Xuân Canh Dần - SỐ 45 - THÁNG 2 NĂM 2010

 

Phiếm luận văn chương - kỳ 6

Tình yêu lý tưởng và tình dục

Nhớ lại thời còn ở trung học, giờ luận văn lớp đệ thất, đệ lục gì đó, tôi phải bình luận về một tác phẩm của một tác giả trong Tự Lục Văn Đoàn. Buổi chiều hôm đó sau khi duyệt qua nhũng sách xuất bản thời đó trong một tiệm sách ở đường Đinh Tiên Hoàng, Đa Cao, tôi chọn cuốn Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng. Có thể đó cũng là dấu hiệu báo trước một đời yêu văn chương nghệ thuật bắt đầu từ những lý tưởng mộc mạc về tình yêu và mộng tưởng. Cái thủa học trò ngây thơ đó vẫn tồn tại trong tiềm thức sau ba mươi năm. Tình yêu luôn luôn là một đề tài bất biến trong những bài thơ tôi từng sáng tác. Tôi còn nhớ lời phê bình của một người tình tuổi nhỏ : Tình yêu luôn luôn bàng bạc trong thơ anh.  Nói tới tình yêu là nói tới một thực thể có muôn hình vạn trạng. Ở đây tôi chỉ nói về tình yêu trai gái, một thứ tình đã làm điên đảo bao nhiêu người từ tuổi ngây thơ bồng bột cho đến những người đã đến tuổi xế chiều. Đã bao người nghệ sĩ, văn nhân đã từng định nghĩa tình yêu, nhưng tựu trung chưa ai tả đúng thực chất của tình yêu :

Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
( Xuân Diệu)

Nói tới tình yêu, ta phải nói tới sự khác biệt về quan niệm giữa hai phái nam và nữ, về tâm linh, về thể xác v..v...
Nếu phái nam dùng trí óc trong mọi sự việc xảy ra trong ngoài i chuyện tình cảm thì ngược lại, phái nữ sẽ dùng khối óc để quyết định liên hệ tình yêu. Đã có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng người đàn ông suy nghĩ bằng cơ quan tính dục trong khi đàn bà dùng khối óc để quyết định mọi vấn đề, trong đó có tình yêu. Có thể nói về mọi vấn đề, đàn ông thì bạo phát còn đàn bà thì tiệm tiến, cái gì cũng từ từ. Điều này khiến ta nhớ tới triết lý Đông Phương về sự khác biệt giữa Âm và Dương. Âm lạnh, chậm chạp, ở thấp nhưng tàn phá như nước. Dương nóng, xông xáo, nhanh chóng, ở trên cao, nhưng bạo phát, bạo tàn.  

Trở lại vấn đề tình yêu, tình yêu nhục thể bạo phát, bạo tàn hợp cho phái nam, trong khi tình lý tưởng, phát triển chậm, tiềm tàng nhưng chắc chắn, hợp với phái nữ. Quan niệm này là quan niệm cổ điển, có thể không hoàn toàn đúng khi áp dụng cho thế giới ngày nay.

Câu hỏi chân thực, liệu tình yêu lý tưởng có thể tồn tại nếu không có sự tham dự của tình yêu  nhục thể ?
Liệu tình có sống còn mãi mãi với những mộng tưởng hoặc những tình cảm đơn thuần.

Tình yêu bao giờ cũng nên là con đường hai chiều. Thế nên thực tế đôi khi phũ phàng, vì thế mà có lắm cuộc tình đi theo con đường một chiều. Tình đơn phương không kéo dài được bao lâu. Tình song phương cũng có vấn đề của nó. 
Trở lại đề tài tình yêu lý tưởng được mô tả trong Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng.

Ngọc là một chàng sinh viên đại học trong dịp nghỉ hè lên chùa Long Giáng do một người chú trụ trì tình cờ gặp chú tiểu Lan nghi rằng nàng là gái và để ý yêu thương. Chàng cố tìm ra manh mối và nhân dịp cùng đi sang chùa Long Vân lân cận, khám phá ra rằng Lan là gái. Hai người thề nguyện giữ bí mật, Ngọc hứa sẽ về Hà Nội để lại Lan tiếp tục đường tu. Có thể nói Khái Hưng trong Hồn Bướm Mơ Tiên đã mô tả một thứ tình yêu lý tưởng thời cổ điển. Cuộc tình lý tưởng đó có kéo dài được hay không, tác giả chưa hề đề cập đến. Câu trả lời nằm trong đầu óc của độc giả. Tác giả Khái Hưng từ lúc đầu đã cho biết trước Lan là gái ( Cái tên cũng đủ chứng minh). Đây cũng là một so hở làm mất đi sự ngạc nhiên kỳ thú khi độc giả tự khám phá ra yếu tố đó. Nhưng đây không phải là đề tài mình đang bàn cãi...

