SỐ 44 - THÁNG 10 NĂM 2009

 

Chuồn chuồn

Thiên nhiên, không gian bên ngoài gồm nắng, gió, mưa, tuyết, trăng, sao, núi, sông, hoa, cỏ... là những hình ảnh gần gũi, quen thuộc, nhưng luôn luôn có  sức hấp dẫn và sự lôi cuốn đối với con người. Đặc biệt là người Nhật Bản, họ còn bị quyến rũ bởi âm thanh của môi trường chung quanh như tiếng chim hót, tiếng thác nước chảy, tiếng kêu của côn trùng... Dân tộc Nhật Bản yêu thích côn trùng nhất trên thế giới. Những côn trùng mà họ yêu thích là: chuồn chuồn, đom đóm và các loại côn trùng mùa thu. Vào những tuần đầu mùa thu, họ thường tham dự những buổi lễ " Liên hoan nghe côn trùng " vào buổi tối: Hàng ngàn người cùng ngồi yên lặng để nghe tiếng kêu của nhiều loại côn trùng.

Con chuồn chuồn chở nắng mùa thu
Chở chiều đong đưa, chở heo may dịu dàng vờn tóc rối
Nhịp ngày trôi rất vội
bỗng ngừng.
Để im lặng ngân rung
Tiếng dương cầm con dế mèn rả rích trong đêm mưa mùa thu ẩm ướt
Bản tình ca rất mượt
và buồn - Vương Thanh Thảo

Đất nước Nhật Bản, quần đảo Phù Tang có cái tên cổ là “ Quần Đảo Chuồn Chuồn “: Akitsu Shima ( Akitsu= chuồn chuồn ). Đối với họ, chuồn chuồn chẳng những là loai côn trùng có ích cho loài người - Chúng tiêu diệt các loại sâu bọ có hại cho cây, các con ruồi, bướm nhỏ, thiêu thân à chuồn chuồn là khắc tinh của muỗi: chuồn chuồn thì ăn muỗi, ấu trùng của chuồn chuồn thì ăn con lăng quăng, miền Bắc gọi là con bọ gậy - Mà còn là loài côn trùng của chiến thắng Kachi Mushi, mang đến điều may mắn.

Hình ảnh chuồn chuồn được chạm, khắc, vẽ... trang trí trên mũ của các võ sỹ, nón của binh lính, biểu tượng của các dòng họ, các vật dụng hàng ngày..., thậm chí ta còn thấy những họa tiết chuồn chuồn trên các chuông đồng Doutaku, là chuông thường dùng cho các nghi lễ, được làm từ cuối thời Yayoi ( từ thế kỷ thứ hai trước công nguyên đến thế kỷ thứ ba sau công nguyên ). Các sử gia thì cho rằng những bức tranh về côn trùng, trong đó có chuồn chuồn, tượng trưng cho lời cầu nguyện về một vụ mùa thu hoạch gấp bội.

Nhật Bản có nhiều sông, suối... nên rất thuận lợi cho các loài chuồn chuồn sinh sôi, có khoảng 200 loài chuồn chuồn với số lượng rất lớn ở xứ sở này - Bài hát Akatombo (chuồn chuồn đỏ) rất quen thuộc với học sinh tiểu học trên khắp đất nước Nhật Bản, do nhạc sỹ Yamada Kosaku sáng tác, được phổ nhạc từ bài thơ của tác giả Miki Rofu, viết về ký ức tuổi thơ đồng quê của mình: Hình ảnh con chuồn chuồn đậu trên cây sào tre là một hình ảnh nông thôn bình dị, đẹp đẽ nhưng cũng man mác buồn.

Yuuyake Koyake no Akatombo
Owarete mita noha itsu no hika...
" Trong ráng chiều, chú chuồn chuồn đỏ. Tôi nhớ ngày nào chị cõng trên lưng Trên cánh đồng năm xưa, tiếng trẻ hái dâu, hái đầy một giỏ mộng mơ. Tôi nhớ chị tôi mười lăm đi lấy chồng, mãi ngóng trông tin tức quê nhà. Trong ráng chiều, chú chuồn chuồn đỏ, đậu mãi trên ngọn sào năm xưa "-  ( Nhất Như tạm dịch ý )

Nhìn tổng quát về hình dáng, chuồn chuồn gồm ba phần: đầu, thân và cánh.

- Hai cánh hai bên giống nhau, dài, mỏng và gần như trong suốt, nhưng rất mạnh, cử động độc lập với nhau, nhờ gân cánh dầy đặc, chằng chịt và rất phức tạp.
-  Thân bụng thon dài, gồm có miệng, râu, hậu môn và cơ quan sinh dục.
- Đầu tròn, khá to nếu so với thân, có hai mắt kép lớn hai bên, có ba cặp chân để bắt mồi dễ dàng ngay trong khi đang bay. Đôi mắt kép của chuồn chuồn do hơn hai chục ngàn đôi mắt đơn ghép lại thành hình cầu. Chính nhờ mắt kép này, chuồn chuồn nhìn rõ được sự vật từ xa khoảng 5, 6m, nhận biết các chuyển động từ 15 - 20 m. Vì vậy, chuồn chuồn có thể cùng một lúc nhìn thấy mọi vật chuyển động xung quanh nó theo nhiều hướng: trên, dưới, trước, sau... chứ không chỉ trước mặt và bên cạnh, nên có động vật nào đến gần là chúng phát giác ra liền.

Chuồn chuồn có cánh thì bay
 Kìa thằng cu Tí giơ tay bắt chuồn
Tí không bắt được Tí buồn
Lặng nhìn theo cánh chuồn chuồn dần xa … - Mai Văn Hoan

Mắt chuồn chuồn nhìn thấy mọi hướng, do đó chúng phản xạ rất nhanh. Người ta nói là chuồn chuồn nhạy cảm và tinh khôn, muốn bắt được chúng không phải dễ dàng, là cả một nghệ thuật. Chuồn chuồn đến mùa bay về đầy, cả đàn, la đà trên đầu, cứ nghĩ là quơ tay cũng có thể chụp trúng được, nhưng dâu đơn giản như vậy! Có hai cách để bắt chuồn chuồn:

- Bắt bằng tay: Phải chầm chậm, nhè nhẹ, rón rén đến gần để chụp cặp cánh của chúng, không được chụp đuôi, vì chụp đuôi quá mạnh sẽ làm đứt đuôi, có khi làm chuồn chuồn bị đau, chúng sẽ gập người, quay ngược đầu lại cắn cho một cú, từ đau điếng đến chảy máu, vì hàm chúng to,  cặp răng như hai gọng kìm sắc. Thông thường chuồn chuồn chỉ cắn người khi tự vệ.
- Dùng những cây que dài, có khi sào tre có trét nhựa thông, nhựa mít ở đầu để làm cho chuồn chuồn bị dính vào, không bay đi được.

