SỐ 43 - THÁNG 7 NĂM 2009

 

CĂN NHÀ SAU CỬA BIỂN

(tiếp theo)

8.

Nữ chợt tỉnh giấc chiêm bao.  Có tiếng chim bay về biển nghe quen thuộc như giấc mơ nàng còn dầm dề cơn hạnh phúc bơ vơ. Nữ biếng lười nằm nán lại với nàng, với người đàn bà trong cơn mơ chờ đợi người tình trên đồi cát đẫm sương. Trong với víu của cảm giác, góc xiên quen thuộc của tia nắng đầu ngày chiếu qua vách nhà mang đến cho nàng sự ấm áp trở về, nỗi vui được bao quanh bởi bao điều thân thuộc, kỷ niệm thiết tha. Cạnh đó, tất cả chỉ là cuộc sống trôi qua, bấp bênh phiền hà...

Nữ bỏ dạy về lại nhà. Nàng đã cố gắng không để ý tới sự bủn xỉn, nhỏ nhen, cân đo đong đếm của những con người phải thường trực mưu cầu trong một xã hội bao cấp chụp giựt. Chỉ tội nghiệp cho họ. Nhưng nàng không thể chịu đựng sự kiêu hãnh bán khai trâng tráo của nhóm người thiếu khả năng văn hóa lại có trách nhiệm dạy dỗ giáo dục thế hệ tương lai – những đứa bé đến trường với khăn vải đỏ quàng lên đôi vai gầy guộc thiếu ăn. Những  buổi hội họp kiểm thảo trễ nải chẳng liên quan chi tới việc dạy học. Nhóm giáo viên ngồi quanh trên sân gạch trước nhà để tiết kiệm dầu thắp. Nữ ngồi lơ đãng nghe ý kiến, phê bình, thi đua, khẩu hiệu lả tả chìm trong tiếng kinh tụng trầm đều của bà Giáo Thông hay có khi nàng im lìm lay đùa với bóng mình trên sân vào những đêm trăng. Có lần Nữ bị kiểm điểm với lí do thiếu tinh thần tập thể vì ngồi họp trên chiếc đòn gỗ chứ không ngồi chò hõ trên sân như các giáo viên khác.  Nữ bật cười nhìn Tuyên khổ sở, nhấp nhỏm trong dáng ngồi kiểu nước lụt, hai bắp vế ép sát bụng, cánh tay gác lên đầu gối đong đưa. Bóng người gãy đổ lên sân gạch như bầy khỉ ốm ngồi quanh. Nàng lấy câu chuyện đùa của cậu Chấn, đem ra phát biểu ở buổi họp.

 

-Vào thời thực dân đế quốc, địa chủ bắt tá điền ngồi chò hõ vào những bữa ăn để họ ăn ít mà mau no cho bớt tốn gạo. Ngày này đất nước đã thống nhất, chính sách cải cách ruộng đất của Cách Mạng đã diệt sạch hết bọn điền chủ bóc lột, bản thân tôi cảm thấy được giải phóng khi ngồi ghế, đồng thời sung sướng khi bụng mình không bị chính hai cái bắp vế kẹp lại.

Tổ giáo viên ngơ ngác nhìn nhau, chỉ có Tuyên mỉm cười nhìn nàng, lắc đầu chào thua.

