Xuân Canh Dần - SỐ 45 - THÁNG 2 NĂM 2010

 

CĂN NHÀ SAU CỬA BIỂN

(tiếp theo)

10.

Mây chiều xám ngắt trên bến nước cuối ngày. Con đò dọc đưa anh Niên về lại nhà cập vào bến lúc bầy ghe xóm chài đang sửa soạn ra khơi. Bạn chài đứng dưới những cánh buồm vá víu  ái ngại nhìn Niên ốm yếu trở về.

Tinh anh không còn, anh Niên rạc gầy tiều tụy đứng trên dốc cát, đôi mắt hõm sâu không hồn ngơ dại nhìn quanh. Nắng chiều hắt đọng bóng anh trên nền cát như một nhánh cây khô khẳng khiu trên khoảng cát vàng lổ đổ dấu chân người. Niên chỉ còn là cái xác phàm như ma đói trở về, tinh anh đã bị rừng rú hớp mất rồi. O Đà nước mắt lưng tròng nhìn Nữ lắc đầu buông tiếng thở dài. Họ chậm chạp dìu Niên những bước cuối cùng trên lối cát về nhà. Cuộc hành trình đã quá xa cho mỗi phận người.

Chuyến đi bắt đầu từ đêm ghé thăm mẹ con chị Vê bên Cảng Chân Mây. Nhịp sống thương đời và giọng cười thủy tinh của chị cùng ánh mắt rộn vui của cháu Thiếu-Anh theo Nữ suốt chặng đường dài là nỗi vui sẽ sàng an ủi nàng những lúc lòng nản chân buông. Hai o cháu qua Túy Vân vào Nam Đông rồi đi vào vùng núi rừng xanh thẳm Trường Sơn. Họ tìm theo bước chân đoàn người lao động do Thanh Niên Xung Phong quản lý. Đi sâu qua vùng A Lưới, họ mới biết là tin tức trao đổi với người cán bộ phòng giáo dục, bạn học cũ của anh Niên, đã quá cũ. Hai o cháu lại quày quả tìm đường đi lên vùng đất Nam Lào bằng mọi phương tiện tìm được từ xe đạp thồ cho đến xe trâu, cởi voià May mắn họa hoằn là lần được nghỉ chân trên chuyến xe đò chạy than un khói ì ạch chạy qua vùng thung lũng Khe Sanh. Lúc hai người tìm gặp được đoàn người đốn quế, tìm trầm trong vùng núi Bản Đông cũng là lúc Nữ hay tin xấu về Niên từ những người bạn đồng hành cũ của anh. Anh Niên vướng bệnh nặng đã bị bỏ lại đưa về một trạm xá vùng núi Tây Nam Thừa Thiên.  Nữ ứa nước mắt nhìn nhóm thanh niên ốm yếu trước mặt. Họ là những người được coi là khỏe mạnh phải tiếp tục lao động vậy anh Niên đang bệnh nặng chắc tình trạng sức khỏe đã suy sụp trầm trọng lắm rồi. 
Chặng đường mòn thời chiến tranh đưa hai o cháu về lại phía Nam càng thâm u và dài lê thê vì vướng nặng thêm nỗi lo về bệnh tình của anh. Cô gái người Tà Ôi làm việc ở trạm xá A Sau dẫn hai người ra một láng tranh ở mép rừng dựng khá xa dãy nhà chính. Cô y tá chỉ tay về những người bị cột tay chân vào giường bằng dây vải ở đầu láng. Cô giải thích phân bua bằng âm giọng lơ lớ của người miền núi.

 - Mấy anh này ồn và hung lắm. Phải cột lại nếu không là họ cắn, cứ bỏ chạy đòi về xuôi.  Chỉ một mình đồng chí Niên là hiền thôi. Nằm im cả ngày, không nói chi hết. Tội lắm.