Con chuồn chuồn về chơi bên bờ dậu
Cô bé thập thò trốn giấc ngủ trưa
Con chuồn chuồn bay bay đậu đậu
Cô bé giật mình, trời sắp đổ mưa - Lưu Minh Gian

Chuồn chuồn càng khó bắt, càng bay đi xa, đám con nít càng hăng hái chạy theo. Chuồn chuồn thường xuất hiện vào mùa hè là mùa nghỉ học, trẻ em cùng xóm đuổi bắt chúng trong sân vườn nhà, trên bờ rào cây, dọc bờ ao, trên cành cây ...vào những buổi trưa nắng cháy, là trò chơi của phần đông tuổi thơ Việt Nam, ở thành thị lẫn thôn quê, đã lớn lên trong thiếu thốn, tinh thần lẫn vật chất: cái ăn cái mặc còn không có đủ, nói chi đến đồ chơi, là thứ xa xỉ.

Một trời chuồn chuồn một trời hạnh phúc
Hồn tôi trên lưng trên cánh chuồn chuồn
Cánh chuồn chuồn không bay không được
Đang say bay chở thơ ấu tôi về - Ngô Phan Lưu

Trẻ em Việt Nam phải tự tạo ra đồ chơi cho riêng mình; Con gái thì dùng vải vụn, vỏ hộp à chơi búp bê, hái hoa lá chơi bán đồ hàng, thắt dây thun chơi nhảy dây...; Con trai thì đẽo gọt ná bắn chim, thả diều, xếp giấy làm bì, làm máy bay... Hoặc bày ra những trò chơi để chơi với nhau như: bắn bi, tạc lon, trốn tìm, chơi u, nhảy lò cò à Hoặc bắt những côn trùng quen thuộc xung quanh như dế, ve, cào cào, châu chấu, bọ ngựa, đom đóm... và chuồn chuồn.

Em về bầy chuồn chuồn bay về từ tuổi ấu thơ
Cánh đồng tràn ra khỏi khung tranh rào rạt gió,
làn gió nâu thổi dọc lũy tre
Cánh diều căng hun hút khát khao bầu trời trong ánh mắt - Nguyễn Nho Khiêm

Đến chuyện " chuồn chuồn cắn rún biết bơi " được truyền khẩu dài dài trước giờ, để rồi cũng có rất nhiều đứa nhỏ ngây thơ tưởng thật, khi bắt đầu tập bơi chịu cho chuồn chuồn cắn rún đau điếng để mà biết bơi, để mà được lặn hụp ở các ao, rạch, sông nhà; Có khi vết cắn đó còn bị nhiễm trùng thành thẹo!

Tuổi thơ về bên sông nhỏ đìu hiu
Thuở tập bơi cho chuồn chuồn cắn rốn
E ấp rặng trâm bầu tuổi chưa kịp lớn
Hái tặng nhau từng hoa tím lục bình - Trần Kiêu Bạc

CÁC LOẠI CHUỒN CHUỒN

Theo các nhà sinh vật học, chuồn chuồn thuộc bộ côn trùng Odonata, là bộ côn trùng lớn thứ nhì trong các bộ côn trùng, xuất hiện cách đây 285 triệu năm ( dựa  trên sự nghiên cứu các hóa thạch ), chia làm hai nhóm chính: Anisoptera và Zygoptera, có khoảng gần 5000 loài được biết tới  tính đến hiện nay. Chuồn chuồn tiếng Anh gọi là Dragonfly. Cũng như bươm bướm, chuồn chuồn có rất nhiều màu, từ đen, xanh, đỏ, tím, vàng đến các màu kết hợp. Ta có những tên như: Blue Dasher dragonfly, Blue-faced Meadowhawk dragonfly, Red Saddlebags dragonfly, Black Saddlebags dragonfly, Common Green Darner dragonfly, Stripe-winged Baskettail dragonfly, Flame Skimmer dragonfly, Emerald dragonfly à Những tên của các loài chuồn chuồn này nếu dịch ra tiếng Việt thì rất lộn xộn và xa lạ, đòi hỏi một kiến thức để phân loại chính xác, dựa theo tên khoa học bằng tiếng Latin của chúng.
Việt Nam thuộc vùng khí hậu nhiệt đới, cho nên chuồn chuồn phát triển rất đa dạng, có khoảng 200 loài được phát hiện, kích thước từ 10mm đến 40 mm, nhưng tên gọi của chúng bằng tiếng Việt(  là tiếng ở địa phương  mà chúng được khám phá và đang cư trú ) có rất ít, chỉ có vài loài phổ biến, dựa theo nhãn quan gần gũi, thân thuộc của người dân mà thôi.

Bỏ vào khoảng trống
Mấy vụ mùa thơ mảy may hạt
Ít ỏi phù sa
Trên cánh đồng triển hạn
Ai đó cày xới lên sâu thẳm
Làm con chuồn chuồn đói những vần thơ - Lê Hưng Tiến

Chuồn chuồn chúa: Là loại chuồn chuồn to nhất, to gấp 2, 3 lần các loại bình thường, trông rất dũng mãnh. Thân mình chúng đẹp cân đối, cánh mỏng, mắt to, có hai loại:

- Chuồn chuồn trâu màu xanh lá chuối điểm chấm đen dọc thân mình, mắt to đậm như hòn bi.
- Chuồn chuồn chuối màu xanh vàng, có khoang đen như những đường vằn, đôi mắt to đậm gồ ghề  hơn chuồn chuồn trâu, trông như con cọp rằn dữ dội ngang tàng, thường bay cao và đậu ở những nơi như trên cành cây cao, hay trên những cái cọc nghiêng nghiêng ở giữa bờ ao.

Con chuồn chuồn vằn mang những điều kỳ lạ
Với đứa trẻ nào chưa biết bơi
Ôi cánh chuồn chuồn gợi những buồn vui
Cánh chuồn nào bay vào những nỗi nhớ - Xuân Quỳnh

Chuồn chuồn xanh ( chuồn chuồn tương, chuồn chuồn lính ): Là loại chuồn chuồn xấu nhất, nhưng lại có nhiều nhất, chúng màu xanh lá mạ, cũng điểm đen, nhưng đuôi dài, thân mình bằng nửa chuồn chuồn chúa, thường bay chênh chếch trên những đồng cỏ, đám cây, bờ ao …

Lục bình theo dòng nước trôi xuôi
Ghé thương nhớ quá giang màu kỷ niệm
Chuồn chuồn duỗi cánh dài
Khâm liệm
Nhốt lao xao trong hơi đất ấm nồng - Huỳnh Thúy Kiều

Chuồn chuồn ngô ( Chuồn chuồn quan ): Có câu đồng dao về loại chuồn chuồn này: " Chuồn chuồn ngô, cô mày chết, ai đem cơm nếp, cho cô mày ăn ".
Mình ngắn, bay rất nhanh và lâu. Cánh trong suốt, không cuống, không đồng đều, cặp cánh trước hẹp hơn cặp cánh sau, nên khi đậu, cánh của chúng song song và cao hơn thân mình một chút. Chuồn chuồn ngô đậu ở hàng rào, cành cây cao, trên đầu ngọn hoa ngô ( bắp ).
Về màu sắc, chúng có hai loại: Một loại nâu ửng đỏ như màu râu ngô, một loại đỏ màu hổ phách.