Lần sau cùng bị kiểm điểm đã đưa đến việc nàng xin nghĩ dạy sau một niên khóa ở Thăng Bình. Sau khi xin phép mà không được hiệu trưởng chấp thuận, Nữ đã nhờ Tuyên dạy thế rồi tự ý bỏ lớp một tuần theo bà bạn của mẹ vào Sài Gòn nhận quà chị Nhi gởi về từ Mỹ. Chủ trì buổi họp là một cán bộ giáo dục trên huyện về, cỡ tuổi anh Niên. Anh ta nhìn Nữ chăm chú nhưng nàng tỏ vẻ như không hay biết. Nàng ngẩng mặt nhìn lên phía trên tấm cờ đỏ loáng thoáng hàng chữ đề cao lao động học tập. Trên khoảng vách trần ố vàng loang lổ, con thằn lằn bám cong dáng như chữ S ngần ngừ chưa biết tiến thoái về đâu. Nhóm giáo viên trường ngồi đưa mắt nhìn nhau lúc người hiệu trưởng gay gắt phê bình Nữ và đọc đề nghị kỷ luật. Nữ bình thản ngồi nghe tiếng lời ganh tị, nhỏ nhen, phê bình tố tụng mỗi giáo viên lần lượt vang lên như một dĩa hát cũ, mũi kim cùn đùi rời rạc xoay trên những  rãnh mòn âm thanh ù lì bất biến.  Mớ chữ tàn dư Mỹ Ngụy, ôm chân đế quốc, trí thức tiểu tư sản, khắc phục, sửa sai...lặp lại tới lui như một bài vè dở tệ. Bài hát quen của đám nhạc công tồi nín lại lúc Tuyên chợt đứng lên.  Người thanh niên rụt rè không có mặt trong phòng họp hôm đó. Nữ cảm kích lắng nghe Tuyên phân trần cho nàng rồi xúc động nhận ra tấm lòng người thanh niên đang phơi trải.
Người cán bộ chủ trì dài dòng lên tiếng. Bài hát cũ được lặp lại với cường điệu cao, nhưng lời đúc  kết buổi họp đã khiến hầu như mọi người trong phòng họp không ít ngạc nhiên.

- Khả năng dạy tốt của đồng chí Nữ được đánh giá cao. Phòng giáo dục huyện sẽ đề nghị phân công trường lớp thích hợp cho đồng chí vào niên khóa tới. Trong thời gian hè, đồng chí Nữ sẽ được bố trí cơ hội phấn đấu trong các lớp bồi dưỡng đạo đức cách mạng.

Giáo viên lục tục bước ra khỏi phòng họp. Người cán bộ tươi cười  ra hiệu cho Nữ ngồi lại.

- Cô Nữ có nhận ra tôi không?

Nữ gật đầu lúc người cán bộ kéo ghế ngồi gần.

- Mấy năm trước, lúc gần thi phổ thông tôi có theo Niên ra nhà cô ở  Xuyên Thọ một lần. Chuyện lúc nãy cô không phải lo lắng gì. Tôi sẽ bố trí cô về trường sở gần Hội An, thích hợp với môn dạy của cô hơn.

Cô gái định mở lời nhưng rồi im lặng không nói.

- Anh Niên cô bây giờ đang ở đâu? Người cán bộ nháy mắt cười. Mỹ, Tây, hay Úc?

Nữ đắn đo hồi lâu rồi vắn tắt kể chuyện nhà. Người thanh niên nhìn đăm đắm vào đôi mắt cô gái khiến nàng rụt rè lãng nhìn ra phía cửa lớp vương bụi nắng.

- À ra là vậy. Niên là người bạn vui tánh thời trung học. Hắn thân mật vỗ vỗ lên tay Nữ. Tôi sẽ nhờ vài người bạn trên tỉnh đoàn tìm giúp. Khi nào có tin, tôi tìm cô ở đâu để cho biết đây?

Nữ vui mừng với hi vọng mới về anh Niên, dí dỏm trả lời.

- Phố Hội chỉ ngang dọc vài đường như lòng bàn tay, ông cán bộ chỉ cần đi một vòng là tìm ra ngay. Nhất là những nơi treo nhiều đèn lồng. 

Mùa hè lại đến. Những ngày sót lại của niên học, Nữ đến lớp lòng nao buồn về ngôi trường đầu tiên trong đời đi dạy. Nàng thương cho đám học trò nhỏ khi nghĩ tới khả năng của những giáo viên Nữ có dịp tiếp xúc và biết khá nhiều về họ. Tuyên lắng nghe, lắc đầu cười buồn.

