SỐ 42 - THÁNG 4 NĂM 2009

 

SINH LỘ

                                                                    
Lão Vược quyết định vượt biên. Lý do : bất mãn chế độ Cộng Sản. Lão ấm ách mãi trong bụng, ấm ách với tội danh CIA mà bọn Cộng Sản gài cho lão. Từ thuở trai tráng  cho tới lúc gần xế chiều, lão chỉ biết bán hủ tíu. Mặc dù cái quán của lão gần trại lính. Biết bao sĩ quan cấp úy, cấp tá đến ăn lia chia mỗi buổi sáng. Nhưng, chuyện “lính đến quán” với chuyện “CIA” khác nhau một trời một vực, không thể đem chuyện nọ xỏ chuyện kia, ép tội lão một cách vô lý.

Lão nhớ mồn một, ngay sau khi ông Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, đứa con lão mới 12 tuổi, lật đật chạy theo đám con nít vô trại lính “hôi” của. Trại lính, lúc này, cổng mở toang hoang. VC chưa kịp đến, lính tráng vội tan hàng, vất bỏ quân trang quân dụng đầy cả lối đi. Đứa con lão lượm được một xấp giấy lộn, nó định đem về để dành chùi đít. Vài hôm sau, có dăm thằng bộ đội ngơ ngáo tới "tiếp thu" trại lính. Buồn miệng, nó kéo nhau qua quán ăn hủ tíu, rồi phát giác xấp giấy  cà chớn đó, cả bọn hô toáng lên : “CIA”. Thế là, chúng nó rùm rụp nhào vô, trói thúc ké lão, và đem lão tống giam.

Chưa tròn tháng, đứa con lão túng quá, đành ăn trộm cái vỏ xe đạp của thằng bộ đội ngô nghê nào đó. Nó phơi cái vỏ xe ngoài sân. Thằng nhỏ đi ngang, "chôm" về, định gắn vào chiếc xe hư để bán cà rem.

Chỉ có cái vỏ xe cà tàng mà bọn chúng nhốt thằng nhỏ đến 5 năm trời. 5 năm trời đày đọa, chịu đủ cực hình trong các trại “cải tạo”, cuối cùng chúng mới thả hai cha con lão ra. Về nhà, chưa kịp lấy lại tinh thần, lão vội vàng dắt hai đứa con đi tìm tự do.

Trầy da tróc vảy lắm, lão mới dẫn được hai đứa nhỏ qua Mỹ. Đến San Diego, cuộc sống hiện thực đã làm lão lóa mắt. Ở đây, dân homeless sống rải rác khắp nơi. Buổi tối, họ ngủ bụi đời dưới các hiên nhà thờ, trạm xe buýt, hành lang chợ, vỉa hè..v.. v..Lão không ngờ, xứ Mỹ, cũng có đạo quân thất nghiệp đông đảo đến như vậy. Ban ngày, họ thường đứng lảng vảng ngã tư đường, đeo luôn một tấm bảng trước ngực : I'm hungry. I need foods. Ở đây, "thiên đường" và "địa ngục" cách nhau không xa, chỉ có một lằn ranh mỏng. Xã hội Mỹ cũng có mặt phải và mặt trái của nó. Bên ngoài, ánh sáng càng rực rỡ. Bên trong, bóng tối càng hãi hùng.. Đầu tiên, lão hành nghề lượm lon để mưu sinh. Sáng sớm, chui đầu vào các thùng rác, mò tay vào những đống tạp nhạp, lấy ra từng cái lon, từng cái chai. Nghề hạ cấp như vậy, coi thế cũng không ngon cơm. Hàng ngày, lão phải chạm trán với đạo quân homeless bề bộn của Mỹ. Cuối cùng, một thằng Mỹ đen dí dao vào bụng lão, lớn tiếng tuôn ra một tràng dài.. Lão đoán hiểu, nó bảo lão cút đi, đây là địa phận làm ăn của chúng.

Bỏ nghề lượm lon. Lão lao ngay vào các hãng, làm bất cứ mọi công việc, từ : khuân vác đến đổ rác, clean-up...Lão hăng hái kiếm tiền để nuôi Hồng Ngôn - đứa con trai của lão - học hành tới nơi tới chốn.

Hồng Ngôn học chẳng bao lâu, nó bỗng chán nản, đi theo một nhóm bụi đời. Nó trốn nhà qua biên giới Mễ, sống lây lất với nhóm bụi đời trong những cái bar ngập tràn sa đọa. Ở đó, Hồng Ngôn bắt đầu chơi cocain và đi sâu vào tội lỗi. Nhận tin xấu đó, Lão Vược đau khổ đến tột cùng. Không ngờ lão dẫn con đi tìm ánh sáng, đi tìm thiên đường - lại lao đầu vào bóng tối, vào địa ngục. Không ! lão cương quyết không để mất con một cách dễ dàng như thế. Chiều ấy, sau khi khấn lạy nghiêm trang trước bàn thờ tông đường, lão lật đật chạy ra chợ trời tìm mua một lưỡi lê quân đội, lẳng lặng lận nó vào lưng, chạy một hơi đến Tijuana.