Những con chuồn chuồn dời chỗ
Lấp lánh nắng
Bay trên đôi cánh chuồn chuồn đỏ
Nhảy múa trên lưng chuồn chuồn nâu - Yên Khương

Chuồn chuồn ớt: Rất hiếm lại đẹp, thân  nhỏ, màu đỏ rực như trái ớt chín nên nổi bật trong đám chuồn chuồn, trở thành mục tiêu săn đuổi của con nít, nhưng cũng may, chúng bay rất nhanh và rất lâu, dù bay tới bay lui, vẫn luôn giữ được thăng bằng, khó bắt. Khi đậu, đít chúng thường ngỏng lên cao.

Này là những cánh đồng
Này là dòng sông, con chuồn chuồn ớt
Thôi thì tuổi thơ một thời xém tóc
Em để quên nơi góc trời - Hà Thị Hằng

Chuồn chuồn kim: Là loại chuồn chuồn nhỏ nhất ở Việt Nam, thuộc loài cánh hẹp, để phân biệt với loài chuồn chuồn kim cánh rộng, to lớn ( có thể đến 5 cm ), xuất hiện nhiều ở Âu Châu.
Thân mình nhỏ, thon, mảnh như cây kim may. Màu xanh lục lân tinh, có điểm đen và trắng nhỏ li ti. Cặp mắt cách xa nhau. Cánh dài và mỏng, cặp cánh trước và sau giống nhau, nên khi đậu các cặp cánh nối dài và dựng thẳng góc so với thân.
Chuồn chuồn kim ít thấy săn mồi, chúng thường bay la đà trên cỏ như đang trình diễn thời trang, nên rất dễ bị bắt. Con đực đẹp hơn con cái.

Đôi cánh mày bé bỏng
Sao mang nổi bầu trời
Nhỡ mà kỳ giông bão
Núp đâu chuồn kim ơi

Luống cà sang luống bắp
Với con chuồn chuồn kim
Cũng xa bằng hai nước
Biết đâu mà bay lên

Dù đi đây đi đó
Không qua nổi mái nhà
Con chuồn kim đầu ngõ
Như người, đừng đi xa
…- Lê Thị Kim

Còn có các loại chuồn chuồn ít khi thấy như: chuồn chuồn đá màu giống như viên đá vôi xanh, nhỏ bé nhưng hùng hổ; Chuồn chuồn bướm với những đôi cánh sặc sỡ, nhiều màu như cánh bướm, bay nhanh không thua gì chuồn chuồn ớt; Các loại chuồn chuồn thân ngắn, cánh ngắn màu đen nhung, nâu nhung hay tim tím màu cổ vịt...

Ngày xưa có một khoảng trời
Xanh xanh lá nhãn cùng ngồi mộng mơ
Chuồn chuồn đậu xuống trang thơ
Thả con thuyền giấy lạc bờ bến thương - Thanh Trắc Nguyễn Văn

CHUỒN CHUỒN DỰ BÁO THỜI TIẾT

Nhờ đúc kết những điều quan sát về sự thay đổi các trạng thái trong thiên nhiên. Nhờ tích lũy những hiểu biết trong môi trường sinh hoạt hằng ngày, về các biểu hiện khác thường của một số sinh vật, dưới ảnh hưởng của khí hậu, thời tiết... người Việt Nam từ xưa đã có những kiến thức để áp dụng trong cuộc sống, ở nhiều lãnh vực như nông nghiệp, ngư nghiệp và giao thông hàng hải à Họ  để lại cho con cháu những kinh nghiệm này qua cách thức truyền khẩu bằng tục ngữ, ca dao... Chuồn chuồn có mặt khắp mọi nơi ở làng quê Việt Nam, chúng bay lượn tới lui để săn mồi, tìm kiếm thức ăn, gắn liền với mưa nắng, ruộng đồng, vô tình đã trở thành những đài “ dự báo thời tiết “ cho con người, qua các câu: “ Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm “ hay “ Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão “.

Cơn mưa  chiều đã tạnh từ lâu
Trời đằm thắm như chưa hề mưa nắng
Để em bảo lũ chuồn chuồn cánh mỏng
Bay la đà vừa đủ để trời râm - Ngô Thị Ý Nhi

Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm:
Chuồn chuồn đang bay cao trong nắng, chỉ cần vào bóng râm của một đám mây nào đó, là nó phải hạ thấp xuống. Vào lúc sáng sớm, những ngày râm mát, không có nắng, chuồn chuồn bay vừa tầm nhìn hoặc đậu ở các bụi cây. Đó là do trong cơ thể của chúng có nhiều túi khí, khi trời nắng, túi khí nở ra, làm trọng lượng riêng của chuồn chuồn nhẹ đi, chúng bay cao được. Trái lại, trong bóng râm, các túi khí xẹp lại, làm trọng lượng chuồn chuồn tăng lên, chúng nặng hơn, phải bay thấp xuống.
Độ bay cao thấp của chuồn chuồn cũng phụ thuộc vào áp suất của khí quyển, với sự thay đổi thường xuyên những điều kiện về nhiệt độ và độ ẩm trong không khí. Khi sắp mưa, độ ẩm tăng lên cao, những hạt hơi nước nhỏ bé sẽ đọng lại trên cánh chuồn chuồn. Cánh chúng quá mỏng, chỉ cần chút hơi nước cũng đủ làm tăng trọng tải, khiến chúng không đủ sức bay lên cao.

Chuồn chuồn bay thấp
Sấm chớp mưa rơi
Chuồn chuồn bay cao
Lao xao gió nắng
Chuồn chuồn bay vừa
Trời đang dịu mát
Chuồn chuồn đang loan
Bản tin thời tiết - Hoisao

Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão:
Tháng bảy âm lịch, khoảng tháng tám dương lịch, là một trong những tháng chính của mùa mưa bão ở miền Bắc Việt Nam. Vào mùa này, trời hay bị oi nồng lạ thường, trên những khoảng trời ngang tầm mắt, cách mặt đất vài thước, chuồn chuồn bay đầy sân, đầy ngõ, đầy ruộng, đầy ao … Vì những ngày trước bão thường có gió bấc heo may, là gió ở vùng phía trước của bão đang hoạt động ngoài khơi thổi vào, báo hiệu trước. Quả nhiên, mấy ngày sau đó, mưa bão ào ạt kéo tới đất liền.

Gió heo may hôm nay về chăng
Mà chuồn chuồn bay về dăng dăng
Báo cơn bão phương nào thổi tới?

