SỐ 44 - THÁNG 10 NĂM 2009

 

NGHĨ VỀ HAI CHỮ H.O.

                                                                                    vì đâu có vụ H O
đưa người tù Zết đến bờ tự do (1)

     Hiện nay theo thông tin mới nhất, số người Việt hải ngoại lên đến trên dưới ba triệu. Thành phần này gồm có (1) người thuộc các gia đình ra nước ngoài theo diện di tản năm 1975, còn gọi là tị nạn chiến tranh, (2) diện vượt biên từ miền Nam, miền Trung cũng như miền Bắc, (3) diện đoàn tụ gia đình, (4) diện hôn nhân, (5) diện con lai, (6) diện sinh viên du học hay du khách có điều kiện xuất cảnh rồi ở lại quốc gia mình đến, (7) diện nhân viên ngoại giao, và (8) diện HO dành cho những cán bộ quân dân chính miền Nam bị tập trung cải tạo từ ba năm trở lên. Vì có thời gian bị giam cầm nên có thể nói ai trong diện HO là những người bị trục xuất ra khỏi nước Việt Nam vì lý do an ninh nội chính.

Tính từ đầu, chương trình HO không nằm trong chương trình ODP (Orderly Departure Program) còn được gọi là Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự. Chương trình này  nhằm giúp những người di tản năm 1975 được đoàn tụ với thân nhân của họ còn bị kẹt lại Việt Nam,  đồng thời đưa những trẻ con lai Mỹ-Việt từ Việt Nam sang Mỹ. Như vậy thì chương trình HO được ghép vào ODP từ bao giờ?

Theo tin tức thu thập được thì việc khai nguyên của chương trình HO nằm trong nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng Thống Ronald Reagan, vị Tổng Thống Hoa Kỳ thứ  ba sau khi miền Nam sụp đổ. Hai vị trước là Gerald Ford (1974-77) và Jimmy Carter (1977-81). Nhìn đó thì thấy những người tù miền Nam đã bị bỏ quên trong 12 năm -từ 1975 đến giữa nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng Thống Reagan là 1987. Sự bỏ quên này cũng như sự nhớ lại đều có lý do riêng của nó.

      Như chúng ta biết, khi Tổng Thống Richard M. Nixon bị ép từ nhiệm ngày 9 tháng 8 năm 1974 do hậu quả của vụ Watergate thì người lên thay là ông Gerald Ford. Không phải là Tổng Thống dân cử, khi ngồi vào Nhà Trắng, ông Ford có nhiệm vụ kết thúc việc có mặt của người Mỹ tại Việt Nam đồng thời thu gọn hệ quả của việc rút lui đó. Gánh nặng nhất cho ông sau đó là quyết định tha tội cho vị Tổng Thống tiền nhiệm là Nixon. Chính quyết định tha tội này đã khiến dư luân dân chúng Hoa Kỳ thời bấy giờ trở thành bất lợi cho ông đến độ ông không ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Trong tình cảnh đó, ông đâu còn lòng dạ nào nghĩ đến những người tù chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến mà ông không trực tiếp can dự.

Kế Gerald Ford là Jimmy Carter. Vào Nhà Trắng, ông này bị phiền về vụ ông quyết định ân xá cho những thanh niên trốn quân dịch thời Nixon rồi tiếp đó là vụ 54 con tin người Hoa Kỳ bị bắt giữ tại Iran trong thời gian hơn 300 ngày mà phương thế giải cứu của chính phủ ông không thành công. Trong bối cảnh này, những người tù chính trị Việt Nam không nằm trong danh sách những quyền lợi trực tiếp của Hoa Kỳ nên tiếp tục bị bỏ quên. Tiếp theo Carter là Ronald Reagan (1981-1989).

Mới vào Nhà Trắng có 70 ngày, vào ngày 30 tháng Ba năm 1981, ông bị John W. Hinckley, một thanh niên mất trí, 25 tuổi, ám sát nhưng ông thoát chết sau 12 ngày nằm viện. Kế đó ông bù đầu lo vụ giúp Ba Lan trỗi dậy lật đổ chính quyền Cộng Sản tại nước này. Tiếp theo là kêu gọi Tổng bí thư đảng cộng sản Liên Sô là ông Mikhail Gorbachev kéo sập bức tường Bá Linh để nhìn Liên Bang Liên Sô tan rã. Rồi bản thân Reagan bị xính dính về vụ Iran-Contra. Trong cái mê hồn trận này, phải đến năm thứ 2 của nhiệm kỳ thứ 2 của ông thì hai tiếng HO mới được nghe nói đến. Đặt vấn đề cơ trời huyền diệu sang một bên, người ta có thể hỏi số phận của anh em tù cải tạo sẽ ra sao nếu ông R. Reagan không đắc cử nhiệm kỳ 2.