- Tuyên chỉ mong làm hết khả năng bổn phận của mình để an lòng và được an thân. Có phải mình đã tham lam khi muốn cả hai? Giữ cho được đôi bàn tay sạch, thiệt là quá khó giữa mùa gặt ác này.  Sống với thú biết làm sao đây?

Nữ khẻ đập lên vai bạn, nói đùa.

- Không sao! Thỉnh thoảng tay có vấy chút máu heo con thì không sao.

Mắt Tuyên nhìn buồn hơn.

- Tuyên vẫn băn khoăn mãi trong lòng từ hôm đó. Biết Nữ không vui lòng. Cả mình cũng vậy. Chẳng qua là mong được an thân với họ. Niên học tới không có Nữ ở đây, sinh hoạt chắc khó khăn hơn.

Cô gái nhìn theo Tuyên cúi đầu bước chậm qua sân gạch. Buổi chiều thả nghiêng bóng hàng cau gầy guộc lên mặt đất. Dáng Tuyên đứng dưới chiếc cổng chào rất buồn. 
Bên bờ giếng bà Giáo Thông ngồi rửa khoai lang để xắt phơi khô. Bầy gà con sau một hồi xúm quẩn quanh bà tìm không ra cái ăn thất vọng líu ríu bỏ đi theo tiếng kêu tục tục rất kham của gà mẹ. Bà Giáo ngày thường vốn ít nói nay càng đăm chiêu hơn. Bà đưa cho Nữ củ khoai Chợ Được vàng ửng vừa gọt sạch.

- Cô cắn thử một miếng đi. Ngọt ngay à. Khoai này xắt lát, phơi vài nắng, nhai trong miệng ngọt tươm như mật. Con Thăng-Bình tui hồi đó, mấy buổi tối trời lạnh, con bé ngồi học bài đâu không thấy mà chỉ một hồi là rổ khoai khô đã lưng một nửa. Bà ngưng tay, nhìn về phía nhà trên, chép miệng thở dài. Sang năm lại thêm một con Hà Nam Ninh khăn gói vô nữa chắc tui giao luôn cái nhà cho họ, bỏ đi khuất cho đỡ gai con mắt.

Nữ thoa thoa lên lưng gầy người mẹ. Hai người đàn bà ngồi bên nhau yên lặng.

- Giờ này bên đó là buổi sáng phải không cô giáo?
- Dạ, chắc năm sáu giờ sáng.
- Tui chờ giấy báo về đi lãnh quà con Bình gởi. Trông sao tụi nó gởi kèm thiệt nhiều hình về coi cho đỡ nhớ. Thiệt khó mà hình dung cái xứ sở đó. Lái xe sáu bảy chục cây số mỗi sáng đi làm, chiều lái về. Còn xa hơn  từ đây chạy tuốt ra Huế.  Chắc hai vợ chồng nó phải lui cui dậy từ hồi hai ba giờ sáng mới cụ bị cho kịp mà đi làm. Chợ búa nghe nói cũng phải đi cả giờ mới tới. Hai ba tuần đi chợ một lần thì lấy gì mà ăn trong nhà...

Bà mẹ thương con cháu, giọt nước mắt lăn xuống buổi chiều rất chậm.

Những ngày đầu về lại nhà Nữ ra vào bâng khuâng nhớ ngôi trường nghèo, nhớ khoảng sân gạch đọng rêu mảnh mai bóng hàng cau, và mùi nhang khói quyện trong tiếng kinh tụng trầm đều mỗi đầu đêm.  Nữ đứng tựa cửa bếp nhìn bầy gà con bà Giáo Thông tặng nàng giờ đây thiếu mẹ chạy lẩn quẩn chiêm chiếp quanh lu nước.  Nàng xúc động nhớ lại hình ảnh bà Giáo te te xách giỏ gà đi trước,  Nữ phụ Tuyên cắm cúi đẩy chiếc xe đạp mượn thồ cái rương lớn của nàng theo sau. Bóng hai người đứng trên bến đò Bình Triều xa dần theo từng tay vẫy.

