hâm thức ăn, bày bàn xong mời cha mẹ chồng xuống dùng cơm, lúc ấy mới thấy hai cô em chồng ló mặt về. Cơm nước, rửa dọn, lau quét nhà cửa xong cuối cùng tôi mới lo cho thân thể mình. Vào phòng riêng ngã mình xuống giường là mệt nhoài, vậy mà tôi vẫn không ngũ sớm được. Cũng may là tôi không phải làm dâu ở nhà quê, không phải xay lúa, nấu cám heo hay chăn vịt. Có những buổi tối cố gắng lấy lòng má chồng, tôi ngồi xếp chân bên cạnh chiếc võng bà đang ngồi, mặc tình cho bầy muỗi thao túng chỉ để nghe bà kể chuyện ngày xưa làm dâu cho tôi nghe, lần nào bà cũng nhắc đi nhắc lại chuyện bà tốt bụng không bao giờ tị nạnh việc nhà với cô em chồng độc nhất. Bà nói :

- Má làm dâu cho bà nội má không hề để cho cô năm mó tay làm thứ gì hết, má nói cô chỉ có việc ăn rồi đi chơi, công việc để tui làm hết cho.

Tôi không biết khi kể chuyện này má chồng tôi có ngụ ý gì nhưng cho dù bà không nói tôi vẫn cứ im lặng mỗi ngày làm tất cả bổn phận của mình và đợi chồng về, không hề quan tâm đến công việc của hai cô em chồng. Vui nhất là đêm cuối tuần nào may mắn anh được về nhà, tôi gắng làm hết việc nhà thật nhanh để cùng anh đi xem phim, chở nhau chạy vòng quanh thành phố hoặc đi ăn.Ngồi phía sau vòng tay ôm ghì tôi áp má vào lưng anh lòng cảm thấy nhẹ nhàng hạnh phúc và sung sướng hơn lúc nào hết. Nhưng sáng hôm sau tôi bị má chồng nhắc khéo :

- Ba than phiền là hai đứa đi chơi chỉ xin phép má mà không vào xin phép ba !

Tôi chỉ biết nói lời xin lỗi ba chồng. Vào phòng mình tôi phân bua nho nhỏ với anh :

- Em không biết, cứ tưởng xin phép má là đủ. Vả lại ba yếu sức khỏe sau khi ăn là vào phòng nằm, em đâu biết ba thức hay ngũ, chẳng lẻ lại chạy xộc vào phòng xin phép !!

Lần đi chơi kế tiếp tôi cẩn thận cùng chồng vào xin phép cha chồng xong rồi ra hàng hiên xin phép má chồng đang nằm đu đưa trên chiếc võng. Bà ngồi dậy xỉa cục thuốc vào bên mép sau khi nhổ xong miếng cốt trầu rồi nói :

- Hai đứa thay đồ trước rồi mới ra xin phép ba má, thí dụ bây giờ tôi không cho đi thì tính sao, có dám đi không ?

Tôi đứng lóng ngóng, hết sức ngỡ ngàng chỉ biết xoắn hai tay với nhau và lí nhí câu xin lỗi ! Từ dạo ấy lúc nào trong lòng tôi cũng luôn lo lắng vu vơ mọi thứ vì sợ bị bắt lỗi trong mọi hành động, sợ cha mẹ mình bị chê cười là không biết dạy con nên cố gắng hết sức để làm vừa ý mọi người Thói quen mỗi sáng đi làm tôi phải trang điểm nhẹ một chút son, một nét chì, một chút muội xanh trên mi là đủ vậy mà cô em chồng cũng nhắc nhở rằng bình thường ba chồng tôi không thích điều này. Tôi ngẩn người ngạc nhiên quá bơ?i hai cô em chồng lúc nào ra đường cũng phấn son lòe loẹt, nhảy nhót tưng bừng, tự do đi đứng chẳng hề bị la rầy chuyện giờ giấc, phép tắc, trái ngược hẳn với tôi !  Không lẽ lấy chồng, làm dâu là phải đánh mất chính bản thân mình để làm vừa lòng người khác giống như những người phụ nữ hơn nửa thế kỷ trước ? Tôi bỗng nhớ lại thời còn nhỏ tôi có bà dì sau khi kết hôn bị nhà chồng đối xử khắc nghiệt quá sống không được nên trốn về nhà cha mẹ ruột, bà bị ông ngọai tôi đích thân dắt trở về bên chồng trầu rượu xin lỗi bởi sách đã có câu “ nữ sanh ngoại tộc, xuất giá tòng phu “, mặc dù mỗi năm chỉ gặp mặt chồng vài hôm vì chồng của dì đi làm xa. Người ta cưới vợ cho con cốt chỉ để có người giúp việc nhà không phải trả công, lấy chồng là phải “ gánh vác giang san nhà chồng “ dù có đắng cay cũng phải chịu.