Nữ khóc òa ôm chầm anh Niên ngồi bất động trên mép giường tre. Anh gầy yếu, mắt ngơ dại pha nỗi bi thương mơ hồ, hình như chẳng hề thấy đôi mắt nhòa lệ của em gái. Ánh mắt sửng dại đó đã theo xác thân tàn tạ im lìm bước qua nương đồi, đầm phá, xuôi con đò dọc về lại căn nhà sau cửa biển đùm bọc yêu thương.

O Đà nấn ná ở lại chờ ngày giỗ của anh và cũng vì không đành bỏ lại đứa cháu gái một mình với người anh gầy yếu bệnh tật. O săn sóc tắm gội, chăm bón từng miếng ăn cho anh Niên, cho đứa bé mà ngày xưa đã có lần o trốn nhà theo trai bỏ nằm nôi đói sữa một mình. Nữ thì ơn hưởng được sự săn sóc quán xuyến của o Đà, lòng càng nhớ những ngày còn có mẹ cha, có anh Niên tỉnh táo tinh anh. O giúp Nữ mướn người câu điện từ xóm chài về và đào sâu thêm giếng nước gắn bơm kéo nước vào nhà. Những xâu cá nục, cá thu bạn chài kín đáo để trước hiên nhà thơm lựng từng buổi cơm chiều.

Dịp dì Chanh, cậu Chấn từ Quế Sơn xuống thăm cháu, cậu có mời theo một người bạn trước là bác sĩ quân y miền Nam vừa đi cải tạo về đến thăm bệnh anh Niên. Ông trầm ngâm nhìn Niên đang sợ sệt ngồi bó gối trong góc giường. O Đà bứt rứt hỏi dồn.

- Tui nghe mấy người sắc tộc trên trạm xá A Sau nói vì cháu làm động núi động rừng sao đó hay là bắt-cái-nước làm thất tình một cô xà-rông nào đó nên bị ngải thư.

Người bác sĩ quân y lắc đầu cười.

-Nếu vì làm bức động núi rừng mà bị thư thì cả triệu bộ đội vượt Trường Sơn đã bị thư ráo trọi rồi.

O Đà quấn lại cái khăn rằn, gân cổ cải.

- Vậy là ngay chang rồi.  Ngày ba mươi tháng tư tui dẫn con chạy loạn, lính quýnh lạc qua khu Ngã Tư Bảy Hiền. Mấy cha nội giàn giá đi vô, cha nào cha nấy xanh lè như lá chuối thấy mà ớn.

Cả nhà cười vì cách giảng giải rất Nam Kỳ của O Đà. Người bác sĩ quân y chậm rãi.

- Tôi nghĩ là cháu đã bị sốt cao nhiều lần, ăn uống thiếu thốn, lao lực quá nặng, đồng thời có lẽ bị “sốc” nặng vì bị hành hạ đe dọa về tinh thần nhiều. Tui tin là với thời gian và sự săn sóc che chở của gia đình thế nào cháu cũng dần dần hồi phục được sự quân bình về tinh thần.

Anh Niên vẫn im lìm ngơ dại nhưng sức khỏe phục hồi dần, thân thể không còm nhom như mấy tuần trước đó. Tiếng nhạc êm đềm từ chiếc máy cassette nhỏ giúp tâm hồn nhẹ lắng với từng dòng kỷ niệm hạnh phúc tràn về. Nữ kiên nhẫn đọc từng tờ thư và chỉ cho anh nhiều hình ảnh của chị Nhi anh Dõng gởi về. Nàng trông ngóng bừng vui theo từng chút tia mắt đọng của anh trên những tấm hình cháu rạng ngời khuôn mặt trẻ thơ.  Những ngày này lòng Nữ vui theo cảm giác nôn nóng về nhà trên chuyến đò dọc cuối ngày. Nàng xăng xái ra chợ mua sắm sau ngày làm việc vất vả. Trong lòng thuyền rì rầm tiếng máy tàu xang gió, giỏ thức ăn cho người thân bên người và nỗi lòng mở ngỏ cho nhớ thương người xa tìm về thầm thì hạnh phúc. Thôi thì hãy vui với những gì còn có được, phải không Tuân?  Mấy hôm trước, chị Quế tìm đến hợp tác xã hỏi thăm về bệnh tình của anh Niên. Chị ngại ngần.