Nữ trở về với cuộc sống quen, quanh cạnh người thân thuộc ở hợp tác xã làm đèn lồng và những lớp dạy tiếng Anh cho trẻ em trong phố. Chuyến đò dọc trở ra cửa biển vào những cuối ngày. Nữ ngồi yên lặng giữa đám người tất tả, lắng nghe tóc mình váng vất bay trong gió. Nàng nhắm mắt mường tượng đoàn tàu của anh Dõng, anh Tuân chẻ sóng lao mình trên dòng sông nước cuộn. Mường tượng bước chân cơ khổ mẹ cha bơ phờ bờ dốc cát vàng loang nắng. Xem hoài không chán hình ảnh gia đình chị Nhi hạnh phúc tươi vui trong những tấm hình màu rực rỡ. Nữ thuộc nằm lòng những tờ thư anh chị gởi hết nhớ thương về em gái. Chị nhắn sẽ tiếp tục gởi nhiều quà về để nhờ cậu dì xuống xây lăng mộ mẹ cha, trang trải việc tìm kiếm anh Niên và giúp cô em gái côi cút khỏi phải lo chuyện áo cơm.

Người cán bộ bạn học của Niên đã vài lần ghé hợp tác xã với vài tin tức mơ hồ. Mới đây anh ta còn mở lời mời Nữ đi thăm chơi Đà Nẵng. Nữ đã khéo lời thoái thác, nàng có cảm tưởng anh ta chỉ lấy cớ để có dịp gần gũi chuyện trò lợi dụng. Ý nghĩ  khiến Nữ lo lắng nhưng việc kiếm tìm tông tích của anh đã hơn hai năm biệt tăm quan trọng hơn nhiều. Nữ vẫn chưa tiết lộ với người cán bộ quyết định không trở lại trường vào niên  khóa tới của mình. Sự giao thiệp với người đàn ông này không hiểu sao càng khiến nàng băn khoăn và thương nhớ Tuân hơn. Không biết giờ này anh đang ở đâu. Phải chi anh Niên thành công trong chuyến vượt biên hay vẫn bình an ở nhà thì có lẽ giờ này Tuân và nàng đang bên nhau, cho dù hạnh phúc hay lận đận ở một nơi nào đó.

Một buổi chiều sau buổi làm ở hợp tác xã, Nữ đang đứng ở bến đò chờ ghe thì một thằng bé đến gần rụt rè trao cho nàng hộp giấy nhỏ.  Của chú kia nhờ em đưa cho cô. Cậu ta chỉ vấp vúng được câu nói ngắn rồi vùng chạy biến. Trong hộp là vài cassette nhạc cũ và trang thư ngắn.  Nữ nhìn tên người viết, vội vàng đọc thư, mắt ngời vui. Suốt chuyến đò dọc, nàng nâng niu cái hộp giấy trên tay như một bảo vật.  