Trong sào huyệt âm u của nhóm bụi đời, lão gặp được con. Gặp được đứa con trai yêu quí, bây giờ nó đã trở thành một kẻ vô tri, một thân xác bệnh hoạn, héo mòn. Giọt vắn, giọt dài, giọt đau, giọt xót...thi nhau rơi xuống lã chã khuôn mặt hom hem của lão. Lão quỳ gối trước nhóm bụi đời, bù lu bù loa kể lại cuộc đời bi thương của lão, cuộc đời bất hạnh của con lão...Sau cùng, lão nhẹ nhàng rút ngọn dao ra, trịnh trọng dâng lên bọn chúng, rồi...hùng dũng ngửa cổ lên trời :

- Nếu các ông không chịu buông tha cho con tôi, thì các ông hãy đâm thẳng vào cổ này đi ! Tôi sẵn sàng chết, chấm dứt cuộc đời oan nghiệt tại đây.

Tôi tìm đến lão Vược bởi ngón đờn kìm rất độc đáo của lão. Khi so dây, dạo lên vài âm điệu, người nghe đã ngẩn ngơ, buồn nát ruột gan. Biết được ý thích tôi, lúc nào gặp nhau, lão đều chơi một hơi từ bản Bắc qua bản Nam, từ cung Thương sang cung Oán, bằng những ngũ âm : hò, xự, xang, xê, cống...trầm bổng tuyệt vời. Và lần nào cũng vậy, tôi bái phục lão đến sát đất, vì lão đã mang nét cổ truyền Việt Nam đặt ngay trên đất Mỹ, làm sống động lại một thời...Ngoài ngón đờn kìm điêu luyện, còn có thêm một điều nữa, thôi thúc tôi đến nhà lão thường xuyên. Đó là bóng dáng giai nhân, tôi thấy thấp thoáng trong khu vườn đầy kỳ hoa dị thảo của lão Vược. Nàng luôn mặc áo bà ba hiền thục, khoe bờ cổ trắng nõn nà. Nàng luôn lặng lẽ bên những luống cải hoa vàng. Lặng lẽ đến câm nín, buồn bã, dường như có chất chứa tâm sự chi đầy u ẩn bên trong ?

Có lẽ, trái tim sắt đá của nhóm bụi đời đã thật sự mềm nhũn trước thái độ thiết tha của lão Vược, nên vài ngày sau Hồng Ngôn trở về. Hồng Ngôn trở về với một thân thể tàn tạ đến khốn cùng. Nó lầm lầm lì lì suốt tháng suốt năm. Nó trằn trọc từng đêm dài, trăn trở từng ngày rộng. Cho đến một hôm, Hồng Ngôn hồi phục lại. Nó nhanh chóng đến trường, mãnh liệt học tiếp. Cám ơn Trời, bây giờ, nó đã trở thành một trong những chuyên viên về không gian xuất sắc ở Mỹ.

Bóng giai nhân bỗng xuất hiện. Nàng bày ra trên mâm bạc lấp lánh những chiếc bánh tráng to phồng. Nàng cứ âm thầm và nổi bật với chiếc áo bà ba hiền thục như vậy. Tôi ngẩn ngơ vài giây. Tôi ngây ngất trước dung nhan sắc sảo, trước đôi môi đỏ ửng như mận hồng đào đầu mùa. Như biết được điều rung động trong tôi, lão Vược ngừng câu chuyện, vói tay châm thêm trà. Và tôi, vẫn miên man với những ý nghĩ ngờ vực về nàng ? Tại sao lão Vược không hề nhắc đến nàng trong cuộc hành trình cam go ? Tại sao nàng sống cô độc với lão Vược trong ngôi nhà thênh thang...như hình với bóng ? Tại sao nàng âm thầm và buồn bã...thế này ?
   Lão Vược quả thông thái. Lão đã đoán được ý nghĩ ngờ vực trong tôi, nên thân ái trao vào tay tôi một phần bánh tráng giòn rụm.

- Dùng đi cậu ! Bánh tráng Bến Tre. Bánh tráng có nước cốt dừa, béo ngậy. Dùng đi, rồi nghỉ ngơi thoải mái. Cậu đừng nghĩ đến Hồng Hạnh, con gái lão, làm chi cho mệt. Nó đã câm. Nó có dạng tâm thần...kể từ khi chuyến tàu vượt biển của lão...chẳng may gặp bọn hải khấu...

Lão Vược chiêu ngụm trà. Hình như lão đang nhìn về quá khứ. Lão thấy lại con tàu vượt biên thuở nào. Con tàu tròng trành tiến về hải phận quốc tế. Những ngọn sóng hiểm nguy lao thẳng vào thân tàu. Những cơn khát đắng khô cổ họng. Những cơn đói cồn cào ruột gan. Những kẻ đi tìm tự do giữa hải-ngục-trần-gian. Rồi những tên cướp biển lực lưỡng. Chúng dí dao vào mạng sườn, dí súng vào ngực, lột tung tất cả. Chúng cười cợt man trá trước tấm thân quằn quại của phụ nữ, trước tiếng khóc thất thanh của các em gái vừa lớn. Hồng Hạnh không tránh khỏi số phận bi thương đó. Và lão Vược đã cắn nát vành môi đến vọt ra máu tươi, để kềm chế cơn hận thù đang trào dâng...muốn xé tung lồng ngực lão.

Ôi, hai chữ tự do. Nghe rất giản dị và khái niệm biết chừng nào ! Vậy mà lão Vược đã phải trả giá quá đắt cho hai chữ thân thương đó. Sau này, dù gia đình lão có cơ may thành công tuyệt đỉnh trên đất Mỹ, trái tim lão vẫn mang hoài một vết thương lớn. Một vết thương mãi mãi không bao giờ lành, nhức nhối...tận tâm can.

PHẠM HỒNG ÂN
(San Diego, 7/2/2000)