-  Tôi định vài hôm tới đây sẽ bồng cháu Hia ra Xuyên Thọ cho cháu thăm Bà Hai trước khi o Đà vào lại trong Nam. Cháu vẫn thường gọi o Đà là Bà Hai. Nhưng tôi chỉ đi được vào buổi trưa, không biết có tiện cho Nữ không? Và cũng xin đừng nói cho ai biết.  Cũng đã tới lúc chị nên bồng cháu ra thăm anh Niên. Có điều không biết anh ấy có còn trí nhớ nhìn ra chị hay không đừng nói chi tới...

Nhìn đôi mắt rưng lệ của Quế, Nữ bỏ lưng câu nói rồi chợt cầm tay chị khóc theo. Quế vỗ về, có lẽ cho cả chính mình.

- Mỗi người chúng ta chỉ là một thân phận nhỏ bé trong dòng xã hội đầy nghịch cảnh. Có điều Nữ là một cô gái cang cường, chị rất khâm phục. Có lẽ cuối cùng rồi  trong thâm tâm mỗi chúng ta ai cũng biết rõ là không thể ôm đồm, có tất cả . Phải chi mà chúng ta sống được trong mơ.

Hôm sau chị Quế bồng cháu Hia đến cho Nữ thăm. Trong căn phố kín đáo của người bạn của mẹ, họ quầy quần bên cháu bé trai liến thoắng.  Buổi trưa hạnh ngộ bất chợt đến rồi trôi qua như một giấc mơ hạnh phúc mà đau đớn tuyệt vời. Nước mắt Quế ràn rụa.

- Ngày mai chị sẽ bồng cháu ra cửa biển thăm anh Niên một lần. Mong em hiểu, nếu đây không phải là lần cuối cùng em gặp cháu thì có lẽ cũng phải rất lâu nữa trong tương lai mới có dịp trở lại. Ai rồi cũng muốn được ở yên với cuộc đời của mình, phải không em?

Giỗ cha đến sau ngày trời vừa ngớt cơn bão đầu mùa.  Bà con từ Quế Sơn xuống cúng anh. Dì Chanh bận bịu mắm rau cho cháu, luống cuống bước lên bến đò chênh vênh  nước đầm sông cuồn cuộn chảy.  Triền dốc cát còn ngấm mưa rịn ướt từng bước chân ngược gió. Khu nghĩa trang nằm im lìm dưới trần mây thấp, sa sầm những sợi mây vướng gió tả tơi. Gia đình đứng quây quần bên mộ người thân nghi ngút khói hương.  O Đà khóc sướt mướt phần nhớ thương người anh vắn số phần sắp phải xa lìa hai đứa cháu mồ côi. Những ngón tay run run của đứa cháu mất trí chợt víu chặt lên vai khiến O trấn tĩnh quay nhìn. Qua màn nước mắt  O Đà thấy giọt lệ rưng lóng lánh trên màu đen hoang dại chìm dần.