Cơm nước xong mà trời chỉ mới vừa sập tối. Người chi mà ác. Còn cả một đêm dài. Nữ chợt thẹn thùng rạo rực với ý nghĩ của mình lúc nhìn bầu trời mùa hè vào đêm thấp thoáng sao xa. Trong bóng tối của giàn mướp sai lá, Nữ cởi bỏ quần áo nhẹ nhàng rưới từng gáo nước lên thân trần. Cảm giác mát lạnh, chậm mà rạt rào trôi xuống chan hòa rồi tan thấm vào nỗi sung sướng không ngờ. Tiếng nhạc vọng nhẹ từ chiếc máy cassette đặt cạnh liếp cửa bếp xao xuyến mơ hồ. Những bài hát Nữ chưa hề nghe qua, ray rứt bồi hồi tiếng tình nhân thầm thì vương vấn từng bước chân tìm kiếm quay về... Ta đi ngóng trông em, trong bóng đêm dài tan. Ngàn tơ vàng chìm lắng, mơ dáng ai về, trong ánh trăng vàng. Như gió đi tìm hướng, như chim nhớ mùa, khát khao tình xưa. Ta níu xin thời gian, đừng cho phai úa, kiếp duyên tình mộng mơ... Ta thiếp đi vì đêm tàn rồi. Bên khúc sông lạnh riêng mình ngồi. Ôm cánh hoa đọng ngát hương môi. Xa vắng cho lòng nhớ xa xôi...(Đợi chờ - Phạm Đình Chương). Tiếng hát ma mị trổi cao mà khắc khoải theo tiếng tây ban cầm bứt rứt chập chùng … Màn đêm mở huyệt sâu. Mộng đầu xin dài lâu. Một vì sao lạ rơi, nghe hồn tê tái trên dòng hương khói bay. Ái ân ơi đừng phụ lòng ta. Nhớ thương sâu xin gởi người xa. Khóc nhau trong cuộc đời. Giấc mơ xưa khăn phủ vành sô. Có yêu nhau ngọt ngào tìm nhau. Chết bên nhau thật là hồn nhiên!... (Dạ khúc cho tình nhân – Lê Uyên Phương).

Nữ thức ngủ chập chờn chờ đợi. Rồi đêm cũng cạn dần theo nửa khuya về sáng. Cô gái đi về phía rặng phi lao trên đỉnh dốc cát. Người đàn ông đã chờ ở đó từ lâu. Ngồi bên nhau trong bóng tối hoang vắng vây quanh, họ thầm thì kể chuyện vui buồn, thành công, thất bại đến với đời mình suốt một năm xa cách.

Đêm chở che và nỗi nhớ ngất trời nên ngôn từ rớt lặng không hay. Còn lại những nụ hôn dài đến tận cùng hơi thở và vòng tay trườn quấn vào nhau cho nhục cảm lên khơi. Cô gái nằm rướn người trên cát, thân sóng dập dồn. Những vì sao nhấp nhô trên trần vai rắn chắc của Tuân phủ lên khuôn mặt nàng rực hồng cơn hạnh phúc trào dâng. Anh thì thầm những lời làm mắt cô gái ríu lại. Tinh sương ngày chưa kịp lên đã vội  buông màn đêm nguyệt tận. Đêm chật ních không gian, choàng kín đôi thân trai gái ghì xiết nhau trong chiếc kén đam mê chẳng một thoát âm.  Đêm mơn man vạt cỏ bồng e ấp nguyên xuân, bãi bờ  thân xác lồng lộng triều dâng đầm đìa cơn xúc động.  Bao mường tượng nhớ nhung của một thời thiếu nữ yêu người quẩy níu sâu ngập vào nhau, khít rịt, tràn đầy. Môi căng trào âm thanh thuở hồng hoang. Mắt nhắm.Gió thì thào tiếng phi lao. Tiếng thời gian.

Sương tan... Người đàn bà trở mình trên ân cần trao thân. Bóng người đàn ông chèo đò qua đầm sông xa vời vợi. Đồi cát lan dần theo hoang liêu, quạnh quẽ bờ phi lao. Cơ hồ tiếng gọi từ một nơi rất xa nghe như tiếng gió mùa thổi lộng nỗi hoài mong. Như tiếng thời gian đi mất, chìm xa, bảng lảng bóng con  tàu trôi trên dòng sông dậy thì vọng hao tiếng sóng. 

Người đàn bà trở về nhà, thẹn thùng bước chân qua giấc mơ và nỗi hạnh phúc của sóng lang thang, xa xôi mà vẫn mãi rạt rào. Hạnh phúc rướn dài qua năm tháng đời người, qua từng bước mộng du ấm ướt vào những sớm mai. Niềm hạnh phúc mong manh mà cần thiết như cảm giác khẽ khàng của cát trôi dài dưới lòng chân đã lay nàng thức dậy. Gió nồng nàn hương muối. Tiếng chim bay lưng trời. Bầy ghe cá đêm khơi trở về. Tiếng người lao xao bến sông. Buổi sáng nở ra thật thà như thân cá bạc còn quẫy mình trong thúng. Nữ vịn tay lên mạn thuyền thô nhám nghĩ về những con cá bị mắc câu vướng lưới ngoài khơi xa giữa đêm trắng lòng ngư phủ. Nàng nghĩ về bầy cá nhỏ quanh quẩn đầm sông mà tội nghiệp cho hạnh phúc nhỏ nhoi tưởng vọng của mình.