Tôi sống như thế được gần nửa năm và cái thai đầu lòng hơn ba tháng thì có chuyện xảy ra. Không cần nói cũng biết chồng tôi vui mừng như thế nào khi chúng tôi sắp có con, một hôm đi làm về sớm vì bị thai hành tôi lê bước ngồi dưới thềm cửa sổ phòng ngủ cha chồng ngồi nghỉ mệt, tai tôi bỗng nghe rõ ràng giọng người chị chồng lớn nhất nhà khóc lóc nói :

- Thằng Bé ( tên của chồng tôi ) nó nghe lời vợ nó xúi biểu đòi tiền con, được rồi để con mang chiếc cà rá hột xoàn đi bán trả tiền cho nó.

Nhẹ nhàng tôi lui về phòng mình, hoảng hốt ngơ ngẩn cả cõi lòng tự hỏi : “ chuyện gì đã xảy ra sao lại đổ cho mình!“

Gia đình chồng có nhiều con, tất cả đều đã lớn có gia đình và ở riêng là người trí thức nên tôi hy vọng họ tiến bộ, hiểu biết hơn những người khác, tôi mừng thầm cho rằng mình gặp may vì thói đời người làm dâu sợ nhất là chị và em chồng, giờ đây tôi như người bị tạt gáo nước lạnh vào mặt khiến cõi lòng tôi bỗng lạnh tanh. Mấy hôm sau chồng tôi về, tôi mang chuyện ra hỏi anh mới biết trước khi cưới tôi anh có cho chị mượn số tiền không nhỏ, nay tôi có thai anh đánh tiếng trước sẽ lấy lại số tiền ấy dùng cho việc tôi sinh nở ! Tôi nói với anh :

- Em buồn quá, chỉ có anh mới biết là em bị oan, em không hề xúi biểu hay đề cập đến chuyện tiền bạc chi dùng của anh với ở nhà, hơn nữa anh là đứa con có hiếu, thương mến anh chị em làm sao có chuyện nghe lời vợ để cư xử trái đạo được.

Anh ôm tôi an ủi đòi ra đính chính cho tôi, nhưng tôi lắc đầu :

- Không nên anh ơi, bởi chẳng ai tin đâu, chắc chắn sẽ cho rằng vì anh bênh vực em nên mới nói thế, chỉ có anh mới biết em không phải là hạng người như vậy thôi.

Anh nghiến răng nói :

- Từ rày về sau anh thề sẽ không dính dáng tiền bạc với ai hết vì cho mượn thì dễ nhưng đòi lại thì khó quá, sinh ra mất lòng nhau !

Lại thêm một lần nữa tôi cuộn chặt mình thêm trong cái vỏ ốc bởi chị chồng đã nói thế với cha chồng thì làm gì không xúc xiểm với mọi người. Một phần tôi bị thai hành không ăn uống được nên hết sức mệt mỏi, buổi chiều đi làm về mệt quá ước ao được nằm nghỉ ngơi nhưng vừa thay quần áo nằm ngả lưng thì phải bật dậy ngay vì nghe tiếng người chị chồng thứ tư ghé thăm nhà nói mát mẻ bên ngoài thật to :

- Hùng à, mai mốt cưới vợ về em nhớ phải cho vợ làm công chuyện nhà cho má, đừng giống anh mình nghe.