O Đà trở vô Nam. O nấn ná ở lại căn nhà bên cửa biển để chăm sóc cho đứa cháu mất trí nhưng thời gian cứ trôi chẳng thể trì kéo được và lòng nhớ thương con vất vả trong khu kinh  tế mới núi rừng Dầu Tiếng khiến O đành phải trở về. Buổi sáng giã từ O đứng khóc phía ngoài căn phòng tối tăm. Anh Niên trần trụi trong cái quần đùi vải thô, nằm co trong góc phòng, tay gối đầu che mặt chìm đắm trong thế giới trầm u của mình. Màu da trắng nhờ nhờ trên thân thể bắt đầu béo ra trông Niên như một con heo. Ý nghĩ thoạt đến đau như một vết cứa khiến Nữ khóc òa.  Bà mẹ miền Nam nhìn hai đứa cháu côi cút, lòng thương giận trào theo tiếng khóc vật vã. Chiếc khăn rằn rớt xõa trên vai, O Đà bước vào phòng mở toang cửa sổ. Ánh sáng ban mai xuyên qua giàn mướp thưa lá cuối mùa, luồng sáng vàng ủng cắm xiên qua căn phòng đọng lại trên đống xác thân bất động. O kéo xốc Niên, cố gắng kéo anh ra khỏi phòng về phía cửa thông ra giàn mướp sân sau trong lúc thằng cháu điên loạn trì kéo chân giường để ở lại với bóng tối quen thuộc của mình. Sức mòn của bà mẹ chẳng thể nào kéo con ra khỏi vũng tối đọa đày. Bà ngồi ôm Niên. Tỉnh lại con ơi. Con phải nhớ lại mình là ai. Con phải nhớ cho ra quá khứ của mình. Con phải sống tỉnh táo. Con có biết con đã là một người cha hay không? Ăn rồi nằm như ri thì em mi, chị Nhi mi có giúp cách nào thì cũng đành chịu thôi con ơi. O Đà khóc kể, giọng O nhỏ lại thầm thì như mẹ ru con, những ngón tay chai sạm một đời vất vả vuốt ve khuôn mặt thằng cháu điên khờ.

Người đàn bà đi rồi. Người thanh niên bò về lại góc tối của mình, bò ra khỏi vùng sáng mặt trời làm hấp hay cặp mắt đã quen với thâm u. Anh ngồi như thế. Thật lâu. Ngồi chìm vào nỗi chờ đợi  bất giác mà thường trực những âm động xoáy vang cuồng nộ khiến cơ thể phải co rúm lại trong nỗi sợ dai dẳng triền miên. Anh nghe ngóng chờ đợi, mệt mỏi rớt chìm vào vùng trống rỗng mịt mùng. Vòm bóng tối đặc quánh núi rừng chợt nhen nhóm chút xanh nhạt của khoảng trời vừa hé xuyên qua tàng cây.  Hình như tiếng hò hét quát tháo, tiếng chân rầm rập đuổi chạy, tiếng súng, tiếng gào của sơn lâm,  tiếng rên cơn sốt rừng đốt bừng thân thể,  tất cả đang trườn xa chìm lặng mất tăm. Hình như anh vừa nghe được tiếng thở của mình và lưng tròng đôi mắt ướt.  Có phải giọt nước mắt vừa chảy ra từ sau một quá khứ hay chăng chút ngỡ ngàng trí nhớ vừa khơi. Vòm sáng nhạt dần mơ hồ hỗn độn những khuôn mặt dáng người, bóng thuyền trên dại dương mờ mờ hải đảo, mái hiên nhà , tiếng cười, tiếng gọi, tên người.  Anh cảm thấy bình an.

Lúc Nữ trở về nhà sau khi đưa O Đà ra bến xe về, anh Niên đã nằm ngủ say trên giường.

Vạt nắng chiếu xuyên qua cửa sổ lờn vờn trên khuôn mặt chưa tan vết chàm xanh rừng núi của anh mình.  Nữ tần ngần định khép lại cửa sổ nhưng thôi.

O Đà đi rồi, anh em  Nữ trở về lại những ngày vắng vẻ hẩm hiu. Mỗi ngày nàng thức sớm, nấu nướng dọn sẵn cho anh rồi hấp tấp theo ghe cá vào Phố cho sớm. Sau ngày làm việc ở hợp tác xã, Nữ lại vội vàng chuyện chợ búa rồi theo đò dọc về nhà. Mắt anh Niên có phần tỉnh hơn nhưng lúc chuyện trò với anh vẫn là độc thoại đau lòng.  Vào những buổi sớm lúc chim quang quác bay  ra biển, thức giấc nằm nghe chim bay rồi, trả lại thinh lặng cho phần đêm về sáng, thỉnh thoảng Nữ nghe như có tiếng khóc nhỏ thầm, có khi là tiếng động lạ lùng từ phòng của anh. Âm thanh sặc nghẹn hít hà nghe như tiếng loài thú kêu thương  khiến Nữ nóng bừng khi hiểu ra.  Nữ cười thầm khi nhớ lại lời của O Đà những ngày cuối còn ở Hội An. Cái thằng quỉ sứ, ăn no biết trửng mỡ rồi.  Cái ông quỉ. Nữ cũng thầm nghĩ như thế lúc cuộn sâu xoay người cố dỗ giấc ngủ.