Ý nghĩa thật của 2 chữ H O được mang ra bàn luận trên mặt báo một thời gian khá lâu cho đến ngày 5 tháng 5 năm 2001, báo Người Việt số 5628 có trích đăng một tin liên quan đến hai chữ H O trong đó, cựu tướng Hoa Kỳ , ông John W. Vessey Jr. lên tiếng, nói rõ ý nghĩa của hai chữ H O là Humanitarian Operation. Từ đó độc giả mới thôi thắc mắc về danh xưng của chương trình này. Nhưng còn về nguồn gốc của chương trình thì sao?

Ông cựu tướng Vessey chỉ là người theo lời tự thuật là vào năm 1987, ông được Tổng Thống Reagan nhờ đi Việt Nam thương lượng với nhà cầm quyền Cộng Sản lúc bấy giờ để họ thả những tù chính trị và  cho họ tự do đi định cư nước ngoài. Do đó, ông Vessey không phải là người khởi xướng.

Rồi ngày 14 tháng 4 năm 2005, trên báo VIETNAM-U.S. Today có bài của ông Giao Chỉ viết về một nhân vật thứ hai có liên hệ đến chương trình HO. Đó là ông Robert Funseth, cựu phụ tá thứ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ, người ngày 30 tháng 7 năm 1989 “đã đặt bút ký bản thỏa ước với Hà Nội để lấy tù cải tạo ra khỏi trại và lần lượt bốc đi Mỹ.” (Ngưng trích)

Cũng giống như cựu tướng Vessey Jr., ông Robert Funseth chỉ thủ vai trò thừa hành ở giai đoạn cuối, sau ông Vessey hai năm. Như vậy, người chủ động trong vụ này hẳn là Tổng Thống Reagan. Nhưng tại sao phải chờ đến những 2 năm khi ông vào Nhà Trắng nhiệm kỳ 2 để làm việc đó? Phải chăng việc này là để chứng minh cho câu ông nói " Thượng Đế có chương trình cho mỗi chúng ta?"

      Từ tháng Tư năm 1975 đến 1986, anh em tù nhân bị giữ trong các trại tập trung tại các miền Nam, Trung cũng như Bắc tính chung là 11 năm. Con số 11 có nghĩa những ai còn sống trong số người tù cải tạo đó, đã phải ba lần được trại giam phát giấy bút làm đơn xin “tiếp tục ở lại trại thêm mỗi lần là ba năm để hi vọng được cải tạo thành người tốt.”

Đa số anh em nào tự xét không có thân nhân giữ chức quyền quan trọng trong chế độ Cộng Sản lúc bấy giờ để hi vọng được họ bảo lãnh cho mình ra tù thì tự xem như  mình bị “sumaco,”  tức là rục xương (trong tù) như cá mòi hiệu SumaCo của xứ Maroc sản xuất trước năm 1975. Trong suy tư và nói năng hàng ngày, không ít anh em trong số tù nhân lương tâm này xem mình như đang nằm trong mồ mà nói vọng ra. Ngày được gọi tên ra trại là một thứ gì rất chi là hư ảo.

     Một hôm lối giữa năm 1986, có phái đoàn cao cấp của Bộ Nội Vụ Cộng Sản đến thăm tại trại tù. Sau khi khách ra về thì cán bộ Văn Hóa của trại cho biết: “Trại sẽ thành lập một phòng Văn Hóa giúp anh em trại viên bồi dưỡng kiến thức cho biết thế nào làà Xã Hội Chủ Nghĩa.”

Phòng Văn Hóa này có sách báo, một số nhạc cụ dây, gió, và gõ, thứ nào cũng thuộc loại “đắc tự tha nhân” hay là xái nhị, tức thứ có người dùng qua rồi. Rồi chừng tháng sau đó thì phòng Văn Hóa của trại có sẵn báo ngày và báo tuần cho anh em tù nhân nào thích đọc thì đọc.

Một hôm nhân ngày nghỉ, tôi theo vài anh em sang Phòng Văn hóa thì thấy có mấy tờ nhật báo Quân Đội Nhân Dân nằm trên bàn. Cầm lên một tờ, mở ra thấy trang đầu có tin một cột chừng hơn hai trăm chữ với cái tựa “bắt mắt” ngay lập tức: Tên Tổng Thống Reagan Láo Xược!  Có thể ông Bùi Tín còn nhớ cái tựa này, vì lúc bấy giờ ông là phó chủ nhiệm tờ nhật báo nói trên  .