Cái thai mỗi ngày một lớn nhưng tôi vẫn phải làm những công việc đáng lý phải tránh vì nguy hiểm, ngày nào cũng phải khệ nệ xách xô nước lau khắp nhà, từ nhà trên xuống nhà dưới. Cô em chồng ở chung vì chồng cô ở rể, lúc ấy cũng có thai giống tôi nhưng ở nhà cha me ruột không phải làm dâu cho nhà chồng nên mặc tình ăn ngủ tùy ý, thấy tôi ngồi giặt quần áo, bàn tay yếu ớt xoắn bộ quân phục dầy nặng nhiều lần chồng tôi tỏ ý muốn giúp tôi vội vã lắc đầu nói nhỏ :

- Anh muốn giúp em tức là hại em đó, anh muốn em bị rầy thêm hả.

Anh xót xa nói :

- Thấy em cực quá, hay là để anh mang đi tiệm giặt ?

Tôi cảm động rưng rưng :

- Em không thấy mệt đâu, em muốn tự tay mình chăm sóc cho anh thôi. Với lại nếu ai biết người ta sẽ dè bỉu “ vợ đâu mà phải mang quần áo đi tiệm giặt ? “

Nhiều chuyện nhỏ nhặt xảy ra nhưng tôi cố chịu đựng, hễ má chồng vừa mới có chút vui vẻ khen ngợi sự tận tụy của tôi thì cô em chồng ganh tị, lời ra tiếng vào với má chồng là tôi bị rầy rà bắt lỗi ngay.

Mấy ngày đầu mới về nhà chồng trong lúc phụ giúp người chị bạn dâu nấu cơm, chị thủ thỉ nói nhỏ với tôi :

- Chị lấy chồng đã hơn bốn năm rồi nên đủ để hiểu rành tính ý mỗi người trong nhà.

Lần khác khi nhìn không thấy ai chung quanh chị vừa cười khanh khách vừa nói :

- Nhà này mỗi lần xin phép đi chơi với chồng thì nhọc nhằn lắm, chạy ra chạy vào đến khi được đi thì mừng như trúng số, nhưng mỗi khi đi chơi xong anh chở chị về tới đầu ngõ là tự nhiên lòng nặng nề, chị cười nói với ảnh “ bây giờ bồ lại chở tui về lại nhà tù ! “.

Khóc được và cười được cũng là thang thần dược, như thế cũng tốt cho tinh thần của chị vì đang trong cảnh ngộ bị người anh chồng phụ bạc, ca dao đã có câu “ Ví dầu tình bậu muốn thôi, bậu gieo tiếng dữ để thôi vợ nhà ! ” Tôi mới về làm dâu nết ăn ở chưa quen nên xanh lè mắt không dám hó hé khi thấy chị bị má chồng giận dữ mắng mỏ về tội dám nói xấu nhà chồng bởi bao nhiêu lời than thở với chồng đều bị ông anh chồng bịa thêm cốt ý quy lỗi về chị để anh ta có cớ bỏ chị.

Khi hai người đổ vỡ hôn nhân má chồng nói với tôi chuyện chị như một tấm gương, bà chì chiết :

- Làm dâu phải biết chiều lụy nhà chồng, nếu sau này chồng có phụ bạc thì nhà chồng người ta bênh vực cho.

Nhìn chị khóc nức nở lủi thủi ra đi tôi bỗng chạnh thương cho đời người con gái ! Không lẽ sau khi lấy chồng bao nhiêu niềm vui nỗi buồn của mình phải tùy thuộc người khác hay sao ? nghe ra thì quá đắng cay nhưng sự thực là vậy !

Rút kinh nghiệm chuyện của chị nên sau này tôi chẳng hé răng nửa lời phàn nàn hay đính chính đúng sai, có lẽ chị lâm vào cảnh này bởi chị hay cãi lại khi bị đổ oan cho mình và dại dột nói ra suy nghĩ :

- Lấy chồng chỉ cần chồng yêu mình là đủ

Vì vậy với chồng, tôi cũng không buồn than thở thêm bởi thời gian gần gũi của chúng tôi quá ít ỏi tôi không muốn tạo nên những áng mây đen đe dọa hạnh phúc về sau của mình giống như chị.