Một hôm bà vợ người bác họ ghé lại hợp tác xã trao cho Nữ một thùng nhỏ thức ăn gồm gạo trắng, đường sửa.

- O Đà của cô đã vào Nam rồi, cô bận ở hợp tác xã chắc là neo đơn lắm. Cô mang tí thức ăn này về cho anh Niên cô.  Lúc rỗi việc ở cửa hàng mậu dịch, tôi sẽ ra phụ chăm sóc cho anh ấy.

Nữ tần ngần ngạc nhiên.

- Tiêu chuẩn thực phẩm của hai bác, anh em cháu không dám đâu.

Người bác họ nhìn quanh.

- Ông ấy có phần của ông ấy rồi.  Bẹo một tị từ cửa hàng thì có thấm vào đâu. Lần tới ra ngoài đó tôi sẽ mang thêm.-

Vào một buổi trưa, hợp tác xã hết việc Nữ về nhà sớm. Tiếng động lớn rập rờn từ trong nhà  khiến Nữ lo sợ vội vàng đi vòng qua ngả bếp vào nhà. Thân thể thỗn thện của người đàn bà trên anh Niên đang giữa cơn nhấp nháp giật động của một con cái vừa thỏa mãn làm hả trào từng tràng âm thanh của thú. Nữ hiểu ra lòng tốt của những gói thực phẩm ngoài tiêu chuẩn. Người đàn bà cuống cuồng những lời phân bua vô nghĩa lúc Nữ bỏ chạy ra khỏi nhà.
Ngồi dưới bóng dương trên bờ cát nhìn ra đại dương xanh im lìm bóng hải đảo xa ngắt chân trời, Nữ hít từng hơi thở thật sâu cố gắng lấy lại bình tĩnh.  Nữ nhớ lại lần tưởng mất đời con gái, nàng nghĩ tới người anh mất trí.  Có còn điều gì họ không thể làm?  Những con người đó. Nàng cắn môi suy nghĩ mà nước mắt ứa ra.

Tin người đàn bà mang thai con muộn và tiếng cười hả hê của lão bác họ xa từ cửa hàng bia hơi quốc doanh bên bến đò vào mỗi buổi chiều khiến Nữ càng phẫn nộ trong nỗi im lặng bất lực tận cùng. Nàng xuống đò ngồi im lặng nhìn bọt nước sông trôi lòng cũng nguôi ngoai theo tiếng máy tàu ấp úng rã rời. Bãi dừa nước trên cù lao Thuận Tình đọt mới xanh màu áo Tết lao xao trôi ngược về sau. Nước trôi. Phận người chìm trôi. Bờ tre phía Ô Lâu xa ngái dáng chiều. Dãi cát vàng Xuyên Thọ im lìm nằm chờ lau khô những ngày mưa rét. Dãy mộ chí sau lằn cát, hàng cây xương rồng gai sắc, lùm sim dại chờ hoa tím trổ. Nữ nghĩ tới bà Giáo Thông, nhớ tới Tuyên, nhớ ngôi trường nhỏ Hà Lam, nhớ tới tình thân và những con người  vẫn sống bên Trường Giang.  Nàng nhớ chị Nhi anh Dõng bên kia biển xa xôi, nhớ cha mẹ bà con. Nàng thương anh Niên, thương mình trong căn nhà thâm tình oan nghiệt.