… Mỏng manh thế chịu làm sao nổi
Chuồn chuồn ơi báo làm chi bão tới
Trời bão lên rồi mày ở đâu?
- Xuân Quỳnh

CHUỒN CHUỒN TRONG CÁC CÂU THÀNH NGỮ

Chuồn chuồn là côn trùng gần gũi, thân thiết với con người, ngoài chuyện dự báo thời tiết, đời sống và những đặc điểm riêng của chúng cũng trở nên những thành ngữ quen thuộc trong sinh hoạt xã hội.

- Vốn chuồn chuồn: Đối với những người buôn bán, vốn chuồn chuồn để chỉ vốn liếng quá nhỏ, ít ỏi, không đủ để làm ăn.

Nắng mưa không biết đường lần
Bay cao bay thấp cũng thân chuồn chuồn
Có là tạm, mất là luôn
Dẫu sao thì phận cánh chuồn phải bay- Thu Nguyệt

- Tay bắt chuồn chuồn: Là động tác các ngón tay cứ chụm lại rồi xòe ra nhiều lần, như động tác các ngón tay khi bắt chuồn chuồn, báo hiệu cái chết đang cận kề cho những người bệnh đang mê sảng hay chờ chết.

Bể đời đắng - cay - chua - chát
Vẫn đam mê
Mơ trống bỏi khi già
Tay có bắt chuồn chuồn
Em ơi! Chẳng muốn xa - Đoàn Văn Nghiêu

- Tổ con chuồn chuồn: Để chỉ những sự bí ẩn, khó thể biết được, bởi vì chuồn chuồn không làm tổ, nên không có tổ, chúng lại không ở đâu lâu một chỗ, cứ ngày bay đêm nghĩ, không ai biết chúng ở đâu? Để diễn đạt một sự kiện bí mật nào đó đã được hiểu rõ tường tận, người ta sẽ dùng thành ngữ " Biết tỏng cái tổ chuồn chuồn rồi!".

Chuồn chuồn ớt ngủ giấc trưa
Tìm trong hương cỏ bốn mùa đã xa
Ta về làm khách quê nhà
Tự dưng buồn bật khóc òa vậy thôi! - Linh Phương

Cuộc đời của chuồn chuồn chia làm hai giai đoạn: giai đoạn ấu trùng ở dưới nước, ít ai nhận biết và giai đoạn trưởng thành lên cạn, chỉ vỏn vẹn vài tháng ( 2- 4 tháng ), nhưng chúng hay rày đây mai đó, thoắt đến thoắt đi. Có những ngày chúng kéo nhau tụ họp thành từng đàn, bay rợp đất trời, rồi sau đó biến mất hết. Có lúc chúng ở phía trước, có lúc chúng ở phía sau, khi đậu khi bay, khó bắt khó giữ, như thể " vui đâu chầu đấy ", gợi cho con người cái cảm nghĩ ví von: " Cảnh đời như cánh chuồn chuồn. Khi vui nó đậu, khi buồn nó bay", cũng có dị bản là " Nghĩa nhân tựa cánh chuồn chuồn. Khi vui nó đậu, khi buồn nó bay ".

Không buồn thì nói rằng vui
Không vui thì nói rằng thôi cũng buồn
Chỉ mong chớp bể mưa nguồn
Đem bao nhiêu cánh chuồn chuồn bay đi - Đồng chuông tử

- Chuồn chuồn đạp nước: Chỉ tính cách hời hợt, qua loa, không chú tâm khi làm việc gì.
Vào những ngày cuối mùa xuân nắng đẹp, chuồn chuồn bay đầy trên mặt ao, đậu ở ven sông, lâu lâu lại lao xuống, cắm thẳng đuôi xuống nước, đó là hình ảnh chuồn chuồn đạp nước, trên thực tế, đó là động tác đẻ trứng của chuồn chuồn cái.

Thiết tha ơi, về vén mạng sương mù
Nắng trong suốt mắt dòng sông trong suốt
Xuân ở lại cùng xóm quê thân thuộc
Ai như cánh chuồn chuồn đạp nước rồi bay! - Nguyễn Ngọc Hưng

Chuồn chuồn hay ở những vùng ẩm thấp, gần hồ, ao, suối, đầm... vì ấu trùng của chúng sống trong nước. Chuồn chuồn đẻ trứng vào đất bùn, trên mặt nước hay trên những cành lá của thực vật thủy sinh gần nước, sống bằng chất dinh dưỡng chứa trong trứng.

Ít lâu sau, trứng nở ra ấu trùng, hình thù không giống chuồn chuồn chút nào, thân nhọn, không có cánh, có ba cặp chân, trông giống con rận, càng lớn mình nó càng đen, có gai, bụng lép kẹp, người dân quê miền Bắc gọi là con biu bíu. Chúng hô hấp bằng mang. Thức ăn là phù du, sinh vật nhỏ trong nước, nhất là lăng quăng. Tốc độ tăng trưởng của ấu trùng tùy thuộc vào nguồn thức ăn mà chúng kiếm được, từ 100 ngày đến 2, 3 năm ( tối đa là 5 năm ), với khoảng 9 -14 lần biến thái.

Đến lúc sẵn sàng, ấu trùng leo lên những càng lá nhô lên khỏi mặt nước, hong mình cho khô, lột xác biến thành chuồn chuồn. Chúng hô hấp bằng khí quản, thông với bên ngoài nhờ các lỗ nhỏ hai bên than. Nhờ các động tác hô hấp này, đôi cánh mỏng của chúng lớn dần, nhờ luồng không khí bơm vào gân cánh. Vài giờ sau, chuồn chuồn bay lên lần đầu tiên trong đời. Phải mất một ngày chuồn chuồn mới cứng cáp hoàn toàn, và có màu sắc đầy đủ của một con chuồn chuồn trưởng thành trong một tuần đến mười ngày.

Chuồn chuồn bay chuồn chuồn bay
cánh hát gì thế nhỉ?
tiếng kêu vang loài cỏ cô đơn
con đường bay cánh đồng trắc ẩn
thương nhớ mùa xuân bồng bềnh - Thanh Tuyền

- Phận mỏng cánh chuồn: Để ám chỉ những con người có số phận hẩm hiu, bạc phước hay số kiếp ngắn ngủi, mong manh, lấy ý từ hai câu thơ của Thúy Kiều than thân phận mình trong Đoạn Trường Tân Thanh của thi hào Nguyễn Du: " Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn. Khuôn  xanh biết có vuông tròn mà hay".