     Nội dung của mẩu tin đại khái cho biết mục Nghị Luận của tờ báo Le Point (Quan Điểm, hay là Quả Đấm) của Pháp có bài viết với nội dung đại ý “ Người Pháp coi thế mà 'ngon' hơn người Mỹ về mặt nhân đạo. Năm 1954, khi ký Hiệp Định Genève chia đôi nước Việt Nam thì người Pháp còn cố dành đến 300 ngày giúp người dân hai miền tự do tìm nơi cư trú cho mình. Người Mỹ khi tháo chạy khỏi Việt Nam hồi tháng 4 năm 1975, đã bỏ lại hàng trăm ngàn người miền Nam phải bị vào tù, nhiều trăm ngàn người khác phải vượt biên thành nạn nhân của hải tặc, không thì bỏ xác trên biển, trong rừng.” Tên Tổng Thống Reagan khi biết tin này bèn láo xược nói rằng, “ Ai nói chúng ta bỏ quên các chiến hữu đồng minh Việt Nam của mình là người đó chưa thấy những gì người Mỹ chúng ta sấp làm cho những vị anh hùng đó. "

Một anh em từng là chuyên viên khai thác tin tức trong quân đội miền Nam trước kia, khi xem tin đó bèn nói " Sấp có biển chuyển lớn!" Tiếp đó, anh ta nói đại ý “ Tổng Thống  Reagan xuất thân tài tử đóng phim cao bồi, mà tính ông ta thì cũng thuộc hạng gà chọi có tiếng. Ông vừa vào Nhà Trắng là Iran phải lo mà thả 54 con tin Mỹ bị họ cầm giữ hơn 300 ngày dưới thời Carter.”

Trong anh em, ai nghe nói thế cũng bán tín bán nghi.
Nước Mỹ có nhiều vấn đề to lớn với tầm vóc quốc tế. Trong công cuộc làm ăn theo kiểu tư bản, khi thấy không lời là họ xóa bài làm lại rồi quên luôn dĩ vãng. Những người tù lương tâm Việt Nam lúc bấy giờ đang nằm trong cái dĩ vãng khó chịu này của người Mỹ.

Thế nhưng, chỉ hai tuần sau đó thì cũng báo Nhân Dân đăng tin “ Cựu tướng Hoa Kỳ tên John W. Vessey Jr. sang Việt Nam nói chuyện... về tù binh Mỹ mất tích và hài cốt lính Mỹ còn tại Việt Nam.” Anh bạn tù gốc tình báo đó lại nói: "Thấy chưa? Nói là thế nhưng khi vào bàn họp thì hồ sơ tù chính trị Việt Nam sẽ được mang ra mà nói với nhau."
Có người hỏi: "Nói cái gì?" Anh ta tiếp ngay: " Nói nhiều thứ nhưng điểm chính là một bên ra giá rồi một bên mặc cả so đo cao thấp, kéo dài sốt ruột, nhưng có 'ánh sáng cuối đường hầm' rồi. Cứ tin đi."

Sau đó gần một tháng, anh bạn khác của tôi nhận một thư chui, bên trong có một tấm hình cỡ  bưu ảnh (Carte postale), trên đó có hình chụp khoảng vài chục nhà đồng dạng, cất trên một dải đất cạnh bờ sông và phía sau có khu rừng cây rất đẹp. Phía lưng của tấm hình có mấy hàng chữ người con lúc đó đã định cư ở bang Virginia, Hoa Kỳ, viết:” Đây là khu nhà cất dành cho ba và các bạn của ba sau khi ra khỏi tù rồi thì sang ở.”

Dòng chữ đó là một liều thuốc bổ theo anh em trong tù nói là “có chất lượng tốt.”
Một anh gốc sĩ quan ngành Công binh ra vẽ hiểu biết, nhìn những nhà trong tấm ảnh đó rồi nói:" Nhà cất theo kiểu tiền chế, phải có người vào ở ngay. Để lâu thì nhà sẽ bị hư vì mốc meo."

Lời của ông bạn này có nghĩa ngày anh em ra tù sẽ không còn xa! Tin thời sự nóng bỏng này kéo theo những việc lạ khác.