Thời 60 ở Sài Gòn, Việt Nam có Vòng Tay Học Trò của Nguyễn thị Hoàng.  Câu chuyện tình giữa cô giáo Trâm, dân trường Tây sống phóng khoáng, cuồng vội với Minh, chàng học trò trẻ, nhỏ hơn nàng hơn 10 tuổi, dân nhà giàu, ham chơi hơn ham học xảy ra trong khung cảnh Đà Lạt mù sương với những đồi thông chạy ngút ngàn với những quán ăn mơ mộng, và những họp đêm nho nhỏ, ấm cúng mang lại cho khách những phút riêng tư bỏ túi khó tìm ở vùng Sài Gòn đấy náo nhiệt.  Đối với Việt Nam thời bấy giờ, câu chuyện tình này là một chuyện tình táo bạo theo tiêu chuẩn Á Đông.  Tuy Trong suốt 11 chương, Nguyễn thị Hoàng chưa hề mô tả những giây phút trao tình nhục thể, nhưng bà cũng cho độc giả vài ấn tượng những gì đã xảy ra trong căn nhà nhỏ ven đồi của cô giáo Trâm những đêm dài khó ngủ khi nàng giằng co với chính mình giữa tình yêu và nề nếp luân lý xã hội. Nguyễn thị Hoàng có lối văn trần tình, tâm sự, thích hợp cho những diễn tả trạng thái tâm linh và đặc biệt bà áp dụng nét trầm bổng của âm nhạc như trong thuật làm thơ. Điểm này làm tôi thích lối viết văn của Nguyễn thị Hoàng thời đó. Mặc dù tôi chưa có dịp sồng trên Đà Lạt, tôi có thể cảm được những quyến rũ của Đà Lạt thời sáu mươi.  Trong vòng Tay Học Trò, Nguyễn thị Hoàng nhắc tới Tea and Sympathy, một vở kịch Broadway và cũng là một chuyện phim năm 1953 của Robert Anderson diễn tả tình yêu giữa một người đàn bà có chồng tuổi gần 30, thiếu tình săn đón từ ông chồng giáo sư và một chàng trai học trò của chồng, trẻ hơn nàng nhiều đang ở tuổi tìm hiểu tình yêu và tình dục và bị các bạn đồng học gán cho cái tên sister boy. Tài tử chính gồm có Debdorah Kerr đóng vai Laura Reynolds tuổi 28, 29, bà vợ ông giáo sư, John Kerr đóng vai Tony Lee, chàng trai 17 học trò của Bill Reynolds do Leif Errickson đóng. Vở kịch tương tự trình diễn ở nhà hát Paris do Ingrid Bergman và Jean-Loup Phillipe đóng. Trong Vòng tay Học Trò, Trâm đóng cả vai cô giáo và người tình của chàng học trò trẻ hơn mình ít nhất mười tuổi. Vài chi tiết tương tự được Nguyễn Thị Hoàng mô tả trong Vòng Tay Học trò khi Minh buồn tình đi tìm tình yêu nhục thể với một gái điếm. Bối cảnh của Vòng Tay Học Trò là bối cảnh của thời sinh viên những năm 60 trùng hợp với thời chiến tranh Việt Nam. Trâm là gái Huế, học trường Tây đã một thời trác táng ở Sài Gòn, muốn lên Đà Lạt để tĩnh tâm hoặc để quên đi một thời sống thác loạn. Minh là con nhà giàu lớn lên trong một gia đình Bắc bề thế, đang ở tuổi muốn tìm hiểu cuộc đời và tình yêu cũng như tình dục. Vì quen thói nhà giàu buông thả, kém kỷ luật, Minh bị cấm túc nhiều lần và bị nhiều giáo sư khác trong trường « đì » tối đa. Trâm, cô giáo sư trẻ đẹp nhất trường với lối sống tự do, liberated so với nếp sống gò bó của giới mô phạm cổ điển cũng là một mục tiêu của những gièm pha ngấm ngầm trong giới giáo sư trong trường, nhất là giữa phái nữ. Trâm hút thuốc, uống rượu mạnh và rượu vang ở nhà và ở những chỗ họp đêm bỏ túi trong thành phố Đà Lạt. Lối ăn mặc của nàng cũng táo bạo hơn so với những nữ giáo sư khác. Sự hiện diện táo bạo của Trâm cũng tạo nên chấn động thời thượng cho giới học sinh trai mới lớn đang ở tuổi mơ mộng, tìm hiểu cuốc đời. Trong giới giáo sư nam phái cũng có vài tên mê Trâm nhưng bị ràng buộc bởi tình cảng gia đình và luôn luôn muốn tìm lại những cảm giác tình yêu nồng cháy một thời đã mất. Nhưng đối với Trâm, những tên đàn ông ấy chỉ là những bóng ma quá khứ. Nàng đã quá chán chường với những tên đạo đức giả một đàng muốn lao theo thú đam mê một đàng còn ngần ngại vì nề nếp gia đình và xã hội, chơi mà chẳng dám chơi hết mình.  