SỐ 43 - THÁNG 7 NĂM 2009

 

NHÂN ĐỌC TẬP TRUYỆN “THỜI KIÊU BẠC”
CỦA TÁC GIẢ PHẠM HỒNG ÂN

TIẾT THỊ TRUNG TRINH

Tập truyện THỜI KIÊU BẠC in xong, hình như tôi là người được tác giả trao tặng trước tiên, như lời nhắn nhủ, gửi gấm số phận một tác phẩm.

Số phận một tác phẩm cũng là số phận người lính. Từ lúc chạm trán với chiến tranh, cho tới lúc kết thúc chiến tranh, rồi vào tù, rồi qua Mỹ...sống lay lắt với quá khứ vừa hùng tráng vừa bi thương của mình.

THỜI KIÊU BẠC gồm 13 truyện ngắn, xoay quanh đề tài người lính. Tác giả như vẫn còn ấm ức, vẫn còn tức tưởi về nỗi chiến bại của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Tác giả muốn quá khứ sống lại, muốn nhân loại mở mắt nhìn lại chiến tranh Việt Nam, để cùng nhau phản đối sự phi lý cùng cực, từ những dư luận hoang tưởng.

Tôi đọc THỜI KIÊU BẠC bằng cảm giác hồi hộp, như đang ngồi trên chiến đĩnh với tác giả, trải qua những trận đánh nguy hiểm trên sông. Như ngụp lặn với cơn bão trên biển. Như chìm đắm trong những mối tình lãng mạn thời chiến. Những mối tình ngắn ngủi và mong manh tựa sương khói.

THỜI KIÊU BẠC còn dắt tôi vào các trại tù. Những trại tù bẩn thỉu, chật hẹp, dơ dáy...của chế độ cộng sản. Ở đó, tù nhân bị lùa vào rừng sâu lao động khổ sai. Bị đánh đập tàn khốc. Bị giết chết dã man. Hoặc bị thủ tiêu một cách bí mật.

Thân phận người lính rất gian truân, bất hạnh. Rồi cuối cùng, trôi giạt khắp nơi trên trái đất. Trong THỜI KIÊU BẠC, dù nằm gai nếm mật, trăm đắng ngàn cay, người lính vẫn giữ lòng nhân đạo bao dung, kể cả đối với kẻ thù không đội chung trời. Truyện ngắn VƯỢT TRẠI, cho tôi một ý niệm về tình người, một ý niệm nhân đạo hiếm thấy trong các cuộc thư hùng sinh tử.

Mặc dù chiến tranh đã đi qua. 32 năm rồi. Lịch sử vẫn bị kẻ thống trị, kẻ có thế lực vo tròn bóp méo. Những trang sử trong sạch bị tô hồng hoặc bôi đen. Những trang sử hùng tráng dễ trở thành bi thống hoặc ô nhục. Hãy trả sự thật, hãy trả những điều trung thực về cho lịch sử!

Mặc dù chiến tranh đã đi qua. Những nhân vật như: Cần - lù, Thái – dúi, Các – lu, Thu – đạm...trong MÙA NƯỚC RÚT vẫn bất tử. Những nhân vật biểu lộ đặc tính của mỗi người lính. Những người lính tiếu lâm trong đồng đội, nhưng luôn quyết chiến một mất một còn với kẻ thù ngoan cố.

Trong quyển sách trước, trong thi phẩm : “ THIÊN CỔ BÙI NGÙI ”, tác giả Phạm Hồng Ân có đoạn thơ như sau :

“...Ba sẽ dẫn con ra bìa rừng cũ
Nơi đạn bom ác liệt cuộc giao tranh
Đồng đội Ba – những nấm mồ vô chủ
Thân xác tan, hờn vong quốc chưa tan...”
( Năm năm rời cố xứ – thơ Phạm Hồng Ân)

Rải rác trên quê hương ta, hiện nay, kể cả Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa...còn vô số những nấm mồ tử sĩ vô chủ. Những người lính nằm xuống cho chính nghĩa, chết vẫn chưa yên – đã bị kẻ thù cách ly, cô lập với gia đình, quyến thuộc. Những ngôi mộ bị cầm tù. Những ngôi mộ quanh năm lạnh lẽo, hoang sơ, không nhang khói – như một di chứng đau thương cho tập thể chúng ta :

“...Ta biết anh nằm dưới huyệt sâu
Nghìn năm tức tưởi vết thương sầu
Vết thương bóp nát tim người lính
Máu nhỏ thành tang khắp địa cầu...”
( Bốn năm rời cố xứ – thơ Phạm Hồng Ân )

THỜI KIÊU BẠC, tựu trung, là một quyển sách không thể thiếu được, trong tủ sách của người lính và những người yêu lính.

Muốn có tập truyện trên, xin các bạn liên lạc với tác giả, ở địa chỉ :

Phạm Hồng Ân
4318 – 51st. Street #5
San Diego, CA 92115
hoặc Email : phamhongan@hotmail.com

Trân trọng kính chào.

TIẾT THỊ TRUNG TRINH
( Alexandria, 16/02/2007 )