Tại nơi chúng tôi bị giam giữ lúc bấy giờ, chỉ tiêu lao động dành cho trại viên bỗng nhiên thành nhẹ hơn trước. Anh em trong các đội lao động được điều từ ruộng rau xanh dưới ruộng lên đồi đi "chăm sóc" vườn chuối, rừng mơ, rừng mít, ruộng lạc.

Ngày đội đi chăm sóc vườn chuối, anh em nghe cán bộ nói: " Anh em bây giờ làm cỏ các gốc chuối, cắt những lá khô gom vào một chỗ. Khi cắt lá khô thì nhớ đề phòng ong nó đốt sưng cả mặt đấy, mấy anh nhé." Rồi tiếp: " Những buồng chuối già thì bẻ cổ nó xuống, dùng chính lá của cây chuối đó phủ lên. Khi chuối chín thì thu hoạch mang về kho, mấy anh nhé." 

Ý trên đây nghe khá lạ tai. Từ nhiều năm trước đó, chuối được nhà nước sấp vào loại cây lương thực. Trái khi mới già còn xanh thì được dùng nấu chung với gạo thành cơm độn chuối, hay chuối độn cơm tùy thời vụ.  Chuối độn cơm thì gồm chín phần chuối một phần cơm. Còn cơm độn chuối thì ngược lại. Do đó mà việc để chuối chín trên cây mang về kho để dùng ăn tráng miệng hay phơi khô là việc lạ.

Rồi khi còn một hôm nữa đến ngày thu hoạch chuối mang về trại, cán bộ nhắc, nói: " Ngày mai thu hoạch chuối thì không anh nào trong đội ta khai bệnh ở nhà, mấy anh nhé." Rồi thêm: " Chuối nặng lắm, nên cần nhiều người gánh chuối, nhớ thế mấy anh nhé."

Ngày ra hiện trường để thu hoạch, cán bộ cho hạ gần chục buồng thật chín, cắt thành từng nải. Ba nải dành cho ba cán bộ. Còn lại thì anh em chia nhau mỗi người một nải, ngồi ăn tại chỗ; vỏ thì đào lỗ mà chôn cho kín. Hôm sau lại tiếp tục... thu hoạch cho đến hơn tháng thì toàn đội rời vườn chuối đi chăm sóc rừng mít cách đó khoảng 2 ngàn thước.

Nơi đây có trồng gần ngàn cây mít, cây này cách cây kia 5 mét, trái sai oằn. Rồi cán bộ lại chỉ cách thu hoạch mít mang về trại. Cách  thu hoạch mít thì hơi khác cách thu hoạch chuối.

Khi thấy gai trái mít nở tròn thì dùng cây nhọn chích vào vỏ. Nếu không thấy mũ trắng chảy ra thì là mít đã già. Anh em dùng dao hạ từng trái, mang chất vào một hang đá tại vách núi gần bên. Chất xong thì lấy lá cây xoan, có nơi gọi là cây sầu đông (Chinese berry), phủ lên càng nhiều càng tốt. Nhớ ghi dấu để biết chỗ mà tìm. Lá cây xoan phát ra sức nóng làm chín mít rất nhanh.

Vào ngày thu hoạch thì anh em ra hiện trường, đến hang núi moi mít trái ra, mỗi trái nặng khoảng 10 kí, được bổ làm hai. Mỗi cán bộ lấy một phần mang về chòi canh ăn riêng với nhau, còn lại thì mỗi anh em người cầm một phần ăn tại chỗ. Cán bộ nói: " Mấy anh ăn xong thì đào lỗ chôn vỏ. Hột thì gom lại tôi mang về kho dùng... làm giống cho mùa tới, mấy anh nhé.”

Nói là thế nhưng buổi chiều cán bộ mang thùng thiếc đựng hột mít đến khu gia binh chia nhau mang về luộc cho vợ con ăn để thêm no bụng.

Sau vụ mít thì đi thu hoạch lạc, mỗi anh mỗi ngày tự bồi dưỡng gần một nửa nón lá lạc luộc. Ăn xong thì cũng đào lỗ chôn vỏ. Bồi dưỡng bằng lạc chán thì sang rừng mơ tiếp tục chăm sóc. Mơ trồng ở rừng đó là mơ loại Hương Tích, mỗi trái to bằng đầu ngón tay cái, trong khi mơ Vân Nam thì trái to bằng đầu ngón chân cái. Loại mơ Hương Tích này mà dùng ủ với đường kiếng làm nước cốt rượu mơ thì hết sẩy.