Nữ nhớ thương mà biết chẳng thể nào trông. Tuân từ giã nàng đi tuốt xuống vùng sông nước hẻo lánh Cà Mau tiếp tục tìm đường vượt biên. Hơn hai tháng sau ngày Tuân đi Nữ mới nhận được thư anh cùng lúc với giấy báo lãnh quà của chị Nhi. Mừng vui lẫn lộn Nữ rớt nước mắt đọc trang thư khéo viết để qua mắt đám công an bưu chính. Tuân đang sống bình an nơi vùng kinh tế mới ở U Minh Hạ. Nơi xuồng chạy vài giờ trên sông Trẹm mới ra tới chợ có trạm bưu chính nên thơ chẳng đề địa chỉ người gởi. Nữ nhắm mắt mường tượng. Ít ra Tuân đã cho nàng một địa danh nơi chốn để nhớ thương về. Sông Trẹm. Sông Thu. Khoảng cách giữa những dòng sông cũng dài như nỗi nhớ. Thời gian. Chia lìa. Dòng nước lung lay soi bóng người và mịt mờ đâu đó một cửa biển cuối dòng sông nặng lòng châu thổ.

Người đàn bà trao thư thương hại nhìn Nữ lau nước mắt.

- Thư ai vậy cháu ? Gia đình bên đó bình yên chớ?
- Dạ thư của anh Tuân, đang ở Cà Mau. Anh ấy vẫn bình an. Nhưng cháu làm răng mà biết được chuyện chi đã xảy ra từ ngày thư viết tới giờ?

Người đàn bà kéo Nữ ngồi xuống bên mình.

- Cầu mong sao cho cậu ấy ra đi trót lọt bình an. Chẳng biết sao hơn. Trời kêu ai nấy dạ.

Bà chìa tấm giấy báo lãnh quà của mình cho Nữ xem. 

- Cháu coi đây. Hai bác cháu mình lại có dịp đi nhận quà một lần. Rất may là mình không phải vô Sài Gòn nữa. Họ bắt đầu cho lãnh ở Đà Nẵng rồi. 

Hai người ra bến xe từ rạng sớm, thế mà chiếc xe đò ì ạch mãi đoạn đường ba mươi cây số hết gần buổi sáng mới ra tới Đà Nẵng. Thùng quà anh chị gởi cho Nữ chỉ khiêm nhường chiếc máy cassette, một máy chụp hình lạ mắt, vài chiếc quần bò, một số thuốc tây, kẹo bánh, lá thư chị Nhi viết và rất nhiều hình ảnh gởi kèm. Người kiểm soát không hào hứng gì mấy với thùng quà nhỏ bé, hắn hất tay ra hiệu cho nàng.

- Sắp hết vào thùng, khuân ra nhanh ngoài kia đóng thuế, chừa chỗ cho người khác vào.

Tối hôm đó Nữ ở lại nhà người bạn của mẹ trong phố. Mọi người quây quần xuýt xoa bên thùng quà lớn vợ chồng anh Mẫn gởi về cho mẹ và gia đình. Từng tấm hình màu rực rỡ chuyền tay nhau trầm trồ khen ngợi.  Về lại phòng, Nữ táy máy với chiếc cassette một lúc rồi lạ lẫm ngắm nghía hồi lâu chiếc máy chụp hình lấy liền nàng chưa hề thấy bao giờ. Nàng thích thú lật xem từng tấm hình gia đình. Vui tươi bên chồng con, chị Nhi ngày càng đẹp hơn. Nữ bật cười lúc đọc mấy chữ phân bua của anh Dõng viết về khuôn mặt “bệ vệ” của mình.  Hai đứa cháu thì lớn nhanh như thổi. Thằng Bờm với mái tóc bờm dựng đứng kháu khỉnh như một chú ngựa con đang nô đùa với bé Phương trong một công viên có nhiều trẻ con bản xứ tóc óng ánh vàng tơ.