Tuy tôi im lặng không nói nhưng lòng nghĩ khác : “ Một khi không còn yêu nhau, nhà chồng dù bênh vực bắt buộc thế mấy đi nữa cả hai cũng sống không hạnh phúc bởi chỉ có phần xác chẳng có phần hồn. Tự tôi sẽ giải quyết lấy, sẽ một mình ôm con ra đi không làm vướng bận đến người khác, thời đại gần cuối thế kỷ hai mươi này phụ nữ đi làm việc ngoài xã hội tự nuôi thân, khác hẳn ngày xưa chỉ biết quanh quẩn không ra khỏi lũy tre làng cam chịu phục tòng chồng cho đến hết đời.

Nhiều lần chồng tôi có mặt ở nhà chứng kiến việc tôi bị má chồng hiểu lầm và giận dữ, anh định cất tiếng nói nhưng tôi cản lại vì nếu anh nói ra chẳng giải quyết được gì chỉ khiến tôi bị ghét bỏ gây thêm khó khăn mà thôi, vì vậy anh chỉ biết vò đầu bứt tai một mình, nhưng khi tôi đề nghị dọn ra ở riêng anh lại không chịu vì biết gia đình anh không muốn thế, lúc ấy tôi mới nhớ ra anh là đứa con rất hiếu đễ, luôn luôn phục tòng ý thích của cha mẹ.

Có những đêm nằm không ngũ được, nhớ về ước mơ thời con gái, những giấc mộng xây đắp cho tổ ấm yêu thương mai sau của mình mà chua xót. Vòng lẩn quẩn trăm năm cứ thế mà xoay vần, nhiều sách vở phân tích tâm lý giải thích tại sao con dâu thường hay bị nhà chồng ghét bỏ hay đối xử khắc nghiệt mặc dù con dâu là đứa hiền lành, cam phận. Qua câu ca dao tục ngữ người ta cũng thấy rõ "Con gái là con của người. Con dâu mới thật mẹ cha “ mua “ về ". Có phải vì là con gái nên khi dì tôi lấy chồng đã được ông ngọai gả đi thì không cho phép quay trở lại nhà bởi đã trở thành con của người khác. Người con dâu mới thật là cay đắng bởi được “ mua “ về nên phải làm việc quần quật giống như con ở cho xứng đáng với đồng tiền bỏ ra ! Tôi sinh ra vào thời đại tân tiến nhưng nếp nghĩ của nhiều bậc sinh thành vẫn còn vướng vít lề thói ích kỷ, tập tục xưa cũ. Hễ sinh con gái lấy chồng thì muốn con mình phải đè đầu chồng nó, muốn con rể lúc nào cũng phải răm rắp nghe lời con gái mình. Thế nhưng đối với con trai thì không cho phép, thấy con mình chiều chuộng, yêu thương vợ thì y như rằng “ thằng đó là thằng nghe lời vợ.sợ vợ, thờ bà..v... v...” Có lần má chồng tôi kể chuyện ví von một câu tục ngữ từ khi đi học trong đời tôi mới nghe lần đầu “ Nóc nhà xa hơn chợ. Đít vợ gần hơn mả cha “ Lúc đó tôi thơ ngây quá nên không biết sau này mới hiểu hết ý nghĩa của nó.Có phải lề thói đạo đức ngàn xưa đã không công bằng cho những ai sinh ra làm thân con gái, từ lúc mới sinh cha mẹ đã khó nhọc nuôi lớn, đến khi trưởng thành chưa đền đáp được công lao đã phải bỏ cha mẹ đến hầu hạ nhà người, đã vậy đôi khi mang tiếng “ khuân của nhà chồng “ về nhà mình mỗi khi thương xót song thân già yếu, tỏ một chút hiếu đễ của đạo làm con.

