SỐ 42 - THÁNG 4 NĂM 2009

 

Thằng Nèm

 Không như mọi khi, ngồi đò từ chợ Sa Đéc về Mỹ An Thiếm Tư thấy sao mà lâu quá chừng ; tưởng như là đò đi nước ngược. Càng nôn nóng thì đò như càng chậm hơn.Nhìn thấy vẻ nôn nao của Thiếm, giáo Hoạch cố tình gợi chuyện :
- Thường khi, giờ nầy hai đứa nhỏ nó làm gì vậy Thiếm ?. À! mà hôm nay lể Hai Bà Trưng có lẻ tụi nó được nghĩ.
Ông chủ Ruộng chen lời :

- Cứ tưởng tới Thằng Nèm, Út Lép hai đứa đực ra khi thấy mặt má nó tao đủ vui trong lòng rồi.
- Đực với cái gì. Nhìn một cái tụi nó nhận ra má nó ngay.
- Nhìn ra thì nhìn ra nhưng làm gì tụi nó không chưng hửng.

 Giáo Hoạch nãy giờ nhìn hai bên bờ chợt ngó Thiếm Tư rồi hỏi :

- Có bao giờ Thiếm nghỉ đến chuyện về lại Cái Dầu không ?

 Thiếm Tư chết đứng với câu hỏi vì chẳng bao giờ Thiếm tưởng có ai đó hỏi như vậy. Tuy có bàng hoàng nhưng Thiếm vẫn trả lời :

- Ông giáo hỏi khó cho tôi quá. Chuyện gì mà lại trở về Cái Dầu. Mỹ An cưu mang mấy mẹ con tôi, dung dưỡng tụi tôi bấy lâu. Làm sao tôi lại có thể rời bỏ Mỹ An ?

 Ông bà chủ Ruộng cũng sượng sùng với câu hỏi của giáo Hoạch ; e rằng sẽ làm Thiếm Tư nghỉ rằng dã có sự sắp đặt, toan tính từ trước để dồn ép Thiếm.

- Thằng giáo ! sao mà bây bộp chộp quá mạng ? Con Mẫn còn đang bối rối vì chưa biết chuẩn bị ăn nói như thế nào khi mọi người ngạc nhiên thấy sự thay đổi lớn lao ở nó.

 Giáo Hoạch đỏ mặt với lời quở trách đó.
Mọi người mãi nói chuyện đò đã về tới nhà. Trên bờ Thằng Nèm, Út Lép, dì Ba đang đứng ngóng. Hai đứa nhỏ tuy ngó Thiếm Tư chăm chăm nhưng vẻ hoang mang hiện rõ trên đôi mắt. Đò vừa cập cầu thằng Nèm nhảy xuống ôm má nó :

- Má đây sao ? Quỷ Thần đất địa ơi ! Má tui thiệt là cổi lớp mà ; Út Lép, bà Ngoại, dì Ba má tui thiệt là lịch sự quá chời.

 Thiếm Tư tay xoa đầu thằng con tay vịn vai nó bước lên cầu. Út Lép cũng chạy tới ôm hai chân má nó :

- Má đi lâu quá xá. Ngày nào con với anh Hai cũng trông. Nhà thương họ có làm gì cho má đau lắm không ?.
- Đâu có gì mà đau, Má đâu có sao đâu con.

 Bà Hai Đảnh nghe tiếng chao rao cũng hối hả từ bên nhà bước qua :

- Mèn ơi ! con Tư đó sao ?. Bây không lên tiếng đố ai lại không tưởng là khách ở xa tới.
- Tui xa nhà, nhờ có bà Hai qua lại dòm ngó mấy đứa nhỏ với lại hủ hỉ nên bà ngoại con Út cũng đỡ buồn.

 Bà Chín ứng tiếng đính chính :

- Buồn, rầu cái nỗi gì. Suốt ngày chộn rộn với mấy đứa nhỏ, phụ với con Ba con Sen dỗ bánh hết ngày hết giờ. Mà nè Mẫn ! bây có phải trở lên Thầy Gòn nữa không ?

Bà chủ Ruộng vội hớt ngang :

- Xong xuôi hết rồ. Chỉ Chờ cho da dẻ từ từ lành lặn rồi mới có thể đi đây đi kia, ra nắng ra gió. Da bây giờ còn non, dễ bị cháy lắm ; hễ ra ngoài thì phải đội nón che khăn.

Mọi người lăng xăng tíu tít từ ngoài bờ sông vào đến nhà. Thấy vắng bóng con Sen Thiếm Tư hỏi

- Còn con Sen đâu ? Sao không thấy bóng !

