Xuân Canh Dần - SỐ 45 - THÁNG 2 NĂM 2010

 

KỶ NIỆM NHỮNG NGÀY GIỖ

Hà Bạch Trúc
(để tưởng nhớ cha mẹ mỗi dịp Tết về)

 

Những kỷ niệm đầu tiên của tôi hầu như đều gắn liền với những ngày giỗ. Thật vậy, ngược dòng ký ức trở về dĩ vãng, hình ảnh xa nhất mà tôi nhìn thấy chính là hình ảnh của gia đình tôi trên đường về quê để dự đám giỗ của ông nội tôi. Đó là những hình ảnh đẹp nhất, những kỷ niệm mang đầy mùi vị hạnh phúc và màu sắc của tình thương gia tộc. Mặc dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng trong ký ức tôi vẫn còn in đậm nét những hình ảnh êm đềm và ấm cúng đó.

Hằng năm cứ vào ngày mồng sáu Tết âm lịch là ba tôi lại chở cả gia đình về quê để dự đám giỗ ông nội. Ông bà nội tôi có mười người con. Tất cả đều lập nghiệp ở phương xa, rải rác khắp nơi từ Sàigòn đến các tỉnh. Ông nội mất sớm, nên tôi chỉ biết có bà nội.

Tờ mờ sáng tinh sương mẹ tôi đã lần lượt đánh thức mấy anh chị em tôi dậy. Mặc dù vẫn còn say ngủ nhưng chúng tôi đứa nào cũng cố gắng tỉnh dậy thật nhanh vì biết rằng ngày hôm nay sẽ vui lắm, sẽ được ăn uống no nê và nhất là sẽ được chơi đùa thỏa thích với các anh chi em họ hàng thân thuộc mà mỗi năm chúng tôi chỉ được gặp có một vài lần.

Mọi người lục đục lên xe. Trời vẫn còn tối, tôi còn nhớ là đèn đường chưa tắt, thế mà ba tôi năm nào cũng than trễ, bởi lẽ ông còn phải ghé qua đường Tôn Thọ Tường để mua vài món ăn đem về cúng ông nội: bánh mì “nóng dòn”, thịt heo quay và nhất là vịt quay là món mà ông nội hồi còn sống rất ưa thích. Rồi trên suốt đoạn đường từ Sàigòn về đến quê, năm nào ba tôi cũng kể có một câu chuyện, đó là câu chuyện về ông nội, về những điều ông thường dậy dỗ con cái, những việc ông hay làm, những điều ông hay nói, những món ăn ông ưa thích v.v…

Trời hừng sáng thì gia đình tôi cũng vừa đến nhà bà nội. Mọi người đã tề tựu về đông đủ; tôi thấy có mặt tất cả các bác, các cô, các chú của tôi. Năm nào cũng thế, mặc dù mỗi người sống một nơi, dù bận rộn thế nào đi nữa thì đến ngày này, tất cả mọi gia đình đều kéo về nhà bà nội để cúng giỗ cho ông nội. Thường thì các cô tôi đã về từ một hai ngày trước để phụ bà nội sắp xếp mọi việc. Trong nhà và ngoài sân, nơi đâu cũng đầy người.

Gia đình nào cũng có năm bảy người con cho nên đám trẻ là đông nhất. Giữa rừng người vừa lớn vừa nhỏ, vừa quen vừa không quen đó, anh em tôi phải đi tìm bà nội để chào bà trước hết, sau đó theo thứ tự, tìm chào tất cả các bác, các chú, các cô. Sau nghi thức đó, anh em tôi mới được tự do nhập bầy với đám anh chị em họ cùng trang lứa để cùng nhau chơi đùa thỏa thích trong khu vườn rộng thênh thang của bà nội.

Trong khi đám trẻ chơi đùa thoải mái thì người lớn cũng nhộn nhịp không kém. Ba tôi cùng với các bác, các chú và các anh em rể tay bắt mặt mừng, nói chuyện vui như pháo nổ. Ngòai những người thân trong gia đình còn có rất đông khách đến dự là những người quen, những người láng giềng, hoặc con cháu của những người đã từng quen biết ông bà nội tôi. Mọi năm họ đều nhớ đến ngày giỗ của ông nội để đến tham dự. Nếu vì lý do sức khỏe hay vì lý do gì đó không đến được thì họ cũng cho con cháu đại diện đến dự. Tôi thấy tất cả mọi người, từ bà nội cho đến ba tôi, các bác các chú các cô đều rất quý những người này. Năm nào có người không đến được thì ai cũng nhắc và hỏi thăm hết. Mặc dù còn nhỏ nhưng tôi cũng nhận biết được điều này và cũng cảm nhận được rằng đây là một điều hay ho đáng làm. Sau này lớn lên tôi mới hiểu được là điều này nói lên mối tương quan trong xã hội Việt Nam, được biểu lộ qua tình cảm bạn bè, qua tình láng giềng, nhà nào có việc thì mình có bổn phận phải đến chia vui hay chia buồn hoặc giúp đở khi hữu sự.

Mẹ tôi và các cô tíu tít trong bếp, vừa nấu nướng vừa trò chuyện, ồn ào náo nhiệt vô cùng. Mỗi người một món, ai cũng cố gắng trổ tài làm những món ngon nhất lạ nhất để cúng ông nội. Hình như mọi người đều nghĩ ông nội còn rất gần gũi với mọi người hay thậm chí vẫn còn hiện diện bên con cháu, cho nên ai cũng cố gắng làm những điều hay điều tốt cho ông vui. Mặc dù ông nội mất đã lâu nhưng nhờ những ngày giỗ như thế này, con cái vẫn còn tưởng nhớ đến ông rất nhiều. Nhiều lần tôi nghĩ giá ông nội nhìn thấy được cảnh này thì có lẽ ông vui lắm khi thấy con cháu tề tựu về đông đủ để tưởng nhớ đến ông, để gặp gỡ nhau, hàn huyên tâm sự hay kể cho nhau nghe những vui buồn, những khó khăn trong cuộc sống hầu chia sẻ hay giúp đỡ nhau khi cần thìết. Hoặc chỉ nhìn thấy cảnh con cháu hòa thuận với nhau là ông cũng đủ vui rồi.