Mấy ngày Tết trôi qua trong im vắng mà đầy tràn cảm động. Nữ cứ tưởng mình sẽ tiếc đã không về Quế Sơn thăm quê ngoại vì căn bệnh trầm cảm của anh, thế mà nàng đã trân quí từng giờ phút hai anh em bên nhau chia sẻ mối lòng nhớ thương cha mẹ. Mỗi buổi sáng anh em đều ra nhang khói thăm mộ mẹ cha. Nữ xúc động nhìn anh chậm chạp đắp từng vun cát lên mộ phần bằng đôi tay run rẩy của mình. Những ngón tay anh Niên bấu hờ lên vai Nữ lúc anh em về lại nhà. Niên mơ hồ tìm ra lại em mình. Đứa con gái có đôi mắt cương nghị và môi tươi. Trong bóng tối căn phòng hình ảnh em gái chợt  trở về sáng như trăng rằm trong vòm trí nhớ còn âm u xanh đọng lá rừng. Dáng em gái đạp xe qua cầu Phước Trạch, lúc em ngồi chờ anh trai trên nóc lô cốt lót lá dừa, dáng em nhu mì trong lòng đò lúc anh chèo chống qua đầm sông về nhà vào những đêm giữa mùa trăng.  Em Nữ của anh Niên đang ngồi đó trong tiếng hát vây quanh, gần gũi mà cách trở từ một trí nhớ còn mông lung trong thất lạc xa vời...Ta thiếp đi vì đêm tàn rồi. Bên khúc sông lạnh riêng mình ngồi. Ôm cánh hoa đọng ngát hương môi. Xa vắng cho lòng nhớ xa xôi...(Đợi chờ - Phạm Đình Chương).  Niên mở bừng mắt. Hình ảnh người thân trở về như khúc phim quay chậm làm căn phòng trí nhớ rạng lên làn ánh sáng mờ ảo vang vọng những tiếng lời thân thương và  âm động si mê đánh thức bừng bừng cảm giác.  Hình ảnh cha nghiêm nghị trầm tư trên con thuyền đánh cá những sớm mơi về bến. Bóng mẹ gầy trên bãi lưới Thuận Tình. Hình ảnh những đứa con gái trên bãi sóng Cửa Đại, dưới bóng trăng mờ hải đảo cuồng say. Dáng Quế bồng con, nước mắt lưng tròng đứng bên ngoài căn phòng tăm tối. Rồi chợt trong thảng thốt, tiếng gào của một con cái động tình hâm hấp tuột sâu vào thân anh cái xúc giác nhớp nháp khiến anh tỉnh táo rồi lợm giọng rùng mình.

Dáng đứa em gái vẫn ngồi trầm tư trong tiếng nhạc thánh thót rạt rào giúp Niên cảm thấy bình an. Anh bật sáng ngọn đèn chong rồi với tay cầm cây đàn vướng bụi. Ánh sáng. Tiếng đàn. Tiếng cười. Sự sống. Hi vọng.  Tất cả hồ như đang trở về từ một miên viễn xa xôi...

Người thanh niên cán bộ làm việc ở phòng giáo dục tìm đến Nữ vào một buổi tối sau Tết, giữa một cơn say.  Hắn năn nỉ, van xin. Sự cự tuyệt của Nữ đã triệt tiêu tất cả hi vọng hão huyền hắn có được qua những lần tự thỏa mãn một mình. Thân hắn sôi lên trong men rượu với ý nghĩ sẽ không còn gì cho dù là một cơn giật động bơ vơ.  Hắn điên cuồng dùng sức mạnh đàn ông bóp cổ cô gái vì nỗi sợ hãi cuối cùng đó. Nữ ngất  đi cùng lúc với cảm giác manh áo của mình vừa bị xé toạt... Lúc tỉnh dậy, nàng bàng hoàng nhìn quanh căn nhà trống vắng không một tiếng động.  Nữ sợ hãi vùng dậy tìm anh.

Sáng hôm sau, dân chài phát giác ra thi thể của anh Niên và gã thanh niên cán bộ bên bờ nước cách khá xa bến đò. Trên tay Niên còn bấu chặt con dao phay nhà bếp. Khẩu K54 của gã cán bộ nằm không xa cái xác một nửa chìm trong nước của hắn.

Mùa Xuân vẫn âm thầm đi qua.

(còn tiếp)

Phan Thái Yên

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2010