Nữ đọc đi đọc lại bức thư, cố gắng hiểu cho ra mấy câu nhắn tối nghĩa của chị Nhi... “Cháu Bờm rất thích kẹo cao su, em nhớ trao hết cho cháu”.  “Thuốc sửa trị bệnh bao tử, em nhớ nhắc mẹ uống cho hết thì mới có công hiệu”.  Nữ chăm chú nhìn những bịch kẹo cao su và mấy chai thuốc trên bàn. Cháu Bờm ở bên đó lấy đâu mà trao? Mẹ thì đã qua đời... Nữ mừng rỡ reo lên.  Nàng náo nức làm công việc người đi tìm kho tàng. Từng miếng kẹo cao su bọc giấy bạc thơm phức mùi bạc hà được bóc ra. Thuốc sữa đổ hết ra ly chỉ còn vỏ nhựa nhẹ tênh chờ bị cắt đáy.  Chú tâm “đào bới” kho tàng cả giờ mới xong. Xấp tiền đô la vuốt thẳng thớm trên tay, Nữ sảng khoái tự thưởng cho mình thỏi kẹo ngát thơm mùi quế. Nàng làm nhẩm bài tính nhân trong đầu rồi giật mình. Con số quá lớn khiến Nữ bồn chồn lo lắng về những việc phải làm sắp tới. Về thăm quê, nhờ cậu Chấn xuống trông coi việc xây lăng mộ cha mẹ cho kịp trước mùa mưa bão. Chuyến đi xa tìm đưa anh Niên về lại nhà. Nữ tự nhủ phải dồn hết nỗ lực tìm cho ra người anh thất lạc.

Buổi tối qua lúc nào không hay. Nữ đứng một mình trong khoảng sáng mờ bên lan can hiên gác nhìn xuống con phố đêm vắng lặng. Dãy mái phố rêu phong giờ đây là những mảng đen lớn nhỏ không đều chồm chống vào nhau thành chuỗi kỷ hà nhấp nhô gãy đọng bóng tối. Nữ nhìn theo người mẹ trẻ dẫn con quảy gánh hàng rong về nhà sau một ngày dài vất vả. Bóng hai mẹ con quấn quít bên nhau đi qua dãy nhà cửa đóng im lìm rồi khuất sau khúc đường quanh cuối phố. Bước chân trẻ thơ và tiếng cười hồn nhiên còn vẳng vọng lòng đêm. Nữ nghĩ tới mẹ con chị Vê trên bãi sóng Chân Mây và tiếng cười hạnh phúc của họ quyện trong tiếng rạt rào của biển như đang văng vẳng đâu đây. Chấp hết và sống thương đời... Lòng nàng chợt tần ngần tiếc rẻ về một mong ước trễ tràng. Từng ngày  hạ hanh hao trôi qua phả hết nồng nàn vào mùa tình héo trái tương tư.  Còn lại bước chân mộng du và đêm mường tượng bao la. Còn lại cát lạnh bờ lưng và những vì sao bất động xa xăm. Còn lại Nữ ngơ ngác buồn.

Vài cánh dơi chấp choáng bay vào khoảng bóng tối mái nhà bên kia đường. Nữ chợt ước ao phải chi giờ phút này nàng đang ngồi trên đò dọc theo dòng sông đêm trở ra cửa biển. Trở về nằm lại trong căn nhà của mình. Nằm lắng nghe tiếng đêm chờ tinh mơ tới, lãng đãng tiếng bầy chim bay bỏ đầm sông.

(còn tiếp)                 

Phan Thái Yên