 Bà Chín ngó Thiếm Tư rồi chẩm rải :

- Bây vừa đi khỏi, chệt Lường đem tía má nó vô dòm ngó con Sen. Thấy con nhỏ vừa ý, hai ông bà có hỏi xin má bữa nay cho nó ra ngoai ngoải chơi cho biết nhà biết cửa. Chiều nó mới dìa.
- Choa ! con nhỏ nầy tay chân cũng lanh lẹ dử đa. Ngữ nầy sớm muộn, nay mai tui lại mất người hụ hợ rồi.
- Ối chuyện, đó cũng còn lâu, gấp gáp gì ; vả lại nó cũng còn xon xỏn. Ế ẩm gì mà lo. Tao dắt con Đẹp dìa kỳ nầy sẽ bàn với anh Hai bây. Hễ nó ưng thì tao giao hết nhà cửa cho nó ; tao xuống đây phụ với bây một tay, trông chừng hai đứa nhỏ. Còn con Đẹp thì tùy ý nó với tía má nó. Tui sợ sau nầy có chuyện lại bị đổ thừa.
- Phần tui thì má khỏi lo, dễ ợt hà. Xuống đây dù gì cũng có tui lo, chớ ở Ô Môn lớn tuổi rồi mà thui thủi một mình tui thấy thiệt là bất tiện

 Mấy người lớn vừa vô tới nhà thì Dì Ba, Giáo Hoạch, Đẹp, luôn cả thằng Nèm cũng khệ nệ bưng món nầy món nọ vô nhà.
Thằng Nèm hỏi Thiếm Tư :

- Má à ! con chạy lại đằng Thiếm Xập Ký Nình mua mấy chai rượu ngọt về cho mọi người ?

 Thiếm Tư chưa kịp trả lời thì Dì Ba tay móc tui đưa tờ giấy bạc Đông Dương cho nó :

- Hai cắc một chai xá xị Con Cọp; con mua năm chai, nhớ xin thêm đá cục nghen.

 Thằng Nèm dạ rồi tay cầm đồng bạc tay dắt Út Lép chạy tuốt ra ngỏ.Ông chủ Ruộng kéo ghế ngồi rồi kêu giáo Hoạch đến kế bên ;

- Phải chi có bây cận kề một bên nghe Hoạch. Thằng Nèm với con Út có người chỉ vẽ cái ăn cái học. Chuyến nầy về trển liệu coi có thể được thì xin đổi về gần đây để có mà lo cho em út với chớ.
- Dạ. Để thủng thỉnh con coi có ai muốn hoán chuyển hay không.

 Thằng Nèm, Út Lép vừa mang mấy chai rượu ngọt về, Thiếm Tư hối Dì Ba chặt nhỏ đá cục, cho vô ly mời mọi người. Ngoài bờ sông má con bé Hai vừa bước xuống đò nghe trong nhà tiếng nói chuyện ồn ào nên cũng te te bước vô. Nhìn sững Thiếm Tư một lúc rồi vụt la lên :

- Ai da ! Con Tư đó phải không ? Quỷ Thần đất địa ơi ! Lịch sự thiệt là hết chỗ nói mà. Có mấy ai ở đâu đây hay ngoài chợ mà sánh nổi.

 Bà Chín quở nhẹ :

- Bậy nè. Đừng nói vậy hổng nên. Tuy có đôi chút thay đổi diện mạo, nhưng con Tư vẫn là con Tư có gì khác lạ đâu !

 Bà chủ Ruộng ra điều kẻ cả :

- Thiệt ra má bé Hai cũng như mọi người đều mừng cho con Mẫn nên nói vậy.Tuy nhiên mình với mình biết bụng biết dạ nhau thì không sao nhưng có người khác họ nghe được thì không hay cho mấy.

 Ông chủ Ruộng ngồi nghe mấy bà nói qua nói lại thiệt là nhột cái lỗ tai. Ông ngó ra sau nhà rồi lên tiếng :

- Con Ba đâu. Có cái gì bỏ bụng thì dọn lên. Từ sáng tới giờ chỉ có trái bắp tao làm sao chịu nổi

 Từ sau bếp có tiếng dạ của dì Ba và chừng đôi phút sau hai tay dì khệ nệ bưng mâm thức ăn để lên bàn. Út Lép cũng lẹt đẹt theo sau, hai tay bưng nồi cơm. Má bé Hai cúi đầu chào rồi theo bà Hai ai về nhà nấy. Mọi người quay quần chung quanh ăn bữa cơm lỡ buổi.

Mọi chuyện dần dần trở lại bình thường. Ngày hôm sau Giáo Hoạch trở về Sàigòn dạy học. Ông bà chủ Ruộng về lại Cái Dầu. Trước khi xuống đò ông còn nhắn vói với Thiếm Tư và lũ nhỏ,

- Hễ đâu đó xong xuôi ông bà sẽ thay phiên xuống đây hủ hỉ. Bà đi thì ông coi nhà. Bà dìa thì ông đi. Bây giờ cả hai còn có gì nữa đâu mà bon chen. Chỉ biết gần gũi con cháu cho vui ngày tháng vậy thôi.

Vài ngày sau bà Chín cùng với Đẹp trở về Ô Môn, Thiếm Tư ngày ngày vẫn khuya dậy sớm cùng Dì Ba, Sen dỗ bánh đếm cho bạn hàng. Đêm đêm câu hỏi của giáo Hoạch cũng như những lời nhắn của ông Chủ Ruộng trước khi về lại Cái Dầu cứ lởn vởn trong sự suy nghĩ của Thiếm.

(còn tiếp)

Trần Phú Mỹ