Người vui nhất có lẽ là bà nội. Tôi thấy bà nội đi tới đi lui, chỉ huy chỗ này, sắp xếp chỗ nọ, gói ghém mấy phần bánh và trái cây để chiều nay sau đám giỗ khi mọi người ra về bà sẽ có quà cho tất cả mọi người. Bà nội hỏi han hết thẩy mọi người, từ con cháu đến những người khách đến dự; mặc dù rất đông người nhưng ai bà cũng biết. Rất nhiều năm, tôi thấy bà nội chờ dịp đủ mặt các con trong ngày giỗ để đưa ra những vấn đề quan trọng trong gia đình mà bà cần bàn với tất cả các con. Ba tôi hay các bác, các chú các cô cũng thế, ai có điều gì quan trọng để thông báo hay hỏi ý kiến mọi người trong gia đình, thì đều đợi đến ngày giỗ để đem ra trình bày.

Trong suốt những năm chiến tranh, mặc dù đường xá kém an ninh, mặc dù khó khăn trong cuộc sống nhưng năm nào ba tôi và tất cả anh chị em cùng cố gắng đưa gia đình về tham dự ngày giỗ ông nội. Năm nào cũng thế, không thiếu một người. Từ đó tôi hiểu rằng ngày giỗ đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Đám giỗ là dịp để con cái tưởng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha và biểu lộ sự tưởng nhớ đó một cách cụ thể, không những khi cha mẹ còn sống mà cả khi cha mẹ đã qua đời. Ngày giỗ cũng là dịp để anh em họp mặt với nhau, cùng nhau hồi tưởng đến cha mẹ, nhắc nhở tình cảm ruột thịt và truyền đạt tinh thần gia tộc đến tất cả các con các cháu thuộc nhiều thế hệ.

Rồi cha mẹ tôi cũng lần lượt qua đời. Theo tục lệ của gia đình, hàng năm tôi cũng làm đám giỗ cho cha mẹ. Vào ngày đó tôi xin nghỉ phép để ở nhà nấu mâm cơm cúng cha mẹ. Tôi thức dậy từ sáng sớm, lui cui trong bếp làm vài món ăn mà tôi nghĩ cha mẹ tôi ưa thích, vừa làm vừa hồi tưởng lại những kỷ niệm với mẹ cha. Tôi cảm thấy tinh thần thanh thản và ấm áp lạ thường, như thể những ngày còn được sống gần cha mẹ. Không gian và thời gian như dừng lại; những lúc đó tôi tìm được sự thăng bằng tuyệt đối trong tâm hồn. Tất cả chỉ nhờ vào một biểu tượng và một sự thể hiện rất đơn giản gói ghém trong ý nghĩa của một ngày giỗ.

Các bạn đồng nghiệp Hòa Lan của tôi đã chấp nhận từ lâu những ngày nghỉ giỗ trong năm của tôi. Họ không còn thắc mắc tại sao tôi không nghỉ làm để ăn mừng sinh nhật mà lại nghỉ làm để làm đám giỗ cho cha mẹ. Họ hiểu đó là phong tục tập quán của tôi nói riêng và của người Việt Nam nói chung, và họ tôn trọng điều đó. Họ cho đó là một điều tốt đẹp cần nên duy trì. Ngày giỗ chiếm một vị trí đặc biệt trong cuộc sống thường nhật của tôi ở xứ người.

Thời gian tôi sống ở Hòa Lan cũng ngang bằng thời gian tôi sống ở Việt Nam. Xa quê hương đã lâu, mải mê hội nhập vào xã hội Hòa Lan để xây dựng cho mình một cuộc sống, tôi đã học hỏi được nhiều điều hay của xứ người và có thể tôi đã quên đi nhiều điều về đất nước Việt Nam. Riêng có một điều tôi không bao giờ quên, đó là tập quán của những ngày giỗ Việt Nam. Kỷ niệm về những ngày giỗ là những hình ảnh đẹp trong tâm trí tôi, gợi cho tôi nhớ khung canh đầm ấm của gia đình sum họp, nhắc tôi nhớ tới cội nguồn và công ơn cha mẹ, chữ hiếu trong đạo làm con, tình thân ruột thịt gia đình và đạo nghĩa con người với nhau khi còn sống cũng như đối với người đã khuất. Chính những kỷ niệm này đã cho tôi niềm tin và sự tự hào dân tộc cũng như cho tôi sức mạnh tinh thần và nghị lực phấn đấu những khi gặp phải khó khăn trong cuộc sống.

Đối với người Việt Nam, ý nghĩa của những ngày giỗ đã thấm nhuần trong tâm tưởng của mọi người, sâu đến độ người ta không còn thắc mắc về ý nghĩa đó nữa. Cũng như đối với phần lớn những phong tục tập quán khác, người  ta chỉ làm theo mà không cần hiểu cũng như không cần giải thích. Nếu nói rằng Văn hóa là những gì còn sót lại sau khi đã quên hết*, thì ngày giỗ là một nét đặc thù của nền văn hóa Việt Nam vậy.

 

* La culture, c’est ce qui reste quand on a tout oublié. Edouard Herriot (1872-1957), nhà văn, s gia văn học Pháp.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2010