Một lần mệt mỏi và buồn lòng tôi nằm xuống muốn ngũ giấc ngàn thu không thèm dậy nữa nhưng đứa con chòi đạp trong bụng vực tôi dậy, tiếp tục bổn phận làm dâu, làm vợ, tôi suýt phải sinh non nên khi con tôi ra đời gầy ốm nhăn nheo, giống như một con khỉ con khiến chồng tôi nhìn thấy con mình như thế lại có vẻ hơi buồn.

oOo

 Tháng tư ập đến, mùa mưa lại đến sớm kèm theo sấm sét. Trước ngày mất nước tôi nghe anh về kể gặp lại đơn vị củ, bạn bè từ miền Trung di tản về, tình hình chiến sự ngày thêm căng thẳng tôi nói với anh :

- Nếu đơn vị có lệnh di tản anh cứ việc theo đơn vị ra đi đừng vướng bận đến em.

Tôi đem chuyện ra đi nói với ba má chồng hai ông bà không đồng ý, riêng anh thì nói không đành lòng bỏ tôi ở lại với con thơ. Anh nói thế chứ tôi biết ba má anh không cho phép đời nào anh dám cãi lại ! Còn tôi nếu là loại người không được cha mẹ dạy dỗ để con có quen thói bắt nạt chồng và chồng tôi là mẫu người “ nể vợ, nghe lời vợ “ như đại gia đình nhà chồng phê phán chúng tôi đã dẫn nhau di tản theo đơn vị ngay ngày hôm ấy rồi.

Sau một tháng hai mươi bốn ngày mất nước chúng tôi bị chia lìa. Tôi ở ngoài ôm đứa con chưa tròn hai tháng ngóng chờ. Ngày anh đi tôi bán đôi vòng cưới chia hai, một nửa tiền anh đem theo, phân nửa tôi giữ lại mua sữa cho con., con tôi bốn tháng phải cột võng ngoài hiên chèn cái gối cho nó tự bú lấy bởi trong nhà ai cũng được tiếp tục công việc làm, chỉ có mình tôi bị thất nghiệp vì sở làm đã giải tán, không còn đi làm tôi phải đảm trách công việc nấu nướng bữa cơm cho cả gia đình. Sau tháng tư không còn xài gaz đốt như xưa, bếp phải dời ra hiên nhà nấu bằng củi. Có hôm bận bịu tôi bỏ con bị nắng chiếu, bụi than bám đầy mặt mà không hay. Con bé được khen là dễ tính không quấy khóc để cho má nấu cơm phục vụ cho cả nhà. Tôi bỗng dưng thấy tủi cho hai mẹ con tôi bởi con cô em chồng khó tính khóc lóc cả ngày, cả nhà chồng xúm lại lo cho nó, thuê hẳn một đứa ở để chỉ ngồi đưa võng, ru em và tôi lại phải phục dịch thêm cơm nước cho con nhỏ này. Một hôm bà chị chồng ghé nhà thăm gia đình, tôi mới buột miệng than đôi chút về hoàn cảnh của mình :

- Chị à, sáu tháng nay em không đi làm tình hình kéo dài như thế không biết trẻ con sẽ thế nào !

Nghe vậy bà chị chồng nạt ngang :

- Lo là lo cho mấy người già nè.