Gió lùa vách lá tê da
Hạt mưa buốt sợi cứa qua nỗi lòng
Thương em phận mỏng cánh chuồn
Làm thân cây đước sóng cồn vây quanh
- Phù Sa Lộc

 ĐÔI CÁNH CHUỒN CHUỒN

Trong thế giới côn trùng, chuồn chuồn thuộc loại có hạng về khả năng bay nhanh và xa, do cơ thể nhẹ, và nhất là nhờ các cặp cánh - Các bắp thịt liên quan đến cử động vỗ cánh ở trên lưng và ngực chuồn chuồn rất phát triển. Hai đôi cánh dài, khi bay thì hai cánh trước hơi hướng về phía trước, trong khi hai cánh sau hơi hướng về phía sau, cho nên chúng có thể tiến lên phía trước hay lùi lại phía sau thoải mái, giúp chúng có thể ngừng lại bất cứ lúc nào cũng được.

Chuồn chuồn có thể bay đứng tại chỗ, vút lên cao, hạ xuống thấp, rồi vụt bay thẳng mà vận tốc có thể từ 0 tăng lên 40 km/ h. Chúng chuyển động đột ngột một cách dễ dàng, là nhờ không bị ảnh hưởng bởi một yếu tố vật lý quan trọng là gia tốc. Các khoa học gia nghiên cứu đôi cánh chuồn chuồn để áp dụng vào cấu trúc cánh máy baykỹ thuật lên thẳng của trực thăng, với cánh hình quạt.

con chuồn chuồn đáp xuống
vỡ một vùng chiêm bao
những mái ngói trở mình
từng viên từng hư hao - TTSH

Ở Trung Hoa, hơn 1400  năm trước, dựa vào cử động bay lên thẳng của chuồn chuồn, mà người  ta chế tạo ra một món đồ chơi gọi là chuồn chuồn tre - Dùng những mảnh tre vót mỏng mhư hình cánh chuồn chuồn, ở giữa khoan một lỗ, cắm vào một trục tre. Khi chơi dùng hai bàn tay kẹp trục xoay mạnh, chuồn chuồn sẽ bay thẳng, lượn trên không trong một thời gian ngắn.

Tại Việt Nam, người ta cũng chế tạo những con chuồn chuồn đồ chơi bằng tre, gỗ, lá dừa hay kim loại … là những sản phẩm thủ công rất tinh xảo, nhìn bắt mắt, được bày bán ở lề đường, trong các tiệm bán quà lưu niệm.

Dí vào giấc mơ đôi cánh chuồn chuồn
la đà cỏ bồng bềnh mây trắng - Nguyễn Hàn Chung

 Bắt đầu từ thời nhà Hậu Lê cho đến nhà Nguyễn, tất cả các quan văn, từ nhất phẩm đến chánh thất phẩm, đều phải đội một loại mũ mà hai bên có hai tai ngang dài, gọi là mũ cánh chuồn- Mũ này phía ngoài bọc vải, dát kim tuyến, tùy theo cấp bậc mà được đính nhiều hay ít vàng bạc, đá quý …, phía trong và hai cánh chuồn đan bằng lưới sắt - Mũ cánh chuồn còn gọi là mũ ô sa. Khi đội, hai cánh chuồn phải theo đúng luật: Hơi hướng về phía trước, không được tự ý làm ngang hay lệch đi.
" làng nhiều mũ cánh chuồn": làng có nhiều người thi cử thành đạt, làm quan cho triều đình.

Gió lay một nửa cánh chuồn
Lá thu một nửa nỗi buồn
Nửa thôi …- Thanh Trắc Nguyễn Văn

Ngoài ra, Ở Việt Nam còn có một loại hoa khá đẹp, xuất hiện nhiều nơi trên thế giới, rất đa dạng, thuộc họ hoa Cúc ( Asteraceae ), tên khoa học là Cosmos bipinnatis Cav, được gọi là hoa chuồn chuồn, hay còn là cúc chuồn chuồn, hoa cánh bướm, hoa sao nháy.

Ngày tôi về những cánh hoa mỏng bay như chuồn chuồn bay thấp
Mắt em dấu những cơn giông mọng nước
Cặp môi sinh tắc nghẽn tiếng ru hời
Và bàn tay chợt tuột khỏi vành nôi
Mình nhìn nhau một lời không dám hỏi
- ( ST )

 

CÁNH CHUỒN TRONG THƠ VĂN

Chuồn chuồn đậu trước hiên nhà, chuồn chuồn đậu trên nhánh lúa, chuồn chuồn đậu lẫn trong đám lục bình dưới aoà Chuồn chuồn bay thấp sàn sạt trên ngọn cỏ cao, chuồn chuồn giật mình chấp cánh bay lên khi có bàn chân người bước trên bờ cỏ, chuồn chuồn khẽ nghiêng mình chao đi chao lại trên mặt nước à Tất cả những hình ảnh đó đã mang màu sắc vào những bức tranh, mang thi vị vào những lời thơ, ý nhạc, bài văn à Con chuồn chuồn nhỏ bé hồn nhiên lạng lách, khi đậu khi bay, đi vào thi ca.

Chuồn chuồn vui đậu trên nhành lúa
Để lại bay đi lúc kịp buồn
Điệu hát nào lan man vướng vất
Như hơi ẩm mục mặt hồ sương - Tô Thùy Yên

Đôi cánh chuồn chuồn tuy mỏng manh, yếu ớt, nhưng nó mang trên mình một hồn quê diệu vợi, chất chứa những kỷ niệm sâu sắc của tuổi thơ nơi miền thôn dã. Con chuồn chuồn của đất trời bay thấp bay cao, tái hiện những hình bóng của ngày xưa, gợi lại những ước mơ của một thời bé dại. Những vui buồn, những tiếc nhớ cũng về theo cánh chuồn chuồn - " Chuồn chuồn bay thấp thì thương, bay cao thì nhớ, bay vừa thì yêu ".

Đầu mùa nắng dứ
Hạt mồng tơi rơi kệnh đất

nghe trời
Chuối con gái vội hong
búp lụa
Cánh chuồn chuồn lia từng
bóng râm con.- Phùng Cung

Thường vào tiết Hạ chí, hoa sen ở hồ, ở đầm bắt đầu nở. Mùa sen nở hoa cũng là mùa chuồn chuồn sinh nở. Chuồn chuồn bay thành từng đôi không rời, quấn quýt bên nhau, nhất là vào buổi chiều, hàng đàn chuồn chuồn bay là đà che phủ mặt nước.

Vào buổi sớm mai, trong không khí yên lành, vài con chuồn chuồn bay tới đậu trên lá sen phơi nắng, rồi không nhúc nhích như đã ngủ quên! Nắng đầu ngày rọi chiếu qua các đôi cánh mỏng tang, trong suốt, nổi lên những đường gân óng ánh của cánh chuồn chuồn một màu trời xanh biêng biếc. Một cơn gió nhẹ thoảng qua, mặt nước hồ khẽ lay động, những giọt sương đọng lại trên lá sen lăn nhè nhẹ, rồi vỡ ra lấp lánh, làm con chuồn chuồn sa chân như ngã xuống, nó hốt hoảng bay lên! Đó là những nét chấm phá làm nên một bức tranh sinh động của thiên nhiên.