Không lâu sau đó, một hôm, cán bộ quản giáo bỗng nhiên nói lớn với anh em trong đội: " Các anh mừng đi. Mỹ nó mua hết các anh rồi đấy." Hai hôm sau thì có tin trại trưởng bị... mất chức vì can tội... tham nhũng. Trại trưởng mới tự giới thiệu là người từ trại Hàm Tân trong Nam đến. Ông tập hợp anh em trại viên, nói: " Ban chỉ huy cũ của trại này hàng chục năm nay đã ăn vào lương thực nhà nước qui định dùng nuôi các anh. Mỗi tháng mỗi anh được phát 10 lạng thịt mà các anh đâu ai được hưởng. Nay chúng tôi bắt họ kể từ ngày mai, phải trả tổng số phần thịt đó lại cho từng anh. Mỗi anh sẽ nhận 60 cân thịt tươi.” Rồi hỏi: " Anh em muốn nhận thịt một lần hay nhiều lần?"
Anh em đề nghị mỗi tuần mỗi anh nhận một cân thịt. Ông ta đồng ý.

Hôm sau thấy nhiều xe tải chở đến hàng trăm con heo. Trại mổ thịt ngay, và mỗi trại viên nhận cho 5 cân mỗi ngày, và nhận cho đến bao giờ đủ số 60 cân thì mới thôi. Người địa phương thời đó đó có câu: "No dồn đói góp," tức là khi thì đói rã ruột, khi thì no quá sức no.

Thịt lãnh xong được anh em xẻ từng lát phơi khô, treo đầy sân, mùi mỡ bay khấp ngõ. Đó là chưa kể đến món sắn tươi trại mua mang về phát cho trại viên theo tiêu chuẩn mỗi người 5 kí/ngày. Không sao dùng hết, anh em mài sắn, lọc lấy tinh bột phơi khô làm bánh ga-tô ăn mệt nghỉ, còn dư thì dành cho những ngày mưa trong năm tháng kế tiếp.
Đó là những sự lạ trong trại giam vào năm 1987. Đến đầu năm Mậu Thìn, 1988, thì đại đa số anh em được cấp giấy ra trai. Sau khi nhận lại quí kim, tiền ăn đường, và vé tàu hỏa, anh em được quân xa chở đi ga Phủ Lý. Từ đây anh em đáp tàu hỏa xuôi Nam về nhà mà không bị quản chế như những anh em được tha về trước đó.

Về nhà được non tháng thì một hôm bỗng nhận được một thư gửi từ Mỹ, do Hội Bảo Trợ Tù Nhân Chính Trị Việt Nam gửi chúc mừng được ra trại. Anh bạn cựu tù với tôi ở gần nhà khoe cũng nhận được lá thư tương tự. Tôi hỏi anh ta:" Sao cái hội này biết mình vừa mới được phóng thích, lại biết tỏng địa chỉ của anh em mình mà gửi thư mừng?"

Anh ta mượn xe đạp chạy đi hỏi loanh quanh. Chiều về gặp tôi, nói nhỏ vào tai:” VC đã trao cho Mỹ danh sách có tên và cả địa chỉ anh em tù vừa được tha. Trước ngày anh em mình ra trại một hôm thì  người Mỹ đã có danh sách đó rồi. Họ ... làm ăn lâu nay với nhau mà mình đâu có biết gì.”

Rồi anh ta hỏi tôi:” Anh có ngờ cái tin 'xe cán chó' mình đọc ở trại Nam Hà về vụ ông Reagan 'láo xược' đó có  liên quan gì đến vụ mình được phóng thích hay  không?”
Tôi nghe mà không trả lời được câu hỏi này.

     Và đến năm 1990 thì chương trình HO bắt đầu hoạt động, giúp đưa anh em cựu tù chính trị định cư ở một nước thứ ba theo ý thích. Thế nhưng, liệu một cột báo nhỏ trên tờ Le Point của Pháp đã khai nguyên được cả một chương trình HO hay sao?

Đọc lịch sử thế giới, ta thấy có khi chỉ vì một việc cỏn con mà làm nổ đại sự với hệ quả không thể tưởng nổi. Tháng Ba năm 1714, thời vua George III nước Anh , tại phố Boston thuộc Bắc Mỹ ngày nay có một vụ tranh chấp giữa dân thuộc địa người Mỹ và quân viễn chinh Anh.  Lính người Anh bắn một phát súng "vang rền cả thế giới năm châu." Cư dân Mỹ tên Crispus Atturks ngả ra chết. Phát súng này đã dẫn đến cuộc đấu tranh của dân chúng địa phương giành được nền độc lập cho Hoa Kỳ. 