Trong Trâm có một cái gì bất mãn ngấm ngầm chờ dịp bùng nổ. Nàng ở cái tuổi trung niên còn nuối tiếc những ngày vui trẻ thủa trước, một đằng muốn được yên tĩnh nghỉ ngơi, một đằng muốn tiếp tục công phá lề lối xã hội đầy giả tạo. Thế nhưng Trâm chỉ là một thiểu số đơn phương trong một xã hội xô bồ đầy dẫy những lề lối giả tạo nhưng kiên cố được chấp nhận một cách tự nhiên của thế giới ngoài kia. Những nỗi cô đơn dày vò tâm tư và cơ thể của Trâm chỉ diễn ra trong căn nhà nhỏ bé trên sườn đồi. Nhân chứng của cuộc giằng co náy chỉ có hai người với nhau. Trâm chăm sóc Minh cũng như một người chị hoặc một người mẹ chăm sóc em, con. Trong mắt Trâm, Minh là hình ảnh của chính mình mười năm về trước. Đoạn kết tình yêu giữa cô giáo trung niên và chàng học sinh trẻ tuổi kết thúc bằng một buổi hẹn hò đong đưa không kết luận. Người đọc có thể mường tượng rằng hai người rồi cũng chia tay, mỗi người lại trở về với nỗi cô đơn cùng cực riêng rẽ.  Tình yêu nhục thể rồi cũng rã rời chìm đắm trong nỗi cô đơn cùng cực. Hai thân thể, hai tâm hồn quyện vào nhau trong phút giây cuồng nhiệt rồi cũng lìa xa, mỗi người một ngả, nghe tình yêu rên xiết, rã rời...Tác giả không xác nhân hai người có ngủ với nhau hay không nhưng người đọc dù thiếu óc tưởng tượng tới đâu cũng có thể tìm ra câu trả lời. Cuộc tình éo le ngang trái đó với nhiều trở ngại xã hội, luân lý cổ hủ thời đó cũng chẳng đi đến đâu. Trâm tìm đến Minh hoặc nói một cách khác, ngã vào vòng tay học trò của Minh chỉ để tìm một niềm vui chợt đến, bạo phát, bạo tàn, chỉ để khỏa lấp phần nào nỗi cô đơn của một người đàn bà đang cố trốn tránh những hồn ma quá khứ của những tháng ngày trụy lạc cuồng vội của Sài Gòn thời chiến tranh. Đà Lạt với những đồi thông chạy ngút ngàn, với những bờ hồ tình tứ mù sương rất hợp cho những tâm hồn đang yêu là nơi mà Trâm muốn chôn kín cuộc đời sau những tháng ngày vui chơi mệt mỏi. Thế nhưng Minh đã đến một cách tình cờ và vô tình lôi kéo Trâm trở lại những ngày tháng rong chơi thủa trước.

Từ đầu đến cuối, Trâm luôn luôn đóng vai trò chủ động. Nàng lúc nào cũng là một tâm hồn nổi loạn, muốn vùng lên đập phá những gông cùm đạo lý cổ hủ. Cuối cùng nàng cũng rơi trở về vùng thực tế đầy trống vắng, cô đơn. Độc giả có thể xem đây là một mối tình giữa cô giáo đứng tuồi và chàng học trò trẻ vừa mới lớn lên và đang học đòi làm người đàn ông sành đời hoặc độc giả có thể xem câu chuyện này chẳng qua là câu chuyện của hai tâm hồn cô đơn bị lôi cuốn vào cơn bão tình yêu nhục thể bạo phát, bạo tàn.
Câu hỏi là làm sao định nghĩa được tình yêu ?

(Còn tiếp)

Huỳnh Kim Khanh

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1999-2010