Đầm nước mùa hè vắng lặng
Con chuồn chuồn đậu trên lá sen
Sưởi nắng mai …- Trần Hữu Dũng

" Những con chuồn chuồn kim đít đỏ vô ưu. Vòng đời ngắn ngủi và một cuộc sống vô tư của loài sinh vật biết bay, đã khiến bao kiếp phù sinh thèm khát. Đôi cánh mỏng bay hoài, bay mãi trong nắng mai lấp lánh. Cuộc rong chơi không cần bất cứ một nhu cầu nào, kéo dài cho đến khi những mắt kiếng màu ánh sáng trên đôi cánh mỏng rách toang, và linh hồn bé nhỏ của chuồn chuồn kim thảnh thơi bay về phía ánh sáng "- Nguyễn Xuân Hoàng

Về những buổi chiều ngập nắng và gió
Về những bình minh dịu dàng mùi cỏ
… từ một miền đất nào xa xăm …
Có con chuồn chuồn thương cái nắng miền Nam
Bay cao cao mãi lên vòm xanh tít tắp - Tạ Thanh Lan

" Hối hả chạy ùa khỏi cổng trường giờ tan lớp, tuổi thơ đi bắt nắng. Bắt cánh chuồn chuồn và bắt thinh không khi chuồn chuồn lách cánh bay đi. Bàn tay nhỏ dại ôm đầy vũng nắng. Vốc nắng vào tóc nuôi lãng mạn lớn. Bỏ lại ngôi trường, bỏ lại những con đường cũ. Còn hay mất, đời là cuộc bắt nắng dài. Một vài điểm mốc cho ta ngừng lại ngắm nhớ "- Vũ Hoàng Thư

tay thập thò
cánh chuồn bay
bắt nắng …- Vũ Hoàng Thư

Tuổi thơ đi bắt chuồn chuồn hay bắt nắng để khởi đầu cho một cuộc bắt nắng dài - Từ vấn đề có thể và không có thể đều có thể xảy ra, mang đầy tính cách suy tư của hình thể hữu hạn là chuồn chuồn cho đến vô hạn là nắng của thi sỹ Vũ Hoàng Thư, con chuồn chuồn và nắng lại trở thành một hình ảnh mới, không giống với những hình ảnh cổ điển trước giờ, mang tính chất siêu thực, trong sự sáng tạo của thi sỹ Hoàng Cầm như sau:

Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc
Chiều xưa giẻ quạt voi lồng
Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc
Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông.

Qua từng ba câu thơ haiku của thi sỹ Trần Hữu Dũng và thi sỹ Vũ Hoàng Thư đã trích dẫn ở trên, ta thấy hiện nay các nhà thơ Việt nam đang bắt đầu thử nghiệm sáng tác thể thơ mới này bằng Việt ngữ .

Thơ haiku là loại thơ ngắn nhất trên thế giới, mỗi bài có ba dòng, chỉ gồm 17 âm, không cần vần điệu. Trong thơ, hình ảnh và ngôn ngữ diễn tả được rút gọn đến mức tối đa, đưa thẳng con người vào cái " sát na " đang nhìn ngắm, chiêm ngưỡng, để hội ngộ với sự vật, không cần dài dòng, không có ẩn dụ, so sánh … Thơ quá ngắn cho nên người đọc cần có tâm hồn thanh thản để có thể suy tư rộng thêm. Muốn hiểu thơ haiku phải hiểu cách suy nghĩ và diễn tả chịu nhiều ảnh hưởng Thiền ( Zen ) của người Nhật.

Thi sỹ Matsuo Basho ( TùngVỹ Ba Tiêu /1644-1694 ) là kết tinh đặc sắc của tâm hồn Nhật Bản qua thơ haiku. Hình ảnh con chuồn chuồn bé nhỏ, bình thường cũng được gặp trong thơ của Basho để mô tả mùa thu trong bốn mùa của thiên nhiên.

Trên đầu gậy thiền sư
Con chuồn chuồn
Thiu thiu ngủ
Hay là:
Con chuồn chuồn
Đậu mãi mà không được
Trên ngọn cỏ gió rung

Ta thấy ở đây con chuồn chuồn kiên trì vượt qua gian nan để tồn tại, qua việc cố bám víu cho được trên ngọn cây cỏ rung rinh trong gió - Nếu Việt Nam có thể thơ lục bát, Đại Hàn có thơ sijo, thì Nhật Bản có thơ haiku để tiêu biểu cho văn hóa xứ họ, là một sáng tạo đáng tự hào.
Ta cũng không thể quên hình ảnh con chuồn chuồn trong thơ Đường của Trung Hoa, qua bài Xuân từ của Lưu Vũ Tích, một thi gia nổi tiếng thời Trung Đường, để mô tả nỗi cô đơn của những thiếu phụ sống trong cảnh chiếc bóng, quạnh quẽ:

Tân trang nghi diện hạ châu lâu,
Thâm tỏa xuân quang nhất điện sầu.
Hành đáo trung đình sổ hoa đóa,
Tình đình phi thướng ngọc tao đầu.

Dịch Nghĩa:
Vừa trang điểm xong, nàng bước xuống lầu son.
Cả một viện đều buồn, vì cảnh xuân bị khóa kín.
Nàng đi đến sân trong, đếm những bông hoa;
Chuồn chuồn bay lên trên chiếc ngọc tao đầu.

 Trong thi ca Việt Nam, hình ảnh con chuồn chuồn thường xuất hiện trong thơ của một thi sỹ với cái phong cách rất đặc biệt, để chính tác giả phải nói:“ Thơ tôi làm ra là để tặng chuồn chuồn châu chấu, xin các ngài học giả hãy xa lánh thơ tôi ” ( Thi Ca Tư Tưởng ). Đó là trường hợp của Bùi Giáng, người tự gọi mình là " trung niên thi sỹ ".
" Bùi Giáng là một hiện tượng nổi bật của văn học miền Nam nói riêng, cả nước nói chung gần nửa thế kỷ qua. Ông được biết đến không chỉ ở tài thơ lẫy lừng, sự quảng bác, trí năng quán thế của mình, mà còn ở chính con người, đời sống phiêu hốt đến kỳ bí có một không hai trong lịch sử Việt Nam. Tên tuổi Bùi Giáng gắn liền với những giai thoại, vô số những giai thoại, chắc chắn nhiều thế hệ sau này sẽ còn nhắc đến “- Thư Tòa Soạn Hợp Lưu Xuân Kỷ Mão 1990

Nằm giữa phố giữa trưa tôi vẽ bóng
Con chuồn chuồn cuối hạ đón đầu thu
Con châu chấu cuối thu về lóng cóng
Sắp sang đông từ giã nguyệt hư phù ( Bài thơ hay nhất )

Về bản thân mình, Bùi Giáng tự họa:Nhe răng cười trong bóng tối...không bao giờ bắt chuồn chuồn mà cứ bảo rằng mình luôn luôn bắt chuồn chuồn... Không thiết chi đọc sách mà vẫn cặm cụi đọc sách hoài... Chán chường thi ca mà cứ làm thơ hoài... Chuốc sầu vạn đại thì bảo rằng mua vui cũng được một vài trống canh.”