Tôi biết bà chị có ý muốn lo lắng cho món tiền hưu trí của gia đình không còn. Nhưng với người già thì dù sao vẫn còn tiền của, đồ đạc. Mấy tháng nay khắp nơi người ta không có lĩnh lương vẫn bán dần các thứ để sống, vẫn bươn chải để sinh tồn, còn những đứa trẻ, mới sinh ra phải sống nhờ người khác chưa có khả năng tự nuôi sống được mình mới đáng phải lo hơn hết, người già đã trải qua bao năm sống, đã hưởng thụ đầy đủ rồi, bây giờ dẫu có thiếu thốn vẫn có thể chịu được nhiều hơn con nít. Con người khi lâm vào hoàn cảnh nghèo túng hay trong bước đường cùng sẽ đê? lộ bản chất thật của họ, sẽ gian tham hoặc ích kỷ chỉ biết cá nhân mình hay là có từ tâm, có tấm lòng rộng rãi đối với tha nhân Tôi ôm con mà không đồng ý với suy nghĩ của bà chị chồng. Nhìn món tiền ít ỏi cạn dần, ngày quần quật đêm thức với con, nỗi nhớ chồng cộng thêm lo lắng tương lai bởi vợ chồng tôi ở chung với gia đình nên chẳng có cái gì là của riêng được phép mang đi bán để ăn dần. Tư trang riêng là đôi vòng cưới của anh mua hôm cưới thì đã bán rồi, bây giờ với đứa con nhỏ và hai bàn tay trắng tôi thực sự lâm vào bước đường cùng ! Buồn rầu khiến tôi lâm bệnh sốt li bì hôm sau không dậy nỗi, nằm đến trưa cố gắng vực con dậy cho nó gặp đôi vú gầy của mình, không có sữa nó cứ khóc mãi. Tôi bồng con ru mà nhớ đến anh, nhớ những thứ mình phải chịu, hôm nọ cô em chồng vừa hắt hơi sổ mũi là đứa con được mang đi cho mẹ chồng chăm sóc vì sợ ở gần bị lây bệnh, còn con tôi chỉ có mình tôi, tủi cho thân phận nên cả hai mẹ con nước mắt chan hòa.

Ngồi nhìn con ngũ, đôi môi còn chem chép như vẫn còn đang thiếu sữa khiến tôi nhớ nhiều chuyện trong đời mình, bỗng nhớ lại lời cô giáo nói. Bây giờ tôi như con thuyền đang trôi lênh đênh trong giông bão không biết đâu là bờ bến, bốn phương đều mịt mùng không đường lối, thuyền trưởng của tôi, người đầu ấp tay gối bất đắc dĩ bị bắt buộc rời thuyền giờ chẳng biết phiêu dạt nơi nào còn sống hay đã chết ! ” Cùng tắc biến, biến tắc thông “ Đầu óc tôi bỗng lóe lên ý nghĩ, bây giờ chỉ còn lại mình tôi và con, tôi thấy mình không cần thiết tiếp tục tự đày đọa mình bằng cách chịu đựng hoàn cảnh hiện tại, để được tròn tiếng “ dâu thảo, vợ hiền “ tôi đã mù quáng tuân theo theo các giáo điều ngàn xưa chỉ có tính cách ước lệ, giờ tôi chỉ nên hy sinh bản thân mình cho mỗi con tôi thôi. Tôi phải có bổn phận vừa làm mẹ và làm cha bảo vệ sự sống cho sinh linh bé nhỏ kết tinh tình yêu của chúng tôi, cho nên tôi quyết định xin phép về nhà cha mẹ mình dưỡng bệnh thật ra chỉ là cớ để tôi trở về, bỏ mặc mọi thứ kể cả lời trách cứ tôi đã không làm tròn bổn phận làm dâu bởi ở lại nhà chồng tiền đâu tôi mua sữa nuôi con và còn nhiều thứ phải chi dùng mỗi khi con tôi đau ốm và cũng vì nhà chồng từ chối việc trông nom con tôi trong lúc tôi phải đi làm đã khiến tôi trở nên cứng rắn và mạnh mẽ hơn trong cư xử, dám đứng ra đương đầu với cuộc sống thoát khỏi cái vỏ ốc bấy lâu tôi trú â?n.

Tôi may mắn hơn người dì vì ba má tôi không làm công việc mang trầu rượu bắt buộc tôi trở về nhà chồng giống ông ngọai ngày xưa, mà sẵn sàng cưu mang hai mẹ con tôi trong cơn hoạn nạn, chị và các em tôi chia xẻ cho tôi miếng cơm manh áo, thay phiên nhau trông nom cháu để tôi đi làm kiếm tiền nuôi con, nuôi chồng trong tù. Làm thân con gái mười hai bến nước, bến cũ của thời con gái bao giờ cũng đầy kỷ niệm êm ái, yêu thương. Cuối cùng tôi nghiệm ra rằng cũng chỉ có cha mẹ ruột, anh chị em ruột thịt là chỗ dựa, là bến bờ yên bình cho mình trú â?n qua cơn sóng gió cuộc đời.

Cỏ Biển
Kỷ niệm 34 năm tháng tư đen.