Tại Đông Âu hai trăm năm sau, ngày 28 tháng Sáu năm 1914, một thanh niên người Slave thuộc Serbia bắn một phát sung, giết Công tước Francis Ferdinand của triều đình Áo-Hung (Austro-Hungary) mà rồi cuộc Thế Chiến I xảy ra làm vong mạng hàng nhiều triệu người.

Ngày 1 tháng 12 năm 1955, tại thành phố Montgomery bang Alabama, Hoa Kỳ, cô thợ may da màu 42 tuổi tên Rosa Parks từ xưởng may dùng xe buýt về nhà. Trên xe đông người, vì từ chối nhường chỗ cho một người da trắng, cô bị Cảnh sát bắt rồi thả ra. Sau đó bị mất việc, cô phải đi vùng Chicago bang Michigan, Hoa Kỳ mà sinh sống. Hành động phản kháng sự kỳ thị màu da của cô đã làm dấy lên phong trào tranh đấu cho mục sư Luther King, giúp cho nước Mỹ từ năm 1960 trở đi có một bộ mặt nhân quyền khác xa với nước Mỹ trước đó.

Gần chúng ta hơn, trong cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa Nikita Khrushchev và John F. Kennedy tháng 6 năm 1961, tại Vienna nước Áo, Khrushchev  hăm he sẽ lấy đánh chiếm luôn cả thành phố Berlin. Vì một lời vu vơ này  mà John F. Kennedy phải giết nền Đệ Nhất Cộng Hòa miền Nam để đổ quân lập đầu cầu chiến lược tại Đông Nam Á nhằm thị uy với Liên Sô. Theo ký giả David Halberstam trong The Best and the Brightest, nếu Khrushchev phá bĩnh ở Bá Linh thì Kennedy bắt buộc phải đánh trả, đồng thời chơi theo kiểu nhà giàu, mở thêm một mặt trận ở Đông Nam Á, uy hiếp các nước chư hầu của Liên Sô. Nhưng Kennedy đã đánh giá sai con người của Khrushchev.Cái điều tối đa ông này có thể làm sau lời hăm dọa đó chỉ có là xây bức tường Bá-Linh vào tháng 10 cùng năm là hết (2).

Ngày 28 tháng 10 năm sau, năm 1962, khi Kennedy dọa làm lớn chuyện trong vụ các hỏa tiễn Liên Sô đặt ở Cuba thì Khrushchev lùi bước khá ngoạn mục. Vì cái bước lùi này mà về sau, người ta tin rằng, nếu còn sống, ông Kennedy sẽ rút quân Mỹ ra khỏi Việt Nam vào muộn lắm là năm 1965, vì ông ta đã đạt được mục tiêu chiến lược đối với Liên Sô, nghĩa là nước Mỹ không còn ở vào thế yếu do vụ thất bại ở Vịnh Con Heo Cu ba, tháng Tư năm 1961, sau  khi Kennedy vào Nhà Trắng chưa xong ba tháng trăng mật!

Hậu quả của việc Kennedy đánh giá sai đối tượng của mình là Khrushchev, đã đưa đến cuộc đổ quân ồ ạt vào miền Nam, và nước Mỹ phải làm 10 năm chiến tranh từ 1965 đến 1975 để rút lui dưới chiêu bài thua trận rồi cho xây bức tường đen tại Washington D.C. gọi là tri ân hơn 58 ngàn tử sĩ. Và cho đến bây giờ nước Mỹ vẫn còn mang cái gọi là "hội chứng Việt Nam," điều mà mỗi lần Mỹ sấp động binh, dù đúng hay không, là có người mang ra để hù dọa hay đặt câu hỏi "Nên hay Không nên."

Và xin nhắc lại lời nói của cố Tổng Thống Ronald Reagan, “ Thượng đế có một chương trình cho mỗi chúng ta.” Ngoài ra cũng có câu rằng, "Cái gì đến thì nó phải đến". Và trong cái gì đó có cái gọi là chương trình HO hay chăng?

Tiểu Đĩnh


 

(1) Zek, tiếng Nga chỉ người tù chính trị bị đày đi Tây Bá Lợi Á. Người Bắc quen gọi anh em tù cải tạo sau năm 1975 là “tù dế́t”.
(2)  “Vietnam Looks Like The Place” do Dommen và Cheryl Weisman, bài đăng trong Naval Institute Proceedings Sept/Oct, 1993.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2009