Ấy mộng đời đi với mộng rồi
Trời ơi trăng rớt ngó trăng rơi
Con ruồi con kiến con châu chấu
Bươm bướm chuồn chuồn cũng thế thôi
( Nhe răng )

" Những bài thơ chuồn chuồn châu chấu của ông (Bùi Giáng tự gọi mình như thế) quả thật là có ý nghĩa. Nó bay nhẹ vi vu quả có đúng như là phận mỏng cánh chuồn. Vào những buổi sáng mùa đông lạnh lạnh ở Trung Việt, vào những buổi chiếu mùa thu ở Bắc Hà, hình bóng những con chuồn chuồn bay lượn cuối ngõ, đầu sân, quả thật là tha thướt. Đôi phen cái tiết điệu riêng biệt ấy cũng còn tái hiện trong đôi vần phồn hoa, mặc dù ở phồn hoa không bao giờ có chuồn chuồn bay vòng múa lượn ". ( Đi vào cõi thơ )

Lá cồn khe khẽ nỗi buồn
Trần gian tưởng niệm cỗi nguồn tương lai
Ngồi bên bến, tựa gốc cây
Ngó chuồn chuồn lượn đầu ngày đầu hôm
(Chuyện Chiêm Bao một)

Để giải thích thắc mắc cho mọi người về " thơ ca chuồn chuồn châu chấu " của mình, thi sỹ Bùi Giáng đã có lời như sau:
" Bay lơ lửng loanh quanh, ấy là con chuồn chuồn. Bay mà cũng như không bay, ấy là con chuồn chuồn. Khiến người ta nhớ nhung mà chẳng rõ nhớ nhung cái gì, ấy là con chuồn chuồn. Hiện diện gần gũi mà xa vắng như trong lớp mù sương, ấy là con chuồn chuồn. Xa vắng thơ ngây hơn cả mây hay hạc lánh, ấy là con chuồn chuồn.(...) Vô khả vô bất khả, ấy là con chuồn chuồn. Mang vô lượng a tăng kì kiếp về trong mỗi sát-na, ấy là con chuồn chuồn. Mười phương quốc độ đi vào một lỗ chân lông, ấy là con chuồn chuồn. (...) Làm thơ hay hơn ông Nguyễn Du, ấy là con chuồn chuồn. Làm thơ dở hơn ông Nguyễn Du, ấy là con chuồn chuồn. Chẳng còn biết sao gọi là hay, sao gọi là dở, ấy là con chuồn chuồn. Dở tức là hay, hay tức là dở, ấy là con chuồn chuồn. Hữu tức thị vô, vô tức thị hữu, hữu thị bất-hữu-đích-hữu, vô thị phi-vô đích-vô, ấy là con chuồn chuồn. Có tức là không, không tức là có, có tức là có-chẳng-có, không tức là không-chẳng-không, ấy là con chuồn chuồn. Ăn nói tục tĩu, ấy là con chuồn chuồn. Vì tục mà nên tiên, vì tiên mà nên tục, ấy là con chuồn chuồn. Tối-huyễn cố tối-chân, tối-chân cố tối-huyễn, tối-huyễn thị bất-tối-huyễn, tối-chân thị phi-tối-chân-đích-tối-chân, ấy là con chuồn chuồn..."- (Ngày tháng ngao du )

Những dòng thơ nối dòng đi rất xiết
Đã trở về mấy bận với trang buồn
Người ngồi đây ngó mây trôi biền biệt
Lơ thơ bay loáng thoáng cánh chuồn chuồn
( Nhớ Tố Như )

” Lấp lửng bay như cánh chuồn chuồn, thoắt một thoáng chao cánh gói gọn sự xao động của trời và đất...Mai này khi mà tên tuổi... mục nát vào hoa cỏ, thì trên đồng xanh vẫn còn bay lượn một đôi cánh chuồn chuồn. Bao nhiêu danh sĩ về thiên cổ, sót lại thi ca một vượn người. Bởi vì chính cái phần hạt nhân vượn người bơ vơ trơ trọi ấy, duy có ông chứ không ai khác đủ phẩm cách để tới tận nơi cưu mang, làm chốn nương tựa cho nó đi về trong cõi thi ca " - Lê

gió bạt mười phương, trời đất biết
vườn hoang mang, rợp lũ chuồn chuồn
trùng trình, chiều xuống trên đầu cỏ
ta ngồi hiu hắt bóng dài ra - TTSH

Trở lại với thi sỹ Basho và thơ haiku của Nhật, nhà thơ có một giai thoại rất thú vị, xuyên qua hình ảnh con chuồn chuồn đỏ, đó là hai bài thơ của Basho và đồ đệ ông, Kikaku( có dị bản viết là của Basho và tướng quân Yoda ). Một hôm, lúc Kikaku và ông băng qua cánh đồng, trông thấy những con chuồn chuồn đang lao vụt, đã làm một bài thơ :

Hỡi chuồn chuồn đỏ
Đôi cánh rứt
Ồ những trái ớt

Và Basho đã sửa thế này:

Những trái ớt son
Đôi cánh chắp
Tung tóe lũ chuồn chuồn

 Những động từ rứt cánh, chắp cánh chuồn chuồn đỏ trong hai bài thơ trên làm ta nhớ đến trò chơi đuổi bắt chuồn chuồn của những đứa trẻ. Có những đứa bắt được chuồn chuồn ngắm nghía, vọc phá chúng một chút rồi trả tự do cho nó. Có những đứa lại bày ra nhiều trò rất " quái ác " đối với những sinh vật nhỏ bé này:

- Dùng dây, chỉ buộc đồ vật vào đuôi chuồn chuồn để nó bay lên một cách khó nhọc, có khi còn bị đứt luôn đuôi.
- Ngắt đuôi, cắt giấy màu cho tua ra, se nhọn một đầu, nhét vào ruột chuồn chuồn, thả cho nó giãy giụa bay lên, nhìn giấy bay lượn giữa trời mà thích chí!
- Vặt trụi chân rồi thả chuồn chuồn ra, chúng bay một hồi mỏi cánh, không còn chân bám để đậu, ngã lăn ra, rớt xuống đất.
- Chọc thủng mắt chuồn chuồn rồi thả cho chúng lộn nhào thảm hại trên những cánh đồng, vì mất phương hướng rồi.
- Bẻ hết cánh cho chúng khỏi bay, chuồn chuồn bấy giờ chỉ có thể ngoặt lên ẹo xuống, đó chắc là cách " bắt chuồn chuồn đi tu " mà ca dao có nhắc đến !!!

Chuồn chuồn đau đớn, ngắc ngoải một hồi rồi mới được chết, một cái chết oan ức! ( Dù biết rằng cuộc đời của chuồn chuồn thay đổi tùy loài, chỉ vỏn vẹn từ vài tuần đến bốn tháng. Dù biết rằng chuồn chuồn còn là mồi của chim, nhện.) Không biết rồi những đứa trẻ đó lớn lên, có bao giờ suy nghĩ lại để biết xót thương, biết hối hận về việc thản nhiên hành hạ, giết chết các sinh vật chỉ vì sự tò mò hay niềm ham vui chốc lát của mình ngày trước?

Ơi con chuồn chuồn bé nhỏ
Đừng đậu quanh quẩn bờ ao
Hãy dang đôi cánh rộng
Bay đi
Bay đi …- Kiều Anh Hương

Ta ngẫm nghĩ lại câu: “ Nhân chi sơ, tính bản thiện “ của ông Khổng Tử, và chắc phải nghiên cứu trong cuốn “ Nghiên cứu phân tâm học “ của ông Sigmund Freud để tìm hiểu nguyên nhân tâm lý chi phối trò chơi của trẻ em quá!? Vì ông có viết trong tiểu luận “Huyễn hoặc và sáng tạo thơ ” như sau:

“ Sự quan tâm ưa thích và mạnh nhất của trẻ em là chơi. Mọi đứa trẻ khi chơi, như một nhà thơ, ở chỗ nó tạo ra cho mình một thế giới, hay nói chính xác hơn, nó chuyển dịch những đồ vật của thế giới nó đang sống sang một trật tự mới phù hợp với mình. Sẽ rất bất công khi nói nó không cho thế giới này là thực, trái lại, nó rất coi trọng việc chơi của mình, để nhiều tình cảm vào đó ".

Dù không võ đoán, nhưng để một đứa trẻ biết quan tâm tới với loài vật, với đồ vật và những sự việc xảy ra bên ngoài cuộc sống của nó, phải nhờ từ gia đình. Một đứa trẻ có thể được hay bị dạy dỗ để trở nên vui thú với những trò chơi lành mạnh hay ác độc. Sigmund Freud cũng thừa nhận vai trò không thể thiếu được của gia đình trong sự phát triển của đứa trẻ.

cánh chuồn chuồn mỏng manh
kéo về cơn mưa bão
trái tim người có mỏng manh chăng ?- TTSH

Trái tim người có mỏng manh chăng ? Có lẽ vậy, trái tim con người ngày nay không còn như trước nữa, nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Điều này làm ta phải suy nghĩ rất nhiều, nhưng viết về con chuồn chuồn, nên ta có thể giới hạn chung quanh sinh vật này cho dễ dàng!

" Đành rằng bây giờ phố xá, hẻm ngõ dạo này sạch sẽ hơn, được tráng xi măng nhiều, không có nước, rác tù đọng nên một số nơi không còn hoặc trở nên hiếm hoi những con vật gây khó chịu như ruồi, muỗi, gián, để có thể ngủ không giăng mùng, ăn không đuổi ruồi, ai chẳng thích. Nhưng có một điều gì không ổn chung quanh ta, ở xa phía chân trời. Rừng đã lùi xa từ lâu lắm rồi. Những khu vườn, những rẫy hoa màu nhường chỗ cho nhà máy, khu công nghiệp. Và từ đó, sông rạch đón nhận mọi thứ hỗn độn từ những khu công nghệ cao sang trọng. Cá tôm ngắc ngoải, bụi bờ lau lách trụi lủi, không khí tù đọng mùi khói công nghiệp, hóa chất... lấy đâu ra chuồn chuồn ớt, chuồn ngô, chuồn kim, dế mén, dế nhủi... mà bay vào nội thành. Nhưng chúng cần thiết gì cho cuộc sống đâu? Có thể như vậy, nhưng sự hiện hữu của chúng thể hiện một thiên nhiên, một môi trường sống tốt tươi, trong trẻo. Mà trong đó, ta cùng những sinh vật li ti cùng thụ hưởng..."- Phạm Công Luận

Bây giờ trẻ con không hát đồng dao nữa
Cũng quên luôn tiếng sáo thả lưng đồi
Tôi trở về con chuồn kim bậu cửa
Cánh chạm vào ký ức tuổi thơ tôi
Bây giờ câu lục bát cũng mồ côi
Chị tôi ru con bằng giàn hi fi cực ấm
Cháu tôi như lúa đòng đòng còn ngậm
Sẽ lớn lên bằng bài hát xứ người - Trần Đình Thọ

Con người vốn hình thành từ thiên nhiên, phát triển từ thiên nhiên và tồn tại từ thiên nhiên, có nghĩa là từ thiên nhiên, con người chế tạo sản phẩm cung cấp cho các nhu cầu trong đời sống hàng ngày của mình. Con người là một phần của thiên nhiên, nhưng do tiến hóa quá xa hay tự mình rời xa, mà đã đánh mất dần những bản chất nguyên thủy rồi!

Thiên nhiên là nơi biểu hiện tình yêu quê hương, đất nước, gia đình, người thân... Thiên nhiên chẳng thay đổi, chỉ có lòng người thay đổi với thiên nhiên mà thôi! Tình yêu thiên nhiên được thể hiện ở mọi cung bậc, nhằm tái táo sự hiện diện của con người và cuộc sống.
Sống trong một xã hội đang ráng phát triển, rất nhiều con người Việt Nam chỉ biết hiện tại, để vô tình quay lưng lại với thiên nhiên, để rồi không còn thấy nữa những trò chơi, để rồi những sinh vật, những côn trùng ngày thơ dại ngày càng vắng bóng... Đó là một phần ký ức của thời tuổi thơ đã xa vĩnh viễn của mỗi chúng ta, mà bây giờ nhớ lại, không khỏi bâng khuâng. Thế hệ trước không giữ gìn, bảo vệ, duy trì, để mất đi thì còn gì để lại cho các thế hệ sau!


Xuân Phương

Nguồn tham khảo :
Sách Tạp bút Hồn Mai - Nguyễn Xuân Hoàng
Tản mạn Gọi Nắng - Vũ Hoàng Thư, Văn Nghệ Biển Khơi số 39 / bienkhoi.com
Tuyển tập về nhà thơ Bùi Giáng- Hợp Lưu / quangduc.com
Bùi Giáng -Lê /petalia.org
Bầy gà, bọ rùa và những con ốc bé - Phạm Công Luận / luanvy.com

Về soi trong chiếc lá xanh
Thấy mênh mông tuổi thơ mình bình yên
Nắng rơi ấm gió bên thềm
Chuồn chuồn cánh mỏng cong miền ca dao - Lương Đình Khoa

Mây mưa vần vũ thượng nguồn
Câu thơ nào phải cánh chuồn đậu bay
Anh đi mặc nắng cho ngày
Em về cởi lụa trắng đầy vào đêm - Nguyễn Trọng Tạo

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2009